“…Ngoại giao mà không dựa được vào sức dân thì chỉ là thứ ngoại giao của tôi tớ, hầu hạ…”
Trong suốt tiến trình Đại Hội XI Đảng Cộng Sản Việt Nam, không thấy bàn đến vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và quốc tế. Phải chăng Việt Nam đã một mình một hành tinh?Hàng ngày, truyền thông quốc tế không hề quên Trung Quốc. Người Việt Nam nào gọi là có chút tri thức, không lúc nào quên mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thái độ và cách hành sử của nhà cầm quyền Trung Quốc với Việt Nam trong nhiều năm gần đây lại thêm một lần kích động lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Năm ngoái, 2010 đã có một việc động trời nổ ra: Mỹ trở lại Đông Nam Á. Việt Nam trong vai trò chủ tịch Asean, cùng Asean và các nước lớn đã quốc tế hoá việc tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc bất ngờ dịu giọng. Người Việt Nam như thắng được chính mình, như nở từng khúc ruột. Nhưng cũng thật kì lạ: Báo chí Việt Nam chỉ đưa tin vài dòng về Biển Đông. Người ta nghi ngờ: Hay là nội bộ ta có phe thân Trung Quốc nên phải che giấu thông tin? Hay là ta sợ Trung Quốc trả đũa nên phải im tiếng? Dù gì thì cũng là sai sót và đáng tiếc. Trung Quốc đã tự kiềm chế, Asean có họp nhưng về vấn đề Biển Đông Trung Quốc né tránh rồi lôi kéo các nước Asean, cô lập Việt Nam và tuyên bố kiên trì giải quyết “Song Phương”.
Việt Nam từ lúc nhẫn nhịn tới mức gọi tàu Trung Quốc xô đắm tàu cá Việt Nam là “Tàu Lạ”, đến việc phải mua sắm vũ khí, cổ vũ và lôi kéo phương tây đến Việt Nam làm đối trọng với Trung Quốc và đỉnh điểm là Cam Ranh sẽ là nơi đi đến của tàu bè quốc tế…Trung Quốc đã xuống giọng. Thắng lợi bước đầu đã hé lộ.
Cũng lại thật bất ngờ, báo Thanh Niên số Tết Tân Mão đăng toàn văn nội dung phỏng vấn Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh về vấn đề Biển Đông, nội dung phỏng vấn có đoạn:
“Trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, chúng ta cần có thái độ rõ ràng minh bạch, đồng thời bình tĩnh xác định rõ hai mục đích sống còn phải bảo vệ bằng được. Trước hết là chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, đó là tài sản vô giá do tổ tiên ta để lại hàng nghìn năm nay, để làm sao hàng nghìn năm sau con cháu không trách chúng ta tại thời điểm này đã không giữ được trọn vẹn lãnh thổ. Thứ hai là hoà bình, đó là thứ không gì có thể đánh đổi được”.Đường lốí trên kết hợp với việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông vào giữa năm ngoái nói lên một cách rõ ràng là ta đã có sự lo lắng về sự toàn vẹn bờ cõi bằng mọi cách. Những người cầm quyền đã tạo được một nét son. Hôm nay mọi việc như chững lại, truyền thông lại trở lại tình trạng kín tiếng.
Tình hình lúc thì lên tiếng, lúc thì im lặng, lúc hăng hái, lúc trù trừ, có làm mà không dám nói đã gây ra một sự khó hiểu, một sự ngờ vực, đoán non đoán già.
Tình trạng mập mờ nói trên, kết hợp với việc Đại Hội XI tránh né nói đến vấn đề quan hệ quốc tế làm cho tâm trí nhiều người nặng nề. Người ta tự hỏi, phải chăng có 2 phe: Phe theo Phương Đông, phe theo Phương Tây, và lúc nào, việc nào mà bên nào chiếm đa số thì việc ấy được thực thi? Phải chăng 2 bên tuy nhất trí bảo vệ đến cùng lãnh thổ, lãnh hải nhưng vẫn làm ra vẻ mập mờ. Do cả 2 bên vẫn còn sợ Trung Quốc nên vừa phản đối vừa run? Có người cho rằng lãnh đạo còn đang lúng túng, nghiêng về đâu cũng sợ. Trong khi ấy nỗi sợ nhân dân nổi dậy, nội bộ tan nát mà bản thân lãnh đạo cũng thấy mình còn nhiều bất cập cho nên lúng túng càng thêm lúng túng.
Lúc này suy đi tính lại, đúng là thời cơ đã đến: Cả thế giới hỗn loạn, thiếu công ăn việc làm, thiếu tiền, thiếu gạo, nhiều nước dân chúng nổi dậy. Trung Quốc – Hoa Kỳ như hai con hổ muốn ăn thịt nhau… Nói tóm lại, tất cả cùng bê bối, cái thân mình lo chưa xong, đây là lúc Việt Nam tự mình quẫy đạp để tự cứu mình, đây đúng là thời điểm thuận lợi nhất.
Lúc này nói Đông hay Tây, nước ta còn hay mất… suy cho cùng mọi sự tập trung vào vấn đề Biển Đông. Quẫy đạp thì phải kéo được nhân dân, phải rõ ràng với Trung Quốc. Cả 2 điểm này thật tiếc, nhà cầm quyền lại ngại ngần, thậm chí lại là điều cấm kỵ. Vấn đề Biển Đông thành ra vừa là nội trị lại vừa là vấn đề đối ngoại và “ Biển Đông còn, nước ta còn!”.
Có người nói, ông Ôn Gia Bảo cổ suý cho Dân Chủ! Đây là thứ dân chủ để an lòng dân chưa phải là dân chủ đích thực. Ông Nguyễn Văn An ở ta nói tới cái “lỗi hệ thống” có thể hiểu là ông hướng tới những giá trị dân chủ của Phương Tây, dân chủ thực sự. Tôi nghĩ rằng, cả hai hình thức đều có thể chấp nhận. Ở Việt Nam, cái hoạ mất nước dường như lúc nào cũng thường trực, cho nên từ Ôn Gia Bảo đến Nguyễn Văn An là một phát triển tất yếu. Không có độc lập thì không có dân chủ, không có dân chủ thì không giữ được độc lập, và Dân Chủ - Độc Lập là 2 vế trước sau phải cùng tồn tại đối với nước ta trong giai đoạn này.
Cần bổ khuyết phần thiếu của cương lĩnh: Đường lối đối ngoại cũng chỉ cần một vấn đề: Tranh chấp Biển Đông. Có thể Trung ương ra một nghị quyết được toàn đảng toàn dân chấp nhận. Đường lối, nội dung thì đã rõ như các việc làm năm qua, như nội dung cuộc phỏng vấn Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu ở trên.
Ra văn bản như một tuyên cáo ứng xử với Trung Quốc. Việc này tương đương như một lời cam kết với toàn dân. Trung quốc biết rất rõ nước ta, dân ta, Đảng ta, Trung Quốc phải suy nghĩ, người dân Việt Nam sẽ vững vàng hơn, cuộc đấu tranh đó sẽ vững chắc hơn.
Ngoại giao mà không dựa được vào sức dân thì chỉ là thứ ngoại giao của tôi tớ, hầu hạ…
Có thể kết thúc bài viết này với những tóm lược sau:
• Cần bổ khuyết lỗ hổng to lớn và khó hiểu: Cương lĩnh Đại Hội phải có phần quan hệ quốc tế.Đưa ra Liên Hợp Quốc cũng đồng nghĩa là chúng ta tránh được những phức tạp, dây dưa, kéo dài… luôn xuất phát từ phía Trung Quốc.
• Phần quốc tế chỉ cần một vấn đề: Tranh chấp Biển Đông.
• Bản công bố phải coi như một tuyên ngôn gửi toàn dân, toàn thế giới, tỏ rõ lập trường của Việt Nam, thúc đẩy sự vươn lên của toàn dân, sự hỗ trợ của toàn thế giới tham gia tháo gỡ vấn đề Biển Đông. Đó là sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại đều được huy động cho chính nghĩa.
• Bản công bố được các chế tài để phát huy hiệu lưc: Có luật Quốc Hội giám sát, phê chuẩn và bác bỏ, các chất vấn chính phủ về mọi vấn đề lớn của mối quan hệ quốc tế và Việt Nam trong đó nổi bật là vấn đề Biển Đông.
• Đưa vấn đề Biển Đông ra Toà án Liên Hợp Quốc, kiến nghị Liên Hợp Quốc giải quyết cả 2 vấn đề một lúc: Vấn đề đăng ký thềm lục địa và vấn đề Biển Đông.
• Không có chuyện Trung Quốc sẽ phủ quyết tại Liên Hợp Quốc vì luật đã quy định: Bên có quyền lợi hoặc nghĩa vụ thì sẽ bị tước bỏ quyền tài phán, theo thuật ngữ chuyên môn, đó là sự “Hồi Tị”.
Nếu cứ lưỡng lự, Mỹ và Châu Âu sẽ oải ra, Trung Quốc được thể tiếp tục gặm nhấm Biển Đảo của chúng ta. Phải luôn ghi nhớ: Từ lúc ta sợ Trung Quốc đến nỗi phải gọi họ là “Nước Lạ”, “Tàu Lạ”… rồi lại dám đi mua sắm vũ khí súng đạn, lôi kéo thế giới, quốc tế hoá cả Cam Ranh, làm cho Trung Quốc điên đảo. Trung Quốc đã dịu giọng ngay cả khi chúng ta đang có dấu hiệu hướng tới Mỹ.
Đó chính là bài học cho chúng ta: “Người ta mạnh vì anh quỳ gối!”. Câu nói
đó phải chăng đang được thực tế chứng minh.
18/2/2011
Luật Sư Trần Lâm
© Thông Luận 2011
Luật Sư Trần Lâm