Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Nguy cơ độc hại từ hàng Trung Quốc

Bài 1: Không nhãn mác, không hạn dùng...


Các loại thực phẩm Trung Quốc được bày bán tràn ngập tại chợ Bình Tây, TP.HCM (ảnh chụp ngày 3-6)  - Ảnh: T.T.D.
TT - Từ biên giới đến thành thị tràn ngập hàng thực phẩm Trung Quốc (TQ) không nhãn mác nên người tiêu dùng không thể biết thành phần của sản phẩm gồm những gì. Giá các sản phẩm này rẻ đến bất ngờ và có đặc điểm để lâu vẫn... không hư!
Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), trước các sạp hàng thực phẩm khô có đủ loại, từ kim châm, hạnh nhân, măng tây, nấm đông cô, rong biển… Một tiểu thương tại đây cho biết phần lớn những mặt hàng này được nhập từ TQ dưới dạng đóng thùng cactông nên không có bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng, cũng chẳng biết nó được sản xuất từ những chất gì. Thế nhưng những mặt hàng này đang được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh.

“Tút” lại là đẹp
Thực phẩm khô TQ dồi dào, giá nhập vào tương đối rẻ, kích thước lớn, khá bắt mắt nên tiêu thụ mạnh. Nấm đông cô có dáng to, nấu nhanh chín nên người tiêu dùng rất thích. Đặc biệt để lâu bao nhiêu cũng được! Khi nấm có bụi mốc “chỉ cần về nhà ngâm nước là nhả hết” - một tiểu thương cho biết. Các mặt hàng được bày bán nhìn có vẻ cũ cũ, một số còn bị mốc, đen nhưng chỉ cần người mua về “tút” lại theo một số bí quyết của người bán là... đẹp như thường. Với bánh kẹo, hàng TQ thường được bán theo ký, bao bì xanh đỏ rất bắt mắt. Những chiếc bánh gạo, sôcôla hoa hồng, kẹo mềm… giá cực rẻ. Chúng có vị... lạ lạ, dễ ăn, lại được đóng gói nhỏ, tiện sử dụng. Có điều bánh không hề có hạn sử dụng, nhãn mác cũng như nơi sản xuất...
Các loại thực phẩm Trung Quốc được bày bán tại chợ Bình Tây, TP.HCM ngày 3-6 - Ảnh: T.T.D.
Tại các chợ Bình Tây, An Đông, Bến Thành... có bày bán nhiều loại nước giải khát dạng bột hoặc đóng gói của TQ, ngoài bao bì không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. La hán quả trong hộp màu xanh, bên trong chứa 12 miếng nhỏ hình chữ nhật, có mùi hắc xộc vào mũi. Theo chị H. - chủ một tiệm cà phê, loại này có ba loại, bề ngoài giống nhau như đúc nhưng quan sát kỹ sẽ thấy loại xịn nhất có dán tem, giá cao hơn.
Đủ loại bột nêm, gia vị
Sôi động hơn cả vẫn là tại các khu chợ vùng biên của Lạng Sơn. Tại chợ Đồng Đăng, một quầy hàng thực phẩm ngay cổng chợ Đồng Đăng đồ thực phẩm bày cao ngất, để tràn cả lối đi, phần lớn chúng được nhập từ TQ, từ xì dầu, bột canh, bột nêm, mì chính, gia vị lẩu, nước chấm cho đến các loại thực phẩm tẩm ướp đều được đóng gói trong những bao bì, chai lọ chi chít chữ TQ. Những gói rau quả ướp bằng thứ nước màu đỏ sền sệt, đóng trong túi nilông trong suốt, bên ngoài in lòe loẹt chữ TQ. Không có bất kỳ dòng chữ nào ghi hạn sử dụng trên các túi.
Các hộp hương liệu nước ép trái cây có xuất xứ TQ với nhiều hương vị dứa, dâu, nho... đang được các chợ bán với mức giá chỉ 4.000 - 7.000 đồng/hộp.
Chị Tâm, một tiểu thương tại chợ An Đông (TP.HCM), cho biết “do giá bán quá rẻ cộng với mùi vị trái cây như thật nên những hộp hương liệu này hiện đang được nhiều nhà hàng, tiệm cà phê mua sỉ về pha chế”.
Cũng có nhiều mặt hàng “bổ dưỡng” như sữa bột, sữa hương vị trái cây, các loại hạt nấu sẵn đóng gói trong những chiếc bao hút chân không được nhiều người mua về nấu chè... đều không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng. “Người dân mình vẫn xài vì cứ nghĩ ăn vào đâu có... chết ngay” - chị Loan nói.
Chỉ riêng xì dầu đã có đến hàng chục loại, bình xì dầu dung tích 2 lít loại ngon nhất giá 20.000 đồng, các loại khác chỉ 8.000 - 15.000 đồng/bình 2 lít. Phần lớn những loại xì dầu này được đựng trong can nhựa màu trắng đục, không có niêm phong. Nhãn mác của những can xì dầu này đều in chữ TQ, hầu hết không ghi hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần… Bà chủ hàng đồ khô báo giá chỉ lấy bằng 2/3 giá bán lẻ nếu có nhu cầu lấy nhiều về xuôi bán.
Trong khi đó tại chợ Lũng Vài (TQ), dân buôn đồ khô người Việt vẫn thường qua đây lấy hàng, sau đó thuê cửu vạn vác hàng theo đường mòn về tập kết tại các kho hàng thuộc khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), chờ đêm xuống xé lẻ đưa về xuôi. Giá bán các loại thực phẩm TQ tại chợ Lũng Vài khá rẻ, chỉ vài nhân dân tệ (1 NDT khoảng 2.000 đồng VN) là được một món. Cụ thể  một can xì dầu 2 lít loại ngon giá chỉ 5-6 tệ; gói gia vị lẩu, rau củ quả tẩm ướp khoảng 0,8 - 1,5 nhân dân tệ/gói tùy loại…
Tươi nhờ chất bảo quản
Không giống như các mặt hàng khác, phần lớn hàng hoa quả TQ về VN bằng con đường hợp pháp qua cửa khẩu Tân Thanh. Chị Hoa, một người buôn bán hoa quả lâu năm tại chợ khu vực Tân Thanh, cho biết giá hoa quả TQ rẻ hơn 30-40% so với hoa quả cùng loại ở trong nước. Đặc điểm của hoa quả TQ là có hình thức rất đẹp, để được lâu, không bị nẫu. Cam, quít TQ luôn có vỏ bóng sáng, đều màu, không bị rám như cam, quít của VN. Còn hồng TQ có vỏ màu hồng đậm rất đẹp...
Chị Hoa cho hay hoa quả của TQ để được lâu, vỏ đẹp là do sau khi thu hoạch chúng được ngâm qua các bể nước hòa lẫn hóa chất bảo quản hoa quả khoảng vài giờ, sau đó mới vớt lên xuất đi. Dẫn chứng cho tôi xem, chị Hoa cầm lên một quả táo, sau đó bóc lớp sợi xốp bọc bên ngoài ra thì có những hạt màu trắng nhỏ li ti bám trên cuống của quả táo.
Chị Hương, tiểu thương chợ An Đông (TP.HCM), cho biết: “Khi bóc lưới xốp bọc quả táo ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả chính là hóa chất bảo quản”. Nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng tăng lên khi người bán hay “lên đời” hàng TQ thành sản phẩm Úc, Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng.
Gần đây, ngoài cà rốt, gừng, khoai tây TQ, thị trường VN còn làm quen với loại bông cải của TQ. Bông cải trắng TQ to, đẹp, rẻ hơn cải Đà Lạt nên tiêu thụ khá mạnh. Tuy vậy, không ai biết nó có chứa hóa chất kích thích tăng trưởng hay bảo quản trong đó hay không.
NHƯ BÌNH - TRỌNG PHÚ
Các loại đồng hồ giả Trung Quốc bị tịch thu. Trung Quốc hiện là nguồn hàng giả lớn nhất châu Âu - Ảnh: AFP
Hàng giả Trung Quốc 
tràn ngập châu Âu
Mặc dù đã tăng cường truy quét nhưng châu Âu vẫn không ngăn được hàng giả từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, theo một báo cáo mà Ủy ban châu Âu công bố hôm 31-5.
Theo đó, hải quan các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2006 đã tịch thu hơn 250 triệu món hàng giả, tăng đột biến so với con số 75 triệu năm 2005. Trong đó, 80% xuất xứ từ Trung Quốc và thuộc đủ loại từ thuốc lá, quần áo đến đồ gia dụng và cả dược phẩm. Các quan chức EU cho biết họ đặc biệt lo ngại về khả năng gây bệnh của các loại thuốc và mỹ phẩm giả này.
M.HUY(Theo Kommersant)
Bài 2: Đồ chơi trẻ em: cực rẻ và cực… độc

 Bài 2: Đồ chơi trẻ em: cực rẻ và cực... độc
 

Một em nhỏ chọn mua bộ đồ chơi siêu nhân Trung Quốc tại chợ Bình Tây, TP.HCM, ngày 3-6 - Ảnh: T.T.D.
TT - Hầu hết trẻ em VN đang chơi đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) nhưng chẳng ai biết được những món đồ chơi đó được sản xuất bằng chất liệu gì. Còn các chuyên gia thì cảnh báo nhiều đồ chơi TQ không an toàn cho trẻ em.
>> Bài 1: Không nhãn mác, không hạn dùng...
Cực độc
Theo một số chủ cửa hàng, đồ chơi TQ trông bắt mắt, kiểu dáng đa dạng, nhiều tính năng, màu sắc hấp dẫn và giá rất rẻ nhưng lại thiếu một yếu tố quan trọng là tính an toàn cho sức khỏe.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước cho biết điều cấm kỵ nhất là không được dùng nhựa PVC để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, nhưng hàng TQ lại “ưa” sử dụng loại nhựa này. Nhựa PVC làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm - doanh nghiệp này nói.
Không chỉ thế, nhà sản xuất đồ chơi TQ còn sử dụng cả màu công nghiệp, vốn có thành phần kim loại nặng rất cao. Khi trẻ cho đồ chơi vào miệng, chất độc này sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể. Với một số loại đồ chơi khác như xe đạp ba bánh, ôtô điện thì các mối hàn ở khung xe thường rất sơ sài, phần lớn hàn chiếu lệ cho có. Đã có không ít trường hợp một số cháu bé ngồi lên quá mạnh, hoặc nhảy phóc vào xe thì xe “sụm” lăn quay! Chưa kể các loại xe này đa số không được gọt “ba vớ” (nhựa thừa) có thể gây tổn thương cho trẻ từ các cạnh sắc, nhọn. Riêng một số loại xe mô hình, có nhiều trẻ lúc chơi đã nuốt phải những mẩu lắp ghép nhỏ do mối nối không chắc. Một số loại đồ chơi phát ra tiếng như súng điện tử, xe tăng, máy bay..., các nghiên cứu khoa học về âm thanh cũng cho thấy nếu được phát ra với cường độ và mật độ cao thì khả năng tổn thương cho thính giác của trẻ hoàn toàn khó tránh khỏi.
Hiểm họa từ những con búp bê
Trong khi đó, những con búp bê TQ thân mềm xinh xắn có giá chỉ 15.000-30.000 đồng đang được tiêu thụ khá mạnh cũng ẩn chứa những nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Một số nhà khoa học cảnh báo những người bạn thân thiết này có thể ẩn chứa mối nguy hiểm gây ung thư từ áo quần, vải của búp bê. Riêng bộ nail (móng tay) giả dành cho bé gái cũng đang được các chuyên gia khuyến cáo về mức độ nguy hiểm. Bộ nail này được làm bằng nhựa, nhưng kèm theo đó là keo để dính nó vào móng tay, lại được làm từ một loại hóa chất sền sệt mà ngay cả giới chuyên môn cũng “không biết nó là chất gì!”. Loại keo này có đủ các màu rất bắt mắt, không mùi, nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành hóa phẩm, nếu dùng lâu sẽ dẫn đến móng bị vàng úa, thậm chí có thể bị thúi móng!
Không chỉ thế, những “đồ nghề” của trẻ sơ sinh như bình sữa, núm ti, chuông lắc bằng nhựa... có nguồn gốc từ TQ đang được bày bán dưới dạng rời, không nhãn mác, không tên tuổi cũng ẩn chứa nguy cơ gây độc hại vì không rõ được làm bằng chất liệu gì. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, đừng vì rẻ hơn một vài nghìn mà mua các sản phẩm không tên tuổi cho bé sử dụng, đặc biệt là núm ti và bình sữa.
Bạo lực
Thú nhồi bông có chứa virus gây bệnh Mới đây, ngày 28-5, trên trang China Daily điện tử cũng đã dẫn lời của cơ quan an toàn người tiêu dùng Trung Quốc đưa ra một thông tin gây sốc: “Có đến hơn 20% đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng”. Một cuộc điều tra toàn quốc đã cho kết quả: các chất thải công nghiệp gồm sợi thảm bẩn, giấy và vỏ gói mì ăn liền được tìm thấy trong đồ chơi do các nhà máy ở tỉnh Hà Bắc sản xuất! Đồ chơi nhồi bông thì chứa vi khuẩn, thậm chí virus gây bệnh, làm trẻ bị mẩn ngứa và mang bệnh nếu tiếp xúc lâu dài. Một số đồ chơi dễ bị rách và gây chấn thương.
Tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, khu vực chợ Bình Tây (TP.HCM), phần lớn đồ chơi trẻ em đều có xuất xứ từ TQ. Rất nhiều sản phẩm mang đậm chất bạo lực như các loại súng “bắn máu” (súng bắn đạn bung ra phẩm màu đỏ giống máu), súng bắn laser, bắn đạn nhựa; đao, kiếm nhựa... có thể dễ dàng mua từ các xe bán dạo khắp thành phố với giá 30.000-60.000 đồng/món. Trên đường Hai Bà Trưng (Q.1) còn bán cả “lưỡi kiếm ngọc bích dạ quang” có lưỡi bằng... nhôm, gọt được cả... trái cây (!) với giá chỉ 2.500 đồng/cái. Không chỉ có đồ chơi có thể gây sát thương, một loạt đồ chơi khác có khả năng gây rúm ró sợ hãi ở cấp độ cao như mặt nạ đầu lâu xương chéo, máu me kinh dị; những bộ răng quỉ dữ nanh trắng dài, nhọn lởm chởm; hay các loại quái thú như rắn, khủng long... được làm với độ ghê rợn rất cao thông qua chất liệu, cách tạo hình cực kỳ... ấn tượng!
Các món đồ chơi được nhiều trẻ em ưa thích có bán nhiều ở chợ Bình Tây là các siêu nhân, robot lắp ghép, bộ xếp hình... Những mô hình siêu nhân này thường gắn các phần phụ bên ngoài có kích thước nhỏ như mũ, khiên, mảnh giáp tay, giáp chân... được mô phỏng theo truyện tranh của trẻ mang hơi hướng bạo lực, giá từ 60.000-90.000 đồng/món. Tất cả sản phẩm này đều không có bảng hướng dẫn sử dụng, cũng như không có các khuyến cáo cần thiết cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Nếu có thì cũng chỉ có chữ TQ. Một tiểu thương tại chợ Bình Tây cho biết phần lớn đồ chơi TQ vào VN qua đường nhập lậu nên không hề được kiểm tra về độ an toàn sử dụng lẫn chất lượng nguyên liệu sản xuất là điều tất yếu.
NHƯ BÌNH - N.HÀ - TRẦN VŨ NGHI - L.ANH
Hà Nội: 100% là đồ chơi TQ Phố Hàng Mã và Lương Văn Can là hai “đại bản doanh” đồ chơi ở Hà Nội. Tại một cửa hiệu như một siêu thị đồ chơi trên phố Hàng Mã, với la liệt ôtô, tàu hỏa, máy bay, búp bê, thú nhồi bông, hươu, nai, ngựa, xe đạp nhựa, bà chủ cửa hàng thành thật: “Gần 100% là hàng TQ. Đồ chơi TQ đã đánh bật mọi loại đồ chơi trên thị trường vì giá quá rẻ”.
Những món đồ chơi na ná bạo lực được bày bán khá phổ biến như siêu nhân kiếm, siêu nhân côn với bao tay và mặt nạ đi kèm, dù theo các chủ hàng đồ chơi, các đồ chơi bạo lực như kiếm và súng đã bị cấm bán từ lâu. Không chỉ thế, có những món khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đó là bộ đồ câu cá. Ở đầu các con cá, cua, ốc đều được gắn nam châm để có thể dính vào cần câu khi trẻ chơi. Nhưng các bác sĩ cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu em bé cắn phải miếng nam châm và chẳng may nuốt vào. Theo TS Đào Minh Tuấn - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương, hậu quả của loại tai nạn bất ngờ này rất khó lường. Không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do bị ngạt khí. Trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt thì để lại di chứng nặng nề. Trẻ bị ngừng thở kéo dài sẽ gây tình trạng thiếu oxy não dẫn đến di chứng não, sống đời sống thực vật.
Cũng theo TS Đào Minh Tuấn, hơn 100 mẫu dị vật đường thở đang được bảo lưu trong khoa thì có đến gần một nửa là sản phẩm của đồ chơi trẻ em. Phổ biến nhất là chuyện trẻ nhỏ cho vào miệng ngậm rồi nuốt luôn những miếng ghép đồ chơi lắp ráp, một số loại tiền giả hình tròn nhỏ bằng nhựa màu... Lục lạc có hai viên bi tròn hai bên, trống lắc ra âm được làm bằng những thanh nhôm có độ cứng và bén, dễ gây tai nạn cho trẻ em vì nếu kéo mạnh có thể làm sướt tay đến chảy máu...
Kỳ tới: Những phát hiện gây... sốc cả thế giới

-----

Trong một nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Thâm Quyến. Theo truyền thông TQ, 20% đồ chơi sản xuất tại nước này gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng - Ảnh: AFP
TT - Từ đầu năm 2007 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới liên tiếp phát hiện hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm do Trung Quốc (TQ) sản xuất có chứa hóa chất độc hại. Hàng trăm người đã chết vì những sản phẩm này.
Những sản phẩm “tử thần”
Đầu tháng 5-2007, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố phát hiện gây sốc: khoảng 2,5-3 triệu người Mỹ đã sử dụng thịt từ gia cầm ăn bột rau bị nhiễm melamine có nguồn gốc từ TQ. Lập tức, Mỹ đã tiêu hủy 3,1 triệu con gà từng ăn thực phẩm nhiễm melamine. Melamine là hóa chất được sử dụng làm phân bón, đồ nhựa và các nhà nghiên cứu khẳng định hóa chất này có thể gây ung thư.
Điếng người... với đồ chơi kích điện của TQ
Tại TP.HCM, một loại đồ chơi được cảnh báo “tự làm thì ráng chịu, không dành cho trẻ dưới 14 tuổi, người già trên 50 tuổi” đang được bày bán công khai. Đó là đồ chơi kích điện do TQ sản xuất. Những món đồ chơi này có hình cây viết, đèn pin, bao thuốc lá... nhưng chỉ cần nhấn vào đầu bút hay rút điếu thuốc ra thì lập tức sẽ bị điện giật nhói cả người.
Hoặc khi bật công tắc cây đèn pin lên thay vì đèn sáng thì người bật sẽ bị giật điện. Còn nếu nhấn đầu bấm của cây viết cũng bị giật điếng người... “Dòng điện  trong những món đồ này chỉ có  thể làm người đụng vào phải run mình, tê ở tay, nếu người yếu tim thì sẽ có cảm giác nhói ở tim”, A.D., một nhân viên bán hàng ở đường Ba Tháng Hai cho biết.
Những món đồ chơi nguy hiểm này có giá 15.000-65.000 đồng/món, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, được bày bán công khai trong các cửa quà tặng, cửa hàng lưu niệm ở đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương, trước cổng một số trường học...
NH.B.
Cùng thời điểm đó, FDA cũng lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về loại hóa chất cực độc diethylene glycol (DGE) có trong mặt hàng glycerine giả được sản xuất tại TQ. Hóa chất này làm hư thận rồi tác động tới thần kinh trung ương, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong. Điều đáng sợ là glycerine là thành phần không thể thiếu của hàng chục loại thuốc, xirô, kem đánh răng...
Sự hoảng sợ của người tiêu dùng bùng lên khi quốc gia Trung Mỹ Panama phát hiện chất DGE có trong glycerine làm giả ở TQ đã được sử dụng để sản xuất xirô trị ho, thuốc cảm và một số dược phẩm khác tại nước này. Công bố được đưa ra quá muộn khi trước đó vào cuối năm 2006, hơn 360 người Panama thiệt mạng sau khi sử dụng thuốc cảm có chứa glycerine dỏm.
Ngay sau đó, Úc và các quốc gia Trung Mỹ như Panama, Cộng hòa Dominican, Costa Rica và Nicaragua lại phát hiện sự có mặt của độc chất DGE trong hàng loạt loại kem đánh răng nhập từ TQ, trong đó có hai nhãn hiệu rất phổ biến là “Mr. Cool” và “Excel”. Theo nhà chức trách Panama, Mr. Cool và Excel chứa tới 4,6% chất DGE, cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép, là thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 100 người và làm 500 người khác bị nhiễm độc ở nước này.
Áo quần trẻ em cũng có chất độc
Chưa dừng lại ở đó, tháng 5-2007, truyền thông Úc công bố bằng chứng cho thấy các sản phẩm dệt may của TQ chứa hàm lượng chất formaldehyde rất cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), formaldehyde gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp dù chỉ với một hàm lượng rất thấp và dẫn đến các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi... 
Theo nhật báo Sydney Morning Herald, loại chăn (mền) mang nhãn hiệu Sheridan Indulgence nhập từ TQ, đang được bày bán rộng rãi khắp Úc, có chứa hàm lượng formaldehyde với tỉ lệ cao gấp 10 lần cho phép của các tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà sản xuất TQ thường sử dụng formaldehyde này để  chống nhăn và chống co rút các sợi vải nhân tạo dùng trong các bộ drap, gối giường ngủ, áo quần trẻ em và đồ chơi bằng vải.
Cũng trong tháng 5-2007, Wal-Mart, hệ thống siêu thị lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố thu hồi tã lót cho trẻ em nhập từ TQ sau khi xét nghiệm cho thấy sản phẩm này chứa chì ở mức độ rất cao.
Mất lòng tin vào sản phẩm “made in China”
Trước hàng loạt cáo buộc, chính quyền TQ đều đưa ra một phản ứng chung: im lặng hoặc phủ nhận sự liên quan. Khi cuộc “khủng hoảng thức ăn vật nuôi 2007” nổ ra, Bắc Kinh tuyên bố không hề xuất khẩu mì căn sang Mỹ và melamine không gây độc hại. Điều đáng nói là ngay sau đó, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm sử dụng melamine trong sản phẩm bột rau xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.
Đến đầu tháng 5-2007, Cơ quan quản lý chất lượng TQ buộc phải thừa nhận hai công ty công nghệ sinh học đã cố tình xuất khẩu nguyên liệu thức ăn vật nuôi bị nhiễm melamine và thuốc diệt chuột sang Mỹ và Nam Phi. Bộ Ngoại giao TQ cũng thừa nhận “một công ty TQ” đã làm giả chất glycerine (có trong thuốc, mỹ phẩm...) bằng hóa chất cực độc DGE.
Ngày 22-5, Cục Bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng thế giới đang mất lòng tin vào hàng hóa TQ. FDA cũng chính thức ra khuyến cáo người tiêu dùng Mỹ không nên dùng bất kỳ sản phẩm kem đánh răng nào sản xuất từ TQ.
Thế nhưng, tại cuộc họp báo về thông tin hàng hóa TQ xuất khẩu kém chất lượng, gây ngộ độc, phó cục trưởng Cục Kiểm tra chất lượng TQ Ngụy Truyền Trung cho biết vụ ngộ độc thuốc ở Panama do lỗi của nước sở tại. Còn về vụ kem đánh răng có chất gây ung thư gan là được một công ty ở Giang Tô sản xuất theo yêu cầu hợp đồng, mẫu hàng của khách hàng, trên bao bì đều ghi rõ hàm lượng DGE trong tiêu chuẩn cho phép.
HIẾU TRUNG - CẢNH CHÁNH (tổng hợp)
Người TQ cũng khiếp vì hàng “dỏm”
Ông Kim Trí Quốc, một đại biểu Quốc hội TQ, từng nhận xét về thực phẩm TQ như sau trên tờ Jingbao: “Ăn thịt sợ có dư lượng thuốc tăng trọng, ăn rau quả sợ hóa chất độc hại, uống nước sợ phẩm màu”. Tại TQ đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm như ngộ độc chất bảo quản ở táo, lê, dưa hấu, rau ăn lá, ốc, mật ong nhân tạo, ngộ độc dầu động vật, bột nêm, trứng vịt có chứa sudan, cá ô nhiễm...
Mỹ phẩm có hàm lượng hóa chất vượt tiêu chuẩn. Thuốc giảm béo, kem trị nám thì kém chất lượng. Gấu bông được làm bằng vật liệu phế thải của nhà máy sản xuất thảm. Ngay cả bút chì cũng có hàng giả, khiến một loạt học sinh bị điểm kém chỉ vì máy chấm thi trắc nghiệm không đọc được chì của bút giả. Bình xịt thơm trên xe hơi có chứa hóa chất gây tác dụng phụ như đau đầu, nổi ngứa ở da do dị ứng! Về dược phẩm, thuốc giả được lưu hành bằng con đường hối lộ để nhận giấy chứng nhận chất lượng và công khai lưu hành trên thị trường.
CẢNH CHÁNH (Jingbao, THX, CCTV, Bắc Kinh Nhật Báo, ziol)

Tổng số lượt xem trang