Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Vẫn có thể xảy ra ( Lê Phan )

-Tin liên quan: Một phán quyết của tòa án Trung Quốc gây phẫn nộ dư luận

-Vẫn có thể xảy ra ( Lê Phan )

Ða số các nhà bình luận đều nói là Cách mạng Hoa lài không thể xảy ra ở Trung Quốc. Nhưng các lãnh tụ ở Bắc Kinh thì không nghĩ vậy hay ít nhất không hoàn toàn tin tưởng là chuyện đó sẽ không xảy ra. Mà phải nói họ có lý do để lo ngại.
Trước hết là họ biết dân chúng không tin vào nhà nước. Mặc dầu ông Ôn Gia Bảo, hôm đầu tháng 3, trong một lời khoe khoang thành tích, đã khẳng định là “thành quả rực rỡ” của năm năm qua đã gia tăng niềm tin của nhân dân Trung Quốc vào nhà nước. Ðây là một quốc gia mà người ta thường nói là khi nhà nước chối chuyện gì không xảy ra thì ngay lập tức dân chúng tin là chuyện đó có thật, bên lời tuyên bố đó của ông Ôn quả là đặc biệt.

Nhưng sự thật có lẽ không lạc quan như ông Ôn muốn. Mới cuối tháng 3 vừa qua, khi nhà nước khẳng định là phóng xạ từ Nhật Bản không nguy hiểm, dân chúng sợ hãi bèn đổ nhau đi mua muối. Ở tỉnh Triết Giang chẳng hạn, chỉ trong một ngày 4,000 tấn muối đã được bán ra, gấp tám lần mức bình thường. Giá muối, trên nguyên tắc được kiểm soát chặt chẽ nhưng lái buôn đã lợi dụng tăng gấp nhiều lần. Khi hết muối, dân chúng đổ đi mua xì dầu nước tương và ngay cả chao nữa, giản dị chỉ vì nó... mặn.
Mà không phải chỉ ở các tỉnh xa xôi hay khu nông thôn nơi dân chúng không có mấy hiểu biết. Sự hốt hoảng đã lan cả đến Bắc Kinh, khiến một số tiệm phải hạn chế số muối người ta có thể mua được. Mà chung qui chỉ vì họ tin là muối, trong đó có iode, có thể dùng để chống lại phóng xạ. Ðại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO ở Bắc Kinh đã phải mở một cuộc họp báo giải thích là tuy muối có iode thật đó, nhưng số lượng nhỏ đến nỗi nếu muốn sử dụng để ngăn ngừa phóng xạ tạo ung thư thyroid (tuyến giáp) thì cần phải ăn đến một năm muối bình thường mới đủ.
Rồi thì dân chúng cũng được trấn an. Nhiều người mua muối vác đến trả lại nhà hàng đòi tiền. Hôm 20 tháng 3, công an Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Triết Giang nói là bắt được một người đàn ông 31 tuổi, đã cho phổ biến lên Internet tin thất thiệt là nước biển đã bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima và khuyên dân chúng nên tích trữ muối. Ông ta bị kêu án 10 ngày tù và phạt vạ 500 nguyên (76 đô la).
Nhưng một số báo chí vẫn còn đặt vấn đề là tại sao dân chúng lại dễ dàng hốt hoảng như vậy. Ký mục gia Banyan trong The Economist đã trích lời bình luận online của tờ Hà Nam Nhật Báo lý luận là “Tại sao người ta lại mua sắm hốt hoảng? Tại vì người ta không tin vào nhà nước.” Tờ báo còn khẳng định là nếu người ta tin thì người ta phải tin là nhà nước có đủ khả năng để đối phó với tình trạng nhiễm phóng xạ chứ. Tờ Pháp luật Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Tư Pháp còn mạnh dạn hơn nữa, nói là việc quần chúng không thể có được những quyết định hữu lý trong khi có khủng hoảng chính là tại bình thường nhà nước không cho quần chúng khả năng tự phán xét.
Câu chuyện hốt hoảng mua tích trữ thực ra đâu có phải là một hiện tượng gì độc đáo cho Trung Quốc, điều đáng ngạc nhiên là thái độ và suy luận của báo chí đối với sự hốt hoảng tập thể này. Các tờ báo có vẻ coi đó là một sự thất bại của chính quyền nên hiện tượng đó mới xảy ra. Phải chăng sự chú ý đến vấn đề niềm tin này phản ảnh một sự thiếu niềm tin trầm trọng thực sự mà báo chí biết và chính vì vậy mà họ đâm ra trăn trở. Và nếu quả là vậy thì đó là một điều đáng lo ngại lắm thay.
Ðiều thứ nhì nữa còn làm cho chính quyền lo sợ nữa là đã có những hành động phản đối tập thể của nhân dân ở một mức mà nếu có cơ hội sẽ bùng lên thành một cuộc cách mạng.
Mới đây nhất là chuyện của Thôn Trại Kiều, thuộc huyện Ôn Châu tỉnh Triết Giang. Trong giai đoạn mà chính quyền đang tổ chức một chiến dịch khổng lồ để đàn áp, thôn nhỏ bé nằm dọc theo vùng bờ biển Triết Giang đã bày tỏ một sự phản kháng bằng lá phiếu. Thôn nghèo, với những căn nhà xiêu vẹo, xung quanh đầy rác rưởi, kế bên một nhà máy điện, Trại Kiều thôn thường không được ai biết đến.
Nhưng tháng 12 vừa qua, thôn đã được cả nước biết đến khi ông thôn ủy Tiền Vân Hội bị một xe vận tải cán chết. Cáo buộc lan tràn Internet là ông Tiền đã bị cố tình hạ sát vì cố gắng lâu nay của ông để đòi bồi thường tốt hơn cho số đất đai mà dân làng đã bị buộc phải trao cho để lập nhà máy điện. Nhà nước nói cái chết của ông chỉ là một tai nạn. Một người lái xe không có bằng bị kêu án ba năm rưỡi tù hồi tháng 2 vì tội cán chết người.
Lúc đầu tin về cái chết của ông Tiền đã được báo chí toàn quốc loan tin. Nhưng sau đó, có lẽ nhận chỉ thị, báo chí không thấy loan tin nữa. Một số thân nhân của ông Tiền còn bảo là họ bị theo dõi.
Bình thường thì chuyện cũng chỉ đến thế thôi. Nhưng từ thập niên 1990, trong một thí nghiệm, chính quyền cho phép dân xã thôn quyền trên giấy tờ bầu cử xã ủy và thôn ủy. Thực quyền nằm trong tay bí thư thôn hay xã, nhưng trên nguyên tắc dân bầu lên người cầm đầu. Và hôm 3 tháng 9, dân chúng Trại Kiều Thôn đi bỏ phiếu lần đầu tiên từ sáu năm nay, mặc dầu trên nguyên tắc bầu cử ba năm một lần.
Sở dĩ như vậy cũng là vì ông Tiền. Năm 2005, ông đắc cử với đa số áp đảo vì ông hứa sẽ khiếu nại đòi thêm tiền từ nhà máy điện vốn cung cấp gần nửa số điện cho thành phố Ôn Châu, vốn là trung tâm thương mại của huyện. Nhưng ông đang bị án một năm rưỡi tù treo về tội “sách động dư luận”. Tháng 4 năm 2006, chính quyền quyết định bắt ông ngồi tù tám tháng. Khi cuộc bầu cử năm 2008 xảy ra, ông lại ngồi tù lần này vì tội chuyển nhượng quyền sở hữu đất đai bất hợp pháp. Theo một tờ báo của nhà nước thì ông Tiền đã hết cả tiền sau nhiều năm khiếu kiện và với sự đồng ý của dân thôn, đã bán đi một miếng đất. Dân thôn không chịu đi bầu bởi họ vẫn coi ông Tiền là thôn ủy của họ.
Ðầu năm 2010, chính quyền lại đòi tổ chức bầu cử lần nữa. Dân làng nổi giận. Người hùng của họ sắp mãn hạn tù và họ nghi nhà nước cố tình tổ chức sớm bầu cử để ông Tiền không ra ứng cử được. Ðe dọa bị dân chúng tẩy chay, nhà nước nhượng bộ. Sau khi mãn hạn tù vào tháng 7, ông Tiền lại tiếp tục khiếu kiện về vụ đất đai, tự nhận mình là “thôn ủy dân cử”, và sử dụng con dấu của thôn.
Dân chúng còn tức giận hơn nữa khi ông bị cán chết. Ở tang lễ của ông hôm 1 tháng Giêng Dương lịch, đã có một cuộc đụng độ cả trăm người giữa dân làng và công an. Ðã có tin đồn là các viên chức tỉnh huyện muốn ông chết để khỏi gây rối thêm nữa.
Cuộc bầu cử hôm 3 tháng 9 hẳn đã khiến chính quyền vô cùng lo sợ. Phản ứng bình thường của họ hẳn là muốn gửi nhiều trăm công an đến làng để uy hiếp. Nhưng dân làng đã khuyến cáo là họ sẽ tẩy chay cuộc bầu cử nếu có công an. Chính quyền đã phải chịu thua. Kết quả cuộc bầu cử, vào lúc 3 giờ sáng ngày hôm sau, đã được tuyên bố trong tiếng reo hò của dân là, đã đem lại thành công cho một người anh em họ gần của ông Tiền. Trong chính trị làng xã của Trung Quốc, chiến thắng này cũng chẳng khác gì là chiến thắng của ông Tiền.
Tin tức về vụ này loan truyền trên các blogs. Báo chí nhà nước lờ đi, trừ tờ Luật Pháp, nhưng chỉ kể sự kiện mà không bình luận. Dân làng thì rất hài lòng tuy họ biết nhà nước đang rất bực mình.
Sự nổi dậy thành công của Trại Kiều Thôn có lẽ cũng chẳng khác gì cái chết để phản kháng của Mohamed Bouazizi. Và một khi đã có một thôn nhất định đòi quyền dân chủ thì rồi về lâu về dài sẽ có những đòi hỏi như vậy ở các nơi khác. Bởi thế, đừng nói là sẽ không bao giờ mà có lẽ chỉ nên nói là chưa phải bây giờ một cuộc cách mạng Hoa Lài có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Tổng số lượt xem trang