Năm 2010 sắp khép lại. Có lẽ cũng là lúc nên có vài suy nghĩ về nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2010 sắp khép lại. Có lẽ cũng là lúc nên có vài suy nghĩ về nền kinh tế Việt Nam. Năm 2010 khá đặc biệt vì nó là năm bản lề, khép lại thời gian hoạt động của chính phủ cũ và mở màn cho một chính phủ mới. Đây là thời gian khởi đầu từ năm 2006, sau khi Việt Nam đã hoàn toàn hoà nhập với nền kinh tế giới, với tất cả các rào cản mà các nước dựng lên che chắn, hoặc tự mình dựng lên che chắn đã được xoá bỏ. Từ mốc 2006, Việt Nam đã trở thành thành viên bình thường của tất cả các định chế quốc tế quan trọng, từ IMF, World Bank, cho tới WTO và cũng là thành viên của các tổ chức mang nhiều tính chính trị hơn như ASEAN, APEC, kể cả việc được bầu làm thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như đảm nhiệm các vai trò quan trọng như là nước chủ nhà tổ chức hội nghị APEC và chủ tịch ASEAN.
Sự nổi lên về mặt chính trị quốc tế như thế lại không đi kèm với sự nổi lên về mặt kinh tế. Đáng thất vọng là việc trở thành thành viên tổ chức WTO, sau hàng chục năm vật lộn với đòi hỏi cải cách của tổ chức này, khơi dậy được sự tin tưởng của cộng đồng giới làm ăn trên thế giới rằng một con rồng mới sẽ xuất hiện, kéo theo được dòng đầu tư khá ồ ạt từ nước ngoài đổ vào Việt Nam, thì ngọn lửa hy vọng bùng lên từ đó hình như đang heo hắt và lịm dần. Ngay cả sự tin tưởng của người dân trong nước vào sự vận hành trơn tru của nền kinh tế cũng đang mất dần. Điển hình là các hành động găm giữ vàng và ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân vào cuối năm 2010 để bảo vệ tài sản do lạm phát gây ra, đang lập lại tình trạng lạm phát phi mã của năm 2008.
Bài này sẽ nếu ra một số yếu kém mà nền kinh tế Việt Nam phải vượt qua, phản ánh những phân tích tác giả đã làm từ nhiều năm nay.
1. Ổn định giá cả là ưu tiên số một của chính sách phát triển
Hitler và Phát xít Đức nổi lên được vì người dân Đức không thể chấp nhận được lạm phát phi mã sau thế chiến thứ nhất. Tưởng Giới Thạch bị đẩy khỏi lục địa cũng vì người dân mất hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền này khi không kiểm soát được lạm phát. Chính vì thế mà sau thế chiến thứ hai, Đức và Đài Loan là hai nước đã có chính sách triệt để không để lạm phát ngóc cổ dậy.
Việt Nam chính vì phải đối phó với nạn lạm phát phi mã có lúc lên tới gần ngàn phần trăm vào những năm 80, đã phải cải cách một cách triệt để. Nhưng tiếc thay nạn lạm phát sau khi bị kéo xuống mức gần mức zero, tạo nên thời gian ổn định khá dài và sự phấn khởi của người dân, đã trở lại trong năm năm qua. Không những thế những người làm chính sách gần như vẫn chưa cảm thấy sự nguy hiểm của nó, bởi vì không thể không ngạc nhiên khi mà chính quyền vài năm nay vẫn đề nghị và lại được Quốc Hội chấp thuận với chỉ tiêu lạm phát ở mức 7%, một tỷ lệ lạm phát mà khó có một nước đặt ưu tiên ổn định lên hàng đầu lại có thể chấp nhận được [năm nay, lạm phát lên tới 12% - Diễn Đàn]. Không thể coi sự mất giá trên 70% trong 5 năm qua là bình thường. Đối với người có đồng lương cố định thì họ sẽ ngày càng nghèo đi rõ rệt.
2. Phải xoá bỏ tư tưởng chạy theo tốc độ GDP để tạo sự ổn định về giá cả
Tư tưởng chạy theo tốc độ tăng trưởng ở mức 9-10% rồi xuống mức 7-8% những năm gần đây cũng đều không đạt được mà lạm phát lại tăng, nợ nước ngoài và nợ của chính phủ cũng tăng mạnh, đồng thời nhập siêu lớn vẫn chưa có lời giải.
Biểu 2. Nợ nước ngoài của chính phủ (kể cả được chính phủ bảo lãnh)
Tỷ đồng US
| 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 |
Tổng nợ nước ngoài (tỷ US) | 16.4 | 18.3 | 22.1 | 25.9 | 37.0 |
Nợ doanh nghiệp không có bảo lãnh | 2.2 | 2.7 | 2.9 | 4.1 | 9.2 |
Nợ của chính phủ và nợ chính phủ bảo lãnh (tỷ US) | 14.2 | 15.6 | 19.2 | 21.8 | 27.8 |
Tốc độ tăng nợ nước ngoài hàng năm | | 12% | 21% | 17% | 43% |
Nguồn: Bản tin số 5 của Bộ Tài Chính.
Nợ nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi trong 4 năm qua, từ 16 tỷ USD lên trên 37 tỷ (chỉ kể đến năm 2009), bằng 39% GDP. Nợ của chính phủ chưa tính đầy đủ (vì chưa gồm nợ hưu trí) cũng đã tăng lên trên 52% GDP. Những tỷ lệ này hoặc đã vượt hoặc gần với nhưỡng của an toàn. Tuy nhiên do dự trữ ngoại tệ mỏng, đòi hỏi ngoại tệ cho nhập siêu để đáp ứng chỉ tiêu tốc độ phát triển lớn hơn khả năng (đặc biệt là bành trướng đầu tư từ khu vực nhà nước) sẽ tiếp tục làm giảm nhanh nguồn dự trữ này xuống tới mức khủng hoảng.
Đặc biệt nghiêm trọng là nợ nước ngoài đang tăng nhanh, ở mức 43% năm 2009. Quan trọng hơn nữa là nợ của doanh nghiệp không được nhà nước bảo lãnh (chủ yếu là của doanh nghiệp quốc doanh) mượn với lãi suất cao trên thị trường cũng tăng nhanh, hơn gấp đôi năm 2009. Việc Vinashin không trả được nợ, đã làm lãi suất vay của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới tăng hơn 2.5 %, là điển hình của loại nợ nói ở trên.
3. Tập trung vào sản xuất có chất lượng, xoá bỏ tham nhũng
Tăng chất lượng, xoá bỏ tham nhũng là điều nói dễ, làm khó, và ngày càng trở nên khẩu hiệu tuyên truyền, nói cho có nói, không những của chính phủ mà còn của cả những người phê phán chính phủ.
Tính khoa học đòi hỏi phải có những tiêu chí đánh giá dự án rõ ràng minh bạch, và sau đó đánh giá chất lượng những công trình đầu tư đã hoàn thành của nhà nước, để chấm dứt các tỉnh tranh nhau đầu tư không có nhu cầu, và nếu có đầu tư thì chi phí tốn kém, nợ tiếp tục chồng chất mà chất lượng kém cỏi, cần đại tu ngay sau khi hoàn thành.
Việc bảo đảm chất lượng này có thể nói là vượt ngoài khả năng của bất cứ một nhà kinh tế và kỹ thuật nào. Nó là vấn đề chính trị và xã hội. Khi mà người dân và nhà khoa học không có tiếng nói và tham gia thật sự vào quá trình thông qua dự án và kiểm tra chất lượng, chống lại hệ thống tham nhũng quyền hành đang hoành hành thì không thể giải quyết được tình hình.
Một bài tính nhỏ sau đây cho thấy ăn cắp của công có thể đã rất lớn, đặc biệt thông qua tiền phải “cưa” cho nhà nhập khẩu và người kêu thầu. Số tiền này thường được để ở nước ngoài và sau đó chuyển vào Việt Nam dưới dạng kiều hối.
Kiều hối hàng năm - báo cáo hàng năm của VN cho Ngân hàng Châu Á (triệu USD)
2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1100 | 1767 | 2100 | 2919 | 3150 | 3800 | 6180 | 6804 | 6018 | 7200 |
| 61% | 19% | 39% | 8% | 21% | 63% | 10% | -12% | 20% |
Ta có thể thấy số kiều hối tăng nhanh, điều đó là tốt cho quốc gia, nhưng cũng nên tự hỏi là nguồn gốc kiều hối này có thể giải thích được không? Hiện nay, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài là 66 ngàn người, số kiều bào là 3.0 triệu, nếu trừ đi kiều bào ở những nơi khó có thể có đóng góp đáng kể như ở Campuchia, Lào, v.v. thì toàn bộ số người có thể gửi số tiền đáng kể về Việt Nam là 2.5 người. Như vậy tính trung bình, mỗi người gửi về một năm là 1200USD năm 2005 và năm 2010 là 2800 USD. Một con số cao khó lòng tưởng tượng được, ngày cả trên cơ sở tính theo hộ gia đình. Nếu so với Philippines năm 2010, số lao động ở nước ngoài là 4.8 triệu và số tiền kiều hối là 10.7 tỷ USD thì trung bình mỗi người gửi về một năm là 2200 USD. Nhưng nên nhớ là người lao động ở nước ngoài có khuynh hướng gửi toàn bộ số tiền để dành về còn kiều bào ở nước ngoài thì hành vi sẽ khác hẳn.
Toà án Philadelphia ở Mỹ vừa xử tội hối lộ của một công ty bán hàng cho các công ty quốc doanh Việt Nam cho thấy số tiền hối lộ ở mức 15-20% giá trị nhập.
Nói chung, tham nhũng làm sói mòn mọi tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của xã hội.
4. Vai trò của quốc doanh
Có lẽ ít ai lại chủ trương xoá bỏ quốc doanh ngay lập tức. Nhiều nước trong giai đoạn đầu đã sử dụng quốc doanh như công cụ tập trung vốn, mở rộng sản xuất, tạo dựng sức mạnh của nền kinh tế quốc gia rồi sau đó tư hữu hoá vì cần động lực phát triển của tư sản cá nhân. Ta thấy nhiều nước đã thành công trong chiến lược ngắn hạn này như Hàn Quốc, Singapore một số nước Tây Âu như Đức, Pháp, Anh và hiện nay may ra có thể là Trung Quốc.
Ta thấy thành công đòi hỏi hai điều kiện: luật pháp và kỷ cương được tôn trọng và người tài được sử dụng. Trong một xã hội thiếu kỷ cương và luật pháp minh bạch thì chỉ có người bất tài và lanh ma mới có thể nổi lên. Sự thất bại của quốc doanh Việt Nam cho đến hôm nay nói lên rằng những tiền đề nền móng cần có chưa xuất hiện.
4. Những vấn đề thuộc nền móng xã hội
Những điều nói ở trên đòi hỏi việc xoá bỏ nguyên nhân tạo ra tham nhũng, lạm quyền và xây dựng cơ sở cho việc chống lại chúng. Đây là những vấn đề thuộc nền móng xã hội, đòi hỏi sự thay đổi quan điểm cơ bản về tương lai của xã hội thì mới có thể giải quyết được. Xin chỉ nêu hai vấn đề.
Vấn đề sở hữu đất đai là một vấn đề nền tảng. Đất đai cùng với lao động và tư bản chỉ là một trong ba yếu tố quan trọng trong kinh tế. Lao động và tư bản đã được cởi trói để từng cá nhân trong xã hội có thể xác định quyền tư hữu của mình. Thế nhưng mảnh đất thì vẫn không. Nó thuộc "toàn dân", nhưng thật sự là thuộc quan chức đang nắm chính quyền; họ có thể lấy lại quyền sử dụng khi nào họ muốn, theo giá trị họ quyết định, chuyển đổi mục đích sử dụng theo ý họ quyết định. Đây chính là cơ sở cho tham nhũng và tạo xáo trộn trong xã hội.
Vấn đề độc lập của tư pháp là yêu cầu quan trọng nhất nhằm bảo vệ công lý, kỷ cương xã hội, chống tham nhũng, lạm dụng quyền hành của người cầm quyền. Chừng nào mà tư pháp không độc lập, bị đặt dưới nguyên tắc: “ tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” thì khó lòng có công lý và chống được tham nhũng. Nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất” đi ngược với nguyên tắc “quyền lực thuộc về nhân dân”, bởi vì người cầm quyền nhà nước không phải là nhân dân. Lập pháp nếu có độc lập thì cũng chỉ ngăn được sự lộng quyền của Hành pháp, nhưng không thể bảo đảm công lý, mà công lý là quan trọng nhất cho quyền làm người và sự ổn định xã hội.
Vũ Quang Việt
Chú thích: Bài đã đăng trên TBKTSG, nhưng không đầy đủ.
-
BÀI MỚI CỦA TRẦN HỮU DŨNG: Căn nguyên của phát triển (TBKTSG số Tết dương lịch 2011) -- Ngoài bài này (!!), số báo này có nhiều bài khác cũng rất hay, nên mua ngay kẻo hết! ◄◄ Bất cứ ai quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế của một quốc gia đều có thể kể một loạt yếu tố ảnh hưởng đến mức độ và tốc độ phát trỉển: vốn vật thể, vốn con người, công nghệ, thể chế, v.v. Những yếu tố ấy hẳn là quan trọng nhưng, khoảng10-15 năm trở lại đây, một cuộc tranh luận đã diễn ra trong giới kinh tế về thành tố sâu xa nhất của phát triển, cụ thể là: có yếu tố nào căn bản hơn, đàng sau những yếu tố nói trên? Thắc mắc này là tất yếu vì lẽ, chẳng hạn như, dù xác định được vai trò của tích lũy vốn và tiến bộ công nghệ trong phát triển kinh tế, vẫn còn có thể hỏi: Thế thi tại sao có sự chênh lệch rộng lớn giữa các xã hội về tốc độ tích lũy và “cải tiến”?
Có ba trường phái chính trong cuộc tranh luận này. Trường phái thứ nhất, tạm gọi là phái địa lý, mà thủ lĩnh là nhà kinh tế Jeffrey Sachs. Trường phái thứ hai, thường được gọi là trường phái hội nhập, mà kinh tế gia tiêu biểu là David Dollar. Trường phái thứ ba là trường phái thể chế, thường gắn liền với tên Daron Acemoglu và Dani Rodrik.
I. Địa lý là tất cả?
Thứ nhất là địa lý. Lý thuyết này được nhiều tác giả ngoài kinh tế (Montesquieu, Jared Diamond) nói đến từ rất lâu. Jeffrey Sachs (đại học Columbia) và các đồng sự có ý kiến rằng vị trí nhiệt đới, không có bờ biển, và sự tuỳ thuộc vào “hàng hóa” (nhất là tài nguyên thô, thay vì dịch vụ) là những yếu tố trực tiếp cản trở phát triển. Không phải tình cờ mà hầu hết các nước chậm phát triển đều ở vùng nhiệt đới. Địa lý là yếu tố quyết định của khí hậu, của tài nguyên thiên nhiên, của nhiều thứ bệnh tật, của tổn phí giao thông và vận chuyển. Chướng ngại địa lý cũng ngăn cản sự lan truyền kiến thức, phát minh, từ những vùng tiến bộ đến những vùng hậu tiến, qua đó địa lý có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nông nghiệp và “chất lượng của tài nguyên con người”.
William Easterly (cũng ở đại học Columbia) và đồng sự là Ross Levine là tiêu biểu cho những người chống đối mạnh mẽ “giả thuyết địa lý” của Sachs. Họ nhìn nhận khí hậu nhiệt đới, mùa màng, và bệnh tật có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, song theo họ thì ảnh hưởng đó chỉ là gián tiếp, qua ảnh hưởng đến thể chế. Không thể xem chúng là căn nguyên của (sự chậm) phát triển được, họ khẳng định.
Trả lời Easterly và Levine, Sachs dùng mô hình kinh lượng của chính hai người này để chứng minh rằng bất kỳ thể chế tốt hay xấu, hễ nước nào nhiều sốt rét thì không tăng trưởng nhanh được. Sachs đắc thắng kết luận: địa lý vẫn là căn bản nhất! Song, khách quan mà nhìn thì Sachs chỉ chứng minh sốt rét là quan trọng. Từ đó sẽ là một bước nhảy vọt niềm tin để cho rằng địa lý nói chung là quan trọng.
Tuy là người chủ xướng yếu tố “địa lý” nhưng Sachs nói rõ là ông không hề cho rằng mỗi quốc gia đều có một “định mệnh” không thể tránh (không ai có thể di dời một quốc gia!). Ông chỉ rõ: Một quốc gia không có bờ biển thì vẫn có thể xây đường, đào kênh ra biển, một quốc gia vì khí hậu mà bị sốt rét thì vẫn có thể diệt trừ sốt rét. Chính vì thế mà Sachs cũng là người cực lực biện hộ cho viện trợ quốc tế (để xây đường, diệt sốt rét…), cho rằng ngọai viện là hữu ích, thậm chí tối cần cho phát triển.
Sachs cũng nhìn nhận là nhiều quốc gia miền ôn đới, và không có những bất lợi về địa lý (ví dụ như các nước Bắc Phi ven Địa Trung Hải, các nước ở châu Mỹ La Tinh...) mà vẫn chậm phát triển. Đối với những nước này, Sachs quay sang các yếu tố “xã hội”.
II. Tiếp cận hội nhập
Trường phái thứ hai, dẫn đầu là David Dollar (kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, đã có thời làm việc ở Việt Nam) thì khẳng định rằng căn nguyên phát triển của một quốc gia là khối lượng thương mại giữa quốc gia ấy và thế giới. Nói rõ hơn, tiếp cận này cho rằng thương mại quốc tế là đầu tàu của gia tăng năng suất, tiến bộ công nghệ và nâng cao thu nhập. Quan điểm này thường được gọi là “quan điểm hội nhập” vì nó gán tầm quan trọng bậc nhất cho sự hội nhập thị trường. Những tranh luận (mà ai cũng biết) về “toàn cầu hoá”, hiển nhiên, là tranh luận về sự đúng hay sai của quan điểm hội nhập.
Cũng nên phân biệt hai dạng khác nhau của trường phái này. Dạng thứ nhất (có thể gọi là dạng “ôn hòa”) cho rằng thương maị sẽ là một nguồn tăng trưởng sau khi những nền móng thể chế đã được thiết lập. Hầu như mọi nhà kinh tế học đều chấp nhận ý kiến này. Dạng thứ hai thì “cực đoan” hơn, cho rằng thuơng maị/hội nhập là yếu tố căn bản nhất quyết định tốc độ tăng trưởng của một quốc gia kém mở mang. Chính dạng “cực đoan” này là chủ trương của các công trình của Sachs và Warner (1995) và Dollar và Kraay (2004)
III. Thể chế là quan trọng nhất?
Quan điểm thứ ba xoay quanh “thể chế” – đặc biệt là vai trò của quyển sở hữu (property rights) là luật định (rule of law). Theo quan điểm này (dẫn đầu là Douglass North (1990)) thì cái quan trọng là “luật chơi” trong xã hội. Luật chơi này được định (công khai hay tiềm ần) bởi các chuẩn mực ứng xử và khả năng mà các chuẩn mực này tạo ra những động cơ kinh tế thích hợp cho con người. Hai nhân vật chính của trường phái thể chế hiện đại là Daron Acemoglu và Dani Rodrik, tuy nhiên, giữa hai người này cũng có nhiều khác biệt đáng kể.
1. Daron Acemoglu
Daron Acemoglu (giáo sư kinh tế ở MIT) đồng ý với Sachs rằng có một tương quan giữa điạ lý và phát triển: không phải tình cờ mà hầu hết các nước kém phát triển đều ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, theo Acemoglu, điều này chưa phải là bằng cớ điạ lý là lý do chính của tình trạng kém mở mang. Ông đưa nhiều ví dụ cho thấy một số quốc gia miền nhiệt đới mà hiện nay rõ là nghèo thì trong quá khứ đã có lúc khá phát triển (thậm chí so với các quốc gia ôn đới thời ấy) vậy thì cái nghèo hiện nay của họ đâu phải vì địa lý?
Acemoglu sử dụng một phương pháp khá mới lạ (và cực kỳ công phu) để khám phá căn nguyên của phát triển: ông so sánh ảnh hưởng của chế độ thực dân trên các vùng đất bị trị: từ Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh, đến Úc, châu Phi, v.v. Ngòai những khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên thiên nhiên, mật độ dân số… Acemoglu phát hiện rằng nơi nào mà “thực dân” tạo được một thể chế rập khuôn mẫu quốc (như ở Mỹ, Canada, hoặc Úc, và ở vài thuộc điạ khác mà thể chế của thực dân chỉ nhằm khai thác tài nguyên địa phương) thì sau khi bị thực dân đô hộ, nơi đó phát triển hơn là trước khi bị đô hộ.
Tất nhiên, Acemoglu không ngây thơ đến độ cho rằng chính sách thực dân là có lợi cho phát triển. Chinh xác hơn, ông nhận thấy những nơi nào (vì khí hậu ôn hòa, dân chúng “dễ bảo”) thì thực dân (hầu hết là từ Âu châu) đến định cư đông, có thời giờ áp đặt thể chế đã thành công ở mẫu quốc, và do đó các nơi ấy phát triển nhanh chóng (Mỹ, Canada, Úc…). Trái lại, những nơi nhiều bệnh tật, khí hậu không hợp với người châu Âu, hay “thổ dân” chống đối mạnh mẽ, thì thực dân chỉ đến, khai thác tài nguyên cho nhanh, rồi bỏ đi mà không thiết lập thể chế cho nơi ấy.
Acemoglu nghiêng về “trường phái thể chế” vì những phát hiện như thế. Acemoglu cũng nhận định rằng địa lý có thể ảnh hưởng đến thể chế mà thực dân Tây phương đem áp đặt ở thuộc điạ. Chẳng hạn như nếu thuộc điạ chỉ là để khai thác khoáng sản thì thể chế cai trị phải là khác thể chế ở các thuộc địa “loại” khác (như đồn điền).
2. Dani Rodrik
Dani Rodrik (một giáo sư kinh tế gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hiện dạy ở Harvard) thì có ý khác. Ông khẳng định rằng các nghiên cứu kinh lượng học đã cho một kết quả rõ ràng: chất lượng của thể chế là quan trọng hơn bất cứ yếu tố nào khác. Theo ông thì “địa lý”, chẳng hạn, tuy ảnh hưởng trực tiếp đền mức thu nhập, nhưng có ảnh hưởng gián tiếp mạnh hơn, qua ảnh hưởng của nó đến thể chế. Tương tự, ngoại thương có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng thể chế, nhưng nó không có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Tuy nhìn nhận đóng góp của Acemoglu và đồng sự, Rodrik và các người theo ông cho rằng Acemoglu đã lẫn lộn (hay mập mờ) về “nguồn gốc thuộc địa”. Theo Rodrik, công trình của Acemoglu chỉ là một cách kiểm chứng giả thuyết về sự quan trọng của thể chế, kết luận của nó không thể được xem như bằng cớ là thuộc điạ có ảnh hưởng tích cực cho phát triển. Rodrik và cộng sự đặt câu hỏi: nếu quả “kinh nghiệm thuộc địa” là yếu tố quyết định mức thu nhập thì làm sao giải thích sự chênh lệch thu nhập giữa những nước chưa bao giờ là thuộc điạ của Tây phương? Nói khác đi, độc giả của Acemeglu có thể lầm tưởng rẳng đó là một thuyết về “nguồn gốc thuộc điạ của thể chế”. Rodrik nhấn mạnh: Đúng là thuộc địa có ảnh hưởng phần nào, nhưng nó không thể là ảnh hưởng chính yếu, ở bất cứ nơi nào. Hơn nữa, Rodrik lập luận, nhìn thật kỹ thì “thuyết thuộc điạ” của Acemoglu có khác gì “thuyết địa lý” của Sachs đâu?
IV. Đánh giá
Như đã nói ở phần dẫn nhập, ba tiếp cận vừa lược duyệt là tiêu biểu của xu hướng nghiên cứu kinh tế trong những năm gần đây. Tuy cuộc tranh cãi này là cực kỳ lý thuyết, chỉ một nhóm nhỏ trong giới kinh tế là thích thú theo dõi, nó có nhiều hậu quả quan trọng vì những nhân vật chính (Sachs, Dollar, Acemoglu, Rodrik…) lại là những “khuôn mặt lớn” trong những thảo luận về chính sách phát triển và thương mại hiện nay. Một trong những bài học thực tế rút ra từ cuộc tranh luận này liên hệ đến vai trò của ngọai viện. Người tin vào địa lý (như Sachs) thì cho rằng viện trợ nước ngoài là thiết yếu cho phát triển kinh tế; người không tin (như Easterly) thì cho rằng viện trọ là vô ích, thậm chí còn có hại. Giả thuyết của Acemoglu cũng có nhiều hệ luận liên quan đến dân chủ và trình độ giáo dục (cụ thể: dân trí có cần thiết cho dân chủ hay không?)
Tuy nhiên, như Rodrik ghi nhận: Dù có tìm được “căn nguyên tối hậu” của sự giàu nghèo của một quốc gia, chưa chắc chúng ta có thể rút ra những bài học rõ ràng về chính sách. Ví dụ, xác định rằng “pháp trị” (rule of law) là một nhân tố của phát triển không có nghĩa là chúng ta biết cách để kiện toàn nó trong hoàn cảnh cá biệt của một quốc gia. Một ví dụ nữa, dù xác định được rằng “địa lý là cốt yếu” thì cũng không có nghĩa chủ nghĩa “địa lý tất định” (geographic determinism) là đúng. Xác định ấy chỉ cho thấy những chướng ngại mà người làm chính sách phải vượt qua.
Tuy giả thuyết “địa lý là tất cả” của Sachs bị nhiều chống đối nhưng có lẽ phần lớn lý do là Sachs chỉ nghĩ đến những đặc tính địa lý thông thường như khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình.. Nhưng “địa lý” còn gồm “địa chính trị” nữa. Một nước nhỏ mà vì số phận phải nằm kề một nước khổng lồ thì dù có nhiều thuận lợi về các phương diện khác cũng khó tránh vòng cương tỏa – về văn hóa, kinh tế – của người láng giềng lớn. Và chính vòng cương tỏa ấy đặt ra những ràng buộc nhất định mà các tiếp cận khác (hội nhập, thể chế) nhấn mạnh. Nhìn từ góc cạnh này, tiếp cận thể chế và tiếp cận điạ lý không phải là không có điểm tương đồng.
Trần Hữu Dũng
Dayton
26/12/2010
26/12/2010
------------
-NHÌN LẠI 2010 BS Hồ HảiTôi lấy tấm hình ông Nguyễn Quốc Triệu - bộ trưởng y tế Việt Nam đương nhiệm - để làm biểu trưng cho bài viết tổng kết năm 2010 vì ông có tuổi con mèo (1951: Tân Mão) đại diện cho năm tới. Hai là nhìn ông như cụ Tểu trong dân gian Việt, nên xứng với bài viết này.
Ở đất nước Việt, con hổ là một biểu trưng của sức mạnh. Mèo lại là con vật không có gì đặc biệt ngoài câu tục ngữ nói lên tính biến hoá cho hợp thời vận của nó: "Chó theo chủ, mèo theo nhà". Năm ngoái tôi có tổng kết một bài nhìn lại 2009, bây giờ ngồi đọc lại, một cách tổng quát hầu như gần đúng 100%. Tuy vậy, đó là bài nhìn lại mà, chưa có nét rõ ràng cho việc nhìn tới phía trước của những dự đoán. Hôm nay những giờ phút sắp hết năm cũ Tây lịch, sắp sang năm con mèo, như thông lệ cũng làm một bài tổng kết và đưa ánh nhìn cho năm tới xem sao?
Ở đất nước Việt, con hổ là một biểu trưng của sức mạnh. Mèo lại là con vật không có gì đặc biệt ngoài câu tục ngữ nói lên tính biến hoá cho hợp thời vận của nó: "Chó theo chủ, mèo theo nhà". Năm ngoái tôi có tổng kết một bài nhìn lại 2009, bây giờ ngồi đọc lại, một cách tổng quát hầu như gần đúng 100%. Tuy vậy, đó là bài nhìn lại mà, chưa có nét rõ ràng cho việc nhìn tới phía trước của những dự đoán. Hôm nay những giờ phút sắp hết năm cũ Tây lịch, sắp sang năm con mèo, như thông lệ cũng làm một bài tổng kết và đưa ánh nhìn cho năm tới xem sao?
Mèo không biểu dương sức mạnh như hổ, nhưng mèo an nhiên tự tại để có những cuộc đổi thay ngoạn mục. Tính từ lúc tôi sinh ra trên mãnh đất này, bao nhiêu sự kiện thay đổi từ năm con mèo cầm tinh, dù là chính thể hay chính khách nào ngư trị trên ngai. 1963 (Quí Mão) là năm cụ Diệm bị truất phế và đệ nhị Cộng hoà ra đời ở miền Nam. 1975 (Ất Mão) là năm thể chế Cộng hoà miền Nam sụp đổ, một nền Cộng hoà theo cánh tả hình thành. Trải qua 36 năm, qua ba kỳ con mèo. 1987 (Đinh Mão) bắt đầu thực hiện cỡi trói cho kinh tế để thoát khỏi sụp đổ. 2011 (Tân Mão) hứa hẹn một cuộc "thay da đổi thịt".
Như câu tục ngữ ở trên, chó thì trung thành với chủ, nhưng qua đó cho thấy chó không đủ tự tin với môi trường tiếp xúc mới. Mèo không trung thành với chủ, mèo chỉ trung thành với mãnh đất nó lớn lên, là cội nguồn của sự sống. Mèo vẫn ung dung tự tại sống dù cho bất kỳ một sự thay đổi chủ nhân nào. Đó là điều mà ta cần nhìn lại 2010 để có một hướng đi cho cái riêng và cái chung cho năm Tân Mão 2011.
Như năm trước, năm nay tôi xin điểm gọn qua 6 vấn đề quan trọng đáng chú ý:
Như năm trước, năm nay tôi xin điểm gọn qua 6 vấn đề quan trọng đáng chú ý:
+ Về tư tưởng và lý luận chính trị: Nhìn qua không thấy có sự thay đổi gì trong năm 2010 đó là điều dĩ nhiên. Nhưng cho năm 2011, với dự thảo báo cáo chính trị đại hội đảng lần thứ XI, về cơ bản cũng không có gì thay đổi, nếu đứng nhìn trên quan điểm lý luận triết học. Trong mọi cuộc cách mạng xã hội, bao giờ cũng vậy, cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho lượng biến đổi thành chất. Mặc dù, tại hội nghị trung ương lần thứ XIV vừa kết thúc trong tháng này có sửa chữa, nhưng mọi sửa chữa chỉ mang tính hiện tượng và hình thức không đi vào nội dung và bản chất của vấn đề cần sửa đổi. Điều này sẽ thể hiện rõ những bất cập đang đón chờ trong năm Tân Mão.
Tôi chỉ mách nước cho các chính khách rằng: Dù có giữ nguyên hay không giữ nguyên hình thái chính trị hiện nay thì cũng phải trả lại bản chất thực của kinh tế thị trường đúng nghĩa dưới sự minh bạch của pháp luật, mà không có ý chí con người nhúng tay vào, thì mọi chuyện sẽ bớt rối ren như năm 2010. Rồi từ từ sẽ tính tiếp, đừng quá nóng vội và cũng đừng quá giữ cái văn hoá nông nghiệp trong cách ứng xử ở giai đoạn này.
+ Về kinh tế: Trong kinh tế chính trị học của hệ thống Marxist có một câu rất nổi tiếng: "Nền kinh tế là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng chính trị. Và kiến trúc thượng tầng tác động trở lại cơ sở hạ tầng". Với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như đảng đã vạch ra, bản thân nó không phải là kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà là một nền kinh tế thị trường có bàn tay vô hình tác động vào theo ý chí của con người sai quy luật. Nên kiến trúc thượng tầng không có gì thay đổi so với thời kỳ bao cấp. và nó là nguyên nhân chủ yếu góp phần cho kinh tế rơi vào suy thóai lần 2 trong 3 năm qua. Biểu hiện sai trái của nó qua việc năm 2010 là năm ngã ngựa của hàng loạt doanh nhân Việt. Với việc tái cơ cấu lại Vinashin như hiện nay, về mặt bản chất không có gì thay đổi so với Vinashin của trước khi nó sụp đổ. Như vậy, việc đón chờ những sụp đổ mới là không tránh khỏi. Lạm phát gia tăng là do lý luận đường lối chưa đúng ngay từ đầu đã đẩy kinh tế vào một cuộc suy thóai lần thứ hai, trong khi các nước trên thế giới bắt đầu phục hồi. Suy thóai năm nay biểu hiện qua ngân hàng tăng lãi suất kịch trần vì thiếu thanh khỏan đến nỗi chính phủ phải cảnh cáo.
Suy thóai còn biểu hiện qua lạm phát đến nỗi mà không dám tính tỷ lệ lạm phát mà chỉ dám tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI: Customer Price Index) không thể đại diện cho lạm phát, nhưng cũng đã lên đến 11.75%. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế chỉ đến 6.78%, nếu nhìn ở góc độ tăng trưởng năm qua và xem CPI là đại diện cho lạm phát thì năm 2010 đất nước có tăng trưởng kinh tế âm 4.97%! Và nếu nhìn góc độ một người dân có tiền dư thừa để bỏ ngân hàng trong 12 tháng thì lãi suất âm, vì 9 tháng đầu năm lãi suất ngân hàng chỉ 8%! Hậu quả của suy thóai không chỉ là lạm phát mà di chứng của nó sẽ là thiểu triển, vì với lãi suất kịch trần của ngân hàng như hiện nay không có bất kỳ doanh nghiệp nào dám đầu tư sản xuất kinh doanh, mà phải thu gọn lại doanh nghiệp để chống chọi với việc phá sản. Biểu hiện rõ nét cho lạm phát năm 2010 là hàng ngàn mặt hàng phải tăng giá.
Suy thóai còn biểu hiện qua lạm phát đến nỗi mà không dám tính tỷ lệ lạm phát mà chỉ dám tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI: Customer Price Index) không thể đại diện cho lạm phát, nhưng cũng đã lên đến 11.75%. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế chỉ đến 6.78%, nếu nhìn ở góc độ tăng trưởng năm qua và xem CPI là đại diện cho lạm phát thì năm 2010 đất nước có tăng trưởng kinh tế âm 4.97%! Và nếu nhìn góc độ một người dân có tiền dư thừa để bỏ ngân hàng trong 12 tháng thì lãi suất âm, vì 9 tháng đầu năm lãi suất ngân hàng chỉ 8%! Hậu quả của suy thóai không chỉ là lạm phát mà di chứng của nó sẽ là thiểu triển, vì với lãi suất kịch trần của ngân hàng như hiện nay không có bất kỳ doanh nghiệp nào dám đầu tư sản xuất kinh doanh, mà phải thu gọn lại doanh nghiệp để chống chọi với việc phá sản. Biểu hiện rõ nét cho lạm phát năm 2010 là hàng ngàn mặt hàng phải tăng giá.
Trong khi đô la Mỹ lại bị mất giá trên trường thế giới để đẩy giá vàng tăng đến 29% trong năm 2010, làm trong nước tăng giá vàng SJC là 26.700.000VNĐ/lượng đã tăng lên đến 36.100.000VNĐ/lượng cho thấy rằng tỷ lệ tăng của vàng trong nước là 35.2% trong năm qua. Chỉ cần so tỷ lệ giá vàng thế giới so với đồng USD và giá vàng trong nước tăng so với đồng tiền Việt là 29% và 35.2% ta đủ thấy hết sức yếu của nền kinh tế Việt qua sức khỏe của đồng tiền Việt. Tuy vậy, nếu là một so sánh, năm 2009 đồng tiền Việt mất giá so với đồng USD là 12.8%, thì đồng Việt Nam mất giá năm 2010 so với đô la Mỹ là 8.2% từ giá 19.400VNĐ/USD vào ngày 31/12/2009 trên thị trường chợ đen, nhưng hôm nay trên thị trường chợ đen là 21.000NVĐ/USD. Nếu năm 2009 đồng Việt mất giá 2.200VNĐ/USD thì năm 2010 đồng Việt chỉ mất giá 1.600VNĐ/USD. Đây là một cố gắng lớn của hệ thống điều hành tỷ giá tiền tệ trong năm qua.
Tất cả những điều trên thể hiện một năm con mèo sẽ rất bi đát về tình hình thất nghiệp cho tầng lớp nhân dân lao động, về tình trạng thiểu triển và các vấn nạn xã hội khác kèm theo là hậu quả của kinh tế suy thóai 2010.Hay nói cách khác, kinh tế Việt nam chưa ra khỏi nền kinh tế bao cấp thì một tương lai khó khăn là điều tất nhiên.
Tất cả những điều trên thể hiện một năm con mèo sẽ rất bi đát về tình hình thất nghiệp cho tầng lớp nhân dân lao động, về tình trạng thiểu triển và các vấn nạn xã hội khác kèm theo là hậu quả của kinh tế suy thóai 2010.Hay nói cách khác, kinh tế Việt nam chưa ra khỏi nền kinh tế bao cấp thì một tương lai khó khăn là điều tất nhiên.
+ Về ngoại giao và an ninh quốc phòng: Đây là điểm son của Việt Nam trong năm tài khoá giữ chức chủ tịch hiệp hội Asean. Trong khi năm 2009, với việc cho rằng tư tưởng Tôn Tử phải được áp dụng cho ngoại giao của nước Việt xuyên suốt hành trình tương lai. Từ một nước yếu thế trên trường ngọai giao với Trung Quốc qua việc họ bắt bớ, tra khảo ngư dân ta, đến nay tình trạng đó hầu như không còn. Với vai trò chủ tịch hiệp hội các nước Đông nam Á, vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường thế giới có nâng lên thấy rõ. Với ngọai giao và an ninh quốc phòng như năm nay, chúng ta có thể cho dân chúng và thế giới thấy rằng Việt nam là mãnh đất có an ninh ổn định để đầu tư lâu dài. Ngọai trừ, một điểm đau vào cuối năm khi Thụy Điển - người bạn lớn của ta từ hơn 4 thập kỷ qua - đóng cửa đại sứ quán, không hiểu vì đâu?
+ Về môi trường và quy họach phát triễn đô thị: Trong hơn 20 năm qua chúng ta đã không khác gì với anh bạn phương Bắc về việc bán tài nguyên môi trường để tăng doanh số GDP, mà chưa có một sức mạnh thực sự về nhân lực và vật lực. Những con số biết nói mà tôi đã liệt kê ra ở phần kinh tế đã nói lên chúng ta chạy theo số lượng với một cái túi rỗng. Hậu quả về môi trường là bây giờ sáng sớm thức dậy tìm một cánh chim, một tiếng hót hay gà gáy an bình thật khó. Các dòng sông thì ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước sẽ là một vấn đề nan giải mà chúng ta phải tính đến trong thập kỷ kế tiếp. Nhưng để giải quyết môi trường còn khó gấp trăm lần giải quyết vấn đề kinh tế. Tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể: để làm một nhà máy sản xuất giấy thì trang thiết bị và xây dựng cơ bản chỉ chiếm 40% vốn đầu tư, nhưng nhà máy xử lý rác cho nhà náy giấy chiếm đến 60% còn lại. Và chiến lược giải quyết vấn nạn môi trường Việt Nam có lẽ đã là quá tầm với của Việt Nam chăng?
Bên cạnh việc chúng ta chấp nhận đầu tư FDI bằng mọi giá và quy họach đô thị sai để tăng GDP, chúng ta đã hủy họai môi sinh, thì việc quy họach đô thị và khu công nghiệp của chúng ta đã tạo ra rất nhiều bất cập: Các thành phố lớn được người Pháp quy họach rất tốt ngày nay chỉ còn là hình ảnh những thửa ruộng nham nhở nhìn từ trên cao. Ở các nước tiên tiến không bao giờ quy họach khu công nghiệp ở các thành phố và thủ đô có tính biểu trưng về chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng ở ta thì ngược lại. Nó chính là nguyên nhân của các bất cập về lưu thông, về an tòan xã hội và phát triển kinh tế cũng như ô nhiễm môi sinh. tất cả chỉ vì chạy theo GDP, nên quy họach gần đô thị để làm tăng giá đất, giá nhà. Nhưng hậu quả của việc này là bong bóng bất động sản đang treo lơ lửng trên đầu nền kinh tế Việt. Một bài tóan khó như phóng lao phải theo lao.
+ Về văn hoá giáo dục: Năm 2010 quả là một năm với việc moi ra cây kim để lâu trong bọc của một thực trạng giáo dục Việt Nam vì cái văn hoá nông nghiệp háo danh và mua quyền bán chức đã lòi ra. Nhưng dường như đây là một chủ trương "hợp thức hoá" bằng cấp cho dàn khung các leaders của chính quyền. Nên dù báo chí và xã hội lên án, nhưng bộ giáo dục, cơ quan đại diện của chính quyền về giáo dục không thấy có biện pháp mạnh tay với vấn đề này? Hậu quả của việc này sẽ còn di hại nhiều thập kỷ về sau chứ không chỉ ảnh hưởng đến năm 2011 mà thôi. Song vấn đề cơ bản của giáo dục Việt Nam trong nửa thế kỷ qua là do chưa có một tư duy giáo dục ở bậc phổ thông và bậc đại học, do bàn tay vô hình từ kiến trúc thượng tầng xã hội nhúng tay vào chứ không phải con người Việt nam không đủ trí tuệ. Nên không hy vọng gì chỉ trong 1 năm con mèo có thể làm thay đổi được, mà giáo dục và văn hóa Việt phải cần đến nhiều thập kỷ để có cái dáng đi thẳng đứng của lòai người.
+ Về môi trường và quy họach phát triễn đô thị: Trong hơn 20 năm qua chúng ta đã không khác gì với anh bạn phương Bắc về việc bán tài nguyên môi trường để tăng doanh số GDP, mà chưa có một sức mạnh thực sự về nhân lực và vật lực. Những con số biết nói mà tôi đã liệt kê ra ở phần kinh tế đã nói lên chúng ta chạy theo số lượng với một cái túi rỗng. Hậu quả về môi trường là bây giờ sáng sớm thức dậy tìm một cánh chim, một tiếng hót hay gà gáy an bình thật khó. Các dòng sông thì ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước sẽ là một vấn đề nan giải mà chúng ta phải tính đến trong thập kỷ kế tiếp. Nhưng để giải quyết môi trường còn khó gấp trăm lần giải quyết vấn đề kinh tế. Tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể: để làm một nhà máy sản xuất giấy thì trang thiết bị và xây dựng cơ bản chỉ chiếm 40% vốn đầu tư, nhưng nhà máy xử lý rác cho nhà náy giấy chiếm đến 60% còn lại. Và chiến lược giải quyết vấn nạn môi trường Việt Nam có lẽ đã là quá tầm với của Việt Nam chăng?
Bên cạnh việc chúng ta chấp nhận đầu tư FDI bằng mọi giá và quy họach đô thị sai để tăng GDP, chúng ta đã hủy họai môi sinh, thì việc quy họach đô thị và khu công nghiệp của chúng ta đã tạo ra rất nhiều bất cập: Các thành phố lớn được người Pháp quy họach rất tốt ngày nay chỉ còn là hình ảnh những thửa ruộng nham nhở nhìn từ trên cao. Ở các nước tiên tiến không bao giờ quy họach khu công nghiệp ở các thành phố và thủ đô có tính biểu trưng về chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng ở ta thì ngược lại. Nó chính là nguyên nhân của các bất cập về lưu thông, về an tòan xã hội và phát triển kinh tế cũng như ô nhiễm môi sinh. tất cả chỉ vì chạy theo GDP, nên quy họach gần đô thị để làm tăng giá đất, giá nhà. Nhưng hậu quả của việc này là bong bóng bất động sản đang treo lơ lửng trên đầu nền kinh tế Việt. Một bài tóan khó như phóng lao phải theo lao.
+ Về văn hoá giáo dục: Năm 2010 quả là một năm với việc moi ra cây kim để lâu trong bọc của một thực trạng giáo dục Việt Nam vì cái văn hoá nông nghiệp háo danh và mua quyền bán chức đã lòi ra. Nhưng dường như đây là một chủ trương "hợp thức hoá" bằng cấp cho dàn khung các leaders của chính quyền. Nên dù báo chí và xã hội lên án, nhưng bộ giáo dục, cơ quan đại diện của chính quyền về giáo dục không thấy có biện pháp mạnh tay với vấn đề này? Hậu quả của việc này sẽ còn di hại nhiều thập kỷ về sau chứ không chỉ ảnh hưởng đến năm 2011 mà thôi. Song vấn đề cơ bản của giáo dục Việt Nam trong nửa thế kỷ qua là do chưa có một tư duy giáo dục ở bậc phổ thông và bậc đại học, do bàn tay vô hình từ kiến trúc thượng tầng xã hội nhúng tay vào chứ không phải con người Việt nam không đủ trí tuệ. Nên không hy vọng gì chỉ trong 1 năm con mèo có thể làm thay đổi được, mà giáo dục và văn hóa Việt phải cần đến nhiều thập kỷ để có cái dáng đi thẳng đứng của lòai người.
+ Về y tế và an sinh xã hội: Vẫn như cũ không có gì đổi mới. Lời hứa của ông bộ trưởng Nguyễn Khắc Triệu khi nhận chức đầu nhiệm kỳ 2005-2010 là: Ông sẽ làm hết nạn quá tải giường bệnh trong vòng 2-3 năm. Nhưng trước khi lựa chọn lại nhân sự cho nhiệm kỳ 2010-2015 sắp tới cho kỳ đại hội đảng lần thứ XI sẽ diễn ra vào đầu tháng 01/2011 này thì ông bảo rằng: Ông chưa bao giờ "hứa". Cho nên, trong năm qua hầu như tôi ít viết về y tế vĩ mô, mà chỉ viết về bệnh học cho cộng đồng, vì đã viết nó hồi năm 2009. Với cung cách làm việc của an sinh xã hội và y tế như lâu nay thì không hy vọng gì đến ngành y Việt nam bây giờ có thể sánh bằng ngành y của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Hồi tháng 11/2010, tôi có tâm tình với một người bạn đồng khóa y khoa Sài Gòn, bây giờ là hiệu phó phụ trách đối ngọai, anh ta có nhờ tôi liên hệ với một trường đại học bên Mỹ để đỡ đầu trong đào tạo. Trường thì dễ, nhưng vấn đề không phải là trường mà là sự hỗ trợ ở cấp quốc gia. Vì y học không đơn giản như các ngành học xã hội và engineering.
Dù y tế và giáo dục là 2 mục tôi để cuối cùng trong bài tổng kết này, vì nó là 2 ngành phi lợi nhuận của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng nó là phần hồn cho sức mạnh của một quốc gia. Muốn biết được sức mạnh của một gia đình hay một đất nước không phải nhìn thấy được nền kinh tế ở đó thừa tiền bạc, mà phải thấy được ở đó vấn đề giáo dục, văn hóa và an sinh xã hội có tốt hay không? nhưng ở nước ta, nói như một trí thức thì 2 bộ yếm thế nhất là bộ y tế và giáo dục.
Dù y tế và giáo dục là 2 mục tôi để cuối cùng trong bài tổng kết này, vì nó là 2 ngành phi lợi nhuận của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng nó là phần hồn cho sức mạnh của một quốc gia. Muốn biết được sức mạnh của một gia đình hay một đất nước không phải nhìn thấy được nền kinh tế ở đó thừa tiền bạc, mà phải thấy được ở đó vấn đề giáo dục, văn hóa và an sinh xã hội có tốt hay không? nhưng ở nước ta, nói như một trí thức thì 2 bộ yếm thế nhất là bộ y tế và giáo dục.
Tối qua xem chương trình truyền hình trên VTV1 tòan những hình ảnh thật sáng sủa từ hầu hết tất cả các ngành. Sáng nay hòan thành bài viết tổng kết sơ bộ năm 2010 hầu hết là những con số u ám mà nguyên do là từ kiến trúc thượng tầng làm nên. Hai hình ảnh trái ngược nhau là hai vấn đề cần suy nghĩ cho thập niên mới sắp đến. Dám nhìn cái xấu để sửa mình hay là tự sướng để ru ngủ mình đó là tùy theo cách nhìn của mỗi công dân có trách nhiệm với quốc gia dân tộc. Chỉ mong một điều duy nhất là mọi công dân từ những think tanks đến thường dân cần biết mình là ai và phải làm gì để cho quốc gia dân tộc đi đến hùng cường.
Asia Clinic, 9h38', ngày thứ Sáu, 31/12/2010