Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Có phải Trung Quốc muốn dẹp dư luận quá khích trong nước không?

-Có phải Trung Quốc muốn dẹp dư luận quá khích trong nước không?
Dương Danh Dy

Ngày 6 tháng 12 năm 2010, Đới Bỉnh Quốc, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc đã có bài viết dài: “Kiên trì đi con đường phát triển hoà bình”, bài báo đã được Nguyên Hải tổng hợp và được một tờ báo mạng thuộc loại lớn và có uy tín của nước ta đăng tải ngày 13 tháng 12 năm 2010 với nhan đề: “Trung Quốc dẹp dư luận quá khích trong nước” khiến nhiều bạn đọc chú ý tìm đọc. Tôi được đọc bài báo này ở trên mạng khá sớm, thấy có nhiều luận điệu “khôn ngoan” của người chuyên làm đối ngoại lâu năm, nhưng do bản chất đã thấm vào máu nên mặc dù ông ta muốn “giấu đầu” nhưng vẫn cứ bị “hở đuôi”. Tuy vậy khi đọc bài giới thiệu tiếng Việt, và nhất là cái đầu đề “dẹp dư luận quá khích trong nước”, tôi không thể không thốt lên: Thế mà vẫn có kẻ bị ăn “quả lừa”!


Bài viết của Đới Bỉnh Quốc khá dài, tính theo chữ như cách thường làm của người Trung Quốc là 9000 chữ, tức vào khoảng 13 trang tiêu chuẩn của ta, nếu dịch ra tiếng Việt sợ dài tới 15 trang. Bài viết gồm 10 phần:
I Vì sao Trung Quốc đề xuất đi con đường phát triển hoà bình?
II Con đường phát triển hòa bình là con đường dạng nào?
III Hướng đi phát triển và ý đồ chiến lược của Trung Quốc là gì?
IV Nhìn nhận sự phát triển mà Trung Quốc giành được như thế nào?
V Sau khi đã phát triển rồi, liệu Trung Quốc có xưng bá trên thế giới?
VI Xử lý quan hệ với các quốc gia khác như thế nào khi Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh?
VII Trung Quốc vận dụng như thế nào thực lực và ảnh hưởng ngày một tăng?
VIII Con đường phát triển hoà bình và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là quan hệ gì?
IX Đi con đường phát triển hoà bình và thúc đẩy xây dựng thế giới hài hoà là quan hệ gì?
X Con đường phát triển hoà bình Trung Quốc liệu có thể thông suốt không?
Trước khi nêu một vài nhận xét, tôi thấy cần nói rõ là phần giới thiệu của Nguyền Hải chủ yếu chỉ dựa vào phần V của bài viết chứ không phải là toàn bộ bài.
Những trình bày của tác giả về Trung Quốc không mưu cầu bá quyền, không tranh giành bá quyền, cần môi trường quốc tế hoà bình ổn định để phát triển, muốn mãi mãi là bạn bè tốt láng giềng tốt đối tác tốt của các nước Asean và các nước châu Á, không tranh giành bá quyền với Mỹ, v.v. đã được giới thiệu tương đối đầy đủ, tuy vậy tôi thấy cần bổ sung câu kết luận của phần này mà Nguyên Hải chưa đề cập tới: “Tóm lại Trung Quốc là một quốc gia có thiện ý, hành động có trách nhiệm, tôn trọng người khác trên thế giới nhưng không dung thứ người khác bắt nạt… Xã hội quốc tế nên hoan nghênh chứ không nên sợ hãi phát triển hoà bình của Trung Quốc, nên giúp đỡ chứ không nên cản trở, nên ủng hộ chứ không nên kiềm chế, nên lý giải và tôn trọng những lợi ích và sự quan tâm chính đáng và hợp lý của Trung Quốc trong tiến trình phát triển hoà bình.”
Nếu chỉ nghe thoáng qua sẽ thấy đó là những lời hoa mỹ dễ lọt tai. Nhưng thử hỏi những ai, những nước nào trong khu vực dám bắt nạt Trung Quốc, một nước có GDP lớn thứ hai trên thế giới, có lực lượng quân sự hùng hậu, là nước thứ ba trên thế giới tự đưa người của mình vào vũ trụ, có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, đang tung hoành làm ăn từ trong khu vực vươn tới châu Phi, châu Mỹ Latin, và thậm chí cả châu Âu nữa? Hay chính là Trung Quốc đang bắt nạt một số nước vừa và nhỏ? Xin hỏi, ai đang bắt nạt những ai ở Biển Đông khi ngang nhiên cử đoàn tàu Ngư Chính đi tuần tra, bắt bớ, đâm chìm thuyền ngư dân các nước trong khu vực đang làm ăn trên vùng biển của mình mà Trung Quốc tự nhận là của họ? Xin hỏi một vấn đề “nhỏ” nhưng với chúng ta không phải là nhỏ nữa: cái gọi là “đường luỡi bò” mà các vị tự ý vạch trên bản đồ Biển Đông là lợi ích và sự quan tâm chính đáng và hợp lý của các ngài chứ gì? Liệu có ai nghe nổi và chấp nhận cái ranh giới áp đặt ấy của các ngài không, khi mà theo đó, có nước chỉ còn mỗi 12 hải lý chủ quyền biển thôi?
Cũng tại phần V này, ngài Đới Bỉnh Quốc viết: “Xem xét từ lịch sử thấy, Trung Quốc không có văn hoá và truyền thống xưng bá.”
Đọc đến câu này tôi muốn hỏi: Thế “con trời” (thiên tử) là do ai đặt ra? Trung Quốc (nước ở giữa) là nước nào? Tại sao các nước ở bốn xung quanh Trung Quốc lại được gọi là man, di, nhung, địch, và bị tổ tiên của ngài Đới Bỉnh Quốc thể hiện sự coi thường, khinh bỉ bằng cách trên chữ Hán những tên này, nếu không có bộ thú (thú vật) đi kèm thì cũng có bộ trùng (sâu bọ) ở dưới?
Xin hỏi, hơn hai ngàn năm qua đã có bao nhiêu dân tộc thiểu số bị Đại Hán đồng hoá? Bao nhiêu nước có tên gọi, có truyền thống dân tộc trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc đã bị xoá tên trên bản đồ Trung Quốc?
Chẳng lẽ những việc làm “cá lớn nuốt cá bé”, đồng hoá cả một dân tộc – một ví dụ do chính các ngài tự nói, hiện nay cả Trung Quốc chỉ còn chưa tới 100 người nói và viết được tiếng của dân tộc Mãn, dân tộc thiểu số đã vào thống trị Trung Nguyên – là không có văn hoá và truyền thống xưng bá à?
Trên đây là mấy ý kiến trong phần V bài viết của Đới Bỉnh Quốc. Sở dĩ phải nói rõ như vậy vì chỉ có phần này được giới thiệu bằng tiếng Việt mà thôi.
Thế còn toàn văn bài viết? Tôi không dám chủ quan nói rằng mình đã “lĩnh hội” được hết tinh thần bài viết khá dài này của một nhà ngoại giao kỳ cựu của “Trung Quốc vĩ đại”. Tuy nhiên ấn tượng của tôi sau khi đã đọc hai lần bài viết này là nó không thể hiện việc “Trung Quốc dẹp dư luận quá khích trong nước” như ai đó đã viết, mà là một bào chữa “khôn khéo”, một “lừa gạt tinh vi” cho những thất thố khá lớn trong chính sách đối ngoại gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Từ đầu năm 2010 đến nay, trước những thành tựu to lớn về nhiều mặt, sau khi vượt Nhật Bản về tổng giá trị GDP, trong ban lãnh đạo Trung Quốc có ý kiến cho rằng không cần đến những năm 50 của thế kỷ này, mà chỉ cần đến năm 2020 là có thể vượt được GDP của Mỹ. Trên cơ sở tính toán đó chủ trương “giấu mình chờ thời” bị cho là “quyền nghi chi kế”; Trung Quốc không thể im hơi lặng tiếng mãi: đã có rất nhiều “người Trung Quốc không vui” rồi (tên một cuốn sách tràn đầy “tinh thần dân tộc” xuất bản đầu năm 2010). Và đến tháng 3/2010, luận điểm “Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” được ngầm báo cho Steinberg, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ; đến tháng 7 năm 2010 thì được Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai hoá. Đến lúc này, người ta không thể im lặng được nữa. Trung Quốc đã công khai thách thức thiên hạ mà mũi nhọn nhằm vào Mỹ, một số nước lớn khác và nhiều nước trong khu vực.
Thế là không ai bảo ai, người ta buộc phải tăng cường cảnh giác với Trung Quốc và có sự chuẩn bị cần thiết về nhiều mặt. Các nước Asean đã đoàn kết lại càng đoàn kết hơn. Đặc biệt tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước Asean với các đối tác và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Asean mở rộng sau đó, nước Mỹ đã có những tuyên bố rõ ràng về Biển Đông và quyết tâm trở lại khu vực, Mỹ còn một số bước đi mới với một số nước trong Asean.
Thế rồi, trước những việc làm của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc trong quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản, mấy cuộc diễn tập quân sự lớn song phương và đa phương giữa Mỹ, Nhật, Hàn đã dồn dập xảy ra, hàng không mẫu hạm Mỹ sau mấy lần đắn đo đã đi vào Hoàng Hải ngay “trước mũi Trung Quốc mà Trung Quốc đành phải xơi quả đắng” (chữ dùng của mạng Trung Quốc). Người Trung Quốc cảm thấy bị “bao vây bốn bề” (chữ dùng của mạng Trung Quốc).
Thế rồi, người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù ở trong nước được tặng giải thuởng hoà bình Nobel dù bị Trung Quốc không ngừng gây sức ép về mọi mặt.
Trước tình hình đó Trung Quốc buộc phải có sự cân nhắc tính toán lại.
Sau khi để cho một số học giả trong nước lên tiếng giải thích, phân tích lại, cho rằng “Biển Đông chỉ thuộc loại lợi ích quan trọng, chứ không thuộc lợi ích cốt lõi”, sau khi có một vài hành động để tỏ “thiện ý”… của mình, nhưng vẫn không xoa dịu được sự “nghi ngờ, lo ngại” và sự chuẩn bị ngày một tích cực hơn của nhiều nước nhằm đối phó với “những luận điệu hiếu chiến vầ hành động bá quyền” của người tự nhận là láng giềng thân thiện này, Trung Quốc đành phải xuất tướng, đưa chính Đới Bỉnh Quốc, một nhà ngoại giao hàng đầu, đứng trên cả Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, người mà dư luận Mỹ cho biết chính là người đã nói “Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương” với Steinberg hồi nọ, đứng ra bào chữa, thanh minh và tô vẽ cho chính sách đối ngoại của mình.
Ông ta đâu cần dẹp dư luận quá khích trong nước, vì dư luận này được chính những người như ông ta khơi mào.
Tóm lại, cả bài viết của ông dù được che đậy, bằng những lời nói “đẹp như hoa”, nào là phát triển hoà bình, chung tay xây dựng thế giới hài hoà, cùng có lợi, không chạy đua vũ trang, không xưng bá… vẫn để lộ ra cái bản chất bất biến là Trung Quốc quyết trở thành bá quyền, nước lớn trong giai đoạn này bằng những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm mang tính chất lừa gạt sâu nặng hơn.
Xin loài người hãy luôn cảnh giác!
Hà Nội 15/10/2010

D. D. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Trung Quốc dẹp dư luận quá khích trong nước (TVN) Trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc fmprc.gov.cn ngày 6/12 đăng bài “Kiên trì đi con đường phát triển hoà bình” của ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc [1]. Bài này đã gây tiếng vang lớn ở Trung Quốc và trên thế giới.
Bài viết xuất hiện trong bối cảnh nội bộ Trung Quốc có không ít người kể cả cán bộ cấp cao, tướng lĩnh quân đội nêu quan điểm đòi chính phủ nước này phải có thái độ cứng rắn hơn trên các vấn đề quốc tế, nhất là các vấn đề thuộc về "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Bài viết được công bố trên mạng chính thức của Bộ Ngoại giao vào thời điểm nhạy cảm khi tình hình Đông Bắc Á đang ngày một căng thẳng, dư luận quốc tế bàn luận nhiều về các động thái "tự tin quá mức" của Trung Quốc thời gian qua trên các vấn đề Biển Đông, đảo Senkaku/Điếu Ngư, Triều Tiên v.v... khiến nhiều người hoài nghi sự "trỗi dậy hoà bình" của Trung Quốc và tỏ ra e ngại "mối đe dọa" của cường quốc mới nổi lên này.
Mạng Phượng Hoàng đăng bình luận dưới đầu đề Trung Quốc muốn thay Mỹ bá chủ thế giới? - Đới Bỉnh Quốc nói "Đó là chuyện thần thoại".

Bình luận cho biết, bài viết nói trên in trong sách phụ đạo Kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 phát triển kinh tế quốc dân và xã hội, nhằm giải đáp vấn đề Trung Quốc sau khi phát triển rồi liệu có tranh giành bá chủ thế giới hay không.
Đới Bỉnh Quốc viết: Lịch sử Trung Quốc không có văn hoá và truyền thống bành trướng xưng bá mà chỉ có truyền thống văn hoá chính trị lấy "Nhân [nhân ái]", "Hòa [ôn hòa,  hòa giải, hòa thuận, hòa bình]" làm cốt lõi, tôn thờ "Hòa vi quý [hòa là quý]", "Thân nhân thiện lân [thân thiện hữu hảo với các quốc gia ở gần]", "Hiệp hòa vạn bang [tất cả các nước sống hòa hợp với nhau]". Giờ đây, trong thời đại toàn cầu hóa, công cuộc chấn hưng một quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện bằng phương thức cạnh tranh và hợp tác quốc tế bình đẳng, trật tự, cùng có lợi, chứ không cần và không thể lại đi con đường cũ thách thức trật tự quốc tế hoặc thách thức các nước khác.
Bài học hưng thịnh và suy thoái của một số nước lớn trên thế giới cho chúng ta thấy: không thể đi con đường bành trướng, con đường chạy đua vũ trang; xưng bá thế giới là con đường chết, phát triển hoà bình mới là con đường duy nhất đúng.
Trung Quốc càng phát triển lại càng cần tăng cường hợp tác với các nước, càng cần môi trường quốc tế hoà bình ổn định. Thể nghiệm lớn nhất, sâu sắc nhất của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại 30 năm cải cách mở cửa là cùng thắng, cùng có lợi, cùng phát triển. Đây cũng là một pháp bảo lớn khiến chúng ta thành công. Chúng ta phải nắm chắc, tuyệt đối không bỏ mất pháp bảo này.
Trước sau chúng ta kiên trì 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, tôn trọng quyền tự chủ lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, tuyệt đối không làm chuyện xưng vương xưng bá, cũng không tìm kiếm sự chủ đạo thế giới.
Về chính trị, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, không xuất khẩu chế độ xã hội và mô hình phát triển. Về kinh tế, chúng ta phải một lòng mưu cầu sự phát triển. Về quân sự, chúng ta không chạy đua vũ trang, không thể và không muốn chi tiêu nhiều tiền cho quân sự.
Bài báo viết: tự chúng ta không mưu cầu bá quyền, cũng không tranh giành bá quyền tại khu vực này, mà theo đuổi chính sách ngoại giao muốn các nước láng giềng hòa thuận, yên ổn, giàu có, muốn mãi mãi làm bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt của ASEAN và các nước châu Á.
Chúng ta mong muốn mọi hành động tại châu Á của các nước liên quan không nhằm mục đích đề phòng, ngăn chặn và tổn hại Trung Quốc.
Nếu coi sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội và biết nắm lấy cơ hội đó thì sẽ được hưởng lợi. Nếu lúc nào cũng nghi ngờ ý đồ chiến lược khu vực và chiến lược quốc tế của Trung Quốc, ra sức móc máy, gây rắc rối thì sẽ mất cơ hội tốt hợp tác với Trung Quốc. Mưu mô kéo bè kéo cánh đối phó, ngăn chặn Trung Quốc, cách làm gây chia rẽ các nước trong vùng, và tập trận ở vùng biển gần Trung Quốc là điển hình của tư duy chiến tranh lạnh, đã không hợp thời lại không ngăn cản nổi sự phát triển của Trung Quốc, càng mất cơ hội lịch sử hợp tác với Trung Quốc; cách làm ấy chắc chắn không được.
Tờ Nam Hoa Tảo Báo (Hong Kong) bình luận: Bài viết dài 9000 chữ của Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc là để cho người Mỹ đọc, đồng thời cũng để an ủi vỗ về các nước láng giềng đang lo ngại. Ông viết: "Còn nói về chuyện Trung Quốc muốn thay Mỹ bá chủ thế giới, thì đó là chuyện thần thoại. Ý đồ chiến lược của Trung Quốc không phức tạp, khó hiểu như suy nghĩ của một số người, (họ nghĩ rằng) dường như chúng ta đang giấu giếm mục đích và dã tâm mờ ám." Chiến lược của Trung Quốc có thể tóm trong 4 chữ "phát triển hoà bình".
Chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hoằng nói: Bài viết của Đới Bỉnh Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn uốn nắn các "bình luận không thích đáng" của một số quan chức cấp cao (Trung Quốc) về vấn đề quan hệ Trung Quốc-Mỹ và vấn đề tập trận tại Đông Hải [tức biển bao bọc đại lục Trung Quốc] và Nam Hải [Việt Nam gọi là biển Đông].
Ông Thời nói: "Bắc Kinh hiểu rằng hoạt động quân sự của chúng ta tại biển Đông và biển Nam đã làm cho các nước láng giềng Đông Nam Á lo ngại "mối đe dọa từ Trung Quốc". Chúng ta phát hiện, thái độ mập mờ của chúng ta đối với việc Triều Tiên pháo kích Hàn Quốc làm cho Mỹ và Nhật không vui; tình hình hiện nay đã bắt đầu xấu đi, trở thành đối kháng quân sự. Bắc Kinh không muốn nhìn thấy kết quả như vậy, nhưng chính sách nhà nước chúng ta là kiên trì giọng điệu mềm mỏng, không can thiệp việc của nước khác."
Ông Thời nói, Đới Bỉnh Quốc bác bỏ sự suy đoán của những người cho rằng thái độ tự tin thái quá của Bắc Kinh chứng tỏ Trung Quốc đã từ bỏ nguyên tắc ngoại giao "Giấu mình chờ thời" [2] của Đặng Tiểu Bình; và khẳng định Trung Quốc tiếp tục tuân theo nguyên tắc này.
Ông Kim Sán Vinh chuyên gia quan hệ Trung Quốc-Mỹ ở Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, bài viết của Đới Bỉnh Quốc nhằm dập tắt cuộc tranh luận trong nước về vấn đề Trung Quốc có nên tiếp tục tuân theo đường lối nguyên tắc "phát triển một cách hoà bình" hay không. "Đới Bỉnh Quốc muốn lợi dụng cuộc thảo luận về Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 đang diễn ra hiện nay để nói với mọi người rằng chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì nguyên tắc đó, cho dù sau này có xảy ra chuyện gì." -  ông Kim nói.
Tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Hong Kong) bình luận: Đới Bỉnh Quốc đã giải thích lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là gì: thứ nhất là chế độ nhà nước, chế độ chính trị quốc gia và sự ổn định chính trị, - đó là đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ xã hội chủ nghĩa, con đường chủ nghía xã hội đặc sắc Trung Quốc; thứ hai là an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia của Trung Quốc; thứ ba là các bảo đảm cơ bản cho sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội Trung Quốc.
---------------------
Ghi chú của người dịch:
[1] Ông Đới Bỉnh Quốc (Dai Bing-guo) là Ủy viên Quốc vụ (UVQV) phụ trách ngoại giao, kiêm hai chức vụ quan trọng là Chủ nhiệm Văn phòng Tổ lãnh đạo công tác đối ngoại và Chủ nhiệm Văn phòng Tổ lãnh đạo công tác an ninh quốc gia trung ương. Chức vụ UVQV cao hơn bộ trưởng, chỉ dưới Phó Thủ tướng. Trung Quốc hiện có 5 UVQV, 4 Phó Thủ tướng.
[2] Nguyên văn: Thao quang dưỡng hối.
Nguồn:
1. 坚持走和平发展道路    戴秉国  2010-12-6
http://www.fmprc.gov.cn
2. 戴秉国阐述中国战略意图引热议  http://www.ckxx.info 2010-12-9

Tổng số lượt xem trang