Nguyễn Xuân Nghĩa - Đinh Quang Anh Thái - Giờ Giải Ảo ngày 100524
(Sau chương trình tuần trước đó về "Đi Tìm Nền Tự Chủ" đã yết trên
Dainamax Magazine ngày 20110126)
Quản lý kém mà xin viện trợ là khổ!
ĐQAThái: Đây là Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của NVR, trên mạng lưới điện toán kxmx.com và trang nhà của nhật báo Người Việt. Xin kính chào ông Nghĩa cùng quý thính giả gần xa.
Kính thưa quý thính giả, trong chương trình tuần trước vào ngày 17 tháng 5, ông Nghĩa có nói về một đề tài là khoản tài sản bằng ngoại tệ của Việt Nam Cộng Hoà vào lúc hấp hối và bị Mỹ cúp viện trợ, rồi chúng ta chuyển qua hai tiết mục mà bản thân chúng tôi thấy là rất hấp dẫn. Đó là thứ nhất vai trò của nhà ngoại giao Averell Harriman trong việc Chính quyền Kennedy lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, cũng tương tự như việc nhà ngoại gia Henry Kissinger tìm cách cột tay miền Nam dưới chính quyền Nixon. Đề tài thứ hai là chế độ viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam mà với tư cách là chuyên gia kinh tế, ông Nghĩa cho là có những mặt trái rất tiêu cực. Chúng ta xin trở lại đề tài thứ hai này vì có lẽ nhiều người trong chúng ta thật ra lại rất ít biết về việc đó. Thưa ông Nghĩa, ông nghĩ sao về việc này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta sở dĩ đề cập tới chuyện ấy trong nhu cầu giải ảo vì sau khi thấy Hoa Kỳ cột tay và bức tử miền Nam vì những tính toán dàn xếp với Trung Quốc thì nhiều người nêu vấn đề là vì sao lãnh đạo Việt Nam không tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc đó vào Hoa Kỳ? Sau khi thảm kịch đã xảy ra, ai ai cũng có thể nghĩ như vậy và quy trách cho lãnh đạo miền Nam, vốn dĩ cũng có những khuyết điểm và sai lầm nghiên trọng thua xa Nam Hàn và Đài Loan.
- Chuyện ấy không đơn giản và còn nguy hiểm nếu ta nêu câu hỏi đó mà quên hẳn trách nhiệm và hậu quả nay đã thành mười mươi của người Cộng sản. Tôi còn ngờ rằng người ta cứ tập trung vào trách nhiệm của miền Nam hay Hoa Kỳ để chạy tội cho chế độ Hà Nội!
- Trong một thí dụ kỳ trước, khi nói về cuộc họp báo tại Paris của phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà đi thương thuyết viện trợ Pháp sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi có nhắc tới nỗ lực của miền Nam là tìm nguồn viện trợ và đầu tư khác, mà nhiều người bây giờ thì chê là quá trễ. Cũng qua thí dụ này, tôi có nói đến việc cộng sản bắn vào kho xăng Nhà Bè ngay thời điểm ấy và trong cuộc họp báo, phái đoàn của miền Nam bị báo chí Pháp vặn hỏi là "quý vị nói sao về an ninh và còn kêu gọi đầu tư khi ngoại ô của Sàigon còn bị phá hoại?" Đòn phá hoại chính trị ấy của miền Bắc tất nhiên là gây khó cho miền Nam. Nhưng khi ấy, có ai nêu vấn đề về trách nhiệm phá hoại hiệp định của người cộng sản không, sau khi họ đã ký kết Hiệp định Paris?
- Thí dụ ấy còn cho thấy rất nhiều bài toán nan giải của miền Nam mà dư luận và cả truyền thông rất tự do của chúng ta không biết. Hoặc không ý thức được. Trách nhiệm về thông tin và tuyên truyền của miền Nam hiển nhiên là có, nhưng nó không thể khỏa lấp trách nhiệm của miền Bắc. Nếu nhớ lại, nghĩ lại, ta phải thấy là trong thảm kịch lớn vào lúc cuối lại có rất nhiều bi hài kịch nhỏ, nào chuyện ký giả đi ăn mày, nào phong trào phản đối chính phủ, v.v... mà sau đó tất cả đều theo nhau vào tù và bây giờ quy trách tội nặng cho ông Thiệu, cho quân đội hay cho Hoa Kỳ....
- Một thí dụ khác là vấn đề lúa gạo mà tác giả Nguyễn Tiến Hưng có viết trong cuốn "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" của ông.
Thái: Xin ông nhắc lại thí dụ ấy được không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là quý thính giả có thể tìm đọc cuốn sách này, và những người ở xa nên lên website "tamtutongthôngthieu.com" để đặt mua. Ở đây, tôi chỉ xin tóm lược là: vì chiến cuộc, miền Nam thiếu gạo và phải nhập cảng, phải trông chờ vào viện trợ Mỹ.
- Nhưng miền Nam cũng theo chế độ tự do kinh tế và dân chủ chính trị, nên không thể ban bố tình trạng gọi là khẩn cấp để tự tiện trưng thu lúa gạo hầu ưu tiên cung cấp cho các đơn vị tác chiến ở vùng hỏa tuyến khi ấy đã lan rộng và các chiến binh đang thiếu gạo chứ chẳng thiếu có súng đạn xăng nhớt. Nếu trưng thu như vậy thì quý thính giả hãy tượng tượng ra phản ứng của báo chí và truyền thông Hoa Kỳ! Cưỡng bách các công nhân bốc rỡ gạo cũng là vi phạm quyền tự do đình công và gặp phản ứng chống đối cũng rất chính đáng của các nghiệp đoàn.
- Chính quyền khi ấy cũng chẳng thể ban hành việc trợ giá lương thực cho binh lính và gia đình có gạo rẻ vì chúng ta theo kinh tế tự do! Hạ giá lúa gạo là đánh sụt lợi tức của nông gia, hoặc ban hành quy chế trợ cấp lúa gạo cho quân đội là gây thêm bội chi ngân sách đang bị thu hẹp vì viện trợ Mỹ sút giảm. Chưa kể là khi có chế độ hai giá gạo là có tham nhũng, nhiều bá tướng sẽ mau mắn tuồn gạo rẻ của lính bán ra cho dân với giá cao hơn! Thành thử, trong một vấn đề cực kỳ ưu tiên là lo miếng ăn và nhu yếu phẩm của thành phần ưu tú đang bảo vệ tự do cho miền Nam, tức là binh lính trong quân đội, chúng ta gặp cả bài toán chính trị và kinh tế.
- Hà Nội không gặp loại vấn đề ấy. Họ dùng mọi biện pháp thô bạo nhất để đảm bảo việc phục vụ chiến trường mà chẳng thấy ai than phiền hoặc đòi điều tra điều trần gì cả! Chúng ta mà quên loại vấn đề này thì vẫn chưa được giải ảo vì có sự khác biệt về tiêu chuẩn! Nhân chuyện ấy, tôi lại nhớ đến một cuốn sử về Trung Quốc của cụ Nguyễn Hiến Lê.
Thái: Chúng tôi ngờ là ông lại sắp giải ảo một chuyện khác nữa! Chúng tôi sẽ xin trở lại sau ít phút thông tin thương mại.... Đây là Giờ Giải Ảo của đài NVR. Xin mời ông Nghĩa tiếp tục về một cuốn sử của học giả Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cụ Nguyễn Hiến Lê là người rất thành thật và có công rất lớn với dân ta khi phổ biến một số kiến thức phổ thông về văn hoá và lịch sử thế giới cho người Việt mình. Tác phẩm của cụ là những kiến thức căn bản thuộc trình độ trung học rất cần thiết cho quảng đại quần chúng. Nhưng cụ cũng có những hạn chế trong tầm nhìn và cách nhìn.
- Đặc biệt là cụ rất khâm phục văn hoá và lịch sử Trung Quốc mà cụ nhìn qua cách trình bày và lý giải của các học giả Tây phương, nhất là Pháp. Như nhiều người có học và ưa trò trừu tượng, cụ có thiện cảm với lý tưởng công bằng xã hội của cánh tả và cả người cộng sản. Sau 1975 cụ mới thấy rõ hơn và có điều chỉnh đôi chút, nhưng không tinh tế và triệt để như cụ Vương Hồng Sển, là người cũng ở lại và tiếp tục viết và lách dưới chế độ cộng sản. Đọc sách cụ Sển, tôi hiểu thêm miền Nam và về cả quản lý kinh tế. Còn sách Nguyễn Hiến Lê thì thà tìm vào nguyên bản! Chuyện này hơi dài nên xin lỗi trước quý thính giả.
Thái: Xin ông cứ tự nhiên vì dường như là chuyện nào ông moi ra cũng làm thính giả giật mình và suy nghĩ thêm!
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Để giải ảo, tôi xin nhắc tới bộ Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê do nhà Xuất bản Văn Hoá của Hà Nội xuất bản năm 1997. Đây là một bộ sử khá sơ sài nhưng dù sao vẫn là cần thiết cho người Việt bình thường có thể tìm hiểu về lịch sử của một xứ láng giềng đang là vấn đề cho chúng ta.
- Trong chương VIII viết về sự thống trị của tộc Mãn Châu tại Trung Quốc, tức là nhà Mãn Thanh, tác giả có luận giải về lý do vì sao nhà Thanh lại khống chế được Trung Quốc và nhắc tới chế độ lý giáp và bảo giáp mà nhà Thanh học của nhà Nguyên của dân Mông Cồ. Cụ viết rằng, tôi xin dẫn: "Và cũng như đời Nguyên, họ bắt nhà nào có kẻ bất hiếu, biếng nhác, ăn cắp ăn trộm, chống đối triều đình thì phải ghi tên vào một cái bảng treo trước cửa". Sau đó, cụ kết luận: "Như vậy là triều đình có hàng triệu công an mật vụ mà khỏi trả lương". Đấy là một kết luận hơi sơ sài ấu trĩ dù không sai lắm và cần được liên hệ tới chế độ hộ khẩu của Thương Ưởng thời Chiến Quốc mấy ngàn năm trước. Nhưng dù sao cũng chẳng là vấn đề lớn trong một bộ sử cho cấp trung học.
- Vấn đề là ngay sau đó, cụ ghi thêm một cước chú, ở cuối trang 207 thuộc tập hai của bộ Sử, mà tôi xin đọc lại nguyên văn như sau: " Ở nước ta dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu thời trước cũng theo họ - tức là nhà Mãn Thanh - tại một quận nọ ở Châu Đốc nhà nào có người tập kết ra Bắc năm 1954 phải treo một cái đèn đỏ ở trước cửa". Tôi đọc thấy mà bàng hoàng và phải đọc lại, xem lại cuốn sử này xuất bản năm nào, tại đâu, mà viết ra chuyện ngớ ngẩn như vậy? Nếu con trẻ thời sau mà vớ vào sách này thì sẽ suy luận y như tuyên truyền của chế độ cộng sản, và chế độ Nguyễn Văn Thiệu quả là cũng có hàng triệu công an và mật vụ mà khỏi trả lương!
- Sự thật nó không hẳn là như thế, mà những người như các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng ngày nay đều có thể xác nhận! Miền Nam có bị nhược điểm về an ninh và tình báo chính là vì từ căn bản không hề có chế độ đối đãi thiếu công bằng với các gia đình có người tập kết và hoạt động tại niền Bắc. Ngược lại, ta đều biết rằng chính chế độ Hà Nội mới canh chừng những gia đình có thân nhân di cư vào Nam, và con em các đảng viên cao cấp hoạt động trong Nam lại chịu một chế độ quản lý kỹ lưỡng hơn mà người dân ở trong Nam và cả bà con ngoài Bắc cũng không ý thức được. Và ngày nay thì sự kiện công an trị của Hà Nội đã thành hiển nhiên.
- Sau 1975, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể không dám nói gì về chế độ công an trị đó và chúng ta có thể thông cảm hay không với một kẻ viết sử như vậy. Nhưng ta không hiểu được vì sao tác giả lại moi chuyện đèn đỏ ở một quận của Châu Đốc dưới chế độ Thiệu, xuất hiện từ 1967, để đánh dấu một gia đình có thân nhân tập kết từ năm 1954! Quý thính giả ở tại Châu Đốc ngày xưa có ai nhớ gì về chuyện này chăng? Mà tác giả nghĩ sao khi lại viết như vậy, và thế hệ sau này nghĩ sao về sự thật lịch sử của hai miền?
- Miền Nam chúng ta ngày xưa không thiếu tài liệu rất ngay tình kết án chế độ Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu mà có lẽ lại mù mờ hoặc câm nín về những gì đang xảy ra lúc đó tại miền Bắc! Ngoài việc nhìn ra bàn tay của Mỹ, ta có nên cần tự giải ảo khỏi trò dớ dẩn ấy không?
- Khi phê phán là vì sao miền Nam lại không tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ, ta có nên phê phán luôn vì sao người Cộng sản lại đẩy cả hai miền vào chỗ tương tàn và thắng trận rồi vẫn còn xem quân dân miền Nam như kẻ thù, đất nước miền Nam như một vùng chiếm đóng? Bây giờ, khi bị Trung Quốc xiết họng thì lại muốn cộng đồng người Việt bên ngoài báo động với thế giới trong khi vẫn xiết họng người dân trong nước, không cho ai biểu tình phản đối Bắc Kinh!
Thái: Trở lại chuyện viện trợ Mỹ, ngày xưa ông là Phụ tá Tổng trưởng Tài chánh và đồng thời là Cố vấn về Ngoại viện cho Phó Thủ tướng Đặc trách Kinh tế ở Sàigòn, ông có thể trình bày khái quát một vấn đề rất chuyên môn về kinh tế để tìm hiểu vì sao mà viện trợ Mỹ lại là cái ách khó gỡ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chủ yếu là ta có hai mạch viện trợ song hành. Một là chương trình gọi tắt là CIP, lấy kinh nghiệm từ kế hoạch Marshall của Mỹ viện trợ cho Âu Châu sau Thế chiến II. Chương trình này được áp dụng suốt hai chục năm từ 1955 đến 1975, trừ mấy tháng gián đoạn năm 1963 khi Hoa Kỳ muốn gây áp lực với chính quyền Ngô Đình Diệm. Chương trình kia là PL 480, cứ được gọi là Nông phẩm Phụng sự Hoà bình theo lối gọi từ Chính quyền Kennedy.
- Chương trình CIP, thực tế là Commercial Import Program và cũng được gọi là Commodity Import Program mà ta có thể gọi là "Chương trình Nhập cảng Thương phẩm" là việc Mỹ viện trợ cho ngân sách quốc gia Việt Nam một số ngoại tệ nhất định mà chính phủ bán lại cho doanh gia với một hối suất ưu đãi, có thể là thấp hơn thị trường, để họ nhập cảng một số hàng hóa của Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ xuất cảng hàng hóa thì nhận đủ số đô la y như bán cho các thị trường tự do khác, còn doanh nghiệp Việt Nam thì tốn ít tiền hơn mà vẫn nhập cảng được một lượng hàng hoá cần thiết cho thị trường tiêu thụ nội địa. Tiền Việt Nam mà chính phủ Sàigon thu được từ doanh gia Việt Nam được đưa vào một quỹ đối giá để tài trợ ngân sách quốc gia trong đó có cả quốc phòng, cảnh sát hay lương công chức. Chế độ viện trợ này có nghĩa là dân ta càng tiêu thụ nhiều thì ngân sách càng có thêm tiền để đánh giặc! Có cái lô gích nào quái đản như vậy trong một cuộc chiến toàn diện kết hợp cả quân sự và chính trị hay không? Có ai liên hệ chính sách viện trợ kiểu đó với những khó khăn của Mỹ tại A Phú Hãn và Iraq không?
- Khi tóm lược như vậy, ta thấy ngay một mâu thuẫn xương tủy về bài toán chiến tranh toàn diện do người Cộng sản đặt ra và càng thấy ra sự phi lý của giải pháp kinh tế, hối đoái và ngân sách nước Mỹ áp dụng trong Nam để đối phó với bài toán ấy! Và khi Mỹ cúp viện trợ thì hậu phương hết xài đồ nhập cảng từ Mỹ, do doanh nghiệp Mỹ cung cấp, và ngân sách hết lương cho lính. Trong khi ấy, đầu tư vẫn bị cản trở so với tiêu thụ và càng bị cản trở vì chiến cuộc. Chúng ta cần cả một cuốn sách chứ không chỉ một chương trình về sáng kiến kỳ diệu và kỳ lạ này của Hoa Kỳ. Đời nay mà đọc cuốn sử của Stanley Karnow về chiến tranh Việt Nam sẽ lại bị lầm lạc nữa, vì quy tội cho miền Nam về những mâu thuẫn của chương trình viện trợ! Kỳ diệu nhất là chương trình này chứng minh lập luận của phe Cộng sản, rằng Mỹ gây chiến chỉ để doanh nghiệp hay tài phiệt Mỹ bán hàng!
Thái: Đó là chương trình thứ nhất. Còn chương trình kia là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đó là chương trình Hoa Kỳ nâng đỡ nông gia Mỹ, mua nông sản và lương thực để viện trợ cho các xứ khác, gọi đó là Nông phần Phụng sự Hoà bình. Theo chương trình này, Việt Nam nhận được một số nông sản Mỹ bán lại cho dân lấy tiền tài trợ ngân sách và lý tưởng ban đầu của Chính quyền Eisenhower là cứu đói các nước nghèo khi đạo luật PL48 này ra đời năm 1954 đã chuyển dần sang mục tiêu chiến lược trong chính trường Mỹ là giúp nông gia Mỹ có thị trường và mục tiêu chiến lược về đối ngoại là dùng viện trợ nông sản để kết nạp đồng minh. Nhưng quan niệm về đồng minh đó có thể dời đổi theo từng thời kỳ trong khi quốc gia thọ nhận viện trợ do bộ Canh nông và Cơ quan USAID quản lý, tùy chương trình, thì lại xây dựng toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế trên chế độ viện trợ đó. Và cũng bị chế độ này ràng buộc vì nông sản do Mỹ viện trợ không được chế biến thành hàng hóa có thể cạnh tranh với hàng Mỹ, trong nước nhận viện trợ hay ở các thị trường xuất cảng bên ngoài. Loại viện trợ đó cứ thu hẹp dần khả năng xoay trở của quốc gia, cho tới khi Mỹ đổi ý thì xứ nào nhận viện trợ lại bị bó tay.
- Vì vậy mà Nam Hàn và Đài Loan đã rất sớm và dứt khoát giã từ viện trợ Mỹ, nhưng họ không bị chiến tranh ngay trên lãnh thổ như miền Nam! Chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội trở lại đề tài này, nhưng chỉ xin nhắc là vào thời đó, hầu hết mọi người đều hồ hởi với viện trợ Hoa Kỳ, xây nhà cho Mỹ thuê và hồn nhiên làm giàu trong thời chiến! Bây giờ có giải ảo thì cũng không trễ....