Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Mười năm đòi thay đổi Hiến pháp

-Mười năm đòi thay đổi Hiến pháp

Tiến sĩ (TS) Cù Huy Hà Vũ không phải là người đầu tiên đòi thay đổi Hiến Pháp (HP), đòi bỏ điều 4 HP, đòi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CS trên sân khấu chính trị VN. Những đòi hỏi này dường như khởi đầu từ TS Hà Sĩ Phu, với tác phẩm “Chia Tay Ý Thức Hệ” ra đời năm 1995, trong đó ông bác bỏ chủ nghĩa Mác Lênin là tư tưởng chủ đạo của nhà nước VN. Nhưng những luận cứ đề nghị thay đổi triệt để Hiến Pháp (HP), bác bỏ nhiều điều cơ bản trong đó bác bỏ cả điều 4, đề nghị thay đổi phương cách ứng cử, bầu cử các vị đại biểu trong Hội Đồng Nhân Dân và Quốc Hội, đã được đưa ra một cách cụ thể từ gần mười năm trước bởi những vị lãnh đạo bộ Tư Pháp có tâm huyết, trong đó có cả bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc. Nhưng những đề nghị có tính chuyên môn sáng suốt đó đã không được Đảng lắng nghe, khiến cho đất nước ngày càng chìm đắm vào tình trạng hỗn loạn mà người dân gọi là “chủ nghĩa tư bản hoang dã” (chữ của TS Hà Vũ) như hiện nay.

Gần 10 năm trước, báo chí không được đề cập tới vấn đề đòi cải tổ Hiến Pháp như bây giờ. Và cũng hầu như chẳng có ai, từ dân tới cán bộ, dám có ý kiến về vấn đề này mà không bị tù. Nhưng bất ngờ vào tháng 6/2001, những điều lạ lùng như thế được loan tải trong bài báo của ký giả Huy Đức trên tạp chí Kinh tế Saigòn số 27-2001 (548), xuất bản trong nước ngày 28-6-2001. Bài báo của ký giả Huy Đức vừa nêu tường thuật cuộc trao đổi ý kiến giữa các cán bộ cao cấp trong ngành tư pháp về vấn đề “Phân Quyền”.
A-Mười năm trước (2001), đối với người dân và cán bộ trong nước, ý niệm “Phân Quyền” còn là một điều hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó người ta hàng ngày vẫn chỉ được nhồi nhét ý niệm “Dân chủ tập trung”. Hầu như toàn thể mọi người đều không biết rằng “Dân Chủ Tập Trung” chỉ là một mỹ từ dùng để che đậy sự toàn trị của một nhóm người là bộ Chính Trị, hay thậm chí chỉ là sự toàn trị của một người, ông Tổng Bí Thư Đảng. Thế nhưng trong màn đêm đen tối đó, cũng đã có một số cán bộ lãnh đạo ngành tư pháp, kể cả ông bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, nhận thấy rằng toàn bộ cái gọi là “Dân Chủ Tập Trung” chỉ là một sự bịp bợm, cần thay đổi.  Dưới hình thức nhẹ nhàng gọi là “cuộc trao đổi ý kiến”, các cán bộ cao cấp trong ngành tư pháp thời đó đã nêu ra những phê phán sâu rộng Hiến Pháp, luật pháp, các cơ quan đại biểu dân cử, trong đó có cả quốc hội.
Mở đầu cuộc thảo luận là ý kiến của ông Nguyễn Đình Lộc bộ trưởng tư pháp. Bộ trưởng Lộc nêu lên đề-nghị đầu tiên là cần phải “xem lại thực chất” của các cơ-quan đại-diện  dân cử hiện nay (2001). Ông nêu lên rằng, “Ở mỗi địa phương cử-tri có 3 cấp đại diện…” và ông nói tiếp,  “Nhưng thực chất chúng ta làm được gì?”  Phát khởi từ thực tế hiển nhiên không ai chối cãi được là tính hình thức của các cơ quan dân cử, các hội thảo viên đã tiến tới phân tích nguyên nhân và tầm mức của hiện tượng này.
Tính hình thức của các cơ quan dân cử, trước tiên, theo các hội thảo viên, là các cơ quan dân cử không có thực quyền. Tất cả mọi quyền hạn đều do “trên” quyết định. Nhận định này đã được chánh án tòa án tỉnh Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm, trình bày cụ thể như sau: “Hiện nay Hội đồng nhân dân [HĐND] chỉ được bàn những cái đã được quyết rồi.” Ông nhấn mạnh: “Nói chung trên quyết tất cả.”
Tiếp theo ý kiến nêu ở trên, ông Nguyễn Hữu Khánh, cựu bí thư tỉnh ủy An Giang lại nâng nhận định lên một cấp cao hơn. Ông phê bình một cơ quan trên danh nghiã là cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống nhà nước, đó là Quốc hội. Ông nói rằng không chỉ có HĐND mới  mang “tính hình thức,” mà theo nguyên văn lời ông thì “Nhiều quyết định của Quốc hội cũng mang tính hình thức.” Theo ông, Quốc hội mang tính hình thức là vì các đại biểu Quốc hội không được biết gì về mọi hoạt động, chính sách của chính phủ. Để mô tả cụ thể tình trạng này, ông cựu bí thư tỉnh ủy An Giang nói tiếp nguyên văn, “xin lỗi anh Sinh Hùng (bộ trưởng tài chánh), về ngân sách, ngoài anh ra không biết có còn  ai biết không. Tôi khá hơn các đại biểu khác vì tôi là Ủy viên ban kinh tế ngân sách, nhưng tôi cũng không thể nào biết được.”
Các hội thảo viên còn nhận định rằng, cơ quan dân cử chỉ có tính cách hình thức là vì các đại biểu cũng chỉ do dân  bầu một cách hình thức. Người dân chỉ được bầu những người do đảng chỉ định sẵn. Chánh án Lê văn Tâm nêu lên thực tế đó như sau:  “Dân hiện nay chỉ bầu những người được chỉ định .”
Các hội thảo viên còn nhận định rằng, cơ quan dân cử có tính hình thức vì “Cơ quan dân cử  không biểu quyết được vấn đề cán bộ, vấn đề ngân sách.” Trong một chế độ dân chủ thực sự thì Quốc Hội theo dõi, và giám sát chính phủ qua quyền chuẩn nhận việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp và biểu quyết ngân sách nhà nước. Nếu Quốc Hội, không có 2 quyền cơ bản này thì thử hỏi quyền theo dõi, giám sát của Quốc hội đối với chính phủ có ý nghĩa gì? Trong hội thảo này, cựu bí thư tỉnh ủy An Giang đã có nhận xét nguyên văn:  “Cơ quan dân cử mà không quyết được vấn đề cán bộ, vấn đề ngân sách thì chỉ tồn tại hình thức.”
Tính hình thức cuả cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội còn thể hiện qua phương thức sinh hoạt không thường xuyên của cơ quan này. Hình ảnh hoạt động cuả Quốc hội hết sức là nực cười qua lời nhận xét sau đây cuả chính bộ trưởng tư pháp Lộc khi ông nói rằng Quốc hội mà hoạt động “xuân thu nhị kỳ” thì không thể hoàn thành sứ mạng của cơ quan gọi là quyền lực cao nhất được.
Một tình trạng khác cũng khiến cho cơ quan đại biểu dân cử có tính hình thức là tất cả các đại biểu đều là các cán bộ chính quyền kiêm nhiệm. Nghĩa là những viên chức hành pháp lại đồng thời hoặc là dân biểu quốc hội hoặc là đại biểu trong hội đồng nhân dân. Tình trạng này theo thuật ngữ hành chánh cuả nhà nước được gọi là “chế độ đại biểu kiêm nhiệm.” Chế độ gọi là “đại biểu kiêm nhiệm”  này đưa đến 3 hậu quả tai hại sau đây theo lời của chính các cán bộ cao cấp trong ngành tư pháp:
1/ Các đại biểu nhân dân biểu quyết những điều mà chính họ cũng không có thời gian để tìm hiểu.
Người đại biểu nhân dân là cán bộ chính quyền kiêm nhiệm cho nên bận rộn với các công tác khác của chính quyền,  không có thì giờ tìm hiểu ý dân, không có thì giờ tìm hiểu nghiên cứu những vấn đề quan trọng cuả đất nước, những vấn đề có tính cách chính sách quốc gia được giao cho biểu quyết. Kết quả là các đại biểu nhân dân biểu quyết những điều mà chính họ cũng không hiểu tí gì. Thực trạng này đã được công khai tiết lộ qua lời phát biểu của Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tầu Trần văn Khánh (không phải ông Nguyễn Hữu Khánh, cựu bí thư tỉnh ủy An Giang)  một cách cụ thể như sau: “Từ địa phương đầu tắt mặt tối, khi lên đến đây các đồng chí đưa cho cả đống tài liệu bảo nghiên cứu ngay thì chúng  tôi không thể hình thành tư duy, hình thành cơ sở lý luận để tham gia ý kiến được.” Ông Khánh thành thực nói tiếp: “Đôi khi tôi cũng thấy ngượng với những quyết định chưa đủ cơ sở lý luận đó.”
2/ Các đại biểu nhân dân biểu quyết những điều mà chính họ cũng không có đủ trình độ để  hiểu.
Sự không hiểu biết những điều mình biểu quyết cũng còn do sự kiện các đại biểu dân cử không có trình độ văn hoá, mà theo thuật ngữ cuả nhà nước là “không đủ trình độ chuyên nghiệp”. Do đó trong bài phỏng vấn   ông Nguyễn văn An, tân chủ tịch quốc hội (2001) được đăng trên cùng số báo, 2 phóng viên Huy Đức và Thái Thanh đã nêu câu hỏi rằng: “Thưa ông, ông có cho rằng đã đến lúc chúng ta phải chuyên nghiệp hóa các hoạt động của quốc hội?”
Tình trạng kém văn hoá, không đủ khả năng cuả các đại biểu dân cử còn thê thảm hơn khi chúng ta nghe tiếp câu hỏi khác cuả 2 phóng viên như sau: “Nhưng nếu chậm chuyên nghiệp thì thưa ông, có những việc như vừa qua, khi làm luật, chỉ vì vài dấu phẩy, dấu chấm, Quốc hội cũng phải mất rất nhiều thời gian bàn cãi?”
Hậu quả tai hại thứ 3 của “chế độ đại biểu kiêm nhiệm” là quốc hội không có quyền lập  pháp. Ký  giả Huy Đức đã viết nguyên văn rằng “Vì kiêm nhiệm  nên quyền lập pháp của Quốc Hội về thực chất lại bắt đầu từ chính phủ”.  Hành pháp mà lại nắm luôn quyền lập pháp thì thực tế đưa đến nhiều chuyện nực cười như sau:
a- Những đaọ luật được ban hành không áp dụng được.
Tình trạng hành pháp (chính phủ) nắm luôn việc lập pháp đưa đến tình trạng tệ hại là những đaọ luật được ban hành không có thực chất, mơ hồ, không áp dụng được. Chính Bộ trưởng trưởng ban tổ chức cán bộ    Đỗ quang Trung nhận xét về tình trạng cẩu thả này như sau: “Chính phủ cũng không thảo luận kỹ lắm. Xét cho cùng thì soạn thảo luật chủ yếu là do các bộ, ngành thôi.” Tình trạng này trở nên nực cười hơn nữa theo lời mô tả của ông Nguyễn Đức Chính, giám đốc sở tư  pháp thành phố HCM: “Đại biểu nói cứ nói, các bộ nghe hay không là một chuyện khác.” Ông Chính nhắc lại một câu “kinh điển” , thường được các bộ trả lời quốc hội, thể hiện việc các bộ coi thường ý kiến của các đại biểu quốc hội như sau: “Đại biểu góp ý rất xác đáng nhưng ban soạn thảo xin phép được giữ nguyên như dự thảo.”
Vì luật pháp được soạn thảo bởi các cán bộ đảng và cán bộ nhà nước không đủ trình độ văn hoá, chuyên môn, lại soạn thảo 1 cách cẩu thả, không kỹ, cho nên nhà nước từ xưa đến nay vẫn ban hành những đạo luật không thể thi hành được. Đây là nhận xét cuả chính bộ trưởng tư pháp Nguyễn đình Lộc: “Ý tưởng ban hành luật phải cụ thể để khi bản văn được ban hành là có một hiệu lực thi hành ngay trên thực tế vẫn chưa làm được.”  Vì các đạo luật sau khi ban hành còn mơ hồ không áp dụng được ngay cho nên luôn luôn phải có  một nghị định qui định chi tiết thêm, rồi lại phải có một thông tư của chính phủ qui định thêm chi tiết nữa. Như thế vẫn chưa đủ, lại còn cần có một văn bản của một vụ (dưới bộ)  hướng dẫn thi hành  đạo luật đã được ban hành. Và kết quả là có một tình trạng nực cười mà chúng ta nghĩ không có nước nào trải qua  ngoài Việt Nam,  theo như lời mô tả của chánh án Lê văn Tâm: “Luật không quan trọng bằng nghị định, nghị định không quan trọng   bằng thông tư, thông tư có khi không quan trọng bằng một văn bản hướng dẫn của một vụ.”
b-/ Ngay cả những viên chức cao cấp trong ngành tư pháp cũng không thể nắm hết được nội dung của luật pháp.
Nội dung luật pháp mơ hồ mà lại phức tạp, vì luôn luôn phải kèm theo rất nhiều văn thư , văn  bản hướng dẫn cho nên ngay cả những viên chức cao cấp trong ngành tư pháp cũng không thể nắm hết được nội dung của luật pháp, huống chi là người dân. Chánh án Lê văn Tâm đã phải thừa nhận rằng “Khó ai nắm vững được đầy đủ luật lệ của chúng ta.” Tình trạng mơ hồ cuả luật pháp Việt Nam khiến cho quyền lợi cuả người dân không được bảo đảm. Số phận cuả người dân khi phải ra trước toà án hoàn toàn lệ thuộc một cách độc đoán vào thái độ và trình độ cuả chánh án. Thực tế này đã khiến cho chánh án tòa án tối cao Trịnh Hồng Dương phải buột miệng nói ra trước quốc hội như sau: “Luật (dân sự ) của chúng ta, nói thật, muốn xử thế nào cũng được.” Ý kiến này cũng được đại biểu Hoàng văn Minh, phó giám đốc sở tư pháp Nghệ An biểu đồng tình khi cho rằng thực tế đó là nguyên nhân khiến cho “người dân không đến tòa án.”
B/ Các đề nghị cải tổ trong lãnh vực lập pháp.
“Cuộc trao đổi ý kiến” của các cán bộ cao cấp trong ngành tư pháp cách nay gần 10 năm đã đưa ra các đề nghị cải tổ một cách toàn diện, tích cực và tiến bộ có thể tóm tắt như sau:
Đề nghị 1: “Nên xem xét từ phương thức lãnh đạo của đảng.”
Sau khi phê phán tính hình thức cuả  quốc hội, ông Nguyễn hữu Khánh, cựu bí thư tỉnh uỷ An Giang đề nghị  phải qui định rõ “Cái gì đảng quyết, cái gì Quốc hội, HĐND quyết thì cơ quan dân cử mới thực sự là cơ quan dân cử được.” Đây chính là nội dung sơ khai của nguyên tắc “phân quyền” vậy. Một khi  mà đảng chấp thuận qui định “cái gì đảng quyết,” “cái gì quốc hội và HĐND quyết” thì chính là lúc phải tiến tới chế độ “Tam quyền phân lập”, một nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền (2), một nền dân chủ thực sự .
Đề nghị 2: “phải chọn đại biểu thế nào để thực sự từ dân.”
Chánh án tòa án tỉnh Cần Thơ ông Lê Văn Tâm   đưa ra đề nghị : “phải chọn đại biểu thế nào để thực sự từ dân.”  Chứ không như hiện nay theo lời ông nhận định : “Dân hiện nay chỉ bầu những người được chỉ định”    Đây chính là khởi đầu của yêu cầu thay đổi nguyên tắc ứng cử và bầu cử tự do.
Đề nghị 3: Thay đổi gần như toàn bộ hiến pháp.
Nhưng có người còn đi xa hơn nữa khi đề cập đến vấn đề cần phải thay đổi hiến pháp. Theo Bộ trưởng tư pháp Nguyễn đình Lộc thì  cần phải thay đổi gần như toàn bộ hiến pháp (2001). Đúng ra thì Bộ trưởng tư pháp Nguyễn đình Lộc đề nghị thay đổi 5 chương đầu của bản hiến pháp năm 1992. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn đề nghị của bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc khi nghe ý kiến của phó chủ tịch quốc hội Nguyễn văn Yểu nhận xét về đề nghị  cuả bộ trưởng tư pháp Nguyễn đình Lộc nguyên văn như sau: “Nếu theo anh Lộc thì chỉ còn chương Quốc Kỳ, Quốc Ca là không xem xét nữa mà thôi.” À! Thế ra nhờ nghe ý kiến của ông phó chủ tịch quốc hội mà người dân chúng ta mới được biết ý kiến cuả ông bộ trưởng tư pháp Lộc là muốn sửa đổi gần như toàn bộ những điểm chính yếu cơ bản của bản Hiến pháp: Đây chính là đề nghị cần phải hủy bỏ 82 điều đầu tiên trong đó có điều 4 hiến pháp, qui định “Đảng cộng sản Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
*
Mười năm trôi qua, những gì cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc và các vị lãnh đạo cao cấp của bộ phê phán trước kia thì nay vẫn không có gì thay đổi, khiến cho trong cuộc phỏng vấn ngày 30/8/2010 của báo điện tử Tuần Việt Nam, với tựa đề “Cựu Bộ trưởng Tư pháp bàn về Dân chủ và Pháp quyền”, cựu Bộ trưởng Lộc vẫn còn phát biểu nguyên văn: “Liên Xô sụp đâu phải vì diễn biến hòa bình”, “Đừng lấy diễn biến hòa bình ra cản trở nhau”, “ Phải đổi mới căn bản cơ chế bầu cử hiện nay”, “Chúng ta cứ nói nhà nước pháp quyền nhưng nói mãi vẫn dừng lại ở khẩu hiệu chứ chưa đi vào, thể chế thiết chế”, “Một ông bạn là viện sĩ cứ băn khoăn không biết mình đi đến đâu? Nói là đi lên XHCN nhưng nó như thế nào, liệu có đi đến nơi không?” “Trong cuộc hội thảo gần đây tôi cũng nói tôi không dám nhận mình là nhà yêu nước, vì có những điều mình không yêu, nhưng có có một điều rõ ràng là tôi gắn bó với chế độ này, do vậy tôi phải nói chứ không thể để như thế này được. Tôi nghĩ, nếu tất cả chúng ta không thấy được điều đó thì có nghĩa là chúng ta tự lừa dối mình, quay lưng lại với cuộc sống thực tế và điều đó sớm muộn nhân dân cũng không thể chấp nhận được”,  “Vấn đề rất lớn hiện nay chúng ta phải giải quyết, theo tôi hiểu, đó chính là làm thế nào cho chế độ đại diện bầu cử phải thực sự trở thành cơ chế thực sự dân chủ, mặt này chúng ta làm được còn nhiều hạn chế…Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu cử rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu Quốc hội như thế nào? Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn… như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là Mặt trận tổ quốc, là Ban bầu cử. Nhưng danh sách đó ở đâu ra?…. Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ.”, “Sau lưng từng đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Hội đồng nhân dân là hàng vạn cử tri. Nhưng có bao nhiêu người được lựa chọn ra cái danh sách đó.”, “Tôi cho rằng cần xem xét lại quy trình Hiệp thương. Phải làm thế nào để từng người dân chọn được người ứng cử trong danh sách đó là người trực tiếp được bầu ra, được chọn ra chứ không phải qua các bước Hiệp thương gì hết. Tôi còn nhớ có những người đi họp Hiệp thương về kể, hôm nay chúng tôi trao đổi mãi anh này anh kia. Hóa ra đã có mấy người trao đổi với nhau nên chọn người này, bỏ người kia chứ cử tri có biết gì đâu. Như thế là dân chủ sao?”, “năm 2001 lúc sửa Hiến pháp, đưa được vào Hiến pháp điều Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân thì rất mừng, sướng quá, xem đó như một thắng lợi. Nhưng 10 năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy giật mình hỏi: chỉ đưa vào từng đó là đủ, là hết à? Rõ ràng là không phải, vì cả 5 chương về bộ máy nhà nước chúng ta vẫn quy định theo cách cũ… Có khác gì dùng một cái bánh rất ngon nhử nhử “bánh này ngon lắm các bạn ơi” nhưng chỉ nhử thế mà không cho ăn gì cả.”
-“Khi nói đến thiết chế là phải Quốc hội. Nhưng Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đảng. Chẳng hạn muốn sửa Hiến pháp, phải chờ đại hội Đảng quyết, Đảng quyết rồi mới thành quyết định của Quốc hội.”
-“Tôi có tham gia một số hội thảo bàn về văn kiện đại hội XI, lúc đầu nói sẽ sửa đổi cương lĩnh, anh em chờ đợi, hi vọng rất nhiều nhưng bây giờ đọc lại dự thảo sửa đổi thì có thấy sửa gì nhiều đâu. Có người nói đó là bước lùi chứ không phải là cải tiến.”
-“Có lẽ cũng phải nhìn nhận lại ý kiến cho rằng dân chủ phương tây là dân chủ giả hiệu. Nếu là dân chủ giả hiệu, họ phải sụp lâu rồi. Đó là cách nhìn trước đây thôi. Bây giờ ta phải xem lại và đổi tư duy đó. Trong khi ta phê phán phương Tây nhiều thì chính họ lại tự điều chỉnh rất tốt, loại bỏ những yếu tố tiêu cực.”
Thông điệp chính của cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn đình Lộc là “Bởi vậy, nếu sửa Hiến pháp bây giờ cần phải sửa rất cơ bản.”
*
Từ những đề nghị từ gần 10 năm trước, mãi tới tháng 11 vừa qua Quốc Hội mới tiến được một bước là có 3 ngày 23, 24 và 25 chất vấn chính phủ được ký giả Mặc Lâm của đài RFA trong bài ““Dư âm phiên chất vấn chính phủ” đăng trên mạng ngày 30/11/10, đánh giá là một “cuộc thực tập dân chủ đầy sinh động… và sôi động chưa từng thấy”. Cũng ký giả Mặc Lâm nhận định tiếp, “Với những câu hỏi hết sức thẳng thắn và không kém phần kịch tính, những đại biểu nổi bật trong kỳ họp này là Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, PhạmThị Loan, Lê Văn Cuông, Nguyễn Văn Thuận, Đặng Như Lợi, Nguyễn Lân Dũng, Đồng Hữu Mạo, Trịnh Thị Nga, Lê Quốc Dung, Ngô Minh Hồng, Mai Thị Ánh Tuyết, Trần Du Lịch. … những khuôn mặt xứng đáng này luôn đứng thẳng người trong bất kỳ phiên họp nào của quốc hội để đòi hỏi cho được sự trong sáng của chính phủ.”
Đó là một dấu hiệu tốt đẹp, nhưng còn quá ít để cứu vãn vận mệnh đất nước. Xét về thực chất, người ta thấy tất cả các câu trả lời của thủ tướng và các bộ trưởng đều không mang tới các đại biểu Quốc Hội và người dân một hiểu biết gì thêm về những kế hoạch mà chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện mặc cho các lo âu, thắc mắc của các đại biểu. Có thể nói, cuộc giải trình vừa qua của chính phủ trước Quốc Hội vẫn chỉ có tính cách hình thức và tuyên truyền. Giáo Sư Hà Văn Thịnh, trong bài “Xem Thủ tướng trả lời Quốc hội” trên trang mạng “Bauxite” ngày 28/11/10 nhận định về tính hình thức của 3 ngày giải trình của chính phủ trước Quốc Hội như sau: “Thủ tướng “kiểm điểm” không thành khẩn, khi tự mâu thuẫn với chính mình bằng tuyên bố “là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém của chính phủ. Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên liên quan tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”. Giáo Sư Hà Văn Thịnh viết tiếp “Kiểm điểm như thế nào, kiểm điểm bao lâu không nói rõ mà chỉ cho Đại biểu biết là “chúng tôi sẽ công khai” (?).” GS Thịnh viết tiếp, “Thêm nữa, chính Đại biểu Vũ Hoàng Hà đã nói rằng “các Bộ trưởng có liên quan trả lời trước Quốc hội không ai nhận thiếu sót, khuyết điểm” (Tuổi trẻ, 25.11.2010, tr.2)”.
Ngoài ra, không có gì bảo đảm rằng các đại biểu được ký giả Mặc Lâm đánh giá cao là “những khuôn mặt xứng đáng” trong nhiệm kỳ Quốc Hội này sẽ tiếp tục có mặt trong các nhiệm kỳ Quốc Hội sau. Tất cả đều lệ thuộc vào sự “ban ơn” của Đảng, mà thực chất, là tuỳ thuộc sự ban ơn của một Lãnh tụ tối cao, toàn trị, ông Tổng Bí Thư, với sự trợ giúp của 14 vị đỉnh cao trí tuệ (chữ của người dân) khác trong Bộ Chính Trị.
Bởi thế, để cứu đất nước ra khỏi tình trạng rối loạn của “chủ nghĩa Tư Bản Hoang Dã”  hiện nay, TOÀN THỂ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, TRÍ THỨC VÀ TOÀN DÂN, cần phải mạnh dạn theo những đề nghị của TS Hà Sĩ Phu, của TS Cù Huy Hà Vũ, của cựu bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc cùng các cán bộ cao cấp trong bộ Tư Pháp dưới thời ông (2001) và theo các ý kiến mới đây trong cuộc “Hội thảo Khoa Học” vào đầu tháng 10/2010, của hơn 20 nhà khoa học mũi nhọn, đảng viên cộng sản cao cấp, trong đó có một số các nhà kinh tế và lý luận cộng sản kỳ cựu như: GS Trần Phương – nguyên phó Thủ tướng Chinh phủ; Vũ Khoan – nguyên phó Thủ tướng Chính phủ; PGS Trần đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế; GS Phan văn Tiệm – nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính; Việt Phương – nguyên Thư ký cố vấn của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng; Dương Thu Hương – nguyên phó Thống đốc Ngân hàng; GS Đào xuân Sâm – nguyên Trưởng bộ môn Quản lý kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc; PGS Võ Đại Lược – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, ĐÒI HỎI THAY ĐỔI HIẾN PHÁP TỪ CƠ BẢN, BỎ ĐIỀU 4 HP, TỪ BỎ CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN, TỪ BỎ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, TỪ BỎ CÁI ĐUÔI VÔ NGHĨA “ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”, TỪ BỎ SỰ TOÀN TRỊ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN.
© Nguyễn Tường Tâm
© Đàn Chim Việt
——————————————————–
Tham khảo:
-  “Phân Quyền” của Huy Đức / tạp chí Kinh tế Saigòn số 27-2001 (548), xuất bản trong nước ngày 28-6-2001. (tr. 11 và 40)
- Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn An tân chủ tịch quốc hội Việt Nam do 2 ký giả Huy Đức và Thái Thanh thực hiện / tạp chí Kinh tế Saigòn số 27-2001 (548), xuất bản trong nước ngày 28-6-2001. (tr.12,13 và 49)

Tổng số lượt xem trang