Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Vaslav Havel (5/10/1936-18/12/2011)
Lời ban biên tập trang mạng Russ.ru: Ngày 23 tháng 12 năm 2011, Praha tổ chức an táng Vaslav Havel, vị tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa. Ông bị bệnh nặng và mất ngày 18 tháng 12, thọ 75 tuổi. Đây là một trong những bài báo hay nhất viết về nhà hoạt động xã hội và hoạt động nhà nước vừa từ trần. Bài được đăng trên tờ The Economist.
* * *
Đầu năm 1989, người viết những dòng - này vừa chân ướt chân ráo tới Tiệp Khắc – đi ngang qua một ngôi nhà hoang trong quận Podoli ở Praha. Bên trong cửa sổ mờ tối có hàng chữ “Svoboda Havlovi” Tự do cho Havel]. Đấy là thời khắc thú vị. Kịch tác gia bị bỏ tù (chúng tôi thường gọi ông như thế) đang nằm sau song sắt vì gây rối trật tự công cộng diễn ra sau cuộc biểu tình của phe đối lập. Chính quyền lúc đó còn có thể bỏ tù người dân. Nhưng họ đã không còn ý chí hay không còn khả năng giữ trật tự đằng sau cửa sổ nữa.
Khẩu hiệu này (một năm sau, tức là khi ông Havel đã trở thành tổng thống, nó vẫn còn nguyên ở đấy) đặc biệt ấn tượng vì cửa sổ cửa hàng là đề tài của một trong những tiểu luận nổi tiếng nhất của Václav Havel. Trong tiểu luận Sức mạnh của thảo dân, đưa ra lí giải về khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng của cộng sản: Vô sản thế giới liên hiệp lại!, đặt bên trong cửa sổ một cửa hàng rau:
Tại sao anh ta lại làm như thế? Anh ta định nói gì với thế giới? Có đúng là anh ta thực lòng hào hứng với ý tưởng đoàn kết giữa những người vô sản trên thế giới? Lòng nhiệt thành của anh ta lớn đến mức anh ta cảm thấy phải giới thiệu ngay với công chúng lý tưởng này? Liệu anh ta đã thực sự dành một giây phút nào để nghĩ về cách thức thực hiện sự đoàn kết ấy hay ý nghĩa của nó là gì hay không?
Tôi nghĩ, ta có thể yên tâm mà giả định rằng tuyệt đại bộ phận những người quản lí cửa hàng không bao giờ nghĩ về khẩu hiệu họ đặt trong cửa sổ, cũng như họ chẳng bao giờ dùng nó để thể hiện quan điểm thực sự của mình. Cái khẩu hiệu đó, cũng như hành và cà-rốt, đều được cấp từ trụ sở doanh nghiệp. Anh ta xếp tất cả lên cửa sổ vì đã làm như vậy trong nhiều năm, vì mọi người đều làm như thế, và vì đó là việc phải làm. Nếu từ chối, anh ta có thể gặp rắc rối. Anh ta có thể bị phê bình vì không có vật trang trí thích hợp trong cửa sổ, thậm chí có người còn tố cáo anh là không trung thành nữa. Anh ta làm vậy bởi vì cần phải làm thế, nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn trong sự "hòa hợp với xã hội", như họ vẫn thường nói.
Đấy là cách sống của phần đông người Czechs và Slovaks sau cuộc xâm lược của Liên Xô vào năm 1968. Nhiều người nước ngoài cảm thấy dường như đất nước đã bị tê liệt, như thể đã bị hoạn mất phần đức hạnh rồi vậy. Phản kháng là việc làm vô ích: thậm chí nếu bạn có thay đổi được hệ thống thì xe tăng Liên Xô cũng sẽ đập tan những gì bạn đã làm được. Chỉ còn một giải pháp, đấy là rút vào bên trong (đối với một số người thì giải pháp là lưu vong).
Sợ hãi và giả vờ là món hổ lốn cung cấp dưỡng chất cho chế độ toàn trị: anh hàng rau giả vờ trung thành vì sợ hậu quả. Havel viết tiếp như sau:
Xin hãy để ý: nếu người bán rau được hướng dẫn bày khẩu hiệu: "Tôi sợ và vì thế tôi phục tùng vô điều kiện", anh ta sẽ phải để ý tới nội dung của nó, mặc dù tuyên bố ấy là đúng sự thật. Người bán rau sẽ cảm thấy bối rối và xấu hổ vì lời tuyên bố thẳng thừng về sự mất phẩm cách của anh ta trong cửa sổ cửa hàng, và cũng tự nhiên thôi, bởi anh là con người và vì thế mà có cảm nhận về phẩm giá của mình. Để vượt qua sự rắc rối này, lòng trung thành của anh phải được thể hiện dưới dạng một dấu hiệu - ít nhất là trên bề mặt từ ngữ - thể hiện một niềm tin bất vụ lợi. Nó phải cho phép người bán rau biện bạch: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại thì có gì sai?" Vì thế mà dấu hiệu này giúp cho người bán rau che giấu cái nguyên nhân “hèn kém” của sự phục tùng của mình, và cùng lúc, che giấu nền tảng “hèn kém” của quyền lực.
Nhưng những động cơ thấp kém đó rất dễ bị tổn thương trước những hành động bất tuân đơn lẻ. Havel kết thúc tiểu luận của mình bằng những từ ngữ sau đây:
Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng một ngày kia, trong lòng anh hàng rau nọ bỗng xảy ra một chuyện gì đó và anh thôi không đặt khẩu hiệu lên cửa sổ nữa, dù chỉ để cho lòng mình thấy thanh thản mà thôi. Anh không tham gia bầu cử nữa vì biết rằng đấy là trò nhảm nhí. Trong những cuộc hội nghị chính trị, anh bắt đầu nói những điều mình thực sự nghĩ. Thậm chí anh còn tìm được sức mạnh nội tâm, đủ sức bày tỏ tình đoàn kết với những người mà lương tâm buộc anh phải ủng hộ. Trong cuộc nổi dậy này, anh hàng rau đã bước ra khỏi “sống trong dối trá”. Anh vất bỏ nghi thức và phá vỡ các luật chơi. Anh tìm lại được bản sắc và nhân phẩm đã bị áp chế của mình. Anh cho rằng tự do là điều có ý nghĩa thực sự. Cuộc nổi dậy của anh là nỗ lực để sống trong sự thật…
Anh ta sẽ phải trả giá:
Anh phải trả giá ngay lập tức. Anh ta không được làm quản lí nữa và bị chuyển đến nhà kho. Lương sẽ hạ. Hi vọng về một kì nghỉ ở Bulgaria sẽ không còn. Việc vào đại học của con cái bị đe dọa. Cấp trên sẽ quấy rầy và đồng nghiệp sẽ nghi ngờ anh. Nhưng phần lớn những người sử dụng những biện pháp trừng phạt đó không phải vì thâm tâm họ kết tội anh, mà vì sức ép của hoàn cảnh, cũng chính là hoàn cảnh đã từng buộc anh hàng rau phải trưng ra cái khẩu hiệu chính thức kia. Họ ngược đãi anh là vì những người khác nghĩ là họ phải làm thế, hoặc để chứng tỏ lòng trung thành của mình, hoặc chỉ đơn giản là một phần của khung cảnh chung, cùng với nó là nhận thức về cách xử lí những trường hợp như thế này, mà trên thực tế là cách mà người ta vẫn làm với những trường hợp như thế, đấy là nói nếu người đó không muốn trở thành kẻ bị nghi ngờ. Vì vậy mà những kẻ ngược đãi cũng hành xử như tất cả những người khác, dù mức độ nghiêm trọng khác có khác nhau: họ hành xử như một thành phần của hệ thống hậu toàn trị, như một tác nhân của cỗ máy tự động, như là một công cụ đáng thương của nó vậy, họ cũng ứng xử như mọi người khác, cao thấp tùy người: với tư cách là các thành tố của hệ thống hậu toàn trị, với tư cách là nhân viên của cỗ máy tự động, như là các công cụ đáng thương của hệ toàn trị-tự động của xã hội.
Havel kết thúc tiểu luận của mình bằng lời kêu gọi nổi tiếng: sống trong sự thật là phủ nhận tính chính danh của chế độ cộng sản và cuối cùng là phủ nhận quyền lực của nó:
Như vậy là, cơ cấu quyền lực - thông qua hành động của những người thi hành những biện pháp trừng phạt, thông qua những thành tố vô danh của hệ thống - sẽ đẩy anh bán rau ra khỏi miệng của nó. Hệ thống - thông qua những thành phần đã bị tha hóa trong dân chúng - sẽ trừng phạt anh vì anh dám nổi loạn. Nó phải làm thế vì logic của cỗ máy tự động và tự vệ buộc nó phải làm thế. Vì tính độc đáo của nó mà cuộc tấn công của anh hàng rau không phải là cuộc tấn công mang tính cá nhân, đơn lẻ và biệt lập, mà là cái gì đó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bằng việc phá vỡ luật chơi, anh đã làm gián đoạn cuộc chơi. Anh đã chỉ ra rằng nó chỉ là một trò chơi. Anh ta đã đập tan thế giới của ảo tưởng, tức là đập tan cái cột cái của hệ thống. Anh đã lật đổ cơ cấu quyền lực bằng cách xé toạc những thứ đã giúp cố kết nó lại với nhau. Anh ta đã chứng minh rằng sống trong dối trá chính là sống dối trá. Anh ta đã phá vỡ cái mặt tiền được thần thánh hóa của hệ thống và vạch trần nền tảng thực sự của quyền lực. Anh đã nói rằng hoàng đế cởi truồng. Và bởi vì trên thực tế hoàng đế đang cởi truồng, cho nên đã xảy ra một chuyện cực kì nguy hiểm: bằng hành động của mình, anh hàng rau đã phát đi lời kêu tới toàn thế giới. Anh giúp mọi người nhìn vào hậu trường. Anh đã cho tất cả mọi người thấy rằng có thể sống trong sự thật. Sống trong dối trá chỉ có thể tạo thành hệ thống nếu mọi người đều làm như vậy. Nguyên tắc của nó phải bao trùm và ngấm vào tất cả. Không có gì có thể cho phép nó cùng tồn tại với sống trong sự thật, và vì vậy mà tất cả những người bước qua vạch đều phủ định nó về mặt nguyên tắc và đe dọa tính toàn vẹn của nó.
Havel đã làm đúng như những gì ông rao giảng. Do xuất thân từ gia đình tư sản nổi tiếng, ông không được vào đại học. Những người khác có thể được ưu ái vì viết những vở kịch ca ngợi chế độ. Nhưng ông lại làm nhân viên sân khấu và nghiên cứu kịch nghệ trong lúc rỗi rãi. Trong những năm 1960, khi chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc tỏ ra bớt nghiêm khắc hơn trước, kịch của ông bắt đầu được dựng và được công chúng hoan nghênh. Đến năm 1968, ông đã là một kịch tác gia khá thành công và nổi tiếng.
Cuộc xâm lăng của Liên Xô đã đặt ra cho Vaslav Havel và toàn thể giới tinh hoa văn hóa của đất nước vấn đề cấp bách sau đây: di cư, cộng tác hay đối mặt với hậu quả. Các nhà triết học trở thành người đốt lò, còn nhà thơ thì đi quét rác. Havel vào làm trong nhà máy bia (công việc này được ông mô tả trong vở kịch “Audience”). Giữa những năm 1970 ông chuyển hẳn sang phe đối lập với chế độ và đứng lên bảo vệ nhóm nhạc rock có tên là “Những người bằng chất dẻo của vũ trụ”, năm 1977 ông kí tuyên bố Hiến chương 77.
Cuối những năm 1970 là giai đoạn khắc nghiệt đối với những nước bị bắt làm tù binh của đế chế Xô Viết. Havel bị bỏ tù từ năm 1979 đến năm 1984, đấy là giai đoạn hình thành những bức thư gửi cho bà Olga, vợ ông. Những bức thư này sau đó đã trở thành một phần cuốn sách nổi tiếng nhất của ông. Ông còn bị giam cầm và thẩm vấn nhiều ngày nữa. Tuy sau đó đã được thả, nhưng mỗi bước đi, mỗi người khách, mỗi bức thư và mỗi cuộc điện thoại, mỗi lời nói của ông đều bị cơ quan StB (Státní bezpečnost – cơ quan an ninh Tiệp Khắc) của các ông trùm cộng sản Tiệp Khắc theo dõi sát sao.
Lần đi tù cuối cùng của ông chấm dứt trong những hoàn cảnh hạnh phúc hơn. Trong tất cả các nước thuộc khối Warsaw, chế độ cộng sản lần lượt sụp đổ. Bạn bè và đồng minh của ông trong phong trào Đoàn kết ở Ba Lan sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với những kẻ từng ngược đãi mình. Trong lần nghị án để có thể tạm tha ông vào tháng tư, các nhà báo, các nhà ngoại giao và bạn bè ông (họ thường đóng hai, thậm chí ba vai cùng một lúc) trong phòng xử thấy các quan chức nhà tù long trọng chưng ra bằng chứng về tư cách tốt của tù nhân. Họ không nói đến chuyện phục hồi, nhưng ông đã không vi phạm bất cứ qui định nào của trại giam. Ông chỉ ngồi im, mỉm cười và nháy mắt. Buổi chiều hôm đó - trong căn hộ sang trọng sát bờ sông của ông - đã biến thành ngày lễ thực sự. Nhiều người có mặt hôm đó đã phải chịu đựng sự ngược đãi của chế độ trong suốt 20 năm qua: có người phải đi làm đầy tớ. Một số khác thì gia đình tan vỡ hay con cái bị mất tương lai (StB thường đe dọa tương lai con cái nhằm khuất phục những kẻ cứng đầu). Lòng dũng cảm và kháng cự, sự háo hức chờ đợi chiến thắng đang cận kề, hiện diện khắp nơi. Có thể chế độ không biết điều đó, nhưng nạn nhân của nó thì biết: thời của những lão già với những bộ mặt nhăn nhó đang được tính từng ngày.
Trên thực tế, Havel đã trở thành lãnh tụ của phong trào bất đồng ý kiến Tiệp Khắc, nhưng đấy không phải là vai trò làm ông thích thú. Ông không chịu được những cuộc điện thoại từ các tòa soạn báo và đài phát thanh và thường lui về nhà nghỉ của ông ở vùng quê cho yên tĩnh và thanh thản. Ông ghi danh sách những cuộc hẹn gặp vào một mảnh giấy nhỏ, đôi khi ông còn cử người bạn gần gũi nhất của mình là ông Zdeněk Urbánek, một người khéo léo và có vốn tiếng Anh đủ sức làm nản chí ngay cả những nhóm phóng viên truyền hình cao ngạo nhất (nhiều người tự tiện đến mà không hề báo trước, họ muốn phỏng vấn “lãnh tụ đối lập ngay tại trận” mà không thèm biết ông có đồng ý và có thấy thoải mái hay không). Havel thường nói rằng ông là nhà soạn kịch chứ không phải chính khách. Ước muốn duy nhất của ông là có một hệ thống chính trị, trong đó ông có thể làm công việc mà ông thích thú.
Nhưng những sự kiện sau đó đã buộc ông phải từ bỏ thái độ khiêm nhường đó. Sau khi cảnh sát đàn áp dã man cuộc biểu tình của sinh viên vào ngày 17 tháng 11 năm 1989, Havel và bạn bè ông thành lập Diễn đàn nhân dân – đây là tổ chức không có lãnh tụ và dứt khoát không ngả về đảng phái nào.
Nhưng số người biểu tình chiếm giữ quảng trường Wenceslas càng ngày càng gia tăng, họ lại đang cần lãnh tụ. Khi chế độ bắt đầu đàm phán với Diễn đàn công dân và khi một số người, cả trong đảng lẫn chính phủ, bắt đầu mất chức thì cũng là lúc khẩu hiệu “Havel na Hrad” (Đưa Havel vào Lâu đài) bắt đầu xuất hiện trên đường phố. Tháng 12 ông miễn cưỡng ứng cử tổng thống (với mục đích ngăn chặn những cố gắng đưa kiến trúc sư của Mùa xuân Praha, ông Alexander Dubček, ra ứng cử). Một số người Ba Lan còn định tham gia vào chiến dịch này với khẩu hiệu “Havel na Wawel”. Nếu dân Tiệp Khắc không muốn ông làm tổng thống thì họ sẽ phong ông làm vua của Ba Lan, tức là ông sẽ lên ngôi trong lâu đài Wawel ở Cracow.
Havel đã làm cho những người nghĩ rằng ông là dân nghiệp dư, không phù hợp với chức vụ tổng thống, phải bối rối. Ông bước nhanh qua hành lang Lâu đài Praha và dùng lòng nhân đạo và khả năng hài hước của mình để tống khứ bóng ma của những kẻ tiếm quyền cộng sản. Lời kêu gọi gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới 1989 và 1990 là những luận văn rất hay và cảm động. Trong những lời kêu gọi - sau này trở thành biểu tượng của cách tiếp cận chính trị của ông – Havel khẳng định rằng ông sẵn sàng giúp đỡ những người đồng chí hướng và đang chịu đau khổ ở nước ngoài. Khi nước Lithuania đang đấu tranh để biến tuyên ngôn độc lập khỏi sự chiếm đóng của Liên Xô thành sự thật, ông đã mời lãnh tụ nước này là ông Vytautas Landsbergis tới Praha. Ông đã vượt qua được thái độ bài Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã và chủ nghĩa thế tục của một số người Czechs – những người vẫn coi phong trào phản-Cải cách và đặc quyền của giới tăng lữ như thể chuyện vừa mới xảy ra hôm qua – và mời Giáo hoàng tới Praha. Ông là bạn thân của Dalai Lama – Dalai Lama gần như là người đầu tiên đến thăm sau khi Havel trở thành tổng thống và cũng là khách trong những ngày cuối đời của ông. Một số người từng khuyên ông tỏ tình hữu nghị với nước Trung Quốc đầy quyền lực, nhưng đối với Havel nguyên tắc là nguyên tắc. Từng là những người bị chiếm đóng, người Czechs không thể quên được hoàn cảnh khốn khổ của người Tây Tạng, người Uighurs, người Bạch Nga và người Cuba.
Những bóng ma khác của quá khứ cũng bị Havel tống khứ: ông thiết lập quan hệ ngoại giao nồng ấm với Israel và hợp tác toàn diện với chính phủ nước ngoài nhằm tìm ra những tên khủng bố Arab đã từng được huấn luyện ở Tiệp Khắc thời cộng sản. Ông khẳng định phải có quan hệ hữu hảo với Đức – lúc đó nhiều người Czechs và Slovaks còn coi Đức là hiểm họa và sợ rằng Đức vẫn chưa quên và không tha thứ cho sự kiện là sau năm 1945 Tiệp Khắc đã xua đuổi người của họ ra khỏi vùng Sudete và những nơi khác. Ông đã tiếp Richard von Weizsäcker (Tổng thống Đức từ năm 1984 đến năm 1994 – ND) tại lâu đài Praha. Họ đã kí một bản tuyên bố chung với những lời lẽ rất thận trọng (nhờ sự mềm dẻo của ngữ pháp Tiệp), nhằm làm giảm những mối bất hòa của người Đức và người Tiệp về nhiều vấn đề lịch sử.
Ông không thể giữ được Tiệp Khắc vì các chính trị gia đầy tham vọng ở Praha và Bratislava tin rằng họ có nhiều cơ hội thăng tiến khi quốc gia này bị phân chia thành những nước nhỏ bé hơn. Nhưng ông trở lại làm tổng thống Cộng hòa Tiệp trong cuộc bầu cử vào năm 1993 và năm 1998. Ông đã dẫn dắt đất nước vào Liên minh châu Âu và khối NATO. Ông thường nói rằng mục tiêu lớn nhất của ông là làm cho đồng bào mình có thể hưởng thụ cuộc sống không bị chính trị quấy rầy. Nhưng đấy chỉ là một trong những thành tựu của ông mà thôi. Ông còn là một kịch tác gia, một người viết tiểu luận và một triết gia nổi tiếng nữa, tiếng tăm của ông vượt ra ngoài biên giới của một “nước châu Âu nhỏ bé và chán ngắt”. Sự trở về với tự do của đất nước mình đã được ông dự báo từ trước bằng cả trái tim yêu thương của mình.
-Jeffrey D. Sachs (Project-syndicate, 20/12/2011) - Sức mạnh của sống trong sự thật
Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Vaslav Havel (5/10/1936-18/12/2011)
Cái thế giới thiếu nhất hiện nay không phải là dầu mỏ, không phải là nước sạch, cũng không phải là lương thực mà là một ban lãnh đạo có đức hạnh. Bằng cách cam kết với sự thật – sự thật khoa học, sự thật đạo đức và sự thật cá nhân – xã hội có thể vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng về nghèo đói, bệnh tật, thiếu ăn và bất ổn mà chúng ta đang đối mặt. Nhưng quyền lực lại căm ghét sự thật và tấn công nó một cách không thương xót. Cho nên xin hãy cùng nghiêng mình tưởng nhớ Václav Havel, người vừa từ trần trong tháng này, vì ông đã tạo điều kiện cho cả một thế hệ cơ hội sống trong sự thật.Havel là một nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng dẫn tới nền tự do ở Đông Âu và sự cáo chung của Liên Xô, cách đây vừa đúng hai mươi năm. Những vở kịch, những bài tiểu luận và thư từ của Havel đã mô ta cuộc đấu tranh về mặt đạo đức cho một đời sống lương thiện dưới chế độ độc tài cộng sản ở Đông Âu. Để sống trong sự thật, ông đã phải hi sinh tất cả - như ông nói, trung thực với chính mình và trung thực như một người anh hùng trước bạo quyền áp bức xã hội và đè bẹp quyền tự do của hàng trăm triệu người.
Ông đã phải trả giá đắt cho sự lựa chọn đó, ông đã phải ngồi tù mấy năm và bị theo dõi đủ mọi kiểu, bị quấy nhiễu và kiểm duyệt. Nhưng ánh sáng của sự thật đã lan tỏa. Havel đã truyền hi vọng, lòng dũng cảm và thậm chí cả tinh thần vô úy cho cả một thế hệ những người đồng bào của ông. Khi mạng lưới dối trá sụp đổ vào tháng 11 năm 1989, hàng trăm ngàn người Czechs và Slovaks đã đổ ra đường phố để tuyên bố về những quyền tự do của họ - và đưa nhà soạn kịch từng bị cấm đoán và tù đầy thành tổng thống mới được bầu của Czechoslovakia.
Năm đó tôi đã trực tiếp chứng kiến sức mạnh của sống trong sự thật, đấy là khi lãnh đạo phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan đề nghị tôi giúp Ba Lan chuyển đổi sang chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường – một phần của nó chính là điều mà người Ba Lan gọi là “sự trở lại với châu Âu”. Tôi đã gặp và được nhiều người sống trong sự thật tương tự như Havel truyền cho cảm hứng: đấy là Adam Michnik, Jacek Kuron, Bronislaw Geremek, Gregorsz Lindenberg, Jan Smolar, Irena Grosfeld, và dĩ nhiên là cả Lech Walesa nữa. Những người đàn ông và đàn bà dũng cảm đó, và những người như Tadeusz Mazowiecki và Leszek Balcerowicz, tức là những người đã dẫn dắt nước Ba Lan trên những bước đi đầu tiên hướng đến tự do, đã thành công nhờ họ đã biết kết hợp giữa lòng dũng cảm, trí tuệ và sự liêm chính.
Năm đó sức mạnh của nói-lên-sự-thật đã làm người ta ngạc nhiên vì nó đã làm sụp đổ một trong những đại bá cứng đầu cứng cổ nhất trong lịch sử: đấy là sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu. Tương tự như Havel, Michnik cũng là một người luôn tỏa ra niềm vui của sự thật vô úy. Tháng 7 năm 1989, khi chế độ cộng sản ở Ba Lan đã bị tháo bỏ, tôi hỏi ông ta khi nào thì tự do sẽ đến với Praha. Ông đáp: “Cuối năm nay”. “Sao ông biết?”, tôi hỏi. “Tuần trước tôi vừa leo núi với Havel”, ông nói. “Đứng sợ. Tự do đang đến gần”, ông nói. Dĩ nhiên là ông đã dự đoán chính xác, sớm được một tuần.
Dối trá và tha hóa là hiện tượng dễ lây, tương tự như thế, sự thật đạo đức và lòng dũng cảm cũng lan truyền từ người anh hùng này sang người anh hùng khác. Havel và Michnik có thể thành công một phần cũng là nhờ Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo Liên Xô, một người xuất thân từ chính cái hệ thống đã bị nhiễm độc, nhưng lại cho rằng sự thật có giá trị hơn là bạo lực. Còn Gorbachev lại có thể thành công một phần là vì sức mạnh của lòng trung thực của một người đồng bào của ông - Andrei Sakharov, một nhà vật lí hạt nhân vĩ đại và cũng là một người không biết sợ là gì, một người dám hi sinh tất cả để nói lên sự thật ngay trong lòng đế chế Liên Xô – và ông đã phải trả giá bằng nhiều năm lưu đầy ngay ở trong nước.
Những trụ cột của ban lãnh đạo đầy đức hạnh này lại theo gương những người khác, trong đó có Mahatma Gandhi, người đã gọi cuốn tự truyện của mình là Câu chuyện về quá trình khám phá sự thật của tôi. Tất cả những người đó đều tin rằng sự thật, cả sự thật khoa học lẫn đạo đức, cuối cùng đều có thể đánh bại được liên minh của dối trá và bạo lực. Nhiều người đã chết cho niềm tin đó, còn chúng ta, những người đang sống hôm nay thì được hưởng thành quả của niềm tin của họ vào sức mạnh của sự thật.
Cuộc đời của Havel là lời nhắc nhở về những điều kì diệu mà niềm tin đó có thể mang tới, cuộc đời ông cũng là lời nhắc nhở về một sự kiện đáng buồn là chiến thắng của sự thật không bao giờ là chiến thắng cuối cùng. Mỗi thế hệ đều phải cải biến nền tảng đạo đức của họ cho phù hợp với những điều kiện luôn luôn biến đổi của chính trị, của văn hoá, của xã hội và công nghệ.
Havel chết đúng vào lúc diễn ra những cuộc biểu tình quần chúng ở Nga nhằm phản đối vụ gian lận trong kì bầu cử vừa rồi, ông chết đúng vào lúc xảy ra những vụ bạo hành khi những nhà dân chủ Ai-cập chiến đấu chống lại giới quân sự cực đoan, cũng là lúc người nông dân Trung Quốc đứng lên chống lại các quan chức tham nhũng ở địa phương, và cũng là lúc cảnh sát mặc áo giáp giải tán một cách thô bạo những cuộc biểu tình phản đối ở các thành phố của Mĩ. Trên khắp thế giới, bạo lực và sự thật vẫn đang đánh giáp la cà với nhau.
Phần lớn cuộc đấu tranh hiện nay – đang diễn ra khắp mọi nơi – là sự thật chiến đấu với lòng tham. Ngay cả khi những thách thức của chúng ta có khác với những thách thức mà Havel phải đối mặt thì giá trị của sống trong sự thật vẫn không hề thay đổi.
Hiện thực của thế giới ngày hôm nay là của cải được chuyển hóa thành quyền lực, còn quyền lực thì bị lạm dụng nhằm thu vén của cải cho cá nhân, người nghèo và môi trường tự nhiên phải trả giá. Những kẻ có quyền lực phá hủy môi trường, gây chiến tranh vì những lí do không chính đáng, tạo cớ cho những vụ bạo loạn, coi thường lời cam kết với những người nghèo, dường như họ không nhận thức được rằng họ và con cái họ sẽ phải trả giá đắt.
Những nhà lãnh đạo có đức hạnh hiện nay cần phải xây dựng trên nền tảng do Havel tạo ra. Dĩ nhiên là hiện nay nhiều người đã không còn tin vào khả năng thay đổi mang tính xây dựng nữa. Nhưng những cuộc chiến đấu mà hiện nay chúng ta đang tiến hành – nhằm chống lại những nhóm vận động hành lang đấy sức mạnh, những trò loanh quanh bất tận của các cơ quan quan hệ công chúng (PR) và những trò dối trá không ngừng nghỉ của chính phủ - chỉ là cái bóng của những điều mà Havel, Michnik, Sakharov, và những người khác từng đối mặt khi họ tấn công những chế độ được Liên Xô hậu thuẫn mà thôi.
Khác với những nhà bất đồng chính kiến vĩ đại đó, chúng ta được trang bị các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá quan điểm, có thể thoát khỏi được tình trạng cô lập và động viên hàng triệu người ủng hộ cải cách và đổi mới. Nhiều người trong chúng ta chỉ được hưởng sự bảo vệ tối thiểu cho quyền phát ngôn và hội họp, dù những quyền như thế chắc chắn là khó đòi, không đầy đủ và mong manh. Nhưng chúng ta vẫn được cuộc sống trong sự thật của Havel không ngừng khích lệ.
Jeffrey D. Sachs là giáo sư môn kinh tế học và giám đốc Viện trái đất của trường đại học Colombia (Director of the Earth Institute at Columbia University). Ông còn là cố vấn đặc biệt của Tổng thư kí Liên hiệp quốc về Mục tiêu phát triển thiên niên kỉ.
-Vaslav Havel - Trí thức và chính trị (Phạm Nguyên Trường)
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Vaslav Havel (5/10/1936-18/12/2011)
Lời ban biên tập trang mạng Project Syndicat (Mĩ): Ông Václav Havel, vừa tạ thế ngày 18 tháng 12 (2011), là một trí thức hiếm hoi: không phải ông tìm cách chen chân vào chính trị mà chính trị đã đẩy ông vào con đường đó. Năm 1998, trong khi đang làm Tổng thống cộng hòa Czech, ông đã đưa ra những suy nghĩ sau đây về những cái lợi và mối nguy hiểm của nghề nghiệp của mình.
Praha – Một người trí thức – bằng những cố gắng của cá nhân mình đã thâm nhập vào bên dưới bề mặt của sự vật, để nắm được những mối quan hệ, nắm được nhân và quả, để công nhận rằng cá nhân chỉ là một phần của tồn tại rộng lớn hơn và từ đó có nhận thức sâu sắc hơn về thế giới và trách nhiệm trước thế giới – có thể làm chính trị được hay không?
Nói như thế, có cảm tưởng rằng tôi cho là trách nhiệm của người trí thức là tham gia hoạt động chính trị. Nhưng đấy là điều vô nghĩa. Hoạt động chính trị cần một loạt yêu cầu đặc biệt, chỉ liên quan đến nó mà thôi. Một số người đáp ứng được những đòi hỏi này, số khác thì không, dù họ có là trí thức hay không.
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng thế giới cần – hiện nay càng cần hơn bao giờ hết – những chính trị gia đã được khai minh, chín chắn, những người dũng cảm và có đầu óc khoáng đạt, đủ sức cân nhắc những sự kiện nằm bên dưới phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của họ, cả về không gian lẫn thời gian. Chúng ta cần những chính trị gia muốn và có khả năng vượt lên trên những mối quan tâm về quyền lực của họ hay những mối quan tâm của đảng hay quốc gia của họ và hành động phù hợp với những quyền lợi căn bản của nhân loại hiện nay – nghĩa là hành động theo cách mà mọi người phải hành động, mặc dù đa phần không thể hành động như thế.
Chưa bao giờ chính trị lại phụ thuộc vào thời điểm, phụ thuộc vào tâm trạng thất thường của công chúng và phương tiện truyền thông đến như thế. Chưa bao giờ chính trị gia bị buộc phải theo đuổi những vấn đề thiển cận và chóng qua đến như thế. Tôi có cảm tưởng rằng cuộc sống của nhiều chính khách trôi lăn từ những bản tin trên TV vào tối hôm trước sang cuộc thăm dò dư luận vào sáng hôm sau, rồi đến hình ảnh của mình trên TV vào tối hôm sau nữa. Tôi không tin là thời đại của những phương tiện thông tin đại chúng hiện nay khuyến khích việc xuất hiện và trưởng thành của những chính trị gia tầm cỡ như Winston Churchill; tôi nghi ngờ, mặc dù bao giờ cũng có ngoại lệ.
Tóm lại: thời đại của chúng ta càng ít khuyến khích những chính trị gia có tư duy dài hạn thì chúng ta lại càng cần những chính trị gia như thế và do đó mà càng cần sự ủng hộ các nhà trí thức – ít nhất là những người đáp ứng được định nghĩa của tôi – tham gia vào chính trị. Sự ủng hộ như thế có thể xuất phát từ những người không bao giờ tham gia vào chính trị - vì lí do gì thì cũng thế - nhưng đồng ý với những chính trị gia đó hay ít nhất là cũng chia sẻ với những ý tưởng làm cơ sở cho những hành động của họ.
Có người phản đối: các chính trị gia phải được dân chúng bầu, dân chúng bầu cho những người suy nghĩ như họ. Người muốn thăng tiến trong lĩnh vực chính trị thì phải chú ý đến tâm trí của con người nói chung, phải tôn trọng cái gọi là quan điểm của người cử tri “bình thường”. Chính trị gia, dù muốn dù không, cũng phải là một cái gương. Ông ta không dám trở thành người quảng bá cho những chân lí không được lòng người, không dàm thừa nhận những chân lí có thể có lợi cho nhân loại nhưng lại bị đa số cử tri cho là không phải mối quan tâm trực tiếp của họ hoặc thậm chí bị họ coi là trái ngược với quyền lợi của mình nữa.
Tôi tin rằng mục tiêu của chính trị không phải là đáp ứng những ước muốn ngắn hạn. Chính khách phải tìm cách thuyết phục dân chúng, để họ ủng hộ ý tưởng của mình, ngay cả khi đấy là những ý tưởng chưa được nhiều người ưa chuộng. Chính trị phải thuyết phục cử tri rằng chính khách này công nhận hay hiểu một số vấn đề tốt hơn là dân chúng và vì thế mà họ nên bầu cho chính khách đó. Do đó, dân chúng có thể ủy thác cho chính trị gia một số vấn đề - mà vì nhiều lí do khác nhau – họ không hiểu hay không muốn mất thì giờ suy nghĩ, đấy là những vấn đề mà một người nào đó sẽ phải nói thay họ.
Dĩ nhiên là những kẻ mị dân, những kẻ độc tài tiềm tàng hay những tên cuồng tín cũng đã sử dụng những lí lẽ như thế, những người cộng sản cũng làm một việc tương tự khi tuyên bố rằng họ chính là thành phần giác ngộ nhất của nhân quần, và nhờ vào sự giác ngộ đáng ngờ đó mà họ đã tự giành lấy quyền cai trị một cách độc đoán.
Nghệ thuật chính trị chân chính là nghệ thuật thuyết phục dân chúng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa, ngay cả khi việc theo đuổi sự nghiệp đó có ảnh hưởng tới quyền lợi tức thời của nhân dân. Điều đó phải được thực hiện mà không gây trở ngại cho việc chúng ta kiểm tra – bằng nhiều cách khác nhau – rằng đấy là sự nghiệp chính nghĩa, và bằng cách đó mà khẳng định rằng những công dân đã tin tưởng ta không bị dẫn vào con đường phục vụ cho những điều dối trá và hậu quả là phải chịu tai họa, không đi tìm kiếm sự thịnh vượng trong tương lai một cách viển vông.
Cần phải nói rằng một số trí thức có khả năng thực hiện những cái ác như thế. Họ trau dồi để có hiểu biết hơn tất cả mọi người, họ đứng cao hơn tất cả mọi người. Họ bảo với đồng bào của mình rằng đồng bào không hiểu dự án đầy trí tuệ do họ đưa ra vì đồng bào còn ngu dốt, chưa ngang tầm với những người đưa ra dự án. Sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua suốt thế kỉ XX, phải công nhận rằng thái độ trí thức - đúng hơn là ngụy-trí thức -như thế nguy hiểm đến mức nào. Xin nhớ rằng có biết bao nhiêu trí thức đã giúp thiết lập nên các chế độ độc tài hiện đại!
Chính trị gia giỏi phải có khả năng giải thích mà không cần dụ dỗ; ông ta phải khiêm tốn tìm kiếm chân lí của thế giới mà không được tuyên bố rằng mình là người sở hữu chuyên nghiệp chân lí đó; và ông ta phải cảnh tỉnh dân chúng về những phẩm chất tốt đẹp trong chính họ, trong đó có cả khả năng đánh giá những giá trị và quyền lợi vượt ra ngoài quyền lợi cá nhân, mà không tỏ ra là cao đạo hơn và không ép buộc đồng bào mình bất cứ thứ gì. Ông ta không nên khống chế tâm trạng của quần chúng hay ra lệnh cho các phương tiện thông tin đại chúng, cũng không bao giờ được cản trở việc theo dõi một cách sát sao mọi hành động của mình.
Trong địa hạt chính trị, các nhà trí thức nên thể hiện sự có mặt của mình bằng một trong hai cách khả dĩ sau đây. Họ có thể - mà không cảm thấy xấu hổ hay mất giá – nhận chức và sử dụng vị trí của mình để làm những việc mà mình cho là đúng chứ không phải là để bám víu lấy quyền lực. Hoặc là họ có thể trở thành những người cầm gương soi vào nhà cầm quyền để bảo đảm rằng người cầm quyền phụng sự sự nghiệp chính nghĩa chứ không sử dụng những lời có cánh để che đậy những việc xấu xa như nhiều trí thức tham gia hoạt động chính trị trong những thế kỉ qua.
-------------------
“Tôi phản đối mọi hình thức độc tài, vì tất cả các chế độ độc tài đều là kẻ thù của tự do – dân chủ, kẻ thù của nhân dân”
(Minh Văn)
Sự khác nhau giữa Dân chủ và Độc tài
Đây là hai thể chế nhà nước đối lập nhau về bản chất. Chế độ dân chủ tồn tại trên cơ sở nền tảng là sự làm chủ của nhân dân và xã hội dân sự, ngược lại chế độ độc tài tồn tại dựa trên sức mạnh chuyên chế của một đảng phái duy nhất nắm quyền quản lý xã hội.
Về chế độ dân chủ
Trong chế độ tự do dân chủ thì các quyền con người được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Những quyền này bao gồm: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập đảng phái, lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do bầu cử, tự do đi lại…và rất nhiều quyền tự do căn bản khác. Nhà nước quản lý xã hội trên cơ sở một nhà nước pháp quyền, pháp luật được tôn trọng và là nền tảng cơ bản cho mọi mối quan hệ xã hội. Các đảng phái tồn tại độc lập và cạnh tranh lành mạnh với nhau thông qua lá phiếu của người dân. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất là trong chế độ dân chủ có sự tồn tại của nhiều đảng phái khác nhau. Điều này giúp cho quyền làm chủ của người dân được thực thi thông qua việc bỏ phiếu bầu chọn.
Các quyền tư hữu, tự do và bình đẳng được coi là những quyền tự nhiên không thể bị tước bỏ. Đây cũng là nền tảng cho những quyền tự do và tiến bộ khác của con người trong xã hội dân chủ. Rôbexpie (1758 – 1894), nhà tư tưởng và là người đứng đầu phái Giacôbanh đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản về dân chủ như sau:
- Nhân dân có chủ quyền vô hạn;
- Nhân dân là người cầm quyền tối cao, còn chính phủ thì phục tùng pháp luật;
- Chính phủ và các quan chức là người đại diện đơn thuần, những người thực hiện ý chí của nhân dân;
- Các chức vụ xã hội không phải là danh vọng mà là trách nhiệm xã hội;
- Nhân dân là người có chủ quyền, còn chính phủ là do nhân dân thành lập ra và là sở hữu của dân, các quan chức xã hội là đầy tớ của dân.
Với nền tảng quan điểm như vậy về chủ quyền nhân dân, cùng với những tư tưởng tiến bộ của các nhà triết học tư sản tiến bộ khác thì chế độ tự do – dân chủ được xây dựng trên cơ sở một hệ thống quan điểm tiến bộ để giải phóng và phục vụ con người.
Chỉ trong chế độ tự do dân chủ thì nhân dân mới thực sự là người làm chủ, quyền tự do và các quyền khác của con người mới được tôn trọng. Với bản chất tự do, minh bạch của mình thì chế độ dân chủ tránh cho sự lạm quyền diễn ra từ phía chính phủ cũng như sự thối nát do cầm quyền trong thời gian dài (Điều xảy ra trong các chế độ độc tài chuyên chế). Một xã hội tự do – dân chủ là mục tiêu của mọi dân tộc và người dân, cả nhân loại đều hướng tới điều đó.
Chế độ độc tài
Đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất ở các chế độ độc tài là:
- Do một đảng phái duy nhất cầm quyền;
- Quản lý đất nước bằng hình thức độc tài, bạo lực mà không phải là nhà nước pháp quyền;
- Các quyền tự do căn bản của con người bị cấm đoán hoặc bị hạn chế và không được thực thi trong thực tế đời sống xã hội;
- Thông tin sự thật bị bưng bít, chỉ có hệ thống thông tin và tuyên truyền của nhà nước được phép hoạt động.
- Nạn lạm quyền và tham nhũng hoành hành vì không có đời sống chính trị dân chủ, minh bạch.
Với tất cả bản chất trên thì chúng ta có thể nói, chế độ độc tài là kẻ thù của tự do – dân chủ, kẻ thù của nhân dân; kẻ thù của tất cả những giá trị nhân văn tốt đẹp mà con người có được cũng như cần hướng tới. Bằng việc cấm đoán và hạn chế các quyền tự do căn bản của con người thì nhà nước độc tài đã ngăn cản những giá trị tốt đẹp khác có thể nở hoa kết trái. Trong chế độ độc tài thì pháp luật không được tôn trọng và thực sự là công cụ để đàn áp nhân dân của nhà cầm quyền. Pháp luật đó là do nhà nước độc tài làm ra, không phải là ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Những kẻ thống trị với tất cả công cụ quyền lực trong tay đã bưng bít mọi tiếng nói đòi chân lý của người dân và sẵn sàng đàn áp tất cả những cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền. Không có một xã hội dân sự tồn tại, hay tồn tại đúng nghĩa thì người dân đã bị tước đi tất cả sức mạnh và quyền lực chính đáng của mình. Đỉnh cao của các chế độ độc tài là nhà nước độc tài toàn trị, đây là kiểu nhà nước có bộ máy chính quyền được tổ chức hoàn thiện nhất để phục vụ cho việc trấn áp và kìm kẹp cũng như lừa dối người dân. Khác với các nhà nước độc tài quân phiệt (chỉ dựa vào sức mạnh quân đội để cầm quyền) thì chế độ độc tài toàn trị, giống như tên gọi của nó, đã cai trị đất nước bằng tất cả các phương tiện quyền lực. Không những chỉ bằng sức mạnh của quân đội, công an, toà án mà còn thâu tóm toàn bộ xã hội dân sự để tước đi mọi thứ vũ khí của người dân. Và do vậy mà người dân bị cô lập, không thể đoàn kết được để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình và xoá bỏ những bất công.
Có hay không một nhà nước pháp quyền trong chế độ độc tài, toàn trị?
Nhà nước pháp quyền chỉ có trong chế độ tự do - dân chủ mà không thể tồn tại trong chế độ độc tài. Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi này trước hết chúng ta phải tìm hiểu: - Thế nào là một nhà nước pháp quyền? Nhà nước pháp quyền có nghĩa là pháp luật có vị trí tối cao trong việc quản lý xã hội (Pháp luật này do một quốc hội dân chủ làm ra, và như thế cũng có nghĩa là chủ quyền thuộc về nhân dân). Pháp luật giữ vai trò thượng tôn của hoạt động nhà nước, trong mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không có một cơ quan hay cá nhân nào được phép đứng trên pháp luật; tất cả mọi người đều phải tuân theo và bình đẳng trước pháp luật. Điều này chỉ có thể có được trong một xã hội mà pháp luật được tôn trọng và giữ vai trò độc tôn: Đó là chế độ tự do – dân chủ.
Nhà nước dân chủ tuân thủ nguyên tắc “Tam quyền phân lập”, ba nhánh quyền lực đó là: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có nghĩa là ba cơ quan quyền lực này tồn tại độc lập với nhau, giám sát và đối trọng lẫn nhau để đảm bảo không có cơ quan nào được lạm dụng quyền lực mà đứng trên pháp luật. Chính vì nguyên tắc đó được thực hiện mà pháp luật được tôn trọng và bảo vệ. Vậy làm sao nguyên tắc đó được thực hiện? Chỉ có được trong thể chế chính trị dân chủ đa đảng (Có nhiều đảng phái cùng tồn tại và tham gia quá trình bầu cử). Vì rằng chỉ trong trường hợp này pháp luật mới tồn tại độc lập mà không chịu sự chi phối của riêng một đảng phái nào. Pháp luật đó do Nghị viện làm ra (do dân bầu), bất cứ đảng phái nào lên nắm quyền sau khi đắc cử cũng phải tuân theo hệ thống pháp luật này.
Chế độ độc tài do một đảng phái duy nhất lãnh đạo, quyền lực thực sự chỉ nằm trong tay một nhóm người. Những người này đứng trên pháp luật và nắm giữ mọi đặc quyền đặc lợi của đất nước. Nguyên tắc “tam quyền phân lập” không được tôn trọng và thực hiện. Nhà nước quản lý đất nước bằng hình thức độc tài, toàn trị. Pháp luật trở thành công cụ bảo về chế độ và kìm kẹp người dân; mọi quyền lực nằm trong tay nhà nước và vì thế những cơ quan này chỉ còn là những tên gọi, còn bản chất đã bị thay đổi. Tất cả các cơ quan này đều đặt dưới sự quản lý và lãnh đạo của một đảng phái duy nhất (ở Việt nam là đảng cộng sản), vì thế mà không còn giữ được vai trò và vị trí đích thực của nó trong hệ thống chính trị nữa. Để mị dân, nhà nước độc tài đưa ra chiêu bài “Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”. Điều này nghe thật nực cười vì nó không bao giờ thực hiện được trong một chế độ độc tài, điều kiện duy nhất để điều đó trở thành hiện thực là khi chế độ toàn trị không còn tồn tại nữa và đã chuyển sang chế độ tự do – dân chủ.
Và chúng ta có thể khẳng định rằng không thể tồn tại trên thực tế một nhà nước Pháp quyền trong một chế độ xã hội độc tài toàn trị. Luận điệu “Xây dựng nhà nước Pháp quyền” chỉ là một chiêu bài hòng lừa phỉnh người dân để nhà nước độc tài có thể kéo dài thời gian cầm quyền phi lý của họ.
Phe Áo Đỏ (thuộc phong trào Liên minh Dân chủ chống Độc tài, DAAD, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) chiếm cứ khu thương mại Rajprasong ở Bangkok
Báo chí trong nước có vẻ rất sốt sắng trong việc loan tải tin tức liên quan đến các vụ biểu tình rầm rộ tại Thái Lan gần đây. Người ta xem đó là một sự bất ổn về chính trị và từ đó, dẫn đến nguy cơ bất ổn về kinh tế. Ngấm ngầm đằng sau dường như có một lời nhắn nhe với dân chúng: Đó, thấy chưa, điều quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của đất nước và bình yên cho người dân là sự ổn định về chính trị chứ không phải là chuyện đa đảng hay không. Mà về phương diện ổn định thì Việt Nam đang có thừa. Nhiệm vụ của mọi người, vì đất nước, là phải duy trì sự ổn định ấy.
Bài liên quan: Bất ổn Thailand: một suy nghĩ từ Việt Nam (Phạm Hồng Sơn)
Việt Nam và Thái Lan, Jetro chọn nước nào?“Định hướng dư luận” bằng sự thật! & Thái Lan: Dân chủ, quân chủ và vô chủ
Nhưng quan niệm ấy không có gì vững chắc. Đồng ý là từ năm 2006, sau cuộc đảo chính thủ tướng Thaksin Shinawatra, tình hình chính trị Thái Lan thật rối ren. Hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác. Cuộc biểu tình nào cũng quy tụ cả mấy chục ngàn người. Tháng 12 năm 2008, phe Áo Vàng (thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, PAD, chủ trương chống cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) chiếm sân bay Suvarnabhumi và sân bay Don Muang làm ảnh hưởng đến chuyện đi lại của hơn 230.000 hành khách và gây tổn thất khoảng 100 triệu Mỹ kim mỗi ngày. Bây giờ phe Áo Đỏ (thuộc phong trào Liên minh Dân chủ chống Độc tài, DAAD, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) lại đổ xuống chiếm cứ khu thương mại Rajprasong ở Bangkok làm đình trệ mọi hoạt động kinh doanh và du lịch, gây tổn thất mỗi ngày đến cả mấy chục triệu Mỹ kim. Đồng ý. Tuy nhiên cũng nên lưu ý: bất kể các sự lộn xộn và thiệt hại ấy, guồng máy hành chính của Thái Lan vẫn chạy đều; kinh tế dù gặp một số khó khăn, vẫn phát triển đều; dân chúng, dù gặp không ít phiền hà, vẫn được tự do phát biểu quan điểm; và riêng trong lãnh vực thể thao, điều nhiều người Việt Nam quan tâm, bóng đá Thái Lan vẫn tiếp tục đè bẹp Việt Nam như thường!
Tuy nhiên, để dễ thuyết phục, nên nhìn vấn đề rộng, ở tầm thế giới và có tính lý thuyết. Ở phương diện này, tôi nghĩ tôi nên nhường lời lại cho một người khác, có thẩm quyền hơn: Václav Havel, kịch tác gia, nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền nổi tiếng và tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời hậu-cộng sản.
Sinh năm 1936 tại Prague, trong một gia đình giàu có, Havel bị xếp vào thành phần có lý lịch xấu, và do đó, bị kỳ thị một cách nặng nề đến độ không được học cấp ba theo hệ chính quy. Là một kịch tác gia tài năng, nhưng tiếng tăm của Havel vang dội trên thế giới nhiều hơn tại Tiệp, nơi nhiều tác phẩm của ông bị cấm in và cấm diễn. Từ giữa thập niên 1970, từ một người không mặn mà gì lắm với chính trị, Havel trở thành người sáng lập và phát ngôn viên của phong trào tranh đấu cho nhân quyền lấy tên là “Charter 77”. Từ đó, ông bị bắt nhiều lần và bị bỏ tù cả thảy gần 5 năm. Năm 1989, ông trở thành lãnh tụ của Diễn đàn Dân sự (Civic Forum), một thứ liên minh của các lực lượng đối lập. Chỉ trong vòng mấy tháng Diễn đàn Dân sự phát triển mạnh mẽ, với hàng triệu người ủng hộ, đủ sức để lật đổ chính quyền cộng sản, thực hiện cuộc cách mạng nhung (velvet revolution) một cách hoà bình. Tháng 12 năm đó, Havel được bầu làm tổng thống lâm thời của Tiệp. Năm sau, ông ứng cử và thắng một cách oanh liệt. Năm 1993, khi nước Tiệp bị tách ra làm đôi, Havel trở thành tổng thống nước Cộng hoà Séc. Năm 1998, ông lại thắng cử lần nữa. Như vậy, trong các lãnh tụ ở Đông Âu thời hậu cộng sản, Havel được xem là một chính khách cầm quyền lâu nhất, và cũng là người được yêu mến và kính trọng nhất. Ở ông vừa có sự nhạy cảm của một chính trị gia lại vừa có tính nguyên tắc và viễn kiến của một trí thức chân chính. Lúc mới lên làm tổng thống, bất chấp sức ép của dư luận, ông cương quyết từ chối ký lệnh cấm đảng Cộng sản, và bất chấp sức ép từ Trung Quốc, ông mời Dalai Lama đến thăm Tiệp Khắc.
Các bài viết cũng như các bài nói chuyện của ông được đánh giá rất cao và cũng có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới. Bài nói chuyện của ông tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Úc, ở thủ đô Canberra, vào ngày 29 tháng Ba năm 1995, rất gần với vấn đề chúng ta đang bàn. Bài này do Hoàng Ngọc-Tuấn trích dịch. Xin mời bạn đọc thưởng thức và thử liên hệ với tình hình Việt Nam hiện nay.
DÂN CHỦ VÀ ĐỘC TÀI
Václav Havel
[...]
Ngay cả một chính quyền dân chủ đang thối nát hay suy thoái vẫn một ngàn lần tốt hơn cái chính quyền hoàn toàn giả tạo do một chế độ độc tài áp đặt bằng bạo lực hay sự tẩy não.
Chế độ dân chủ là một hệ thống mở, và vì thế nó có khả năng cải thiện. Trong các phương diện của chế độ dân chủ, thì sự tự do cung ứng cái không gian cho tinh thần trách nhiệm. Nếu cái không gian này không được sử dụng đầy đủ, thì sự sai lầm ấy không phải do chế độ dân chủ tạo ra, mà chính nó lại là một thử thách cho chế độ dân chủ đương tại. Ngược lại, chế độ độc tài không chừa một chỗ nào cho tinh thần trách nhiệm, và vì thế nó không thể tạo nên một chính quyền thực sự. Thay vào đó, nó lấp kín mọi không gian khả hữu bằng cái chính quyền giả tạo của nhà độc tài.
Những kẻ có triển vọng trở thành những nhà độc tài đều rất giỏi canh chừng thời kỳ khủng hoảng chính quyền trong chế độ dân chủ. Nhân dân càng ít lưu tâm đến sự thử thách nẩy sinh từ chế độ dân chủ, thì họ lại càng ít thành công trong việc lấp đầy cái không gian mà chế độ dân chủ mang đến cho họ, và nhà độc tài, kẻ tự xưng là gánh vác cái trách nhiệm to tát nhất, lại càng lẹ làng tiến đến giành lấy cái không gian ấy và, cuối cùng, chiếm lấy nó trọn vẹn. Hitler, Lenin, và Mao đều là những ví dụ điển hình cho loại độc tài này. Chiếm trọn cái không gian khả hữu bằng một chính quyền hoàn toàn giả tạo, họ đã khoá chặt cái không gian ấy lại, huỷ diệt nó và, cuối cùng, huỷ diệt luôn chính nền dân chủ. Chúng ta đều biết điều này dẫn đến đâu: nó dẫn đến những cuộc tàn sát, hành hạ, nhục mạ. Nói tóm lại, trong lúc chế độ dân chủ xây đắp con đường dẫn đến việc tạo nên chính quyền thực sự, thì chế độ chuyên chính làm tắt nghẽn con đường ấy bằng một hàng rào ghê tởm, bằng cái bộ mặt méo mó kỳ quái của nhà cầm quyền như trong tranh biếm hoạ.
Những cơ hội để một cuộc cách mạng mang tính hiện sinh có thể thành công — như một lần tôi đã dùng lối ẩn dụ để diễn tả sự thức tỉnh của tinh thần trách nhiệm nhân bản sâu sắc — dưới chế độ tự do và dân chủ thì tốt hơn xa so với những cơ hội dưới một chế độ độc tài, nơi cái không gian duy nhất được trao cho bất kỳ ai muốn nhận lãnh trách nhiệm là một cái buồng giam trong trại tù.
Ta không thể bắt lỗi thế giới Tây phương là cứ bám lấy chế độ dân chủ. Vì, mặc dù chế độ dân chủ chắc hẳn có nhiều hình thức khác nhau, thế nhưng, hôm nay, nó vẫn là con đường duy nhất mở ra cho tất cả chúng ta. Các nước Tây phương chỉ có thể bị bắt lỗi vì họ không hiểu và không bảo vệ cái thành tựu tuyệt vời này một cách đúng mức. Bị cơn khủng hoảng phổ quát về đạo đức làm cho cóng róng, họ đã không thể sử dụng hết những cơ hội mà cái phát minh vĩ đại này đã mang đến, và không thể cung ứng một nội dung đầy ý nghĩa cho khoảng không gian mà chế độ dân chủ đã khai mở. Chính vì những sơ hở này mà một số nhân vật không lành mạnh, lúc này lúc khác, đã tàn phá chế độ dân chủ và gây nên hàng loạt những sự kiện kinh hoàng trên trái đất.
Chúng ta nên kết luận thế nào? Chúng ta nên kết luận rằng không có lý do gì để sợ chế độ dân chủ, hoặc xem nó như một hệ thống có khả năng lật đổ chính quyền và làm mọi sự tan nát. Có một phương thức khác dành cho những người muốn tránh sự sụp đổ này: họ có thể xem dân chủ như một thử thách để biểu lộ tình thần trách nhiệm và để giới thiệu — hay, đúng hơn, để khôi phục — cái tinh thần và ý nghĩa mà dân chủ đã sẵn có ngay từ lúc nó mới xuất hiện. Đây là một công tác của siêu nhân, nhưng trong hệ thống mở của chế độ dân chủ, nó có thể được thực hiện.
Trong những nền văn hoá nơi mà những gốc rễ của ý thức dân chủ chưa cắm sâu, hay nơi mà ý thức dân chủ vẫn chưa bén rễ — nơi mà một cá nhân tự do thì hoàn toàn vô nghĩa trong lúc nhà lãnh đạo có tất cả quyền năng — thì các nhà lãnh đạo thường vin vào những truyền thống quyền lực đã cũ xưa hàng thế kỷ để tiếp tục ngự trị, và cố gắng hợp pháp hoá cái luật lệ độc tài của họ bằng cách rêu rao rằng họ đang tiếp tục những truyền thống ấy.
...Họ vừa đúng vừa sai. Họ sai vì những gì họ trình bày như sự kế thừa những truyền thống lâu đời thì thực chất lại là sự phủ định những truyền thống ấy. Mặc dù cố gắng tái lập cái quyền lực tự nhiên mà họ tưởng có thể chiếm hữu trong những hệ thống văn hoá, họ lại thay thế nó bằng một quyền lực phản tự nhiên. Thay vì một quyền lực toát ra từ cái tài lôi cuốn đại chúng — một thứ năng khiếu đặc biệt tiềm tàng nơi nhà lãnh đạo và được đại chúng công nhận, một thứ quyền lực được bộc lộ bằng tinh thần trách nhiệm cao độ trước cái trách vụ tự đảm nhiệm của nó — họ lại lập nên một thứ quyền lực cực kỳ thô lậu của cái roi.
[...]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
---------------------
Václav Havel – Những bất ngờ của lịch sử
Phạm Toàn dịch
Václav Havel là Cựu Tổng thống Cộng hòa Czech, nhà văn và kịch tác gia. Sinh ở Praha năm 1936, ông là học trò của nhà triết học Jan Patocka và đi theo nghề sân khấu mặc dù các kịch bản của ông đều bị kiểm duyệt gắt gao. Sau khi là đồng sáng lập viên của Hiến chương 77 và nhiều năm bị giam cầm, cuộc “Cách mạng Nhung” năm 1989 đã đẩy ông vào nghiệp chính trị. Ông làm Tổng thống Cộng hòa Czech từ 1993 tới 2003.
___________________
Vào cái thời mà tôi còn thuộc số những người được gọi là “bất đồng chính kiến”, đôi khi tôi tiếp các nhà báo từ phương Tây đến. Các câu hỏi của họ cho thấy họ vô cùng ngạc nhiên trước sự kiện là chúng tôi, những người bất đồng và chống đối – khi đó chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng bé nhỏ trong dân chúng – hoạt động công khai đòi thay đổi cơ bản tình hình, nhưng thoạt nhìn thì ai cũng thấy là chẳng khi nào chúng tôi có thể thu được kết quả gì to tát hết.
Ngược lại, hình như mọi nỗ lực của chúng tôi chỉ dẫn tới kết quả là những cuộc bức hại mới. Do chỗ chẳng có chút gì quyền lực để mà dựa vào, do thiếu một sự ủng hộ rõ rệt từ một bộ phận rất quan trọng của xã hội, những khát vọng của chúng tôi như thể là vô vọng. Bạn tính sẽ thành tựu tới đâu khi bạn không được sự ủng hộ của giai cấp công nhân, của giới trí thức hoặc của một phong trào nổi dậy, của một chính đảng hoạt động hợp pháp hoặc một lực lượng xã hội có tầm quan trọng nào khác nữa? Dó là những câu hỏi thời đó của các nhà báo, và chúng tôi cũng có sẵn cho họ mọi câu trả lời.
Những người nêu câu hỏi bộc lộ sự ngạc nhiên của mình như thế đều xuất phát từ ý nghĩ rằng họ đã hiểu rõ mọi cơ chế của lịch sử, và do đó mà họ cũng biết được tỏ tường những gì sẽ xảy ra hoặc có khả năng xảy ra, họ biết được đâu là điều có cơ may nổ bùng và đâu là không có những khả năng ấy, họ biết được cái gì là hợp lý, là có tính thực tiễn, và cái gì là thuần túy điên rồ. Trong các cuộc chuyện trò, tôi đều hơn một lần nhấn mạnh rằng trong một chế độ cực trị, thật khó mà nhìn thấu ruột gan của xã hội khi nhìn quanh chỉ thấy sự vật là một khối nguyên vẹn và đâu đâu cũng chỉ thấy một sự trung thành với chế độ.
Trước hết có nỗi sợ đào luyện con người, nên cái vẻ ngoài thống nhất vẹn nguyên như thế thực ra lại là vô cùng yếu đuối. Không một ai có khả năng tiên báo rằng một ngày nào đó chỉ một nắm tuyết con con tình cờ sẽ tạo ra cả một trận lở núi tuyết. Cái trạng thái tinh thần này hiển nhiên không phải là duy nhất và cũng chẳng hề là động lực cho hành vi của chúng tôi thời đó, nhưng tình cảm của chúng tôi khi đó là như vậy. Bài học ta có thể rút ra từ đó thật hiển nhiên: ta không bao giờ nên cho rằng mình đã nắm bắt được toàn bộ các quy luật của lịch sử, và do đó, ta cũng không tài nào tiên báo được những gì rồi sẽ xảy ra.
Cách đây hai chục năm, ở Tiệp Khắc có một nắm tuyết con con xuất hiện dưới hình thù một cuộc đàn áp sinh viên hung bạo, và nắm tuyết đó đã biến thành trận lở núi tuyết. Thế rồi toàn bộ hệ thống cực trị đã lung lay, rồi nó sụp đổ như thể một tòa lâu đài ghép bằng giấy bồi. Chuyện này có căn nguyên là vô số nhân tố, trong đó có cuộc khủng hoảng nội tại sâu xa của toàn chế độ, là những biến cố xảy ra ở các nước láng giềng hoặc một hoàn cảnh quốc tế thuận lợi.
Bất kể thế nào thì khi đó chúng tôi đều ngạc nhiên vì tình hình quay ngoắt nhanh đến thế và dễ dàng đến thế. Đứng trước sự kiện, thấy rõ là các nhà bất đồng chính kiến cũng sững sờ chẳng kém gì các nhà báo và các nhà nghiên cứu chính trị phương Tây. Đến lượt mình, chúng tôi cũng thấy mình không có khả năng định ra được giải pháp đúng trước tình hình, và cuối cùng có thể đủ sức tiên báo những hệ quả. Khi đó chúng tôi đã tìm cách ứng xử như những con người tự do, chúng tôi nói ra sự thật, chúng tôi đưa ra chứng cứ về tình hình đất nước mình. Khi đó chúng tôi chẳng có tham vọng nắm quyền lực.
Do không có phương án khác, chúng tôi đã phải lúng túng chấp nhận quyền lực đó. Và cũng vào thời điểm đó còn có một sự kiện thú vị khác nữa: vô số người trong nhiều năm đã chịu lặng câm mà đi đều bước với chế độ, có cả vô số những người đã lên án những nỗ lực vô vọng của chúng tôi, những người này khi đó lại lớn tiếng chê trách chúng tôi kém chuẩn bị tiếp nhận vai trò của mình trong lịch sử. Ngay cả hôm nay đây, vẫn có những người lớn tiếng bêu ra những điều lẽ ra chúng tôi đã phải làm nhưng lại chẳng làm, cả những điều lẽ ra chúng tôi chẳng nên làm, và cả những gì chúng tôi đã làm nữa.
Đến nơi sau khi trận mạc đã xong xuôi, những vị tướng lĩnh giờ thứ hai mươi lăm đó đã trách cứ chúng tôi về những phát biểu trước đây đáp lại những quan sát hoài nghi từ bên ngoài, trách chúng tôi chẳng có cách gì tiên lượng hết mọi điều có thể xảy ra, trách cả việc chúng tôi không tiên liệu được đầy đủ những vận hành huyền bí của lịch sử cùng những gì có thể xảy ra trong tương lai. Trách cứ cả chúng tôi là đã không chấp nhận cái khả năng xảy ra một sự kiện mà tới khi đó chúng tôi vẫn cho là khó có thể xảy ra.
Đúng thế, trong những người bất đồng chính kiến có cả các giáo sư, họa sĩ, nhà văn và công nhân chạy lò sưởi cho thành phố, nhưng tịnh không có nhà chính trị nào hết. Vả lại, dưới chế độ cực trị, chúng tôi biết tìm ở đâu một thế hệ nhà chính trị để thay ê-kíp kia chứ? Số lượng lớn những chuyện đặt ra như vậy là chẳng có gì đáng ngạc nhiên nữa.
Tuy vậy, tôi nghĩ rằng việc chúng tôi không có ý định lãnh trách nhiệm lịch sử hoặc nói cho đúng hơn là trách nhiệm trong cuộc chạy nước rút của lịch sử cũng là tốt thôi. Nói chung, tôi không tin lắm vào mọi điều gì được chuẩn bị quá kỹ càng. Nhưng trong cái nhiệt tình của đông đảo mọi người trước một cuộc cách mạng diễn ra không đau đớn và khi mọi người đều góp tay vào một cách không vị lợi, thì hình như việc phục hồi một nền chính trị dân chủ và việc phi nhà nước hóa nền kinh tế phải được trống rong cờ mở mà tiến hành thôi.
Mặc dù vậy, tình hình đã không như thế. Thấy rõ là không thể nào trong vài ba giờ đồng hồ hoặc trong vài ba ngày mà nghĩ đủ, mà chuẩn bị đủ và tiến hành đủ các cải cách thiết yếu. Những ngày đó, biết bao nhiêu lần tôi đã nổi nóng vì mọi sự đều chận trễ và mọi sự đều không diễn ra như ý mình. Có lẽ điều ngạc nhiên nhất đối với tôi, ấy là sự khám phá ra rằng có lẽ tôi không phải là người duy nhất trong chừng mực nào đó đã có thể tác động vào lịch sử, nhưng lại không thể tác động đột ngột vào nó được.
Ngay từ khởi đầu, và lý do đều chính đáng cả, nước chúng tôi cũng như các nước khác trong khối Xô-viết cũ, đã triển khai toàn bộ để mở ra cho mình các cánh cửa của những thiết chế kiểu Tây phương, nhất là của tổ chức hiệp ước Đại Tây dương (NATO) và Liên hiệp châu Âu. Và đó là điều đã diễn ra. Tiến trình gia nhập đã chiếm mất vô khối thời gian và phải vượt qua vô số mạch đá ngầm. Tôi cho rằng bây giờ đây chúng tôi đã neo đậu được rồi vào cái không gian đã là của chúng tôi đó và chúng tôi đã giành giật mạnh mẽ mới được. Dẫu sao, tôi không tin chắc rằng những nền dân chủ “lâu đời” của phương Tây đôi khi lại không tiếc rằng đã thả cho chúng tôi dễ dàng xuôi thuyền vào không gian to rộng ấy. Và nếu như để đến bây giờ họ mới có quyết định, thì tôi không tin tưởng lắm là họ đã chấp nhận cho chúng tôi vào đó với họ.
Nếu đúng như vậy thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Nhưng đồng thời, và hẳn là bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì ở đây, sự kiên trì lại phải trả giá. Chúng tôi đã thử thách sự kiên trì khi chúng tôi ở trong phòng trào bất đồng và chống đối và cả trong khi chúng tôi vất vả dựng xây một nhà nước dân chủ. Không phải là cứ cầm cỏ mà nhấc lên thì cỏ mọc đẹp đâu ạ.
Đôi khi cứ muốn điên tiết lên, nhưng hình như cứ đến rằm thì trăng sẽ tròn. Suy nghĩ rằng châu Âu mãn kiếp chia rẽ là một ý tưởng bệnh hoạn. Nghĩ như thế, như ở vùng của tôi, có thể đi tới chỗ dấy lên cao trào dân tộc chủ nghĩa và tạo ra những kẻ dân tộc hung hăng, điều đó ta thấy ở khắp nơi khi nền tảng không ổn định. Và điều đó đã từng tạo điều kiện cho biết bao nhiêu bước ngoặt ở phương Tây và cuối cùng là cho cả thế giới như những chuyện rắc rối chúng ta đang gây ra. Chưa kể là ổ dịch thì không thiếu, chỉ chờ để mà bùng phát thôi.
Như thế, việc chúng ta phải tỏ ra kiên nhẫn thật hết sức có ý nghĩa. Mất kiên nhẫn có thể dẫn tới sự cao ngạo, và cao ngạo lại dẫn tới mất kiên nhẫn. Tôi hiểu “cao ngạo” là niềm tin kênh kiệu cho rằng chỉ riêng mình là biết đủ thứ, riêng mình hiểu được lịch sử, mà hậu quả là dễ dàng đoán định lịch sử. Và khi sự việc và sự kiện diễn ra khác hẳn những gì mình định liệu, thì chỉ còn biết một giải pháp là bắt tay vào can thiệp. Can thiệp bằng sức mạnh nếu cần. Cộng sản vẫn hành động như vậy.
Sự quá tự tin của các lý thuyết gia và các nhà kiến tạo lý thuyết như thế đã dẫn tới hệ thống trại cải tạo kiểu gulag. Từ lúc xuất phát, họ đã tin chắc rằng họ hiểu thấu các bí ẩn trong những quy luật lịch sử và do đó mà họ biết rõ cách xây dựng ngay tắp lự một thế giới công bằng hơn. Nghĩ như vậy rồi thì còn cần gì mất công giải thích nữa cho những con người đã biết cách xây dựng ngay một thế giới tốt đẹp hơn cho nhân loại, bất kể nhân loại đó nghĩ gì. Đối thoại chỉ làm mất thì giờ, và muốn gì thì muốn, đã định làm đĩa trứng rán thì phải đập trứng rồi.
Khi tấm màn sắt bị hạ và kết thúc việc phân chia thế giới theo hai cực, điều cho tới lúc đó vẫn được coi là nguồn gốc mọi tệ hại, rõ ràng là đã tạo nên một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng. Một hình thức bạo hành đối với thế giới đã chấm hết, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba tiêu tan. Ban đầu, vô khối người đã nghĩ chính lịch sử đã chấm dứt và một thời kỳ đẹp tươi mới mẻ đã bắt đầu.
Cả điều đó cũng biểu hiện sự thiếu khiêm nhường trước những huyền vi của lịch sử, hoặc đơn giản là biểu hiện của sự thiếu đầu óc tưởng tượng. Và quả thực là ở chân trời xa chẳng thấy lịch sử chấm hết ở chỗ nào cả. Đúng là vô số nguy cơ to lớn đã lùi xa, nhưng vô vàn đe dọa với vẻ ngoài không đáng sợ mấy đã xuất hiện khi cái vòng kim cô hai cực bị phá vỡ. Nhưng chúng ta đã coi thường nguy cơ nào trong thời toàn cầu hóa? Xưa kia, các cuộc thế chiến được khởi động từ châu Âu, từ cái lục địa từ lâu đời vẫn là trung tâm của thế giới văn minh. Liệu chúng ta có tin chắc là sự thể cứ như vậy mãi mãi?
Giờ đây, khi mà bất kỳ tên độc tài nào cũng có thể có được bom nguyên tử, liệu có chăng khả năng một xung đột địa phương rồi sẽ tàn phá toàn thế giới? Bọn khủng bố từ nay đã chẳng có thêm vô số khả năng trong tầm tay mà thời xưa chúng không có nổi đó sao? Cái nền văn minh vô thần đầu tiên trong lịch sử này, nó chưa bao giờ tuyên bố là sẽ sống lâu muôn tuổi, song liệu nó có thấy chăng sự xuất hiện vô số đe dọa trầm trọng mà đơn giản chỉ vì nó thiếu sáng suốt? Liệu rồi có ra đời những thế hệ mới gồm những kẻ bị ám ảnh, những kẻ cuồng tín và luôn luôn hằn thù và lại là những kẻ được thời đại chúng ta cung cấp cho những khả năng làm hại to rộng hơn rất nhiều so với xưa kia? Liệu chúng ta hàng ngày có phạm chút lỗi lầm nào gây hại cho hành tinh này với những hậu quả không chỉ là bi thảm mà còn là những hậu quả vô phương cứu chữa?
Tôi cảm thấy hình như điều vô cùng quan trọng hôm nay – và những trải nghiệm riêng của tôi không ngừng làm tôi hết tin tưởng như vậy – có lẽ là nên có một thái độ khiêm nhường đối với cuộc đời rộng lớn, biết tôn trọng những gì vượt quá sức chúng ta, biết quan tâm đến sự tồn tại những điều huyền vi mà chúng ta không bao giờ hiểu nổi, và nên biết rằng chúng ta cần chịu trách nhiệm mà không dựa trên niềm tin là chúng ta đã biết hết mọi điều, đặc biệt là niềm tin về cách thức sự vật sẽ diễn ra và chấm hết. Chúng ta chẳng biết gì ráo. Nhưng hy vọng thì lại là cái không một ai trong chúng ta được vứt bỏ. Vả chăng, một cuộc đời mà chẳng có chút gì để mà ngạc nhiên thì cũng thật là ngán ngẩm.
Zuzana Tomanova cùng Maxime Forest dịch từ tiếng Czeh sang tiếng Pháp
Nguồn: Le Monde 31/10/2009
Bản tiếng Việt © 2009 Phạm Toàn
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
Con đường nào chung cho Nga, Ấn Độ và Trung Quốc?-Tổng thống Czech và cây bút
Robert Mackey - (The New York Times)
Vaclav Klaus, Tổng thống Cộng hòa Séc (Czech) tuy không nổi tiếng như nhà viết kịch, người bất đồng chính kiến Vaclav Havel ̵ tổng thống trước ông, và cũng là người đứng đầu cuộc cách mạng nhung của Tiệp Khắc - nhưng trong ba ngày qua, gần 5 triệu người đã xem video về một cuộc họp báo của TT Klaus trên YouTube.
Video YouTube sau đây cho thấy TT Klaus chiêm ngưỡng một cây bút nghi lễ trong chuyến thăm Chile ở cấp quốc gia, và sau đó cố bỏ bút vào túi để không ai để ý; đoạn video được chương trình truyền hình Séc “168 giờ” chú thích, đệm nhạc và phát hinh vào ngày Chủ nhật vừa qua:
--Sau khi một số bản sao của đoạn video này bắt đầu lưu hành trên mạng, hầu hết đều ngụ ý rằng TT Klaus đã “chôm” cây bút, phát ngôn viên của ông, Radim Ochvat, và văn phòng Tổng thống Sebastián Piñera của Chile nói với phóng viên rằng tổng thống Séc đã không làm gì sai cả. Họ khẳng định Tổng thống tỷ phú Chile đã hơn cả sẵn sàng biếu cây bút – có khảm đá quý lazuili của Chile - để làm quà cho TT Cezch.
Cây bút bắt mắt Nguồn:Ivan Alvarado/Reuters |
Hình trên là cây bút đã khiến TT Klaus chú ý. Tuy nhiên, như tờ nhật báo Lidové Noviny của Séc quan sát, cố gắng của TT Klaus trong việc lấy cây bút nhét vào túi trong khi TT Piñera đang phát biểu đã gây ấn tượng lớn đến người xem, và các nhà báo, trên toàn thế giới.
Theo tờ báo Bỉ, Gazet van Antwerpen, ông Klaus không phải là tổng thống đầu tiên bị bắt gặp lấy bút tại một buổi lễ ký kết trong thời đại YouTube. Video clip năm 2008 sau đây cho thấy Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã một lần bị thu hồn vì một cây bút Rumanian - mặc dù, không như ông Klaus, ông Sarkozy đã hỏi xin giữ cây bút làm kỷ niệm.
--
Tổng thống Czech và cây bút
Robert Mackey - (The New York Times)
Vaclav Klaus, Tổng thống Cộng hòa Séc (Czech) tuy không nổi tiếng như nhà viết kịch, người bất đồng chính kiến Vaclav Havel ̵ tổng thống trước ông, và cũng là người đứng đầu cuộc cách mạng nhung của Tiệp Khắc - nhưng trong ba ngày qua, gần 5 triệu người đã xem video về một cuộc họp báo của TT Klaus trên YouTube.
Video YouTube sau đây cho thấy TT Klaus chiêm ngưỡng một cây bút nghi lễ trong chuyến thăm Chile ở cấp quốc gia, và sau đó cố bỏ bút vào túi để không ai để ý; đoạn video được chương trình truyền hình Séc “168 giờ” chú thích, đệm nhạc và phát hinh vào ngày Chủ nhậtvừa qua:
Sau khi một số bản sao của đoạn video này bắt đầu lưu hành trên mạng, hầu hết đều ngụ ý rằng TT Klaus đã “chôm” cây bút, phát ngôn viên của ông, Radim Ochvat, và văn phòng Tổng thống Sebastián Piñera của Chile nói với phóng viên rằng tổng thống Séc đã không làm gì sai cả. Họ khẳng định Tổng thống tỷ phú Chile đã hơn cả sẵn sàng biếu cây bút – có khảm đá quý lazuili của Chile - để làm quà cho TT Cezch.
Hình trên là cây bút đã khiến TT Klaus chú ý. Tuy nhiên, như tờ nhật báo Lidové Noviny của Séc quan sát, cố gắng của TT Klaus trong việc lấy cây bút nhét vào túi trong khi TT Piñera đang phát biểu đã gây ấn tượng lớn đến người xem, và các nhà báo, trên toàn thế giới.
Theo tờ báo Bỉ, Gazet van Antwerpen, ông Klaus không phải là tổng thống đầu tiên bị bắt gặp lấy bút tại một buổi lễ ký kết trong thời đại YouTube. Video clip năm 2008 sau đây cho thấy Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã một lần bị thu hồn vì một cây bút Rumanian - mặc dù, không như ông Klaus, ông Sarkozy đã hỏi xin giữ cây bút làm kỷ niệm.
© DCVOnline
Vaclav Klaus, Tổng thống Cộng hòa Séc (Czech) tuy không nổi tiếng như nhà viết kịch, người bất đồng chính kiến Vaclav Havel ̵ tổng thống trước ông, và cũng là người đứng đầu cuộc cách mạng nhung của Tiệp Khắc - nhưng trong ba ngày qua, gần 5 triệu người đã xem video về một cuộc họp báo của TT Klaus trên YouTube.
Video YouTube sau đây cho thấy TT Klaus chiêm ngưỡng một cây bút nghi lễ trong chuyến thăm Chile ở cấp quốc gia, và sau đó cố bỏ bút vào túi để không ai để ý; đoạn video được chương trình truyền hình Séc “168 giờ” chú thích, đệm nhạc và phát hinh vào ngày Chủ nhậtvừa qua:
Sau khi một số bản sao của đoạn video này bắt đầu lưu hành trên mạng, hầu hết đều ngụ ý rằng TT Klaus đã “chôm” cây bút, phát ngôn viên của ông, Radim Ochvat, và văn phòng Tổng thống Sebastián Piñera của Chile nói với phóng viên rằng tổng thống Séc đã không làm gì sai cả. Họ khẳng định Tổng thống tỷ phú Chile đã hơn cả sẵn sàng biếu cây bút – có khảm đá quý lazuili của Chile - để làm quà cho TT Cezch.
Cây bút bắt mắt Nguồn:Ivan Alvarado/Reuters |
Hình trên là cây bút đã khiến TT Klaus chú ý. Tuy nhiên, như tờ nhật báo Lidové Noviny của Séc quan sát, cố gắng của TT Klaus trong việc lấy cây bút nhét vào túi trong khi TT Piñera đang phát biểu đã gây ấn tượng lớn đến người xem, và các nhà báo, trên toàn thế giới.
Theo tờ báo Bỉ, Gazet van Antwerpen, ông Klaus không phải là tổng thống đầu tiên bị bắt gặp lấy bút tại một buổi lễ ký kết trong thời đại YouTube. Video clip năm 2008 sau đây cho thấy Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã một lần bị thu hồn vì một cây bút Rumanian - mặc dù, không như ông Klaus, ông Sarkozy đã hỏi xin giữ cây bút làm kỷ niệm.
© DCVOnline
Nguồn: The Czech President Pockets a Pen.
By ROBERT MACKEY. April 13, 2011