Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: HÒA BÌNH &TẾT

(không nhớ gì những ngày hòa bình đầu tiên, đọc những trang nhật ký của bác Vương Trí Nhàn có cảm giác lạ lẫm. 

Sao có một cái gì như riêng của người mình: thản nhiên, vô tâm, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Không tin rằng hoà bình đến sớm như vậy. Chỉ nghĩ đến một sự thoát nạn.

ttngbt cũng có đọc một truyện, lâu lắm rồi nên không còn nhớ nữa chỉ nhớ một chi tiết 2 vợ chồng cùng là thương binh, cuộc sống của họ bình dị, dường như họ sống âm thầm ít trao đổi, chỉ cần nhìn nhau cũng hiểu.
Một hôm được phân nhà, anh chồng phấn khởi về báo tin có nhà mà chị vợ dửng dưng không mừng cũng chẳng ham. Anh chồng cảm giác hụt hẫng và khó hiểu, dù sao cũng là tiêu chuẩn là một cái chân của anh và một cánh tay của chị đã mất đi và họ được một căn nhà sau bao năm sống lụp xụp. Ấy thế mà đến hôm anh chồng chính thức cầm chìa khóa căn nhà về thì chị vợ bỗng chốc khác hẳn. Vui mừng, chị đòi chuyển đồ ngay trong đêm đó để về căn nhà mới.
Hóa ra, cái gì chưa nắm trong tay chị không tin và dường như không tin vào một món quà nào cả. Cuộc sống khó khăn làm chị chai sạn và không dám mong chờ tới một sự xa xỉ nào đó....
Hồi đó, còn bé nên câu chuyện làm ttngbt suy nghĩ lắm và mãi mới hiểu được...)

-HÒA BÌNH &TẾT VƯƠNG-TRÍ-NHÀN 
      HÀ NỘI THÁNG GIÊNG THÁNG HAI 73
                                                                             
ảnh của Đoàn Công Tính,
 chụp từ 1973.
     Hòa bình 30-4-75 có nghĩa một chiến thắng. Một cảm giác hòa bình hơi khác đã đến với những ngày đầu 1973, sau vụ Mỹ ném bom Khâm Thiên và hiệp nghị Paris. Sổ tay tôi có ghi lại ít cảm tưởng mà thế hệ tôi thể nghiệm vào những ngày ít người nhớ đó. Mong được bạn đọc chia sẻ.

     15/1
       Chờ đợi hòa bình. Trong những ngày căng thẳng này, tôi cảm thấy lý trí như là bất lực: không thể nào hiểu được các sự kiện, và cắt nghĩa nó đến cùng.
      Hình như hòa bình đang được người ta nâng nâng trên tay, đánh giá: ờ, thế này thì vừa. Được, được...
     - Có tiến bộ bất ngờ trong cuộc hội đàm.
     - Hai bên đã bàn luận một cách nghiêm chỉnh (Mỹ cũng cho là nghiêm chỉnh)
     Và  cũng vào ngày thứ hai, một buổi trưa thứ hai, người ta xì xào: Ngừng bắn toàn miền Bắc.
     Hòa bình là gì vậy? Hòa bình là một điều tối thiểu cho sự phát triển cuộc sống. Hòa bình là ánh sáng ban ngày bình dị. Nó quay trở lại rồi đây.
     Nhưng mà không hiểu sao, tôi lại bắt đầu buồn ngay được. Tôi dự cảm rằng những ngày sắp tới, người ta sẽ buồn. Nguyễn Minh Châu: Tương lai vẫn là vô định. Quá khứ không được đánh giá một cách rõ ràng thì lấy đâu mà tính được tương lai.
     24/1
     Tôi  đón nghe tin hoà bình vào một buổi tối, tối 23/1. Tôi say say như bước vào một đêm giao thừa. Tôi chịu không nổi, phải đi ra đường phố.
     Hoà  bình rồi, các ông các bà ơi. Tôi muốn kêu lên như vậy, nhưng lại nghĩ mình thuộc loại người điên mất nên thôi.
     Tôi muốn ra cầu Long Biên. Đèn sáng. Giờ này, cầu Long Biên vẫn hoạt động, ga vẫn hoạt động. Người ta đang khôi phục, tết này sẽ có 5 ngả đường sắt thông đường. Đêm yên tĩnh. Một vài cái xe kéo  đi. Nguyễn Khải: Sao mà xe chạy nháo nhác vậy!
     Buổi trưa hôm sau, gần trưa, tôi nghe tin ở vườn hoa Hàng Đậu.
         Lâu nay đường đã là của xe đạp và người đi bộ. Riêng phố tôi là phố của xe bò, trên  đường loét nhoét màu thẫm thẫm của phân mới. Mỗi lần gió quẩn, còn thoảng qua cái mùi khó chịu.
     Nhiều người đang đi xe đạp dừng lại. Có người dừng lại giữa đường. Trong khi đó, những chiếc xe bò  cứ chầm chậm mà đi. Người chủ của nó  còn mải nghe chuyện gì đó.
     Đài báo tin văn bản được ký tắt. Những người chiến thắng là những người quanh tôi, những người này ư ? Một bà mẹ già nhăn nheo nét mặt. Những em bé nhếch nhác. Và một cô gái đứng bên hiệu ảnh, cả dáng điệu lẫn nét mặt toát ra vẻ vô can với mọi điều.
     Một chiếc xe bò đi ngang phố Quan Thánh, trên xe, một tảng gỗ lớn, như tảng đá -- một thứ gốc cây. Hoà bình như một tảng gỗ vậy chăng? Chúng ta mất bao nhiêu công chuyên chở nó từ đâu về, và nó nằm ườn ra như thế: nó mới là một khả năng, nó còn cần phải xẻ ra thành những tấm gỗ to nhỏ…Rồi nó phải sắp xếp lại thành cái tủ cái giường khung cửa. Nó đã là một cái gì đấy, mà lại chưa phải là một cái gì cả. Và chắc là chúng ta còn phải vất vả với nó.
     Tôi lên tàu điện. Mấy người công nhân nói chuyện với nhau theo cái kiểu “bốc phét” của người dân thường Hà Nội. Nó bảo - chữ ký của hai bên bằng cả nền kinh tế Nga Xô. Rồi nó sang Hà Nội xem. Hà Nội có lúc sẽ là đầy Mỹ. Phòng họp hôm ấy thế nọ thế kia... Cái vui vẻ quá đáng của một người lâu mới được vui. Của một người chiến thắng cơ mà !
     Mấy bà cụ đã bắt đầu thương những gia đình chết -- Tiếc quá, cuối tháng trước như thế. Giá sống yên một tháng nữa thì hoà bình.
     Đó cũng là cái chất Việt Nam, như chúng ta nói!
     Mấy  ông kỹ thuật ở nhà máy điện í ới gọi một người bạn:  Từ nay thôi, không phải đi 100 cây số nữa chứ.
     Một  ông già đứng ra đường, gọi một người quen:
     - Này hoà bình rồi.
     Mấy người công nhân sửa chữa đường đi qua.
     - Thế hả bác, hoà bình rồi hả bác. Thế  là chúng cháu khỏi phải đi lấp hố bom.
     Sao có một cái gì như riêng của người mình: thản nhiên, vô tâm, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Không tin rằng hoà bình đến sớm như vậy. Chỉ nghĩ đến một sự thoát nạn.
     28/1
      Ngày hoà bình đầu tiên. Người ta đón hoà bình trên mảnh đất thân yêu với người ta. Tôi đón hoà  bình với Hà Nội -- mảnh đất mà tôi đã có những gắn bó suốt những năm qua.
      Cờ đỏ trên cây xanh Hà Nội. Cờ đỏ trên những giàn giáo đã dựng.
       “Hoà bình đã được lập lại trên hai miền. Chiến tranh đã chấm dứt hoàn toàn.”  Đó là  một điều lâu nay ta đã nghĩ tới. Nhưng nghe vẫn tưởng như trong mơ. Tưởng như những năm 60 còn kéo dài đến 2 năm đầu của những năm 70. Và bây giờ chúng ta mới bước vào một kỷ nguyên mới.
        Hà Nội trầm tĩnh, Hà Nội hớn hở ra mặt. Em bé ngồi trên gác ba ga xe của mẹ run run. Những nhân viên bưu điện đi giữa hai hàng người, phát báo.
     Hôm nay, đài của chúng ta hát nhiều lần một bài ca về đất nước. Mỗi dịp như thế này, chúng ta lại nghĩ đến đất nước. Có một cảm xúc là lạ sượng sùng, như là đất nước than thương thế mà nay chúng ta mới biết. Đất nước là những cảm xúc cũ nhất, cũng là những cảm xúc mới nhất.
          Tôi trở lại bờ đê sông Hồng. Cờ đỏ trên phố nứa. Buổi sáng, người qua cầu phao đông. Người ta đi đón con. Có những người muốn phá hết những hầm ở ven sông, không muốn để những cái hầm này có mặt thêm một ngày nào nữa.
      Với tôi sông Hồng là con sông của lịch sử. Lúc cần nhớ đến lịch sử, tôi luôn luôn nghĩ đến sông. Sao con sông lại có thể trở nên gần gũi như vậy.
     Hà  Nội với những vấn đề hiện đại luôn luôn tựa lưng vào lịch sử.
     Trở  lại phố phường. Những người công nhân Cục công trình vệ sinh công cộng dọn một vườn hoa cạnh Nhà  hát thành phố nơi hôm qua bùn đất nhoe nhoét, than xỉ bẩn thỉu.
     Những mầm chuối đầu tiên đã mọc lên, trên mảnh đất Khâm Thiên. Màu cờ đỏ lồng lộng trên đường phố như chỉ có trong những ngày lễ  lớn. Tôi ước ao lúc này, có mặt ở mọi nơi.
      Giữa ban ngày, phố xá Hà Nội đông người như chưa bao giờ vậy.
      Trên một lều nhỏ ven sông, những người già ngồi trầm ngâm. Những thanh niên đứng trên những nóc nhà cao nhất của những nhà gác Bờ Hồ. Có phải tất cả những người kia đều đang nghĩ tới Hà Nội.
     Không phải là hoà bình đã gắn với hạnh phúc. Nhưng quả thật, với nhiều người, hoà bình đã là  một thứ hạnh phúc. Hà Nội hôm nay thật nhiều quần áo mới.
     Hoà  bình, tôi thấy như được sống lại. Tối 28-1, đi xem biểu diễn. Những nền nếp nghệ thuật cũ  hiện ra vụng dại. Những nền nếp ấy nó là dấu hiệu của một cuộc sống khác. Cả người biểu diễn lẫn người xem đều hơi loạc choạc. Nhưng rồi lại quen ngay được.

     Tiếp tục ra các khu xa trung tâm. An Dương, màu đỏ lá  cờ nổi lên trên màu đỏ của gạch ngói bị  vỡ. Và tôi hiểu ý nghĩa của màu đỏ mà chúng ta thường thấy. Em trai tôi kể: Qua Yên Viên, không còn nhận ra gì cả, chỉ thấy cờ đỏ. Cờ đỏ ở trên cây. Cờ đỏ ở một ít nhà còn sót lại.
     Một người đàn ông phá hầm.
     - Bác phá cho tan luôn?
     - Ăn chắc rồi, hoà bình ăn chắc rồi, tội gì mà chẳng phá.
     Trong khi người bố lật những mảnh xi măng từ chiếc hầm bị phá, em bé ngồi cạnh đấy cũng lật lại mảnh hầm vỡ như nghịch một con ngựa ở các vườn hoa.
      Bắt đầu thấy một chữ mới thường xuất hiện nơi đầu miệng: mặt bằng. Hà Nội sẽ phải dọn tới  40 ngàn mét vuông mặt bằng.
     31/1
      Những chiếc xe bò đổ đất đánh lên vỉa hè  Hồ Gươm, sắp hàng dài. Và thế là tùng bê, đất đổ, gạch đổ, cái hầm cá nhân kia đầy lên. Ở khu vực Láng Hạ, những người con gái  đi ra lấp hố bom, bằng những cái cuốc, cái xẻng nhỏ như cánh tay của họ.
     Ở Đường sắt, nghe tin hoà bình, tàu hoả kéo còi một lúc lâu, người hai bên đường cứ dạt ra.
    
     3/2
     Đêm 30. Trên chuyến tàu đêm giao thừa Nhâm Tý.
       Người từ Hà Nội đi, lúc đầu tưởng độ 100, sau 700-800, 1000. Toàn là cán bộ nhà nước, với quá nhiều xe đạp.
     Sau những đớn đau tê dại, tưởng như cuộc sống đã mất những thiêng liêng. Nhưng trong những ngày giờ  như lúc này vẫn là những náo nức hy vọng.
      Chiều nay là buổi chiều tất niên. Tết mà lại nắng, mọi thứ nhếch nhác cứ trơ ra trong nắng. Bụi bẩn. Xe đạp phóng ẩu. Những người đàn bà lo sinh kế. Mấy cô gái mới lớn thích diện nhưng nghèo. Những đứa trẻ hau háu đợi người đến bơm xe đạp. Trong khi đó thì người ta vẫn ra vẻ vui vẻ. Thỉnh thoảng lại một tiếng pháo nổ giống như một viên đạn lạc.
     Đêm nay, tôi sống giữa những người không quen biết, bởi chỉ có một chỗ giống họ là xa nhà. Nhưng cái chính là một không khí khác. Tôi được sống trên một cái gì đang đi. Giữa đêm đen, tôi sống biệt lập trong một vùng ánh sáng xa lạ. Đến Nam Định thì giao thừa. Lòng tôi mơ theo lửa đỏ -- pháo hoa Hà Nội.  Trong khi đó thì ở đây chỉ có những quả pháo nổ lẹt đẹt.
     Ở một làng nào, lửa đỏ như vệt B52 trong đêm. Hay ai đó vui quá cho bắn  pháo ? Người ta nói chuyện gì lúc giao thừa, lúc vui?
     Trên cái toa xe phần lớn bộ đội này, người ta lại nói chuyện chiến thắng. Chiến thắng lúc này chỉ có nghĩa là hòa bình.
     Ninh Bình - thành phố của núi đá và những công trình của con người, ngay trên một miền đất phẳng.
     Núi rất nhọn, sông rất xanh, và cỏ rất cằn, đất rất rộng, đó là Ninh Bình. Những đoạn đường bụi đỏ hai bờ cây lá. Nông trường Đồng Giao nhà chỉ còn tường nhiều đoạn đường mòn đi qua nền nhà.
     Phần lớn hành khách là bộ đội.
     Ngoài kia, Hà Nội hay Nam Định, chắc phố xá chen chúc khác thường. Còn như ở đây, buổi sáng mùng một im lìm. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe com măng ca hoặc một chiếc xe đạp.
     Những người lớn đâu cả, chắc đang chè chén, bàn việc với nhau trong nhà. Chỉ có đám trẻ con chạy ra đường. Trẻ con từng đám, đứng chen chúc  đầu ngã tư đường. Hàng chục đứa, cùng chỉ một màu áo xanh trứng sáo. Chúng nó không hết ngạc nhiên trước những đoàn tàu đi qua. Chúng nó băm bổ chạy dọc con đường sắt:
     - Chúng mày được nghỉ học mấy ngày?
     - Được nghỉ đến mùng 3 thôi
     - Giá kể đến mùng 4, mùng 5 thì thích.
     ...
     - Lớn lên chúng mày đi bộ đội nhớ
     - Vâng. Vâng... Thích lắm.
     Hàm Rồng. Lại những khung cảnh chiến tranh. Một địa thế rộng. Lèn đá vệt bom đã cũ, lẽ ra, con đường bò ra, đường đầy bụi. Những chiếc xe tải vập vạp, lúc lẫn vào đoạn đường bụi đỏ, lúc lẫn vào đoạn đường bụi trắng.
     Buổi sáng, đoàn xe tải chở phà bật đèn đi.
     Càng sáng, càng nhiều xe.
ảnh của Đoàn Công Tính, chụp từ 1973.
     Chỉ  có những đoàn xe là đông, là làm sống lại khung cảnh khu vực nhà máy điện cũ nát. Hố  bom, cái thì cỏ lên xanh, cái thì còn đỏ miệng. Dáng người đi, lẫn vào trong đường xá trời  đất. Mấy người đàn bà đi cắt cỏ. Cỏ dại. Người cũng như là một giống cây dại. Ở thành phố, người nhiều, người lúc nhúc.  Nhìn đâu, người ta cũng thấy dấu vết của con người, những vạt cỏ, những ánh đèn, bóng nhà cao. Ở những quãng sông nước này, thiên nhiên khắc nghiệt, và hoang vu quá. Hoang vu đến mức những mái nhà bị bỏ quên cũng trở nên ngất nghểu.
     Có  lẽ vấn đề trung tâm mà tôi nghĩ trong những ngày tới - bộ mặt của một đất nước sau chiến tranh. Những di luỵ của chiến tranh trong đời sống trong tâm lý.
     Hoà  bình có một nghĩa chung với tất cả mọi người. Nhưng với mỗi người, hoà bình lại có một nghĩa khác.
     Đối với Khu Bốn, hoà bình có nghĩa là một cuộc sống trở lại trên mặt đất.
     Những cụm ga những đoạn cầu, nó như là nơi  đối mặt của hai bên chiến tranh. Những gì tàn phá chưa chịu lẩn đi mà còn chềnh ềnh đó, nên những gì sinh sống phải gạt ra mà đi lên.
     Ngổn ngang, không bao giờ mặt đất hết ngổn ngang . Nhưng một cái gì chủ yếu nhất  -- sức hoạt động -- thì đang tự nó làm nên ấn tượng một sự thay đổi. Sự tình là cái sống phải lấn cái chết từng bước một. Phải gạt cái tàn phá sang một bên để mà đi. Phải rót sinh lực vào, từ đó, những khu vực này sẽ đẩy cái chết đi. 
                                                                                                VTN
     Gửi kèm hai ảnh của Đoàn Công Tính, chụp từ 1973.
     Xin dùng để minh họa cho bài.

Tổng số lượt xem trang