TT - Liên quan vụ ba người “bị cảnh sát thu máy vì quay phim” tại xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, thượng tướng Lê Thế Tiệm cho biết Bộ Công an sẽ kiểm tra lại, yêu cầu Công an Bình Dương báo cáo sự việc.
Theo ông Tiệm, việc thực hiện quay phim, chụp ảnh là quyền của người dân và đó là hoạt động thể hiện chức năng kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan công an. Do đó người dân sử dụng máy quay phim, chụp ảnh đối với công an không phải là sai phạm.
Tuy nhiên với sự việc cụ thể tại Bình Dương, do chưa được báo cáo nên ông Tiệm cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc.
Chiều 3-12, ông Nguyễn Văn Quý, giám đốc Công ty TNHH XD-TM Minh Tân, cho hay: “Phía Công an xã Tân Đông Hiệp vẫn còn giữ xe máy và máy chụp hình của công ty”.
Luật không cấm, dân được làm
Căn cứ pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, nhiều tỉnh thành đã ra quyết định ban hành danh mục các địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh trên địa bàn. Theo các quyết định đó, đơn vị chức năng thực hiện việc cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” theo mẫu biển quy định.
Trước tiên, xét về địa điểm, nếu chỗ các cảnh sát giao thông đang làm việc không có biển cắm trên thì người dân được phép quay phim. Bởi lẽ công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, xét về đối tượng thì có nhiều điều cần bàn thêm, do những người bị quay phim đang thi hành công vụ nên không thể áp điều 31 Bộ luật dân sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh để không cho người dân quay phim.
Nhưng trong trường hợp cụ thể này, phải thấy rằng việc quay phim của ba người dân trong bản tin đã đăng ngày 3-12 là không bình thường mà nhằm mục đích riêng tư. Nếu nói ngay người dân được phép quay phim để từ đó nhân rộng ra thì e sẽ có nhiều bất ổn phát sinh.
Về nguyên tắc, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Theo đó, khi muốn lấy máy để không cho dân quay phim, công an phải lập biên bản nêu lý do để dân có cơ sở thực hiện quyền khiếu nại của mình.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO