Mục Phát ngôn và Hành động tuần này vì vậy, cũng là Phát ngôn và Hành động của năm 2010, mong được gửi đến bạn đọc để cùng chia sẻ, đồng cảm và suy ngẫm về những vấn đề đạo lý- văn hóa của một xã hội.
Đỉnh của trí tuệ, văn hóa
Đỉnh của trí tuệ năm 2010 - không thể khác - đó là sự kiện GS Ngô Bảo Châu, người Việt đầu tiên được nhận Giải thưởng Toán học Fields danh giá với Công trình "Bổ đề cơ bản" - một công trình trong "Chương trình Langland" được ước tính sẽ đòi hỏi công sức của nhiều thế hệ các nhà toán học mới có thể hoàn thành. Nhưng GS Ngô Bảo Châu đã chứng minh được nó chỉ sau 15 năm nghiên cứu.
Theo các nhà toán học, đó là một kỳ tích, thành tích vĩ đại của nền toán học nhân loại. Bổ đề không chỉ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển toán học mà còn liên quan đến những ngành khác, đặc biệt là vật lý lý thuyết.
Kỳ tích của GS Ngô Bảo Châu là kết quả tất yếu của sự hội tụ tố chất thông minh bẩm sinh, cùng môi trường sống, môi trường giáo dục và làm việc lý tưởng, văn minh và văn hóa. Đó là sự may mắn của số phận anh.
Nước Việt lần đầu tiên có được vinh quang trí tuệ đỉnh cao, cũng đã chiêu hiền đãi sĩ xứng đáng, khi tặng GS Châu một căn hộ cao cấp. Đó không chỉ là phần thưởng, mà còn như một sự kỳ vọng của giới khoa học và của nhân dân với GS vào việc xây dựng và phát triển nền khoa học cơ bản của đất nước trong tương lai.
Điều ấy cũng thể hiện ở ngay Quyết định mới đây của Chính phủ, mời GS. Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học Viện Toán cao cấp, hoạt động theo cơ chế đặc thù, nhằm tạo môi trường học thuật đặc biệt cho các nhà khoa học, các giảng viên ĐH thực hiện những ý tưởng, đề tài nghiên cứu toán học, có ý nghĩa khoa học, ứng dụng cao và hỗ trợ đào tạo nhân tài.
Tài năng tỏa sáng của một cá nhân, có sức tác động mạnh mẽ đến chính sách của cả một quốc gia. Đó chính là cái được lớn thứ 2 sau cái được thứ nhất - sự vinh danh trí tuệ người Việt trên trường quốc tế.
Những "đặc ân" của số phận, ở một góc độ khác, lại khiến mọi người thấy được cái đức của một người tài, khi GS Châu thẳng thắn đưa lên blog của mình, trao đổi với những ý kiến phản biện về câu chuyện "tặng nhà", sự quan niệm đúng đắn về giá trị cống hiến với cộng đồng và hưởng thụ của cá nhân. Tài năng đỉnh cao trong khoa học và cũng đàng hoàng, minh bạch và nhân cách trong hưởng thụ.
Nhưng câu phát ngôn khá ấn tượng của GS gây ra sự tranh cãi đa chiều thú vị, không phải là cái nhà mà là cái trí: "Bám theo lề là việc của con cừu, không phải của con người tự do". Sự thâm thúy không ở khái niệm lề vốn rất nhạy cảm, mà ở chữ người tự do. Quả thật, nếu không tự do (tư duy, tư tưởng) con người khó có thể đạt tới độ thăng hoa trong sáng tạo.
Có được người con như GS Châu là hạnh phúc tột đỉnh của bậc làm cha mẹ, và là may mắn của nước Việt. Có điều tại sao, những người như GS Châu, và nhiều tài năng trẻ tuổi nước Việt khác, lại chỉ đạt tới sự sáng tạo đỉnh cao, khi ở xứ người. Vì thế, mà bên niềm vinh dự lớn của đất Việt, không tránh khỏi một nỗi buồn sâu lắng cũng không hề nhỏ...
Đỉnh của văn hóa Việt - năm 2010, không đến từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội cờ giong trống mở, những đêm hoa đăng chăng đèn kết hoa, mà đến từ những cổ vật im lìm, cất tiếng nói của nghìn xưa với hôm nay. Đó là Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, ngay trước thềm Đại lễ. Sự kiện đó như một điểm tựa văn hóa phát sáng, vững chãi, thổi thêm sinh khí, hào khí, thêm hùng khí cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Di sản văn hóa vốn hàm chứa những giá trị tinh thần bất biến và đỉnh cao mà bất cứ quốc gia văn minh, văn hóa nào cũng đều mơ ước. Theo các nhà chuyên môn, Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi liên tục trong hơn một thiên niên kỷ, đây là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo.
Đó cũng là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn 1000 năm lịch sử, là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật phong phú.
Với việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, các bậc tiền nhân đã làm trọn bổn phận khai sơn phá thạch, gây dựng cơ đồ cho con cháu hôm nay kế thừa và phát triển.
Thế nhưng, phải công bằng mà nói rằng, cho dù số tiền chi cho Đại lễ là 265 tỷ đồng, như thông báo của UBNDTPHN, tiết kiệm tới 89 tỷ đồng, Đại lễ 1000 nămThăng Long - Hà Nội diễn ra trong sự tranh cãi, sự phân tâm, lo ngại và hồi hộp theo dõi, cả ủng hộ lẫn hoài nghi.
Gần 10 năm chuẩn bị, mà cho đến giáp kỳ khai mạc, câu chuyện đơn giản cổng chào hay không cổng chào, kiến trúc, vật liệu cấu trúc cổng chào ra sao...cũng phức tạp đến nỗi không sao ngã ngũ, sáng tỏ. Đến nỗi cuối cùng, không cổng cũng chẳng chào(!)
May mắn thay, Đại lễ đã diễn ra tưng bừng, đúng như kịch bản những nhà tổ chức.
Cho dù còn có những lời chê bai, thì không thể phủ nhận được, không khí và những giá trị tinh thần của 1000 năm văn hiến Thăng Long- Hà Nội đã được những người dân Hà Nội, đặc biệt những người dân khắp các miền Tổ quốc, từ nông thôn đến miền núi háo hức trân trọng đón mừng, chia sẻ. Có những người dân ở miền núi, nông thôn hẻo lánh, nếu không có Đại lễ, hẳn họ không có dịp được về Hà Nội, được ngắm nhìn Thủ đô.
Một Thăng Long - Hà Nội trong thế Rồng bay. Một Hồ Gươm lung linh huyền thoại. Một Thủ đô đẹp dần lên trong mắt những người yêu...Và vạn tấm lòng người dân hướng về Thủ đô, kỳ vọng sự chuyển mình của đất thiêng cùng đất nước.
Cũng phải nói rằng, lễ hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt, thì sự xô bồ, sự mất vệ sinh, thiếu văn minh và văn hóa của người đi hội cũng có dịp phơi bầy. Khiến có người đã phải viết trên mặt báo: "Nên bớt phần hội, để tăng phần lễ". Lễ ở đây là lễ nghĩa, là đạo làm người, là văn hóa ứng xử nơi công cộng...
Chưa kể đây đó, có những công trình xây dựng chào mừng gấp gáp, nên chất lượng bền vững cũng gấp gáp không kém. Đến nỗi có người đã phải đặt câu hỏi: Vì sao các bậc tiền nhân, ông cha chúng ta, văn minh lúa nước, chỉ có hai bàn tay lao động thủ công, 1000 năm sau, vẫn để lại một Di sản kiến trúc và văn hóa đỉnh cao, để thế giới phải khâm phục, nể trọng, mà chúng ta, văn minh công nghiệp, công nghệ cao hơn, vật liệu tân tiến hơn, lại chỉ để cho ra đời những công trình kiến trúc xây dựng "lở mồm, long móng"?
Và đáy của sự tối tăm, lạc nhịp...
Có đỉnh của trí tuệ mẫn tiệp, thì cũng có đáy của sự tăm tối tâm hồn. Vụ việc hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm học trò ở Hà Giang, là scandan giáo dục gây sốc nhất của năm 2010. Và cái kết "có hậu" của nó vào ngày cuối năm cũ cũng lại một lần nữa gây sốc cả xã hội.
Câu chuyện tăm tối này xoay quanh việc 2 cô học trò Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1991), và Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1992), đã tố cáo chính ông thầy hiệu trưởng của mình- Sầm Đức Xương- dụ dỗ, lôi kéo các em vào đường dây bán dâm.
Ngoài hiệu trưởng Sầm Đức Xương, còn có một loạt các cán bộ chủ chốt, cốt cán của tỉnh mua dâm các em. Đứng đầu là Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô, tiếp đó là các vị Hoàng Ngọc B; Lê Minh T. - cán bộ hải quan cửa khẩu Thanh Thủy; ông V. - công an tỉnh Hà Giang; rồi giáo viên, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân...). Nghĩa là đủ mặt anh tài các ngành, các lĩnh vực của tỉnh (!)
Đau đớn nhất, trong đường dây học trò bị Sầm Đức Xương hãm hại, buộc phải bán dâm có cả những em gái sinh năm 1996 mới học tới lớp 8 (trung học cơ sở), cái tuổi có khi còn làm nũng mẹ cha. Khi chuyện bại lộ, cha mẹ các em đã phải đối mặt với những kẻ lạ mặt, những phong bì tiền triệu và lời đề nghị khiếm nhã, xin bồi thường thiệt hại. Nhưng ai có thể bồi thường thiệt hại cho niềm tin ngây thơ bị tổn thương sâu sắc, của những đứa bé gái còn chưa kịp lớn này.
Kỳ lạ, suốt một thời gian dài vào cuộc, kết luận cuối cùng mới đây nhất của cơ quan công an và VKSND tỉnh Hà Giang, là không đủ chứng cứ để chứng minh 16 cá nhân trong "danh sách đen" có hành vi mua dâm người chưa thành niên. Vì vậy, không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng đã nêu trên.
Hay nhất, và có lẽ kết luận này mới là phát ngôn ấn tượng nhất khi cơ quan chức năng cho rằng, quan hệ tình dục của các vị đó "xuất phát từ quan hệ tình cảm chứ không phải quan hệ mua bán dâm". Cũng lạ cho các nữ sinh Hà Giang, lứa tuổi đang phải đi học là các em toàn yêu các quan chức cốt cán cỡ tuổi cha chú? Hay cái giỏi ở đây là các cơ quan chức năng Hà Giang biết đánh tráo khái niệm tài tình?
Kỳ lạ nữa, cơ quan CSĐT CA tỉnh vẫn có công văn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý các đối tượng trên theo quy định. Đã không có tội, làm sao các đồng chí cán bộ chủ chốt, cốt cán nêu trên lại bị xử lý? Họ có quyền phản đối kết luận vô lý này.
Còn nếu đúng như kết luận, thì quả thật, các bác "hổ phụ" thật không may, vô tình đã dưỡng các cháu "cẩu tử", để các "cẩu tử" này dám buông lời khuyển mã về tư cách con người của các bác.
Các "cẩu tử" này, cần bị truy tố trước pháp luật vì tội vu cáo, bôi nhọ tư cách đứng đắn và danh dự cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt một tỉnh, làm cho người dân vốn đã hoài nghi, thêm một lần nữa loạn lạc lòng tin.
Nhưng liệu người dân lương thiện, nhất là các bậc cha mẹ mang nỗi đau của đứa con dại dột của mình đang bị cầm tù, hoặc bị cưỡng hiếp, họ có tin không? Họ có tin ở kết luận "sáng suốt" của cơ quan điều tra không? Hay họ tin có sự "đánh bùn sang ao"?
Nhất là những đứa bé gái chẳng may sa sẩy vào nơi nhơ nhớp, các em nghĩ thế nào về kết luận từ đen thành nhờ nhờ? Hay các em cũng vừa được sống trong chuyện cổ tích hiện đại, mà sự phù phép của phù thủy trong chuyện cổ tích xưa cũng phải cúi đầu, vái các sư phụ hậu sinh? Các em không chỉ bị mất đi sự trắng trong của người con gái, lại thêm một tổn thương làm vẩn đục tâm hồn.
Năm cũ sắp kết thúc. Nhưng câu chuyện đau lòng về sự băng hoại đạo đức xã hội này, không thể cho qua. Bởi nếu cứ kết luận "có hậu" như thế, thì nguy cơ băng hoại đạo đức xã hội vẫn tiếp tục là nhãn tiền
Và dù văn bản có kết luận rõ ràng, sự tăm tối, bệ rạc của tâm hồn, của phẩm cách, liệu có phải thuộc về những đứa trò gái ngu ngốc, khờ dại, bị ép buộc, dẫu có phần hư hỏng hay không? Nếu không, thì sự bệ rạc đó thuộc về những ai?
Vụ án này rất có thể khép lại vì "không chứng cứ", nhưng vẫn cứ là vết nhơ khó tẩy rửa trên gương mặt các bác "hổ phụ" Hà Giang.
Đỉnh của ý chí và khát vọng dân tộc
Năm 2010, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn, rằng dân tộc này sẽ ra sao, đứng ở đâu, hành xử thế nào trước "ống kính" của cả thế giới và khu vực. Một thế giới đầy biến động, mong manh và luôn bất ổn về kinh tế và lớn hơn, là những đổi thay trong cán cân quyền lực.
Trong thế giới đó, người hàng xóm lớn Trung Quốc luôn ở thế thượng phong, gia tăng sức mạnh và tự cho mình phải có một chỗ đứng tương xứng. Những tuyên bố và hành xử của người hàng xóm này có xu hướng quá tự tin, cứng rắn, và có lúc đụng chạm tới lợi ích thiết thân nhất của Việt Nam: Chủ quyền trên Biển Đông. Không phải một lần, người Trung Quốc nói Biển Đông nằm trong lợi ích cốt lõi của nước này, và đề nghị Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Đến nước biển còn đòi chia đôi...
Tham gia cuộc chơi thế nào đây, giữa những "võ biền", để vừa tận dụng cơ hội cho phát triển, vừa không để quốc gia bị lép vế. Chủ quyền và lợi ích quốc gia phải được tôn trọng, là thách thức lớn với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Thực tế ấy càng sát sườn hơn khi Việt Nam được đặt ở vị trí trung tâm của mối quan tâm của thế giới, trên tư cách nước chủ nhà của hàng loạt các hội nghị cấp cao quan trọng trong năm ASEAN, quy tụ láng giềng và nước lớn cùng có mặt, để bàn về hợp tác, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.
Lo lắng, nghi ngại, người Việt Nam cả trong và ngoài nước nín thở chờ đợi các động thái của chính quyền bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, tính độc lập tự chủ của Việt Nam, vượt ra khỏi những sức ép.
Và lúc này, cánh cửa năm 2010 đang dần khép lại, người dân và giới quan sát cuối cùng có thể thở phào nhẹ nhõm. Việt Nam không chỉ đóng trọn vai nước chủ nhà hiếu khách, mà còn là hạt nhân của đoàn kết, hợp tác khu vực, để các nước cùng bàn về cách ứng xử trách nhiệm với nhau và với cộng đồng. Trên hết, quan trọng nhất, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để đấu tranh và bảo vệ cho chính lợi ích quốc gia mình.
Như lời khẳng định Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng, "quyết bảo vệ từng tấc đất tấc biển của Tổ quốc" trong bất kì hoàn cảnh nào, Việt Nam đã có được những bước đi khôn ngoan, vừa nhu vừa cương, để giành và để giữ chỉ 2 chữ thôi, nhưng là 2 chữ cốt tủy của một quốc gia - Chủ quyền. Vì 2 chữ đó, mà tổ tiên, cha ông, và ngay cả các thế hệ hậu sinh đã không tiếc máu xương trong các cuộc trường chinh cứu nước và giữ nước.
Với tâm niệm "Biển Đông đâu phải là chuyện các nước tranh nhau mảnh sân trước nhà" - câu phát ngôn ấn tượng của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh - Việt Nam đã tranh thủ và lồng ghép được vấn đề chủ quyền Biển Đông xuyên suốt chương trình nghị sự của năm ASEAN và cả trong những cuộc gặp song phương bên lề các hội nghị. Mỗi sự kiện, mỗi hội nghị lại khẳng định thêm một Việt Nam khôn ngoan, hiểu mình, hiểu người. Cũng tức là "Hiểu" vậy.
Tiếng nói và hành động của những người đại diện Chính phủ Việt Nam: Về một Biển Đông hòa bình, về giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế cho các khác biệt... không chỉ nhận được sự đồng thuận của người dân trong nước, mà còn được sự cộng hưởng từ các nước khu vực.
Công khai những khác biệt, minh bạch chỗ đứng của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền và cách ứng xử trong tranh chấp, thiết lập các cơ chế hợp tác và xử lý tranh chấp trong sự ràng buộc và đan xen lợi ích... Trên con đường ấy, Việt Nam đang có được nhiều bạn đường hơn, gắn kết với nhau bằng lợi ích và cả trách nhiệm quốc gia.
Đối mặt với trăm mối lo, kinh tế khó khăn, giá cả đột biến, xã hội có nhiều vấn đề, người dân Việt Nam lo hơn, nhưng cũng điềm tĩnh hơn. Quan trọng nhất, ý Đảng gặp lòng dân ở chí hướng nỗ lực khẳng định sự độc lập tự chủ dân tộc, trong cuộc đấu tranh cho chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Lịch sử có thể lặp lại. Nhưng có những lịch sử không bao giờ được phép lặp lại. Giành và giữ chủ quyền Biển Đông, là thử thách lớn, và chính ở thử thách đó, bản lĩnh, khát vọng và chí khí dân tộc Việt một lần nữa được khẳng định, mài giũa và tỏa sáng.
(còn nữa)
- Phát ngôn và hành động: "Đỉnh" và "Đáy" của năm 2010 (II) (TVN) -Năm 2011 đã đến. Cầu mong đó là một năm xã hội bình yên, an lành. Những tổn thương, mất mát niềm tin của con người về những cái Đáy tối tăm, bất tín bất nghì, rồi sẽ kéo da non. Bởi vẫn còn đây, những cái Đỉnh của trí tuệ, của văn hóa Việt, và của lòng nhân nghĩa Việt... vẫn rạng ngời và bất biến. Bất biến như câu ca dao của ông cha ta tự ngàn xưa: "Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"
- Phát ngôn và hành động: "Đỉnh" và "Đáy" của năm 2010 (II) (TVN) -Năm 2011 đã đến. Cầu mong đó là một năm xã hội bình yên, an lành. Những tổn thương, mất mát niềm tin của con người về những cái Đáy tối tăm, bất tín bất nghì, rồi sẽ kéo da non. Bởi vẫn còn đây, những cái Đỉnh của trí tuệ, của văn hóa Việt, và của lòng nhân nghĩa Việt... vẫn rạng ngời và bất biến. Bất biến như câu ca dao của ông cha ta tự ngàn xưa: "Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"
Nổi tiếng- tai tiếng và...ký tên
Có một công ty lớn khá nổi tiếng trên thế giới bởi sự đầu tư làm ăn với nhiều quốc gia. Nhưng khi làm ăn với Việt Nam thì họ trở nên tai tiếng. Đó là công ty bột ngọt Vedan. Khi hiểu rõ ngọn nguồn của sự tai tiếng, người ta phải thốt lên mà triết lý: "Bột ngọt mà đắng".
Đúng. Bột ngọt mà đắng! Ngọt với Vedan mà đắng ngắt với người Việt Nam.
Bởi suốt 14 năm qua, từ khi đầu tư, xây dựng và sản xuất bột ngọt trên đất nước hình chữ S này, âm thầm giẫm đạp lên những quy định của nước sở tại, ngay từ đầu, hệ thống xả thải của Công ty Vedan được thiết kế cực kỳ bí mật, đã xả thẳng 5000 m3 nước phế thải/ ngày ra sông Thị Vải, để trốn hơn 90 tỷ đồng phí nước thải.
Việc làm đó tưởng khôn, mà thực ra không ngoan. Bởi cho dù có xả thải một cách bí mật nước phế thải, thì con sông Thị Vải suốt hơn chục năm nhẫn nại chịu đựng, cuối cùng đã phải ô nhiễm công khai. Cũng có nghĩa là đẩy hàng ngàn hộ nông dân 3 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, t/p Hồ Chí Minh và Đồng Nai vào vòng bế tắc của mưu sinh.
Công ty sản xuất bột ngọt mà với người Việt sao đắng! |
Điều lạ, từng ấy năm trời, người dân Việt 2 bên bờ sông chỉ biết thở than. Từng ấy năm trời chính quyền địa phương nhận đơn khiếu nại của dân để rồi...im lặng đáng sợ. Từng ấy năm trời Bộ Tài nguyên- Môi trường, cơ quan chủ quản cũng im lặng đáng sợ nốt.
Chỉ đến khi báo chí phát tín hiệu SOS, chở diện mạo con sông lên đầy mặt báo, thì khi đó, con sông mới được các cấp quản lý, các ngành chức năng xúm lại chẩn bệnh. To tiếng nhất cũng là Bộ chủ quản. Khi vị Bộ trưởng cho biết rằng, 2 năm trước ông đã phát hiện ra con sông mắc bệnh, chỉ có điều ông không nói!
Chỉ khi đó, sự đau đớn của con sông mới làm xã hội, những người có lương tâm thật sự thấy đau đớn. Và thúc đẩy họ hành động. Không chỉ những người dân, mà còn có cả các nhà luật pháp, các tổ chức, đoàn thể, và cả Bộ chủ quản sẵn sàng đồng hành cùng người dân tìm lẽ phải.
Vậy nhưng cho dù dân khiếu kiện, cho dù các cấp, các ngành quản lý của địa phương lên tiếng, cho dù báo chí ồn ào phẫn nộ lên án...thì tất cả mọi phản ứng đó cũng không sao có sức nặng bằng, khi người dân Việt, hệ thống các siêu thị bất bình, đồng tâm tuyên bố tẩy chay không tiêu thụ bột ngọt Vedan. Chỉ khi đó, thái độ cò cưa, quanh co chối tội, ngụy biện, mặc cả... của Vedan mới ngọt như thứ bột họ vẫn sản xuất.
Lợi nhuận chi phối tất thảy, sự gian dối, sự chây lì, và cả sự...cầu thị (!)
Sự đồng lòng, đồng tâm cuối cùng cũng dẫn đến cái kết có hậu: Sau những ồn ào khiếu kiện, tranh cãi chầy cối, đến thời điểm này, Vedan nổi tiếng kèm tai tiếng, đã phải cúi xuống ký tên đồng ý bồi thường cho 3 tỉnh nói trên với số tiền 53,6 tỷ đồng cho nông dân Bà Rịa- Vũng Tàu; 45,7 tỷ đồng cho nông dân huyện Cần Giờ (TP HCM); và đặc biệt, gần 120 tỷ đồng cho nông dân Đồng Nai, tỉnh thiệt hại nặng nhất. Đợt 1; 60 tỷ đồng, và đợt 2: Gần 60 tỷ đồng nữa sẽ chuyển vào ngày 14-1-2011 tới đây.
Ảnh Thể Thao - Văn hóa. |
Những bài học đắng ngắt từ Vedan ở góc độ nào đó, lại "cống hiến" cho chúng ta những bài học bổ ích. Cảnh báo và buộc xã hội chúng ta phải tỉnh ngộ về nhiều điều: Sự quan liêu, vô tình, vô cảm của cán bộ với lợi ích người dân. Sự hấp dẫn chết người của đồng tiền nhẫn tâm. Sự cần thiết phải có một thiết chế quản lý xã hội dân sự công khai, minh bạch, dựa trên nền tảng pháp luật chặt chẽ của nhà nước, và hiểu biết pháp luật cùng quyền hạn của người dân. Có thế, mới có thể ngăn ngừa được những Vedan khác.
Bởi bản chất của nhà tư bản là lợi nhuận, nên Vedan không phải là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất, cũng không phải doanh nghiệp cuối cùng dám qua mặt tất cả những quy định mang tính luật pháp của nước sở tại.
Cũng không cứ anh nước ngoài, nhiều anh doanh nghiệp trong nước, vì lợi ích riêng mình, cũng sẽ sẵn sàng làm ô nhiễm môi trường, chừng nào họ có thể làm ô nhiễm mà không bị bắt quả tang. Và cũng chừng nào mà cán bộ quản lý các cấp, từ dưới lên trên, biết hết đấy nhưng các bác cũng lại biết... im lặng, mà không nói.
Bởi trong thời buổi này, chữ Tín trong kinh doanh là con chữ cao quý nhất, nhưng cũng lại mong manh quá, mong manh không chịu nổi. Mà bên cạnh chữ Tín, còn có chữ Tiền. Cái chữ Tiền đáng yêu lại nặng ngàn cân và cũng quyến rũ quá, quyến rũ đến không chịu nổi...
Vì thế, chữ Tâm càng cần phải được mài giũa, được bồi đắp, bắt đầu từ cán bộ cơ sở, những người gần dân nhất, và cũng rất có thể, dễ xa dân nhất.
Đỉnh bi thương, bất trắc gặp đáy của bất tín, bất nghi
Năm 2010 rồi sẽ qua, nhưng trong lịch sử bão lũ, chắc chắn cơn lũ dữ miền Trung sẽ được nhắc nhớ đến như một cái đỉnh của bi thương và bất trắc mà con người phải đối mặt, phải chịu đựng, trả giá và cuối cùng phải gắng vượt lên.
Bi thương, vì không dưng, bỗng nhiên hơn 100 con người vô tội một đêm tỉnh dậy, thấy 3 bên 4 bề là lũ, lũ và lũ... Để rồi chỉ sơ sểnh một chút họ đã về thế giới bên kia. Bi thương, vì không dưng bỗng nhiên có rất nhiều con người bất đắc dĩ phải thực hành bài học lịch sử- làm người nguyên thủy, sống trong hang đá, ăn thịt con vật đã chết, để tìm sự sống. Sự sống vốn bao dung, mà sự sống sao cũng quá khắc nghiệt.
Bất trắc, chỉ vì chủ quan, phiêu lưu và ngông cuồng, mà Trần Văn Trường, kẻ lái xe coi mạng hành khách "nhẹ ngàn cân" đã bất lực để lũ cuốn trôi chiếc xe xuống sông Lam (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) để lũ cuốn theo 20 con người vô tội. Khi Trường nhận ra sự ngông cuồng của mình thì đã quá muộn. Cái chết tức tưởi của 20 hành khách để lại trong lòng người thân của họ, đồng bào cả nước, nỗi xót thương và sự bất bình căm phẫn. Có lẽ, giờ đến lượt nỗi ân hận ở lương tâm Trường mới là lúc "ngông cuồng".
Trục vớt xe bị nước lũ cuốn trôi. |
Nhưng sự ghê gớm và nghiệt ngã của cơn lũ dữ 2010 còn ở chỗ này: Nó thách thức cao nhất phẩm cách, bổn phận người cán bộ với đồng bào mình. Thử thách cao nhất sự nhân ái, sự tín nghĩa của con người với con người. Trong cuộc thử thách bất ngờ của thiên tai ấy, có những cán bộ thuộc bài, có cán bộ bị điểm liệt (điểm 0). Có những con người lao động mang tấm lòng vàng 10, và ngược lại, có không ít kẻ đại gia mang tấm lòng vàng... mỹ ký.
Cơn lũ dữ vô tình lại như một hình ảnh đối nghịch oái oăm, thử thách cái tầm, cái tâm của Hà Nội, đúng lúc Thủ đô chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ. Khỏi nói, trên mạng Internet, trên các blog cá nhân, sự tranh cãi phân cực về Đại lễ, không xuất phát từ túi tiền của Thủ đô, mà xuất phát từ cảnh ngộ thương tâm của người dân miền Trung.
"Chờ đợi mãi, cuối cùng anh cũng....nói" (ý thơ Hoàng Nhuận Cầm). Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới cho biết Thủ đô quyết định dừng bắn pháo hoa tối 10-10 (trừ 1 điểm tại Mỹ Đình), lấy tiền- 5 tỷ đồng- ủng hộ đồng bào miền Trung. Mọi sự tranh luận của mạng ảo như chùng hẳn xuống, giải tỏa.
Cũng tiếc thay, trong cuộc thử thách của thiên tai, có cán bộ đã bị điểm liệt. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch xã Đức Lạc (Đức Thọ- Hà Tĩnh). Mặc dù ca nô của lực lượng công an đến tận nhà đón ông đi cùng để cứu dân, nhưng ông đã từ chối, với một câu nói hồn nhiên: "Anh thông cảm, mẹ tôi đau nặng, nhà ngập và nước vào sâu, mong anh xem xét". Có thể ông Tuấn là một người con thật sự có hiếu với mẹ. Nhưng lại là người cán bộ "bất hiếu" khi thật sự vô tình với dân. Ông đã bỏ mặc dân trong thời khắc người dân cần đến cán bộ hơn lúc nào hết.
Dù vậy, việc bỏ rơi dân vì lợi ích riêng, như trường hợp cán bộ Tuấn không khiến người dân sốc và ngạc nhiên. Bởi trong đời sống xã hội hiện đại này, hình như có không ít cán bộ đã hành xử như vậy. Ở góc độ nào đó, cán bộ Tuấn còn đáng được ghi điểm thật thà. Bởi có những cán bộ không bỏ dân công khai như ông Tuấn, mà bỏ dân... bí mật, vì lợi ích riêng mình. Thế mới có câu nói trở thành thành ngữ hiện đại: "Nói vậy, mà không phải vậy".
Nhưng vẫn có rất nhiều những người dân, người cán bộ nói vậy, và làm vậy. Họ là cụ bà Trần Thị Quyên đã 81 tuổi, lụm cụm đến tòa soạn một tờ báo để góp 1 triệu đồng- số tiền lương hưu cụ vừa lĩnh. Cụ bảo đọc báo không cầm được nước mắt trước cảnh tang thương của đồng bào nên vừa lĩnh lương hưu xong là bắt xe ôm từ Thủ Đức (TP. HCM) đến ngay.
Có hàng triệu triệu lượt con người, cán bộ, sĩ quan, cựu chiến binh, nhà giáo... trong cả nước có tấm lòng giàu có như cụ Quyên, với mức độ đóng góp khác nhau. Có hàng nghìn doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước có tấm lòng giàu có như cụ Quyên. Đó là những tấm lòng vàng 10, và đồng tiền của họ cũng thấm đẫm mồ hôi lao động. Điều đó, hẳn cũng làm ấm lòng, cũng an ủi được ít nhiều những khổ đau mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu.
Đỉnh điểm của bi thương dẫn đến đỉnh điểm của sự từ thiện. Có điều, cuộc sống không bao giờ hiểu hết chữ Ngờ. "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung" được tổ chức và được Đài truyền hình VN phát trực tiếp tối 11-11, khi vỡ lở sự thật, lại cho thấy cái đáy rỗng của sự bất tín, bất nghì.
Bất tín, bất nghì, vì kết quả đấu giá bán tại chỗ 4 vật phẩm được quảng cáo là cực kỳ quý giá- lên tới 74 tỷ đồng, thực ra chỉ là kết quả ảo. Ban Tổ chức thu được duy nhất ...100 triệu đồng của một công ty TNHH và vài triệu đồng của các cá nhân.
Duy nhất bộ "Tứ linh hội tụ" bằng gỗ lũa hóa thạch có người mua thật. Tuy nhiên thay vì số tiền 47,9 tỷ đồng, phía mua chỉ đồng ý quyên góp số tiền 1 tỷ đồng với lý do lãng xẹt- chủ nhân của vật phẩm trên đã tự ý di chuyển sản phẩm ra khỏi vị trí bán đấu giá. Hay họ cũng đã ngửi thấy cái trò "kẻ cắp", nên lập tức giở mẹo "bà già"?
Bất tín, bất nghì, vì hóa ra, không chỉ có các đại gia đấu giá ảo như một trò đùa độc ác, bất nhẫn, mà ngay cả Ban Tổ chức, sau những điều tra cặn kẽ, cụ thể của báo giới, cũng phơi bầy một sự thật khó tưởng tượng.
Ông Võ Ngọc Hà (SN 1978) - chủ nhân bộ "Tứ linh hội tụ" được đem ra đấu giá tới 47,9 tỷ đồng, (người tự cho mình là nạn nhân của vụ đấu giá ảo) vẽ hươu vẽ vượn khi kể lại hành trình ly kỳ ròng rã suốt 5 năm trời đi tìm bốn tứ linh "long, lân, quy, phụng", vẽ hươu vẽ vượn về duyên trời, lộc trời của bộ tứ linh. "Vì thế món quà này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi cứu giúp những người bất hạnh".
Bộ tứ linh hội tụ. |
Linh đâu không thấy, chỉ thấy sự thật là trò dối gian. Hành trình tìm bảo vật của ông Hà đã bị báo chí lôi ra ánh sáng, rằng đó chỉ là bịa đặt. Ông Hà đã bỏ tiền ra mua bốn "linh vật" với giá 20 triệu đồng, và dàn dựng "đấu giá từ thiện". Kết quả, ông cũng được 47,9 tỷ đồng... ảo! Đúng là cao nhân tất có cao nhân trị.
Sau những tài trợ sữa trẻ em quá đát, quần áo xi líp, xu chiêng rách chỉ có thể làm giẻ lau, là màn từ thiện quái chiêu và thất đức, người dân miền Trung sẽ cảm nhận thế nào về nghĩa đồng bào?
Các bậc tiền nhân, cha ông chúng ta xưa còn nghèo, nhưng luôn biết sống theo đạo lý "lá lành đùm lá rách", "bầu ơi thương lấy bí cùng". Vậy mà nay, có những đại gia giầu có bạc tỷ, mà tấm lòng lại là vàng mỹ ký. Chất lượng lượng cuộc sống cao, mà sao đạo lý lại tụt?
Đỉnh của thứ tha và nhân nghĩa...
Có một câu chuyện của một con người bé nhỏ, diễn ra vào thời khắc những tháng cuối năm, đã khiến con tim của những ai được chứng kiến vô cùng xúc động. Xúc động vì vẻ đẹp những giá trị tinh thần nhân văn ở nơi con người ấy, và vì thế người viết bài này xin chọn để làm cái kết cho mục Phát ngôn và hành động năm 2010.
Đó là ông Vũ Minh Tằng, một chiến sĩ cách mạng bị lao tù tại Phú Quốc, vừa có chuyến vi hành trở lại nơi đây, để gặp lại Bảy Nhu, nguyên thượng sĩ, cai ngục tại nhà tù Phú Quốc năm xưa, một cai ngục được mệnh danh là "Ác Quỷ". Bảy Nhu đã từng đích thân bẻ gẫy cả 9 cái răng của ông Tằng, bắt ông nuốt cả răng và máu, đập vỡ đầu gối và dùng đinh sắt dài hàng chục cen ti met đóng vào đó, bắt ông vê cơm lẫn phân và máu để ăn...
Số phận khốc liệt đã cho họ gặp mặt ở cả 2 thì: Quá khứ và Hiện tại. Quá khứ là người tù cộng sản kiên trung và cai ngục tàn ác. Hiện tại là 2 công dân chung sống dưới một bầu trời. Quá khứ là tuổi trẻ đầy niềm tin vào lý tưởng yêu nước, trực diện với tuổi trẻ cuồng ngông của thân phận tay sai. Hiện tại là cả hai con người tóc đã bạc, da đã mồi, đều đứng ở bên kia dốc cuộc đời để ngẫm nghĩ về lẽ nhân sinh của kiếp người.
Quá khứ, người kia là nỗi kinh hoàng của người này. Hiện tại, người này là nỗi kinh hoàng của người kia. Quá khứ, ngục tù là cuộc sồng đầy ải của người này. Hiện tại, cuộc sống tự do giữa đồng loại mới là sự đầy ải của người kia. Người này, thân thể ốm đau. Người kia, tinh thần đau ốm, chết chưa tới mà sống cũng dở...
Sự gặp lại của 2 số phận khốc liệt ấy, có cây cầu nối là những tấm lòng. Có lẽ, trong sâu xa của những tấm lòng ấy, muốn thấy được sự hòa giải, sự thứ tha, để mỗi người trong cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ của quá khứ, cuối cùng tìm thấy được sự bình yên trong hiện tại, sau rất nhiều những đêm dài mất ngủ. Người này vì những vết thương cơ thể bị tra tấn tàn khốc, và người kia vì những cơn đau hãi sợ với lương tâm.
Đương nhiên, sự hòa giải và thứ tha không thể đến ngay. Vì nỗi căm hận quả thật khó có gì so sánh, nếu ta biết được, những ngày xưa ấy, người chiến sĩ cách mạng Vũ Minh Tằng, đã từng lén bới phân của chính mình, tìm lại được 8 cái răng, và những chiếc răng ấy cùng ông suốt cuộc sống ngục tù, cho đến khi ông được trao trả sau Hiệp định Paris. Những chiếc răng luôn nhắc ông nỗi đau và nỗi hận thấu tim.
Ông Tằng đã rít lên và đã muốn đập chết kẻ tử thù ngay khi gặp lại. Thế nhưng, trực diện với ông giờ đây, bất ngờ, chỉ là sự thảm hại, sự cô độc, sự già nua và yếm thế. Và cái hình ảnh ấn tượng nhất với ông là kẻ tử thù ấy chìa ra cánh tay nhăn nheo, đầy những vết đồi mồi: "Tôi đây, ông đánh bao nhiêu thì cứ đánh". Cái sự bất lực của Bảy Nhu đã khiến ông Tằng trở nên ...bất lực!
Không biết 2 kẻ thù ấy đã nói với nhau những gì? Có lẽ chỉ những con sóng biển xanh và trời xanh Phú Quốc là nghe được. Chỉ biết cuối cùng, thật bất ngờ, ông Vũ Minh Tằng đột ngột rút ví tặng ông Bảy Nhu một ít tiền (phụ cấp bệnh binh): "Tôi có mấy đồng, để bác mua thêm một chén thuốc dưỡng bệnh. Đời tôi với bác bây giờ có sống được cũng chỉ là nhờ thuốc thang mà thôi".
Chỉ biết, sau câu nói ấy, cả 2 người đàn ông, người này 70, người kia 83 tuổi, đều khóc.
Sau tiếng khóc, tâm hồn họ bình yên...Cho dù, người này, là đỉnh trời, và người kia là đáy vực (mượn ý của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
Họ, người này cuối cùng đã thứ tha cho người kia. Tôi bỗng tin, đêm đó, sẽ là đêm bình yên đầu tiên của Bảy Nhu, trong những ngày còn lại của cuộc đời.
Khi tâm hồn con người ta bình yên, ấy là sự góp phần cho xã hội bình yên.
* * *
Năm 2011 đã đến. Cầu mong đó là một năm xã hội bình yên, an lành. Những tổn thương, mất mát niềm tin của con người về những cái Đáy tối tăm, bất tín bất nghì, rồi sẽ kéo da non. Bởi vẫn còn đây, những cái Đỉnh của trí tuệ, của văn hóa Việt, và của lòng nhân nghĩa Việt... rạng ngời và bất biến. Bất biến như câu ca dao của ông cha ta tự ngàn xưa: "Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!"