Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU-HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD): 2- Một Tách nước đầy

-MỘT THẾ GIỚI HẬU-HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD): Một Tách nước đầy
Kỳ 2: Một Tách nước đầy

Tưởng tượng một ngày tháng giêng năm 2000, bạn hỏi một nhà tiên tri để tiên đoán tiến trình của kinh tế toàn cầu trong vài năm tới. Cứ xem là bạn có cho nhà tiên tri một số manh mối để giúp thầy nhìn xuyên vào quả cầu pha lê. Bạn giải thích rằng Hoa Kỳ sẽ phải chịu một cuộc tấn công thê thảm nhất trong lịch sử từ bọn khủng bố, Hoa Kỳ sẽ trả đũa bằng việc phát khởi hai cuộc chiến tranh, một trong hai cuộc chiến tranh đó sẽ hết sức tàn khốc và sẽ khiến Iraq - quốc gia có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ ba trên thế giới - bị xáo trộn trong nhiều năm. Iran sẽ tăng cường sức mạnh trong khu vực Trung Ðông và tiến đến việc đạt được năng lực hạch nhân. Bắc Triều Tiên sẽ đi xa hơn nữa để trở thành quốc gia thứ tám trên thế giới công khai sức mạnh hạch nhân. Nga sẽ trở nên thù địch và độc đoán trong các giải quyết của họ với các nước láng giềng và Tây phương. Ở châu Mỹ La tinh, Huga Chávez của Venezuela sẽ tiến hành một chiến dịch chống phương Tây sinh động nhất trong đời, chiếm được rất nhiều đồng minh và người ủng hộ. Israel và Hezbollah sẽ có chiến tranh với nhau ở phía nam Lebanon, làm suy yếu chính phủ non nớt của Beirut, lôi kéo cả Iran và Syria và đe dọa đến người Do Thái. Dải Gaza sẽ trở thành một thứ nhà nước thất bại cai trị bởi Hamas, và các cuộc hòa đàm giữa Do Thái và Palestine sẽ đi vào ngõ cụt. Bạn bảo vị thầy thông thái “Nếu xảy ra những biến cố này, tình hình kinh tế trong sáu năm tới sẽ ra sao?”.



Ðấy thực không phải là một giả thuyết. Chúng ta đã có dự đoán của các giới chuyên môn từ những năm đó. Tất cả đều sai. Lời tiên đoán đúng sẽ là, giữa những năm 2000 và 2007, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong gần bốn thập niên qua. Thu nhập cá nhân trên khắp thế giới sẽ tăng cao ở mức độ nhanh (3.2 phần trăm) hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử.
Trong hai thập niên kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chúng ta đã sống qua một sự nghịch lý với những điều chúng ta chứng nghiệm mỗi sáng ngày khi đọc các báo chí. Chính trị thế giới như hết sức khó khăn với các tin tức tường thuật hàng ngày về những vụ bỏ bom, các âm mưu khủng bố, những đất nước ăn cướp và những xung đột dân sự. Thế nhưng kinh tế toàn cầu vẫn dẫn đầu, không phải không có những khủng hoảng và gián đoạn đáng kể, nhưng trên tổng thể, vẫn mãnh liệt đi lên. Các thị trường có hoang mang nhưng là hoang mang vì những tin tức về kinh tế chứ không phải về chính trị. Các tin tức chạy trang nhất như thể không có liên quan gì đến các chương kinh tế.

Tôi còn nhớ đã nói chuyện với một thành viên quan trọng của chính phủ Israel vài hôm sau cuộc chiến tranh với Hezbollah xảy ra vào tháng bảy năm 2006. Ông thực sự lo lắng về thực trạng an ninh của đất nước mình. Các hỏa tiễn của Hezbollah đã bắn sâu vào lãnh thổ Israel hơn cái mức mà dân chúng tin có thể xảy ra, và các đáp trả của quân đội Israel không gây được lòng tin tưởng. Thế rồi tôi hỏi ông về kinh tế - lãnh vực mà ông rất có khả năng – Ông trả lời “Ðiều này thực làm chúng tôi điên cả đầu. Thị trường chứng khoán đã lên cao hơn vào ngày cuối của cuộc chiến so với ngày đầu! Ðồng shekel (tiền Do Thái) cũng thế”. Chính phủ có thể bị ma nhập nhưng thị trường thì không .

Hay thử nhìn cuộc chiến tranh Iraq, cuộc chiến từng đem đến những xáo trộn sâu sắc và dai dẳng trong đất nước và hơn 2 triệu người tị nạn tràn ngập sang các nước láng giềng. Loại khủng hoảng chính trị đó có vẻ chắc chắn sẽ ảnh hưỏng rộng rãi. Nhưng nếu ai có đi đến vùng Trung Ðông trong những năm qua chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì ảnh hưởng ít ỏi mà các vấn nạn của Iraq đã tạo nên bất ổn trong vùng. Ði đến đâu, bạn cũng thấy dân chúng phẫn nộ đả đảo chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng đâu là chứng cớ thực sự của sự bất ổn trong khu vực? Hầu hết các nước Trung Ðông – chẳng hạn như Jordan, Saudi Arabia và Ai Cập – đều phát triển. Turkey, đất nước chia xẻ chung một biên giới với Iraq, phát triển bình quân khá hơn là 7 phần trăm tăng trưởng hàng năm kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Abu Dhabi và Dubai, cách Baghdad một giờ bay, khởi sự xây dựng những tòa nhà rất ấn tượng,chọc trời bắt mắt như thể họ đang ở trong một hành tinh khác. Bản thân những quốc gia có vướng mắc với Iraq – Syria và Iran- hoạt động phần lớn ở bên ngoài của nền kinh tế toàn cầu do đó ít bị thiệt hại từ việc gây ra những rối loạn.

Ðiều gì giải thích cho sự bất tương xứng giữa một bên chính trị chuyển động thụt lùi và một bên kinh tế cứ hùng mạnh? Trước nhất, thật là đáng để xem xét kỹ càng vào các đợt thác của những tin tức xấu. Trông như thể chúng ta đang sống trong những thời đại bạo loạn điên khùng. Nhưng đừng tin tất cả mọi điều bạn thấy trên màn ảnh truyền hình. Ấn tượng vào những chuyện lặt vặt của chúng ta thành ra sai lầm. Chiến tranh và bạo hành có tổ chức đã giảm đi đáng kể trong hai thập niên qua. Ted Robert Gurr và một nhóm những học giả thuộc Trung Tâm Quản lý Xung Ðột và Phát triển Quốc Tế (Center for International Development and Conflict Management) thuộc Viện đại học Maryland đã cẩn thận theo dõi các dữ kiện và đi đến kết luận như sau: “Quy mô tổng quát của chiến tranh toàn cầu đã suy giảm hơn 60 phần trăm [kể từ giữa những năm 1980], xuống đến mức thấp nhất vào cuối năm 2004 kể từ cuối những năm 1950” . Bạo lực tăng mạnh qua suốt thời chiến tranh lạnh, tăng gấp sáu lần giữa những năm 1950 và đầu những năm 1990 – chiều hướng ấy lên đến cao điểm vào ngay trước sự xụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991 và “sự bành trướng của chiến tranh giữa và trong nội bộ các nước giảm đến một nửa trong thập kỷ đầu tiên sau thời chiến tranh lạnh”. Nhà thông thái giáo sư trường Havard Steven Pinker nhận xét “có nghĩa là ngày nay có lẽ chúng ta đang sống trong thời hòa bình nhất kể từ khi sinh loài chúng ta từng hiện hữu”.

Một nguyên nhân cho sự bất tương xứng giữa thực tại và ý thức của chúng ta về thực tại có thể là do trải qua cùng những thập niên này, chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng vể kỹ thuật thông tin khiến hiện nay mang đến cho chúng ta các thông tin chung quanh thế giới một cách nhanh chóng, sống động và liên tục. Các hình ảnh tức thì và cường độ của tin tức suốt chu kỳ hai mươi bốn giờ trộn lại đã sản xuất ra một sự cường điệu không đổi. Mỗi rối loạn về khí hậu là “cơn bão của thế kỷ”. Mỗi quả bom nổ là TIN TỨC NÓNG HỔi. Thật khó mà đặt những điều này vào sự liên quan bởi vì cuộc cách mạng thông tin còn quá mới lạ. Chúng ta đã không có được nhiều những khúc phim tư liệu cho gần hai triệu con người chết trên những cánh đồng chết ở Cambodia trong những năm 1970 hay hàng triệu người biến mất trong cát nóng của cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Chúng ta cũng không được xem nhiều phim tư liệu từ cuộc chiến ở Congo trong những năm 1990, nơi hàng triệu người đã chết. Thế mà hiện nay, chúng ta chứng kiến hầu như hàng ngày, tin tức truyền trực tiếp về những hậu quả của những chất nổ cải biến (IED) những hỏa tiễn hay những chiếc xe bom – chắc chắn toàn là những biến cố bi thương, nhưng ít khi có con số thương vong lên quá mười người. Những hành vi bừa bãi tùy tiện của các bạo lực khủng bố, mục tiêu nhắm vào thường dân, và sự bình thản mà những xã hội hiện đại có thể thẩm thấu cộng thêm vào sự lo lắng của chúng ta. “Ðó có thể là tôi” người ta nói như thế sau một cuộc tấn công của bọn khủng bố.

Có cảm giác như thế giới hết sức nguy hiểm. Nhưng thực ra không phải như thế. Mối hiểm nguy về chết chóc của bạn vì hậu quả của một loại bạo lực có tổ chức, bất kể loại nào, thì thấp và ngày càng trở nên thấp hơn. Các số liệu cho thấy có một chiều hướng rộng rãi tránh khỏi chiến tranh, loại xung đột mang lại những thương tổn lớn, giữa các nước quan trọng.

Tôi không tin rằng chiến tranh đã có thể bị triệt tiêu hay những điều ngây thơ tương tự như vậy. Bản chất con người vẫn như thế và chính trị quốc tế cũng vẫn là như thế. Lịch sử đã chứng kiến các thời kỳ bình lặng rồi lại tiếp theo bằng những cuộc tắm máu dị thường. Và những con số (thương vong) không phải là phương cách đánh giá duy nhất cho quỷ dữ. Bản chất của những giết chóc ở nước Tiệp Khắc cũ trong đầu những năm 1990 – có hệ thống, có chủ tâm và có động lực tôn giáo - tạo cho cuộc chiến tranh đó, với 200.000 thương vong, một vết nhơ đạo đức có thể được ghi nhận rất cao trên bất cứ đo lường nào. Sự dã man của Al Qaeda - lạnh lùng cắt đầu, chủ tâm nhắm vào người vô tội – thì ghê tởm dù con số thiệt mạng tương đối thấp.

Hơn nữa, để hiểu được thời đại chúng ta đang sống, cần phải diễn tả thời đại ấy một cách chính xác. Và thời đại ấy, hiện nay, trong ý nghĩa của lịch sử, là một thời đại yên ắng một cách khác thường.

Mối đe dọa Hồi giáo

Khủng bố Hồi giáo, mang đến các tin đầu trang nhất hàng ngày, là một vấn nạn lớn và dai dẳng, nhưng là một vấn nạn có liên quan đến một con số nhỏ nhoi của những kẻ cuồng tín. Vấn nạn dựa vào các chức năng bất thường của thế giới Hồi giáo, cái ý thức (có thật và tưởng tượng) về sự sỉ nhục trong tay người Tây phương và sự dễ đạt được những kỹ thuật cho việc bạo hành. Tuy nhiên, khủng bố Hồi Giáo có thể sánh được với mối đe dọa từ lời kêu gọi tấn công quyết liệt của Ðức cho sự thống trị cả thế giới trong tiền bán thế kỷ hai mươi hay không? Hay chủ nghĩa bành trướng của Xô Viết vào nửa thế kỷ còn lại? Hay những nỗ lực của Mao nhằm xúi dục chiến tranh và cách mạng ở các nước thứ ba trong những năm 1950 và 1960? Ðấy là tất cả những thử thách được hỗ trợ bởi quyền lực và bởi các nước lớn, thường được tiến hành cùng các đồng minh chí cốt và bởi một ý thức hệ từng được coi như một thay đổi có vẻ hợp lý cho nền dân chủ tự do. Dựa vào sự so sánh, hãy thử xem xét mối đe dọa thánh chiến. Trước 9/11, khi những nhóm như Al Qaeda hoạt động dưới màn thám sát của đài viễn thám, các chính phủ đã coi chúng như những phiền phức nhỏ, và chúng đã di chuyển lang thang khá tự do, xây dựng được một số sức mạnh, đánh phá tượng trưng, thường là những mục tiêu quân sự, giết hại người Mỹ và những người ngoại quốc khác. Ngay cả đến thế, sự tổn hại cũng khá là giới hạn. Từ năm 2001, chính phủ mọi nơi đã hết sức xông xáo trong việc phá vỡ các mạng lưới khủng bố, theo dấu các tổ chức tài chính và huấn luyện của chúng - với nhiều kết quả trông thấy. Ở Nam Dương, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, chính phủ đã bắt cả lãnh đạo và thủ lĩnh quân sự của Jemaah Islamiah, nhóm thánh chiến sinh tử nhất nước và là nhóm đã tiến hành cuộc nổ bom ở Bali năm 2002. Với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, quân đội Phi Luật Tân đã đè bẹp đơn vị khủng bố kiểu Al Qaeda của Abu Sayyaf. Thủ lĩnh nhóm này bị sát hại bởi quân đội Phi Luật Tân vào tháng Giêng 2007. Và các thành viên của nhóm này đã sụt giảm từ con số gần hai ngàn vào sáu năm trước, còn chừng vài trăm vào thời điểm hiện tại. Các căn cứ nguyên thủy cùng các mục tiêu tấn công - ở Egypt và Saudi Arabia - các đơn vị khủng bố của Al Qaeda bị bao vây chặt, những phần ngoài vòng kiểm soát đã không thể từng thực hiện được các cuộc phá hoại mới trong vòng ba năm qua. Các bộ tài chính - đặc biệt là bộ ngân khố Hoa Kỳ - đã tạo những khó khăn không nhỏ cho bọn khủng bố. Các tổ chức quốc tế không thể làm gì được nếu không có tiền bạc, do đó càng nhắm mục tiêu vào việc truy tìm dấu vết tài chính của bọn khủng bố chừng nào, chúng càng phải rút vào những hoạt động nhỏ lại hơn và khó có thể khai triển hoạt động. Cuộc chiến đấu này, giữa các chính phủ và bọn khủng bố, sẽ còn dai dẳng, nhưng các chính phủ đang nắm thế thượng phong.

Ở Iraq, nơi các vụ tấn công của khủng bố đã xuống dốc, một rắc rối mới đã hé lộ khiến làm suy yếu Al qaeda. Trong các giáo luật Hồi giáo nguyên thủy và các công bố khác, Al Qaeda không hề nhắc gì đến Shiites, chỉ đả phá người "Do Thái" và "bọn Thập Tự Quân". Nhưng Iraq đã thay đổi mọi điều. Nhằm tìm cách thu hút sự ủng hộ của người Sunni, Al Qadea đã hóa thân vào trong một nhóm chống người Shiite, ủng hộ một thế giới quan Sunni thuần túy. Abu Mussab al-Zarqawi, thủ lĩnh của Al Qaeda ở Mesopotania, đã mang một niềm oán hận người Shiite sâu sắc bắt nguồn từ chủ nghĩa thuần túy kiểu Wahhabi của y. Trong một lá thư gởi Osama bin Laden vào tháng hai năm 2004, y viết, "Mối hiểm họa từ Shia ... còn lớn hơn cả ... từ người Mỹ ... Giải pháp duy nhất cho chúng tôi là phải đánh vào tôn giáo, quân sự, và các cán bộ khác trong nội bộ Shia sẽ đánh hết trận này đến trận khác cho đến khi chúng phải cúi đầu trước người Sunni". Nếu có một cuộc tranh luận giữa y và bin Laden, Zarqawi ắt sẽ thắng. Kết quả là, một phong trào đã từng hy vọng sẽ đoàn kết được toàn thể khối Hồi giáo vào một cuộc thánh chiến chống lại Tây phương đã bị lôi kéo trở thành một cuộc nội chiến dơ dáy giữa những người Hồi giáo với nhau.

Sự chia rẽ giữa người Sunni và người Shiites là chia rẽ duy nhất trong những bộ phận giữa nội bộ thế giới Hồi giáo. Trong nội bộ thế giới ấy gồm người Shiite, Sunnis, Persian và Arab, người Á vùng Đông Nam Á và người Trung Ðông và quan trọng hơn hết là những người ôn hòa và cực đoan. Tương tự như những chia rẽ trong nội tình thế giới Cộng sản đã khiến họ trở nên bớt nguy hại, các thành phần khác nhau của Hồi giáo đã xói mòn khả năng hợp nhất thành một khối thù địch vững chắc của họ. Một số lãnh tụ phương Tây khi nói về phong trào Hồi giáo thế giới hợp nhất – đã ngu xuẩn đánh đồng những kẻ ly khai Chechen ở Nga, các loạn quân được người Pakistan ủng hộ ở India, các lãnh chúa Shiite ở Lebanon và những kẻ thánh chiến Sunni ở Egypt lại với nhau. Thực ra, một nhà chiến lược khôn ngoan sẽ nhấn mạnh rằng tất cả các nhóm này là khác biệt, với các kế hoạch hành động đều khác nhau, kẻ thù và đồng minh khác nhau. Như thế sẽ tước mất tính chất đại diện cho Hồi giáo mà họ thường tự nhận. Và như vậy cũng mô tả họ được như chính họ: những băng đảng địa phương nhỏ bé ôm ấp những mối hy vọng không thích hợp nhằm thu hút sự chú ý bằng con đường mọi rợ, vô chính phủ.

Các xung đột có liên hệ đến các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn dai dẳng, nhưng những xung khắc này có nhiều quan hệ đến những điều kiện địa phương đặc thù hơn là với các khát vọng của cả toàn cầu. Mặc dù Bắc Phi đã từng chứng kiến các khủng bố liên tục, đặc biệt ở Algeria, nhóm khủng bố chính ở đấy, nhóm Salafist Group for Call and Combat (viết tắt bằng tiếng Pháp là GSPC), là một phần của cuộc chiến tranh lâu dài giữa chính phủ Algeria và các lực lượng đối kháng Hồi Giáo vốn không thể chỉ được nhìn qua lăng kính của Al Qaeda hay cuộc thánh chiến chống Mỹ. Tương tự như thế với khu vực chính ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan, nơi rộng lớn đã từng có những tăng cường nguy hiểm trong sức mạnh của Al Qaeda. Chính ở nơi đây mà Bộ đầu não của Al Qaeda, nếu như từng có một thực thể như vậy, đã đặt căn cứ. Nhưng nhóm này đã có thể tự chống đỡ bất chấp những nỗ lực tối đa của quân đội NATO bởi vì chúng đã trốn lẩn sâu trong khu vực từ những năm tháng của chiến dịch chống Xô Viết. Quân Taliban, đồng minh của chúng, là những phong trào địa phương từng được ủng hộ lâu năm của người Pashtuns, một nhóm thiểu số có ảnh hưởng ở Afghanistan và Pakistan.

Cuối cùng là, trong sáu năm kể từ 9/11 Bộ đầu não Al Qaeda – nhóm được lãnh đạo bởi Osama bin Laden và Ayman Zawahiri – đã không thể thực hiện được một cuộc tấn công quan trọng ở đâu cả. Chúng là một tổ chức khủng bố quốc tế, giờ đã trở thành một tổ chức truyền thông, thỉnh thoảng sản xuất ra những cuốn video thay vì chủ nghĩa khủng bố thực sự. Thánh chiến vẫn tiếp tục, nhưng những chiến sĩ thánh chiến đã phải thử nghiệm, thực hiện với những mục tiêu tấn công nhỏ và hoạt động ở tầm mức địa phương - thường là thông qua những nhóm gần như không có liên hệ gì với Bộ đầu não Al Qaeda. Và chiến lược cải tiến này có sự yếu kém què quặt: sát hại những người địa phương, Do đó càng làm căm giận thêm người Hồi giáo bình thường - một tiến trình đã trở nên khá phổ biến ở những nước nhiều thay đổi như thể Indonesia, Iraq và Saudi Arabia. Trong sáu năm qua, sự ủng hộ dành cho bin Laden và mục đích của y đã xuống thấp trên khắp các nước trong thế giới Hồi giáo. Giữa những năm 2004 và 2007, con số đồng tình cho chiến thuật đánh bom tự sát - một con số luôn luôn thấp – đã tụt xuống hơn 50 phần trăm trong hầu hết các nước Hồi giáo. Có nhiều sự phản đối bạo lực và các Hồi giáo luật chống lại bin Laden hơn trước, từ cả những tu sĩ lỗi lạc ở Saudi Arabia. Có nhiều sự việc hơn sẽ phải xảy đến để hiện đại hóa xã hội Hồi giáo nhưng những người hiện đại hóa đã không còn quá sợ hãi. Cuối cùng họ đã nhận thức được rằng, bất chấp tất cả những lời hoa mỹ từ các trường đạo, các đền thờ, ít ai muốn sống dưới những trát lệnh của Al Qaeda. Những kẻ nhận thức được như thế, dù là những người ở Afghanistan hay Iraq, đã trở nên các đối thủ tận tụy nhất đối với Al Qaeda. Trái ngược với chủ nghĩa xã hội ở Xô Viết hoặc ngay cả chủ nghĩa phát xít trong những năm 1930, không một xã hội nào nhìn mẫu mực Hồi giáo với sự ngưỡng mộ hay ganh tỵ. Ở tầm mức ý thức hệ, nó cho thấy không có một đối thủ nào đối với kiểu mẫu bắt nguồn từ Tây phương về hiện đại mà các đất nước trên khắp thế giới đang theo đuổi.

(Còn tiếp)


I. TheoTed Robert và Monty G. Marshall, Peace and Conflict 2005: A Global Survey od Armed Conflicts, Self-Determination Movements, and Democracy, Center for International Development and Conflict Management, University of Maryland, College Park (June 2005)

II. Theo Steven Pinker, "A Brief History of Violence" (nói chuyện tại Hội nghị về Design, Entertaiment và Technology, ở Monterey Calif. Tháng Ba 2007).


(Tiếp theo)

Kỳ 3

Một loại kỹ nghệ nhà tranh vách đất về tung tin đồn nhảm nhí đã nở rộ ở phương Tây - đặc biệt là ở Hoa Kỳ - kể từ sau 9/11. Các giới chuyên gia đã loại suy tất cả những khuynh hướng nào họ không muốn, bỏ qua một bên những xem xét nghiêm túc về các dữ kiện. Nhiều nhà bình luận bảo thủ đã từng viết về tình trạng Hồi giáo hóa sắp xảy ra của Âu châu (họ đặt tên gọi là Eurabia để làm cho độc giả thêm bất an). Trừ những ước tính chính xác nhất từ tình báo Mỹ cho thấy là Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 3 phần trăm dân số ở Âu châu hiện nay và chỉ tăng đến 5 hoặc 8 phần trăm vào năm 2025, sau đó có lẽ sẽ ở trong tình trạng ổn định không tăng giảm nữa. Giới theo dõi này cứ để ý đến vẻ trầm ngâm của từng lãnh tụ Hồi giáo lập dị, để cuối ngày đi sao lục những lưu trữ cho mỗi gợi ý, rồi thu lại và phát hình vào các chương trình truyền hình tối khuya những suy tưởng của những kẻ điên loạn muốn tuyên dương những kẻ tử đạo. Tất cả nổ ra cơn giận dữ khi một tài xế taxi ở đâu đó từ chối không chịu chở một thùng rượu trong xe mình, vì y xem đó như sự khởi đầu của luật đạo Hồi ở phương Tây. Nhưng những hồi kịch này không phản ánh các chỉ hướng căn bản của thế giới Hồi giáo. Thế giới đó cũng đang hiện đại hóa, dù có chậm hơn các thế giới khác, và thế giới ấy đang có những người muốn trở nên các lãnh tụ trong các bạo loạn chống lại nó. Những người phản động trong thế giới Hồi giáo thì đông đảo hơn và cực đoan hơn những người phản động ở các nền văn hóa khác – vì thế giới này có những tính cách bất thường của nó. Nhưng những người này chỉ còn là một thiểu số nhỏ của một thế giới hơn tỉ người Hồi giáo. Và sự khinh xuất không để ý đến nội dung phức tạp mà một số các phán xét giả tôn giáo này đã thực hiện – như cuộc đấu tranh trong nội bộ quyền lực của Iran giữa những tu sĩ và các giới không phải là tu sĩ - dẫn đến những tiên đoán dựng tóc gáy nhưng ngu ngốc, như lời khẳng định tự tin của Benard Lewia rằng Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad dự định đánh dấu một ngày tốt trong lịch Hồi giáo (ngày 22 tháng tám, 2006) là ngày tận cùng của thế giới. (Vâng, ông ấy thực sự có viết như vậy).

Những người canh giữ ý thức hệ đã bỏ rất nhiều thì giờ với các tài liệu thánh chiến đến nỗi họ đã không nhìn thấy các xã hội Hồi giáo thực sự. Nếu tỉnh táo lại, hẳn họ sẽ nhìn thấy môt sự phẫn nộ đối với những người chính thống, niềm ao ước cho một nền hiện đại (chắc chắn với một số nhân cách và tự hào văn hóa) và một cuộc truy tìm cho những giải pháp thực tiễn - chứ không phải chỉ một đòi hỏi lớn lao về sự bất tử sau khi chết đi. Khi người Hồi giáo đi ra nước ngoài, họ đi lũ lượt hàng triệu người để đến xem sự nhộn nhịp tưng bừng của Dubai, chứ không phải để xem các dòng tu ở Iran. Cái thiểu số muốn thánh chiến là có thật, nhưng họ chỉ hoạt động trong khuôn khổ những tầng lớp xã hội, nơi các hành vi ấy rất bất bình thường và không rõ ràng.

Ở phương Tây, ảnh hưởng của khủng bố tan dần với mỗi đợt tấn công. Sau ngày 11 tháng 9, thị trường tài chính đã sụp đổ và không thể trở lại với mức của ngày 10 tháng 9 trong suốt hai tháng. Đến vụ nổ bom ở Madrid năm 2004, thị trường Tây Ban Nha chỉ cần một tháng để phục hồi lại. Sau cuộc đánh bom ở London tháng Bảy năm 2005, chứng khoán Anh quốc đã trở lại mức giá trước sự cố ấy chỉ trong hai mươi bốn giờ. Bức tranh kinh tế rộng lớn hơn cũng tương tự. Sau 9/11, Hoa Kỳ mất hàng trăm tỉ mỹ kim trong các hoạt động kinh tế. Trong cuộc tấn công lớn thứ nhì, vụ đánh bom ở hộp đêm Bali năm 2002, đã tạo ra một ảnh hưởng tương tự trong kinh tế Indonesia, bằng sự vắng bóng các du khách cùng các đầu tư, giao thương bị khô cạn trong nhiều tháng. Một năm sau, sau một cuộc đánh bom khác ở Indonesia, lần này là ở khách sạn Marriott tại Jarkata, thị trường chỉ suy giảm ngắn hạn, và kinh tế Indonesia chỉ bị tổn hại nhỏ. Các cuộc đánh bom ở Morocco và Turkey năm 2003 cũng chỉ gây hậu quả nhỏ tương tự. Các cuộc đánh bom ở Spain, năm 2004 và ở Anh năm 2005 không hề làm ảnh hưởng gì đến kinh tế phát triển.

Dĩ nhiên, mọi sự sẽ hết sức là khác đi nếu như một tổ chức khủng bố lớn có được các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân sẽ tạo nên hoảng loạn rộng khắp và một sự đổ vỡ lớn. Nhưng những vũ khí như thế thật khó có thể thủ đắc được hơn là nhiều người tưởng, và một nỗ lực kiên trì hơn từ Washington sẽ khiến cho điều này trở nên gần như không thể nào đạt đến được ở bất cứ số lượng nào. Khủng bố bằng hóa học có lẽ là đáng lo lắng nhất bởi vì sự dễ dàng tìm đến các tố chất sinh học, nhưng phân tán, di chuyển các tố chất này một cách hiệu quả thì khó khăn và có thể làm nản lòng những nhóm khủng bố. Và, không một giải thích nào ở đây nhằm đưa đến nhận định là các hành động chống khủng bố là không cần thiết, nhưng để muốn nói rằng, các chính sách cẩn trọng hơn, khôn ngoan hơn, tính toán hơn sẽ đưa đến thành công nhiều hơn.

Từ một số cách hiểu thầm lặng, công chúng đã nhận thức được rằng chính sách tốt nhất chống lại khủng bố là sự linh động. Chủ nghĩa khủng bố là một thứ bất bình thường trong ý nghĩa nó mà một chiến thuật quân sự được xác định chính ngay từ phản ứng đáp trả nơi những người mục kích. Nếu chúng ta không bị khủng hoảng thì khủng bố không có kết quả gì hết. Và, từ New York và London đến Mumbai và Jarkarta, công chúng đã học hiểu được sự thật này từ thực tiễn và cứ tiếp tục đời sống của mình dù là một đời sống giữa bất ổn. Một kịch bản có thể xảy ra nhất – hàng loạt những ba lô sau lưng hay những chiếc xe chất đầy bom ở Hoa Kỳ - có thể là một sự kinh hoàng, nhưng trong một vài tuần lễ sau, các ảnh hưởng của chúng sẽ phai nhạt dần và những hậu quả lâu dài có thể chỉ là tối thiểu. Giữa những xã hội phức tạp. rộng lớn và khỏe mạnh – nền kinh tế Mỹ hiện nay là 13 trillion – các vấn nạn, khó khăn ở một vài nơi chốn không dễ lan tỏa đến. Có lẽ nền văn minh hiện đại vững chắc hơn là như chúng ta từng nghi ngờ.

Các thử thách từ những quốc gia ngỗ nghịch cũng là thực, nhưng chúng ta nên nhìn chúng trong một tổng thể. GDP của Iran bằng 1/68 của Hoa Kỳ, chi tiêu quân sự của họ bằng 1/110 của Ngũ Giác Ðài. Nếu bây giờ là năm 1938, như nhiều người bảo thủ từng tranh cãi, thì Iran chỉ là đáng Romania chứ không phải là Đức Quốc. Bắc Hàn còn khánh tận và bất bình thường hơn thế. Mối đe dọa chính của Bắc Hàn – cái mà khiến chính phủ Trung Quốc phải mất ngủ - là nó sẽ bùng nổ và những người tị nạn sẽ tràn ngập khu vực. Đấy là sức mạnh hay sao? Những quốc gia này có thể đem đến các khó khăn trong khu vực chung quanh láng giềng của họ và cần phải được kiểm tra và kiềm chế, nhưng chúng ta phải nhớ rằng họ chỉ là một phần tương đối nhỏ trong một thế giới rộng lớn hơn. Hãy nhìn vào khu vực Châu Mỹ Latin. Venezuela là một quốc gia gây rối, những điều ấy có ý nghĩa gì? Chiều hướng lớn trong vùng - được minh họa bằng chính sách của các nước lớn như Brazil, Mexico và Chile – đã hướng đến các quản lý, giao thương thị trường tự do, và định hướng nhắm đến thế giới bên ngoài. Và chính khuynh hướng ấy là tiêu biểu cho chiều hướng của lịch sử chứ không phải những lời cường điệu rỗng tuếch của Hugo Chavez.

Cuộc Bành Trướng Vĩ đại

Sự bình lặng tương đối của ngày hôm nay có nền tảng từ một cấu trúc sâu vững. Trên khắp thế giới, các nền kinh tế đang lướt thắng lãnh vực chính trị. Cái mà các nhà phân tích ở Wall Street gọi là “rủi ro chính trị” thực không hề hiện hữu. Chiến tranh, các cuộc đảo chính và chủ nghĩa khủng bố đã mất đi rất nhiều khả năng để có thể làm trật bánh xe kinh tế về lâu dài. Một lần nữa xin nhắc lại rằng, tình hình này có thể không tồn tại mãi (và lịch sử cũng đã cho thấy như thế), nhưng đã chính là hoàn cảnh mà thế giới chúng ta đã được sống (yên bình) tối thiểu là qua một thập niên.

Đây không phải là lần đầu tiên mà những xáo động chính trị và phát triển kinh tế đến gần được với nhau. Có hai giai đoạn trước đây tương tự như tình hình hiện nay của chúng ta: thời kỳ phát triển nở rộ mở màn của thế kỷ vào những năm 1890 và 1900, và thời kỳ bùng phát sau chiến tranh vào những năm 1950 và đầu năm 1960. Trong cả hai thời kỳ này, nền chính trị thì xáo trộn nhưng kinh tế lại phát triển mạnh. Hai giai đoạn này có chung một đặc điểm: những quốc gia lớn gia nhập vào thị trường kinh tế thế giới, làm lớn rộng và thay đổi dạng hình của thị trường. Chiếc bánh đã phình to lớn ra đến mức lấn át tất cả những lệch lạc thường ngày.

Vào cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi, những nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh giữa các thế lực lớn ở Âu châu thì thường trực, lại bị khích động bởi những khủng hoảng ở vùng Balkans, bắc Phi và các điểm nóng khác. Nhưng kinh tế thế giới vẫn bùng phát bất chấp các cuộc chạy đua vũ trang và các điểm nóng báo động. Đây là thời đại của các cuộc chuyển dịch vốn đầu tư hết sức vĩ đại, từ Âu châu đến Tân thế giới. Khi Đức Quốc và Hoa Kỳ nhanh chóng kỹ nghệ hóa, họ trở thành hai trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những năm 1950 và đầu 1960, thường được xem như thời kỳ tĩnh lặng, nhưng thực tế vẫn có những lúc căng thẳng – xác định bởi những năm đầu của cuộc chiến tranh lạnh, các mối lo sợ về sự đối đầu giữa Liên Xô /Trung Quốc và cuộc chiến tranh ở Triều Tiên. Có những khủng hoảng giai đoạn – như ở eo biển Đài Loan, ở Congo, kênh đào Suez, vịnh con Heo, ở Việt nam - khiến đôi lúc đã lan rộng thành chiến tranh. Tuy nhiên, các nền kinh tế kỹ nghệ vẫn xuôi chèo mát mái vững vàng. Đây chính là thời kỳ vĩ đại thứ nhì của chuyển dịch tư bản, với tiền bạc của Hoa Kỳ rót vào Âu châu và Đông Á. Hậu quả là, Tây Âu đã tự tái thiết được từ đống tro tàn của thế chiến thứ Hai và Nhật Bản, một quốc gia đầu tiên không thuộc về Âu châu đã kỹ nghệ hóa thành công, tăng trưởng hơn 9 phần trăm một năm trong suốt hai mươi ba năm liền.

Trong cả hai giai đoạn, những "khủng hoảng thặng dư về cung cấp" (positive supply shock) này - một thuật ngữ kinh tế để chỉ sự gia tăng sản lượng trong một thời gian dài - tạo nên tình trạng tăng trưởng bền bỉ, kéo dài, khiến giá cả, lãi suất tụt thấp và sự gia tăng sản lượng trong ngày nơi các thị trường mới nổi (Đức, Hoa Kỳ và Nhật Bản). Ở khúc quanh của thế kỷ hai mươi, bất chấp sức nhu cầu tăng trưởng mạnh, giá lúa mì đã tụt giảm từ 20 đến 35 phần trăm ở Âu châu, nhờ các kho thóc ở Mỹ (tương tự, giá hàng hóa kỹ nghệ ngày nay tụt giảm bởi vì chi phí hạ ở Á châu, mặc dù nhu cầu vẫn tăng nhanh). Trong cả hai thời kỳ, những "tay chơi" mới tăng trưởng được nhờ xuất khẩu, nhưng ngay cả nhập khẩu cũng phát triển nữa. Giữa 1860 và 1914, nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng gấp năm lần, trong khi xuất khẩu tăng đến bảy lần.

Chúng ta đang sống qua cuộc bành trướng lần thứ ba của nền kinh tế toàn cầu và là cuộc bành trướng lớn nhất từ trước đến nay. Trải qua hai thập niên qua, vào khoảng hai tỉ con người đã gia nhập vào các thị trường giao thương buôn bán - một thế giới vốn cho đến gần đây đã là một tỉnh thành của một câu lạc bộ nhỏ của các quốc gia Tây phương. Cuộc bành trướng đã được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch của tư bản Tây phương vào Á châu và trải ra khắp thế giới. Kết quả, giữa những năm 1990 và 2007, kinh tế toàn cầu đã phát triển từ 22.8 trillion lên đến 55.3 trillion, giao thương quốc tế tăng 133 phần trăm. Các thị trường được gọi là thị trường mới nổi đã chiếm lĩnh hơn nửa sức tăng trưởng toàn cầu, và hiện nay họ được đánh giá như hơn 40 phần trăm của kinh tế toàn cầu căn cứ vào việc mua power parity (hoặc cao hơn 30 phần trăm mức giá chuyển đổi của thị trường). Sức phát triển không ngừng của những thành phần mới đang được thêm sức bởi thị trường của chính họ, không phải chỉ từ việc xuất cảng sang phương Tây - có nghĩa rằng đấy không phải là một hiện tượng chóng tàn.

Một số người đã xem nhẹ chiều hướng ấy bằng cách chú ý vào sự nổi dậy của Nhật Bản trong những năm 1980, khi người phương Tây lo sợ rằng người Nhật sẽ đến thống trị kinh tế thế giới. Điều ấy hoá ra là một sự lo lắng hão huyền. Nhật Bản thực ra là đã đi vào cuộc đình trệ mười lăm năm. Nhưng phép loại suy đã đánh lừa. Năm 1985, Nhật Bản đã là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. Nhiều giới chuyên gia tin rằng Nhật Bản đã ở trên con đường thay thế được Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng vì kinh tế của Nhật, các định chế và nền chính trị vẫn chưa hoàn toàn hiện đại hóa cho nên đất nước này đã không thực hiện được cú nhảy vọt cuối cùng. Ngược lại, Trung Quốc, vẫn còn là một quốc gia nghèo. Có thu nhập đầu người GDP chỉ $2500. Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn trong khi (và cho đến) lúc trở thành một quốc gia hạng nhất thế giới. Nhưng, đối với một tương lai có thể nhìn thấy trước được, Trung Quốc chắc chắn sẽ lo liệu được để tăng trưởng nền kinh tế của họ gấp đôi chỉ bằng cách cứ tiếp tục sản xuất đồ chơi, quần áo và điện thoại di động. Ấn Ðộ, tuy khởi đầu ở mức thu nhập thấp hơn, cũng sẽ có khả năng phát triển trong vài thập niên trước khi chạm phải những thử thách khiến đã từng làm đình trệ Nhật Bản. Ngay cả nếu như Trung Quốc và Ấn Ðộ không bao giờ có thể vượt đến được tình trạng thu nhập lợi tức trung bình, họ cũng hầu như trở nên những nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba trên toàn thế giới cho gần cả thế kỷ thứ hai mươi mốt.

Ấy là một sự tình cờ của lịch sử mà trong vài thế kỷ vừa qua, các quốc gia giàu nhất trên thế giới lại là những quốc gia có dân số thấp. Hoa Kỳ là nước có dân số cao nhất trong số đó, khiến đấy là lý do vì sao Hoa Kỳ đã là quân bài chủ. Nhưng sự thống trị ấy đã có thể có được chỉ trong một thế giới mà những quốc gia thực sự lớn rộng bị sa lầy trong sự nghèo khó, không thể hay không sẵn sàng đi theo được các chính sách có thể giúp họ phát triển. Hiện nay các nhà khổng lồ đang chuyển động, và tự nhiên, do có được sức vóc to lớn, họ sẽ có được những dấu ấn lớn mạnh trên bản đồ. Ngay cả nếu như một người trung bình ở những đất nước này vẫn còn như nghèo nàn so với các tiêu chuẩn Tây phương, thì tổng tài sản thịnh vượng của họ vẫn là hết sức lớn. Hay đặt vào các giải thích toán học: bất cứ con số nào, dù nhỏ đến đâu, sẽ là một con số lớn khi được nhân lên với 2.5 tỉ (ước lượng dân số của Trung Quốc và Ấn Ðộ cộng lại). Chính là hai nhân tố này - một khởi điểm nhỏ thấp và một dân số lớn lao - đã bảo đảm cho độ lớn và tính chất lâu dài của sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu.

Ba lực lượng: Chính trị, Kinh tế và Kỹ thuật

Làm thế nào mà tất cả những điều này đã xảy ra? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải trở lui một vài thập niên, đến những năm 1970, và nhớ lại phương cách mà hầu hết các quốc gia đã vận hành kinh tế của họ vào thời điểm ấy. Tôi còn nhớ không khí ấy một cách rõ ràng bởi vì tôi đã lớn lên ở Ấn Ðộ, một đất nước thực sự đã không nghĩ là mình đã có thể chơi cùng sân với Hoa Kỳ. Trong suy nghĩ của các bậc thức giả và chính sách của Ấn Ðộ, đã có một kiểu mẫu tư bản chủ nghĩa do Mỹ dẫn đạo ở một bên và một kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đạo ở đầu bên kia. New Delhi đã cố gắng để mở được một con đường trung dung giữa hai cực ấy. Trong bối cảnh này, Ấn Ðộ không phải là một sự khác thường. Brazil, Egypt và Indonesia - và thực tế là cả phần lớn của thế giới - cũng ở trên lối trung dung này. Nhưng rồi lối đi này đã trở thành một lối không đưa đến đâu, và điều này đã trở nên rõ ràng với nhiều dân chúng ở các xứ sở này vào cuối những năm 1970. Khi họ bị dậm chân tại chỗ thì Nhật Bản và một số nền kinh tế Đông Á đã lập thành một tiến trình tựa như chủ nghĩa tư bản, đã thành công hiển hiện trước mắt, và do đó, các bài học bắt đầu thấm sâu vào.

Tuy nhiên cơn động đất từng khuấy động tất cả chính là sự xụp đổ của Liên Bang Xô Viết vào cuối những năm 1980. Với các kế hoạch trung ương hoàn toàn mất uy tín và một đầu kia của trục cân bằng chính trị bị tàn rụi, tất cả cân nhắc đã dịch đổi. Thình lình, chỉ còn có một lối tiếp cận căn bản để tổ chức kinh tế của một đất nước. Đấy là lý do vì sao Alan Greenspan đã mô tả sự xụp đổ của Xô Viết như một biến cố kinh tế hạt giống của thời đại chúng ta. Kể từ đấy, bất chấp tất cả những sự phiền phức về các kế hoạch giải phóng, thị trường hóa, một phương hướng chung đã chưa được thay đổi. Như Margaret Thatcher từng đưa ra nhận xét nổi tiếng là "không còn lựa chọn nào khác" trong những năm bà đang tái sinh nền kinh tế Anh Quốc.

Sự thay đổi ý thức hệ trong kinh tế đã từng được xây dựng lên trong những năm 1970 và 1980, ngay cả trước sự xụp đổ của bức tường Bá Linh. Các kiến thức kinh tế truyền thống, hiện thân trong những tổ chức như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới đã trở nên quá khó khăn cho những đất nước có con đường gần giống xã hội chủ nghĩa như Ấn Ðộ. Những chuyên viên thông thái như Jeffrey Sachs đã đi khắp thế giới để thuyết phục các chính phủ tự do hóa, tự do hóa và tự do hóa nền kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp các chương trình kinh tế của Tây phương, như nhóm "Chicago boys" của Chile đã về nước triển khai những chính sách thị trường thân thiện. Một số quốc gia đang phát triển từng lo lắng về việc trở thành loại chủ nghĩa tư bản tham lam, Sach nhớ lại đã từng giải thích cho họ hiểu rằng họ cần phải cân nhắc hết sức kỹ càng để hoặc trở nên những nước như Thụy Điển, Pháp hay Hoa Kỳ. Nhưng, ông cũng đã nhớ lại thêm, là họ đã không phải lo nhiều đến việc quyết định lựa chọn: bởi vì hầu hết các nước ấy đều gần với Liên Xô hơn.

Lực lượng tài chính tăng cường sức mạnh cho thời đại mới là sự di chuyển đồng vốn tự do. Điều này cũng là một hiện tượng tương đối mới xảy ra. Thời kỳ hậu thế chiến thứ hai là một thời kỳ của trao đổi hối đoái không thay đổi. Đa số các nước Tây phương, bao gồm Pháp và Ý, có những khống chế đồng vốn giới hạn đến sự di chuyển đồng tiền ra vào biên giới. Giá trị đồng Mỹ kim trụ ở vàng. Nhưng khi giao thưong thế giới phát triển, các tỉ xuất cố định tạo nên các ma sát, các sự thiếu hiệu quả khiến ngăn cản việc đưa đồng vốn tư bản vào các sử dụng tối ưu. Hầu hết các nước Tây phương đã tháo gỡ những khống chế trong các năm 1970 và 1980. Kết quả là, một lượng cung ứng tư bản tăng trưởng không ngừng khiến có thể di chuyển tự do từ nơi này đến nơi khác. Ngày nay, khi nghĩ đến toàn cầu hóa, người ta vẫn còn nghĩ về nó trong ý nghĩa của những lượng tiền khổng lồ - lượng tiền bạc trao đổi qua lại là vào khoảng 2 trillion mỗi ngày - dốc chảy quanh thế giới, tạo nên phần thưởng cho một số nước này nhưng lại là hình phạt cho một số nước khác. Đấy chính là cơ chế có tính thiên đàng của toàn cầu hóa cho cuộc đấu trường.

Song song với sự di chuyển tư bản tự do còn đi theo một cuộc cách mạng về chính sách: sự lan rộng của các ngân hàng trung ương độc lập và sự chế ngự lạm phát. Siêu lạm phát là cơn bệnh kinh tế tệ hại nhất khiến có thể làm sụp đổ một nhà nước. Lạm phát siêu có thể xoá sạch giá trị đồng tiền, của cải tiết kiệm, tài sản và do vậy cả những công lao làm việc. Lạm phát siêu còn tệ hại hơn cả một cuộc suy thái nặng nề. Nó cướp đi tất cả những gì bạn đang dành dụm trong hiện tại, trong khi suy thoái chỉ cướp mất những gì bạn có thể có được (tiêu chuẩn sống cao hơn nếu như kinh tế phát triển). Đó là nguyên nhân vì sao lạm phát siêu thường làm đổ nhào các chính phủ hặc đưa đến cách mạng. Chẳng phải cuộc Đại suy thoái đã đưa Nazis lên ngôi mà chính là lạm phát siêu đã tiêu hủy thành phần trung lưu bằng cách khiến cho tài sản dành dụm của họ giá trị ít đi.

Hiếm người có thể nhìn lại một cuộc chiến tranh vốn đã thắng lợi một cách quá dứt khoát. Vào cuối những năm 1980, hàng chục những quốc gia quan trọng và lớn đã bị vây chặt bởi lạm phát siêu. Ở Argentina, mức lạm phát siêu là 3.500 phần trăm, Brazil là 1.200 phần trăm và ở Peru là 2.500 phần trăm. Trong những năm 1990, lần lượt hết nước này đến nước khác trong những quốc gia đang phát triển này di chuyển một cách lễ phép đến các nguyên tắc kỷ cương của tiền tệ và tài chính. Một số quốc gia chấp nhận nhu cầu thả nổi đồng tiền của mình; một số khác liên kết tiền tệ của mình với đồng Mỹ kim và Euro. Kết quả là, ngày hôm nay chỉ có mười hai quốc gia có mức lạm phát hơn 15 phần trăm, và hầu hết những nước này là những quốc gia thất bại như Haiti, Burma và Zimbabue. Tiêu chuẩn rõ rệt của tỉ lệ lạm phát thấp này là quan yếu đối với ổn định chính trị và cơ đồ kinh tế của các nước đang nổi lên.

(Còn tiếp)



i Theo Kevin H. O'Rpurke, "The European Grain Invasion, 1870-1913", Journal of Economic History 57 No. 4 (Dec., 1997): tr. 775-801.

ii Cho một cuộc bàn luận hay và có thể tìm đến được về "possitive supply shock" của cuối thế kỷ mười chín hãy đọc Gary Saxonhouse, "The Intergration of Giants inti the Global Economy", AEI: Asian outlook, no. 1 (31 Tháng Một , 2006).



(Tiếp theo)

Kỳ 4: Tách nước đầy
Song song với những yếu tố về chính trị, kinh tế di chuyển các nước đến một đồng thuận mới này là hàng loạt các phát kiến kỹ thuật mới giúp thúc đẩy vào cùng một hướng đi. Ngày nay, thật khó để có thể nhớ lại đời sống của những ngày tối tăm những năm 1970, khi tin tức không chuyển đạt tức thời được như hiện nay. Nhưng vào những năm 1990, các biến cố xảy ra ở mọi nơi chốn – ở Đông Bá Linh, Kuwait, Quảng trường Thiên An Môn – đã được truyền đi sống thực ở mọi nơi. Chúng ta thường nghĩ về tin tức phần lớn như chính trị. Nhưng giá cả cũng là một loại tin tức, và cái năng lực loan truyền giá cả tức thì và trung thực xuyên qua toàn cầu đã kích hoạt một cuộc cách mạng khác về tính hiệu quả. Ngày nay, kiểm tra giá cả hàng hóa trên mạng internet trong vài phút là một công việc có tính thường nhật. Hai mươi năm trước, đó là một công việc đánh giá rất lớn lao bởi vì những so sánh giá cả tức thời ấy hết sức là khó khăn.

Sự bành trướng của truyền thông liên lạc mang ý nghĩa là thế giới trở nên liền lạc với nhau hết sức sâu sắc và trở nên “phẳng”, theo diễn tả nổi tiếng của Thomas Friedman. Chi phí điện thoại thấp và sóng trải rộng (broadband) tạo dễ dàng cho thiên hạ làm việc cho một quốc gia này từ một xứ sở khác – đánh dấu một giai đoạn kế tiếp của câu chuyện đang xảy ra về chủ nghĩa tư bản. Với sự xuất hiện của những thương thuyền lớn vào thế kỷ thứ mười lăm, hàng hóa đã trở nên di động. Với hệ thống ngân hàng hiện đại trong thế kỷ mười bảy, tư bản trở nên di động. Trong những năm 1990, lao động cũng trở thành di động. Người ta đã không cần thiết phải đi đến nơi nào có việc làm, mà việc làm có thể đến được nơi con người ở. Và thế là đã đi đến sự việc các thảo trình viên ở Ấn Ðộ, điện thoại viên ở Phi Luật Tân và các chuyên viên X quang ở Thái Lan. Chi phí vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đã từng tụt thấp trong nhiều thế kỷ. Với sự ra đời của sóng trải rộng, chi phí này xuống đến số không trong rất nhiều dịch vụ. Không phải tất cả mọi công việc đều có thể đẩy ra làm ở bên ngoài – không phải vì thử mà không thành công – nhưng ảnh hưởng của sự chuyển dịch công việc ra ngoài có thể được cảm nhận thấy ở mọi nơi chốn.

Trong một cách giải thích, đây chính là cách mà nền giao thương đã luôn được vận hành – thí dụ như các nhà máy vải sợi ở Đế quốc Anh dịch chuyển sang Nhật vào đầu thế kỷ mười tám. Nhưng các phương tiện truyền thông liên lạc liên tục và tức thì mang ý nghĩa là tiến trình vận hành này đã được tăng tốc hết sức cao. Một nhà máy may mặc ở Thái Lan có thể được điều hành gần như thể là nhà máy ấy nằm ngay ở Hoa Kỳ. Ngày nay các công ty sử dụng hàng chục quốc gia khác như một dây chuyền mua, sản xuất, lắp ráp, tiếp thị và bán hàng hóa.

Kể từ những năm 1980, ba lực lượng chính này – chính trị, kinh tế và khoa học kỹ thuật - đã cùng tạo lực đẩy để tạo nên một môi trường quốc tế, liên kết và mở rộng hơn. Nhưng cũng đồng thời cho phép các quốc gia mọi nơi những cơ hội mới mẻ để khởi sự leo lên những bậc thang của sự phát triển và thịnh vượng.

Hãy nhìn cuộc thay đổi lớn lao của hai quốc gia tiêu biểu (không thuộc châu Á). Hai mươi năm trước, Brazil và Turkey từng được xem như những nước “đang phát triển” điển hình, với mức phát triển trì trệ, lạm phát phi mã, nợ nần chồng chất, một khu vực tư nhân xanh xao vàng vọt và một hệ thống chính trị yếu kém. Ngày nay, cả hai đã quản lý tốt và kiêu hãnh về mức lạm phát thấp lịch sử của họ, tỉ số tăng trưởng mãnh liệt, mức nợ tụt giảm, khu vực tư nhân lớn mạnh và các định chế dân chủ không ngừng ổn định hơn. Hiện nay, tỉ lệ lạm phát của Brazil thấp, lần đầu tiên trong lịch sử, gần ngang bằng với tỉ lệ lạm phát của Hoa Kỳ. Brazil và Turkey vẫn còn những khó khăn - quốc gia nào không có khó khăn ?- nhưng họ đúng là những quốc gia đang vươn lên.

Các thị trường đã thay đổi nhận thức của họ về những đất nước này. Gánh nợ của họ không còn nguy hiểm hơn những gánh nợ ở các nước lớn. Thực tế, nhiều thị trường mới nổi còn đang chồng chất cao thêm thặng dư, nhiều đến nỗi các nước này đang giữ đến 75 phần trăm nguồn dự trữ trao đổi ngoại tệ của cả thế giới. Riêng Trung Quốc có trên 1.5 trillion mỹ kim. Godman Sachs đã tiên đoán rằng, đến năm 2040, 5 nước có thị trường mới nổi – Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil và Mexico - sẽ có sản lượng kinh tế lớn hơn các nước G-7, những nước Tây phương vốn từng thống trị toàn cầu trong nhiều thế kỷ.

Những vấn nạn của sự Sung túc
Trong hai thập kỷ qua chúng ta đã tốn rất nhiều thời gian, năng lực và sự quan tâm để lo lắng về chủ nghĩa khủng bố, những cơn khủng hoảng, sụp đổ trong kinh tế toàn cầu, những đe dọa về vũ khí hạch nhân và chiến tranh trong địa lý chính trị. Điều này là sự tự nhiên - bởi vì đề phòng tình huống xấu cũng là cách để ngăn ngừa. Và chúng ta thực cũng đã có những tin không lành - từ các cuộc chiến tranh ở vùng Balkans và Phi châu, đến nạn khủng bố trên toàn thế giới, khủng hoảng kinh tế ở khu vực Đông Á, Nga, và -nguy hiểm nhất- khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên nếu chú trọng vào sự nở rộ cũng sẽ đặt chúng ta đến sự thiếu chuẩn bị đến rất nhiều vấn nạn lớn lao mà chúng ta phải đối diện: đó là những sản phẩm của sự công thành chứ không phải của sự thất bại. Cái thực tế mà chúng ta đang sống trong một thế giới của sự phát triển toàn cầu một cách đồng bộ, đa phần là những tin tốt lành, nhưng đồng thời sự phát triển này cũng sinh ra một loạt những sự việc phức tạp và những tình huống khó khăn có tiềm năng chết người.

Phát triển toàn cầu là chủ đề lớn lao cho thời đại chúng ta. Sự phát triển này giải thích được sự tăng cao tính lưu chuyển của thị trường - các núi tiền không ngừng chất cao hơn đang di chuyển quanh thế giới - đã giữ cho tín dụng được thấp và tài sản (bao gồm bất động sản, chứng khoán và cổ phiếu) được cao. Cùng lúc ấy, sự nở rộ các nước lao động rẻ đã giữ cho lạm phát không tăng quá nhanh. Có một cách để nghĩ về Ấn Ðộ và Trung Quốc như là hai cỗ máy giải lạm phát vĩ đại, bơm hàng hóa (từ Trung Quốc) và các dịch vụ (từ Ấn Ðộ) ra cho một chi phí vốn sẽ tốn kém tương tự nếu phải sản xuất ra ở Tây phương . Đây là một trong những lý do chính mà các ngân hàng trung ương đã không lo lắng gì nhiều về lạm phát và đã có thể duy trì được mức lãi suất thấp trong gần hai thập niên, một thời gian tương đối dài một cách khác thường. Dĩ nhiên, lãi suất và tín dụng thấp cũng khiến con người hành động dại dột, tham lam, tạo nên những hiện tượng bấp bênh trong chứng khoán, nhà đất, nợ nhà dưới chuẩn hoặc sát nhập vốn thị trường - những bong bóng trước sau gì cũng sẽ nổ tung. Khi thế giới trở nên liên kết với nhau nhiều hơn và các công cụ tài chính trở nên quyến rũ hơn, nhiều nhà quan sát đã lo ngại rằng chu kỳ đoan chính của sự phát triển và lòng tin sẽ biến thành một chu kỳ xấu xa của hoảng loạn và suy thoái. Tuy nhiên, cho đến nay, dù việc tháo gỡ những cơn khủng hoảng là cực kỳ đau đớn, nhưng những nguồn phát triển mới khác nhau và những khối luợng tư bản khổng lồ đã mang lại cho hệ thống kinh tế toàn cầu khả năng phục hồi trên tổng thể.

Hãy xem giá dầu tăng. Cuộc khủng hoảng xăng dầu vô duyên (làm sao diễn tả khác hơn được thập niên 2000 đến 2010?) đã là một cuộc khủng hoảng khác hẳn những cơn khủng hoảng trước đó. Trong quá khứ, giá dầu tăng vì những nhà sản xuất dầu hỏa - OPEC - tạo nên các giới hạn giả tạo nguồn cung cấp dầu khiến giá xăng dầu tăng lên. Vào những năm qua, ngược lại, giá dầu tăng vì nhu cầu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ và các thị trường mới nổi khác, cũng như nhu cầu khổng lồ không ngừng tăng lên từ thế giới các nước đang phát triển. Nếu giá tăng vì kinh tế tăng trưởng, có nghĩa là các nền kinh tế có được sức lực và khả năng mềm dẻo để chịu được giá tăng bằng cách gia tăng sản xuất lên (và, đến một giới hạn nhỏ hơn, là chuyển chi phí ấy qua người tiêu thụ). Kết quả là, những đợt tăng giá dầu vô duyên ấy đã được tiêu hóa một cách dể dàng. Nếu như chúng ta đã tham vấn nhà tiên tri của chúng ta từ năm 2001 để đánh giá các hậu quả của việc giá dầu hỏa tăng gấp bốn lần hơn, chắc hẳn ngài đã tiên đoán ngay một cơn khủng hoảng toàn cầu thê thảm sẽ phải xảy đến.

Không phải chỉ có dầu hỏa đã trở nên đắt đỏ. Các giá cả hàng hóa khác đang ở mức cao nhất trong suốt 200 năm qua. Tất cả các loại nguyên liệu thô cũng tăng giá. Sản phẩm nông nghiệp hiện nay đắt đến mức các quốc gia đang phát triển hiện đang phải đối đầu với một vấn nạn chính trị gia tăng của việc làm thế nào giải quyết nạn phá giá thực phẩm. Chi phí xây dựng cũng nổ tung ra suốt từ Nữu Ước đến Dubai và Thượng Hải. Ngay cả loại nhiên liệu khiêm tốn, khí helium, vốn được xử dụng không chỉ trong việc bơm bong bóng nơi các hội hè đình đám mà còn trong thiết bị quét sóng y học (MRI) và trong các nhà máy sản xuất microchip, cũng bị thiếu hụt trên toàn cầu - và đó vốn là loại nguyên tố phong phú đứng hàng thứ nhì trong vũ trụ. Những sức ép này chắc chắn đến lúc nào đấy sẽ kết thúc thời đại lạm phát thấp vốn đang nâng dậy cho thịnh vượng của toàn cầu.

Trong khi đó, sự phát triển quá mạnh mẽ cũng mang đến những điều bất bình thường. Trong khuôn khổ của một thế giới có kỷ luật và không ngừng toàn cầu hoá, một số quốc gia - những quốc gia vốn được phú cho các quặng mỏ nguyên liệu thiên nhiên, đặc biệt là nguyên liệu dầu hỏa và khí thiên nhiên - đang hưởng được những cuộc chơi miễn phí. Họ đang bay lượn theo cơn sóng của cuộc tăng trưởng toàn cầu, trở nên giàu có mà không phải tuân thủ hầu hết các lề luật đang điều phối nên kinh tế toàn cầu. Hiện tượng này thật lạ thường nhưng đã là sự phát triển thành công không tránh khỏi của mọi người. Những quốc gia này thực là các thiên đàng phi thị trường trong một thế giới thị trường.

Hãy thử nghĩ đến những thử thách chính trị có tính nguyên tắc đối với Hoa Kỳ và các tư tưởng phương Tây về nền trật tự quốc tế. Ở Trung Ðông, các thử thách này đến từ Iran, ở châu Mỹ Latin từ Venezuela và từ Nga từ vùng Đông Á. Tất cả các nước này đều có được các sức mạnh mới có được nhờ vào dầu hỏa. Khó có thể tưởng tượng ra năng lực thách thức thế giới của Sudan ở Darfur nếu không có trữ lượng dầu hỏa. Kỹ nghệ khai thác dầu mang đến một khối lượng tiền lòa mắt. Trong năm 2006 Iran đã kiếm được đến 50 tỉ mỹ kim - đủ để chia chác ban phát cho các thành phần ưa thích, mua chuộc quân đội, và duy trì được quyền lực mà vẫn còn dư ra để khiêu khích các bất ổn ở quốc ngoại. Tình hình này gần như không thể thay đổi. Chừng nào các quốc gia khác còn thịnh vượng phát triển, các quốc gia giàu có về trữ lượng thiên nhiên này sẽ còn phát đạt. Đấy là quy luật âm dương của nền toàn cầu hóa ngày nay.

Không phải tất cả các quốc gia giàu trữ lượng đều ma mãnh xỏ lá cả, và cái không khí cai quản kinh tế tốt đã đưa một số quốc gia đến việc sử dụng sự thịnh vượng của mình một cách khôn ngoan hơn trước đây. Canada đang trở thành một quốc gia quyền lực chính nhưng vẫn hành xử một cách hết sức có trách nhiệm. Vùng Vịnh, nơi tuôn chảy phần lớn các tài sản dầu hỏa, đang đầu tư nhiều lợi nhuận của mình vào kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở, hơn là bỏ vào các ngân hàng Thụy Sĩ và các sòng bạc ở Monte Carlo (mặc dù chắc cũng có bỏ vào đấy ít nhiều). Dubai đã trở nên một trung tâm xuất nhập khẩu và phân phối dễ dàng, thoải mái, điều hành có hiệu quả, như một thứ Singapore của vùng Trung Ðông. Những quốc gia khác ở vùng Vịnh hiện đang cố gắng ganh đua với thành công của Dubai. Saudi Arabia, vốn có nhiều thập niên quản lý kém tài sản vĩ đại của họ, đang có kế hoạch đầu tư 70 tỉ mỹ kim vào các dự án hóa dầu (petrochemical), nhằm trở thành nhà sản xuất hóa dầu hàng đầu vào năm 2015. Các quốc gia vùng Vịnh đã đầu tư 1 ức (trillion) mỹ kim vào các loại đầu tư vốn tư bản trong năm năm vừa qua, và công ty McKinsey and Company đã ước tính rằng họ sẽ đầu tư 2 trillion nữa trong một thập niên sắp đến. Đây là hình thức nhà nước chỉ đạo trực tiếp của chủ nghĩa tư bản, khiến sẽ có khả năng dẫn đến hậu quả phát triển hạn hẹp và sẽ không mang lại được một nền phát triển tự lực (dù cũng đã có những môi trường nhà nước chỉ huy mạnh mẽ từ chủ nghĩa tư bản Á châu và Âu châu). Nhưng những hình thức này tương tự với hình thức tư bản toàn cầu hơn là hệ thống kinh tế ở những quốc gia này - từ Nga đến Saudi Arabia - vào thế hệ trước đây.

Vấn nạn gay gắt nhất của sự sung túc là tác động của phát triển toàn cầu về các tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Thật hoàn toàn không phải là một sự cường điệu khi nói rằng thế giới đang cạn dần nguồn khí sạch, nước uống, sản phẩm nông nghiệp và nhiều loại sản phẩm có tính sống còn. Một số vấn nạn này có thể sửa chữa được - bằng cách gia tăng tính hiệu quả và khai triển các nguồn cung cấp mới - nhưng tiến độ quá chậm. Thí dụ như, sản phẩm nông nghiệp đang tăng lên. Nhưng để nuôi ăn một dân số toàn cầu vốn sẽ đạt đến 8 tỉ người vào năm 2025, trên các cánh đồng, chúng ta cần thu hoạch được 4 tấn cho mỗi hectare thay vì chỉ 3 tấn như hiện nay. Tương tự, khả năng bảo quản nước sạch của chúng ta không kịp với đà tiêu thụ. Dân số thế giới tăng gấp ba lần vào thế kỷ 20 trong khi nhu cầu nước dùng tăng 6 lần hơn. Người Mỹ sử dụng hơn bốn trăm lít nước mỗi ngày để uống, nấu ăn và tắm rửa. Ngày nay, dân chúng ở các nước nghèo may mắn có được bốn mươi lít, nhưng nếu các nước này trở nên giàu có hơn, nhu cầu của họ sẽ gây ra áp lực lớn hơn . Xung đột bằng bạo lực vì nước uống đã nổ ra ở Phi châu và Trung đông; nếu trong tương lai, nguồn nước bị khô cạn đi, hàng triệu con người sẽ buộc phải bắt đầu chuyển động.

Trong thập niên vừa qua, nhiều tiên đoán về các hậu quả của sự thay đổi khí hậu đã tỏ ra thiếu chính xác bởi vì sự phát triển toàn cầu đã vượt quá tất cả các dự án. Đánh giá gần đây nhất của Uỷ ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu được đưa ra vào giữa năm 2007. Các khoa học gia đã chỉ cho thấy rằng, đến cuối năm nay, vùng bắc cực sẽ tan chảy gấp hai lần hơn là bản đánh giá này đã đưa ra . Còn nhu cầu lớn về điện lực nữa, nhiều xe hơi, nhiều máy bay hơn là bất cứ ai có thể tưởng tượng ra vào mười lăm năm trước. Viện McKinsey Global Institution đã dự đoán, từ năm 2003 đến 2020, tổng số xe hơi ở Trung Quốc sẽ tăng từ 26 triệu chiếc lên đến 120 triệu chiếc. Và còn cả những nước còn lại như Ấn Ðộ, Nga và vùng Trung Ðông nữa.

Nhu cầu về điện lực được dự liệu là sẽ tăng hơn 4 phần trăm một năm trong nhiều thập niên. Và điện lực lại sẽ có được phần lớn từ nguồn than đá, loại nhiên liệu bẩn nhất từng sẵn có. Than đá thì rẻ và phong phú, do đó thế giới trông cậy vào đấy để làm ra hầu hết nguồn điện lực của mình. Để có thể hiểu được tác động của việc địa cầu bị hâm nóng, hãy suy nghĩ đến sự thật này. Giữa 2006 và 2012, Trung Quốc và Ấn Ðộ sẽ xây dựng tám trăm nhà máy điện chạy than nữa - với lượng khí thải CO2 là 5 lần hơn tổng số tiết kiệm được của thỏa ước Kyoto.

Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Quốc gia

Trong một thế giới toàn cầu hóa, hầu như tất cả các khó khăn đều đổ tràn qua khỏi các biên giới của mỗi nước. Dù cho đấy là vấn nạn của chủ nghĩa khủng bố, phát triển hạt nhân, bệnh tật, hủy hoại môi trường, khủng hoảng kinh tế hay khan hiếm nước dùng, không một vấn đề nào có thể giải quyết mà không có sự hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên khi kinh tế, thông tin và ngay cả văn hóa có thể trở thành toàn cầu hóa thì quyền lực chính trị chính thức vẫn kết chặt vào quốc gia, dù cho các nhà nước-quốc gia có trở nên thiếu khả năng giải quyết những vấn nạn này một cách đơn phương. Và các nhà nước-quốc gia càng gia tăng sự thiếu thiện chí để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung. Khi một số những thành phần tham dự - thuộc về các chính phủ hoặc không chính phủ - tăng lên và quyền lực cũng như sự tự tin của mỗi bên đều phát triển hơn thì các triển vọng của những hợp tác và hành động chung lại bị giảm đi. Đấy chính là thử thách quan trọng cho sự vươn lên của những thành phần còn lại - để ngăn cản sức mạnh của công cuộc phát triển toàn cầu không trở thành loại sức mạnh của sự tan rã và vô trật tự.

Cuộc vươn lên của lòng tự hào cùng niềm tự tin ở những quốc gia khác, đặc biệt là ở những quốc gia lớn nhất và thành công nhất thì rất rõ ràng. Đối với tôi, điều này đã được minh hoạ môt cách sống động tại một quán cà phê internet vào một vài năm trước ở Thượng Hải, khi tôi có dịp trò chuyện với một viên giám đốc trẻ tuổi. Ông ta đã diễn tả sự phát triển vô cùng tuyệt diệu đang xảy ra trên đất nước mình và một nền tương lai trong đó có một Trung Quốc thịnh vượng và hiện đại. Ông ta cư xử và trang phục hoàn toàn theo lối Tây phương, nói tiếng Anh xuất sắc và có thể nói chuyện rất tự tin, thoải mái về các chiều hướng thương mại mới nhất cùng những tin đồn đãi tầm phào về văn hóa Hoa Kỳ. Ông ta trông đúng là một sản phẩm tiêu thụ của nền toàn cầu hóa, một con người bắc cầu những nền văn hóa và tạo cho thế giới thành một nơi chốn quốc tế và nhỏ hẹp hơn. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện về Đài Loan, Nhật Bản và Hoa Kỳ, phản ứng của ông đầy cáu gắt. Ông ta đã giải thích với một giọng nóng giận là Trung Quốc sẽ xâm lăng tức khắc nếu Đài Loan dám tuyên bố độc lập. Ông cho rằng Nhật Bản là một quốc gia gây hấn và không bao giờ có thể tin được. Ông tin chắc rằng chính Hoa Kỳ đã cố tình bỏ bom toà đại sứ Trung Quốc trong thời gian chiến tranh ở Kosovo năm 1999 nhằm đe dọa người Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự của mình. Và còn tiếp tục nhiều chuyện khác nữa. Tôi có cảm giác như mình đang ở Berlin vào năm 1910, nói chuyện với một chuyên gia người Đức trẻ tuổi, người mà trong thời gian ấy vừa là một người hiện đại vừa là một người hoàn toàn quốc gia chủ nghĩa.

Các vận hội kinh tế xuất hiện, chủ nghĩa quốc gia cũng lên cao. Điều này có thể hiểu được. Thử tưởng tượng quý vị sống trong một đất nước từng nghèo khổ và bất ổn trong hàng trăm năm. Và rồi cuối cùng mọi chuyện thay đổi, đất nước mình đang trên đà đi lên. Chắc chắn quý vị phải tự hào và phấn khích mà chứng kiến. Nỗi khát khao được nhìn nhận, được tôn trọng đang trào dâng khắp thế giới. Trông có vẻ nghịch lý là công cuộc toàn cầu hóa hiện đại hóa kinh tế đang nuôi dưỡng loại chính trị có tính quốc gia chủ nghĩa, nhưng điều ấy đúng như thế nếu chúng ta nhìn chủ nghĩa quốc gia như một ý thức hệ lạc hậu nên đáng bị xoá bỏ đi bởi tiến trình của những nhịp bước tiến quân về phía trước.

Chủ nghĩa quốc gia đã luôn từng gây bối rối cho người Mỹ. Khi Hoa Kỳ tham dự phần mình vào thế giới bên ngoài, đất nước này luôn tin tưởng rằng mình thực sự chân thành muốn giúp các nước khác được tốt đẹp hơn cho chính họ. Từ Phi Luật Tân, Haiti đến Việt Nam và Iraq, các phản ứng đối với những nỗ lực của Mỹ từ người dân địa phương đã khiến người Mỹ ngạc nhiên. Người Mỹ có lòng tự hào chính đáng từ xứ sở của mình – chúng ta gọi đó là lòng yêu nước - để rồi lại giật mình sững người khi các dân tộc khác gìn giữ và tự hào về những điều chính đáng của họ.

(Còn tiếp)

i. Xem bản khảo sát từ báo Economist về "The New titans" trong số ngày 14 tháng Chín, 2006.
ii. Theo Michael Specter, "The Last Drop", The New Yorker, số ngày 23 tháng Mười, 2006.
iii. Theo Larry O'Hanlon, "Artic Ice Melt Gets Stark Reassessment", Discovery News, số ngày 6 tháng Chín, 2007, có sẵn tại http://dsc.discovery.com/news/2007/09/06/article_pla.html?category=earth.



Kỳ 5: Một tách nước đầy

Trong những ngày tháng mệt mỏi xanh xao của chế độ cai trị Thực dân Anh ở Ấn Ðộ, vị tổng trấn cuối cùng của họ, ngài Louis Mountbatten, đã quay lại Mahatma Gandhi, nhà lãnh tụ Ấn Ðộ vĩ đại và nói trong sự bực tức rằng “Nếu chúng tôi chỉ cần rời khỏi đất nước này, loạn lạc sẽ xảy ra tức khắc”, Gandhi trả lời “Vâng đúng thế, nhưng đấy sẽ là những loạn lạc của riêng chúng tôi”. Cái cảm giác được cai trị bởi “chính mình”, không bị ai can thiệp vào, là một cảm giác mạnh mẽ trong các quốc gia đang vươn lên, đặc biệt đối với những quốc gia từng là thuộc địa, hay gần như thuộc địa của phương Tây.

Zbigniew Brzezinski vừa kêu gọi chú ý đến điều mà ông gọi là một “thức tỉnh chính trị toàn cầu”. Ông muốn nói đến các niềm đam mê cực lớn đang dâng lên, nung đốt bởi nhiều sức mạnh khác nhau – thành công về kinh tế, tự hào quốc gia, học vấn cao, thông tin minh bạch, lớn hơn và các ký ức của quá khứ. Brzezinski đã lưu ý các khía cạnh đạp đổ của sức mạnh mới này. “Dân số của đa phần các nước đang phát triển đang quấy động một cách chính trị và ở nhiều nơi đang sùng sục không ngơi nghỉ”. Đấy là ý thức sâu sắc về bất công xã hội ở một mức độ chưa từng thấy … [và điều này] đang tạo nên môt cộng đồng của những nhận thức chung và niềm ganh tỵ có thể bị kích động và thách thức bởi loại chính trị mị dân và các đam mê tôn giáo. Những năng lực này sẽ chuyển hóa ra bên ngoài các biên giới, phô bày một thử thách đến cả những đất nước đang có cũng như thứ tự tôn ti toàn cầu đang hiện hữu và Hoa Kỳ vẫn đang ngự trên hệ thống tôn ti ấy”.

Trong nhiều quốc gia bên ngoài thế giới phương Tây, vẫn hiện diện nỗi tuyệt vọng bị dồn nén của việc đã từng phải chấp nhận phần truyền miệng hay toàn bộ của lịch sử Tây phương – mà một trong hai hình thức lịch sử ấy là không có thật hoặc một chút bạc bịp. Nga từng có những chòng ghẹo lâu dài về các câu truyện truyền lại về Đệ nhị Thế chiến, trong đó Hoa Kỳ và Anh Quốc đã đánh bại một cách anh hùng các lực lượng phát xít và Nhật Bản. Dựa vào các chứng liệu lịch sử trong dòng chính của Hoa Kỳ, từ Stephen Ambrose đến Ken Burn, người Mỹ đã có thể được tha thứ vì niềm tin rằng Nga từng đóng một vai trò thứ yếu trong trận đánh quyết định chống lại Hitler và Tojo. Sự thực, mặt trận phía đông là vũ đài chính của Đệ nhị Thế chiến. Mặt trận này mới thực sự nhiều cuộc chiến trên bộ hơn là các sân khấu khác của cuộc chiến tranh dẫn đến tổng số hơn 30 triệu binh sĩ thiệt mạng. Đấy chính là ¾ tổng số của tất cả lực lượng quân Đức từng tham dự và là nơi mà Đức chịu hậu quả của 70 phần trăm tổn thất về nhân mạng. Mặt trận ở Âu châu trong nhiều phương diện chỉ là cuộc trình diễn phụ, nhưng đã được trân trọng như thể một biến cố chính. Như soạn giả Benjamin Schwarz đã vạch ra, Stephen Ambrose đã “xài hoang” [niềm chú ý] vào cuộc xâm chiếm Sicily của quân Hoa Kỳ và Anh, khiến đánh bạt 60 ngàn quân Đức khỏi đảo này, nhưng đã hoàn toàn bỏ qua Kursk - trận đánh lớn nhất trong lịch sử, ở đó tối thiểu là 1.5 triệu quân Liên Xô và Đức đánh nhau, và trận chiến này xảy ra ngay cùng một thời điểm… Nhiều sự kiện như thế có thể khiến chúng ta lúng túng, chúng ta phải thừa nhận rằng cuộc chiến đấu chống lại Đức quốc xã chính là… “cuộc chiến tranh của Stalin”, như sử gia vĩ đại John Erickson từng đặt tên.

Hay là thử cân nhắc đến cái bối cảnh của cùng cuộc chiến ấy nhìn từ một điểm khác trên bản đồ. Một người bạn Ấn Ðộ giải thích với tôi, “Đối với Mỹ và Anh, Đệ nhị Thế chiến là một cuộc chiến đấu anh hùng, ở đấy tự do đã chiến thắng oanh liệt kẻ ác. Đối với chúng tôi, đấy là một cuộc chiến qua đó Anh Quốc đã làm liên lụy đến Ấn Ðộ và quân đội của đất nước này mà không thèm tham khảo đến ý nguyện của chúng tôi. London đã bảo chúng tôi phải chết cho một lý tưởng tự do trong khi ngay lúc ấy lại từ chối không trả tự do cho chúng tôi”.

Những cái nhìn khác biệt có tính quốc gia như thế đã luôn hiện hữu, nhưng ngày nay, nhờ vào nền giáo dục quảng đại hơn, thông tin, và lòng tự tin, những cái nhìn như thế đã được phân tán quảng bá rộng rãi trên các hệ thống thông tin, các kênh truyền hình và những trang mạng internet của thế giới đang lên. Nhiều nước của thành phần “còn lại” đang mổ xẻ những loại lịch sử truyền miệng, các tranh cãi, những giả định của phương Tây và bắt bẻ lại bằng những quan điểm khác về thế giới. “Khi quý vị bảo chúng tôi rằng chúng ta ủng hộ chế độ độc tài ở Sudan để đến được mỏ dầu của họ”, một viên chức Trung Quốc đã nói với tôi vào năm 2006, “điều tôi muốn nói là, thế sự ủng hộ ấy của quý vị khác với sự ủng hộ vương triều ở Saudi Arabia ra sao? Chúng tôi nhìn ra được thái độ đạo đức giả, nhưng chúng tôi chả nói gì cả”.

Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, có một niềm hy vọng và mong đợi phổ biến là Trung Quốc và Nga sẽ di chuyển một cách vững chắc vào hệ thống chính trị kinh tế Tây phương sau thế chiến thứ hai. Khi George H. W. Bush nói về một “trật tự thế giới mới”, ông đơn giản có ý rằng cái trật tự phương Tây cũ sẽ được bành trướng ra toàn thế giới. Chắc có lẽ quan điểm này mọc ra từ kinh nghiệm sau chiến tranh với Nhật và Đức, cả hai nưóc này đã vươn đến đỉnh cao của quyền lực kinh tế và tuy có hợp tác, thích ứng nhưng vẫn là những thành viên đa số thầm lặng của trật tự sẵn có. Nhưng có lẽ đấy là những trường hợp cá biệt. Hai quốc gia này có một lịch sử độc đáo, họ cùng khuấy động lên một cuộc chiến tranh tàn bạo, cùng chịu chung hậu quả là trở nên những kẻ khốn khổ, đồng thời phải đương đầu với mối đe dọa mới từ cộng sản Xô Viết, đi đến mức phải lệ thuộc vào quân sự Mỹ để bảo vệ mình. Ngay cả đến hồi kế tiếp này của các quyền lực đang lên họ cũng không thiết tha lắm để "nhập" vào.

Chúng ta vẫn còn nghĩ về một thế giới trong đó một quyền lực vươn lên phải chọn một giữa hai lựa chọn cứng ngắc: hợp nhất với trật tự Tây phương hoặc là chối bỏ, trở nên một quốc gia thảo khấu và đương đầu với việc bị rút phép thông công. Thực ra, các quyền lực đang lên đang đi theo một phương cách thứ ba: nhập vào trật tự của phương Tây nhưng lại hành động như thế bằng những cách riêng của mình - từ đó tự tái định hình lại hệ thống. Như nhà khoa học về chính trị Naazeen Barma, Ely Ratner và Steven Weber vạch rõ, trong một thế giới khi mọi người cảm thấy được thêm sức mạnh, các nước sẽ chọn hoàn toàn bỏ qua cái "trung tâm" phương Tây này để tiến đến mối ràng buộc của riêng mình với nhau . Trong một thế giới sau Hoa Kỳ, có lẽ sẽ không có một trung tâm nào để hợp nhất vào. Năm 1991, tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ James Baker đã nói rằng, thế giới đang di chuyển đến một hệ thống hub and spoke, với mọi quốc gia phải đi qua Hoa Kỳ để đạt được đích đến của mình. Thế giới của thế kỷ hai mươi mốt có thể được diễn tả đúng nhất như là một trong những lộ trình điểm này-đến-điểm khác, với các mẫu đường bay mới được vạch ra hàng ngày. (Điều này là đúng ngay cả trong ý nghĩa vật lý: chỉ trong mười năm, số lượng du khách Nga đến Trung Quốc tăng lên hơn bốn lần, từ 489.000 trong năm 1995 đến 2.2 triệu trong năm 2005). Trọng điểm đã chuyển dịch. Các quốc gia tăng cường các chú ý vào chính mình - vào câu chuyện tăng trưởng của mình - ít để ý đến Hoa Kỳ và phương Tây. Kết quả là, các thảo luận cấp bách trải dọc chiến dịch tranh cử suốt năm 2007 về nhu cầu làm giảm bớt chủ nghĩa thù chống người Mỹ là một chuyện dường như lạc đề. Thế giới đang di chuyển từ giận dữ đến sự không khác biệt, từ chống lại người Mỹ đến một thế giới hậu Hoa Kỳ.

Cái sự thực rằng một số quyền lực mới cương quyết hơn với các quyền lợi của mình là thực tế của một thế giới Hậu Hoa Kỳ. Sự thật này cũng đưa ra một câu hỏi hóc búa về việc làm thế nào đạt được các mục tiêu quốc tế trong một thế giới có quá nhiều kịch sĩ, cả nhà nước và không nhà nước. Theo mô hình cũ để hoàn thành được công việc, Hoa Kỳ và một số đồng minh phương Tây chỉ đạo chương trình trong lúc thế giới thứ ba hoặc cùng chơi theo hoặc đứng ngoài đóng vai trò không thích hợp. Các tay chơi phi chính phủ thì quá ít và quá nhỏ yếu để mà phải lo lắng. Hiện nay, hãy nhìn vào những thứ đại loại như các thương thảo thương mại quý vị sẽ nhìn thấy thế giới đang phát triển hành động bằng sức mạnh lớn hơn và lớn hơn nữa. Để đến lúc hoặc là họ chấp nhận mối làm ăn mà phương Tây chào mời hoặc tảng lờ đi toàn bộ tiến trình, các quốc gia như Ấn Ðộ và Brazil chơi cứng rắn cho đến khi họ đạt được mối làm ăn mà họ muốn. Họ đã nghe được các CEO phương Tây giải thích tương lai nằm ở đâu. Họ đã đọc báo cáo của Goldman Sachs BRIC. Họ hiểu cán cân quyền lực đã chuyển dịch rồi.
Thỏa ước Kyoto (giờ được xem như thiêng liêng bởi vì sự ngạo mạn chối bỏ của Tổng thống Bush trong quá khứ) thực ra là một thỏa thuận đặc trưng về sự tôn trọng đến thế giới quan cũ. Kyoto mặc định rằng nếu các nước phương Tây cùng ngồi lại với nhau để đưa ra một kế hoạch, thế giới thứ ba sẽ chấp nhận khung hình mới và các khó khăn sẽ được giải quyết. Đó có thể là những phương cách từng được thực hiện trong các công việc quốc tế qua nhiều thập niên nhưng không còn tạo được nhiều ít nghĩa trong thời buổi ngày nay. Brazil, Trung Quốc, Ấn Ðộ và những đất nước đang lên khác sẽ không chịu tuân theo một tiến trình lãnh đạo bởi phương Tây mà họ không có dự phần ở đó. Hơn nữa, các chính phủ của họ cũng chỉ có thể làm được chừng ấy việc trong khả năng của mình để đối phó với một vấn đề như vấn sự thay đổi khí hậu. Một giải pháp thực sự sẽ đòi hỏi phải tạo ra được một liên minh rộng rãi hơn bao gồm cả những thành phần tư nhân, các nhóm không chính phủ, các thành phố, địa phương và báo chí truyền thông. Trong một thế giới toàn cầu hóa, dân chủ hóa và không còn tập trung, chúng ta cần tìm đến những cá nhân để thay đổi hành xử của họ. Sưu cao, thuế quan và chiến tranh là các phương cách giải quyết đã cũ, các chính phủ hiện nay không còn chỗ để thu vén trên các mặt trận này nữa. Họ cần đến những phương cách khôn ngoan và tinh vi hơn để tạo sự đổi thay.

Cơ chế truyền thống của các hợp tác quốc tế chỉ còn là những di vật cũ trong một số khu vực khác. Hệ thống của Liên Hiệp Quốc đại diện cho một cấu hình lỗi thời về quyền lực. Các thành viên thường trực của Uỷ ban An ninh LHQ là những nhân vật chiến thắng của một cuộc chiến đã chấm dứt từ hơn 60 năm trước. Bộ phận này không có Đức hay Nhật, hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba trên thế giới (tính theo mức thu đổi hối đoái thị trường hiện tại), Ấn Ðộ, một nền dân chủ lớn nhất thế giới hay bất cứ nước châu Mỹ Latin, châu Phi nào. Hội đồng An ninh LHQ là minh chứng cho cấu trúc cổ đại của việc cai quản toàn cầu rộng rãi hơn. Khối G -8 không có Trung Quốc, vốn đã là một nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, hay Ấn Ðộ, Nam Triều Tiên - thứ mười hai, thứ mười ba của thế giới. Từ trong truyền thống, IMF luôn luôn được lãnh đạo bởi một người châu Âu và Ngân hàng Thế giới bởi một người Mỹ. "Truyền thống" này, như các thói tục của một câu lạc bộ xưa cũ ở một làng quê cô lập, có thể dễ thương và giải khuây được cho những người trong cuộc, nhưng đối với người ngoài thì quả là một sự sỉ nhục và mù quáng.

Một ngụ ý khác nữa: khi viết về sự nổi dậy của chủ nghĩa quốc gia là tôi đang diễn tả một hiện tượng rõ ràng hơn - sự quyết đoán về chỉ danh. Ý niệm nhà nước-quốc gia là một phát minh tương đối mới, thường không lâu hơn 100 năm. Những ý niệm lâu hơn là các ý niệm về tôn giáo, chủng tộc và các nhóm chung ngôn ngữ sống trong một nhà nước-quốc gia. Và những ràng buộc gắn bó này vẫn bền chặt, thậm chí còn bền chặt hơn khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trở nên sâu sắc. Ở Âu châu, người Pháp và Flemish ở Bỉ mãi mãi giữ một khoảng cách. Ở Anh Quốc, người Scotland đã bỏ phiếu cho một đảng cai trị từng đề nghị chấm dứt các bộ luật về Liên minh ba trăm năm cũ vốn tạo nên Vương quốc Liên Hiệp Anh, Tô Cách Lan và xứ Wales. Ở Ấn Ðộ, các đảng phái quốc gia đang thua các đảng địa phương khu vực. Ở Kenya, các khác biệt về bộ lạc ngày càng trở nên quan trọng hơn. Trong đa phần của thế giới, những chỉ danh cốt lõi này - sâu sắc hơn ý niệm nhà nước-quốc gia - đã duy trì các đặc trưng xác định của đời sống. Đó là nguyên nhân vì sao người dân bỏ phiếu, vì sao người dân có thể sống chết. Trong một nền kinh tế thế giới rộng mở, những tập hợp này hiểu rằng họ càng ngày càng ít cần đến chính phủ trung ương. Và, trong thời đại dân chủ, các tập hợp này càng có thêm sức mạnh hơn nếu họ trụ lại với nhau như một tập hợp. Tính uy lực song sinh này của chỉ danh có ý nghĩa là, trong liên quan đến Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc hay thế giới rộng lớn, chủ nghĩa quốc gia của người Trung Hoa và người Ấn Ðộ tăng trưởng lên. Nhưng trong nội bộ các đất nước này, chủ nghĩa quốc gia-phụ thuộc cũng tăng lên. Những gì đang xảy ra trên sâu khấu toàn cầu - sự nổi dậy của tính danh giữa mênh mông của phát triển kinh tế - cũng xảy ra trên các sân khấu địa phương. Hậu quả là: những điều này sẽ khiến cho hành động vì mục đích quốc gia trở nên khó khăn hơn.

Khi quyền lực trở nên phân hóa và tản mạn, tính chính đáng (legitimacy) trở nên quan trọng hơn - bởi vì đó là cách duy nhất để kêu gọi đến tất cả các diễn viên khác nhau trên sân khấu quốc tế. Ngày nay, không một giải pháp nào, bất kể là hợp lý đến đâu, có thể tồn tại chịu đựng được nếu nó được xem như không có tính chính đáng. Áp đặt chúng sẽ không có kết quả nếu như chúng được xem như sản phẩm của một sức mạnh quốc gia, bất chấp là quốc gia ấy mạnh đến đâu. Cuộc thảm sát ở Darfur chẳng hạn, là một sự kinh hoàng, tuy thế sự can thiệp quân sự ở đó - phương cách tốt nhất để chặn đứng cuộc thảm sát - sẽ thành công nếu như được sự đồng thuận của các sức mạnh chính cũng như của các đồng minh Phi châu của Sudan. Nếu Hoa Kỳ hành động đơn phương hoặc với một liên minh nhỏ - xâm chiếm quốc gia Hồi giáo thứ ba này trong năm năm -nỗ lực ấy chắc chắn sẽ bị chặn đứng, khi chính phủ của người Sudan sẽ nồng nhiệt tập hợp tiếng kêu khóc chống lại "chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Chính sách ngoại giao của chính quyền Bush ghi lại việc đem đến một minh hoạ tuyệt vời về nhu cầu thực tế của tính chính đáng. Tuy nhiên, vượt trên cả những thất bại của Bush, tình trạng tiến thoái lưỡng nan vẫn còn đó: nếu nhiều quốc gia muốn hợp tác để hoàn tất sự việc, làm sao để tạo cho điều này xảy ra với nhiều người tham dự, đa số lại mạnh hơn?




i. Theo Zbigniew Brezinski, "The Dilema of the last Sovereign", American Interest 1. no. 1 (Số Mùa thu năm 2005).
ii. Theo Benjamin Schwarz, review of Stephen E. Ambrose, The Good Fight, trong tờ Atlantic Monthly, số tháng sáu 2001, trang 103.
iii. Theo Nazzneen Barma et al., "The World without the West", National Interest, no. 90 (tháng Bảy/Tám năm 2007) tr. 23-30.




(Tiếp theo)
Kỳ 6: Siêu quyền lực cuối cùng

Nhiều nhà bình luận và quan sát đã nhìn vào sinh khí của thế giới đang nổi lên này để kết luận rằng Hoa Kỳ đã từng có những ngày huy hoàng của mình. Andy Grove, người sáng lập Intel, nói thẳng thừng "Mỹ đang bị nguy hiểm vì đã theo gót Âu châu một cách không thể cứu chữa được nữa”. Ông nói "và điều tệ hại nhất chính là không ai biết như thế. Tất cả đều chối, đều cứ tự ca ngợi mình ngay cả khi con tàu Titanic đang đâm thẳng hết tốc độ vào tảng băng phía trước". Thomas Friedman mô tả mình đã quan sát hàng hàng lớp lớp giới chuyên viên trẻ Ấn Ðộ đi làm ca tối tại Infosys ở Bangalore: "Trời ơi, họ đông quá sức, và họ cứ tiếp tục đi, hết đợt này đến đợt khác. Còn chỗ nào tốt trên thế gian này cho các con gái tôi và hàng triệu người Mỹ khác khi những người Ấn này đang làm những công việc tương tự như thế chỉ với một phần nhỏ mức lương của họ ?" "Nền toàn cầu hóa đang phản công lại" Gabor Steingart, một biên tập viên của Der Spiegel, một tờ báo hàng đầu của Đức, đã viết trong một tác phẩm bán chạy nhất. Khi đối thủ mình giàu lên, ông biện giải, Hoa Kỳ đã mất đi các kỹ nghệ then chốt, dân chúng họ đã ngưng không tiết kiệm nữa, và chính phủ họ đã không ngừng mang nợ đến các ngân hàng trung ương ở Á châu.

Tuy nhiên, cái khó nghĩ chính là những khuynh hướng ấy đã hiện diện một thời gian - và đã thực sự giúp cho điểm chính yếu của Hoa Kỳ. Trong hai mươi năm qua, khi toàn cầu hóa và sự dịch chuyển công ăn việc làm ra bên ngoài tăng lên quá độ, mức tăng trưởng của Mỹ trung bình là chỉ hơn 3 phần trăm, nghĩa là 1 phần trăm cao hơn chỉ số tăng trưởng của Đức và Pháp. (Nhật Bản trung bình là 2.3 phần trăm trong cùng thời gian). Năng xuất tăng cao, thần dược của các nền kinh tế hiện đại, đã từng từ hơn 2.5 phần trăm trong suốt một thập niên, cũng là 1 phần trăm hơn hẳn bình quân của Âu châu. Ngay cả xuất khẩu của Hoa Kỳ cũng kéo dài bất chấp một thập kỷ xáo trộn giá trị đồng dollar mới chấm dứt gần đây. Năm 1980, xuất khẩu của Hoa Kỳ tiêu biểu cho 10 phần trăm của toàn thế giới; năm 2007, con số đó vẫn còn gần như 9 phần trăm. Theo Wolrd Economic Forum, Hoa Kỳ vẫn còn là một nền kinh tế vô địch trên thế giới và được xếp hạng nhất trong sự nghiệp vận dụng những cái mới, hạng chín trong khả năng thích ứng nhanh về kỹ thuật, hàng nhì về ngân quỹ chi dùng của các công ty cho các công trình khảo cứu khoa học kỹ thuật và hạng nhì về chất lượng của các tổ chức khảo cứu khoa học. Trung Quốc không đến được các quốc gia trong hàng thứ ba mươi về bất cứ điểm nào kể trên, và Ấn Ðộ lên được hàng thứ 10 chỉ từ mỗi một khía cạnh: kích thước thị trường. Trong thực tế, tất cả các khu vực có các quốc gia kỹ nghệ tiến bộ tham dự, các công ty Hoa Kỳ đều dẫn đầu thế giới về năng xuất và lợi nhuận.

Phần chia về kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ đã vững vàng một cách tuyệt diệu qua những năm tháng chiến tranh, suy thoái và nhầy nhụa của các quyền lực đang lên khác. Chỉ bằng 5 phần trăm dân số thế giới, Hoa Kỳ đã tạo nên 20 đến 30 phần trăm sản lượng của cả thế giới trong 125 năm. Chắc chắc sẽ có một số gia giảm về vị trí của Hoa Kỳ trong vài thập niên tới. Đây chẳng phải là một phán đoán về chính trị mà chính là một phán đoán của toán học. Khi các nước khác phát triển nhanh hơn, nền kinh tế tương đương của Hoa Kỳ sẽ tụt xuống. Nhưng sự suy giảm này không cần thiết sẽ phải là ở một bình diện lớn, nhanh chóng hoặc mang đến những hậu quả, nếu như Hoa Kỳ thích ứng được với những thử thách cũng như thích nghi được với những gì họ đã đương đầu trong thế kỷ vừa qua. Trong một vài thập niên tới, sự nổi dậy của các nước sẽ đến bằng phí tổn của Tây Âu và Nhật Bản, những quốc gia vốn bị kẹt cứng trong một sự chậm chạp suy giảm dân số có tính cố ý.

Hoa Kỳ sẽ phải đương đầu với một cạnh tranh kinh tế căng thẳng nhất hơn bao giờ. Hệ thống kinh tế và xã hội của Hoa Kỳ biết cách điều chỉnh và đáp trả với những sức ép đó. Các nhu cầu thay đổi là hiển nhiên nhưng bởi vì phải cần đến một số đau đớn để có thể đạt được về dài lâu do đó hệ thống chính trị không thể làm được. Hoa Kỳ sẽ còn phải đương đầu với nhiều thử thách hơn từ quốc tế. Đất nước này sẽ phải đối đầu với một nền trật tự toàn cầu rất khác biệt so với nền trật tự mà họ đã từng trải qua. Hiện nay, Hoa kỳ vẫn còn là người đấu cờ thế lực nhất. Nhưng mỗi năm cán cân một thay đổi đi.

Trong khoảng hai thập niên kể từ 1989, sức mạnh của Hoa kỳ đã xác định nền trật tự của thế giới. Tất cả mọi con đường đều dẫn về Washington và các tư tưởng của Mỹ về chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại đã từng là những khởi điểm của hành động toàn cầu. Washington đã là môt kịch sĩ ở bên ngoài nhưng có thế lực nhất trên tất cả các đại lục của thế giới, thống trị bán cầu châu Âu, duy trì vai trò như là một cân bằng trọng yếu giữa Á châu và Âu châu, bành trướng vai trò của mình ở khu vực Trung Ðông, trung tâm và miền nam Á châu đồng thời là quốc gia duy nhất hiện nay có thể mang lại cơ bắp cho bất cứ hoạt động quân sự toàn cầu nào. Đối với tất cả các nước - từ Nga, Trung Quốc đến Nam Phi và Ấn Ðộ - mối quan hệ quan trọng nhất của họ trên thế giới chính là mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Ảnh hưởng đó đã đạt đến cực đỉnh với Iraq. Bất chấp sự do dự, chống đối hoặc mối thù ghét tích cực của đa phần thế giới, Hoa Kỳ đã vẫn có thể khởi phát một cuộc tấn công không khiêu khích vào một quốc gia có chủ quyền đồng thời tranh thủ được hàng chục quốc gia khác và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ mình ngay trong và sau cuộc xâm lăng. Không phải chỉ vì tính phức tạp của tình hình Iraq khiến đã không tổn thương được mệnh lệnh này. Ngay cả khi đã đạt được sự thành công rực rỡ ở Iraq, phương thức công phá của Hoa Kỳ đã biểu hiện hết sức rõ ràng sức mạnh không gì thách đố được của mình - và chính lối thực hành kiểu đon cực này đã kích động đến phản ứng quanh thế giới. Nền trật tự đơn cực của hai thập kỷ qua đang yếu đi không phải vì vấn đề Iraq mà chính vì sự khuếch tán rộng của sức mạnh ra toàn thế giới.

Trên một số phương diện, tính đơn cực thực đã không còn. Khối liên hiệp Châu Âu hiện tiêu biểu cho một khối thương mại lớn nhất trên thế giới, tạo ra lưỡng cực, và khi Trung Quốc cùng các quốc gia khác sau đó xuất hiện, trở nên một kích cỡ vĩ đại, cõi lưỡng cực về doanh thương có thể trở nên tam cực và rồi đa cực. Trong tất cả mọi cõi, trừ khu vực quân sự, các dịch chuyển tương tự cũng đang xảy ra. Tuy nhiên, nói chung, ý niệm về một thế giới đa cực, với bốn hoặc năm đấu thủ cùng cân sức không diễn tả được hiện thực bây giờ hoặc trong một tương lai gần. Âu châu không thể hành động quân sự hoặc chính trị một mình. Nhật và Đức bị thương tật bởi quá khứ. Trung Quốc và Ấn Ðộ vẫn còn phải phát triển. Thay vào đó, hệ thống quốc tế vẫn còn được mô tả khá chính xác bởi thuật ngữ "Đơn-Đa cực" của Samual Huntington, hay cái mà các nhà khoa học chính trị Trung Quốc gọi là "nhiều quyền lực và một siêu quyền lực". Các từ ngữ rối rắm phản ánh đúng cái thực tế rắc rối ấy. Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn là một nước mạnh nhất thế giới nhưng trong một thế giới có nhiều quyền lực lớn quan trọng khác và với những quyết đoán cùng hành động của tất cả những kịch sĩ. Hệ thống quốc tế lai giống này - dân chủ hơn, năng động hơn, mở rộng hơn, nối kết hơn - là một hệ thống mà chúng ta sẽ sinh sống trong một vài thập niên tới. Minh giải một điều phủ định dễ dàng hơn là một điều xác định, một kỷ nguyên đang đi khỏi hơn là xác định nó đang hướng đến nơi nào - Vì thế mà gọi là Một thế giới Hậu Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ chiếm hàng đầu trong hệ thống đang xuất hiện nhưng cũng là quốc gia chịu nhiều thử thách nhất bởi nền trật tự mới. Hầu hết các quyền lực khác đều sẽ nhìn thấy vai trò của họ trong sự mở rộng của thế giới. Tiến trình đó đã và đang xảy ra. Trung Quốc và Ấn Ðộ đang trở nên các đấu thủ lớn hơn trong các khu vực láng giềng và xa hơn nữa. Nga đã chấm dứt sự thích nghi Hậu-Xô viết của họ và trở nên mạnh mẽ hơn, tích cực hơn. Nhật Bản dù không phải là một quyền lực đang lên, hiện cũng đang sẵn lòng bày tỏ quan điểm và vai trò của mình đến các nước láng giềng. Âu châu hành xử với chủ đích và sức mạnh cự phách trong các lãnh vực giao thương và kinh tế. Brazil và Mexico đang trở nên to tiếng hơn trong các vấn đề về châu Mỹ Latin. Nam Phi đã tự xác định mình là lãnh tụ của lục địa Phi châu. Tất cả các quốc gia này đang chiếm nhiều chỗ trên vũ đài quốc tế hơn là trước đây.

Đối với Hoa Kỳ, mũi tên đang chỉ về hướng ngược lại. Kinh tế không phải là một trò chơi huề vốn - sự vươn dậy của các đấu thủ mới làm cái bánh to ra - nghĩa là tốt cho mọi bên - nhưng kinh tế chính trị là một cuộc đấu tranh của khống chế và tạo ảnh hưởng. Khi các quốc gia khác trở nên tích cực hơn, không gian bạt ngàn để hành động của Mỹ sẽ giảm đi. Hoa Kỳ có thể tự điều chỉnh mình với sự vươn lên của những nước khác, của những vằn vện chính trị khác trên một số lục địa? Điều này không có nghĩa trở thành sự bỏ mặc cho hỗn loạn; hoàn toàn không phải như thế. Nhưng phương cách duy nhất cho Hoa Kỳ để ngăn chặn các hành vi ngang ngược sẽ là tạo nên một liên minh bền vững, rộng rãi chống lại chúng. Và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Washington có thể biểu lộ rằng đất nước này sẵn lòng để cho các quốc gia khác trở thành những người giữ đàng chuôi trong nền trật tự mới. Trong trật tự quốc tế hiện nay, phát triển có nghĩa là thỏa hiệp. Không một quốc gia nào có thể đạt được cách riêng của mình hoàn toàn. Đây là những từ dễ viết dễ đọc nhưng rất khó thực hiện. Điều ấy có nghĩa là chấp nhận phát triển của quyền lực và ảnh hưởng của các quốc gia khác, tính cách nổi bật của những quyền lợi và quan tâm. Mối cân bằng này -giữa điều tiết và ngăn cản- là thử thách chính cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong một vài thập niên sắp đến.

Tôi đã bắt đầu chương này bằng lập luận rằng nền trật tự mới sẽ không báo trước sự đi xuống của Mỹ, bởi vì tôi tin rằng Mỹ có một sức mạnh phi thường và một thế giới mới sẽ không ném ra một siêu quyền lực mới mà một sự đa dạng của các sức mạnh mà Washington có thể thông qua và ngay cả có thể trợ giúp. Nhưng hơn nữa, khi phần còn lại của thế giới vươn dậy, trong những ý nghĩa thuần kinh tế, Mỹ sẽ trải nghiệm một sự đi xuống tương đối. Khi các nước khác phát triển nhanh hơn, phần bánh được chia của Mỹ sẽ nhỏ hơn (dù sự chuyển dịch có thể là tương đối nhỏ trong nhiều năm). Thêm nữa, các sức mạnh không chính phủ mới vốn đang gia tăng tính tích cực sẽ chế ngự Washington về căn bản.

Đây là một thách đố đối với Washington nhưng cũng là đối với mọi người. Trong hầu như ba thế kỷ, thế giới đã ủng hộ sự hiện diện của một bá quyền tự do rộng lớn - trước tiên là Anh Quốc, sau đó là Hoa Kỳ. Hai siêu quyền lực đã giúp duy trì và tạo nên một nền kinh tế thế giới mở rộng, bảo vệ những giao lộ buôn bán và đường hàng hải, hành xử như những chủ cho thuê của phương sách sau cùng, cầm giữ những tiền tệ dự trữ, đầu tư ở hải ngoại và giữ thị trường mở của chính mình. Họ cũng mách nước cho sự cân bằng quân sự để kình chống lại những kẻ xâm lấn vĩ đại trong các thời đại của mình, từ nước Pháp của Napoleon đến Đức, Liên Xô. Vì tất cả những lạm dụng quyền lực của mình, Hoa Kỳ đã là người sáng tạo và nâng đỡ cho nền trật tự hiện hành của giao thương mở và chính phủ dân chủ - một nền trật tự vốn là tốt lành và có lợi cho đại đa số nhân loại. Khi nhiều điều thay đổi và khi vai trò của Mỹ thay đổi, nền trật tự đó đã bắt đầu rạn vỡ. Sự xụp đổ của đồng dollar - đến mức độ không còn tiền tệ dự trữ toàn cầu - sẽ là một vấn nạn của thế giới cũng như cho Mỹ. Và giải quyết những khó khăn chung trong một thời đại của tản mạn và phi tập trung hóa có thể trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu không có một siêu quyền lực.

Một số người Mỹ trở nên ý thức một cách sâu sắc về thế giới đang đổi thay. Thương mại của Mỹ đang không ngừng nhận thức về những dịch chuyển xảy ra trên thế giới, đang đáp ứng với những thay đổi này nhanh chóng và không ủy mị. Những cơ cấu lớn đa quốc gia của Mỹ hầu như báo cáo giống nhau là sự phát triển của họ nay đang dựa vào sự xâm nhập các thị trường quốc ngoại. Với tỉ số tăng trưởng 2-3 phần trăm hàng năm ở Hoa Kỳ và 10-15 phần trăm ở hải ngoại, họ biết rằng mình phải thích ứng với một thế giới Hậu Hoa Kỳ - nếu không là thất bại. Một ý thức tương tự được nhìn thấy trong các trường đại học của Mỹ, nơi ngày càng có nhiều sinh viên đi ra ngoại quốc để trao đổi với sinh viên nước ngoài. Giới trẻ hơn ở Mỹ sống thoải mái với ý thức rằng các chiều hướng mới nhất - trong tài chính, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học - có thể bắt nguồn ở London,Thượng Hải, Hán Thành, Tallinn hay Mumbai.

Nhưng lối định hướng ra bên ngoài này chưa được phổ biến trong xã hội Mỹ nhiều. Nền kinh tế Mỹ vẫn còn chú trọng vào nội bộ, mặc dù điều này đang thay đổi, với thương mại làm thành 28 phần trăm GDP (so sánh với Đức 38 phần trăm). Tính ốc đảo đã là một trong những ân sủng của thiên nhiên cho nước Mỹ, các biên gìới như Mỹ hiện có là hai đại dương rộng lớn và hai láng giềng hiền lành. Mỹ chưa từng bị vẩn đục bởi những mưu toan và mệt mỏi của Cựu Thế giới và đã luôn từng có thể tưởng tượng đến một trật tự mới và khác hơn - dù cho là ở Đức, Nhật hay ở Iraq. Nhưng cùng lúc, sự cô lập này đã khiến người Mỹ không ý thức được cái thế giới ở bên ngoài biên giới của mình. Người Mỹ nói một số ngôn ngữ, hiểu biết ít ỏi về các nền văn hóa ngoại quốc và vẫn không hề bị thuyết phục là họ cần phải sửa chữa điều này. Người Mỹ ít khi là chuẩn mực cho các tiêu chuẩn toàn cầu bởi vì họ cứ chắc chắn rằng phương cách của mình là tốt và tiến bộ nhất. Hậu quả là họ đang không ngừng nghi hoặc về kỷ nguyên toàn cầu đang xuất hiện. Có một khoảng cách giữa giới ưu tú kinh doanh quốc tế của Mỹ và giai cấp thành thị ở một mặt, và đa số dân chúng Mỹ ở mặt khác. Nếu không có một nỗ lực thực sự để hàn gắn khoảng cách này, sự chia cách ấy có thể hủy diệt tính cạnh tranh sắc bén và tương lai chính trị của nước Mỹ.

Những nghi ngại phổ biến đã được nuôi dưỡng và khuyến khích bởi một thứ văn hóa chính trị quốc gia vô trách nhiệm. Ở Washington, suy nghĩ mới về một thế giới mới là sự thiếu sót một cách đau đớn. Thật quá đủ dễ dàng để mà phê phán chính quyền Bush về loại chủ nghĩa đơn phương và ngang ngạnh khiến đã chặt tay chân Mỹ ở hải ngoại. Nhưng vấn đề không phải chỉ giới hạn ở Bush, Cheney, Rumsfield hay những người Cộng Hòa, dù họ đã từng trở thành hội nhóm của những bậc nam nhi tự tôn phổng ngực, tự hào xem thường hải ngoại. Hãy lắng nghe một số người Dân Chủ ở Washington, quý vị sẽ nghe được một loại chủ nghĩa đơn phương yếu hơn - về doanh thương, các tiêu chuẩn lao động và nhiều vấn đề nhân quyền cưng yêu khác nhau. Về nạn khủng bố, cả hai đảng tiếp tục nói bằng một ngôn ngữ hoàn toàn được dựng nên để phục vụ cho các khán giả nội địa mà không màng gì đến các hậu quả độc hại có thể gây ra ở những nơi khác. Các chính khách Mỹ đòi hỏi, chụp mũ, trừng phạt, đả phá một cách liên tục và bừa bãi cả nước vì những thất bại vô kể. Trải qua mười lăm năm vừa rồi, Hoa Kỳ đã áp đặt sự trừng phạt lên một nửa dân số thế giới. Chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới ban hành các thẻ ghi điểm hạnh kiểm cho tất cả các quốc gia khác. Washington DC đã trở nên một loại hão huyền, thiển cận và xa cách với thế giới bên ngoài.

Khảo cứu về các Thái độ trên Toàn cầu của PEW đã cho thấy sự gia tăng rất đáng lưu ý trong các quan điểm tích cực về thị trường, giao thương tự do và dân chủ. Các đa số lớn ở các nước từ Trung Quốc và Đức đến Bangladesh và Nigeria nói rằng cách giao thương tăng dần giữa các quốc gia là điều tốt đẹp. Tuy nhiên, trong 47 nước được thăm dò, đất nước đứng hàng chót trong những ý nghĩa về ủng hộ thị trường tự do là Hoa Kỳ. Trong năm năm thực hiện khảo sát, không một quốc gia nào từng bị coi như một sự sa sút như Hoa Kỳ.

Hay là nhìn vào quan điểm đối với các công ty ngoại quốc. Khi được hỏi phải chăng họ đã tạo nên những tác động tích cực, một con số người đông đến đáng ngạc nhiên ở những quốc gia như Brazil, Nigeria, Ấn Ðộ và Bangladesh trả lời quả đúng là như thế. Những quốc gia đó từng tiêu biểu về sự nghi ngờ đến tính cách đa quốc gia của châu Âu. (Sự không thoải mái của những nước phía nam Á châu có một số căn bản; nói cho cùng, họ đã bị thuộc địa hóa ban đầu bởi một loại hợp tác đa quốc gia, Công ty Đông Ấn Anh Quốc [the British East India Company]). Thế mà, 70 phần trăm ở Ấn Ðộ, 75 phần trăm ở Bangladesh, 70 phần trăm ở Brazil và 82 phần trăm ở Nigeria hiện nay đang có những quan điểm tích cực về những công ty này. Ngược lại, con số của Mỹ là 45 phần trăm, khiến liệt chúng ta vào 5 hàng tận cùng. Chúng ta muốn thế giới chấp nhận các công ty của Mỹ với hai tay rộng mở, nhưng khi họ đến đây - đó lại là một nội dung khác. Các quan điểm về di dân còn mô tả một sự đảo ngược lớn hơn nữa. Về một vấn đề khi mà Hoa Kỳ trở thành một kiểu mẫu cho cả thế giới, đất nước này đã thụt lùi về một sự tránh né thủ thế. Ở những nơi nào chúng ta từng muốn tiên phong tất cả mọi công nghệ mới, giờ đây chúng ta lại nhìn cái mới một cách sợ hãi, lo lắng không biến chúng sẽ thay đổi sự việc như thế nào.

Sự mỉa mai chính là ở chỗ sự nổi dậy của thành phần còn lại chính là hậu quả của tư tưởng và các hành động của Hoa Kỳ. Trong 60 năm, các nhà ngoại giao, các chính khách Hoa Kỳ đã đi khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy các quốc gia mở cửa thị trường của mình ra, tự do nền chính trị của mình để ôm lấy giao thương và khoa học. Chúng ta đã kêu nài dân chúng ở những nơi xa xôi tham dự vào các thử thách của kinh tế toàn cầu, bỏ tiền ra để mà phát triển kỹ nghệ. Chúng ta cố vấn họ học hỏi những bí mật thành công của chúng ta và đừng sợ sự thay đổi. Và những điều ấy đã có kết quả: những người địa phương đã trở nên giỏi giang trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng bây giờ chúng ta trở nên nghi ngại về tất cả những gì chúng ta từng chào đón - giao thương, thị trường tự do, di dân và thay đổi công nghệ. Và tất cả những điều này xảy ra khi ngọn triều dâng đang đổ đúng hướng mà chúng ta hằng mong. Chỉ có điều là khi thế giới đang bung mở ra, Mỹ lại đang đóng lại.

Nhiều thế hệ nữa kể từ hôm nay, khi các sử gia viết về thời đại này, họ có thể ghi nhận rằng, vào những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi mốt, Hoa Kỳ đã tiếp tục được nhiệm vụ lịch sử vĩ đại của mình - Hoa Kỳ đã toàn cầu hóa được Thế giới. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng có thể viết rằng, Hoa Kỳ đã quên không tự toàn cầu hóa chính mình.

(Còn tiếp)
i. Theo Thomas L. Friedman. The Worl is Flat: A Brief History of the Twenty-first Century (New York: Farrar, Straus nad Giroux, 2006), 226. Lời phát biểu của Andy Grove trích dẫn từ Clyde Prestowitz, Three Billion New Capitalists: The Great Shift of Weath and power to the East (New York: Basic Books, 2005). 8.

ii. Theo Gabor Steingart, The War for Wealth: Why Globalization Is Bleeding the West of Its Prosperity (New York:McGraw-Hill, 2008).

Tổng số lượt xem trang