Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Thưa ông Bộ trưởng (Phạm Đình Trọng)




-Thưa ông Bộ trưởng (Phạm Đình Trọng) (e-ThongLuan)-
“… Tây Nguyên là đầu nguồn nước sinh sống của hơn bốn mươi triệu dân Việt Nam sống trên dải đất trải dài từ Trung Bộ tới Nam Bộ …”
Đón ý bề trên để bộc lộ tấm lòng trung thành, các quan chức đương nhiệm số đông đều hăng hái và kiên trì bảo vệ “chủ trương lớn của đảng” trong dự án khai thác bô xít Tây Nguyên! Quan chức hăng hái nhất là bộ trưởng bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên! Hăng hái đến mức nói năng liều lĩnh bộc lộ hiểu biết nông cạn, kiến thức văn hóa xã hội trống hụt quá lớn! Ông bộ trưởng đẹp trai, ăn ảnh, hùng dũng đứng giữa hội trườg Quốc hội tự tin khuyến dụ các đại biểu Quốc hội rằng:

- Tôi nói để các đại biểu yên tâm vì môi trường không thể nói chung chung mà phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Ở đây, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất!
Người dân vốn nhẹ dạ và Quốc hội vốn sẵn lòng tin vào Chính phủ. Nếu môi trường sống của người dân, môi trường văn hóa xã hội của đất nước được đảm bảo với chất lượng cao nhất thì quả thực người dân Việt Nam quá diễm phúc là có một Chính phủ có trách nhiệm với dân cao như vậy, làm sao không yên tâm! Nhưng đánh giá tác động môi trường được thẩm định như thế nào? Và tiêu chuẩn, tiêu chí môi trường của Bộ trưởng Nguyên là gì? Xin hãy nghe Bộ trưởng Nguyên giải thích:
Vị trí chiến lược của vùng Tây Nguyên
- Về lo lắng có phá rừng Tây Nguyên hay không? Báo cáo với Quốc hội, theo luật khoáng sản, tất cả chỗ nào là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa dân tộc dứt khoát không được cấp phép làm mỏ! Ôi chao! Nói như vậy là ông Bộ trưởng trông coi tài nguyên – môi trường của đất nước đã cho rằng rừng Tây Nguyên không phải rừng đầu nguồn, không có văn hóa dân tộc nên cứ việc phá rừng khai thác bô xít!
Thưa ông Bộ trưởng, trong thế đất tự nhiên, toàn bộ cao nguyên phía Tây khúc ruột miền Trung đất nước vẫn quen gọi là Tây Nguyên đã trở thành nóc nhà của cả bán đảo Đông Dương. Vì thế rừng Tây Nguyên không phải chỉ là rừng đầu nguồn của những dòng sông chảy về phía đông đổ ra biển Thái Bình Dương mà rừng Tây Nguyên còn là rừng đầu nguồn của những dòng sông chảy vế phía tây đổ vào sông lớn Mê Kông! Những dòng sông từ Tây Nguyên chảy về phía đông là sự sống, là màu xanh của cả dải đất miền Trung sỏi đá khắc nghiệt. Dòng sông Mê Kông cuồn cuộn phù sa màu mỡ tạo nên sự giàu có của vựa lúa Nam Bộ.
Tây Nguyên là rừng đầu nguồn của cả nửa phía Nam bán đảo Đông Dương, là đầu nguồn nước sinh sống của hơn bốn mươi triệu dân Việt Nam sống trên dải đất trải dài từ Trung Bộ tới Nam Bộ! Sáu tháng mùa mưa, một lượng lớn nước mưa được rễ cây rừng dẫn vào trong lòng đất Tây Nguyên để không có những trận lũ dữ, lũ quét cuốn trôi, quét sach nhà cửa, đất đai, hoa màu, cuốn trôi cả sinh mạng con người dưới đồng bằng Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Sáu tháng mùa khô hanh hao, nước trữ trong đất rừng Tây Nguyên lại là mạch nguồn vô tận tạo nên dòng chảy mát lành, hiền hòa và bền bỉ của những dòng sông miền Trung qua suốt mùa khô cháy khát. Nay để khai thác bô xít, cả dải rừng Tây Nguyên, hàng trăm ngàn hecta rừng đại ngàn, hàng trăm ngàn hecta vườn cây cao su, cà phê phải chặt phá, san ủi! Không còn rừng giữ nước, mưa nguồn ở Tây Nguyên thành lũ dữ sầm sập đổ xuống đồng bằng miền Trung! Những trận lũ ào ạt lút cả làng, lút cả phố ở Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi của mùa lũ năm nay là do rừng đầu nguồn Tây Nguyên bị cướp rừng phá trộm suốt mấy chục năm nay và bị các dự án rầm rộ, quyết liệt triệt hạ rừng làm thủy điện, triệt hạ rừng khai thác bô xít theo giấy cấp phép của bộ Tài nguyên – Môi trường đấy, thưa ông Bộ trưởng!
“Tất cả chỗ nào là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa dân tộc, dứt khoát không được cấp phép làm mỏ” Hàng trăm ngàn hecta rừng đại ngàn Tây Nguyên bị đốn hạ để khai thác bô xít là không có văn hóa dân tộc sao, thưa ông Bộ trưởng?
Thượng nguồn ở rừng Nguyên Sinh
Nông cạn về môi trường tự nhiên, ông Bộ trưởng càng thiếu hụt hiểu biết về môi trường văn hóa xã hội! Người dân sống với sóng gió bão tố biển khơi hết thế hệ này sang thế hệ khác mới tạo ra được kho tàng văn hóa dân gian mang hồn biển cả.
Chiều chiều sóng dậy biển đông
Thương gái có chồng đi lính Hoàng Sa

(Ca dao ở vùng ven biển Quảng Ngãi).
Câu ca dao đó là một hạt ngọc lấp lánh trong kho tàng đồ sộ của văn hóa dân gian miệt biển. Hàng ngàn đời sống trong không gian nhà vườn, giữa vườn cây trái xum xuê, giữa chòm xóm ấm áp của đồng bằng mới có câu ca dao nói về mảnh vườn, về cây trái cũng tha thiết như nói về tình yêu lứa đôi:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay

(Ca dao ở đồng bằng Bắc Bộ).
Nơi nào có rừng, có con người sống với rừng là có văn hóa dân gian rừng. Rừng Tây Nguyên là nơi sinh sống của hơn hai mươi dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Rừng Tây Nguyên cũng là chiếc nôi của nền văn hóa dân gian đặc sắc mang hồn rừng Tây Nguyên làm nên bản sắc độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam.
Văn hóa dân gian là tiếng nói yêu thương của con người với thiên nhiên, đó là tình cảm yêu nước! Văn hóa dân gian là tiếng nói yêu thương của con người với con người, đó là tình cảm thương nòi! Tiếng nói yêu thương ấy ở vùng núi cao Việt Bắc, Tây Bắc có âm hưởng lảnh lói, cao vút của những đỉnh núi chót vót chon von, có giai điệu quấn quýt của những dải mây quần tụ trên đỉnh núi:
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia chỉ có hai người yêu nhau

(Dân ca H M’ông, Tây Bắc).
Tiếng nói yêu thương của văn hóa dân gian núi rừng Tây Nguyên có âm hưởng thì thầm của mạch nước ngầm chảy trong thăm thẳm:
Dậy đi Lim ơi
Trăng đứng trên ngọn núi rồi
Dậy đi mà giã bắp
Dậy đi nghe anh hát lời thương em

(Dân ca Gia Rai, Gia Lai).
Thần linh hóa những ước nguyện, những mong mỏi của con người là điều rất thường thấy trong văn hóa dân gian Tây Nguyên:
Thần Ay Tao Kla
Thần Hbia Klu
Thần Ay du, Ay Diê
Thần Đi Y, Pothiê, Mjeh Enga
Cho các giống lúa
Vợ thần đến thì mang lúa đầy gùi
Chồng thần đến thì mang đầy giỏ
Các thần bỏ vào nương rẫy chúng tôi thật nhiều
Xin các thần cho nương rẫy mọc nhiều ớt, rau, bầu, bí

(Lời khấn lễ vào mùa làm rẫy của người Ê Đê, Lâm Đồng)
Những lời khấn, lời khan, những câu ca dao, dân ca lấp lánh hồn người, ấm áp tình yêu cuộc sống là những giọt vàng ròng trong kho tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên. Những cánh rừng đại ngàn là linh hồn của những lời ca ấy và ngôi nhà rông tâm linh như ngôi đình ở đồng bằng là nơi lưu giữ và chuyển tiếp cho mai sau những lời ca ấy.
Nay rừng Tây Nguyên bị triệt hạ tan hoang để khai thác bô xít! Rừng không còn! Mái nhà rông không còn! Tiếng hát của những trái tim đang yêu gọi nhau không còn nữa! Những thần linh của rừng, Thần Ay Tao Kla, Thần Hbia Klu . . . cũng không còn nữa! Người Ê Đê, Ba Na, M’ Nông, Gia Rai . . . phải rời ngôi nhà sàn dựng bằng gỗ và lá rừng, rời xa tán rừng thâm nghiêm và linh thiêng, rời xa con suối đêm ngày rì rầm như lời tâm tình của rừng của núi để đến sống trong khu tái định cư với những dãy nhà mái tôn chơ vơ giữa bãi trống! Những máy san, máy ủi của những công trường khai thác bô xít Tây Nguyên đã đào tận gốc, trốc tận rễ cây rừng Tây Nguyên cũng đã đào tận gốc, trốc tận rễ văn hóa dân gian mang hồn rừng Tây Nguyên!
Những cánh rừng đại ngàn là linh hồn của những lời ca
Một ngàn năm xâm lược, cai trị nước ta, nhà nước phương Bắc khổng lồ quyết liệt thực hiện chính sách đồng hóa, đốt sách, phá văn bia, giết hiền tài nước ta, bắt đàn bà, con gái nước ta làm thê thiếp, bắt dân ta theo tập tục phương Bắc nhưng dân ta vẫn không bị đồng hóa với phương Bắc vì dân ta vẫn còn kết cấu buôn làng và hạt nhân của kết cấu buôn làng là văn hóa dân gian Việt Nam. Những hạt ngọc văn hóa dân gian Việt Nam được gìn giữ trong buôn làng cùng với dân tộc Việt Nam qua mọi biến thiên khắc nghiệt của lịch sử còn lại đến hôm nay! Dường như người phương Bắc đã rút ra được bài học lịch sử đó! Nay họ đến bắt đầu từ việc phá tan kết cấu buôn làng Tây Nguyên, triệt tận gốc rễ văn hóa dân gian Tây Nguyên đấy, thưa ông Bộ trưởng!
Thấy sự hăng hái quyết liệt khai thác bô xít của ông Bộ trưởng để phá bằng được rừng Tây Nguyên buộc tôi phải nhớ đến sự quyết liệt đồng hóa dân ta của nhà nước phương Bắc khổng lồ suốt một ngàn năm đô hộ nước ta! Có phải ngàn năm trước họ làm chưa được nay họ đã học được bài học của lịch sử nên quyết làm cho được?
Phạm Đình Trọng
© Thông Luận 2010

 
Nhà văn Phạm Đình Trọng viết về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (talawas)
Trong bài viết “Thách thức đối với một tờ báo” đăng trên Đàn Chim Việt, nhà văn Phạm Đình Trọng nhận xét,
“Khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trịnh trọng tuyên bố trước Quốc hội quyết tâm chống tham nhũng. Để thể hiện quyết tâm đó ông còn khẳng định nếu không chống được tham nhũng ông sẽ từ chức! Gần hết một nhiệm kì cầm quyền, Thủ tướng Dũng không những không chống được tham nhũng mà tham nhũng còn lan rộng đến tận chân ông, gần như ngang nhiên, công khai, mức độ nghiêm trọng hơn trước nhiều lần! Những vụ việc tham nhũng khổng lồ liên tiếp diễn ra! Nhưng Thủ tướng không thực hiện lời hứa từ chức! Với người dân, đó là một Thủ tướng thất hứa và thiếu tự trọng!
Gần suốt một nhiệm kì chấp chính, hệ thống hành pháp từ trung ương đến địa phương đã để xảy ra quá nhiều vụ việc nghiêm trọng! Gây nguy hại cho an ninh, đe dọa sự sống còn của đất nước như cho nước ngoài vào Tây Nguyên khai thác bô xít, cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn nước, đầu nguồn sự sống của cả cộng đồng dân tộc! Gây thiệt hại nặng nề về kinh tế như vụ Vinashin làm thất thóat hơn 80 000 tỉ đồng! Như vụ tập đoàn Than Khoáng sản tàn phá vùng than đông bắc! Nạn than thổ phỉ diễn ra khắp nơi và kéo dài! Đất đai tan hoang! Môi trường bị ô nhiễm nặng nề! Than bị thất thoát lãng phí không quản lí nổi! Nguồn than cạn kiệt! Những băng nhóm tội phạm tranh cướp than hoành hành trở thành những băng nhóm xã hội đen đe dọa cuộc sống bình yên của cả xã hội! Những vụ việc bộc lộ đạo đức quan chức suy đồi thảm hại như vụ quan đầu tỉnh Hà Giang quan hệ với gái bán dâm kéo dài suốt nhiều năm! Đạo đức suy đồi đến mức bí thư tỉnh ủy, giám đốc công an tỉnh có trong tay ảnh quan đầu tỉnh cởi truồng với gái bán dâm trong nhà nghỉ nhưng coi đó chỉ là việc bình thường, bình thản bỏ qua! . . . Còn nhiều lắm những vụ việc bê bối đạo đức và yếu kém năng lực của hệ thống hành pháp! Trên đây chỉ điểm qua vài vụ việc còn đang ồn ào. Ở các nước thực sự có dân chủ và có văn hóa chính trường chỉ cần xảy ra một vụ việc trong các vụ việc trên, Thủ tướng đã tự từ chức! Nếu không tự từ chức, Quốc hội cũng bỏ phiếu phế truất! Thủ tướng Dũng đã không đủ tự trọng để từ chức lại còn đứng tên trong hai bài viết dài răn dạy cả nước. Bài viết ngày 16.7.2010: Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược kinh tế xã hội của đất nước ta! Bài viết ngày 25.8.2010: Bảo đảm tốt an sinh và phúc lợi xã hội! Với sự quản lí, điều hành yếu kém để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trên làm sao kinh tế xã hội đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững được! Với tham nhũng hoành hành tràn lan, với đồng tiền liên tục mất giá, cuộc sống người lao động vô cùng khó khăn làm sao có thể bảo đảm tốt an sinh xã hội được! Suốt 5 năm quản lí và điều hành đất nước, Thủ tướng Dũng không thể làm cho kinh tế xã hội đất nước phát triển nhanh và bền vững, không bảo đảm tốt an sinh xã hội, vậy Thủ tướng Dũng viết hai bài này để phủi tay, trốn tránh trách nhiệm hay để khoe tài khoe giỏi, lừa dối người dân?”
Phạm Đình Trọng: Lời cuối với Đảng talawas blog
Theo lời nhà văn Phạm Đình Trọng, vào ngày 23.11.2009 ông đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ đảng ủy quận Tân Bình, và sau buổi làm việc cuối cùng của ông với tổ chức đảng vào ngày 18.01.2010, bí thư chi bộ đảng ủy phường 15, quận Tân Bình, TP. HCM đã đến nhà giao quyết định khai trừ đảng đối với ông vào ngày 26.04.2010.
Trong thư “Lời cuối với đảng” được phổ biến trên Dr.Thọ’s Blog, ông đã có một số ý kiến về quyết định khai trừ đảng của quận ủy Tân Bình đối với ông.
Ông viết “Trong thực tế đời sống, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng vẫn duy trì một xã hội Mác xít để duy trì chỗ đứng, duy trì vị thế độc tôn cho đảng Cộng sản, trong khẩu khí vẫn phải hùng hồn tuyên bố tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác Lê nin và trong đường lối kinh tế phải thòng thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Thế là sự ngụy trang đã hoàn hảo!”
Ông nhận định một trong những mặt xấu của chủ nghĩa xã hội là chính sách “bạo lực chuyên chính vô sản. Bộ máy bạo lực chuyên chính vô sản không biết đến pháp luật, chỉ biết có đảng, thẳng tay trấn áp mọi tư tưởng, mọi tiếng nói khác biệt với đảng, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của một xã hội văn minh, tạo ra một không khí căng thẳng không bình thường trong xã hội, là nỗi đe dọa thường trực với trí thức, với các hoạt động văn hóa tư tưởng!”
Với tình hình hiện tại ở Việt Nam, ông cho biết “Đảng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc, coi sự tồn tại của đảng cao hơn sự tồn tại của dân tộc thì đảng viên có chức quyền cũng đặt lợi ích của cá nhân họ, gia đình họ lên trên lợi ích của đảng. Họ dùng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân họ, gia đình họ trước đã.”
Nhìn nhận đảng đã là toàn bộ quãng đời làm việc, chiến đấu và cống hiến hết mình của ông, nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết ông viết những dòng này cũng là vì đảng, về vấn đề “bị khai trừ” khỏi đảng, ông viết: “Dù tôi đã ra khỏi đảng nhưng đảng vẫn giành cho đảng quyền khai trừ tôi. Nhận cái văn bản thể hiện cái quyền của đảng, trong tôi chợt có suy nghĩ xót xa về đảng: Đây là cái sai khai trừ cái đúng, cái giả dối khai trừ cái trung thực, cái vô cảm khai trừ cái mẫn cảm và những rôbốt khai trừ con người! Khi một con người, một tổ chức đang tha hóa thì sự khai trừ này diễn ra trong chính con người đó, tổ chức đó!”
————
Nhà văn Phạm Đình Trọng
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27 tháng 4 năm 2010
Kính gửi: Bà NGUYỄN THỊ KIM HOÀNG, Bí thư quận ủy Tân Bình, TPHCM
Đồng Kính gửi:
Ông NGUYỄN VĂN ĐUA, Phó Bí thư thành ủy TPHCM
Ông TÔ HUY RỨA, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương
Thứ hai ngày 23.11.2009, tôi đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ. Hơn năm tháng sau, sáng ngày 26.04.2010, bí thư chi bộ Đặng Văn Quý thuộc đảng ủy phường 15, quận Tân Bình, tpHCM đến nhà tôi giao quyết định khai trừ đảng đối với tôi. Quyết định do phó bí thư thường trực quận ủy quận Tân Bình, tpHCM kí. Trong biên bản giao quyết định có phần dành cho người nhận quyết định ghi ý kiến. Tôi rất muốn có một số ý kiến nhưng vì tôi vừa có khách đến đang ngồi đợi, tôi đề nghị cho giữ lại biên bản để viết ý kiến rồi gửi lại bí thư Quý sau. Bí thư Quý nói rằng phải nộp biên bản cho đảng ủy ngay. Tôi đành kí biên bản mà chưa kịp ghi ý kiến. Nay tôi có một số ý kiến về quyết định khai trừ đảng của quận ủy Tân Bình đối với tôi. Để ngắn gọn, tôi sẽ không đề cập đến lí luận.
Chủ nghĩa Mác Lê nin là một lầm lẫn vĩ đại, khủng khiếp nhất trong lịch sử tư tưởng triết học loài người, đã đẩy loài người vào thảm họa lớn kéo dài gần suốt thế kỉ hai mươi, làm cho thế kỉ hai mươi trở thành thế kỉ đẫm máu nhất của lịch sử loài người. Tất cả những nước theo chủ nghĩa Mác Lê nin đều phải nhận những thảm họa vô cùng to lớn, dẫn đến cái chết thảm khốc của hơn một trăm triệu người!
Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã đưa đến cho nhân dân Việt Nam những thảm họa cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo công thương nghiệp . . .
Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã xây dựng, hình thành lên bộ máy công cụ bạo lực đứng trên pháp luật, trấn áp, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của người dân. Quyền ứng cử, bầu cử chỉ là hình thức. Người dân không được bộc lộ chính kiến khác với chính thống vì thế báo chí tư nhân không được phép tồn tại!
Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt, tư hữu tư liệu sản xuất bị xóa bỏ, quyền sản xuất kinh doanh cá thể, quyền tự do hoạt động mưu sinh chính đáng không được chấp nhận. Xã hội không còn bóng dáng người chủ thực sự. Kinh tế tập thể sản xuất xã hội chủ nghĩa đã biến cả xã hội thành những người làm thuê vô trách nhiệm, đẩy xã hội xuống đáy vực thẳm nghèo đói và bế tắc những năm tám mươi thế kỉ trước.
Ở bước đường cùng chủ nghĩa xã hội, buộc phải tìm lối thoát duy nhất là từ bỏ những nguyên lí hão huyền, sai lầm của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở lại kinh tế thị trường tư bản, trả lại quyền tư hữu cho người dân, trả lại tư thế làm chủ cá thể cho những người biết sản xuất kinh doanh, biết làm cho đồng tiền sinh lời để họ trở thành động lực thúc đẩy cả nền kinh tế xã hội phát triển. Nhờ thế Việt Nam đã thoát khỏi vực thẳm, mở ra thời kì phát triển mới.
Chủ nghĩa Mác Lê nin, về lí luận đã được nhiều nhà tư tưởng hiện đại cả trên thế giới và Việt Nam chỉ ra những sai lầm, ấu trĩ, huyễn hoặc, về thực tiễn đã được cuộc sống thực trên phạm vi cả thế giới và thực tế Việt Nam chứng minh là thảm họa, bế tắc. Để tránh khỏi sụp đổ, Việt Nam đã thực sự chia tay chủ nghĩa Mác Lê nin, chia tay chế độ công hữu tư liệu sản xuất, nguyên lí cơ bản quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở về với tư hữu tư liệu sản xuất, trở về với dòng chảy tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người là mọi cá thể được tự do mưu sinh lương thiện làm ra của cải xã hội, tạo ra kinh tế thị trường.
Nếu thẳng thắn công khai thừa nhận sự giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin thì đảng Cộng sản, con đẻ của chủ nghĩa Mác Lê nin, không còn chỗ đứng, không còn vị thế độc tôn trong xã hội phi Mác xít. Vì thế, trong thực tế đời sống, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng vẫn duy trì một xã hội Mác xít để duy trì chỗ đứng, duy trì vị thế độc tôn cho đảng Cộng sản, trong khẩu khí vẫn phải hùng hồn tuyên bố tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác Lê nin và trong đường lối kinh tế phải thòng thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Thế là sự ngụy trang đã hoàn hảo! Cả hệ thống tuyên truyền đông đảo, hùng hậu cứ việc tấu lên bài ca: Chủ nghĩa Mác Lê nin mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta! Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp là ước mơ ngàn đời của dân tộc ta! Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sáng tạo vĩ đại của đảng ta!
Nào, xin hãy nhận dạng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xem thực chất mô hình đó là gì và vì sao có mô hình đó.
Kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa, một loại hình kinh tế và một loại hình xã hội. Mỗi loại hình đều có mặt tốt, mặt xấu, mặt hay, mặt dở, đều có phần nhân văn và phần tàn bạo, có phần vì con người lại có phần chống con người! Nếu loại bỏ cái xấu, kết hợp những cái tốt của hai loại hình này lại để tạo ra mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì thật hồng phúc cho nhân dân Việt Nam. Nhưng thực tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại là sự kết hợp ngược lại, sự kết hợp của những cái xấu!
Chủ nghĩa xã hội có hai bộ mặt, tốt và xấu, nhân văn và tàn bạo đối lập nhau rất rõ. Chủ nghĩa xã hội là một mô hình áp đặt, cưỡng bức, trái tự nhiên. Để áp đặt và duy trì được mô hình trái tự nhiên đó, chủ nghĩa xã hội phải xây dựng một hệ thống công cụ bạo lực đông đảo, mạnh mẽ và vô cùng hà khắc, bạo liệt, được lí luận về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác Lê nin gọi là bạo lực chuyên chính vô sản. Bộ máy bạo lực chuyên chính vô sản không biết đến pháp luật, chỉ biết có đảng, thẳng tay trấn áp mọi tư tưởng, mọi tiếng nói khác biệt với đảng, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của một xã hội văn minh, tạo ra một không khí căng thẳng không bình thường trong xã hội, là nỗi đe dọa thường trực với trí thức, với các hoạt động văn hóa tư tưởng! Nhưng chủ nghĩa xã hội còn có bộ mặt vô cùng đẹp đẽ, hấp dẫn, mang tính nhân văn cao cả. Đó là chính sách phúc lợi xã hội chủ nghĩa. Giáo dục, y tế miễn phí là một nét son rực rỡ, là một giá trị nhân văn mà chủ nghĩa xã hội để lại trong lịch sử và ngày nay vẫn đang là niềm tự hào chính đáng của nhà nước Cuba xã hội chủ nghĩa.
Nền sản xuất công nghiệp ra đời tạo ra hai thành quả. Thành quả sản phẩm hàng hóa dồi dào dẫn đến xuất hiện kinh tế thị trường. Thành quả văn hóa tinh thần tạo ra nền dân chủ tư sản. Nền dân chủ tư sản đã pháp luật hóa quyền con người, quyền công dân, đã giải phóng tư tưởng, giải phóng sức lao động sáng tạo vô tận của lực lượng sản xuất. Kinh tế thị trường đòi hỏi và đặt ra những yêu cầu với những tài năng, trí tuệ. Trí thức được giải phóng tư tưởng, được đặt vào vị trí đi đầu trong lực lượng sản xuất, thành quả lao động trí tuệ được định giá xứng đáng dẫn đến sự nở rộ phát minh, sáng chế khoa học kĩ thuật, liên tiếp bùng nổ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đưa xã hội loài người lên những bước phát triển huy hoàng. Đấy là bộ mặt sáng láng, rực rỡ của kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường ở buổi ban đầu của xã hội tư bản hoang dã đã tạo ra một xã hội nháo nhào chụp giật, tàn bạo tranh cướp trong vòng quay hối hả tìm kiếm lợi nhuận. Đồng tiền trở thành chúa tể cuộc sống. Quan hệ con người với con người được Mác gọi là quan hệ “lạnh lùng trả tiền ngay”! Đấy là bộ mặt khác của kinh tế thị trường, bộ mặt tàn bạo ghê tởm!
Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chọn lọc những gì từ hình thái kinh tế và hình thái xã hội trên? Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không thể chấp nhận tinh hoa của nền dân chủ tư sản. Cũng không có giáo dục, y tế miễn phí. Đi học từ mẫu giáo đã phải đóng tiền. Những năm học tiếp theo số tiền cha mẹ phải chi cho con đi học càng ngày càng chồng chất. Kinh tế thị trường hoang dã ngang nhiên hoành hành trong giáo dục và y tế. Ngành giáo dục làm tiền học trò đã trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối từ nhiều năm nay. Ốm đau vào bệnh viện phải trả đủ các loại tiền! Từ quyển sổ khám bệnh mỏng tang cũng phải mua giá cao. Nhiều người bệnh nghèo đành nằm nhà đợi chết vì không có tiền vào bệnh viện! Thế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ còn là sự kết hợp của “lạnh lùng trả tiền ngay” với bạo lực chuyên chính vô sản mà thôi!
Chủ nghĩa xã hội đến bước đường cùng phải cầu cứu đến kinh tế thị trường để tìm lối thoát. Nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là lối thoát cho đảng Cộng sản mà thôi!
Thế giới đã qua thời kinh tế thị trường hoang dã. Nhân dân và đất nước ta cần một nền kinh tế thị trường văn minh như đang có ở tất cả các nước văn minh, một nền kinh tế thị trường có kỉ cương pháp luật, lành mạnh, bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế, giữa các chủ thể kinh doanh, không bị phân biệt đối xử.
Những lựa chọn, những quyết định không vì lợi ích của dân tộc, của đất nước mà chỉ vì lợi ích của đảng, chỉ vì sự tồn tại của đảng! Sự tha hóa, tham nhũng tràn lan của đội ngũ cán bộ đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam nhưng cuộc sống của cán bộ lãnh đạo đảng cách biệt quá xa, cách biệt một trời một vực với cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn của số đông công nhân và nhân dân lao động. Cái đức vì nước vì dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, cái đức cần phải có ở người lãnh đạo đã không có! Nhận chức trước hết là nhận tiêu chuẩn, chế độ, nhận quyền lợi, bổng lộc do chức mang lại đã! Sau đó sẽ dùng quyền của chức để kiếm chác dài dài! Các quan của đảng chiếm đất của dân xảy ra ở khắp nơi là một trong những sự kiếm chác đó! Trong khi Tổng thống, Thủ tướng nhiều nước công nghiệp tư bản giàu có trên thế giới đều dùng phương tiện đi lại chung với dân. Nếu có dùng phương tiện riêng do công quĩ trang bị cũng chỉ dùng phương tiện tầm tầm như của dân để gần dân, hòa vào với dân. Nước ta là nước Cộng sản, lại còn quá nghèo nhưng lãnh đạo từ cấp tỉnh đều phải có xe riêng mua sắm bằng tiền thuế của dân. Có tiêu chuẩn được mua xe riêng nên họ đua nhau lấy tiền thuế của dân mua xe đắt tiền! Lãnh đạo cấp cao ra đường thì tiền hô hậu ủng, xe cảnh sát hộ tống trước sau, còi rú như cháy nhà, huyên náo suốt chặng đường. Dân chúng hốt hỏang, ngơ ngác vội dạt ra bên đường! Sự đi lại của dân phải ngưng lại cho quan lớn của đảng đi! Một cảnh tượng rất chướng mắt và lạc lõng. Rời khỏi những cuộc họp triền miên, rời khỏi căn phòng máy lạnh kín mít, ra với nhân dân tất bật lo toan, ra với cuộc sống bề bộn, vật vã mà ra như thế thì nào thấy gì? Thế là chỉ còn tiếp xúc với cuộc sống gay gắt, sôi động của đất nước bằng những báo cáo láo, làm sao thấy được cuộc sống thật của dân để đồng cảm, chia sẻ với dân? Chính những tiêu chuẩn chế độ, những qui định đầy đặc quyền đặc lợi lỗi thời của đảng đã làm hỏng cán bộ của đảng! Người dân nhìn cán bộ đảng không thấy người Cộng sản của giai cấp công nhân đâu cả, chỉ thấy lù lù những bậc đế vương vênh vang, mãn nguyện, những ông quan phong kiến hợm hĩnh chỉ biết bòn rút của công và bóp nặn dân! Uy tín của đảng xuống thấp chưa từng có!
Chủ nghĩa xã hội đưa đất nước đến khốn cùng thì đảng tìm đến cái phao cứu sinh là kinh tế thị trường! Uy tín của đảng khốn cùng thì đảng tìm đến cái phao cứu sinh là tấm gương, là uy tín Hồ Chí Minh. Kinh tế thị trường có thể cứu được đất nước khỏi suy sụp nhưng tấm gương và uy tín Hồ Chí Minh không cứu được uy tín của đảng vì từ lâu đảng đã hòan tòan làm ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh và với những đảng viên tham nhũng rộng khắp như hiện nay thì cuộc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là sự giả dối. Với bài viết Ăn mày dĩ vãng – Thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tôi đã thẳng thắn chỉ ra sự giả dối và những việc làm trái tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thuốc đắng gĩa tật, sự thật mất lòng. Đảng đã quá quen nghe những lời tung hô, tụng ca. Cấp trên chỉ quen chỉ thị, dạy bảo. Cấp dưới chỉ được vâng dạ chấp hành. Phê bình trong đảng chỉ là: Đồngchí còn thiếu sâu sát, tính tình còn nóng nảy, vân vân! Chỉ dám phê bình cá nhân với những khuyết điểm dễ chấp nhận, vô thưởng vô phạt, không ai dám đả động đến chủ trương, đường lối của đảng! Không ai dám phê bình hành xử của cấp trên. Nay một đảng viên thường như tôi lại dám phê phán đường lối, hành xử của đảng trung ương. Với tư duy xơ cứng, không vận động, không thức tỉnh, không tiếp nhận được hiện thực cuộc sống, chi bộ và đảng ủy nơi tôi sinh họat không thấy bài viết của tôi là một nỗi niềm đau xót, một phản biện trung thực, một đóng góp xây dựng tuy gay gắt nhưng chân thành, dũng cảm, đúng sự thật, vô cùng cần thiết cho đảng. Trong đảng lại không có dân chủ, chi ủy, chi bộ và đảng ủy không thảo luận dân chủ với tôi về những vấn đề tôi nêu ra. Chỉ có một lần hỏi tôi đã gửi bài viết tới đâu rồi ban kiểm tra đảng ủy độc đoán ra văn bản phê phán tôi, buộc tôi nhận khuyết điểm. Qua việc này tôi càng thấy rõ dân chủ trong đảng vô cùng hình thức, như tình trạng dân chủ trong xã hội ta hiện nay. Đảng viên chỉ được tụng niệm những điều từ trên dội xuống chứ không được suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Ba triệu đảng viên nhưng chỉ suy nghĩ bằng mười lăm (15) bộ não không có gì là ưu tú của bộ Chính trị! Đảng viên chỉ được học nghị quyết của Trung ương chứ không được tham gia ý kiến với Trung ương! Kẻ sĩ sinh ra là để nói sự thật, nói lẽ phải, mang hiểu biết ra giúp đời. Nhưng dù là lẽ phải mà ngược với ý đảng thì kẻ sĩ nói ra lẽ phải cũng phải rước lấy tai họa! Đầu những năm sáu mươi thế kỉ hai mươi, đảng có chủ trương di dân miền xuôi lên miền núi phá rừng khai hoang. Tiến sĩ Thái Văn Trừng lên tiếng khuyên can không nên đưa người lên phá rừng đầu nguồn gây sói mòn đất đai, tăng nguy cơ lũ lụt thì vị tiến sĩ uyên bác đầu ngành lâm nghiệp liền được cho ngồi chơi xơi nước đến hết đời! Không còn nữa những bài báo viết về rừng đầy trí tuệ, đầy tâm huyết kí tên Thái Văn Trừng! Đảng thể hiện được sức mạnh quyền uy và càng tự tin nhưng đất nước thiệt thòi, nhân dân thiệt thòi!
Đảng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc, coi sự tồn tại của đảng cao hơn sự tồn tại của dân tộc thì đảng viên có chức quyền cũng đặt lợi ích của cá nhân họ, gia đình họ lên trên lợi ích của đảng. Họ dùng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân họ, gia đình họ trước đã. Vì thế những tiêu cực, bê bối, lình xình tràn lan khắp nơi. Tiêu cực ở khắp nơi, ở mọi cấp nên việc xử lí vụ tiêu cực nào cũng dây dưa kéo dài và không vụ tiêu cực nào được xử lí đến nơi đến chốn. Trong tình hình ấy, đảng lấy tiền thuế của dân để có kinh phí rầm rộ tổ chức học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh suốt nhiều năm. In tranh ảnh, vẽ affiche, khẩu hiệu, xuất bản sách số lượng lớn. Họp hành, hội thảo liên miên. Sơ kết, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng . . . Những việc đó đều phải tiêu tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân nhưng chỉ là những việc hình thức, phù phiếm, giả dối! Thật mỉa mai khi Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn được ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh tuyên đương là cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập đạo đức Hồ Chí Minh thì nhiều trang mạng liền đăng lại những vụ tai tiếng xảy ra chưa lâu của Bí thư Hồ Xuân Mãn, trong đó có vụ cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập đạo đức Hồ Chí Minh đã từng bị một cô tiếp viên nhà hàng tát vào mặt giữa bàn nhậu ở ngay mảnh đất cố đô Huế nơi ông trị nhậm! Cố tỏ ra cụôc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có kết quả thiết thực, cụ thể thì lại càng lộ ra sự giả dối đau lòng!
Thấy rõ cuộc vận động rầm rộ, ồn ào này chỉ mang tính hình thức, không thật lòng, lại quá tốn kém tiền bạc của dân, tôi tham gia góp ý với đảng thì bị phê phán, bị buộc kiểm điểm nhận khuyết điểm! Sự trung thực, thẳng thắn thì không thể là khuyết điểm! Đảng không chấp nhận sự trung thực của tôi, không chấp nhận sự đóng góp chân thành của tôi thì tôi đành ra khỏi đảng để lòng trung thực không bị tổn thương, để tôi được yêu nước bằng trái tim của tôi và được suy nghĩ bằng cái đầu của tôi. Tôi đưa cho tổ chức đảng Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản là tôi đã tự khai trừ tôi ra khỏi đảng.
Khi tôi đưa cho tổ chức đảng bài viết Ăn mày dĩ vãng… phân tích thấu đáo việc làm không thật lòng của đảng là tôi ở vị trí đảng viên đóng góp với đảng, một việc làm bình thường và cần thiết. Lúc đó tôi rất chờ những cuộc gặp với tổ chức đảng để nhìn nhận sự việc. Nhưng không có nếp sinh họat dân chủ trong đảng, đảng viên và tổ chức đảng cơ sở lại không có tư duy độc lập. Với họ, phàm là đảng cấp trên thì phải đúng! Cấp trung ương càng không thể sai! Tôi phê phán đảng cấp cao nhất là tôi không còn trung thành với đảng nữa. Tổ chức đảng không cần gặp tôi, lẳng lặng viết kết luận buộc tội tôi rồi gọi tôi đến nghe một bản luận tội nặng nề đầy áp đặt! Nhưng khi tôi đưa cho tổ chức đảng Thông báo từ bỏ đảng là tôi đã không còn là đảng viên nữa, mọi cuộc gặp của tôi với tổ chức đảng không còn cần thiết nữa, lúc đó tổ chức đảng lại nhiều lần mời tôi đến gặp! Một lề lối làm việc vừa thiếu dân chủ, vừa quá quan cách, nhiêu khê, hành chính. Và sự nhiêu khê hành chính ấy đã cho ra đời Quyết định khai trừ đảng đối với tôi sau khi tôi đã tự rút ra khỏi đảng hơn năm tháng trời!
Dù tôi đã ra khỏi đảng nhưng đảng vẫn giành cho đảng quyền khai trừ tôi. Nhận cái văn bản thể hiện cái quyền của đảng, trong tôi chợt có suy nghĩ xót xa về đảng: Đây là cái sai khai trừ cái đúng, cái giả dối khai trừ cái trung thực, cái vô cảm khai trừ cái mẫn cảm và những rôbốt khai trừ con người! Khi một con người, một tổ chức đang tha hóa thì sự khai trừ này diễn ra trong chính con người đó, tổ chức đó!
Còn nghĩ xót xa về đảng như vậy là tôi còn đau đáu với đảng lắm! Vì đảng đã là tòan bộ quãng đời làm việc, chiến đấu và cống hiến hết mình của tôi. Tôi viết những dòng này cũng là vì đảng, hoàn toàn không phải vì tôi.
Xin cảm ơn.
Trân trọng
30/04/1975 – 35 năm sau: Sự thức tỉnh muộn màng (Phạm Đình Trọng)
“…Thật đau xót cho thời cuồng tín, mê muội, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức…”
Viết về cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm đòi hỏi phải có cái nhìn công bằng, khách quan, lý trí, thoát khỏi thân phận công cụ tuyên truyền. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn đã có được cái nhìn đó trong trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm”, tập trường ca vừa được Nhà xuất bản Văn Học phát hành cuối năm 2009.
Những năm sáu mươi, bảy mươi thế kỷ hai mươi, hầu hết đàn ông Việt Nam đã trưởng thành đều mặc áo lính của cả hai bên chiến tuyến, đều là lính của hai đội quân đang đối đầu tiêu diệt nhau, lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa và lính Quân đội Nhân dân Việt Nam khi còn ở miền Bắc, lính quân giải phóng khi vào chiến đấu ở miền Nam. Không là lính, họ là đồng bào, nhiều người còn là họ hàng, anh em ruột thịt. Nhưng chiến tranh hút họ vào lính, đẩy họ thành kẻ thù đối kháng của nhau:
Bộ đội nghĩa vụ quân sự
Chọi nhau với lính quân dịch Cộng hòa!
Bộ đội Quân đội Nhân Dân Việt Nam Lính Quân đội Việt Nam Cộng Hòa
Những học trò vừa tốt nghiệp trung học, những sinh viên đang học dở đại học bị động viên vào lính cầm súng ra trận. Những người lính có chữ đó, nhiều người có năng khiếu văn chương và tâm hồn nhạy cảm đã cầm bút viết về cuộc chiến, viết về thân phận con người, thân phận quê hương đất nước trong chiến tranh và họ đã làm nên đội ngũ nhà văn, nhà thơ quân đội của cuộc chiến tranh đó. Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Văn Lê, Thái Thăng Long, Chu Lai, Thái Bá Lợi, Trần Nhương, Nguyễn Thái Sơn… Họ đều là bầu bạn thân thiết cùng thế hệ với tôi và tôi đã đọc đầy đủ trường ca của họ viết về cuộc chiến tranh mà chúng tôi là người lính ngoài mặt trận. Phải đến trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” thì cuộc chiến tranh vẫn được gọi là chống Mỹ cứu nước mới được nhận ra bản chất thực là cuộc nội chiến tương tàn, là bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam, là sự tái diễn thảm cảnh đau thương người Việt giết người Việt đã từng xảy ra ở thời những vương triều suy vong:
Lính họ Trịnh Đàng Ngoài
Đánh lính họ Nguyễn Đàng Trong
Lính Tây Sơn Nguyễn Huệ
Chém giết lính Nguyễn Ánh Gia Long
”.
Thời công nghiệp, điện tử, chiến tranh không còn chỉ là động tác của cơ bắp chém, đánh như thời Trịnh, Nguyễn, thời Tây Sơn nữa mà là ấn nút, nhấn cò, động tác nhẹ nhàng cuối cùng sau chuỗi những thu nạp dữ liệu, phân tích, tính toán điện tử:
Lọat hỏa tiễn rời bệ phóng
Nổ tung trong căn hầm bên trại giặc chen chúc người
”.
… ấn nút, nhấn cò, động tác nhẹ nhàng và… hủy diệt, chết chóc của động tác nhẹ nhàng ấy
Hiệu quả hủy diệt, chết chóc của động tác nhẹ nhàng ấn nút ấy không còn tính bằng hàng đơn vị mà phải tính bằng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn nhân mạng:
Người Việt miền Bắc
Người Việt miền Nam
Mỗi ngày
Bao nhiêu bom đạn
Mấy ngàn người chết!
Trước đó, trường ca viết về chiến tranh của Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo… chỉ mới soi rọi vào góc khuất trong đời sống tâm hồn tình cảm của người lính, người mẹ, người vợ, mới khám phá những hoàn cảnh nghiệt ngã, những tâm thế chênh vênh của con người cá thể trong xoáy lốc chiến tranh:
Vắng anh, chị bị thừa ra
Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại

(Hữu Thỉnh – Trường ca “Đường tới thành phố”)
Thử thách với người chồng ngoài mặt trận là bom đạn, còn thử thách với người vợ ở quê lại chính là nhan sắc của chị:
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì chị còn nhan sắc!

(Hữu Thỉnh – Trường ca “Đường tới thành phố”)
Trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh mang rõ dấu ấn của ngòi bút tài hoa và bộc lộ tấm lòng hồn hậu nhân văn của người viết và sự hồn hậu nhân văn ấy dành cho những thân phận cá thể. “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” của Nguyễn Thái Sơn là nỗi bận tâm, nỗi đau đáu cho số phận dân tộc bị xô đẩy vào cuộc nội chiến thảm khốc, lâu dài!
Vì mối quan tâm là số phận cả dân tộc, “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” không có nhân vật cụ thể mà chỉ có hai nhân vật ước lệ: Người đàn ông ra trận và người đàn bà ở lại làng quê. Hai nhân vật ấy như hai cá thể ước lệ cho thủy tổ loài người, ông Adam và bà Eva, như hai ông bà ước lệ cho tổ tiên dân tộc Việt Nam, ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Những tâm trạng sâu kín, những tình cảnh quẫn bách được nhắc đến trong trường ca là cuộc sống không bình thường, trái tự nhiên mà người đàn ông và đàn bà ước lệ phải chịu đựng do họ phải sống thiếu nhau vì chiến tranh. Người đàn ông ngoài mặt trận không phải chỉ khổ vì nằm gai nếm mật, sốt rét, bom đạn mà còn khổ vì:
Chúng tôi
Những người lính đàn ông con trai
Mười chín, ba mươi tuổi
… Chúng tôi không e ngại bất kể điều gì
Chỉ khổ vì dư thừa năng lực đàn ông!
Nỗi khổ của người đàn bà ở làng quê vắng bóng đàn ông càng âm ỉ thiêu đốt:
Những người đàn bà khao khát tình yêu
Da thịt có gai, có lửa
… Những người đàn bà sung mãn
Đêm uống “nước sông”
Ngày ăn “cơm nhạt”!
Khao khát mà chỉ có “nước lã”, “cơm nhạt”, chỉ có cuộc sống chay tịnh! Họ phải khỏa lấp sự trống vắng, thiếu thốn, xả nỗi khát khao vào những công việc bất thường, nặng nhọc:
Gánh nước nửa đêm tưới đầm vườn nhãn
Xay vài thúng thóc
Giã nửa nong ngô!
Bom đạn khốc liệt! Cái chết đến từng phút từng giây:
Không ai từ cõi sinh chìm vào cõi tử
Dễ như người lính
Nhanh như người lính
Nhiều như người lính
Đương nhiên, mặc nhiên, tất nhiên, hồn nhiên như người lính!
chúng tôi. . . tụ tán trên tàn cây ngọn cỏ
(giày của anh bộ đội QNDVN)
chúng tôi. . . ẩn trong giọt sương,
tiêu dao trên ngọn sóng!
(giày của anh lính VNCH)
Chết chóc như thế nên người đàn ông trở thành hồn ma cũng là lẽ đương nhiên:
Chúng tôi sống bình thường rồi chết
Chưa xấu cũng chưa kịp tốt
Không thành ma quỉ, chẳng hóa thánh thần
Không phải xuống địa ngục
Không được lên Thiên Đàng
Tụ tán trên tàn cây ngọn cỏ
Ẩn trong giọt sương, tiêu dao trên ngọn sóng!
Người đàn bà lấy chồng ở với chồng được hai đêm:
Mười chín năm con gái
Làm đàn bà hai đêm!
Người đàn ông thành hồn ma rồi thì người đàn bà đành sống cô quả:
Có chồng hai đêm
Chị chỉ là người đàn bà tập sự
Mười năm
Mười lăm năm
Hai mươi mốt năm
Vẫn chỉ sống như thời con gái!
Cuộc nội chiến đau lòng như vậy thì đâu có gì để ồn ào khoe khoang, để lỉnh kỉnh huân chương, xênh xang mũ áo phô trương nhỉ?
Người lính miền Bắc mang súng AK, nói tiếng Việt. Người lính miền Nam mang súng AR15, cũng nói tiếng Việt. Hai người lính cùng một tiếng mẹ đẻ Việt Nam mà tìm mọi cách tiêu diệt nhau, mang cái chết đến cho nhau. Cái chết đến từ khẩu AR15:
Súng AR-15 – Made in USA Súng AK – Made in China
Chùm đạn AR15 bắn gần khoan vào trán
Găm giữa ngực
Những người lính đội mũ tai bèo đổ gục!
Cái chết đến từ khẩu AK:
Tốp lính Sài Gòn lò dò đặt chân lên sườn đồi
Hứng trọn những lọat đạn AK vào đầu, vào ngực!
Người giết và người bị giết đều là người Việt:
Người Việt thắng trận huy hoàng
Bại trận
Cũng là người Việt!
Người bị giết dù ở phía nào thì người Mẹ Việt Nam vẫn phải nhận lấy nỗi đau chết chóc:
Năm Nhâm Tý – bảy hai
Máu binh sĩ Sài Gòn
Máu quân giải phóng
Đỏ sông Thạch Hãn
Ướt sũng gạch vụn Cổ Thành!
Thật đau xót cho thời cuồng tín, mê muội, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức.
“Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” là sự thức tỉnh đó. Sự thức tỉnh cần thiết mà muộn màng!
Phạm Đình Trọng
© Thông Luận 2010

-------
Ăn mày dĩ vãng

Thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhà văn Phạm Đình Trọng


Sáng chủ nhật, tôi vừa mở máy vi tính mới viết được mấy dòng thì có chuông gọi cửa làm đứt mạch suy nghĩ. Xuống cầu thang ra mở cửa, thấy ông hàng xóm là đảng viên cùng sinh hoạt tổ đảng với tôi mà ít ngày trước tôi đã phải mất một buổi tối họp kiểm điểm ông về cái tật lãng nhách, rất không đáng có ở một đảng viên của đảng cách mạng, đảng chính trị là tật tối ngày nhậu nhẹt bét nhè, bê tha, đã kéo dài suốt nhiều năm của ông. Nay một người như thế đến bảo tôi nộp cho ông bản thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh!
Cuộc học tập tư tưởng, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh ti ến hành rầm rộ suốt mấy năm nay trên cả nước đã bộc lộ rất rõ tính hình thức, phô trương, màu mè, tốn kém, đầy sự áp đặt duy ý chí, đầy tính tôn giáo tụng niệm, thể hiện cung cách làm công tác tư tưởng theo lối mòn xưa cũ, đã quá lạc hậu trong thời công nghệ thông tin đã đi vào từng gia đình, đã đến với từng cá nhân, trong thời kinh tế thị trường quyết liệt, nghiệt ngã, cuộc sống đã trở về với những giá trị thiết thực, con người phải đối mặt với một thực tế phũ phàng của một xã hội ti êu dùng, xã hội bị chi phối, phân hóa quyết liệt bởi vật chất! Nhìn ông đảng viên nát rượu đến đôn đốc tôi nộp bản thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh, tôi lại nghĩ đến những ông quan tham nhũng có mặt ở khắp nơi, ở mọi cấp, những người đang đôn đáo phát động và thành kính học tập đạo đức Hồ Chí Minh, những diễn viên đang diễn vở kịch học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Không, tôi không thể tham gia vở diễn ấy. Chỉ chứng kiến vở diễn tôi đã bứt rứt không yên làm sao tôi có thể tham gia cùng họ được! Tôi nói với ông đảng viên nát rượu: Nhờ anh báo cáo rằng tôi không làm bản thu hoạch cũng như tôi đã không đi nghe buổi lên lớp về đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ủy phường 15 quận Tân Bình tổ chức.
1.
Mỗi người dù vĩ đại đến đâu cũng chỉ có một giai đoạn lịch sử nhất định

Tôi rất kính trọng nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh. Tôi đánh giá cao vai trò lịch sử của Hồ Chí Minh cũng như tôi đánh giá cao tư tưởng nhân dân, đạo đức yêu nước, giản dị, khiêm nhường, gần dân của Hồ Chí Minh. Nhưng Hồ Chí Minh gắn liền với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam . Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại giải phóng dân tộc, thời đại giành độc lập dân tộc. Thời đại cách mạng giải phóng dân tộc đã qua. Việt Nam cũng như cả thế giới thứ ba vừa giành được độc lập đã bước vào thời đại mới, thời đại phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, nỗ lực phấn đấu vì sự phồn vinh, giàu mạnh của mỗi dân tộc.
Thời đấu tranh cách mạng giành độc lập, một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu phải chiến đấu với kẻ thù xâm lược giàu có, hùng mạnh, có vũ khí hiện đại thì vũ khí vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc nhỏ bé là ý chí, tinh thần quả cảm, là khối đoàn kết dân tộc muôn người như một xả thân vì nghĩa lớn độc lập dân tộc.
Trong cuộc chiến đấu giành độc lập, cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân phải gác sang một bên, không được quan tâm nhìn nhận. Chỉ có sự sống còn của cả dân tộc mới là nỗi đau đáu của mọi con tim. Cuộc sống cá nhân phải hi sinh. Ý chí của cá nhân cũng là ý chí của cả dân tộc. Để có mặt được trong cuộc sống đó, con người phải sống khác bình thường, sống bằng lí trí, niềm tin. Đó là không gian linh thiêng để những con người huyền thoại xuất hiện. Hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn con người Việt Nam huyền thoại có tên và không tên đã xuất hiện trong cuộc chiến tranh huyền thoại giải phóng dân tộc suốt ba mươi năm qua. Hồ Chi Minh là con người huyền thoại lớn nhất trong những con người Việt Nam huyền thoại đó. Nhưng con người huyền thoại phải đặt trong không gian huyền thoại. Hay nói cách khác, chỉ có không gian huyền thoại mới tạo ra con người huyền thoại.
Trở về cuộc sống đời thường, trở về với cuộc sống cá nhân riêng tư, với lo toan cơm ăn, áo mặc, sinh con đẻ cái, với đố kị, bon chen, không gian huyền thoại không còn nữa. Không gian huyền thoại càng không thể có trong cuộc sống có quá nhiều chụp giựt, lừa lọc, bạo lực, kẻ mạnh quyền mạnh thế ức hiếp người thân cô thế yếu. Đưa con người huyền thoại Hồ Chí Minh vào cuộc sống chụp giựt, lừa đảo, hỗn loạn, nhâng nháo ấy là sự lạc lõng thảm hại!
Một con người bằng xương bằng thịt, một con người thực sự là người dù vĩ đại, kiệt xuất, cao đẹp đến đâu cũng vẫn có những hạn chế, những khiếm khuyết, có cả những mềm yếu, ngã lòng. Lại càng không thể tránh được những ham muốn, đòi hỏi bình thường của con người bình thường. Cuộc chiến đấu cam go của dân tộc nhỏ bé chống lại đội quân xâm lược khổng lồ, dân tộc ấy cần có ý chí, tinh thần quả cảm, lại càng cần có lãnh tụ thiêng liêng tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Vị lãnh tụ ấy không tự nhiên mà có. Chính khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân đã tô vẽ và tạo dựng lên vị lãnh tụ thiêng liêng ấy. Huy động lịch sử, văn hóa, nhân dân còn huy động cả thần linh để thần thánh hóa lãnh tụ của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chấm mỡ viết chữ lên lá cây để kiến gặm theo vết mỡ tạo thành hàng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Lá cây mang hàng chữ theo suối nhỏ chảy ra sông lớn, phát tán rộng rãi khắp trong nhân dân. Hàng chữ trên lá cây trở thành thần bí thiêng liêng, trở thành lời thần linh mách bảo người dân rằng Lê Lợi, Nguyễn Trãi mang mệnh Trời dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước. Vị hào trưởng nông dân nơi góc rừng heo hút Lam Sơn được thần thánh hóa đã trở thành trung tâm tập hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc đánh đuổi quân Minh giành độc lập.
Ngay sau ngày 2.9.1945, hầu hết người dân Việt Nam vẫn ngơ ngác chưa biết Hồ Chí Minh là ai! Thù trong đe dọa, giặc ngoài lăm le, nền độc lập non trẻ đang ngàn cân treo trên sợi tóc. Tình thế ấy đòi hỏi phải có một lãnh tụ đủ uy tín tập hợp sức mạnh nhân dân bảo vệ độc lập. Hồ Chí Minh liền tự tay viết tập sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch và kí tên người viết là Trần Dân Ti ên. Những mẩu chuyện kể tưởng như chân thực nhưng vẫn mang không khí huyền thoại, mang cảm hứng anh hùng ca. Trong tập sách đó cũng chính Hồ Chí Minh tự nhận là Cha già Dân tộc! Từ đó những bài hát Lãnh tụ ca của các nhạc sĩ, những tranh, tượng Cha già Dân tộc Hồ Chí Minh của các họa sĩ, nhà điêu khắc, những chuyện kể về Bác Hồ kính yêu của các nhà văn, các nhà cách mạng, các nhà văn hóa, trí thức, của cả đông đảo quần chúng công nông binh đều với cảm hứng anh hùng ca, với tình cảm thành kính thiêng liêng càng thần thánh hóa Hồ Chí Minh đậm đặc hơn. Những việc làm đó là rất cần thiết khi đang phải chiến đấu gay go với kẻ thù xâm lược. Nếu không có tình cảm thiêng liêng dành cho Hồ Chí Minh thì không có chín phút lẫm liệt đi vào lịch sử của Nguyễn Văn Trỗi. Đứng trên pháp trường, trước họng súng hành quyết, Nguyễn Văn Trỗi giật tấm vải đen bịt mắt, ưỡn ngực hô ba lần Hồ Chí Minh muôn năm trước khi bị loạt đạn xé nát ngực!
Trong đấu tranh cách mạng và trong những cuộc chiến tranh không cân sức vừa qua, đồng bào chiến sĩ ta luôn phải đối mặt với cái chết và mỗi người luôn sẵn sàng nhận lấy cái chết vì sự sống còn của dân tộc, của Tổ quốc. Năm 1944, chiến sĩ du kích Ba Tơ hô: Hi sinh vì Tổ quốc. Năm 1946, chiến sĩ cảm tử Thủ đô ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc Pháp hô: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những tiếng hô ấy âm vang trong suốt ba mươi năm chiến tranh giữ nước. Trong sự xả thân cứu nước đó, yếu tố tinh thần là quyết định. Truyền thống dân tộc, không gian huyền thoại của cuộc kháng chiến, gương anh hùng dũng sĩ và nhất là tình cảm thiêng liêng đậm màu tôn giáo giành cho lãnh tụ thần thánh Hồ Chí Minh làm nên tinh thần đó.
Trở về cuộc sống làm ăn đời thường, hàng ngày hàng giờ không còn đối mặt với cái chết nữa mà phải đối mặt với những bài toán kinh tế. Đời sống riêng tư mỗi người, đời sống kinh tế gia đình, đời sống kinh tế quốc gia đều đặt ra những bài toán cụ thể, thiết thực của đời thường. Trước những bài toán ấy, yếu tố tinh thần không còn quyết định nữa mà quyết định là yếu tố thực tế, yếu tố tỉnh táo, trí tuệ, yếu tố nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin. Chỉ thu hẹp trong cái tình cảm hai nước cùng là cộng sản phải đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chỉ biết có tinh thần quốc tế vô sản, không có thực tế của đời sống kinh tế khắc nghiệt, thiếu sự tỉnh táo lạnh lùng của người làm kinh tế, lại càng thiếu trí tuệ của khoa học công nghệ, chúng ta đã kí hợp đồng với Trung Quốc hợp tác khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, đẩy đất nước ta vào những thảm họa khủng khiếp và bi thảm. Làm kinh tế chỉ bằng tinh thần và tình cảm nguy hại như vậy đó! Học tập đạo đức Hồ Chí Minh hoàn toàn chỉ là tinh thần và tình cảm!
Hồ Chí Minh có những phẩm chất đáng quí của thời nghèo khổ thắt lưng buộc bụng đánh giặc. Chiếc chiếu cói trải giường ngủ của Hồ Chí Minh trên nhà sàn đã cũ rách nhưng Hồ Chí Minh không cho thay. Nó mới rách một chỗ mà bỏ cả chiếc chiếu thì phí quá! Nói vậy và Hồ Chí Minh lấy kim chỉ tự khâu chỗ rách lại! Nhưng ngày nay ngân sách nhà nước vừa phải đổ ra hàng ngàn tỉ đồng để kích cầu, kích thích tiêu dùng để phát triển sản xuất. Cái chiếu cói cũng như mọi hàng hóa khác đều có giới hạn sử dụng. Giới hạn sử dụng ấy được ngôn ngữ quốc tế hóa là “đát”. Hết đát thì phải bỏ, thay cái khác. Hàng hóa có tiêu thụ được, sản xuất mới phát triển. Một thí dụ để thấy một phẩm chất rất đáng quí của Hồ Chí Minh ngày nào nay cũng không thể “học tập” được nữa!
Nhân vật lịch sử dù vĩ đại đến đâu cũng đều có đát. Hết đát, hết thời đại của mình thì lui về quá vãng, lui về thời của mình để thời đại khác xuất hiện, để nhân vật lịch sử khác thay thế. Ồn ào lôi nhân vật lịch sử từ quá vãng ra hiện tại là việc làm trái tự nhiên, trái qui luật, là phủ nhận hiện tại. Với công tác tư tưởng, đó là sự yếu kém, không biết làm việc, đành lôi bài bản cũ ra xào xáo lại!
2.
Sự chối bỏ tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Tư duy phương Tây coi trọng cái lí. Những gì của tự nhiên không phù hợp với con người đều là bất hợp lí, đều cần cải tạo. Phương Tây đặt con người đối mặt với tự nhiên, con người luôn lăm le cải tạo tự nhiên. Tư duy phương Đông hướng vào cái Tâm. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Nguyễn Du). Coi tự nhiên cũng như con người, đều là chủ thể thế giới, triết lí phương Đông không đẩy con người đối lập với tự nhiên mà đòi hỏi con người sống hòa thuận với tự nhiên. Ngôi nhà sàn nhỏ bé của Hồ Chí Minh núp trong cây xanh, soi bóng xuống hồ cá trong rừng cây xao xác gió ở Phủ Chủ tịch giữa Hà Nội là cách sống hòa vào thiên nhiên, là tư tưởng triết lí phương Đông của Hồ Chí Minh. Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Hồ Chí Minh nhắc lại lời của nhà hiền triết phương Đông như vậy và đi đâu thăm hỏi đồng bào chiến sĩ Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở việc trồng cây không phải chỉ vì lợi ích mười năm sau được hái quả, thu hoạch gỗ mà còn vì cây xanh là thiên nhiên, là màu xanh vĩnh hằng của sự sống.
Tư tưởng lớn, xuyên suốt, nhất quán trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là tư tưởng Nhân dân. Với tư tưởng Nhân dân, Hồ Chí Minh dựng lên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước với những tiêu chí thiết thực, đáp ứng nỗi khát khao Dân chủ cháy bỏng của Nhân dân. Với tư tưởng Nhân dân, Hồ Chí Minh đã xây dựng lên bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đưa Nhân dân lên chủ thể xã hội. Với tư tưởng Nhân dân, Hồ Chí Minh đã đổi tên đảng Cộng sản Đông Dương huyễn hoặc mang những tham vọng viển vông thành đảng Lao động Việt Nam bình dị, gần gũi với Dân. Khi buộc phải tiến hành chiến tranh bảo vệ nền độc lập thì cuộc chiến tranh do Hồ Chí Minh phát động cũng là cuộc chiến tranh Nhân dân, dựa vào Nhân dân tiến hành chiến tranh giữ nước.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bình dị vậy thôi. Những người tự nhận là học trò gần gũi của Hồ Chí Minh, luôn ra rả nói học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhưng hoàn toàn làm trái với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, hoàn toàn chối bỏ, phủ nhận tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Với triết lí phương Đông, con người sống chết đều hòa vào thiên nhiên, Hồ Chí Minh viết rõ ràng trong di chúc đưa tro xác Hồ Chí Minh về với đất đai. Với tư tưởng Nhân dân, Hồ Chí Minh không chấp nhận hoang phí tiền bạc của Dân. Khi sống, Hồ Chí Minh cần kiệm, giản dị, sinh hoạt như người dân thường. Cả đời làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh chỉ có hai kiểu trang phục, bộ quần áo nâu nông dân và bộ quần áo ka ki cán bộ như mọi cán bộ bình thường. Cơm dưa cà đạm bạc. Chiếc ô tô của Chủ tịch nước chỉ là ô tô thông thường đã chạy hơn mười năm Hồ Chí Minh vẫn không cho đổi xe mới… Khi chết, Hồ Chí Minh chỉ mong muốn tro xác về với đất đai cả ba miền đất nước. Nơi Hồ Chí Minh về với đất chỉ cần mái chòi đơn sơ trên đồi cây mang màu xanh bất tận của thiên nhiên đất nước. Hồ Chí Minh ngăn cấm không cho sử dụng tốn kém tiền bạc của Dân cho cái chết của Hồ Chí Minh. Mong muốn giản dị về với đất đai của Hồ Chí Minh đã không được thực hiện, những người ra rả học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn đổ không thương xót số tiền khổng lồ của Dân để xây lăng mộ, duy trì bộ máy đồ sộ, cả một Bộ Tư lệnh lăng để bảo quản thi hài, quản lý lăng mộ Hồ Chí Minh! Cho đến nay, cả đến Quốc hội của Dân cũng không được biết số tiền khổng lồ đó là bao nhiêu!
Điều bất nhẫn với Dân và xúc phạm đạo đức Hồ Chí Minh hơn nữa là nhà nước đổ số tiền khổng lồ ra xây dựng và duy trì lăng Hồ Chí Minh khi hơn mười triệu Dân miền Bắc đang đói lay đói lắt, trẻ thơ không đủ cơm ăn, người bệnh không có viên thuốc uống, người nông dân thu hoạch lúa, đóng thuế rồi chỉ còn bữa cháo bữa rau cầm hơi!
Trong đoàn nhà văn Việt Nam sang Ấn Độ tham dự một hoạt động văn chương quốc tế ở thành phố Kolkata, lúc vui chuyện với các bạn Ấn Độ, tôi nhắc đến việc Ấn Độ đã trở thành cường quốc nguyên tử, tưởng các bạn Ấn Độ sẽ tự hào lắm. Nhưng tôi thấy mọi người đều im lặng, vẻ mặt tư lự rồi nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chàm đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Ấn Độ – Việt Nam (Indo – Vietnam Solidarity Committee), ông Geetesh Sharma nói: Để có nguyên tử, cho đến hôm nay hơn năm mươi phần trăm dân số Ấn Độ còn phải sống trong nghèo khổ và những khu nhà ổ chuột cứ lan rộng khắp đất nước Ấn Độ! Nghe người bạn thân thiết của Việt Nam nói vậy tôi lại thầm so sánh: Hơn năm mươi phần trăm dân số sống trong nghèo khổ để Ấn Độ có nguyên tử vẫn còn hơn là hơn mười triệu dân Việt Nam phải sống trong nghèo khổ để có lăng mộ Hồ Chí Minh! Đó là điều trái với đạo đức Hồ Chí Minh, là sự phỉ báng tư tưởng Nhân dân của Hồ Chí Minh!
Làm trái tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải là cá biệt mà là việc làm có tính toán, có hệ thống từ nhỏ đến lớn, từ chi tiết đến đại thể, từ sự việc cụ thể đến vấn đề khái quát, có sự thống nhất của nhiều thế hệ lãnh đạo kế tiếp sau Hồ Chí Minh.
Nhà nước Dân chủ là khát vọng của mọi thân phận người Dân nước Việt, là xu thế của thời đại. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra thời đại Dân chủ hóa cho cả thế giới thứ ba. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi bảo vệ thành công nền Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kích hoạt cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trở thành dòng thác cách mạng. Vì thế tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự ngưỡng vọng của thế giới, là niềm tự hào to lớn của mọi người dân Việt Nam . Cho đến nay tiến trình dân chủ hóa vẫn đang diễn ra trên toàn thế giới. Ở nước ta, tiến trình dân chủ hóa vẫn còn ở chặng khởi đầu, còn nhiều dò dẫm và trở ngại. Dân chủ vẫn đang là nỗi thèm khát và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ người dân đi tới, vượt qua mọi trở ngại, giành lấy một nền dân chủ thực sự và đầy đủ. Thế mà tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang tư tưởng Dân chủ của Hồ Chí Minh, mang khát vọng Dân chủ của cả dân tộc Việt Nam đã bị những người luôn cao giọng học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh loại bỏ thẳng thừng để thay thế bẳng tên gọi xa lạ, ngoại lai: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Trong khái niệm, trong ý thức, trong tình cảm mọi người dân Việt Nam , tiếng gọi Việt Nam bao giờ cũng phải đưa lên trên cùng. Việt Nam ! Việt Nam ! Việt Nam ! Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm! Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thân thiết như máu thịt chính là do đáp ứng tình cảm đó. Nay một ngôn từ xa lạ, xã hội chủ nghĩa, ngôn từ chỉ gợi lên những kí ức đau buồn của cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, của những cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt triền miên, trở thành tên nước Việt và tên gọi Việt Nam thân yêu như tên người Mẹ hiền, như tên người thương đã bị chìm khuất, bị đè bẹp, bị đẩy xuống cuối cùng trong chuỗi ngôn từ lạnh lùng, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Thể chế Dân chủ cần thiết cho người dân Việt Nam như khí trời cần thiết cho sự sống. Thể chế ấy bị vất bỏ để thay thế bằng khái niệm mơ hồ, viển vông, không có thật, khái niệm chỉ có trong ảo thuyết. Đó là sự chối bỏ phũ phàng tư tưởng Hồ Chí Minh!
Chính đảng cách mạng Hồ Chí Minh dựng lên là sự tập hợp từ những nhóm cộng sản Việt Nam hình thành trong thời kì lây lan của phong trào cộng sản thế giới. Vì thế chính đảng ấy ban đầu mang tên cộng sản, mang dấu ấn hoàn cảnh lịch sử ra đời. Nhưng đến năm 1951, khi cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh, cách mạng đã giành được quyền chủ động và thế phản công trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đang tiến tới ngày giải phóng đất nước, Hồ Chí Minh liền đổi tên đảng là đảng Lao động Việt Nam. Tuy vẫn phải giữ liên hệ chặt chẽ với các đảng cộng sản và các nước cộng sản để nhận sự hỗ trợ cần thiết cho cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng tên đảng Lao động Việt Nam đã bộc lộ rất rõ tư tưởng Dân tộc, tư tưởng hướng nội của Hồ Chí Minh. Khi đất nước đã được hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã thoát khỏi thân phận là lực lượng xung kích phải đứng ở mũi nhọn trong cuộc đối kháng ý thức hệ thế giới là khi chúng ta càng phải hướng nội, càng phải nêu cao tư tưởng Dân tộc của Hồ Chí Minh để hòa giải, hòa hợp dân tộc, dồn sức xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Nhưng thế hệ lãnh đạo kế cận Hồ Chí Minh tự nhận là những học trò gần gũi nhất của Hồ Chí Minh lại tráo trở với tư tưởng Hồ Chí Minh đã thay tên đảng Lao động Việt Nam của Hồ Chí Minh bằng tên đảng Cộng sản Việt Nam, một tên gọi đầy tính băng đảng quốc tế! Phủ nhận tên đảng Lao động Việt Nam mang văn hóa Việt Nam coi trọng người lao động, mang tâm lí, tính cách con người Việt Nam là phủ nhận bản sắc Việt Nam để đồng hóa Việt Nam với thế giới cộng sản chỉ nhìn nhận giai cấp!
Vất bỏ tư tưởng dân tộc, tư tưởng hướng nội của Hồ Chí Minh, vẫn say sưa quyết liệt với bạo lực chuyên chính vô sản, vẫn say sưa quyết liệt đối đầu ý thức hệ, lấy giai cấp trấn áp dân tộc, đưa đất nước đến hai thảm họa: Phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tù đày, dằn mặt với những người con nước Việt ở phía bên kia ý thức hệ, bỏ phí một lực lượng lao động cao cấp vô cùng quí giá! Phá hoại tan hoang nền kinh tế miền Nam, một nền kinh tế tư bản cao hơn hẳn kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc!
Vất bỏ tư tưởng dân tộc, tư tưởng hướng nội của Hồ Chí Minh để hướng ngoại, vươn tới thế giới cộng sản khi thế giới cộng sản đang khủng hoảng toàn diện, đang thoái trào tan rã, đang lục đục gầm gừ năm bè bảy mối. Một lần nữa những người lãnh đạo Việt Nam ngây thơ, không đủ tầm lại đưa dân tộc Việt Nam trở thành vật hi sinh của thế giới cộng sản. Mâu thuẫn của thế giới cộng sản lại trút xuống đầu nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam lại phải hứng chịu cuộc chiến tranh đẫm máu ở biên giới phía Bắc kéo dài suốt mười năm, từ 1979 đến 1988. Đó là hậu quả dại dột tráo trở tư tưởng dân tộc của Hồ Chí Minh.
Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chi Minh soạn thảo được Quốc hội khóa I thông qua ngày 9.11.1946 đã cụ thể hóa tư tưởng Nhân dân của Hồ Chí Minh. Hiến pháp 1946 đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên vị trí chủ thể xã hội, trao cho Nhân dân toàn bộ quyền bính xã hội: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1, điều đầu tiên Hiến pháp 1946). Hiến pháp 1946 đã cụ thể hóa quyền lực nhân dân khi ghi rõ: Những điều thay đổi Hiến pháp khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70, điều cuối cùng Hiến pháp 1946). Nhưng những Hiến pháp ban hành sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, đã tước bỏ vị trí làm chủ của Nhân dân, tước bỏ quyền bính xã hội của Nhân dân, trao quyền làm chủ xã hội cho đảng Cộng sản, trao toàn bộ quyền bính xã hội cho đảng Cộng sản, một đảng nắm quyền thống trị xã hội bằng bạo lực chuyên chính vô sản, bằng trấn áp giai cấp. Điều 4 Hiến pháp 1980 ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam . . . là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội. Điều 4 Hiến pháp 1992 lại ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội! Chỉ một điều 4 của Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 đã tước đoạt toàn bộ quyền làm chủ xã hội của Nhân dân mà Hiến pháp 1946 của Hồ Chí Minh đã trao cho Nhân dân. Bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống, bao nhiêu xương máu đã đổ ra mới giành và giữ được độc lập. Nhưng nước có độc lập mà người Dân lại trở về thân phận trước năm 1945 khi đất nước còn nô lệ! Đó là nỗi cay đắng của Nhân dân khi tư tưởng Nhân dân của Hồ Chí Minh bị phản bội!
Những tư tưởng đạo đức cơ bản của Hồ Chí Minh đã bị chối bỏ thì việc rầm rộ học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có thực tâm?
3.
Cuộc vận động làm điều giả dối
Phải nói thẳng rằng chính quyền nhà nước hiện nay là chính quyền tham nhũng. Chính quyền tham nhũng tạo ra luật pháp để tham nhũng. Luật để tham những rõ ràng nhất là luật Đất đai. Luật Đất đai ở điều 5 ghi: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Điều 7 lại ghi: Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Câu chữ lủng củng và diễn đạt cầu kì có thể rút gọn lại là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí. Ruộng vườn mồ hôi xương máu của tổ tiên từ ngàn đời để lại bỗng thành sở hữu toàn dân! Cha chung không ai khóc, sở hữu toàn dân là vô chủ và quan tham thỏa sức vơ vét! Nhà nước quản lý nên quan chức nhà nước mặc sức cắm mốc thu hồi đất theo những tính toán vụ lợi của các quan. Thu hồi đất, phân lô chia chác cho các quan, chia cho vợ, con, họ hàng các quan. Thu hồi đất cho các dự án để ăn chặn tiền đền bù, ăn chênh lệch giữa giá đất đền bù và giá đất giao cho các dự án! Càng nhiều dự án thì các quan càng có nhiều tiền và dòng người dân khiếu kiện vì bị cướp đất, bị ăn chặn tiền đền bù càng nối dài theo năm tháng. Người nông dân mất đất phải phiêu bạt khắp nơi, từ vị trí làm chủ họ trở thành người đi làm thuê. Con gái ra thành phố làm tiếp viên cà phê đèn mờ, ra nước ngoài làm ô sin, làm nô lệ tình dục. Con trai đi bán sức lao động, làm thuê, làm mướn. Bần cùng và phẫn uất, có người trở thành trộm cướp. Có người già phải dắt cháu đi ăn xin! Chỉ mới vài ngày gần đây thôi, một cô bé ra TP HCM thi đại học phải nhịn đói tròn 3 ngày trong thời gian thi. Đó là trách nhiệm – nặng hơn nữa là tội ác – của ai nếu không là của những kẻ khề khà giảng giải đạo đức Hồ Chí Minh mà sau lưng lại là vô số “nhóm lợi ích” ôm hàng túi vàng?
Miệng hô hào chống tham nhũng nhưng chính quyền tham nhũng thì rất nương nhẹ, dửng dung với quốc nạn tham nhũng. Chính phủ nước ngoài cho ta vay vốn làm công trình. Công ty nước ngoài liền hối lộ quan chức ta để trúng thầu thi công công trình đó. Chính quyền nước ngoài đã đưa người hối lộ ra tòa án nhưng quan chức ta nhận hối lộ thì vẫn bình yên và chính quyền ta thì dửng dưng nói với nước ngoài: Cứ đưa chứng cứ ra, chúng tôi sẽ xử lí! Làm như hối lộ và nhận hối lộ chỉ là việc của mấy người nước ngoài! Bố đứng đầu cơ quan phát hành tiền bạc nhà nước, con liền lập công ti in tiền cho bố. Bao nhiêu bê bối, lình xình đã phơi bày ra nhưng vẫn được bỏ qua! Dù chế độ tiền lương đã được cải thiện nhiều nhưng nếu không tham nhũng thì đồng lương quan chức không thể dư dả đến mức quan chức ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì về vùng xa mua hàng chục hecta đất làm trang trại, về những nơi kì thú như Sóc Sơn, Ba Vì, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt mua biệt thự làm chốn đi về nghỉ ngơi. Các quan tỉnh lẻ thì về Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh mua đất, mua nhà cho con lớn con nhỏ, mua biệt thự chờ ngày về hưu. Lớp quan chức này đã vớ bẫm về nghỉ, hạ cánh an toàn, lớp quan chức sau lại cất cánh bay theo đường bay làm giàu, bòn rút tiền bạc nhà nước, bóp nặn dân của lớp quan chức trước. Tất cả đều an toàn, tất cả đều vô sự trở thành sự khuyến khích tham nhũng, trở thành sự hấp dẫn của chiếc ghế quan chức và chiếc ghế quan chức trở thành đắt giá trong thị trường mua quan bán chức!
Chuyện tham nhũng của bộ máy nhà nước ta không sao kể xiết. Bộ máy nhà nước tham nhũng ấy lại cao giọng rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh, lại ồn ào rầm rộ học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thì đó là sự giả dối vô liêm sỉ, một sự giả dối tự nhiên như không, không còn biết ngượng, thì đó là một màn kịch vụng về, trơ trẽn! Và cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở thành cuộc vận động làm điều giả dối! Đó là suy đồi thảm hại của đạo đức xã hội!
Bộ máy tham nhũng làm cho chính quyền suy yếu, nhân dân oán giận, lòng người li tán. Trong tình thế đó, đưa Hồ Chí Minh ra, đưa những năm tháng đánh giặc hào hùng ra, đưa sự hi sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ ra để ru ngủ nhân dân quên đi những nhức nhối hiện tại, để chính quyền tham nhũng núp bóng, ăn theo vinh quang của quá khứ mà tồn tại. Đó là sự ăn mày dĩ vãng!


http://bauxitevietnam.info/c/3276.html
----------
Từ biên giới phía bắc 30 năm trước đến Biển Đông hiện nay (Phạm Đình Trọng)

“…Những người lãnh đạo Trung Quốc luôn khuấy động sự tranh chấp căng thẳng, nóng bỏng ở biên giới đất liền trước đây và ở Biển Đông hiện nay để kích động tinh thần Đại Hán... Còn sự nhu nhược, nhượng bộ, buông xuôi của chúng ta đang làm chia rẽ, li tán dân tộc…”

Dạo ấy, khoảng năm 1984, xưởng Phim Quân Đội, nơi tôi làm việc, có chiếu bộ phim truyền hình 11 tập Khải hoàn lúc nửa đêm của Trung Quốc. Phim truyện truyền hình nhưng mang tính chính luận chính trị về một sự kiện lịch sử vừa xảy ra trong quan hệ Việt – Trung, nên đại sứ quán ta ở Bắc Kinh ghi hình từ màn hình ti vi đưa về nước để ở nhà tham khảo.


Khải hoàn lúc nửa đêm kể về thân phận những trí thức, những thị dân ở một thành phố Trung Quốc bị đày đoạ trần ai trong cách mạng văn hoá. Cách mạng văn hoá đã làm tan hoang đất nước, phân rã xã hội, li tán gia đình. Sự kiện biên giới phía Nam Trung Quốc bị Việt Nam quấy nhiễu, lấm chiếm đã thu hút nhiều người trong số họ vào quân đội, đi xuống phía Nam, bảo vệ biên cương tổ quốc Trung Hoa. Cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 đã tập hợp những con người khốn cùng ấy, đánh thức lòng yêu nước, thức tỉnh ý thức dân tộc Đại Hán, thổi vào họ một khí thế mới để họ xông vào trận chiến, chấp nhận những thương tổn to lớn để bảo vệ biên cương Đại Hán. Cuộc chiến kết thúc, giữa đêm tối mịt mù, họ sát cánh bên nhau, trùng trùng đội ngũ trở về xây dựng lại đất nước Trung Hoa.

Đưa hơn nửa triệu quân tràn qua biên giới vào bắn giết dân lành, đốt phá nhà cửa, vơ vét của cải của dân ta, phơi xác ngổn ngang trên đất nước ta, cuộc chiến ấy, ngoài miệng, bằng giọng kẻ cả Đặng Tiểu Bình nói là dạy cho Việt Nam một bài học nhưng thực chất cuộc chiến đẫm máu đó hoàn toàn vì nội tình đất nước Trung Hoa, là một kế sách quen thuộc lấy đối ngoại giải quyết chuyện đối nội của họ.

Từ khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời, tháng mười năm 1949 đến cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam, tháng hai năm 1979, gần ba mươi năm đất nước Trung Hoa liên tục chiến tranh và đại loạn. Chiến tranh thôn tính Tây Tạng năm 1950 – 1951! Chiến tranh đối đầu với Mĩ ở Triều Tiên năm 1950 – 1953! Cuộc chiến bắn pháo sang đảo Kim Môn, Mã Tổ của Đài Loan kéo dài suốt những năm 1954; 1955; 1958! Cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ năm 1962! Cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc – Liên Xô năm 1969! Đại loạn thổ cải phân chia người dân Trung Quốc thành những giai cấp đối kháng! Đại loạn toàn dân làm gang thép gây chia rẽ cả giới lãnh đạo Trung Quốc, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, nguyên soái đầy công trạng Bành Đức Hoài phản đối chương trình điên rồ toàn dân làm gang thép bị Mao Trạch Đông cách chức và đày ải! Đại loạn Công xã Nhân dân đề cao những giá trị giả, đưa một nông dân ít học, chủ nhiệm Công xã Đại Trại, Trần Tích Liên lên đến Phó Thủ tướng. Đến đại cách mạng văn hoá thì cả đất nước Trung Hoa rộng lớn thành một đấu trường sôi sục và đẫm máu. Những cuộc đại loạn trong lòng nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa cũng thực sự là những cuộc chiến tranh tàn phá đất nước Trung Hoa. Cuộc đại loạn cách mạng văn hoá điên rồ còn hơn cả cuộc chiến tranh vì nó đánh tan rã cả ý chí và niềm tin của gần một tỉ dân Trung Quốc, đánh cả vào những giá trị đạo đức, luật pháp, trật tự xã hội!

Trong khi những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật liên tiếp đã đưa những nước công nghiệp tới sự phát triển thần kì thì chiến tranh và đại loạn triền miên ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đã làm cho nước Trung Hoa khổng lồ dân số đông nhất thế giới thành nước có số người nghèo đói nhiều nhất thế giới. Hậu quả nặng nề nhất của những cuộc chiến tranh và đại loạn triền miên là sự hoảng loạn, rã rời trong lòng người dân và sự phân rã, chia rẽ trong xã hội. Muốn xây dựng lại đất nước Trung Hoa kiệt quệ và hoảng loạn đó cần có vốn liếng và công nghệ hiện đại, lại càng cần phải có cả khí thế và sự hào hứng trong lòng người dân. Những người lãnh đạo Trung Quốc sau Mao Trạch Đông toan tính giải quyết hai đòi hỏi này bằng cuộc cất quân sang đánh Việt Nam.

Với cuộc chiến tranh dằn mặt Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã gửi tới phương Tây, nơi có sẵn đồng vốn và công nghệ hiện đại mà Trung Quốc đang thèm khát một thông điệp rằng tư tưởng xã hội của Trung Quốc đã thay đổi, Trung Quốc không còn nằm trong khối “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại” nữa. Cuộc chiến đó cũng là món quà cầu thân của Trung Quốc với phương Tây.

Vu cho Việt Nam gây sự quấy nhiễu, lấn chiếm biên cương Trung Quốc và bội nghĩa vô ơn đối với sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của Việt Nam, cuộc chiến tranh phi nghĩa Trung Quốc xâm lược Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh chính nghĩa vì toàn vẹn biên cương, lãnh thổ Trung Hoa và cũng vì đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân Trung Hoa, vì cả uy thế, danh dự Đại Hán nữa! Cuộc chiến tranh được nhà nước Trung Quốc tuyên truyền là chính đáng và cần thiết đó đã đánh thức tinh thần Đại Hán trong lòng người Trung Quốc đang rã rời, hoảng loạn, đã tập hợp họ lại thành một khối đoàn kết Đại Hán hùng hậu, đưa họ vào cuộc chấn hưng đất nước Trung Hoa.

Một đất nước khổng lồ luôn rối ren, hỗn loạn, nội bộ luôn đối kháng, li tán thì kế sách lấy chiến tranh với bên ngoài, lấy sự đe doạ từ bên ngoài để tập hợp nhân dân, củng cố nội bộ là kế sách quen thuộc của nhà nước Trung Quốc. Ngày nay cũng thế. Với Việt Nam họ vẫn luôn mồn nói tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển đông sẽ giải quyết bằng đối thoại. Nhưng bằng hành động họ vẫn duy trì tình trạng căng thẳng, nóng bỏng ở biên giới, ở biển đông. Phong tỏa biển của Việt Nam. Bắn giết dân Việt Nam làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam. Chống phá Việt Nam khai thác tài nguyên trên biển Việt Nam rồi vu cho Việt Nam gây sự chiếm biển của họ. Đọc những trang mạng tiếng Hoa và cả báo viết, báo nói tiếng Hoa thấy rõ việc làm này của họ đã tập hợp được tinh thần Đại Hán sôi sục như thế nào!

Những người lãnh đạo Trung Quốc luôn khuấy động sự tranh chấp căng thẳng, nóng bỏng ở biên giới đất liền trước đây và ở Biển Đông, ở Trường Sa, Hoàng Sa hiện nay để kích động tinh thần Đại Hán, khơi dậy ý thức dân tộc, tập hợp dân chúng.

Còn sự nhu nhược, nhượng bộ, buông xuôi của chúng ta đang làm chia rẽ, li tán dân tộc ta!
Phạm Đình Trọng
----------
Nhà văn Phạm Đình Trọng
Sau khi thông báo từ bỏ Đảng tịch, nhà văn Phạm Đình Trọng tường thuật buổi làm việc cuối cùng với tổ chức của đảng trước khi trở về với nhân dân. Ông viết,
“Ỷ vào sức mạnh của tổ chức, của bạo lực chuyên chính, của độc quyền chân lí là cách hành xử của những người năng lực yếu kém. Cách hành xử này không phải chỉ có ở đảng uỷ phường 15 quận Tân Bình mà là cách hành xử khá phổ biến của các cơ quan đảng và nhà nước ta hiện nay. Bỏ ngoài tai sự đóng góp trung thực của tôi, những người đã làm nhiều điều trái với tư tưởng thật sự của Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục dùng đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân rầm rộ phô trương một việc làm không thật lòng: Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh! Trước thực trạng đó, tôi thấy chỉ còn cách từ bỏ sự không trung thực đó để được vẫn trung thành với lí tưởng chân chính của đảng mà tôi đã hiến dâng những năm tháng đẹp nhất cuộc đời. Tôi phải tách ra khỏi những việc làm ngược với tư tưởng đích thực của Hồ Chí Minh để tôi vẫn được trung thành với lí tưởng vì nước vì dân của Hồ Chí Minh.”
“Trở về cuộc sống làm ăn đời thường, hàng ngày hàng giờ không còn đối mặt với cái chết nữa mà phải đối mặt với những bài toán kinh tế. Đời sống riêng tư mỗi người, đời sống kinh tế gia đình, đời sống kinh tế quốc gia đều đặt ra những bài toán cụ thể, thiết thực của đời thường. Trước những bài toán ấy, yếu tố tinh thần không còn quyết định nữa mà quyết định là yếu tố thực tế, yếu tố tỉnh táo, trí tuệ, yếu tố nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin. Chỉ có tình cảm hai nước cùng là cộng sản phải đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chỉ có tinh thần quốc tế vô sản, không có thực tế của đời sống kinh tế khắc nghiệt, thiếu sự tỉnh táo lạnh lùng của người làm kinh tế, lại càng thiếu trí tuệ của khoa học công nghệ, chúng ta đã kí hợp đồng với Trung Quốc hợp tác khai thác bô xít ở Tây Nguyên, đẩy đất nước ta vào những thảm họa khủng khiếp và bi thảm. Làm kinh tế chỉ bằng tinh thần và tình cảm nguy hại như vậy đó! Học tập đạo đức Hồ Chí Minh hoàn toàn chỉ là tinh thần và tình cảm!”
Người đọc cũng có thể thấy được những trăn trở của nhà văn Phạm Đình Trọng qua “Thiên sử ký dân gian”:
“Gươm thiêng từ hồ đầm đã trở về hồ đầm. Rùa thần cũng đã đẻ trứng bên bụi dứa dại bên hồ Lục Thủy. Linh quy đã trở về đời thường, sinh nở tự nhiên! Thế là cuộc sống đã trở lại bình thường! Non sông đã thực sự yên hàn! Rùa đầu trắng đòi lại gươm là điều nhắc nhở phải chấm dứt quyền uy của lưỡi gươm! Gươm thần Trẫm đã trả lại đất trời nhưng Trẫm còn quá mê muội vụ án oan khiên thảm khốc, tôi hiền ly tán, lòng người không yên! Thế là cuộc sống bên ngoài thì bình yên mà trong lòng người thì xao xác! Lo cho sự trường tồn của nhà Lê đúng ra Trẫm phải theo điều khanh vẫn nêu lên hàng đầu là việc nhân nghĩa cốt ở yên dân! Trẫm quên điều đó, chỉ biết tin vào quyền uy của lưỡi gươm oan nghiệt! Đến lúc chợt nhận ra thì mệnh của Trẫm đã tận! Trẫm chỉ còn biết nói với Khanh như lời sám hối với lương tâm! Như lời sám hối với những tôi hiền của Trẫm!”

Tổng số lượt xem trang