Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Rùa Hồ Gươm & Người Hà Nội

-Rùa Hồ Gươm & Người Hà Nội
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

Chỉ đạo thông tin: trong không khí vui tươi, hân hoan chào đón đại hội đảng, báo chí tạm thời không đăng tin cụ ruà ở hồ gươm chết.

Sách Lam Sơn Thực Lục của Nguyễn Trãi có ghi:

“Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Thủy Quân. Ra giữa hồ, có Rùa vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:

- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!

Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Tả Vọng được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm.”

Câu chuyện về Cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm, tất nhiên, không chỉ ngừng ngang đó. Gần 600 năm sau – nhà báo Hải Diệp, trong chuyên đề Nhật Ký Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long – có ghi: “... vào ngày khai mạc Đại lễ (1/10) cụ đã nổi vào buổi sáng... với người dân Thủ đô, vào dịp Đại lễ sự xuất hiện của cụ Rùa luôn gợi lên một cảm thức linh thiêng bên hồ Gươm huyền thoại.”

Ông Trương Duy Nhất, ngó bộ, không bằng lòng lắm với ghi nhận (vừa nêu) nên lầu bầu phản đối:

“Hồ bẩn, ngột ngạt, rùa phải ngóc đầu nhoi lên mặt nước để thở thì bị gán cho tích này điềm nọ, đến mức báo chí còn thổi rằng đó là cụ rùa thiêng ngoi lên để... chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Mô Phật! May mà rùa không biết nói!”


Thằng chả ăn nói báng bổ, tầm bậy tầm bạ (thấy rõ) vậy mà hoàn toàn ... không trật! Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long đã qua nhưng “cụ rùa thiêng (vẫn cứ) ngoi lên để chào mừng” khiến cho ký giả Kỳ Duyên sốt ruột:

“Về hiện tượng Cụ Rùa nổi lên trên mặt nước quá nhiều lần – không còn là bình thường, mà ở góc độ sinh học, là bất thường. Khi đó, Cụ không còn là ngắm phố phường, con cháu lại qua. Mà dường như Cụ đang ngóng con cháu hãy giúp Cụ.... nhiều người dân Hà Nội kinh hoàng nhận ra, mình Cụ Rùa đầy vết lở loét, dấu hiệu rõ ràng nhất của nước hồ nhiễm bẩn quá nặng.”

Dù chưa bao giờ nhìn thấy Cụ Rùa, và cũng chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Hà Thành, tôi cũng “kinh hoàng” chết mẹ (luôn) vì “Chín Mươi Lăm Phần Trăm Hồ Ao Hà Nội Bị Ô Nhiễm” – theo như tường thuật ký giả Hương Thu:


“Trung tâm nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR) vừa công bố kết quả nghiên cứu về môi trường của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của 6 quận trung tâm Hà Nội.Theo đó, chỉ có 6 hồ đạt yêu cầu chất lượng ở tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 5%, phần lớn các ao hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, nồng độ oxy hòa tan dưới mức tiêu chuẩn cho phép.Hơn 80% hàng lang bờ bị ô nhiễm, và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thanh bãi tập kết phế liệu,rác thải sinh hoạt.

“Theo CECR, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ. Ngoài ra, hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao hồ… cũng làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, nhiều hồ đang dần biến mất.”

Riêng mức độ ô nhiễm của hồ Linh Quang, xem ra, có vẻ (hơi) vượt chỉ tiêu – theo lời nhà báo Hải Hà,

“Gần 50 năm nay, hồ Linh Quang chưa một lần được nạo vét. Nước hồ đen đặc bốc mùi hôi thối, mực nước nơi sâu nhất cũng chỉ hơn 1 mét, còn lại toàn là bùn và rác do người dân đổ xuống để lấn chiếm. Vừa qua khi phát hiện các ca tả ở phường Văn Chương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu nước hồ để xét nghiệm và phát hiện phẩy khuẩn tả cũng như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác... ”

Cùng với sự “tôi luyện khả năng chịu đựng” sự hôi thối của ao/hồ, sức “chai lỳ” của người Tràng An (trước hệ thống sông cống dơ bẩn và tù đọng) cũng vô cùng đáng nể – theo như (nguyên văn) cách dùng từ của phóng viên Việt Hưng:

“Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ… và còn rất nhiều con sông nữa, trước kia mang dòng nước chảy khắp Hà Nội, cùng với hệ thống các ao hồ đã có tác dụng điều hoà, giảm bớt cái nóng oi bức của miền Bắc.

Giờ đây, với tốc độ phát triển chóng mặt của Hà Nội cả về kinh tế và dân số, các dòng sông này đổi tên thành những ‘cống nước thải’ , mang đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối khó chịu. Người dân sống gần ‘cống’ lâu ngày đã tôi luyện khả năng chịu đựng, chai lỳ trước mùi hôi thối và môi trường ô nhiễm. Bằng chứng là họ vẫn cứ đời này qua đời khác sống ‘mạnh khỏe’ cạnh những dòng sông chết ấy, vẫn quần áo thơm tho ngẩng cao đầu bước đường, bỏ lại sau lưng mùi tanh nồng của nước thải...”



Người dân khu Hào Nam ngồi chơi bên cái cống nồng nặc mùi rác thải. Nguồn: Dân Trí.

Với hệ thống sông hồ “tanh nồng” như thế, người Hà Nội – tất nhiên – phải dùng nước bẩn. Sự bẩn thỉu được phóng viên Châu Như Quỳnh mô tả là “hãi hùng” khi nhìn thấy ở khu vực Thanh Trì – Hà Nội – trong bát “nước sạch” vừa được xả từ vòi, nhiều con giun màu đỏ, có chiều dài khoảng từ 0,5-1,5cm bơi ngoe nguẩy, hết nổi lên lại lặn xuống.


Giun trong bát nước vừa được lấy từ vòi. Nguồn: Dân Trí

Tiến sĩ Trần Văn Nhị (Viện Khoa học & Công nghệ) cho biết:”Ngày ngày, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội phải uống nguồn nước chứa những chất độc có khả năng gây ung thư cao mà không biết đến bao giờ mới được sử dụng nước sạch hoàn toàn.”

Để khắc phục tình trạng này, ông đưa ra một lời khuyên (vô cùng) giản dị: “Trong khi chờ đợi phép màu từ phía các nhà chức trách, mỗi hộ dân nên tìm cách tự cứu lấy mình.”

Tự cứu bằng cách nào ?

Cầu Trời mưa xuống chăng?

Việt Nam vốn là nơi xuất sứ của câu thành ngữ “hiền như một ngụm nước mưa” mà, phải không?

Dạ phải nhưng đó là chuyện đã xưa rồi, hồi trào phong kiến hay trào thực dân kìa. Kịp tới khi cách mạng về thì ở xứ sở này không còn cái gì mà hiền (hay lành) được nữa, kể cả nước mưa. Ông Dương Hồng Sơn, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Môi Trường, tuyên bố:

“Ở Việt Nam, lượng mưa axit đã chiếm 30%, có nơi tới 50% số lần mưa… gây tác hại không nhỏ đối với con người, cơ sở hạ tầng, sản xuất… Những báo cáo của mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy, mưa axit từ nước ngoài vào Việt Nam đang tăng lên…” (Mưa Độc Có Thể Tàn Phá Hệ Hô Hấp Của Con Người).

Nước ngoài là nước nào vậy cà?

Dân chúng Miên, Lào, Miến Điện không mấy ai có “cơ hội” được đụng chạm gì nhiều tới máy móc. Họ đâu có làm gì ra khói, ngoại trừ những lúc họ nướng khoai, sao có thể tạo ra mưa acid được, cha nội?

Vậy thì khói thải ở đâu ra? Phải có lửa ở chỗ nào đó mới được chớ, đúng không? Không có lửa sao có khói, mấy cha? Lò dò một chập, tui tìm được xuất xứ của nguồn khói lạ (nguyên nhân gây ra “mưa axit từ nước ngoài vào nước ta”) qua một bài viết ngắn, bằng Anh Ngữ: “Transboundary sulfur pollution & Vietnam.”

Tác giả, một chuyên gia về khí quyển hiện sinh sống tại nước Úc, bày tỏ sự quan ngại rằng ở Ðông Nam Á có những quốc gia chỉ tạo ra những lượng lưu huỳnh rất nhỏ nhưng lại phải chịu nhận sự tích tụ của loại hóa chất này (rất lớn) từ những lân bang. Việt Nam và Nepal là hai “nạn nhân” điển hình, trong vùng, về tệ trạng này.

Tài liệu mà tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trích dẫn (R. Arndt, G. Carmichael, J. Roorda – Seasonal source-receptor relationships in Asia, Journal of Atmospheric Environment, Vol. 32, No. 8, 1988, pp. 1937-1406) được phổ biến từ năm 1988 lận. Hơn hai mươi năm sau, ông Dương Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Khoa học Khí tượng – mới từ tốn cho công luận biết là “hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đáng giá tổng thể ảnh hưởng của mưa axit,” dù vẫn theo lời ông: “Mưa độc có thể tàn phá hệ hô hấp của con người” (VnMedia 23/12/2008).

Mà dân Việt thì rõ ràng không cần thêm “khói lạ” của ông bạn láng giềng vĩ đại. Khói nhà vốn đã có dư rồi, theo đánh giá của GS.TS.Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội:

"Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội đang ở mức báo động đỏ. Nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép 5–6 lần thậm chí có nơi trên 10 lần. Lượng khí thải độc hại như CO2, SO2, CO3, NO, CO… ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực tới con người, môi trường."

"Vào giờ cao điểm, nồng độ bụi tính trung bình của riêng TP Hà Nội gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí CO cao hơn 2,5 lần, hơi xăng cao hơn 12,1 – 2000 lần tiêu chuẩn cho phép. Người dân sống quanh các điểm nóng giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ tới sức khoẻ như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật..."

“Hà Nội phải chịu đựng âm thanh hỗn tạp của còi xe, tiếng động cơ, tiếng ồn tại các công trường xây dựng và hàng loạt tạp âm khác làm cho môi trường không khí trở nên chật chội ngột ngạt.”



Bụi mù mịt ở đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Thu Huyền

Thở không khí bụi bặm và ngột ngạt khói xe, sống bên cạnh sông hồ hôi thối, dùng nước uống không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, tiêu thụ những loại thực phẩm độc hại ... (chắc) không phải là “độc quyền” của người dân Hà Nội. Tôi e rằng người dân Việt, ở rất nhiều thành phố khác nữa, cũng đang sống trong môi trường (bệnh hoạn) tương tự.

Hà Nội chỉ may mắn hơn những địa phương khác ở chỗ có một Cụ Rùa. Sự xuất hiện bất thường, đều đặn, của sinh vật này – trong thời gian qua – là một tín hiệu (không lành) về tình trạng môi sinh của cả cộng đồng.

Điều không may là “tín hiệu” này không được đánh giá đúng mức. Mọi nỗ lực của UBNDTP Hà Nội đều chỉ chăm chú vào “cá thể” của Cụ Rùa thôi, và cả nước (xem chừng) cũng đều đồng tình như thế cả.

Tại sao người dân Việt lại có thể sống vô tư như vậy? Lý do, tôi trộm nghĩ, có lẽ bởi họ thường xuyên được “ru ngủ ” bởi những “bài ca” êm dịu – đại loại như:
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số lạc quan về kinh tế cao nhất.
Kết quả cuộc tìm hiểu đánh giá đời sống người dân Việt Nam về cuộc sống hiện nay do Đài RFA thực hiện cho thấy, đa số người dân Việt Nam cảm thấy thoải mái và vui vẻ.
VN đã vượt qua Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành quốc gia có tỉ lệ người dân ưu tiên các khoản chi tiêu cho ăn uống và giải trí cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.



E là đã đến lúc phải tỉnh dậy đi thôi, muộn lắm rồi!




************

-Xác cụ Rùa hồ Gươm sẽ được đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
UBND thành phố Hà Nội cho biết: Gần 18 giờ ngày 19.1, UBND thành phố nhận được nguồn tin từ Ban quản lý Hồ Gươm thông báo cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm đã chết nổi trên mặt nước.

Sau khi nhận được thông tin, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm cử cán bộ ra tận hiện trường để làm các thủ tục liên quan. UBND thành phố cũng quyết định chuyển xác cụ Rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết cụ Rùa chết là do quy luật tự nhiên "Sinh - lão - bệnh - tử", đặc biệt là dịp này thời tiết xấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cụ Rùa ra đi.
Anh Vũ Văn Hiển, trú tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang là một trong những người phát hiện cụ Rùa chết đầu tiên cho biết: Anh và một số người khác thấy xác cụ Rùa nổi lập lờ góc hồ phía đường Lê Thái Tổ. Anh Hiển đã tra mạng tìm đường dây nóng của Ban quản lý Hồ Gươm và thông báo sự việc. Khi đưa vào gần bờ, anh lội xuống xem thì thấy xác cụ Rùa đã bị phân hủy. Ngay sau đó, một số các cơ quan chức năng của thành phố đã có mặt tại hồ Gươm để xử lý vụ việc, trong đó có Giáo sư Hà Đình Đức chuyên nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm. Khoảng 18 giờ, xác cụ Rùa Hồ Gươm được đưa vào bờ.
Ông Nguyễn Đức Vượng, người phụ trách di tích đền Ngọc Sơn cho hay các cơ quan chức năng đã đưa cụ Rùa lên khu vực đền Ngọc Sơn. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết. H iện trường được bảo vệ để làm các thủ tục cần thiết.

Buổi tối cùng ngày, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng có mặt để chỉ đạo, xử lý vụ việc.-
-Báo VN gỡ tin 'cụ rùa qua đời'
-Một loạt trang báo ở Việt Nam gỡ tin ‘cụ rùa hồ Gươm qua đời’, trong lúc người dùng Facebook ở Việt Nam tiếp tục bàn tán tin này hôm 19/1.

Báo Tuổi Trẻ là một trong các báo đưa tin cụ rùa hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) đã chết vào khoảng 16g30 chiều cùng ngày.


Báo Tuổi Trẻ viết “lực lượng quản lý hồ Gươm đã phát hiện cụ rùa hồ Gươm chết và nổi ở trong hồ gần khu vực đường Lê Thái Tổ”.

Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đã đến hiện trường, theo báo.

Nhưng tối cùng ngày, bản tin Tuổi Trẻ đã bị xóa.Image captionCác báo ở Việt Nam xóa tin về cụ rùa

Một số báo khác tại Việt Nam cũng xóa tin này.

Một phóng viên bình luận trên Facebook rằng “báo chí giờ đến khổ” trong lúc có tin đồn rằng chính phủ Việt Nam không cho báo trong nước đăng tin này.

Với nhiều người Việt Nam, cụ rùa Hồ Gươm là một linh vật lịch sử sống.

Việc mỗi khi cụ rùa nổi lên lại làm nhiều người dân tin vào điều linh thiêng, huyền bí.

Tin tức về số phận cụ rùa hồ Gươm hôm 19/1 diễn ra chỉ một ngày trước khi bắt đầu Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII.




-"Cụ rùa Hồ Gươm" đã chết
Theo nguồn tin của phóng viên Infonet, vào khoảng 16h30 ngày 19/1/2016, "cụ rùa Hồ Gươm" đã nổi lên ở phía góc đối diện tòa nhà báo Hà Nội Mới và đã có dấu hiệu bốc mùi. Nhiều người dân cho là "cụ rùa" đã chết.
Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm cùng với người dân đã đưa "cụ" vào ven bờ, tiến hành lau qua cơ thể và liên hệ với PGS.TS Hà Đình Đức. 

Ông Đức cho biết, khoảng 18h00 BQL Hồ Hoàn Kiếm đã gọi điện thông báo cho ông và ông đang trên đường di chuyển từ nhà ra hiện trường.
Hiện tại khu vực hiện trường nơi "cụ rùa" nằm đã được phong tỏa.
Đây là một tin khá bất ngờ đối với nhiều người dân Hà Nội bởi hình ảnh "cụ rùa" và Hồ Gươm từ lâu nay vẫn khá gắn bó với những hoài niệm về một Hà Nội giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội.
Anh Vũ Xuân Hiển (sinh năm 1979 -quê quán Bắc Giang, hiện đang sống ở Thường Tín) là người đầu tiên phát hiện thi thể "cụ rùa". Trao đổi với phóng viên Infonet, anh Hiển cho biết: Vào khoảng lúc 16h30, khi đang đi quanh hồ thì thấy "cụ rùa" nổi lưng. Anh cứ nghĩ là "cụ rùa" nổi bình thường thôi. Nhưng khi cụ trôi vào gần thì anh phát hiện có mùi lạ như mùi phân huỷ. Lúc đó anh có gọi cứu trợ nhưng không được.
Lần nổi lên gần đây nhất của "cụ rùa Hồ Gươm" là vào trưa ngày 21/12/2015. Khi đó, "cụ rùa" nổi lên ở gần khu vực đối diện đường Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm - Hà Nội). 
Theo “nhà rùa học” PGS.TS Hà Đình Đức, "Cụ Rùa" nổi trong hơn hai tiếng từ 10h sáng đến hơn 12h ngày 21/12/2015. Ở lần nổi lên cuối cùng ngày, "cụ" xuất hiện với mai bóng nhẫy, trơn mượt. 
Cũng theo PGS Đức, năm 2015 số lần Cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên mặt nước khá ít. Tháng 11 nổi hai lần, tháng 12 nổi một lần. Trung bình mỗi tháng Cụ Rùa nổi vài lần, thấp hơn hẳn nhưng năm trước, trung bình một tháng Cụ Rùa nổi khoảng chục lần.





-Nếu chẳng may Cụ Rùa chết, ai chịu trách nhiệm?
LTS: Những ngày trời rét đậm này, thông tin về Cụ Rùa Hồ Gươm cũng càng trở nên nóng hổi trên các báo, chứng tỏ mối quan tâm lo lắng tới sinh mệnh của Cụ Rùa linh thiêng rất sâu sắc. Tuần Việt Nam chúng tôi xin chuyển tải một số thông tin xung quanh vấn đề này. Và rất mong, cơ quan chức năng có phương án tích cực hơn nữa cứu Cụ Rùa, đồng thời lên tiếng cho dư luận xã hội hiểu thêm vấn đề đáng lo ngại này

Nói dại, nếu chẳng may Cụ Rùa Hồ Gươm chết, ai sẽ chịu trách nhiệm đây?

Số phận Cụ Rùa: "Đợi ra giêng tháng rộng, ngày dài"?
Đến ngày 5-1-2011, Hà Nội đã chính thức có giải pháp cứu Cụ Rùa Hồ Gươm (mới là giải pháp trên văn bản). Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng vừa ký văn bản số 52/UBND-VHKG phê duyệt đề xuất các giải pháp kiểm tra và xử lý rùa tai đỏ tại Hồ Gươm của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội. Theo đó, giải pháp tình thế trước mắt là cần phải bắt và xử lý rùa tai đỏ trong Hồ Gươm để đảm bảo môi trường sống cho Cụ Rùa.

Sở Khoa học - Công nghệ HN đề xuất phương pháp bắt rùa tai đỏ bằng các biện pháp như sau: Bắt rùa tai đỏ bằng lồng đặt chìm dưới nước hoặc dùng bè nổi có mồi dẫn dụ vào lưới. Riêng đối với mồi dẫn dụ không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái hồ. Trước tiên cần tiến hành bắt rùa tai đỏ tại một hồ thử nghiệm để rút kinh nghiệm.
Đồng thời, một kịch bản truyên truyền về tác hại của rùa tai đỏ đối với hệ sinh thái của Hồ Gươm cũng sẽ được xây dựng. UBND t/p cũng đã thành lập một tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện của các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND Quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý khu vực Hồ Gươm; các đơn vị ngoài thành phố tham gia bắt và xử lý rùa tai đỏ với sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước của t/p.
Bà Lê Thanh - Phó Trưởng phòng Phòng Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ HN cho rằng, việc bắt và xử lý rùa tai đỏ tại Hồ Gươm là vấn đề quan trọng và rất nhạy cảm, tuy là việc cần thực hiện trong thời gian sớm nhất nhưng phải cẩn trọng. Vì vậy, dù đề xuất của Sở Khoa học - Công nghệ được duyệt nhưng có lẽ phải sau Tết Nguyên đán mới có thể thực hiện được.
Trước thông tin UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt đề xuất của Sở Khoa học- Công nghệ, ông Nguyễn Đình Hòe - Trưởng Ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: "Hoan nghênh các giải pháp diệt rùa tai đỏ của Sở Khoa học - Công nghệ HN. Tuy nhiên, hình như có một vấn đề mà những người có trách nhiệm bảo vệ Cụ Rùa quên mất đó là tính cấp bách.
Cái cần làm ngay lúc này là nên đưa Cụ Rùa sang ở một chỗ khác, cách ly tạm thời với môi trường hiện đang bị đe dọa bởi nạn rùa tai đỏ và chạy chữa kịp thời những vết thương trên mình Cụ. Sau đó mới tiến hành bắt rùa tai đỏ, thậm chí còn có thể nạo vét, cải tạo toàn bộ môi trường của Hồ Gươm mà không lo ảnh hưởng gì đến sức khỏe của Cụ Rùa".
Trên thế giới hiện nay chỉ còn có 4 cá thể rùa thuộc loại rùa Hồ Gươm, trong đó có 1 cá thể sống ở hồ này và 1 cá thể rùa sống tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). 2 cá thể còn lại được nuôi tại Trung Quốc. Chưa xét về câu chuyện giống nòi, chỉ đứng riêng về khía cạnh lịch sử thì Cụ Rùa Hồ Gươm đang được coi là một nhân vật của lịch sử gắn với sự tích Vua Lê trả gươm báu.
Quý là thế, độc nhất vô nhị là thế, nhưng những vết thương liên tiếp xảy ra trên mình Cụ trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý môi trường Hồ Gươm đang bị bỏ ngỏ. Những người có trách nhiệm bảo vệ Cụ Rùa cần phải có biện pháp cấp bách trước sự tấn công ồ ạt của rùa tai đỏ.
Năm 2004, GS Hà Đình Đức đã từng lên tiếng cảnh báo về nạn rùa tai đỏ, nhưng ông đã thực sự thất vọng vì lúc đó "không được ai quan tâm". Để đến lúc này khi những vết thương của Cụ sờ sờ ra đấy, các cơ quan chức năng mới lo bàn kế hoạch, lên chương trình đề xuất các giải pháp bảo vệ Cụ. Giải pháp đã có, nhưng rõ ràng cấp bách thì chưa. "Thời tiết mỗi ngày khắc nghiệt hơn, nếu để qua Tết Nguyên đán mới làm việc này, e rằng lúc đó mọi chuyện đã trở nên quá muộn" - ông Hòe lo lắng.
TP. Hà Nội vừa mới tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại Lễ được đánh giá là tổ chức thành công. Nhưng có lẽ trong 1000 việc làm tốt của Hà Nội cho kỷ niệm Đại lễ thì dường như vẫn còn 1 việc mà người ta đã quên mất, đó là bảo tồn và gìn giữ một Cụ Rùa Hồ Gươm, được coi như "báu vật", "chứng nhân lịch sử" của Thăng Long- Hà Nội. Phải chăng, cuối năm người ta quá bận! Và số phận Cụ Rùa sẽ ra sao khi Tết Nguyên đán qua đi?
Lê Na - (Đại Đoàn Kết)
Cụ Rùa cố giương cao nơi bị lở loét, thối rữa trên thân mình
PGS- Hà Đình Đức: Tôi đề nghị đưa Cụ Rùa lên cứu chữa

Chuyện Cụ Rùa Hồ Gươm "cõng" rùa tai đỏ, rồi chuyện Cụ bị rùa tai đỏ "đả thương" đã gây ầm ĩ trên dư luận vừa qua. Với PGS Hà Đình Đức không phải là chuyện bất ngờ, bởi điều đó đã được chính ông cảnh báo từ nhiều năm trước.

- Thưa ông, qua bức ảnh chụp mới đây, người ta thấy rõ ràng là trên mình Cụ Rùa Hồ Gươm vừa xuất hiện vết thương. Và theo ông, khả năng đó chính là do rùa tai đỏ gây ra. Xin ông cho biết khả năng này là bao nhiêu phần trăm, bởi loài rùa tai đỏ, dù dữ dằn như chúng ta đều biết, nhưng liệu có thể đã tấn công tới Cụ Rùa to lớn?

- Theo cuốn Rùa thế giới của Carl H. Ernst và Roger W. Barbour, 1989, rùa tai đỏ lúc nhỏ ăn động vật, lớn lên thì ăn tạp. Thức ăn của rùa tai đỏ: Tảo, bèo tấm, thực vật nổi, động vật bao gồm nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng (trưởng thành và ấu trùng), tôm, ếch nhái, các động vật thân mềm, hầu hết các loại ốc. Trong điều kiện nuôi nhốt thức ăn, thức ăn của rùa tai đỏ là cá hộp, thịt bò, hamburger, thức ăn hộp cho chó mèo, rau diếp, chuối, dưa hấu, dưa đỏ.
Theo tôi những vết nham nhở trên mai Cụ Rùa có thể do rùa tai đỏ gặm vì Cụ thuộc loài mai mềm. Đây là giả thiết, không thể đo đếm được! Không thể quan niệm về kích thước ở đây. Ví như con ốc bươu vàng to hay bé mà cả nước "đánh nhau" với nó được không?! Mai Cụ Rùa rất rộng nên rùa tai đỏ có thể bám theo hoặc thậm chí trèo lên lưng gặm phần mai mềm của Cụ.
- Theo nghiên cứu của ông, thì rùa tai đỏ đã có ở Hồ Gươm từ bao giờ? Và tại sao bây giờ chúng mới tấn công Cụ?
- Tôi có tư liệu khẳng định rùa tai đỏ xuất hiện ở Hồ Gươm từ năm 2004 mà tôi đã từng cảnh báo và báo chí đã từng lên tiếng. Tôi đã thống kê được 22 bài.
- Theo ông, nếu đó là sự thực thì việc tiêu diệt rùa tai đỏ phải hết sức cấp thiết, bởi hoàn toàn có thể chúng "xơi thịt" Cụ Rùa Hồ Gươm đến chết?
- Công việc tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm là rất cấp bách vì nó có thể ăn cạn kiệt nguồn thức ăn của các loài động vật thủy sinh và cả thức ăn của Cụ Rùa. Hình ảnh đưa trên báo chí vừa qua cho thấy vết thương trên mai Cụ Rùa có thể do rùa tai đỏ gặm! Ngoài ra trên cổ Cụ còn vết cứa đỏ rất mới. Có thể nói đây là tấm ảnh gây cho tôi cú sốc lớn trong suốt 20 năm theo dõi hoạt động của Cụ Rùa!
- Hồi đầu năm cũng dấy lên lo ngại về Cụ Rùa Hồ Gươm bị dính lưỡi câu. Liệu các vết thương vừa qua có gây ảnh hưởng đến Cụ vốn tuổi cao sức yếu không? Liệu có cần phải can thiệp cứu chữa cho Cụ bằng y học?
- Năm 1997 và năm 1998 tôi đã có tờ trình về Cụ Rùa bị thương và có ảnh chứng minh cụ thể. Tháng 8 vừa qua trên mai Cụ lại dính 2 chùm lưỡi câu, tôi đều có ảnh rõ ràng. Vết thương trên cổ Cụ lần này là vết thương mới! Theo tôi năm nay Cụ nổi rất nhiều và có vẻ yếu hơn mọi năm, lại mang trên mình nhiều vết thương - điều đó thật sự tôi thấy rất đau lòng. Tôi đề nghị đưa Cụ lên cứu chữa, đồng thời vây bắt rùa tai đỏ.
-Đưa Cụ lên cứu chữa ư? Nhưng ai dám đưa lên chữa, mà chữa bằng cách nào?
- Tôi thấy chỗ Cụ hay nổi ở gần đường Đinh Tiên Hoàng, mà Cụ có vẻ yếu, nên việc "đưa Cụ lên" không khó. Vấn đề là ai dám "quyết" trong việc này. Khi đưa lên thì sẽ sát trùng vết thương cho Cụ, và dùng các biện pháp cứu chữa khác...
- Hiện các ngành chức năng đang đề xuất giải pháp tiêu diệt rùa tai đỏ. Từ nghiên cứu của mình, theo ông biện pháp tối ưu như thế nào? Theo ông biết, liệu Hà Nội có theo biện pháp đó không? Nghe nói, Sở Khoa học và Công nghệ HN đề xuất giải pháp "hiện đại" chứ không phải "thủ công"?
- Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ HN đã có cuộc họp bàn với các nhà khoa học và các nhà quản lý, tìm biện pháp thu bắt rùa tai đỏ, tìm và tiêu hủy trứng của chúng ở Hồ Gươm chắc là được, nhưng triệt để thì rất khó kể cả lâu dài. Nhưng trước mắt thành phố phải có văn bản cụ thể về cấm thả rùa tai đỏ vào Hồ Gươm nhất là trong dịp 23 tháng Chạp tới và cấm phóng sinh trong các ngày Rằm và Rằm tháng 7. Cần giao cho Đội Quản lý An ninh trật tự Hồ Gươm theo dõi và xử lý những người vi phạm và được phép phạt nếu vi phạm. Có như vậy mới hy vọng giảm thiểu số lượng rùa tai đỏ ở Hồ Gươm.
- Năm ngoái, chuyện nuôi rùa khổng lồ ở Đồng Mô đã gây được sự chú ý của dư luận. Theo ông đã đến lúc đặt lại vấn đề thả thêm rùa lớn vào Hồ Gươm cho Cụ "có bầu có bạn"? Hoặc ít ra là để phòng khi "tối lửa tắt đèn" bị rùa tai đỏ tấn công?
- Tôi khẳng định rùa Đồng Mô hoàn toàn khác loài với Cụ Rùa Hồ Gươm và không nên thả vào Hồ Gươm.
- Chúng tôi được biết là trước đây, ông đã bảo vệ công trình nghiên cứu về tổng thể môi trường cho Hồ Gươm. Việc diệt rùa tai đỏ có lẽ chỉ là 1 trong số các biện pháp tổng thể mà chúng ta cần phải làm cho môi trường hồ và cho Cụ Rùa. Theo ông, các biện pháp tổng thể cần phải làm trong thời điểm này là gì?
- Để bảo vệ môi trường Hồ Gươm, TP nên có một phòng thí nghiệm để tiến hành theo dõi các chỉ số về môi trường nước thường xuyên chứ không phải đợi lúc có dự án thì mới làm 1 vài tháng hay vài năm rồi lại bỏ đó đến lúc có sự cố rồi mới tiếp tục. Cần kiểm tra đáy hồ để dọn dẹp những chướng ngại, tôi chắc các vết thương trên cổ Cụ chính do những vật sắc nhọn trong đáy hồ gây ra.
Việc này phải dùng thợ lặn chuyên nghiệp rà soát đáy hồ dọn dẹp hết những thứ chướng ngại có thể gây nguy hiểm cho Cụ Rùa. Phải hút bùn cho lòng hồ sâu thêm 40 - 50 cm để tăng thể tích nước cho hồ. Tôi đã nhiều lần đề nghị nên cải tạo cửa cống Hàng Khay, có thể đóng mở để đến mùa mưa xả bớt nước hồ tồn đọng lâu ngày và bổ sung nước mưa hòa loãng để cải thiện chất lượng nước hồ nhưng không được quan tâm! Có như vậy nước Hồ Gươm sẽ được cải thiện mà hầu như không tốn kém bởi vì chỉ thực hiện việc đóng mở cửa cống mỗi năm độ 1,2 lần.
Nguyễn Mỹ ( Thể thao và Văn hóa)



Đất nước mình lạ thế, bao nhiêu chuyện xảy ra rồi, không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Có kịp cứu Cụ Rùa Hồ Gươm không?
Từ khi đài, báo đưa tin và những hình ảnh đang xuất hiện một đàn rùa tai đỏ hoành hành ở Hồ Gươm, biết bao người dân lo lắng. Khi xem hình 2 chùm lưỡi câu mắc trên vai Cụ Rùa, rồi hình ảnh con rùa tai đỏ cưỡi trên lưng Cụ Rùa, tôi càng hết sức lo. Hôm qua đọc bài "Văn hóa Thủ đô - văn hóa lùn (?)" của Nguyễn Hữu Quý, xem cận cảnh vết thương và ánh mắt của Cụ Rùa tôi càng không thể nào yên.
Tác giả viết: "... Nhìn ảnh Cụ Rùa, xót xa cho Cụ, vì Cụ không có tay để nắm ngay mà đập cho đến chết những kẻ ngày ngày ngồi trên lưng cụ, để rồi "ăn" Cụ cho đến no nê (?!). Hoặc Cụ không cất lên thành tiếng, để nói rằng, lũ CON NGƯỜI tham lam, ngu dốt kia ơi, chúng bay đã hết cách để giữ lấy cái nơi mà bọn bay luôn luôn hô hào là linh thiêng bậc nhất của nước Nam này nữa rồi sao?!"...
Tôi cũng hoàn toàn có cảm nhận đúng như thế. Mỗi lần Cụ Rùa nổi lên, các nhà khoa học duy vật cố giải thích rằng đó là do thời tiết thay đổi... Nước thiếu ô-xy, Cụ nổi lên để thở. Nhưng rất nhiều người dân đều tin rằng mỗi lần Cụ xuất hiện đều có ý báo hiệu một điều gì đó.
Một chú bạch tuộc Paul non trẻ "tầm thường" còn dự báo đúng kết quả tất cả các trận đấu của đội tuyển bóng đá Đức ở giải vô địch Châu Âu mùa hè năm 2010, làm cả thế giới khâm phục. Chẳng lẽ Cụ Rùa linh thiêng sống mấy trăm năm với truyền thuyết Hồ Gươm huyền thoại như vậy, những lần xuất hiên lại không làm chúng ta linh cảm về một điều linh ứng gì đó sao?
Ít ra lần xuất hiện này của Cụ cũng truyền đi thông điệp như của tác giả Nguyễn Hữu Quý đã cảm nhận, đã phải thốt lên lo sợ, đau đớn, và được nhiều người cùng chia sẻ. Hình ảnh vết thương lở loét và con rùa tai đỏ cưỡi lên lưng Cụ cứ ám ảnh tôi khôn nguôi.
Chẳng lẽ Cụ Rùa linh thiêng sống mấy trăm năm với truyền thuyết Hồ Gươm huyền thoại như vậy, những lần xuất hiên lại không làm chúng ta linh cảm về một điều linh ứng gì đó sao?
Tôi nhớ đến cảnh những con voi khổng lồ ở Châu Phi bị một bầy sư tử bao vây, quần cho mệt và chúng xúm lại, con thì nhảy lên lưng, các con khác thì kéo đuôi, kéo vòi... Chúng cào, cắn vào những chỗ mềm yếu nhất là bộ phận sinh dục, hậu môn... làm con voi giãy giụa trong đau đớn và kiệt sức gục ngã để bọn sư tử tha hồ ăn thịt. Trời ơi! Cảnh tượng một bầy ác thú rùa tai đỏ bao vây, ăn thịt Cụ Rùa của chúng ta có xảy ra tương tự không?
Liệu các biện pháp bắt rùa tai đỏ mà Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội còn đang dềnh dàng nghiên cứu, thử nghiệm... có kịp cứu Cụ Rùa không? Nói dại nếu các biện pháp giải cứu không kịp, để xảy ra mệnh hệ nào cho Cụ thì ai chịu trách nhiệm đây? Và khi đã xảy ra rồi, quy kết trách nhiệm còn cứu vớt được gì!? Thật đáng lo lắng và sợ hãi xiết bao!
Theo PGS Hà Đình Đức thì trong Hồ Gươm chỉ còn lại 1 Cụ Rùa duy nhất, đã sống 700 năm rồi. Liệu tuổi cao, sức yếu như vậy, trước sự tấn công ngày đêm của lũ ác thú rùa tai đỏ ngoại lai, Cụ có cầm cự được đến ngày Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội nghiên cứu xong biện pháp giải cứu.
Thế là trong thời đại này, ít nhất 2 Cụ Rùa Hồ Gươm linh thiêng đã bị chính chúng ta giết chết và Cụ còn lại cũng bị bầy ác thú do chính chúng ta rước về, thả xuống để giết nốt những gì còn lại của Hồ Gươm.
Tôi còn nhớ từ hồi tháng 8/2010, khi gặp PGS Hà Đình Đức, một chuyên gia nghiên cứu về Hồ Gươm, anh cho xem tấm ảnh có 2 chùm lưỡi câu móc trên lưng Cụ Rùa và rất lo lắng. Tôi hỏi "Ai được giao bảo vệ Cụ Rùa?". Anh bảo "Không ai cả, kiến nghị mãi rồi!". Đất nước mình lạ thế, bao nhiêu chuyện xảy ra rồi, không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Tháng 4 năm 1968, một Cụ Rùa Hồ Gươm cũng nổi lên kêu cứu. Người ta thấy trên lưng Cụ bị một vết thương nặng, đang rỉ máu. Tin loan báo đi. Có người quy ngay cho mảnh bom, đạn Mỹ oanh tạc Hà Nội trước đó 2 ngày đã làm Cụ bị trọng thương.
Nhưng nguồn tin từ dân cho biết: Có kẻ tên là Thu đánh cá thuê cho Công ty Thực phẩm quốc doanh Hà Nội, trong khi kéo lưới bị Cụ Rùa cản trở nên đã dùng xà beng đâm mạnh, xuyên qua lớp mai mềm, cắm vào phổi... Các giải pháp cứu chữa đã không thành. Cụ mất vào ngày 08/4/1968. (Nay xác ướp được để tại đền Ngọc Sơn). Công an vào cuộc. Kẻ thủ ác đã trốn biệt và đến nay vẫn mất tăm!? Thế là chẳng ai chịu trách nhiệm.
Thực ra thì trước đó một Cụ Rùa khác cũng đã bị một vết thương nặng, chết nổi lên, người ta vớt xác, lấy bộ xương Cụ bảo quản tại chùa Hưng Ký (Q. Hoàng Mai- Hà Nội) và cũng chẳng điều tra kẻ thủ ác, chẳng ai chịu trách nhiệm. Sau những sự việc như vậy nay cũng không giao cho ai có trách nhiệm bảo vệ Cụ Rùa còn lại, liệu có thể nói gì nữa đây?
Thông điệp cay đắng, tuyệt vọng của Cụ Rùa
Tại sao những con vật ở sở thú thì có người bảo vệ ngày đêm, người chăm sóc nuôi dưỡng, có bác sĩ theo dõi bệnh tật, mà Cụ Rùa thì không. Hay vì ở sở thú người ta có bán vé thu tiền, còn Hồ Gươm thì không? Mà ngay đàn chim bồ câu thả lên trời nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, được nuôi hẳn hoi thì cũng đang chết dần chết mòn với nhiều lý do. Mà lý do nào cũng có vẻ có lý cả?
Theo PGS Hà Đình Đức thì trong Hồ Gươm chỉ còn lại 1 Cụ Rùa duy nhất, đã sống 700 năm rồi. Liệu tuổi cao, sức yếu như vậy, trước sự tấn công ngày đêm của lũ ác thú rùa tai đỏ ngoại lai, Cụ có cầm cự được đến ngày Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội nghiên cứu xong biện pháp giải cứu.
Thế là trong thời đại này, ít nhất 2 Cụ Rùa Hồ Gươm linh thiêng đã bị chính chúng ta giết chết và Cụ còn lại cũng bị bầy ác thú do chính chúng ta rước về, thả xuống để giết nốt những gì còn lại của Hồ Gươm.
Cảnh tượng Cụ Rùa, báu vật của Hồ Gươm linh thiêng, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", đang bị bầy ác thú rùa tai đỏ ngoại lại ngang nhiên tàn phá, nói lên điều gì của nhân tình thế thái hôm nay. Đó chẳng phải là thông điệp cay đắng, tuyệt vọng (hy vọng chưa phải cuối cùng) mà Cụ Rùa muốn nói với những CON NGƯỜI vô cảm chúng ta hôm nay không?

Tổng số lượt xem trang