Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD) 3-MỘT THẾ GIỚI PHI TÂY PHƯƠNG?

-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
MỘT THẾ GIỚI PHI TÂY PHƯƠNG? Kỳ 1
Như mọi người đã biết, vào năm 1492, Christopher Columbus dong thuyền trên một chuyến viễn du tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng điều ít được ai biết đến là tám mươi bảy năm trước đó có một người Trung Quốc tên Trịnh Hoà đã bắt đầu chuyến đầu tiên trong bảy cuộc viễn du có tham vọng tương tự. Những con tàu của họ Trịnh to hơn và được đóng tốt hơn của Columbus, Vasco da Gama, hay của bất cứ người đi biển vĩ đại nào vào thế kỷ mười lăm và mười sáu. Trong chuyền đầu tiên của ông vào năm 1405, Trịnh Hoà đã mang 317 con tàu cùng 28 ngàn người, so sánh với 4 con tàu cùng 150 thủy thủ của Columbus. Những con tàu lớn nhất trong đội thương thuyền là các "con tàu kho báu" đều có bề dài hơn bốn trăm bộ - bốn lần dài hơn chiều dài con tàu chỉ huy Santa Maria của Columbus - và có đến chín cột buồm. Mỗi một con tàu tốn kém nhiều gỗ đến mức phải đốn bỏ ba trăm mẫu rừng để chỉ đóng đủ được một chiếc. Ba chiếc được thiết kế để chở ngựa, thực phẩm, dự trữ, nước và dĩ nhiên cả quân lính. Con tàu nhỏ nhất trong đội thuyền của họ Trịnh, một chiếc tàu chiến năm cột buồm, có khả năng vận dụng rất cao, vẫn còn lớn gấp đôi chiếc tàu chiến huyền thoại của Tây Ban Nha.

Những con tàu của Trung Hoa đã được đóng bằng gỗ đặc biệt, lắp ráp phức tạp, có kỹ thuật ngăn chống nước rất tinh vi và có những boong tàu điều chỉnh được. Loại tàu kho báu có các cabin sang trọng, rộng lớn, cánh buồm bằng lụa và những đại sảnh có cửa sổ. Tất cả được đóng tại xưởng đóng tàu trên cạn ở thành phố Nam Kinh, trong một xưởng đóng tàu lớn nhất và tiến bộ nhất thế giới. Trong 3 năm sau 1405, 1681 con tàu đã từng được chế tạo và bảo trì ở Nam Kinh. Không một thứ gì có thể so sánh được gần như thế ở Âu châu vào lúc ấy (1).

Kích cỡ to lớn thật quan trọng. Những con tàu vĩ đại này cố ý muốn tạo nên sự "rúng động" và "kinh hoàng" cho những người dân trong các khu vực chung quanh, để khẳng định sức mạnh và tầm vươn tới rõ ràng của nhà Minh. Trong bảy chuyến hải hành của ông giữa 1405 và 1433, họ Trịnh đã du hành ngang dọc nhiều lần trên vùng biển Ấn Ðộ Dương và chung quanh khu vực Đông Nam Á châu. Ông đã ban tặng phẩm cho những người địa phương và tiếp nhận cống lễ. Khi phải đối đầu với sự kình chống, ông không ngần ngại xử dụng đến sức mạnh quân đội. Trong một chuyến hải hành, ông đã bắt mang về một người Sumatran cướp biển; vào một chuyến khác, một thủ lãnh phiến loạn từ Ceylon. Ông từng đem về nhiều hoa đẹp, trái cây, đá quý và những thú vật hiếm như hươu cao cổ và ngựa vằn cho sở thú của hoàng gia từ những chuyến hải hành.

Nhưng câu chuyện của họ Trịnh kết thúc một cách lạ lùng. Vào những năm 1430, một vị hoàng đế mới lên ngôi. Vị vua mới này đã thình lình chấm dứt những chuyến viễn du lớn và xoay lưng lại với nền giao thương cùng các cuộc thám hiểm. Một số quan chức đã cố gắng duy trì để truyền thống được tiếp tục, nhưng không một ai thực hiện được. Vào năm 1500, tòa án đề ra sắc lệnh rằng bất cứ ai đóng tàu nhiều hơn hai cột buồm (một loại kích cỡ cần đến để đi xa trên biển) sẽ bị xử tử. Năm 1525, đi ra biển bằng một chiếc thuyền nhiều cột buồm dù với bất cứ mục đích gì là một tội hình sự. Khi triều đại nhà Thanh lên ngôi năm 1644, họ vẫn duy trì chính sách căn bản này, nhưng họ đã không tôn trọng sắc lệnh cũ cho lắm: thay vào đó, họ đã đơn giản đốt cháy một con tàu khả năng chạy được 700 hải lý của vùng biển phía nam Trung Hoa, khiến con tàu này hóa thành vô dụng. Những biện pháp này đã có được các hậu quả mong muốn: kỹ nghệ tàu thuyền của Trung Hoa xụp đổ. Trong nhiều thập niên sau chuyến hải du cuối cùng của họ Trịnh, hàng chục nhà thám hiểm Âu châu đã du hành qua các vùng biển chung quanh Ấn Ðộ và Trung Hoa. Nhưng đã phải mất đến ba trăm năm để một con tàu biển Trung Hoa đến được Âu châu - trong chuyến thăm viếng cuộc Triển lãm Vĩ đại hồi năm 1851.

Điều gì giải thích được cho sự thay đổi rõ rệt này? Thành phần ưu tú Trung Hoa đã bị chia rẽ qua lối tiếp cận với bên ngoài của đất nước, và các nhà lãnh đạo mới ở Bắc Kinh xem các chuyến viễn du như những sự thất bại. Những chuyến viễn du ấy quá tốn kém, khiến phải tăng thuế trên một dân số đã quá nặng nề mà lại mang về không được bao nhiêu. Giao thương có nẩy nở từ kết quả của những tiếp xúc này, nhưng hầu hết chỉ làm lợi cho quân cướp biển và giới buôn bán. Thêm vào đó, vào giữa thế kỷ mười lăm, Mông Cổ và những thành phần kỵ binh khác đang đe dọa biên cương của Vương triều, khiến phải tập trung giải quyết và tốn kém nhiều nguồn lực. Viễn du trên biển thật chẳng khác gì một sự tiêu khiển tốn kém.

Đấy là một quyết định tai họa. Ngay khi Trung Hoa đã chọn thế quay mặt đi với thế giới bên ngoài, Âu châu đã đang thám hiểm ra bên ngoài, và chính nhờ những chuyến viễn du hàng hải của Âu châu đã khiến họ tự tăng thêm được năng lực, bành trướng thế lực và ảnh hưởng của mình ra toàn cầu. Nếu Trung Hoa đã vẫn giữ cho các con thuyền của mình trên biển thì tiến trình lịch sử hiện đại đã có khác đi hay không? Chắc là không. Quyết định hướng nội của Trung Hoa không phải chỉ là một mệnh lệnh chiến lược dở. Đó chính là diễn tả cho sự mụ mẫm, đình trệ của nền văn minh. Đàng sau quyết định kết thúc các chuyến hải hành là một loạt những nguyên nhân phức tạp vì sao Trung Hoa và hầu hết thế giới Không-Tây phương bị chậm trễ sau các nước Tây phương hàng nhiều thế kỷ. Vì sự chậm trễ mà họ đã gây ra, hàng trăm năm sau thế kỷ mười lăm, trong khi Âu châu và Hoa Kỳ đã kỹ nghệ hóa, thành thị hóa và hiện đại hóa, cả phần còn lại của thế giới vẫn còn phải ở trong nông nghiệp và nghèo khổ.

Nếu muốn hiểu "cuộc vươn dậy của thành phần còn lại" nghĩa là gì, chúng ta phải hiểu chỉ riêng việc thành phần còn lại này đã ngủ trong bao lâu. Hóa ra là thành phần trí thức và cơ cấu thống trị của phương Tây thì không phải mới mà cũng không phải là một hiện tượng phù du chóng tàn. Chúng ta từng sống trong thế giới Tây phương qua hơn một nửa thiên niên kỷ. Bất chấp sự nổi dậy của các quốc gia và các lục địa khác, những ảnh hưởng của Tây phương sẽ là lâu dài và di sản của nó sẽ còn sâu sắc trong vào thập niên tới hay hơn nữa.

Nói rằng Trung Hoa và Ấn Ðộ thực đã giàu có như phương Tây mãi cho đến những năm 1800 là một điều sáo rỗng. Theo lối nhìn này, thống trị của phương Tây chỉ là đốm nhỏ 200 năm, và hiện nay chúng ta đang trở lại với một sự cân bằng hơn. Phán đoán này cũng ngụ ý rằng những lợi thế của phương Tây chắc có lẽ phần lớn là do sự tình cờ- kết quả của “các thuộc địa và mỏ than đá” (2), nghĩa là, chỉ nhờ kết quả khám phá ra nguồn năng lượng rẻ và sự thống trị những vùng đất màu mỡ của Á châu, Phi châu và châu Mỹ. Quan điểm này, vốn bao chứa sự nhạy cảm đa văn hóa khiến đã chối bỏ bất cứ thực trạng nào của phương Tây có những lợi thế của nó. Nhưng mặc dù điều này đúng về chính trị, nó lại không hề đúng về mặt lịch sử.

Có một nguyên nhân cho sự phiên giải nhầm lẫn này là từ các phân tích thường chú trọng phần lớn vào kích thước kinh tế của cả Trung Quốc và Ấn Ðộ. Căn cứ vào lịch sử, đây là một sự kiểm định có tính lừa dối. Mãi cho đến thời kỳ hiện đại, nền kinh tế của một quốc gia đã không thể được huy động, định dạng, hay là mang vào sử dụng trong bất cứ ý nghĩa nào. Chẳng hạn như một sự thực của thế kỷ mười bảy, hàng triệu người nông thôn trong những vùng xa, hẻo lánh của Trung Quốc làm việc cật lực trong nghèo đói đã chẳng giúp đóng góp gì vào sức mạnh hay sự giàu có của đất nước, dẫu cho tất cả sản lượng của họ góp lại có là một con số lớn lao đi nữa. Dân số là yếu tố chính của GDP còn sản xuất thì đa phần là nông nghiệp. Vì Trung Quốc và Ấn Ðộ có dân số lớn gấp bốn lần hơn dân số Tây Âu vào năm 1600 do đó GDP của họ tất nhiên là phải lớn hơn. Ngay cả vào năm 1913, khi Anh Quốc là một quyền lực hàng đầu thế giới với công nghệ cao cấp, năng lượng kỹ nghệ và giao thương lớn mạnh nhiều lần hơn tất cả các nước Á châu, Trung Quốc cũng đã có thể khẳng định một tổng sản lượng GDP lớn hơn.

Khi nghiên cứu về thời kỳ tiền kỹ nghệ, trước những yếu tố như chính phủ lớn mạnh, truyền thông thông tin, giao thông vận chuyển và các chính sách thuế quan rộng rãi, riêng toàn bộ GDP gộp lại cũng có thể cho chúng ta biết một ít điều về quyền lực quốc gia hay mức tiến bộ của quốc gia ấy. Nhưng con số này không cho ta biết được gì về tính chất năng động của xã hội hay các khả năng tạo nên các sáng kiến, khám phá mới. Và thật là một bí ẩn trong những lãnh vực này khiến đã cho một đất nước những phương cách để tạo nên thịnh vượng và sức mạnh cho chính phủ của họ.

Chúng ta sẽ có được một bức tranh rõ ràng hơn nhiều về vị trí đúng của một quốc gia nếu chúng ta xem xét đến sự phát triển kinh tế và GDP cá nhân. Từ năm 1500, GDP cá nhân của các nước Tây Âu đã cao hơn của các nước Ấn Ðộ và Trung Quốc, đến năm 1600 đã cao hẳn đến 50 phần trăm hơn Trung Quốc. Từ đó, khoảng cách cứ lớn dần. Giữa năm 1350 và 1950 - sáu trăm năm - GDP cá nhân hầu như không thay đổi ở Trung Quốc và Ấn Ðộ (lơ lửng ở khoảng $600 ở Trung Quốc, $550 ở Ấn Ðộ). Trong cùng thời kỳ ấy, GDP cá nhân ở Tây Âu đã đi từ $662 đến $4594, nghĩa là tăng 594 phần trăm.

Các du khách Tây Âu trong thế kỷ mười bảy thường cho thấy rằng đời sống ở Trung Quốc và Ấn Ðộ rất thấp so với các nước Bắc Âu. Nhà kinh tế học Gregory Clark đã tính rằng vào thế kỷ mười tám tiền lương trung bình của một người lao động ở Amsterdam có thể mua được 21 cân lúa mì, ở London được 16 cân, ở Paris mua được 10 cân. Ở Trung Hoa, có thể mua được 6.6 cân (hoặc tương đương). Clarks cũng xem xét các chứng liệu để tính đến sự khác biệt trong số lượng các vụ đói kém, cũng đã cho thấy cùng một kết quả. Nói vắn tắt, phương Tây đã từng thịnh vượng hơn phương Đông từ rất lâu trước thế kỷ mười tám.

Thế nhưng, không phải lúc nào cũng như thế. Đối với những thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai, phương Đông đã đi trước phương Tây trong tất cả các phương diện. Khi Âu châu chìm trong chiều dày của thời Trung cổ, cả hai vùng Trung Ðông và Á châu thịnh vượng, với những truyền thống sinh động của các học thuật, sáng tạo và giao thương. Vùng Trung Ðông là tuyến đầu của nền văn minh, bảo tồn và xây dựng trên kiến thức Hy Lạp, La Mã và mang lại được những công trình khai lộ trong nhiều lãnh vực khác nhau như toán học, vật lý học, y học, văn học và tâm lý học. Dĩ nhiên, chữ số Ả Rập đã được sáng tạo ở đó, cũng như khái niệm về số zero. Từ “đại số học” (algebra) có nguồn từ một tựa sách, Al-Jabr-wa-al-Muqabilah của một học giả người Ả Rập tên là Al-Khwarizmi. Về quân sự, người Ottoman là những kẻ ghen tỵ với đối thủ của họ và đã tiếp tục bành trướng đế quốc của họ, đánh phá các nước phía Tây vùng trung Á và Âu châu cho đến tận thế kỷ mười bảy, trong những thời kỳ mạnh nhất của họ, đã kiêu hãnh về năng lực khoa học, thiên tài nghệ thuật và kiến trúc rực rỡ của mình. Ngay cả từ đầu thế kỷ mười sáu, dưới thời vua Krishnadevaraya, thành phố phía nam Ấn Ðộ của Vijayanagar đã được nhiều du khách ngoại quốc mô tả là một trong những thành phố vĩ đại nhất thế giới, có thể so sánh ngang với Rome. Một vài thế kỷ trước đó, Trung Hoa có lẽ giàu có hơn và thông thái về kỹ thuật hơn bất cứ quốc gia nào, đã từng sử dụng đến các kỹ thuật khác nhau - thuốc súng, loại có thể di chuyển được, trên các yên ngựa – mà phương Tây còn vấp váp trong thế kỷ sau đó. Ngay cả Phi châu cũng có mức thu nhập trung bình cao hơn Âu châu trong giai đoạn này.

Cơn sóng trào bắt đầu xoay chiều vào thế kỷ mười lăm – và đến thế kỷ mười sáu thì Âu châu đã dẫn đầu. Với cuộc cách mạng trong tư duy mang tên thời Phục Hưng, các danh nhân như Copernicus, Vesalius và Galieo đã sản sinh ra nền khoa học hiện đại. Thực thế, một trăm năm giữa năm 1450 và 1550 đã đánh dấu một giai đoạn hết sức đáng lưu ý trong lịch sử nhân loại - giữa một bên là đức tin, giáo lễ và tín điều với một bên là quan sát, chứng nghiệm và các tư tưởng phê phán. Và điều đã xảy ra ở Âu châu này đã đưa nền văn minh ấy đi lên trong nhiều thế kỷ. Vào năm 1593, khi một chiếc thuyền Anh Quốc trang bị tám mươi bảy khẩu súng, vượt qua 3.700 hải lý đến Istanbul, một sử gia Ottoman đã phải gọi đó là “sự kiện phi thường của thời đại tựa như chưa từng bao giờ trông thấy hay từng được ghi lại” (3). Vào thế kỷ mười bảy, hầu như tất cả các loại kỹ thuật, sản phẩm và các tổ chức phức tạp (như quân đội hay các công ty liên doanh) ở các nước Tây Âu đều tiến bộ hơn nhiều so với bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tin rằng các xã hội Á châu, trong bất cứ ý nghĩa quan trọng nào, từng ngang hàng với phương Tây trong những năm 1700 hay 1800 là tin rằng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật từng cách mạng hóa thế giới phương Tây từ ba trăm năm trước không có ảnh hưỏng gì đến tình trạng cụ thể của họ là một sự ngu xuẩn. Tiến bộ khoa học không chỉ là sự chế tạo được các máy móc mới. Tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể thay đổi dự phóng tinh thần của các xã hội phương Tây. Thử quan sát chiếc đồng hồ cơ học, đã được sáng tạo ở Âu châu trong thế kỷ mười ba. Sử gia Daniel Boorstin từng gọi nó là “cha mẹ của các máy móc”. Ông đã nhận xét, “những chiếc đồng hồ đã phá vỡ bức tường ngăn giữa kiến thức, sự tinh xảo và sự khéo léo, và những người chế tạo đồng hồ là những người có ý thức đầu tiên đã áp dụng được các lý thuyết về cơ học và vật lý để tạo nên những bộ máy ấy” (4). Các ảnh hưởng lớn rộng hơn của chiếc đồng hồ còn nhiều hơn cả tính cách mạng của nó. Đồng hồ giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc vào mặt trăng, mặt trời. Khiến con người sắp xếp được ngày, xác định được đêm, tổ chức được công việc, và – có lẽ quan trọng hơn cả - là tính toán được chi phí lao động, từ việc xem xét số lượng giờ giấc trong từng kế hoạch. Trước khi có đồng hồ, thời gian không hề có một giá trị có thể tính toán được.

(Còn tiếp)

Chú thích

1. Các sự thực về các chuyến đi của Trịnh Hoà có nguồn từ nhiều nơi, kể cả từ Gavin Menzies, 1421: The Year
China Discovered America
(New York: Harper Perenial, 2004); David lanes, The Wealth and Poverty of Nations(New York w.w. Norton 1999) và Kuei-Sheng Chang “The Maritime Scene in China at eh Dawn of Great
European Discoveries” Journal of theAmerican Oriental Society 94, số 3 (July –Sept., 1974) tr. 347-59

2. Theo Kenneth Pomeranz, The Great Divergence:China, Europe and the Making of the modern World Economy
(Princeton:Princeton University Press, 2000). Pomeranz khác hẳn với quan điểm cho rằng Trung quốc là một sự
tụt hậu như tôi từng mô tả. Nhưng Angus Maddison, William McNeil và David Landres là những hướng dẫn tốt
hơn về chủ đề này; và Phillip Huang (xem dưới đây) đã bác bỏ Pomeranz trong từng chi tiết.

3. Trích từ Bernard Lewis, “The West and the Middle East”, Foreign Affairs 76, số 1 (Jan/Feb. 1997) tr. 114.

4. Theo Daniel J. Boorstin, The Discoverers (New York:Vintage books, 1985) tr. 64. Công trình của David S.
Landes, đặc biệt trong Revolution in Time:Clocks and the Making of The Modern World (Cambridge: Havard
University Press, 1983) cũng dùng đến sự tiến bộ của chiếc đồng hồ để tương phản các tính cách về sáng kiến và
thay đổi kỹ thuật ở các xã hội Đông và tây phương.

Một Thế Giới Phi Tây Phương (Tiếp theo)Kỳ 2


Vào thế kỷ mười sáu, khi người Bồ Ðào Nha mang những chiếc đồng hồ đến Trung Hoa, những chiếc đồng hồ cơ động của Âu châu tinh xảo hơn những cái đồng hồ thô kệch chế tạo ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, người Trung Hoa, không hề nhìn thấy giá trị gì, họ chỉ xem đấy như những thứ đồ chơi và không hề có ý muốn học hỏi. Sau khi yêu cầu có được một số đồng hồ, họ lại cần người Âu châu hỗ trợ để giúp chế tạo các sáng chế của mình. Tương tự như thế, một trăm năm sau, khi người Bồ Ðào Nha mang những khẩu đại bác đến Bắc Kinh, họ còn phải cung ứng cả những người điều khiển vận hành bắn súng. Trung Hoa có thể tiêu thụ kỹ thuật cao cấp nhưng lại không thể sản xuất được. Đến cuối thế kỷ mười tám, Bắc Kinh không còn muốn nhìn thấy các hàng hóa cao cấp của nước ngoài nữa. Trong một lá thư nổi tiếng trình lên Hoàng đế George đệ Tam, vua Càn Long, người đã cai trị từ năm 1736 đến 1795, chối từ đề nghị giao thương buôn bán của Anh Quốc, đã giải thích rằng "chúng tôi không bao giờ muốn có nhiều cửa hiệu về các thứ lạ lùng tinh xảo, chúng tôi cũng không cần đến bất cứ thứ hàng sản xuất nào từ đất nước quý ngài". Người Trung Hoa đã đóng chặt ý thức của họ đối với thế giới (5).

Không có khoa học kỹ thuật mới, Á Châu trở thành nạn nhân của vấn nạn Malthus cổ điển, các kiến thức năm 1798 nổi tiếng của Thomas Malthus trong An Essay on the Principle of Population, ngày nay đã được nhớ lại vì chủ nghĩa bi quan đầy sai lầm của nó, nhưng thực ra, nhiều suy nghĩ của Malthus thực rất thông minh. Ông đã nhận xét rằng sản xuất thực phẩm ở Anh Quốc tăng trưởng theo một tỉ lệ toán học (1,2,3,4...) nhưng dân số lại tăng theo tỉ lệ địa dư (1,2,4,8,16...). Trừ khi được thay đổi, sự chênh lệch này sẽ bảo đảm rằng đất nước sẽ đói nghèo và chỉ có những tai họa như khan hiếm và bệnh tật mới có thể tăng mức sống lên được (bằng cách làm teo giảm bớt dân số). Tình trạng khó xử của Malthus khá thực tế, nhưng ông đã sai khi không tính đến sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Ông đã không nhận thức được rằng những thúc ép này đã khơi dậy phản ứng của con người ở Âu châu- cuộc cánh mạng nông nghiệp khiến đã phát triển cực kỳ mạnh công cuộc sản xuất thực phẩm. (Đại lục này cũng giảm nhẹ được sức ép của dân số từ việc xuất khẩu hàng chục triệu người đến các thuộc địa khác nhau, hầu hết ở châu Mỹ). Do đó Malthus đã sai lầm về Âu châu. Tuy nhiên, phân tích của ông đã mô tả đúng cho khu vực Á châu và Phi châu.

Sức mạnh lại là nhược điểm

Thế thì, làm sao để có thể hiểu được những chuyến đi kỳ diệu đó của người Trung Hoa? Đoàn thương thuyền đáng kinh ngạc của Trịnh Hòa chỉ là một phần nhỏ của bức tranh rộng lớn về các thành đạt đáng chú ý ở Trung Hoa và Ấn Ðộ - các thành phố, lâu đài, cung điện - chính vào thời điểm mà phương Tây đã vượt xa họ. Đền Taj Mahal đã được xây năm 1631 để vinh danh Mumtaz Mahal, người vợ yêu quí của Hoàng đế Mông Cổ Shah Jahan. Nhà du hành người Anh, William Hodges, là một trong rất nhiều người đã chỉ ra rằng không hề có một đền đài nào tương tự như thế ở Âu châu. “Các vật liệu tinh xảo, hình thể đẹp đẽ và sự cân xứng hài hòa của toàn thề công trình”, ông đã viết “đã vượt quá xa những điều tôi hằng nhìn thấy”. Xây nên một toà Taj Mahal khổng lồ với bao nhiêu tài năng và kỹ xảo, cũng như cho thấy được những ngón nghề đáng kinh ngạc về kỹ thuật. Làm sao một xã hội từng tạo nên được những kỳ quan thế giới như thế lại không tiến xa hơn? Nếu Trung Hoa từng tạo nên được các chuyến hải hành hoành tráng khôn ngoan như thế tại sao họ lại không làm được những cái đồng hồ?

Một phần những câu trả lời đã nằm ngay trong cách xây dựng đền Taj Mahal. Hai mươi ngàn công nhân làm việc ngày đêm trong hai mươi năm. Họ đã dựng lên một cái trục cao mười dặm chỉ để đưa được vật liệu lên căn vòm ở 187 bộ cao. Ngân quỹ là vô tận, do đó họ coi những giờ thi công là không đáng kể. Nếu hỏi đến chi phí, quý vị sẽ không thể kham nổi để xây dựng đền Taj Mahal. Đội thương thuyền nhỏ của Trịnh Hòa đã được xây dựng nên từ một hệ thống mệnh lệnh tương tự như khi xây Cấm thành ở Bắc Kinh. Khởi sự từ năm 1406, Cấm thành này cần đến sức lao động của cả triệu người – và cả triệu người lính khác nữa để canh chừng nhân công. Nếu năng lực và tài nguyên của cả một xã hội lớn đông đảo được điều động vào một số công trình, những công trình này ắt phải thành công – nhưng là những sự thành công có tính cô lập, cách biệt. Liên Xô đã từng kiêu hãnh về chương trình không gian phi thường của họ trong những năm 1970, mặc dù khi ấy, đó là một sự tụt hậu nhất về phương diện kỹ thuật trong tất cả các nước kỹ nghệ.

Nhưng đổ thêm nhiều nhân lực vào một vấn đề không phải là con đường dẫn đến sáng tạo. Sử gia Philip Huang đã thực hiện một so sánh quyến rũ về những nông dân vùng đồng bằng Yangtze (Dương Tử) và những đồng bằng ở Anh Quốc, các vùng màu mỡ nhất của Trung Hoa và Âu châu vào năm 1800 (6). Ông cho thấy rằng, căn cứ vào một số định giá, hai khu vực này có thể như tương tự về mức độ kinh tế. Nhưng thực ra, Anh quốc vượt rất xa hơn Trung Hoa trong các tính toán chính về sự phát triển – năng xuất lao động. Người Trung Hoa có khả năng làm cho đất đai của mình có năng xuất cao hơn, nhưng họ đã làm thế bằng cách tăng thêm lực lao động trong từng mẫu canh tác - điều mà Huang gọi là “sản xuất mà không có phát triển”. Ở đầu bên kia, người Anh, tiếp tục tìm kiếm các phương cách để làm cho lao động trở nên có năng xuất hơn, để mỗi người nông dân sản xuất ra nhiều thời vụ hơn. Họ đã khám phá ra các dụng cụ tiết kiệm sức lao động, dùng đến súc vật và sáng tạo ra máy móc. Thí dụ như, khi chiếc bánh quay đa trục, vốn chỉ cần đến một người có được huấn luyện điều khiển, được phát triển, nó lập tức được áp dụng rộng rãi ở Anh quốc. Trong khi ở Trung Hoa, loại bánh quay đơn trục thấp kém, rẻ hơn vẫn cứ tồn tại, bởi vì loại này có thể được vận hành điều khiển bởi rất nhiều người không cần phải trải qua huấn luyện gì cả. (Bởi vì lao động chẳng có giá trị bao nhiêu, tại sao phải tốn tiền cho những cái máy tiết kiệm lao động?) Cuối cùng là, một nhóm nhỏ người Ăng Lê có thể canh tác một cánh đồng cực lớn. Vào thế kỷ mười tám, diện tích trung bình của một nông trại ở miền nam Anh Quốc là 150 mẫu; trong khi ở khu tam giác Dương Tử, diện tích trung bình chỉ là 1 mẫu.

Những cuộc hành trình hàng hải cũng minh họa nên sự khác nhau giữa các lối tiếp cận giữa phương Tây và phương Đông. Các cuộc hành trình của phương Tây ít đồ sộ nhưng nhiều năng lượng. Thường là hoàn toàn tư nhân hoặc hợp tác quốc doanh và xử dụng các phương cách mới để chi trả cho chi phí chuyến đi. Người Đức đã có những sáng tạo tiên phong trong lãnh vực tài chính và thuế má; giới buôn cá mòi của họ đã biết sử dụng các loại hợp đồng kỳ hạn từ những năm 1580. Những cơ cấu tài chính này đã đánh dấu một tiến bộ quan trọng, bởi vì chúng đã bảo đảm được ngân quỹ cho các chuyến hải hành không ngừng gia tăng. Mỗi chuyến đi như thế nhằm vào chủ đích tạo lợi nhuận, thực hiện các khám phá mới và tìm kiếm sản phẩm mới. Công trình cứ đi trước bằng những thử nghiệm và sai sót, với các chuyến viễn du mới xây dựng trên những chuyến đi trong quá khứ. Trải qua thời gian, một chuỗi liên kết của tính doanh thương, thám hiểm, khoa học và học hỏi đã phát triển.

Ngược lại, ở Trung Hoa, các chuyến đi lệ thuộc vào lợi ích và quyền lực của một lãnh chúa. Khi vị lãnh chúa này ra đi, cuộc hải hành ngừng lại. Có một trường hợp, một vị vua mới đã ra lệnh tiêu hủy cả bản phác họa thương thuyền, do đó khả năng chế tạo con thuyền bị mất đi. Người Trung Hoa đã sử dụng súng đại bác thành thạo từ thế kỷ thứ mười ba. Ba trăm năm sau, họ lại đã không thể vận hành khẩu súng nếu không có một người Tây phương chỉ dẫn. Nhà sử học kinh tế của trường Đại học Havard David Landes đã kết luận rằng Trung Hoa thất bại không “phát sinh được một tiến trình tự lực và liên tục của khoa học và tiến bộ kỹ thuật” (7). Các thành quả của họ cuối cùng trở thành tủn mủn và chóng tàn. Đây là thảm kịch của Á châu: ngay cả khi có kiến thức, họ cũng không có được sự học hỏi.

Phải chăng là Số phận của nền Văn hóa?

Tại sao các nước không-Tây phương cứ đứng yên trong khi Tây phương tiến về phía trước? Những câu hỏi này đã từng được tranh cãi trong nhiều thế kỷ và không hề có được câu trả lời rõ ràng. Các quyền tư hữu tài sản, các định chế cai trị tốt và một xã hội dân sự vững mạnh (nghĩa là, một xã hội không bị khống chế bởi nhà nước) rõ ràng đã là những yếu tố quyết định cho sự phát triển ở Châu Âu, và sau này ở Hoa Kỳ. Ngược lại, Nga Hoàng làm chủ cả một đất nước trên lý thuyết. Ở Trung Hoa, triều đình nhà Minh đã được cai trị bởi những người quan lại khinh thường thương mại. Hầu như ở mọi nơi trong thế giới không-Tây phương, xã hội dân sự luôn yếu kém và lệ thuộc vào chính phủ. Các thương nhân địa phương ở Ấn Ðộ luôn luôn bị các tòa án bắt giữ. Ở Trung Hoa, các thương nhân giàu có sẽ phải từ bỏ doanh nghiệp của mình vì các lời dạy kinh điển của Đức Khổng tử để họ có thể trở nên được triều đình sủng ái.

Người Mông Cổ và Ottoman là thành phần quý tộc và thiện chiến từng coi doanh thương là việc tầm thường, không cao quý (mặc dù vùng Trung Ðông từng có một truyền thống mua bán lâu năm). Ở Ấn Ðộ, thành kiến này còn được củng cố thêm từ vị trí thấp kém của người thương nhân trong chế độ đẳng cấp Ấn giáo. Các sử gia đã coi các lời chú giải đặc thù từ những niềm tin và cách tu tập của Ấn Ðộ giáo như những rào cản cho sự phát triển. Paul Kennedy đã biện giải "Sự nghiêm khắc tuyệt đối của những cấm kỵ trong Ấn Ðộ giáo đã cản trở đến sự hiện đại hóa: không được giết hại động vật, côn trùng do đó đã thiệt hại đến một lượng thức ăn rất lớn; tập tục xã hội về xử lý chất thải và phóng uế đã đưa đến những tình trạng mất vệ sinh thường trực, thành một nơi nuôi dưỡng bệnh dịch hạch; hệ thống đẳng cấp đã bóp nghẹt các sáng kiến, giới hạn các thị trường; và tầm ảnh hưởng đã được sử dụng bởi những nhà cai trị địa phương Ấn Ðộ bởi các giáo sĩ Brahman có nghĩa là chính sách ngu dân đã ảnh hưởng đến các thành phần cao nhất của xã hội" (8). M. Robert cho thấy một quan điểm rộng hơn của thế giới quan Ấn Ðộ giáo, ông nhận xét, đó là "một ảo ảnh của các chu kỳ bất tận về sự sáng tạo và tái thẩm thấu vào sự siêu phàm [khiến đưa đến] tính thụ động và thái độ hoài nghi về giá trị của hành vi thực tiễn" (9).

Nhưng nếu văn hóa là tất cả thì làm sao để giải thích cho tình hình của Trung Quốc và Ấn Ðộ hiện nay? Ngày nay, sự phát triển xuất sắc của họ thường được lý giải bằng những lời ca tụng nền văn hóa đặc sắc của họ. Học thuyết của Khổng tử có thời là không tốt nhưng nay là thuận lợi cho sự phát triển. Đầu óc suy nghĩ kiểu Ấn Ðộ giáo, từng là sự trở ngại, nay lại được thừa nhận như một loại thực hành tu tập trần tục có thể chống đỡ được chủ nghĩa tư bản doanh thương. Thành công của cộng đồng Trung Quốc và Ấn Ðộ có vẻ như lời khẳng định thường nhật cho các lý thuyết ấy.

Cố học giả, nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ, ông Daniel Patrick Moynihan từng nói rằng, "Cốt lõi của sự thật theo quan niệm thủ cựu chính là văn hóa, chứ không phải chính trị quyết định đến sự thành công của một xã hội. Cốt lõi của sự thật theo quan điểm phóng khoáng chính là chính trị có thể thay đổi và cứu được văn hóa”. Lời giải thích này tương đối đúng, văn hóa là trọng yếu, hết sức quan trọng. Nhưng văn hóa có thể thay đổi. Các nền văn hóa thì phức tạp. Ở bất cứ thời điểm nào, có một số đặc tính được nổi bật và có vẻ như không thể thay đổi. Sau đó chính trị và kinh tế vận dụng vào, để những đặc tính ấy lụi tàn trong một tầm quan trọng là tạo nên khoảng trống cho những thứ khác. Thế giới Ả Rập đã từng là trung tâm khoa học và giao thương. Trong vài thập kỷ qua, xuất khẩu chính của họ là dầu hỏa và chủ nghĩa căn cơ Hồi giáo. Bất cứ tranh cãi về văn hóa nào phải có khả năng giải thích được cả hai thời kỳ thất bại và thành công.

Tại sao đầu óc kinh doanh Á châu - hết sức nổi bật hiện nay – đã bị chôn vùi trong bao thế kỷ? Một phần lớn của lời giải thích nằm sâu trong cơ cấu nhà nước của họ. Hầu hết các quốc gia ở châu Á có các loại chính phủ đầy quyền lực thuộc loại ăn cướp và tập trung quyền hành vào trung ương, họ có thể bòn rút thuế má từ nạn nhân của mình mà không phải trả lại gì nhiều. Từ thế kỷ thứ mười lăm đến mười chín, các nhà cai trị ở Á châu giống như rập khuôn với loại bạo chúa Đông phương. Sau khi người Mogul càn quét vào Ấn Ðộ từ phương bắc trong thế kỷ mười lăm, chính sách cai trị tham lam của họ bao gồm việc đòi hỏi lễ cống, thuế má và xây dựng những cung điện, công sự trong khi bỏ mặc hạ tầng cơ sở, giao thông liên lạc, buôn bán và khai phá. (Triều đại của Akbar, từ năm 1556 đến 1605 là một ngoại lệ ngắn hạn). Các vị hoàng thân Ấn Ðộ giáo ở phía nam Ấn Ðộ cũng không khá gì hơn. Các thương nhân phải giữ lãi suất cao để có thể đáp ứng được cho các nhà cai trị. Chẳng một ai có mấy khích lệ để làm giàu bởi vì sớm muộn cũng sẽ bị sung công cả.

Mãi về sau, việc tập trung hóa quyền lực về trung ương mới xảy ra ở Trung Ðông. Khi khu vực này bị cai trị dưới một tính chất hơi lỏng lẻo và tản quyền trong đế chế của Ottoman, giao thương, thương mại và các sáng kiến được nẩy nở. Hàng hóa, tư tưởng và dân chúng từ mọi nơi pha trộn nhau tự do. Nhưng đến thế kỷ hai mươi, nỗ lực muốn tạo nên một nhà nước-quốc gia "hiện đại" và hùng mạnh đã dẫn đến hậu quả của các chế độ độc tài khiến kinh tế chính trị đình trệ. Các tổ chức dân sự bị loại khỏi xã hội. Với các chính quyền mạnh và xã hội yếu kém, thế giới Ả Rập đã rơi tụt sau tất cả các nước còn lại trên thế giới về tất cả các phương diện.

Tại sao hình thức nhà nước kiểu trung ương tập quyền này bị giới hạn và chế ngự ở Âu châu mặc dù lại được đơm bông kết trái ở phần lớn những nước không-Tây phương? Một phần bởi vì hệ thống giáo hội Kitô, vốn là định chế quan trọng đầu tiên đã đối đầu với quyền lực của các vua chúa. Một phần cũng bởi vì thành phần địa chủ ưu tú của Âu châu vốn có căn bản độc lập ở vùng quê đã hành xử như sự kiểm soát đối với sự chuyên chế của hoàng gia. (Magna Carta, "tuyên ngôn nhân quyền" vĩ đại đầu tiên của thế giới Tây phương, thực chất là một bản hiến chương về các đặc quyền của các hầu tước, áp lực lên nhà vua bởi các giới quý tộc). Một phần, và một số người cũng sẽ đồng ý, tất yếu là do yếu tố địa dư.

Âu châu vỡ vụn ra bởi các dòng sông lớn, núi cao và các thung lũng đồ sộ. Địa hình này sản xuất ra nhiều biên giới thiên nhiên và đã khuyến khích nên các cộng đồng chính trị của các kích cỡ khác nhau – Các thành phố tự quản, các đất vương tước, các nước cộng hòa, quốc gia và các đế quốc. Vào năm 1500, Âu châu có hơn năm trăm quốc gia, thành phố tự quản và lãnh địa. Những khác biệt này có nghĩa là luôn có những cạnh tranh của các tư tưởng mới, con người, nghệ thuật, tiền bạc và vũ khí. Người dân bị bạc đãi ở nơi này có thể trốn đến nơi chốn khác để phát đạt lên. Những đất nước thành công được bắt chước. Những nước thất bại tàn lụi đi. Qua thời gian, sự cạnh tranh này giúp cho Âu châu trở nên giỏi hơn cả trong việc làm giàu lẫn trong khả năng chiến tranh (10).

Ngược lại, Á châu bao gồm những đồng bằng rộng bạt ngàn – các thảo nguyên ở Nga, các bình nguyên ở Trung Quốc. Quân đội có thể di chuyển qua những vùng này nhanh chóng với ít ngăn trở. (Người Trung Hoa đã phải xây Vạn lý Trường thành bởi vì họ không thể trông cậy vào rào cản thiên nhiên để bảo vệ lãnh thổ của mình). Đặc tính địa dư này đã giúp duy trì các đế chế trung ương tập quyền rộng lớn, khiến họ có thể nắm vững quyền lực trong nhiều thế kỷ. Chẳng hạn như hãy xem phần lịch sử mà chúng ta đã bất đầu trong chương này với quyết định của nhà Minh nhằm kết thúc các cuộc thám hiểm đường biển của Trịnh Hòa. Có lẽ điều đáng lưu ý nhất về sự ngăn cấm này là nó đã có hiệu quả. Không có vua chúa nào đã từng có đủ quyền lực để áp đặt một chiếu chỉ như thế, và ngay cả nếu như có vị vua chúa nào từng như thế thì người dân và chuyên môn của họ sẽ đơn giản là di chuyển qua một nước láng giềng, một thành phố hay lãnh địa khác. Ở Trung Hoa, hoàng đế có thể xoay ngược được cả thời gian.

Giao thông đường thủy của Âu châu cũng là một sự may mắn. Các dòng sông của Âu châu trôi chảy nhẹ nhàng về những cảng vịnh mà tàu bè có thể đi lại và ẩn nấp được. Sông Rhine là một dòng rộng, chảy chậm khiến có thể sử dụng như một đại lộ chuyên chở con người và hàng hóa. Địa Trung Hải yên tĩnh như một biển hồ với rất nhiều cảng lớn. So sánh tất cả điều này với Phi châu, dù là một đại lục lớn thứ nhì trên thế giới, Phi châu có đường ven biển ngắn ngủi nhất, đa số lại quá nông không xây dựng nên các cảng quan trọng được. Hầu hết các con sông lớn của Phi châu - nước xoáy, chảy xiết, bi thảm – tàu bè không qua lại được. Cộng thêm vào cái nóng của nhiệt đới và thiên hướng bệnh tật hư hỏng thực phẩm, bạn sẽ có được một giải thích hết sức thuyết phục về địa dư cho sự kém phát triển của Phi châu - vốn chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng chính là một nguyên nhân quan trọng nhất.

Nhưng lời giải thích rộng rãi này khiến tựa như các sự thể đã không thể nào xảy ra theo một hướng khác, nhưng thực tế, những yếu tố có tính cấu trúc ấy chỉ cho chúng ta biết những khuynh hướng ảnh hưởng của một xã hội, lợi thế nghiêng về bên nào. Đôi lúc, lợi thế có thể bị đánh bại. Bất chấp sự khác biệt về địa lý, Âu châu đã từng bị thống trị bởi một đế chế vĩ đại, Rome, người thống trị này đã tìm cách tập trung quyền lực về mình –nhưng chỉ thành công hạn hẹp. Vùng Trung Ðông đã tập trung quyền lực rất chặt chẽ như thế dưới một loại đế chế cực lớn. Trung Quốc thịnh vượng trong nhiều thế kỷ bất chấp địa hình phẳng của mình và Ấn Ðộ cũng đã có những giai đoạn nóng bỏng của mình. Lợi điểm của Âu châu, thật rõ ràng khi nhìn lại, thì ít ỏi và có liên quan nhiều đến vũ khí và các kỹ thuật chiến tranh. Tuy nhiên, trải qua thời gian, khi các lợi thế được nhân lên, củng cố lẫn nhau thì châu Âu đã đi lên, đi mãi lên trước các nước còn lại.

(Còn tiếp)



Chú thích
5. Theo David S. Landes, “Why Europes and the West ? Why not china ?” Journal of Economic Perspectives 20, số 2 (Spring 2006), tr. 18.

6. Theo Phillip C.C. Huang “Development or Involution in Eighteenth-Century Britain and China: A Review of Kenneth Pomeranz’s The Great Divergence:China, Europe and the making of the Modern World Economy”. Journal of Asian Studies 61, số 2 (May 2002) tr. 501-38.

7. Theo Landes “Why Europe and The West”

8. Theo Paul Kennedy, The Rise and fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000 (New York random House, 1987) tr. 13.

9. Theo J. M. Roberts, History of The World (Oxford:Oxford University Press 1993)

10. Dòng nguyên nhân này có lẽ quen thuộc với các độc giả của Jared Diamond trong cuốn Guns, Germs, and Steel:
The Fates of Human Societies (New York W.W. Norton 2005), David Landes, The Wealth and Poverty of nations, và Eric Jones, The European Miracle: Environments, Economies, and Geopolitics in the History of Europes and Asia, 3d. ed.
(Cambridge: Canbridge University Press, 2003) cũng đã xem địa dư như một quyết định quan yếu của phát triển xã hội.


Một Thế Giới Phi Tây Phương(Tiếp theo)

Kỳ 3

Những Bổng lộc của Chiến thắng

Sự tiếp xúc với phần còn lại của thế giới đã khuyến khích Âu châu. Công cuộc khám phá ra những đường biển mới, các nền văn minh phong phú và những con người xa lạ đã khuấy động năng lực và trí tưởng tượng của phương Tây. Đi đến đâu người châu Âu cũng tìm được thêm hàng hóa, thị trường và các cơ hội. Vào thế kỷ mười bảy, các quốc gia phương Tây đã tăng cường ảnh hưởng của mình đến tất cả các khu vực và các nền văn hóa mà họ từng tiếp xúc. Không một phần nào của thế giới lại bị bỏ quên, từ những đất đai dọc ngang Atlantic xa mãi đến Phi châu và Á châu. Đến cuối thế kỷ thứ mười tám, ngay cả Úc châu và các đảo nhỏ của vùng biển nam Thái Bình Dương cũng đã được ghi dấu bởi những người Âu châu. Miền Viễn Ðông - Trung Quốc và Nhật Bản - thoạt tiên vẫn còn cách ly khỏi những ảnh hưởng này, nhưng đến giữa thế kỷ mười chín họ cũng trở thành nạn nhân trong bước tiến của người Âu châu. Cuộc vươn dậy của Tây phương đã dẫn đến các bước đầu cho một nền văn minh toàn cầu - một nền văn minh đã được xác định, nhào nặn và thống trị bởi các nước Âu châu phương Tây.

Thoạt tiên, người Âu châu chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm những sản phẩm nào được cần đến ở quê nhà. Điều này đạt được qua con đường giao thương, đôi khi cả bằng cách đi ăn cướp. Họ đã mang về các loại lông thú từ châu Mỹ, các hương liệu từ Á châu, vàng bạc từ Brazil. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các liên hệ của họ trở nên thường trực hơn. Tùy theo khí hậu từng vùng mà các quyền lợi của họ khác nhau. Ở những khu vực ôn hòa, bắt đầu từ nam và bắc Mỹ, người Âu châu đã chiếm làm thuộc địa, tạo nên các xã hội kiểu châu Âu ở những nơi xa xôi. Đó là sự bắt đầu của cái mà họ từng gọi là vùng Tân Thế Giới. Ở những vùng đất khó sinh sống, thường là những vùng nhiệt đới như ở Phi châu và Đông Nam Á, họ đã tạo dựng nên một hệ thống nông nghiệp để canh tác tạo ra mùa màng có thể sử dụng được ở thị trường nội địa. Người Hà Lan đã dựng nên những trang trại bạt ngàn ở Ðông Ấn và người Bồ Ðào Nha cũng đã thiết lập những trang trại như thế ở Brazil. Những cơ ngơi này chẳng bao lâu đã bị mờ nhạt đi bởi các đồn điền của người Pháp và người Anh ở Caribean, nơi họ sử dụng người Phi châu như những kẻ nô lệ.

Chỉ trong một trăm năm kể từ cuộc giao tiếp ban đầu của người Âu châu, một chiều hướng không thể lầm lẫn và không thể đảo ngược được là: những va chạm này hoặc là đã thay đổi hoặc đã hủy diệt các sắp xếp sẵn có về kinh tế, chính trị, xã hội ở các xã hội phi tây phương này. Nền trật tự cũ bị xụp đổ, bị hủy diệt hay có khi là một loại phối hợp của cả hai. Điều này đã là một sự thực, bất kể là quốc gia ấy to nhỏ ra sao, từ một đất nước nhỏ bé như Burma, nơi có cơ cấu truyền thống đã nát bấy dưới ách cai trị của người Anh, đến các bộ lạc rộng lớn ở Phi châu, nơi người Âu châu đã kẻ lại các đường biên giới, tạo nên các khu vực mới để đưa những nhóm họ ưa chuộng lên ngôi quyền lực. Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp từ bên ngoài này đã mang đến nền hiện đại hóa ngay cả đôi khi đi kèm với sự tàn bạo. Trong các trường hợp khác, ảnh hưởng của Âu châu là một sự giật lùi, phá hủy đi những cái cũ nhưng không tạo được gì nhiều để thay thế. Trong bất cứ tình huống nào thì châu Mỹ, Á và châu Phi đã mãi mãi bị đổi thay và không thể trở ngược lại từ sự khám phá của phương Tây.

Sự chỉ đạo cuộc bành trướng châu Âu đã được quyết định bởi tính cân bằng của quyền lực. Trong một vài thế kỷ, bất chấp ưu thế của các đại dương, các quốc gia Âu châu đã không có lợi thế quân sự hơn Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập. Do đó họ đã giao thương - chứ không tìm cách thống trị - với các phần đất Trung Ðông và Phi châu mãi cho đến thế kỷ mười chín. Ở Á châu, thay vì thiết lập nên những cơ quan, các trạm giao thương và tự thoả mãn với các phần thừa bỏ đi của Trung Hoa, người Âu châu nhìn ra được một số ngả dễ dàng để đi vào đại lục. Ngược lại, ở châu Mỹ và châu Phi, người Âu châu hiểu rằng họ hoàn toàn mạnh hơn người bản xứ. Cuộc bành trướng của người Bồ Ðào Nha bắt đầu ở Phi châu bằng cách di chuyển vào Congo và Zanbezi ngay từ đầu thế kỷ mười sáu. Nhưng khí hậu ở đây hết sức bất tiện để lưu lại do đó họ đã quay về ngả tây của bán cầu.

Châu Mỹ là một sự nhầm lẫn - Columbus đã đang tìm kiếm một con đường đến Ấn Ðộ rồi đụng phải một vật cản vĩ đại - nhưng kết cục lại là một sự may mắn. Châu Mỹ đã trở nên một thứ vòi xả (valve) vĩ đại của Âu châu trong suốt bốn trăm năm. Người châu Âu đã rời xứ sở để đến Tân Thế Giới vì nhiều lý do khác nhau - nghèo, đông đúc và những vụ bách hại vì tôn giáo ở quê nhà hoặc chỉ đơn giản là các ước mơ thám hiểm - và khi đặt chân đến, họ đã tìm ra các nền văn minh rất sâu sắc ở một số phương diện nhưng lại quá ấu trĩ về quân sự. Những nhóm người Âu châu nhỏ bé - Cortés, Pizarro - đã có thể đánh bại những đội quân bản xứ đông đảo. Điều này, phối hợp với những loại bệnh tật Âu châu mà người bản xứ không thể chịu nổi, đã dẫn đến sự hủy diệt toàn bộ các bộ lạc và văn hóa bản địa.

Thực dân hóa có khi đã được thực hiện không phải bởi các quốc gia mà từ những công ty liên doanh. Các công ty Hà Lan và Công ty Đông Ấn của Anh được cấp phép độc quyền, đã được tạo nên để chấm dứt các cạnh tranh giữa thương nhân của mỗi quốc gia. Compagnie des Indes, công ty tương đương của Pháp, là một công ty quốc doanh độc lập, nhưng công ty thương mại này chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không hề chú trọng đến lãnh thổ, nhưng một khi đã đầu tư vào các vùng mới họ đều muốn sự ổn định và dễ kiểm soát. Trong khi đó, các quyền lực của Âu châu lại muốn loại các quốc gia đối nghịch ra. Từ đó họ bắt đầu cướp đất đai và xây dựng nên sự kiểm soát chính thức, trong đó Anh Quốc đã trở nên mạnh và lớn nhất.

Sự kiểm soát chính thức đã dẫn đến các tham vọng lớn. Người Tây phương bắt đầu từ tiền bạc đã vượt xa đến quyền lực, ảnh hưởng và văn hóa. Tùy theo quan điểm của quý độc giả mà đã trở nên không thực tiễn hoặc lý tưởng. Các định chế, thực hành và tư tưởng Âu châu được mang đến và áp dụng, dù có luôn giữ sự ưu tiên có tính giống chủng - chẳng hạn như hệ thống toà án Anh Quốc khi được mang đến Ấn Ðộ, các quan tòa người Ấn vẫn không được phép xét xử người da trắng. Trải qua thời gian, tác động của Âu châu trên các thuộc địa của họ thật là lớn. Niall Ferguson đã lý luận rằng Đế quốc Anh phải chịu trách nhiệm cho sự lan tràn của tiếng Anh, hệ thống ngân hàng, các luật lệ phổ thông, Thệ Phản giáo, các đội tranh tài thể thao, các đất nước giới hạn, các đại diện chính phủ và các tư tưởng về tự do trên toàn thế giới (11). Một lập luận như thế có thể che đậy cái đạo đức giả và sự tàn bạo sự kiểm soát của đế quốc - các bổng lộc kinh tế phi pháp, những vụ bức hại lớn lao, các tra tấn, tù đày giam cầm. Một số nước - chẳng hạn như Hà Lan và Pháp - có thể ngụy biện với nguồn gốc Anh độc quyền về những tư tưởng ấy. Nhưng dù ở trường hợp nào, thật không thể chối cãi được rằng các tư tưởng Âu châu đã phủ kín toàn cầu từ hậu quả của những sự khống chế hoàn toàn ấy.

Ngay cả ở vùng Viễn Đông, nơi mà phương Tây chưa từng áp đặt sự thôn tính chính thức, ảnh hưởng của châu Âu thật là vĩ đại. Khi triều đại nhà Thanh yếu đuối thiếu năng lực tìm cách cấm việc buôn bán nha phiến vào đầu thế kỷ mười tám, Anh Quốc - đất nước có tài sản gắn chặt với các nguồn thu từ nha phiến - đã tổ chức tấn công bằng đường biển. Cuộc chiến Anh-Tàu này, thường được gọi là chiến tranh nha phiến đã làm nổi bật hố ngăn cách sức mạnh giữa hai quốc gia. Khi ký kết các hiệp định vào năm 1842, Bắc Kinh đã buộc phải đồng ý với một loạt nhượng bộ và phải khôi phục lại việc buôn bán nha phiến: phải nhường mất Hongkong, mở năm hải cảng cho cư dân Anh Quốc, cho phép công dân Anh được đặc miễn khỏi các luật pháp của Trung Quốc và phải bồi thường một khoản tiền lớn. Năm 1853, những chiếc tàu Âu châu - lần này là của Mỹ - đã đi vào vùng hải phận của Nhật Bản, chấm dứt chính sách "ẩn dật' của Nhật Bản đối với thế giới. Sau đó Nhật Bản đã ký hàng loạt những thỏa ước về giao thương dành cho các nước Tây phương và công dân của họ nhiều đặc quyền. Những sự chiếm đóng chính thức cũng phát triển, tăng ra đến các vùng đất đai của Đế quốc ốm yếu Ottoman như Phi châu nữa. Tiến trình thống trị này lên đến cao điểm vào đầu thế kỷ hai mươi khi một số nhỏ các nước tư bản Âu châu đã cai trị được 85 phần trăm đất đai của cả thế giới.

Công cuộc Tây phương hóa

Vào năm 1823, Công ty Đông Ấn quyết định xây dựng một trường học ở Calcutta để đào tạo người bản xứ. Điều này trông có vẻ thẳng thắn và rõ ràng. Nhưng chính sách này đã bừng cháy lên một lá thư nóng bỏng của Raja Ram Mohan Roy, một người lãnh đạo công dân hàng đầu ở Calcutta gởi đến William Pit, thủ tướng Anh, lá thư này đáng để được trích lại một đoạn dài như sau:
Khi ngôi trường được đề nghị xây... chúng tôi tràn ngập niềm tin lạc quan rằng chương trình sẽ được thiết lập bao gồm việc tuyển mộ quý ngài người Âu châu có tài năng về giáo dục để hướng dẫn người địa phương Ấn Ðộ trong các bộ môn Toán học, Vật lý tự nhiên, Cơ thể học và các ngành khoa học hữu ích khác, mà các đất nước ở Âu châu đã đạt đến một trình độ hoàn hảo khiến đã nâng họ lên cao hơn hẳn những dân chúng ở các nơi khác trên thế giới.

Giờ đây chúng tôi mới biết được rằng Chính phủ đang thành lập một trường Phạn ngữ dưới sự chỉ đạo của Những bậc Uyên thâm của Ấn Ðộ giáo để truyền đạt những loại kiến thức vốn đã được thịnh hành ở Ấn Ðộ. Nhà trườngnày... chỉ có thể được trông mong để nhồi nhét vào tâm trí giới trẻ những cái hay đẹp của văn chương cùng những sắc xảo của siêu hình học vốn vô giá trị hoặc chẳng có ích lợi gì nhiều cho người thủ đắc hay xã hội...

Phạn ngữ hết sức khó, đến mức phải cần đến gần như cả đời người để có thể đạt được một sự am hiểu toàn thiện, từng nổi tiếng qua nhiều thời đại như một trở ngại đáng tiếc cho sự truyền bá kiến thức... Ngay cả sẽ không mang đến được nhiều tiến bộ do nảy sinh từ những suy xét như: những chủ đề nào sẽ được áp dụng? Linh hồn được thấm nhập vào thần thánh như thế nào? Linh hồn ở vị trí nào đối với bản chất của thiêng liêng?... Tôi xin phép nhà nước, cùng lòng tôn kính đến địa vị cao cả của ngài, rằng nếu kế hoạch hiện đã được chấp thuận và đang chuẩn bị thi hành, sẽ hoàn toàn làm thất bại các mục tiêu nhắm đến... (12).


Hãy nhớ đến lá thư này, bất cứ khi nào quý bạn nghe đến một loại tranh cãi rằng công cuộc Tây phương hóa chỉ thuần túy là những sự việc liên quan đến sức mạnh và vũ trang. - Và hàng trăm lá thư, giác thư và các mệnh lệnh như thế này. Đã có một tính ép buộc đàng sau việc lan truyền các tư tưởng Âu tây, nhưng cũng có rất nhiều người không phải là người Âu lại tha thiết muốn học các phương cách của Tây phương. Nguyên nhân của sự thể này thì thật là đơn giản. Họ muốn được thành công, và con người thường có khuynh hướng muốn bắt chước những người thành công.

Năng lực khác thường của Tây phương trong việc tích lũy của cải và phát khởi chiến tranh lên các nước láng giềng thực là rõ ràng vào thế kỷ mười bảy. Một trong những sự việc này là vua Peter của nước Nga vĩ đại đã từng bỏ ra nhiều tháng trời đi khắp châu Âu và sững sờ bởi nền kỹ nghệ và quân sự của họ. Quyết chí học hỏi từ những nước này, ngài trở về nước ban hành một loạt những cải cách cấp tiến: tái tổ chức lại quân đội theo lối Âu châu, hiện đại hóa nền hành chính, dời kinh đô từ một Moscow có tính Á châu đến vị trí mới là một thành phố kiểu châu Âu ở ngạn Tây của đế quốc Nga, mà ông đặt tên là thành phố St.Pesterburg. Ông sửa lại biểu thuế quan và còn chắp vá thêm cơ cấu của Giáo hội Chính thống Orthodox cho giống Tây phương hơn. Nam giới bị yêu cầu phải cạo râu, mặc quần áo theo lối Tây phương. Nếu người nào cứ theo lối cũ sẽ phải đóng thuế để râu một trăm rúp ben một năm.

Kể từ thời đại đế Peter, đã có đến một danh sách dài ngoằng những bậc lỗi lạc không phải là người Âu đã tìm cách mang các tư tưởng của phương Tây vào xứ sở của mình. Một số đã từng tỏ ra cấp tiến như vua Peter. Có lẽ người nổi tiếng nhất trong số này chính là Kemal Ataturk, từng khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải buông bỏ quá khứ để đi theo văn hóa Âu châu nhằm "đuổi kịp" với Tây phương. Ông đã sáng tạo ra một nền dân chủ thế tục, đặt ra mẫu tự La mã cho chữ viết của người Thổ, xóa bỏ việc sử dụng các khăn trùm mặt và loại mũ fez của người Thổ đồng thời triệt hạ tất cả những tôn giáo có nguồn gốc từ vua chúa Ottoman. Trước đó, vào năm 1885 ở Nhật Bản, Yukichi Fukuzawa, lý thuyết gia vĩ đại của công cuộc cải cách Meiji, đã viết một luận thuyết quan trọng mang tên "Hãy rời bỏ châu Á", trong luận thuyết này, ông lập luận rằng Nhật Bản cần phải quay lưng lại với các nước Á châu, đặc biệt là Trung Hoa và Triều Tiên, để chọn lựa, chia xẻ với các quốc gia văn minh ở phương Tây". Nhiều nhà cải cách Trung Quốc cũng đã có những lập luận tương tự. Tôn Dật Tiên đã thẳng thừng thừa nhận thế thượng phong của Âu châu và nhu cầu phải bắt chước họ.

Vị thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, ông Jawaharal Nehru, đã tin rằng muốn kết thúc sự "lạc hậu" của đất nước cần phải vay mượn kinh tế và chính trị từ phương Tây. Từng được đào tạo ở Harrow và Cambridge, ông đã có một dự phóng về nền tự do Tây phương: ông từng tự nhận mình là "một người Anh cuối cùng lãnh đạo nước Ấn Độ". Những bậc đương thời với Nehru trên thế giới cũng thấm tư tưởng Tây phương như nhau. Các lãnh tụ hậu thực dân từng cố gắng giải phóng chính mình khỏi chính trị Tây phương nhưng vẫn muốn dùng con đường Âu châu để đi đến nền hiện đại. Ngay cả người chống Tây phương gay gắt như Gabal Abdul Nasser của Ai Cập cũng ăn mặc âu phục chỉnh tề và háo hức đọc lịch sử Tây phương. Nguồn gốc các tư tưởng cho chính sách của ông chính là từ các học giả Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Bộ phim điện ảnh mà ông ưa thích là phim It's a Wonderful Life của Frank Capra.

Chúng ta thường nhớ lại những nhà lãnh đạo nồng nhiệt, hùng biện chống Tây phương và thiên về chủ nghĩa Marx đồng thời chúng ta nhìn họ như những người cự tuyệt với Tây phương. Thực ra họ đã vay mượn các truyền thống tiến bộ của phương Tây. Marx, Engels, Rosa Luxemburg và Lenin đều chính là những trí thức Tây phương. Ngay cả hiện nay khi người châu Á phê bình chỉ trích phương Tây, họ vẫn thường phải dùng đến những lập luận từng được khai triển ở London, Paris hay New York. Cuốn băng video chỉ trích Hoa Kỳ hồi năm 2007 của Osama bin Laden - cũng chứa đựng những trích dẫn của Noam Chomsky về sự bất công, cuộc khủng hoảng nợ nhà và mối cảnh báo về hiện tượng địa cầu tăng nhiệt – vốn có thể được viết bởi một học giả tả phái ở Berkeley. Trong tác phẩm Youth của Joseph Conrad, người kể chuyện đã nhớ lại cuộc gặp gỡ “đông phương” lần đầu của mình: “Thế rồi, trước khi tôi có thể mở miệng, Đông phương đã nói với tôi, nhưng lại bằng một giọng Tây phương… giọng nói ấy đầy những nguyền rủa, tục tằn một cách hung bạo; giọng nói ấy đã giải thích sự yên bình trầm lắng của hải cảng bằng quả bóng chuyền trật lất. Bắt đầu gọi tôi là loài Lợn, rồi từ đó lại dâng cao dần đến những tĩnh từ không thể nhắc lại được - bằng Anh ngữ”.

Các độc giả không phải người Tây phương vốn ngưỡng mộ Tây phương đã hết sức ấn tượng với tính ưu việt của phương Tây trong việc tạo nên thịnh vượng và chiến thắng cuộc chiến tranh. Sau khi bị đánh bại bởi người Âu châu ở Vienna vào năm 1683, đế chế Ottoman đã quyết định mình phải học hỏi phương cách của kẻ địch. Họ đã mua vũ khí từ Âu châu, khởi sự nhập khẩu các tài năng về tổ chức, kỹ thuật và các loại phong cách, suy nghĩ. Đến thế kỷ mười chín, các vị chỉ huy ở vùng Trung Á đã tổ chức lính tráng của mình theo lối quân đội Tây phương, với các sĩ quan tướng tá, tiểu đoàn, trung đoàn như họ (13). Các quân đội trên thế giới đều đồng quy về một kiểu Tây phương duy nhất. Ngày nay, dù ở Trung Quốc, Nam Dương hay Nigeria, các lực lượng vũ trang của một quốc gia phần lớn đã tiêu chuẩn hóa quanh khuôn mẫu của Tây phương trong thế kỷ mười chín.

Những người như Roy, Fukuzawa và Nehru không hề tranh cãi phản đối gì về tính ưu việt văn hóa có tính bản chất. Họ không phải là Chú Tom. Trong lá thư của Roy, ông đã lập đi lập lại các so sánh ngành khoa học của Ấn Độ và thời đại của ông với khoa học Âu châu trước thời Francis Bacon. Chính là lịch sử chứ không phải yếu tố di truyền là chủ điểm. Tôn Dật Tiên rất quen thuộc mật thiết với các hào quang quá khứ cùng sự phong phú về truyền thống ham học của nước Trung Hoa. Fukuzawa là một học giả về lịch sử Nhật Bản. Nehru đã trải qua nhiều năm trời trong những nhà tù ở Anh Quốc để viết lên những trang sử về chủ nghĩa quốc gia ái quốc của Ấn Độ. Tất cả những danh nhân này đều tin vào các hào quang của các nền văn hóa riêng của mình. Nhưng họ cũng tin rằng vào thời điểm lịch sử ấy để có thể thành công về kinh tế, chính trị và quân sự, họ phải vay mượn từ phương Tây.

(Còn tiếp)
11. Theo Niall Ferguson, Empire:The Rise and Demise of the British World Order and the Lessons for Global Power (New York: Basic Books, 2004).

12. Trích theo Braj B. Kachru The Indianization of English:The English Language in India (Oxford:Oxford University Press, 1983) tr. 59-60.

13. Theo Max Boot, War made New:Technology, Warefare, and the Course of History, 1500 to Today (New York:
Gotham Book, 2006). Trong cuốn “The West and The Middle East” Bernard Lewis trình bày các hậu quả của hiện đại hóa quân sự đã tác động lên xã hội Ottoman như thế nào. Xây dựng được những sĩ quan tướng lãnh quân đội giỏi hơn có nghĩa là thay đổi cơ chế giáo dục và tạo nên một quân đội năng động có nghĩa là đầu tư rất nhiều vào đường xá và cơ cấu hạ tầng. Do đó chúng ta thúc đẩy cũng phải thắng những cuộc chiến dẫn đến những thay đổi về kinh tế và văn hóa.



Một Thế Giới Phi Tây PhươngKỳ 4
Hiện đại hóa

Vấn đề mà những người cải cách không-Tây phương đã phải đấu tranh trong thế kỷ thứ hai mươi đã từng quay trở lại như một câu hỏi trọng tâm cho tương lai: Chúng ta có thể trở nên hiện đại mà không trở thành Tây phương? Hai điều này khác nhau ra sao? Phải chăng một đời sống quốc tế sẽ là hoàn toàn khác biệt trong một thế giới mà quyền lực của những người không-Tây phương sẽ có những giá trị khác hơn? Hay là phải chăng tiến trình trở nên giàu có sẽ biến tất cả chúng ta trở nên giống nhau? Đây không phải là những suy nghĩ vu vơ. Trong một vài thập kỷ tới, ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là những nền kinh tế phi-Tây phương (Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ). Và Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn thứ tư sẽ không ngừng bị định dạng bởi các dân số không phải người Âu châu.

Samuel P. Huntington, người nổi tiếng nhất trong số học giả đương đại, đã lập luận rằng hiện đại hóa và Tây phương hóa hoàn toàn khác biệt. Huntington đã lập luận rằng, Tây phương, đã là Tây phương trước khi họ trở nên hiện đại. Tây phương đã có được những đặc tính riêng biệt vào thế kỷ thứ tám hoặc thứ chín nhưng đã chỉ trở nên "hiện đại" vào khoảng thế kỷ mười tám. Trở nên một xã hội hiện đại là trở nên kỹ nghệ hóa, thành thị hóa và trình độ học thức cao cùng giáo dục và sự thịnh vượng. Ngược lại, những phẩm chất khiến tạo nên một xã hội Tây phương thì đặc biệt: di sản cổ điển, Ki tô giáo, sự tách bạch giữa nhà nước và giáo hội, luật pháp, xã hội dân sự. "Nền văn minh Tây phương", Huntington viết rằng "quý giá không phải vì nó phổ quát mà chính là vì sự độc đáo của nó" (14).

Trộn thêm vào những lập luận trí thức này sự kỳ lạ trong nội tình của những khu vực phi-Tây phương - cái thực tế mà chúng ta nhìn thấy, cảm nhận và nghe được thì thật là quá khác biệt. Người Nhật đã mang đến một minh hoạ phổ biến nhất về điểm này. Nhật là một quốc gia hiện đại cao. Trong các phạm trù về công nghệ - xe lửa cao tốc, điện thoại di động, ngành robot tự động - họ tài giỏi hơn tất cả các nước phương Tây khác. Nhưng đối với người ngoại quốc, đặc biệt là đối với các du khách Tây phương, nước Nhật vẫn là một sự lạ lùng và không nhập vào được. Nếu sự giàu có không làm Nhật bị Tây phương hóa thì các nước còn lại cũng chẳng bị Tây phương hóa. Trong một thế giới có người Ấn, người Trung Quốc và người Ba Tây đang trở nên giàu có hơn và tự tin hơn sẽ là một thế giới đa dạng về văn hóa, vĩ đại và đẹp lộng lẫy.

Tuy vậy, Tây phương đã hiện diện quá lâu và đã lan tràn quá xa thành ra không rõ là khoảng hở khác biệt giữa hiện đại hóa và Tây phương hóa có nghĩa như thế nào. Chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều, tối thiểu là từ những gì mình thấy được, rằng hiện đại nghĩa là Tây phương. Các hình thức hiện tại của nhà nước, thương mại, giải trí, thể thao, các chuyến nghỉ hè và những ngày nghỉ lễ tất cả đều bắt nguồn từ những tập quán và lối sống Âu châu. Lễ Giáng sinh đã được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ - ngay cả khi lễ Giáng sinh không có ý nghĩa gì nhiều hơn ngoài rượu champagne, đèn đuốc trang hoàng và quà cáp tặng nhau (ngay cả bản thân rượu champagne cũng là một sáng tạo phát minh của Tây phương). Ngày lễ tình yêu (Valentine day) cũng đã được đặt tên nhằm vinh danh một vị thánh của đạo Kitô rồi được thương mại hóa bởi những công ty kinh doanh thiệp mừng, cũng đang trở nên một truyền thống phấn kích ở Ấn Ðộ. Quần jean từng được tạo nên để phù hợp cho những người thợ mỏ vàng thô kệch ở California giờ đây cũng trở nên phổ biến khắp nơi cả từ Ghana, Indonedia đến San Francisco. Thật khó có thể hình dung một thế giới hiện đại sẽ ra sao nếu không có các tác động của Tây phương.

Một nhà ngoại giao Singapore trí thức và sâu sắc, ông Kishore Mahbubani, gần đây đã tiên đoán rằng, trong nền trật tự thế giới mới nổi, các sức mạnh phi-Tây phương sẽ vẫn duy trì các phương cách khác biệt của mình ngay cả khi họ trở nên giàu có thịnh vượng hơn. Vào năm 2006, ông đã lập luận rằng, ở Ấn Ðộ số phụ nữ mặc sari (loại váy cổ truyền của Ấn) thực có tăng lên (15). Nhưng thực tế, trong khi Mahbubani tuyên bố sự gia tăng sử dụng của váy sari, báo chí Ấn Ðộ lại tường thuật một hiện tượng hoàn toàn trái hẳn. Trải qua thập kỷ vừa rồi, phụ nữ Ấn đã bỏ chiếc váy sari qua một bên để thay thế bằng những trang phục tiện ích hơn. Ngành kỹ nghệ dệt váy sari tỉ mỉ công phu, với loại vải khác biệt của mình cùng các sớ dệt, kiểu cách đã đi xuống ngay cả khi Ấn Ðộ đang ở vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. (Vì sao thế? Cứ hỏi một bậc nữ chuyên viên Ấn xem cô ta có thấy việc quấn mình trong sáu đến chín thước vải, thường cứng nhắc, rồi xếp, gấp cẩn thận là một điều phiền phức quá không?). Phụ nữ Ấn Ðộ ngày nay không ngừng ưa chuộng một loại thời trang pha trộn cả bản sắc địa phương và kiểu dáng quốc tế. Chẳng hạn như, loại váy Ấn salwar kurta (một loại kết hợp nửa váy nửa quần, rộng rãi). Váy sari đã được để dành cho những dịp lễ lạc đặc biệt, tựa như loại áo kimono ở bên Nhật vậy.

Nhận xét này có vẻ nông cạn nhưng kỳ thực không phải vậy. Xiêm áo đàn bà là một chỉ hướng rất rõ ràng cho sự thích ứng của một xã hội với tính hiện đại. Chẳng ngạc nhiên gì mà các nước Hồi giáo có những vấn nạn rất lớn đối với giới phụ nữ của mình ăn mặc theo lối phương Tây. Đó cũng là khu vực mà phụ nữ vẫn còn ở rất xa đàng sau bất cứ tiêu chuẩn so sánh khách quan nào - khả năng đọc viết, giáo dục, hội nhập vào lực lượng lao động. Mạng che mặt và áo choàng chador phủ kín có thể là lựa chọn tốt nhất cho xiêm áo, nhưng nó cũng trùng khớp với một loại bề ngoài chối từ thế giới hiện đại trong một số phương diện khác.

Đối với nam giới, phục trang kiểu Tây phương lan tràn khắp nơi. Ngay từ khi quân đội bắt đầu ăn mặc theo lối đồng phục kiểu Âu Tây, nam giới quanh thế giới cũng bắt chước ăn mặc theo lối Âu tây trong các nơi làm việc. Kỹ nghệ may suit, hậu thân của bộ quân phục sĩ quan Âu châu giờ là tiêu chuẩn của nam giới từ Nhật Bản đến Nam Phi và Peru - với những kẻ lạc hậu (hay chống đối) đã từng có một lúc ở các nước Ả Rập. Người Nhật, với tất cả những khác biệt về văn hóa của mình, tiến một bước xa hơn vào những dịp đặc biệt (thí dụ như khi tuyên thệ nhậm chức trong chính phủ) để mặc tuxedo và quần có sọc, kiểu dành cho các nhà ngoại giao thời vua Edward ở bên Anh cả trăm năm trước đây. Ở Ấn Ðộ, việc mặc y phục cổ truyền từ lâu đã gắn liền với biểu hiện lòng yêu nước; Gandhi vẫn duy trì ăn mặc như thế, như một sự chống lại với thuế quan và kỹ nghệ hàng vải Anh Quốc. Ngày nay loại suit kiểu Âu châu đã trở nên lối ăn mặc tiêu chuẩn của thương nhân Ấn, ngay cả với các viên chức chính phủ trẻ tuổi, nói lên một thời đại hậu thuộc địa ở Ấn Ðộ. Dĩ nhiên, ở Hoa Kỳ, nhiều thương nhân trong các ngành kỹ nghệ mới, đã thải luôn tất cả các loại ăn mặc nghiêm chỉnh để theo lối mặc Jean và T shirt. Điều này cũng đã được bắt chước ở một số nước khác, đặc biệt là với giới trẻ trong các ngành kỹ nghệ căn bản công nghệ. Mô hình vẫn là như vậy. Kiểu cách Âu châu đã trở thành phong cách chuẩn mực của trang phục làm việc cho nam giới, báo hiệu cho hiện đại tính.

Cái chết của nền Trật tự cũ

Tây phương hóa không chỉ có nghĩa là ở bề ngoài. Các nhà giám đốc điều hành trên khắp thế giới đã vận hành công ty của mình bằng những phương thức mà chúng ta thường gọi là các "chuẩn mực" của hoạt động thương mại. Sự thật là, những chuẩn mực này, từ loại sổ sách nhập đôi đến việc chia lời cổ đông, đều tất cả bắt nguồn từ phương Tây. Và điều này cũng không phải chỉ đúng đối với công việc doanh thương. Trải qua hai thế kỷ, đặc biệt là hai thập niên vừa qua, các tổ chức chính phủ ở mọi nơi cũng trở thành giống nhau, hoàn thiện quốc hội, sắp xếp các ban ngành và các ngân hàng trung ương. Khảo sát một số quốc gia ở Âu châu và châu Mỹ Latin, hai học giả đã nhận thấy con số các ban ngành được cho phép độc lập (loại tổ chức kiểu Hoa Kỳ) đã tăng gấp bảy lần từ năm 1986 đến 2002 (16). Ngay cả chính trị cũng được cảm nhận quen thuộc chung quanh địa cầu. Các nhà tham vấn Hoa Kỳ đang được trả công như những ông hoàng để bảo cho các nhà chính khách ở Á châu và châu Mỹ Latin biết làm cách nào để lôi cuốn dân của họ tốt nhất.

Sách vở, phim ảnh và các chương trình truyền hình có thị hiếu địa phương khác nhau, nhưng cấu trúc của những kỹ nghệ này (cũng như đa số các khía cạnh của nội dung) đang trở nên chuẩn mực hóa hơn. Thí dụ như Bollywood, đang rời bỏ truyền thống ngân sách rẻ tiền và thời lượng trình chiếu dài ngoằng của họ, đến những bộ phim gọn hơn, thương mại hơn với những nhà đầu tư Hollywood và có tiềm năng xuất khẩu hơn (17). Cứ bước xuống phố ở bất cứ nơi đâu trong thế giới kỹ nghệ hóa ngay nay, quý vị sẽ nhìn thấy các biến hóa của cùng một chủ đề - các máy trả tiền tự động, các quán cà phê, cửa tiệm quần áo với các mặt hàng thời vụ của họ, các cộng đồng di dân, văn hóa phổ thông và âm nhạc.

Cái biến mất khỏi những quốc gia đang phát triển là những văn hóa xưa cũ và các trật tự truyền thống. Những thứ này đã bị mài mòn bởi sự xuất hiện của quần chúng đa số, được trang bị sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ. Những điều này thường có quan hệ với công cuộc Tây phương hóa bởi vì những gì thay thế cái cũ - nền văn hóa thống trị mới - nhìn giống Tây phương và đặc biệt giống Mỹ. Cửa hàng McDonald, quần bò và nhạc rock đã trở nên phổ biến chèn ép hẳn nhũng cung cách cũ, khác biệt trong ẩm thực, ăn mặc và ca hát. Nhưng câu chuyện ở đây là về sự phục vụ cho một đám đông quần chúng hơn là thiểu số thành phần ưu tú vốn thường minh định nên các tập tục của một đất nước. Tất cả đều giống như Mỹ bởi vì Mỹ, quốc gia đã tạo nên chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu thụ đám đông đến trước. Tác động của chủ nghĩa tư bản đám đông hiện nay là phổ biến. Người Pháp đã từng dèm pha chỉ trích về sự đánh mất văn hóa của họ trong nhiều thế kỷ, trong khi, thực ra tất cả mọi thứ xảy ra chính là sự suy tàn của một số trật tự tôn ti cũ. Phải chăng đa số người Pháp, hầu hết là những người dân quê nghèo khó, đã được ăn ở những nhà hàng thực sự - hay ở bất cứ nơi nào khác ngoài chính gia đình họ - vào thế kỷ mười chín? Người ta bảo rằng tuồng cổ của Trung Quốc đang chết đi. Nhưng đó có phải là vì công cuộc Tây phương hóa hay bởi vì sự nổi lên của văn hóa đại chúng ở Trung Quốc? Bao nhiêu người Trung Quốc dân dã được nghe tuồng cổ trong làng mình nhiều thập niên trước đây? Nền văn hóa đại chúng đã trở nên một nền văn hóa quan trọng bậc nhất bởi vì trong thời đại dân chủ, số lượng bao trùm chất lượng. Bao nhiêu người nghe quan trọng hơn là ai nghe?

Hãy xem những thay đổi ở một trong những nơi có tính truyền thống nhất thế giới. Năm 2004, Christian Caryl, một thông tín viên nước ngoài của tờ Newsweek chuyển đến Tokyo, sau khi đã trải qua một thập niên ở Moscow và Berlin. Anh nghĩ rằng mình sẽ tìm được một đất nước đẹp đẽ, sâu sắc, ít ai biết. “Thế mà cái tôi đã từng gặp” anh viết, “là một đất nước kiểu Tây phương khác hiện đại thịnh vượng nhất với một số kiểu cách đặc biệt - một quốc gia Á châu không hề cảm thấy lạc lõng nếu như thình lình bỏ vào giữa những biên giới Âu châu” (18). “Chúng tôi dọn vào căn nhà mới của mình” anh nhớ lại “và chẳng bao lâu sau đã bắt đầu chuẩn bị chào đón ngày nghỉ Nhật Bản lạ lùng đầu tiên: Halloween”. Anh trích lời giải thích của học giả Mỹ Donald Richie, người từng sống và dạy học ở Nhật trong năm mươi năm, rằng giới học sinh Nhật trẻ tuổi ngày nay không thể hiểu được thế giới của cha mẹ mình, với các tập tục hình thức, tính cách và phép xã giao. “Họ không hiểu một điều gì về hệ thống gia đình của mình bởi vì loại gia đình ấy không còn hiện hữu nữa”. Richie nói. “Do đó tôi phải xây dựng lại cho họ”. Phép lịch sự cổ truyền rắc rối phức tạp của người Nhật dùng đến trong các phim ảnh nghe xa lạ đối với họ, như thể chúng đến từ một thế giới đã “tan biến” nơi nào.

(Còn tiếp)


14. Theo Samuel P. Huntington, “The West:Unique, Not Universal”, Foreign Affairs 75, số 6, (Nov./Dec. 1996) tr.
28-46

15. Theo Kishore Mahbubani. “Will India Emerge as an Eastern or Western Power ?” (Center for the Advance Study of India, Penn Club, New York, Nov. 9. 1999); Indra Jit Basu “Western Wear Rivals the Indian Sari”, Asia Times Online, May 10, 2007.

16. Theo Fabrizio Gilardi, Jacint Jordana và David Levi-Faur, “Regulation in the Age of Globalization: The
Diffusion of Regulatory Agencies across Europe and Latin America” IBEI Working Paper, 2006, tr. 1

17. Theo Jason Overdorf “Bigger than Bollywood”, Newsweek International, Sept. 10, 2007.

18. Theo Christian Caryl “Turning Un-Japanese, “ Newsweek International, Feb., 13, 2006.


Một Thế Giới Phi Tây Phương - Kỳ 5
Âm thanh nghe trẻ trung và hiện đại hiện nay là Anh ngữ. Không một ngôn ngữ nào từng lan quá rộng quá sâu trên thế giới như thế. So sánh gần nhất là tiếng Latin trong thời Trung Cổ, nhưng đấy là một so sánh nghèo nàn. Tiếng Latin đã được sử dụng bởi một giới ưu tú nhỏ hẹp vào thời điểm mù chữ tràn lan, và hầu hết các quốc gia phi-Tây phương chẳng phải là một bộ phận của thế giới Kitô giáo. Ngày nay, hầu như một phần tư dân số hành tinh, 1,5 tỉ người, có thể nói đôi chút tiếng Anh. Và mức phát triển lan rộng của Anh ngữ tăng nhanh ở khắp mọi nơi, từ Âu châu, qua Á Châu đến châu Mỹ Latin. Toàn cầu hoá, vốn mang đến nhiều tiếp xúc và thương mại, tạo nên một khích lệ cho các phương cách giao tiếp. Càng đông người sử dụng, càng cần đến một chuẩn mực chung. Khoảng 80 phần trăm các thông tin điện tử lưu trữ trên thế giới là bằng Anh ngữ. Khi các nhà ngoại giao từ hai mươi lăm quốc gia của Liên Hiệp Âu châu gặp nhau để bàn luận về thương mại ở Brussels, họ có hàng trăm người thông dịch. Nhưng hầu hết đều nói tiếng Anh.

Phải chăng một ngôn ngữ chung sẽ khiến người ta nghĩ cùng một cách? Chắc chắn chúng ta không bao giờ biết được. Tuy thế, trải qua thế kỷ vừa rồi Anh ngữ đã trở nên một ngôn ngữ của nền hiện đại. Từ ngữ diễn tả chiếc xe tăng trong tiếng Nga là “tank”. Khi người Ấn Ðộ nói tiếng Hindi muốn nói về nuclear họ thường nói “nuclear”. Trong tiếng Pháp, ngày cuối tuần là “le weekend” . Trong tiếng Tây Ban Nha, internet là “internet”. Và không ngừng phát triển, cái Anh ngữ mà người ta nói đã bị Mỹ hóa, với một số đặc tính. Đó là tính thông tục, cẩu thả và thiếu lễ độ. Có lẽ sự thiếu lễ độ ấy sẽ đổ tràn lên các lãnh vực khác.

Dĩ nhiên, những khả năng ấy làm người lớn tuổi lo lắng. Hầu hết các xã hội mới hiện đại hóa đều muốn phối hợp nền thịnh vượng mới của mình với các phần tử của trật tự cũ, “Chúng tôi bỏ quá khứ lại đàng sau”, Lý Quang Diệu đã nói với tôi về quốc gia của ông “và có một sự không dễ dàng nằm bên trong rằng sẽ không còn điều gì của chúng tôi thuộc về cái cũ nữa cả”. Nhưng ngay nỗi lo lắng này cũng quen thuộc trong kinh ngiệm của phương Tây. Khi các nhà lãnh đạo Á châu ngày nay nói lên nhu cầu cần phải gìn giữ những giá trị Á châu, họ cũng giống như những người Tây phương bảo thủ từng tìm cách gìn giữ những giá trị tương tự trong hàng bao thế kỷ. Thi hào Oliver Goldsmith đã viết vào năm 1770 “Của cải chất đống thì con người mục rữa” khi nước Anh ở trong thời kỳ kỹ nghệ hóa. Có lẽ Trung Quốc và Ấn Ðộ sẽ trải qua thời đại Victoria của chính họ, một thời đại khi chủ nghĩa tư bản năng động đi song song với chủ nghĩa bảo thủ xã hội. Và có lẽ kết hợp ấy sẽ tồn tại. Tóm lại, sức quyền rũ của các giá trị cổ truyền và gia đình vẫn còn mạnh mẽ trong một số quốc gia rất hiện đại – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên. Nhưng nói chung, và qua thời gian, trở nên giàu có và cơ hội nhận thức có mang lại một chuyển biến xã hội. Nền hiện đại hóa mang lại một số hình thức của cuộc giải phóng phụ nữ. Nó lật ngược thứ tự của thời đại, tôn giáo, truyền thống và trật tư phong kiến. Tất cả những điều này tạo cho xã hội càng giống những xã hội ở Âu châu và Bắc Mỹ nhiều hơn.


Một Tương lai Pha trộn

Khi suy nghĩ về thế giới sẽ như thế nào khi các thành phần còn lại vươn lên và Tây phương xế tàn đi, tôi luôn luôn phải nhắc đến một bộ phim Ấn Ðộ nổi tiếng, Shakespear Wallah, được thực hiện vào năm 1965. Bộ phim trình chiếu cảnh một đoàn kịch sĩ lưu diễn kiểu Shakespear ở Ấn Ðộ thời hậu thuộc địa để thử sức với một thực tại buồn bã, lạ lẫm. Rất nhiều trường học, hội đoàn, rạp hát từng la hò phản đối trình diễn của họ đã nhanh chóng bị mất chú ý. Các ngài Ăng Lê đã hết thời rồi, và chả còn ai để mà cảm kích với các thích thú của những lời châm chích. Kết quả là, niềm đam mê Shakespear, thực đã có liên quan đến sự cai trị của người Anh ở Ấn Ðộ. Văn hóa theo sau quyền lực.

Cái gì sẽ thay thế những ban nhạc kịch hát rong này? Chính là phim ảnh. Nói cách khác, một phần của câu chuyện Shakespear Wallah này chính là sự nổi dậy của một nền văn hóa đám đông. Bollywood - nền văn hóa quần chúng bản xứ của Ấn Ðộ - là một nền văn hóa lai tạp. Bởi vì đấy là một phần của văn hóa đám đông, vay mượn từ Hoa Kỳ, nền văn hóa hàng đầu (hoặc là cái nôi) của thế giới. Nhiều phim của Bollywood là sự tái tạo nghèo nàn các tác phẩm kinh điển của Mỹ, với sáu đến mười bài hát thêm vào đấy. Nhưng họ vẫn giữ cái cốt lõi của Ấn Ðộ. Các chuyện phim thì thường là đầy những người mẹ hy sinh, gia đình cãi lộn, các chia rẽ định mệnh và các mê tín dị đoan. Đông phương và Tây phương pha trộn.

Thế giới mà chúng ta đang đến sẽ giống như là Bollywood vậy. Thế giới này sẽ hoàn toàn hiện đại - và dù đã được định dạng mạnh mẽ theo lối Tây phương - nhưng vẫn giữ được những phần tử quan trọng của nền văn hóa địa phương. Nhạc rock Trung Quốc nghe tương tự như nhạc rock Âu châu, với các nhạc cụ và tiết tấu tương tự, nhưng nhạc đề, lời nhạc và giọng hát thì rất Trung Quốc. Các điệu múa Ba Tây phối hợp với Phi châu, Latin và các chuyển động hiện đại nói chung (nghĩa là Phương Tây).

Ngày nay, con người chung quanh thế giới đang trở nên ngày càng thoải mái, thích nghi hơn trong việc đặt các dấu ấn bản xứ của mình lên hiện đại tính. Khi tôi lớn lên ở Ấn Ðộ, hiện đại là ở phương Tây. Chúng tôi đều biết rằng tất cả những điều xuất sắc, từ khoa học đến thiết kế đều được hình thành từ đó. Điều này không còn đúng nữa. Một nhà kiến trúc nổi tiếng đã giải thích cho tôi biết rằng, khi ông lớn lên, ông biết rằng các tòa nhà lớn, đẹp và tiến bộ nhất chỉ xây ở châu Âu và châu Mỹ thôi. Ngày nay, từ văn phòng làm việc của mình nhà kiến trúc sư trẻ tuổi này nhìn thấy các toà nhà vĩ đại đang được xây lên mỗi ngày ở Trung Quốc, Nhật Bản, vùng Trung Ðông và châu Mỹ Latin. Các thế hệ trẻ hơn của ngày hôm nay có thể ở trong nhà mình mà sáng tạo và tiếp cận phiên bản hiện đại của chính mình - tiến bộ ngang hàng với mọi thứ ở phương Tây - nhưng trông quen thuộc hơn.

Hiện đại và bản địa đang phát triển bên nhau với toàn cầu hóa và phương Tây. Nhạc rock Trung Quốc bán chạy hơn nhạc rock Âu châu. Điệu samba đang phát triển rộng rãi ở châu Mỹ Latin. Kỹ nghệ phim ảnh địa phương nở rộ ở mọi nơi, từ châu Mỹ Latin đến miền Đông Á, Trung Ðông đang phát triển mạnh mẽ - ngay cả còn tạo được các phần chia bản xứ của họ đối với các nhập khẩu của Hollywood. Truyền hình Nhật Bản, vốn từng thường mua lại rất nhiều các chương trình Mỹ, hiện nay chỉ còn lại chừng 5 phần trăm chương trình phát hình có gốc từ Hoa Kỳ (19). Nước Pháp và Đại Hàn, bị thống lĩnh lâu năm bởi phim ảnh Mỹ hiện nay có những kỹ nghệ phim ảnh riêng của họ. Nền nghệ thuật hiện đại địa phương, thường là một pha trộn lạ lùng giữa phong cách trừu tượng Tây phương và chủ đề nghệ thuật dân gian, đang nở rộ khắp nơi trên thế giới. Quý vị có thể dễ bị nhầm lẫn khi nhìn vào những bảng hiệu Starbucks và Coca Cola quanh thế giới. Ảnh hưởng trực tiếp của nền toàn cầu hóa đã là sự nở hoa của hiện đại và địa phương.

Nhìn gần hơn vào quyền bá chủ của Anh ngữ, trong khi rất nhiều người đang nói tiếng Anh, phát triển mạnh nhất trên truyền hình, phát thanh và Internet là những ngôn ngữ địa phương. Ở Ấn Ðộ, người ta đã tưởng rằng mở ra một làn sóng phát thanh mới sẽ chỉ dẫn đến một sự phát triển trong lãnh vực riêng tư, tất cả các đài phát tin tức bằng Anh ngữ, loại ngôn ngữ được giới thông thạo sử dụng. Nhưng sự bùng phát lớn hơn - mạnh đến ba, bốn lần hơn - đã là những chương trình phát thanh bằng ngôn ngữ địa phương. Tiếng Ấn, Tamil, Telugu, Guajarati và Marathi đều được sử dụng rất nhiều trong thế giới toàn cầu hóa này. Tiếng Phổ thông đang tăng trưởng mạnh trên các trang web. Tiếng Tây Ban Nha đang thắng thế trong nhiều quốc gia kể cả ở Hoa Kỳ. Trong giai đoạn đầu của nền toàn cầu hóa, ai cũng xem CNN. Trong giai đoạn thứ nhì, người ta xem thêm BBC và Sky News. Hiện nay mỗi quốc gia đều tự sản xuất ra chương trình CNN của riêng mình - từ Al Jazeera và Al Arabia đến NDTV và Aaj Tak của Tân Đề Li.

Những kênh tin tức này là một phần của chiều hướng rất mạnh - sự phát triển của loại tường thuật mới. Khi tôi lớn lên ở Ấn Độ, các tin tức đang xảy ra, đặc biệt là các tin tức thế giới, được xác định qua một lăng kính Tây phương. Ta nhìn thế giới qua cặp mắt của đài BBC và Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Ta hiểu được các thông tin này qua các tạp chí Time, Newsweek, International Herald Tribune và tờ Times của London (trong những ngày xưa cũ hơn). Hiện nay, có nhiều kênh tin tức quan trọng hơn, trình bày nhiều quan điểm khác nhau hơn về thế giới. Dĩ nhiên là nếu quý bạn xem Al Jazeera, bạn sẽ nhận được quan điểm đối chọi giữa Arab và Israel không giống như quan điểm ở Tây phương. Nhưng không phải là chỉ có Al Jazeera. Nếu quý bạn xem hệ thống thông tin Ấn Ðộ, bạn sẽ có một quan điểm rất khác về cuộc tìm kiếm sức mạnh hạch nhân của Iran. Do đó, nơi chốn ảnh hưởng đến cái nhìn của mình về thế giới chung quanh.

Có phải những khác biệt này đã khiến các "nước còn lại" hành động khác nhau trong giao thương, cai trị hoặc trong chính sách đối ngoại? Đó là một vấn đề phức tạp. Trong thế giới giao thương, cái gì quan trọng là cái tận cùng. Nhưng làm thế nào người ta đến được vị trí ấy thật là khác biệt vô cùng, ngay cả trong nội bộ thế giới Tây phương. Cấu trúc của một hành vi kinh tế ở Italy rất khác với cấu trúc ở Anh Quốc. Nền kinh tế Hoa Kỳ rất khác với nền kinh tế của Pháp. Cách làm ăn của người Nhật Bản rất khác với người Trung Quốc hay Ấn Ðộ. Và những khác biệt này sẽ nhân tích luỹ lên lẫn nhau.

Tương tự như ở trong một số phương cách đúng đắn về chính sách đối ngoại. Có một số thực tế có tính căn bản. Các vấn đề cơ bản về an ninh và ảnh hưởng đến nước láng giềng trực tiếp là những thành phần quan yếu của một chính sách an ninh quốc gia. Nhưng ngoài phạm vi ấy còn có những phân biệt thực sự, mặc dù những điều này có thể hoặc không hề dính dáng gì đến văn hóa. Hãy thử xem xét về nhân quyền, một vấn đề mà những nước phi-Tây phương nói chung và Trung Hoa, Ấn Ðộ đặc biệt muốn giữ những quan điểm rất khác với Hoa Kỳ. Có một số nguyên nhân căn bản cho sự việc này. Trước tiên, các nước này tự xem mình như những quốc gia đang phát triển, do đó, còn quá nghèo để mà quan tâm đến các vấn đề của trật tự toàn cầu, đặc biệt trong những vấn đề có can dự đến thúc đẩy các chuẩn mực và các quyền ở ngoài nước. Thứ đến, họ không phải là những người Thệ Phản giáo (Protestan), không được hội nhập vào quyền lực, do đó họ không có nhiều ham muốn trong việc phát tán những giá trị phổ quát ra khắp thế giới. Những người theo Khổng giáo cũng như những người theo Ấn Ðộ giáo cũng đều không tin vào những điều răn phổ biến hay nhu cầu reo rắc đức tin. Do đó, từ những nguyên nhân có tính văn hóa và thực tiễn, cả hai quốc gia này gần như không quan niệm các vấn đề nhân quyền như trọng tâm đối với chính sách đối ngoại của họ.

Dĩ nhiên, không có nền văn minh nào phát triển được trong một cái hộp niêm kín. Ngay cả khi nói đến tôn giáo và một thế giới quan căn bản, các quốc gia đều có các bối cảnh pha trộn, với các yếu tố địa phương đè chồng lên những ảnh hưởng ngoại lai. Thí dụ như Ấn Ðộ, là một quốc gia Ấn Ðộ giáo từng bị thống trị trong bốn trăm năm bởi các đế chế Hồi giáo, và rồi bởi một thế lực Phản Thệ giáo. Trung Quốc không trải qua kinh nghiệm bị ngoại quốc cai trị, nhưng quá khứ Khổng học của họ đã bị tước bỏ một cách tàn bạo và bị bao phủ bởi tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa trong bốn mươi năm. Nhật Bản đã từng lựa chọn đi theo các phong cách và tinh thần Hoa Kỳ trong thế kỷ qua. Phi châu có truyền thống lâu dài của riêng mình nhưng cũng là nơi trú ngụ của một dân số đạo Kitô lớn nhất và không ngừng tăng trưởng trên địa cầu. Ở châu Mỹ Latin, các hệ thống nhà thờ vẫn còn là sự sống còn cho đời sống của đất nước trong một phương cách không thể tưởng tượng được ở Âu châu. Chúng ta thường nghe rất nhiều về giới giáo sĩ truyền đạo ở Hoa Kỳ, nhưng thực ra chính là ở Ba Tây và Nam Hàn mới là nơi mà thành phần này phát triển nhất. Nếu tin các giá trị của Kitô giáo ở trọng tâm của truyền thống Âu châu thì làm sao có thể mô tả được đặc điểm của đất nước như Nam Phi, nơi có hơn bảy ngàn giáo phái Kitô? Hay ở Nigeria, nơi có nhiều người theo Anh giáo hơn ở Anh Quốc?

Phương Tây và các nước còn lại đã ảnh hưởng lẫn nhau trong cả thiên kỷ. Truyền thuyết đã nói rằng Kitô giáo từng đến Phi châu với Thánh Mark từ năm 60 AD. Một số cộng đồng Kitô hữu xưa cũ nhất từng sinh sống ở bắc Phi. Vùng Trung Ðông đã bảo quản và làm tiến triển khoa học phương Tây trong nhiều niên kỷ. Nga từng đấu tranh với bản sắc Tây phương và phi Tây phương của mình trong ít nhất là bốn trăm năm. Trong đa phần của thế giới, phương Tây đã tồn tại quá lâu đến nỗi phương Tây là trở thành một số thành phần có ý nghĩa của tấm thảm văn minh ấy. Đó là lý do vì sao thật là hoàn toàn tự nhiên khi sòng bài lớn nhất thế giới được xây ở Macao, Trung Quốc - và nó là một bản sao của quảng trường Thánh Mark ở Venice, trong khi bản thân kiến trúc này lại ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lối kiến trúc Moorish (Hồi giáo). Vậy nó là Trung Quốc, Tây phương Moorish hay hiện đại? Chắc nó chẳng phải là tất cả những kiểu cách ấy.

Hiện đại tính đã đến với sự vươn dậy của phương Tây, do đó nó mang một khuôn mặt Tây phương. Nhưng khi thế giới hiện đại phát triển và bao gồm nhiều trên toàn cầu, hiện đại tính trở nên một hỗn hợp chung. Thương mại, du lịch, chủ nghĩa đế quốc, di dân và các công tác truyền đạo đã trộn lẫn tất cả mọi thứ. Các nền văn hóa vẫn có các phần tử riêng của mình và một số phần tử tồn tại trong nền hiện đại hóa. Một số khác mất đi, và khi chủ nghĩa đế quốc tiến bước, các trật tự phong kiến, hình thức, gia đình trị, và tôn ti trật tự cũ hơn chết đi - như đã từng chết đi ở Tây phương. Tác động của hiện đại, các giá trị phương Tây tiếp tục trở nên mạnh mẽ. Trung Quốc và Ấn Ðộ có thể không nghiêng về sự hành xử về các vấn đề nhân quyền nhưng họ phải đáp ứng với những thực tế của vấn đề này trong chương trình làm việc với toàn cầu. Trong trường hợp của Ấn Ðộ, là một nền dân chủ với một giới ưu tú trí thức phóng khoáng, có một lớp cử tri lớn tiếng trong nội bộ quốc gia này vốn có quan điểm đã được định hình rõ ràng bởi các giá trị Tây phương.

Câu hỏi "Phải chăng tương lai sẽ là nền hiện đại thay vì Tây phương?" thực ra phức tạp hơn là ta tưởng. Câu trả lời giản đơn duy nhất chính là "phải", tương lai sẽ là nền hiện đại. Câu trả lời phức tạp duy nhất sẽ là nhìn vào các quốc gia đặc biệt - để hiểu được quá khứ, hiện tại văn hóa và phong tục của họ cùng phương cách mà họ đã áp dụng vào thế giới phương Tây và hiện đại hóa. Tôi sẽ cố gắng làm như vậy tiếp theo đây đối với hai quyền lực mạnh nhất đang lên - Trung Quốc và Ấn Ðộ. Đây cũng là phương cách tốt nhất để hiểu được nền địa lý chính trị mới. Sau cùng, thử thách thực sự mà chúng ta đối diện trong tương lai không mơ hồ về những tính cách khác nhau mà là một sự vững chãi của khác biệt địa dư, lịch sử, quyền lợi và các năng lực. Nói về "sự nổi dậy của Á châu" là mất trọng tâm. Không hề có cái gọi là Á châu vốn như là một xếp đặt của Tây phương. Có rất nhiều đất nước là một phần của xếp đặt ấy - Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Nam Dương - và họ chứa đựng những khác biệt và nghi hoặc lẫn nhau. Thế giới nhìn Trung Quốc và Ấn Ðộ khác không phải chỉ vì thế giới là ai mà cũng bởi vì thế giới ấy đứng ở đâu. Sự chuyển đổi lớn lao đang xảy ra trên thế giới sẽ chứng tỏ những điều ít hơn về văn hóa và nhiều hơn về quyền lực.

19. Theo Diana Crane, “Culture and Globalization:Theoretical Models and Emerging Trends” trong Global Cultures:
Media, Arts, Policy, and Globalization, ed. Diana Crane, Nobuko Kawashisma và Kenichi Kawasaki
(London:Routledge, 2002)

Tổng số lượt xem trang