-Yêu nhau là cùng chung nhìn về một hướng
Tôi đang viếng thăm thành phố Austin là thủ phủ của tiểu bang Texas. Trời mùa đông ngập nắng hanh vàng, với cơn gió mạnh khiến làm tăng thêm độ lạnh xuống như tới khỏang 5 độ C vào buổi chiều lúc 3 – 4 giờ. Sau mấy ngày bận rộn tại Houston với Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt nam năm 2010 vào đúng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 trong tuần lễ vừa qua, lúc này tôi cảm thấy hết sức thỏai mái, dễ chịu với cảnh êm đềm tĩnh lặng nơi cộng đồng nhỏ bé của bà con người Việt tại thành phố Austin, mà tôi đã từng lui tới nhiều lần trong mấy năm gần đây.
Công chuyện chính yếu của tôi ở thành phố này là để thăm mấy bà con thân thiết, điển hình như gia đình cháu Hòang Thiên Lương & Nga là con của bà chị ruột của tôi. Rồi đến gia đình các cô chú Nguyễn Thanh Định & Yến, Hòang Bá Thông & Hồng, các cô là con của bà dì Vũ Ngọc Cẩn vừa mất vào đầu năm 2010. Chỉ còn ông cụ Cẩn là dượng của tôi, mà nay đã 91 tuổi và đau bệnh khá nặng. Và tôi cũng thăm hỏi cả gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Nga & Hiếu là cộng sự viên sát cánh với tôi trong chương trình phát triển cộng đồng tại các quận 6,7 và 8 Saigon hồi trước năm 1975.
Và riêng lần này, qua anh bạn Nguyễn Bá Tùng trong Mạng Lưới Nhân Quyền, tôi lại được thêm quen biết thân thương với gia đình anh chị Nguyễn Văn Khôn ở đối diện với nhà anh Trần Văn Trụ anh ruột của chị Hiền là cháu dâu của tôi ở Houston, mà lại cũng gần kề với nhà chú Thông nữa. Vì thế mà sự đi lại thăm viếng bà con của tôi tại Austin đã trở thành rất dễ dàng, thuận tiện cho tôi dịp này trong có vài ngày ngắn ngủi ở đây.
Trong các cuộc vãng gia (home visit) tôi vẫn thực hiện trong các tiểu bang Hoa kỳ, nơi các gia đình bà con bạn hữu người Việt cũng như người Mỹ, tôi thường hay trao đổi thông tin về tình hình gia đình liên hệ, và thảo luận về những vấn đề của xã hội mà bản thân mình hay quan tâm đến. Lần này ở Austin, ngòai việc thăm hỏi bình thường với các thân nhân, tôi lại hay đề cập đến chuyện làm sao củng cố lại được cái nền móng của gia đình trước những nguy cơ làm băng họai đến truyền thống đạo đức lễ giáo cố hữu của dân tộc. Đó là lý do khiến cho tôi phải ghi lại một vài suy nghĩ nhằm trao đổi với bạn đọc qua những dòng chữ này.
Bài viết có nhan đề “Yêu nhau là cùng chung nhìn về một hướng”, đó là tôi phỏng theo cái lối phát biểu của nhà văn Antoine de St Exupery nổi danh của Pháp, nguyên văn như sau : “Aimer, ce n’est pas regarder l’un l’autre, mais c’est regarder ensemble dans une même direction” (Yêu nhau không phải là chuyện người này ngắm nhìn người kia, mà là cùng ngắm nhìn chung về một hướng). Đây là một lối định nghĩa về tình yêu mà tôi rất tâm đắc và luôn ấp ủ trong suy nghĩ của mình, ngay từ cái thời còn là một sinh viên theo học tại đại học Luật khoa Saigon, lúc ở vào tuổi đôi mươi đày thơ mộng, cách nay đã trên nửa thế kỷ.
Cụ thể như trong tình yêu của hai vợ chồng, thì cái phương hướng, cái mẫu số chung đó chính là tương lai của lũ con là sản phẩm của tình yêu thương gắn bó, kết hợp nồng thắm của hai người. Với thời gian thì nhan sắc của người phụ nữ có thể tàn phai sa sút đi, nhưng vì cả hai người lại luôn chung sức với nhau để chăm lo tận tình cho các con của mình, thì cái tình nghĩa vợ chồng lại có cơ mỗi ngày một thêm keo sơn bền vững. Trong một gia tộc cũng vậy, nghĩa vụ của một người con trai khi lập gia thất là “ phải nối dõi tông đường”, và người con gái khi về nhà chồng thì “phải gánh vác giang sơn nhà chồng”. Tức là cả hai vợ chồng đều phải thuận thảo hợp tác với nhau, để cùng chăm lo giữ gìn và xây dựng vun đắp cho cái “gia nghiệp do ông cha để lại” (patrimony). Và chính cái sứ mệnh cao cả chung của đôi bạn như vậy sẽ luôn ràng buộc hai người trong suốt cuộc sống lứa đôi trên dương thế này. Nhờ có sự hy sinh cố gắng chung sức xây đắp cho tương lai như vậy, mà từ xa xưa trong các gia đình truyền thống ở nước ta, thì dễ có được sự êm thắm hài hòa hạnh phúc. Rồi cũng từ đó mà xã hội luôn được bền vững ổn định.
I – Những nguy hại cho sự bền vững của gia đình và xã hội.
Ngày nay, với sự tiến bộ về nhiều mặt khắp nơi trên thế giới, dân tộc chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, với sinh họat trong xã hội mỗi ngày một mở rộng ra cả về phương diện vật chất địa lý, cũng như về mặt khoa học kỹ thuật, về nhận thức của địa vị người công dân trong cơ cấu tổ chức của quốc gia, cũng như về phương diện văn hóa tinh thần và tâm linh. Nhưng tình trạng xã hội thay đổi quá nhanh chóng mạnh mẽ này, nhất là nơi những gia đình người Việt sinh sống tại các nước văn minh Âu Mỹ, thì cũng có cái mặt trái của nó : Đó là con cái khi trưởng thành thì dọn ra ở riêng, có khi phải sống cách biệt rất xa nhà của cha mẹ, đến nỗi gia đình ít khi có dịp quây quần xum họp với nhau. Và các thành viên trong thân tộc cũng phân ly tứ tán, bà con họ mạc đâm ra xa lạ với nhau, và nhất là thế hệ con cháu của họ lại không còn có dịp để mà gặp gỡ, nhận ra nhau là họ hàng thân thích, cùng phát xuất từ một cội nguồn tổ tiên chung với nhau. Lâu dần rồi đâm ra cái cảnh “ Xa mặt cách lòng”, làm phai lạt đi cái tình cảm thân thương gắn bó của gia tộc, mất hết cả tình liên đới huynh đệ của những người cùng một dòng họ, mà người xưa vẫn trân quý đề cao, như được phát biểu trong câu tục ngữ quen thuộc : “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Đó là chưa kể đến ảnh hưởng tai hại của cái chủ trương “hận thù giai cấp” cực kỳ tàn bạo, độc ác do người cộng sản phát động trên khắp cả nước từ hơn nửa thế kỷ nay, nhằm thực hiện ‘một cuộc cách mạng long trời lở đất” qua các đợt “đấu tố cải cách ruộng đất”, rồi qua đến “phong trào hợp tác hóa nông nghiệp “ v.v…Hậu quả của chiến dịch do cán bộ cộng sản phát động này là : Trong các gia đình ở miền quê đã xảy ra nhiều sự đổ vỡ về luân thường đạo lý, vợ đi tố cáo chồng, con cái phản bội cha mẹ, anh chị em ruột thịt không còn nhìn mặt lẫn nhau, bạn bè cũng cắt đứt mọi liên hệ bằng hữu thân thiết với nhau…
Cái mối hận thù chồng chất này đã hằn sâu trong nếp sống ở nông thôn, làm băng họai đến tận gốc cái truyền thống đạo đức nhân nghĩa trong nội bộ của nhiều gia tộc, và biến con người thành lọai dối trá phản phúc ngay đối với bà con máu mủ ruột thịt của mình, cũng như đối với láng giềng kề cận vốn từng gắn bó thân thương với nhau nơi chòm xóm. Kết cục là xã hội đã mất hẳn đi cái tình keo sơn gắn bó, thuận hòa nơi các cộng đồng thôn xóm thuở xưa (social cohesion).
Cũng phải nói thêm về hậu quả bi thảm khắc nghiệt khác nữa, do cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài trên 30 năm giữa hai miền Nam Bắc, cũng như do ở chính sách độc tài tòan trị sắt máu, bất nhân thất đức của đảng cộng sản đã gây ra cho tòan thể đất nước và dân tộc kể từ năm 1975, khi họ chiếm được tòan bộ lãnh thổ miền Nam.
Nói chung, thì trong hơn 60 năm qua, người cộng sản đã và còn đang gây ra một vết thương tổn nặng nề đã hằn sâu trong lòng dân tộc Việt nam chúng ta. Tai hại điển hình nhất là họ đã phá hủy tòan bộ cái nền đạo đức luân thường và cái kho tàng tình cảm yêu thương cao quý vốn là cơ sở tinh thần do cha ông chúng ta đã vun đắp từ bao nhiêu đời, và truyền lại cho thế hệ chúng ta ngày nay. Điều này đã quá hiển nhiên rõ ràng, mà cũng được bao nhiêu thức giả đã nêu ra rồi, nên tôi thiết nghĩ không cần ghi ra những chi tiết tiêu cực như thế ở đây nữa. Tôi chỉ muốn lưu ý bạn đọc về nhu cầu cấp bách trong việc phục hồi chấn chỉnh lại cái cơ đồ đất nước đã bị làm cho tan nát thảm thương, cả về phương diên cá nhân mỗi con người, cũng như trong các gia tộc, và nhất là trong tòan thể cộng đồng xã hội như thế đó mà thôi.
II – Yêu thương Dân tộc bằng những Hành động cụ thể thiết thực
Nói chung, thì ai ai cũng đều yêu thương dân tộc và quê hương đất nước của mình cả. Vấn đề là làm sao mà diễn tả ra được cái tình cảm yêu mến đó một cách cụ thể và hữu hiệu đối với dân, đối với nước. Đây là một chuyện cũng đơn giản dễ dàng thôi, nếu chúng ta thật tâm muốn đóng góp vào công cuộc xây dựng lại đất nước, phục hồi lại cái truyền thống nhân bản và nhân ái đã có sẵn từ thời xưa của cha ông mình.
Trong bài này, tôi chỉ xin ghi ra một vài gợi ý vắn tắt theo mấy điểm
chính yếu như sau:
1 / Thứ nhất: Đầu tiên là bắt đầu từ cơ sở của mỗi gia đình. Chúng ta cần phải tăng cường nền giáo dục cho thế hệ con cháu ngay trong phạm vi của mỗi gia đình, mỗi gia tộc. Việc này, ta không thể phó mặc cho chánh quyền nhà nước làm thay thế cho ta được. Mà đó là trách nhiệm chính yếu của từng đơn vị gia đình, với sự trợ giúp đắc lực của Xã hội Dân sự, trong đó phải kể đến các hiệp hội đòan thể, các nhóm phát xuất từ các tổ chức tôn giáo.
Đúng như dân gian ta thường hay nói: “ Phúc đức tại mẫu”, tức là xác nhận vai trò quan trọng của người mẹ đối với sự thành đạt của con cái. Và tục ngữ lại còn có câu : “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà “, tức là việc con cháu hư hỏng, thì đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của người mẹ, người bà vốn thường hay quá nuông chiều các cháu nhỏ, mà sao lãng việc uốn nắn dậy bảo dẫn dắt các cháu. Chứ không phải đơn thuần là do ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội xung quanh mà gây ra sự hư hỏng của đứa nhỏ.
2 / Thứ hai: Các tổ chức văn hóa xã hội tự nguyện là thuộc khu vực Xã hội Dân sự, chứ không phải là một thứ cơ sở của chính quyền, hay của một đảng phái chính trị nào. Do đó mà họ phải kiên quyết dành lại quyền chủ động của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội từ hạ tầng cơ sở, chứ không thể thụ động để mặc cho đảng cộng sản “một mình một chợ, mà bao biện làm hết mọi chuyện trong xã hội”, như họ vẫn mãi mãi lũng đọan, tự tung tự tác từ bấy lâu nay được.
Trong một chế độ dân chủ đích thực, thì mỗi người công dân phải hành xử đúng cương vị của một vị “chủ nhân ông của đất nước”, chứ không thể hèn nhát sợ sệt đến nỗi phải thóai thác trách nhiệm, không dám ra tay hành động vì lợi ích của chính mình và của những người thân thương của mình.
3 / Thứ ba: Như dân gian thường nói: “Quan nhất thời, Dân vạn đại”, chế độ chính trị nào dù có chuyên chế độc đóan đến mấy đi nữa, thì cũng phải đến lúc lụi tàn, sụp đổ mà thôi. Vì thế, những người tranh đấu cho Dân chủ, Tự do và Phẩm giá của Dân tộc, thì cần phải có niềm tin vững chắc về tương lai tươi sáng của Đất nước chúng ta rồi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ lọai bỏ dứt khóat được cái chế độ cộng sản ác nhân ác đức hiện nay, y hệt như các dân tộc tại Đông Âu, cũng như tại chính nước Nga đã thực hiện được từ hai chục năm qua. Để mà có thể bước qua tới giai đọan phục hồi và tái thiết lại quê hương đất nước, trong cái tinh thần hiếu hòa và nhân ái truyền thống mà cha ông chúng ta đã để lại.
Những người tự nhận mình là biết “Yêu Nước Thương Nòi”, thì phải cùng chung với nhau mà nhìn về một phương hướng duy nhất, đó là tương lai hạnh phúc của tòan thể đồng bào thân thương của mình. Để mà biết nhẫn nhục, hy sinh chịu đựng và bao dung tha thứ lẫn cho nhau, trong khi cùng nhau sát cánh phục vụ cho quyền lợi tối thượng của đại khối dân tộc, của hết thảy mọi người chúng ta vậy.
Austin Texas, vào tiết Đông chí năm Canh Dần 2010
© Đòan Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
-
Ta chịu trách nhiệm về bản thân ta VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
Người ta sẽ tìm thấy nghị lực lớn lao khi sống với cả lịch sử và cả thế giới… cái điều tưởng như quá to tát ấy thật ra lại quá thiết thực, nên cũng là điều ta cần tự nhủ.
Ngày Đại hội sinh viên toàn quốc kết thúc (17.2.2009) cả trong các báo cáo chính thức lẫn trong những lời bàn bạc trao đổi bên ngoài, tôi đọc được một khía cạnh mới trong ứng xử của xã hội với giới trẻ.
Từ nay, họ không còn bị coi như một lớp người ngây thơ trong sáng quen sống với lời khen và làm theo những cái mẫu có sẵn. Trong chừng mực có thể, họ được giới thiệu bức tranh chân thực về đời sống đất nước cũng như chỉ ra những non kém của chính họ.
Thái độ tôn trọng đó chính là tiền đề cần thiết để một lời yêu cầu mới được phát ra. Lớp trẻ phải tập quen với vai trò chủ nhân và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tương lai của chính mình cũng như của xã hội. Tôi ngờ rằng trong tâm tư sâu kín của người thanh niên biết suy nghĩ, những định hướng này là những gợi ý tích cực. Tuy nhiên, đây chỉ là với một số ít. Còn nếu nhìn ra cả đám đông, thì vấn đề lại rất phức tạp.
Từ những hành động của nhiều người trẻ hiện nay, tôi đọc ra những lý lẽ phản bác:
- sở dĩ chúng tôi đến nông nỗi như thế này là tại người lớn quá hư hỏng!
- chúng tôi có được dạy bảo tử tế đâu mà đòi chúng tôi tử tế!
- muốn tốt phải có điều kiện … Chúng tôi làm gì có cái đồ xa xỉ đó?
Những lời than vãn oán trách này có cái lý của nó. Nhưng tôi cho rằng không thể dùng để biện hộ cho những buông trôi bừa bãi thậm chí những phá phách thác loạn. Nếu tự mình làm hỏng mình thì chính là chúng ta trở thành vật hy sinh của những mưu đồ xấu.
Bởi tin rằng không phải người ta dễ dàng làm theo những điều tự mình coi là đúng, tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ. Là đừng nên nghĩ rằng thế hệ trẻ hiện nay khổ nhất. Hãy tự đặt mình vào địa vị của một người trẻ ở Bắc Triều Tiên, ở Iraq, ở Afghanistan, ở nhiều nước châu Phi... để thấy có phải thế giới này đã tốt đẹp hết đâu.
Hoặc lùi lại trong thời gian, nếu sống lại kỹ lưỡng với các thế hệ trẻ Việt Nam thời trước các bạn sẽ thấy thời nào thanh niên cũng có những vấn đề tương tự. Và bài học cuối cùng vẫn là nghiêm túc đòi hỏi mình, chọn con đường khó mà đi, vượt lên chính mình.
Kiến thức chân chính sẽ là chỗ dựa thiết yếu cho mọi sự phấn đấu. Miễn là chúng ta chịu học. Người ta sẽ tìm thấy nghị lực lớn lao khi sống với cả lịch sử và cả thế giới… cái điều tưởng như quá to tát ấy thật ra lại quá thiết thực, nên cũng là điều ta cần tự nhủ.
Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu đựng được nữa
- Câu này là của Pavel Korsaghin, nhân vật chính trong Thép đã tôi thế đấy, tôi thường nhớ lại mỗi khi gặp những tình cảnh gần như tuyệt vọng.
Còn dưới đây là mẩu đối thoại giữa hai nhân vật trẻ trong một tiểu thuyết của nhà văn Tiệp Jan Otchenásek, cũng với cái ý tương tự:
- Tôi chỉ sợ bây giờ không sửa chữa được gì nữa. Tất cả thế gian là một sự lừa dối, sự tàn nhẫn và máu, tính ngẫu nhiên độc ác và cái chết chẳng để làm gì cả. Tôi sợ hãi cả thế giới, tôi không tin ở nó, không tin ở những cái tôi sẽ tới sau này, tôi không muốn nhình thấy tất cả những cái đó.
- Không, cô bé ơi, không có thế giới nào khác cả, cần phải sống ngay trong thế giới này, do đó cần phải tác động vào nó để thay đổi nó. Chưa bao giờ và cũng chẳng bao giờ nó hoàn thiện. Có thể là nó vô nghĩa, nhưng chúng ta cần phải mang lại cho nó một ý nghĩa. Chính vì như thế chúng ta cần sống và không có cách nào khác, chúng ta cần chết.
Tôi đã ghi được đoạn văn này từ thời còn trai trẻ và cứ tưởng nó chỉ cần cho người ta trong những năm chiến tranh cay đắng. Hóa ra, hôm nay, vẫn thấy nó đúng. Chép ra đây không biết có bạn đọc nào cùng chia sẻ, chỉ biết với chính tôi nó vẫn đang có sức thuyết phục, tôi thường đọc lại để tự nhủ mình mỗi khi gặp những chuyện ngang trái.
Theo Những chấn thương tâm lý hiện đại (2009 ))