Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Bình sữa nhựa PC: Sao không cấm mà chỉ khuyến cáo?

-Bình sữa nhựa PC: Sao không cấm mà chỉ khuyến cáo?
Châu Âu và Bắc Mỹ đã cấm nhập khẩu bình sữa làm bằng nhựa trong PC vì loại nhựa này chứa nhiều chất tiềm tàng gây hại cho sức khỏe. Nhưng ở Việt Nam, loại bình này vẫn bán chạy.
SGTT.VN - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) vừa có khuyến cáo người dân không nên sử dụng bình sữa trẻ em bằng nhựa trong PC ( Poly Carbonate), nhưng không chứng minh, giải thích và hướng dẫn rõ ràng cho người tiêu dùng, mà chỉ nói chung chung. Điều này khiến người tiêu dùng cảm thấy bị lờ mờ thông tin, trong khi các nước châu Âu đã có quyết định cấm sử dụng và cấm nhập khẩu.
Bình nhựa vẫn bán được nhiều 



Khảo sát trên thị trường hiện nay, nhiều người dân vẫn mua bình nhựa PC cho con bú sữa. Các cửa hàng tạp hóa bán đồ trẻ em, các quầy bán đồ dùng gia dụng, đồ nhựa vẫn bán chạy với nhiều loại bình sữa kích cỡ khác nhau. Trong khi, loại bình sữa được làm bằng thủy tinh thì vô cùng hiếm.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, ngụ tại quận 3, đi khắp chợ Vườn Chuối không kiếm được một cái bình sữa thủy tinh nào, cuối cùng bà vẫn phải mua cho đứa cháu ngoại mới sinh một cái bình sữa nhựa PC lớn với giá 99.000 đồng. Chị Trương Ngọc Lan, ngụ tại quận 1, có đứa con trai một tuổi, khi nghe nói bình nhựa có thể gây ung thư và vô sinh, chị lo lắng nên đi lùng sục bình sữa thủy tinh khắp nơi thì may mắn mua được một lúc 3 cái về thay thế bình sữa nhựa.
Tại chợ Bà Chiểu và chợ Tân Định, chúng tôi vẫn được người bán hàng giới thiệu loại bình nhựa, ít người dùng bình thủy tinh, vừa nặng vừa dễ vỡ. Một chủ cửa hàng cho biết, mỗi ngày bà vẫn bán được cả chục cái với giá từ 10.000 đồng/bình nhỏ và 75.000 đồng/bình lớn, bình Pigeon (Nhật) với giá 99.000 đồng/bình,…
Trong khi đó, bình thủy tinh giá đắt, nặng, lại dễ vỡ, bình Feeding Bottle (Đài Loan) giá mỗi cái 75.000 đồng; Nuk (Đức) giá 102.000 đồng, First Choice (Đức) giá 135.000 đồng...
Thế giới cấm - Việt Nam còn lấp lửng 
Sau nhiều lần tranh cãi, EU và Canada đã đưa ra lệnh cấm hoàn toàn bình sữa có chứa BPA do một số nghiên cứu chứng minh được tác dụng không mong muốn của chất này lên trẻ nhỏ. Một số bang của Mỹ cũng đã đưa ra khuyến cáo không sử dụng bình sữa chứa chất này với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Các nghiên cứu kết luận rằng dù một lượng rất nhỏ BPA cũng có ảnh hưởng xấu đến thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ và BPA cũng là một tác nhân gây bệnh ung thư. Trẻ dùng bình sữa có chứa BPA sẽ dần bị hấp thụ chất này do BPA tan dần vào sữa hoặc nước trẻ uống, nhất là khi bình tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc dung dịch chứa chất béo như sữa. Đặc biệt là bình càng dùng lâu và bị nhiều vết xước thì lượng BPA ngấm ra sẽ càng nhiều.
Từ tháng 3.2011, Liên minh châu Âu cấm các quốc gia trên lãnh thổ sản xuất bình sữa có chứa hợp chất BPA và từ tháng 6-2011 sẽ cấm tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm chứa hợp chất BPA. Trước đó, vào tháng 10.2010, Canada là nước đầu tiên xếp BPA vào danh mục các chất gây nguy hiểm, gây độc hại tới sức khỏe của con người.
TS Nguyễn Quang Khuyến, giảng viên khoa Khoa học ứng dụng trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), khẳng định: Châu Âu và Mỹ đã cấm dùng bình sữa nhựa PC (có chất Bisphenol-A (BPA) gồm các chất polymer dẻo nóng và trong suốt), và cấm nhập khẩu là họ hoàn toàn có lý do, bởi đã nhiều nhà khoa học họ tập trung nghiên cứu và đưa ra bằng chứng khoa học “tiềm tàng nguy hiểm” đến sức khỏe và thần kinh của trẻ, gây liệt dương và hư hỏng ADN của tinh trùng, gây vô sinh.
Theo cá nhân ông Khuyến, Việt Nam nên nghiên cứu và đưa ra những chỉ số rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đồng thời, cấm loại bình có khả năng chứa chất Bisphenol-A lưu hành trên thị trường.
Còn theo TS. Phan Thế Đồng, trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, trường đại học Nông Lâm TP.HCM, hiện nay chúng ta chưa có luật để cấm không sử dụng bình sữa nhựa. Để cấm được loại bình này, nhà nước cần phải chứng minh bằng những thí nghiệm, kiểm nghiệm cụ thể về mức độ, hàm lượng… các sản phẩm trên thị trường. Về nguyên tắc, tất cả các loại bình nhựa đều không nên dùng ở nhiệt độ cao, nếu không chất tổng hợp Polymer có thể được giải phóng ra ngoài gây đột biến cho cơ thể và gây ung thư. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, trên mỗi bình sữa nhựa trên thị trường hiện nay đều có ghi: “Đun sôi 3 đến 5 phút trước khi sử dụng, khả năng chịu nhiệt đun sôi 100OC… (PV)”
Cũng theo TS. Khuyến, thời gian nghiên cứu ra chất Bisphenol-A không quá dài (chỉ vài tháng), nhà nước vẫn có khả năng nghiên cứu. Tuy nhiên, không thể có trường nào, viện nào tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu khi không có ý kiến của nhà nước, tốn nhiều kinh phí và là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hoàng Nhung

Tổng số lượt xem trang