Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

“Quyền trị dân” chỉ có thể bắt nguồn từ một “khế ước xã hội” Bác Hi Mã và cháu Tất Thành

--“Quyền trị dân” chỉ có thể bắt nguồn từ một “khế ước xã hội” Bác Hi Mã và cháu Tất Thành Vũ Đình Hòe
-Con giun xéo lắm cũng oằn! Giá mà con giun có nọc độc thì nó cũng phun ra hết. Đó là chân lý của lịch sử. Để tạo động lực cho lịch sử, các nhà bác học bách khoa thế kỷ XVIII là Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Diderot… đã sáng tác ra một triết lý mới thay vào Thần quyền. Nổi bật lên là J. J. Rousseau (Lư Thoa) với tác phẩm “Du Contrat Social”. Người ta dịch là “Khế ước xã hội”, gọn là “Xã ước”. Hồ Chí Minh dịch là “Dân ước”...
--Đây là đoạn trích Tiết 4. “Quyền trị dân” chỉ có thể bắt nguồn từ một “khế ước xã hội” Bác Hi Mã và cháu Tất Thành thuộc Chương 3. Chớm nở ý thức pháp quyền, quyền làm người, quyền dân tộc, chủ quyền dân tộc của cuốn sách Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh của tác giả Vũ Đình Hòe.
Chungta.com xin trích đăng trên cơ sở tìm hiểu nét giá trị chung của các xã hội dân chủ trên thế giới:
Quân trị - Dân trị: “Khế ước xã hội”
Quân chủ, quân quyền, quân chủ - quân quyền chuyên chế, quân chủ tập quyền chuyên chế tuyệt đối… tồn tại và phát triển trải qua muôn đời đã hao tốn cho nhân loại hàng biển mồ hôi, nước mắt, và cả xương máu nữa chứ! Nó “thọ” lâu như thế là nhờ vào triết lý “cao siêu”: tôn vua lên ngôi Thiên tử, ý Vua là ý Trời. Mà Trời, Thượng Đế thì Chí Thiện, Chí Công, Chí Minh! Dân chỉ cần cúi đầu thán phục. Nếu vô phúc gặp phải hôn quân thì cứ chịu nhẫn nhục mà kêu trời rồi trước sau Trời cũng sẽ biết, sẽ ra tay cho vua biết thân. Khốn khổ thay, Trời mà ra tay (thiên tai) thì chính Dân lại là người “è cổ” ra mà chịu báng trước!
Con giun xéo lắm cũng oằn! Giá mà con giun có nọc độc thì nó cũng phun ra hết. Đó là chân lý của lịch sử. Để tạo động lực cho lịch sử, các nhà bác học bách khoa thế kỷ XVIII là Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Diderot… đã sáng tác ra một triết lý mới thay vào Thần quyền. Nổi bật lên là J. J. Rousseau (Lư Thoa) với tác phẩm “Du Contrat Social”. Người ta dịch là “Khế ước xã hội”, gọn là “Xã ước”. Hồ Chí Minh dịch là “Dân ước”, Nguyễn An Ninh, nhà học giả Cách mạng Dân chủ thời Hồ Chí Minh dùng tên gọi ấy, ngắn gọn mà gợi cảm. Sơ lược triết lý cao siêu ấy là thế này:
Con người sinh ra ai cũng được tự do như nhau, tự do tuyệt đối, bình đẳng tuyệt đối đối với mọi người khác. Nhưng con người muốn tồn tại được trong giời đất thì phải sống thành đàn, thành bầy, thành bang để nương tựa lẫn nhau. Đã là đàn, là bầy, là bang thì phải có người, có bộ phận “cầm đầu”. Và mỗi người trong tổ chức xã hội ấy phải tự nguyện bớt một mảnh tự do vô hạn trước đây cảu mình giao cho người hay bộ phận cầm đầu để tạo điều kiện cho họ làm đầy đủ phận sự được giao là quản lý và bảo vệ quyền lợi chung của xã hội. Thế là một khế ước (hợp đồng, thỏa hiệp, thỏa ước) vô hình trung đã hình thành. Mọi người, kể cả người đứng đầu đều phải tôn trọng nếu không thì loạn. “Người bị trị” đã vi phạm hợp đồng thì phải chịu đã đành. Kẻ “trị dân” cũng vậy, nếu làm “không nên thân” thậm chí còn bớt xén của công, lộng hành, tư túi… thì ắt bị cộng đồng hạ bệ tức thì, thay người khác xứng đáng hơn. Dưới đây trích mấy câu, mấy đoạn nguyên văn:
Người sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích (…)
Nếu tôi chỉ xem xét về lực và hệ quả của lực thì tôi sẽ nói rằng: khi nhân dân bị cưỡng bức mà lại biết phục tùng, họ làm thế là phải. Nhưng nếu có thể hất cái áp bức đó đi thì còn hay hơn nữa, vì thế họ giành lại tự do vốn có quyền được hưởng, có quyền giành lại và không ai được tước đoạt quyền tự do của họ.
Trật tự xã hội là một thứ quyền thiêng liêng làm nền tảng cho mọi thứ quyền khác, nhưng trật tự xã hội không phải tự nhiên mà có. Nó được xác lập trên cơ sở những công ước. Vậy phải tìm hiểu công ước ấy là gì (…) 1)
Xin trích ra đây hai đoạn trong sách “Dân ước” của Rousseau. Trong các đoạn ấy, học giả Cách mạng dân chủ nói lên khái niệm mới về quyền lực nhà nước. Một đoạn trích thuộc Chương II trong quyền 1, và một đoạn trích thuộc Chương VI trong quyển 2.
Chương II (Quyển 1)“Công ước (Pacte) xã hội”
… nhưng con người không thể tạo ra lực mới mà chỉ có thể kết hợp và điều khiển những lực sẵn có, cho nên phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực chung được điều khiển bằng một động cơ chung khiến cho mọi người đều hành động một cách hài hòa (…)
Tìm ra một hình thức kết liên với nhau để dùng sức mạnh chung mà bảo vệ mọi thành viên. Mỗi thành viên trong khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo chính bản thân mình. Đó là vấn đề cơ bản mà khế ước (contract) đưa ra cách giải quyết (…) Thực chất của công ước xã hội là gì?
Mỗi người chúng ta đặt mình và quyền lực mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung và chúng ta tiếp nhận mọi thành viên như một bộ phận không thể tách rời của toàn thể.
Hành viên liên kết sẽ tạo nên một cơ thể tinh thần chung, gồm bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu tiếng nói trong một hội đồng, mỗi thành viên nhận được sự nhất trí của mình trong hành vi liên kết đó, họ tìm thấy cái tôi tập thể, tìm thấy cuộc sống và ý chí của mình trong tập thể. Con người công cộng được hình thành bằng sự liên kết với tất cả người khác. Ngày xưa, con người công cộng ấy được gọi là thành bang, ngày nay chúng ta gọi là “nước cộng hòa” hoặc “cơ thể chính trị”. Mỗi thành viên ở thể thụ động thì gọi là người công cộng, đó là “Nhà nước”, ở thể chủ động thì gọi nó là “quyền lực tối cao”. Khi đối sánh với đồng loại thì con người đó được gọi là “quyền lực”. Về phần các thành viên, họ lấy một tên chung là “dân chúng”; mỗi người riêng lẻ thì gọi là “công dân” trong khi họ tham gia vào quyền lực tối cao, hoặc gọi là “thần dân” trong khi họ phục tùng pháp luật Nhà nước”.
Chương Sáu (quyển 2)
Bàn về luật

… “khi toàn dân quy định một điều gì cho toàn dân thì họ chỉ xem xét đến toàn thể, nếu hình thành một quan hệ thì phải là quan hệ giữa toàn thể trên một cách nhìn này với toàn thể trên một cách nhìn khác; cái toàn thể không hề bị chia tách ra. Như vậy, chất liệu để xây dựng là chất liệu chung, cũng như ý chí xây dựng là ý chí chung. Cái đó gọi là luật.
Khi tôi nói luật bao giờ cũng là tổng quát chung cho mọi người, tôi hiểu rằng luật coi tất cả thần dân là một cơ thể mà trừu tượng hóa các hành động, không coi con người như một cá nhân hoặc như một hành động riêng lẻ. Luật có thể quy định rằng sẽ có một số đặc quyền nhưng luật không nói rõ đặc quyền cho một cá nhân cụ thể nào. Luật cũng có thể chia công dân làm hạng nhưng không quy định cụ thể người nọ, người kia là thuộc hạng này hạng khác. Luật có thể quy định việc thành lập Chính phủ và hệ thống cấp bậc nhưng không cử ra một ông vua hay chỉ định một gia tộc nào là hoàng gia. Tóm lại, mọi chức năng liên quan đến đôi tượng cá nhân không phải là chức năng của quyền lực luật pháp.
… Luật thống nhất cái tổng thể của ý chí với tổng thể của đối tượng. (…) Ngay cả cái mà cơ quan quyền lực tối cao ra lệnh cho một đối tượng cá nhân cũng không phải là luật mà là một nghị định, không phải của cơ quan tối cao mà là của cá nhân pháp quan”. (…)
Vậy nước cộng hòa là tất cả những người nào do luật trị vị bất kể dưới hình thức nào. Luật trị vì tức là lợi ích chung trị vì…”

Tôi (Vũ Đình Hòe) xin nhấn mạnh ý trên: chế độ dân chủ, dân quyền, chế độ dân chủ cộng hòa là chế độ luật trị. Luật trị là do dân đặt ra, dân nắm quyền lực nhà nước, dân trị; pháp quyền là pháp quyền của dân để bảo đảm, bảo vệ lợi ích chung của toàn dân trong đó có lợi ích riêng của mỗi người, gồm cả dân thường lẫn người dân cầm đầu nhà nước đều là thần dân của nhà nước dân chủ, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
1) Xem sách: Bàn về khế ước xã hội. Thanh Đạm (Hoàng Nhật Tân) dịch và diễn giải, chú thích, NXB TP HCM, 1992, chương I, quyển 1, trang 29

Tổng số lượt xem trang