Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Quan hệ Mỹ-Hoa - Từ Xa đến Gần (Nguyễn Xuân Nghĩa)

-Quan hệ Mỹ-Hoa - Từ Xa đến Gần
Giờ Giải Ảo - Phát thanh ngày 20100712    

Tìm hiểu quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa từ xưa đến nay   

Từ thế kỷ 20, Hoa Kỳ có thói quen đối ngoại là mượn lực xứ khác tạo ra các mâu thuẫn cục bộ để khỏi bị lôi vào cuộc, nhưng tin rằng phe nào cũng cần đến hậu thuẫn của mình. Trong tinh thần ấy, Hoa Kỳ quả là tinh vi trong những tính toán lớn về thiên hạ đại thế...  



Thưa quý thính giả, đây là Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của đài NVR và trên mạng lưới điện toán toàn cầu kxmx.com cùng trang nhà của nhật báo Người Việt. Chúng tôi là Đinh Quang Anh Thái, xin kính chào ông Nghĩa.

ĐQAThái: Trong nhiều chương trình liên tiếp của tháng Sáu vừa qua, ông có ý trình bày "tam thập lục kế" tức là 36 mưu kế chính trị của Trung Hoa mà dân ta đã áp dụng để gợi ý tò mò tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Ông mong là nhờ các chi tiết hấp dẫn đó, thính giả sẽ đọc lại lịch sử nước nhà thay vì cứ ôn lại giai thoại chính trị trong tiểu thuyết dã sử Trung Quốc. Sau đấy, một số thính giả có liên lạc và yêu cầu cho đăng lại chương trình Giờ Giải Ảo này vì có khi hụt mất buổi phát thanh. Chúng tôi xin cảm ơn sự ưu ái theo dõi ấy và phải nghiên cứu thêm việc đáp ứng lời yêu cầu. Thưa ông Nghĩa, kỳ này ông muốn gợi ý cho thính giả về đề tài gì trong tinh thần "giải ảo" của chúng ta?

NXN: - Trong tuần qua một số thính giả hay độc giả có hỏi là tôi nghĩ sao và bình luận gì về việc tiềm thủy đĩnh Hoa Kỳ đã xuất hiện trên vùng biển Đông Bắc của Trung Quốc. Thật ra, làm sao mà mình biết hết được mọi chuyện để có thể bình luận linh tinh! 

- Nhìn chung, tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện tại, khi Trung Quốc đang uy hiếp Việt Nam trước sự thụ động, thậm chí là toa rập, của lãnh đạo Hà Nội, hiển nhiên là nhiều người cũng mong Mỹ nên khẳng định sự hiện hữu tại Á Châu để phần nào cân bằng cái thế lực quá lớn của Trung Quốc. Vì vậy, ai cũng có ý theo dõi tin tức về mọi chuyển động của Hoa Kỳ hay phản ứng của Trung Quốc, v.v...

- Bản thân tôi thì nghĩ hơi khác và lại nhắc đến nhu cầu là có tờ lịch và tấm bản đồ, nghĩa là nhìn vào quan hệ giữa các nước trong bối cảnh rộng của lịch sử và địa dư. Vì vậy, có lẽ kỳ này ta nên xét qua về quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc trong lịch sử và ở hai bên bờ Thái bình dương....

Thái: Theo như ông thấy, quan hệ ấy khởi sự từ thời nào?

NXN: - Từ trước thời lập quốc của nước Mỹ!

- Tháng trước, mình nhắc đến cái kế "Ban Trư Ngật Hổ", là giả làm con heo để ăn con cọp, mà Nguyễn Nhạc áp dụng khi từ Tây Sơn tiến ra chiếm lấy thủ phủ Quy Nhơn, ta chú ý đến thời điểm trên tấm lịch là năm 1773. Ở bên kia Thái bình dương, năm 1773 đó lại có một biến động lịch sử là vụ nổi loạn vì trà tại hải cảng Boston, gọi là Boston Tea Party.

- Số là vì ngân sách của Đế quốc Anh bị hao hụt, Quốc hội Anh mới ra đạo luật về trà, cụ thể là đánh thuế trên lượng trà giao dịch giữa các thuộc địa của Anh, trong đó có đất thuộc địa là nước Mỹ ngày nay. Cư dân sống trên thuộc địa ấy coi là bất công vì đòi họ nộp thuế mà không cho  quyền để cử người đại diện. Sự bất mãn ấy âm ỉ từ lâu và dẫn tới quyết định là cư dân quăng trà xuống biển để phản đối vào tháng 12 năm 1773! Cuộc Cách mạng Mỹ khởi sự từ đó.

- Nói cho thi vị thì cuộc cách mạng của Hoa Kỳ bùng nổ từ tách trà, như phong trào Tây Sơn nổi lên từ lá trầu nguồn! Nói cho thực tế thì nguyên ủy vẫn là kinh tế và thuế khoá. Thế rồi, khi tìm hiểu thêm thì ta được biết là những bành trà bị quăng xuống biển tại Boston trong biến cố lịch sử đó là trà Trung Quốc chứ không phải của Ấn Độ!

Thái: Đúng là ông khéo dẫn truyện! Nghĩa là trước khi Hoa Kỳ trở thành một quốc gia độc lập thì thuộc địa của Đế quốc Anh tại Bắc Mỹ đã buôn bán với Trung Quốc và trong số hàng hóa đã có trà Tầu. Quyết định đánh thuế của Anh trên các thùng trà ấy là giọt nước làm tràn ly và dẫn tới biến cố chính trị khai sinh ra một siêu cường?..

NXN: - Thưa đúng vậy vì 13 thuộc địa sau này ta gọi là tiểu bang của Mỹ đã buôn bán trà, đồ sứ, đồ gỗ, lụa là và gia vị với Trung Quốc từ trước. Thế rồi, sau khi giành được độc lập, Hoa Kỳ mất nhiều thập niên xây dựng định chế quốc gia trong khi các Đế quốc Âu Châu ngó qua châu Á tìm thị trường, thuộc địa. Khi nước Anh khai mở cuộc Chiến tranh Nha phiến, lần đầu vào năm 1840, để áp đặt điều kiện giao thương với Trung Quốc thì Mỹ lại đứng ngoài.

- Nhưng bản hiệp định đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 1844 đặt ra một điều kiện: là mọi điều khoản mà sau này nhà Mãn Thanh chấp nhận cho liệt cường Âu Châu phải tất nhiên áp dụng cho Hoa Kỳ. Nghĩa là Mỹ không hao tốn phương tiện gây chiến nhưng đứng ngoài trục lợi và điều khoản ấy mới là xuất xứ của chế độ "tối huệ quốc" - most-favored-nation - mà ta nghe nói đến suốt thế kỷ 20. Quy chế tối huệ quốc ấy là chuyện rất nhạy cảm với Trung Quốc mà ta sẽ xét trong một kỳ khác!

Thái: Quý thính giả đang theo dõi chương trình Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hồi nãy ông vừa nhắc lại hoàn cảnh giao thương giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ từ thời lập quốc. Chuyện xa xôi ấy ảnh hưởng ra sao đến ngày nay, như quy chế tối huệ quốc mà ông vừa kể lại?

NXN: - Chúng ta không nên quên vài ba chuyện sau đây của hai nước trong hai thế kỷ vừa qua.

- Thứ nhất, Hoa Kỳ quả là có nhắm vào việc buôn bán với Trung Quốc, một thị trường đông dân. Nhưng vừa tranh thủ độc lập sau thời thuộc địa, Hoa Kỳ không nghĩ tới xứ này như thuộc địa và so với các liệt cường đang sâu xé Trung Quốc - là Anh, Đức, Nga và Nhật - thì Mỹ đứng ngoài, hay đứng sau. Hoa Kỳ cho là nhờ thái độ tương đối hoà hoãn ấy mà được Trung Quốc có thiện cảm và chấp nhận quy chế tối huệ quốc, vốn có lợi về kinh tế. Nhưng, nhà Mãn Thanh thời ấy có lẽ lại không nghĩ như vậy, và cho rằng Mỹ cũng chỉ là một nước Tây phương xấu xa.

- Thứ hai, dân Mỹ vốn rất sùng đạo, lại là một tập thể của các di dân bị đàn áp về tôn giáo, họ tin rằng việc truyền giáo là chức năng thiêng liêng và có nhiều mục sư vào Hoa lục truyền đạo hoặc lập ra các hội thiện. Sau này, họ chiếm phân nửa số người truyền giáo của Tây phương như Anh, Pháp, Đức, Mỹ. Nhưng thật ra, số dân Tầu cải đạo lại rất ít, chỉ có chừng 1% thôi, mà dân Mỹ ở nhà không biết và cứ tưởng là vòng tay rộng mở của mình đang cải hóa Trung Quốc!

- Một thí dụ khác vào cuối thế kỷ 19, sau vụ nổi dậy chống Tây phương của Nghĩa hòa đoàn - còn được gọi là Loạn Quyền phỉ - năm 1901, Thanh triều phải bồi thường thiệt hại cho Bát quốc Liên quân, là tám nước Hung-Áo, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga và Mỹ... Khoản tiền cho Hoa Kỳ lại được Chính phủ Mỹ dùng để cấp học bổng cho sinh viên Trung Quốc du học bên Mỹ!

- Tức là Hoa Kỳ rất lý tưởng mà chẳng biết là Trung Quốc vẫn nhìn nước Mỹ như các đế quốc kia thôi. Vì lý tưởng như vậy, Hoa Kỳ cũng đánh giá sai tinh thần quốc gia dân tộc và phản ứng bài ngoại của dân chúng Hoa lục. Nhưng nếu nhớ lại thì ta cũng chú ý đến một đặc tính vẫn còn ngày nay: Hoa Kỳ tin vào sức khai hóa của giáo dục và mở cửa đại học cho thanh niên xứ khác vào hấp thụ kiến thức canh tân, nhờ đó mà sẽ cải thiện được quan hệ giữa các quốc gia.

Thái: Ông vừa nhắc lại mấy chi tiết thú vị về quan hệ giữa đôi bên và nói đến những sự hiểu lầm từ cả hai phía. Chúng ta sẽ trở lại chương trình sau ít phút thông tin thương mại. Đây là mục Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Thái: Trở lại Giờ Giải Ảo, và đề tài kỳ này là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông có nói đến sự hiểu lầm của đôi bên về mối quan hệ này và có lẽ đó cũng là một điều mà mình cần giải ảo. Có phải là vì mỗi nước lại có hoàn cảnh và tâm tư riêng mà phía bên kia không hiểu rõ?

NXN: - Chúng ta nên nhớ là hai nước gặp nhau khi Mãn Thanh suy bại trong khi Hoa Kỳ nổi lên thành cường quốc. Mặc cảm suy bại và bản năng chinh phục lại vị trí đại cường đã từng có trong gần 20 thế kỷ là một yếu tố tâm lý của Trung Quốc mà ta không nên quên. Và giờ này nên sợ.

- Qua thế kỷ 20 là khi Trung Quốc tan rã vì ngoại xâm và nội chiến thì Hoa Kỳ thành siêu cường, nhưng Hoa Kỳ lại quan tâm đến Âu Châu hơn Á Châu. Thật ra, Mỹ mới chỉ khám phá rằng Trung Quốc không là thị trường lớn như họ nghĩ và vì ít quan tâm đến Á châu trong chuỗi chiến tranh bùng nổ tại Âu Châu, Mỹ thiếu đối sách thuần nhất về Trung Quốc, giữa nội chiến Quốc-Cộng.

- Hoa Kỳ chỉ nghĩ đến xây dựng liên minh với cả hai để ngăn Nhật Bản khi đó đã chiếm Mãn Châu và một phần Trung Quốc. Tới Thế chiến II, khi bị Nhật tấn công tại Trân châu cảng năm 1941 và Nhật đứng vào phe Trục cùng Đức và Ý, Hoa Kỳ vẫn chưa dứt khoát, cuối cùng thì vẫn phải trực diện nhập trận đánh Nhật Bản. Trong giai đoạn ấy, có lúc Hoa Kỳ còn bỏ rơi phe Tưởng Giới Thạch. Vụ ấy gây tranh luận trong chính trường Hoa Kỳ với đảng Cộng Hoà kết án Chính quyền Dân Chủ là hy sinh đồng minh. Khi phe Cộng sản thắng, Tưởng Giới Thạch phải chạy qua Đài Loan, Mỹ mới giật mình và cũng chẳng biết tính sao, có nên công nhận chính quyền Mao hay không.

Thái: Như ông vừa trình bày thì trong phân nửa đầu của thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã có những bất nhất và lúng túng trong đối sách với Trung Quốc?

NXN: - Đúng vậy vì chuyện ấy lại chìm vào Chiến tranh lạnh! Khi Chiến tranh Cao Ly bùng nổ giữa năm 1950, việc công nhận Trung Cộng hết còn đặt ra và Hoa Kỳ thời Tổng thống Truman đảo ngược quyết định, lại can thiệp vào Đông Á và tham gia chiến tranh Cao Ly. Khi ấy, mối lo về làn sóng đỏ Cộng sản lại che khuất mọi chuyện và trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. 

- Hơn chục năm liền, dưới các thời Eisenhower, Kennedy và Johnson, quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn với Bắc Kinh có đầy nghi ngờ, nhiều lúc căng thẳng, xen với đôi lần đối thoại không kết quả cho Mỹ. Việc Trung Quốc có bom nguyên tử năm 1964 cũng đảo lộn nhiều toan tính của Mỹ vì thêm một cường quốc cộng sản có thêm võ khí tuyệt đối. Điều ấy ảnh hưởng tới cuộc chiến Việt Nam vì Mỹ đánh để cầu hòa và không muốn trực diện gây chiến với Bắc Kinh nên không oanh tạc Bắc Việt ở quá gần biên giới Trung Quốc. Hỗn loạn tại Hoa lục thời Mao cũng khó tạo điều kiện đối thoại và thật ra Hoa Kỳ chậm nhìn ra mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô, vốn đã manh nha từ thời Kennedy và trở thành trầm trọng hơn vào thời Johnson.

Thái: Nhìn như vậy thì mình thấy ra khá nhiều bất nhất của nước Mỹ chứ Hoa Kỳ cũng chẳng là một siêu cường ba đầu sáu tay, chuyện gì cũng tính được cả chục năm trước.

NXN: - Tôi trộm nghĩ rằng đây là một chuyện mà mình cần giải ảo.

- Từ thế kỷ 20, Hoa Kỳ có thói quen đối ngoại là mượn lực xứ khác tạo ra các mâu thuẫn cục bộ để khỏi bị lôi vào cuộc, nhưng tin rằng phe nào cũng cần đến hậu thuẫn của mình. Trong tinh thần ấy, Hoa Kỳ quả là tinh vi trong những tính toán lớn về thiên hạ đại thế.

- Nhưng vì là siêu cường toàn cầu có quan hệ quyền lợi chằng chịt mọi nơi nên phải đắn đo cân nhắc và nhất thời thì có vẻ bất nhất. Thực tế thì quả là có lạng quạng và đảo ngược lập trường sau mỗi kỳ bầu cử. Nhưng ai lên lãnh đạo rồi thì cũng thấy ra cái trục xuyên suốt của quyền lợi lâu dài và tìm cách thích ứng. Vì vậy, nói là nước Mỹ ba đầu sáu tay thì cũng chẳng sai. Việc Johnson vừa đánh vừa đàm tại Việt Nam hoặc việc Nixon nổi tiếng chống Cộng mà lại giải vây cho Trung Quốc để bao vây Liên Xô cũng nằm trong chiều hướng đó.

- Sau đấy, hãy nghiệm lại xem, ngần ấy Tổng thống Mỹ đều đồng ý với nguyên tắc chỉ có một nước Trung Quốc, với hàm ý Đài Loan hay Trung Hoa Dân Quốc là một phần của Trung Quốc, nhưng vẫn tiếp tục bảo vệ Đài Loan. Tổng thống Carter rất hiếu hòa thì ôm hôn Đặng Tiểu Bình và biết trước là Trung Quốc chuẩn bị tấn công sáu tỉnh Bắc Việt mà không nhúc nhích. Tổng thống Reagan thì đả kích Carter là nhượng bộ Trung Quốc nhưng lên cầm quyền thì vẫn củng cố bang giao với Bắc Kinh và còn bán võ khí cho cả Trung Quốc lẫn Đài Loan: với Bắc Kinh thì Mỹ bán một triệu đô la võ khí vào năm 1982 rồi hơn 106 triệu vào năm 1989. Yêu cầu ở đây là gây khó cho Liên Xô trong cuộc đua Nga-Mỹ!

Thái: Thế rồi Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã và Mỹ thắng lớn, quan hệ của Hoa Kỳ với Bắc Kinh có gì thay đổi không?

NXN: - Sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ Mỹ-Hoa còn gia tăng mạnh hơn dưới thời ông Bush cha dù đã xảy ra vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989. Ông Clinton thì đả kích ông Bush này về nhân quyền tại Trung Quốc, chứ khi lãnh đạo thì cải tiến quan hệ về cả kinh tế lẫn chính trị như thời trước và cũng chính Clinton đã mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nghĩa là chấm dứt luôn đòn "tối huệ quốc" đã từng được các vị tiền nhiệm áp dụng.

- Khi lên lãnh đạo từ đầu năm 2001, ông Bush con cũng phê phán vị tiền nhiệm là giao du với độc tài và chuẩn bị thay đổi đối sách với Bắc Kinh - nhất là sau vụ máy bay Mỹ bị tấn công và phải hạ cánh tại đảo Hải Nam vào tháng Tư năm 2001. Nhưng vụ khủng bố 9-11 đã đảo lộn tất cả tính toán gọi là chiến lược của Hoa Kỳ. Nước Mỹ quan tâm đến những ưu tiên mới. Hoa Kỳ thời ông Bush hết coi Trung Quốc là một đối thủ cần canh chừng mà còn muốn Bắc Kinh là một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Nhìn trên bề mặt thì đấy là những bất nhất hoặc mâu thuẫn giữa các chính quyền nối tiếp của Hoa Kỳ, nhưng ta cần thấy ra sự hợp lý gần như nhất quán của lãnh đạo Mỹ.

Thái: Ông có một cách trình bày vấn đề để giải ảo và gây nhức đầu cho thiên hạ. Câu hỏi cuối trong chương trình kỳ này, ông tổng kết thế nào về nước Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc? 

NXN: - Tổng kết lại để tự giải ảo, tôi nghĩ rằng từ thời lập quốc, Hoa Kỳ vẫn có một phần lý tưởng có thể là ngây thơ trong quan hệ với thế giới. Quần chúng Mỹ thì như vậy vì bản chất họ tử tế, rộng lượng và lạc quan về con người và quần chúng đó thực tế có ảnh hưởng tới chinh trường. Nhưng bất cứ ai lên lãnh đạo thì vẫn ứng xử có khi phũ phàng với thiên hạ nếu phải bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Khi nào Trung Quốc là mối nguy về quyền lợi, Mỹ sẽ có phản ứng. Chỉ mong rằng khi đó Việt Nam không bị lôi vào cuộc như ta đã nhìn thấy từ thời xa xưa khi Pháp muốn nhảy vào miền Nam Trung Quốc mà tấn công nước ta, hoặc khi Mỹ muốn dựng miền Nam thành tiền đồn chống cộng. rồi quăng tiền đồn ấy xuống biển khi cần kết ước với Trung Quốc .Từ nay đến đó, ta đừng mơ rằng Hoa Kỳ sẽ yểm trợ Việt Nam trước đà bành trướng của Bắc Kinh. Đấy là vấn đề của Việt Nam. 

- Vào một kỳ sau, ta sẽ nói về Trung Quốc, một nhu cầu giải ảo khác...

Tổng số lượt xem trang