Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Khủng Bố và Cộng Sản Việt Nam

GS Nguyễn Văn bông (1929-1971)
-Khủng Bố và Cộng Sản Việt Nam-Trần Nguyên Công
Mấy ngày cuối năm âm lịch 2015, hai ba trận bão tuyết phủ chụp xuống miền Trung Tây và Đông Bắc Hoa Kỳ. Hàng chục tiểu bang như được trùm lên mình tấm chăn bông trắng toát. Ngày mùng một Tết Việt Nam, tuyết vẫn chưa tan, gió lớn, hàn thử biểu chỉ -10 độ C. Dưới cái rét buốt cắt da thịt, đồng bào Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn và những người lính năm xưa vẫn đến khu thương mại Eden để làm lễ thượng kỳ đầu năm như truyền thống từ lâu nay. Như vậy là đã bốn mươi năm lá cờ vàng phải làm thân viễn xứ. Bốn mươi năm miền Nam Việt Nam tự do bị thất thủ. Bốn mươi năm cả nước Việt Nam chịu chung một gông cùm sắt máu. Bốn mươi năm toàn dân Việt Nam từ Nam chí Bắc phải chịu đựng nỗi đắng cay, ô nhục dưới sự cai trị hiểm ác của tập đoàn những kẻ mang danh Cộng Sản.
Những ngày gần đây, các hãng thông tấn thế giới không ngừng đưa tin về những hoạt động của những kẻ mà các hãng thông tấn này gọi là cực đoan, quá khích. Những tin tức này làm người Việt Nam hồi nhớ lại những gì đã từng xảy ra trên quê hương khốn khổ của mình nhiều năm trước. Những bản tin ngày nay kèm theo nhiều hình ảnh và đôi khi có cả những đoạn phim gợi cho người Việt Nam những hình ảnh y hệt đã từng xảy ra trên đất nước mình. Ngày nay người ta gọi những kẻ đã thực hiện những hành vi sát nhân này là khủng bố mà những người yêu chuộng tự do, yêu chuộng hoà bình nhân ái trên thế giới đã nhất loạt lên án. Thế nhưng từ hơn nửa thế kỷ trước ở một quốc gia mang tên Việt Nam, những kẻ đã từng có hành vi y hệt như thế, đã tự đặt cho mình cái tên “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam“, đã được một số người ngưỡng mộ như những con người “chiến đấu cho nô lệ của thế gian”.

Hai sát thủ xông vào toà báo biếm hoạ ở khu trung tâm thủ đô nước Pháp bắn chết mấy nhà văn, nhà báo. Vụ này khiến dư luận bất bình. Hàng trăm ngàn người nhất loạt nắm tay nhau tràn ngập Paris để lên án. Dẫn đầu đoàn người vĩ đại này là những nguyên thủ các quốc gia giàu mạnh vào bậc nhất thế giới. Sau cùng, những sát thủ đã bị truy đuổi từng phút giây bởi sự hợp tác của nhiều cơ quan an ninh thế giới. Hai tên bị dồn đến cuối đường trốn chạy và đã bị các nhân viên công lực Pháp quốc hạ sát.

Kể lại sự việc này để nhớ đến hành động của những kẻ sát nhân mang danh CSVN. Hành vi sát nhân y hệt như thế.



Trưa ngày 30 tháng 12 năm 1965, Tổng thư ký nhật báo Chính Luận, nhà báo Từ Chung Vũ Nhất Huy bị bắn vào lưng 5 phát đạn. Ông gục chết ngay trước cửa nhà, trước mắt đứa con trai đầu lòng mới 12 tuổi của ông. Ngày 16 tháng 4 năm 1966, nhà văn Chu Tử Chu Văn Bình bị bắn 4 phát đạn từ phiá sau lưng cũng ngay trước cửa nhà.

Cả hai vụ này đều do một tên giết người Huỳnh Văn Long của cái gọi là MTGPMN, một tổ chức tay sai của đảng CS Bắc Việt. Tháng 2 năm 2005, nhà xuất bản Trẻ của đảng CSVN đã cho in “Trui Rèn Trong Lửa Đỏ” mà đảng viên Trần Bạch Đằng là tác giả. Sách đã ghi lại câu chuyện ám sát hai nhà báo này và kẻ sát nhân chuyên nghiệp tên Long đã được những trang sách ca ngợi như anh hùng. Kẻ sát nhân này đã được bọn giả danh “giải phóng” ban thưởng huân chương thành tích hạng ba. Hai vụ ám sát người cầm bút ở xứ sở khốn khổ Việt Nam không hề bị những con người yêu chuộng tự do trên thế giới lên án.

Mà không chỉ có hai vụ ám sát này. Đảng CSVN còn nhiều lần ám sát


GS. Nguyễn Văn Bông (1929-1971)

t những người dân thường, những nhà hoạt động giáo dục mà vụ được biết đến nhiều nhất là vụ ném chất nổ vào xe của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Bông đã làm con người tài ba đáng kính này thiệt mạng. Vụ ám sát hèn hạ đã xảy ra vào buổi trưa ngày 10 tháng 11 năm 1971. Hai kẻ sát nhân Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu cũng lại là người của cái gọi là “Giải phóng quân MTGPMN”. Sát nhân Hùng sau năm 1975 là phó tổng biên tập báo công an thành phố HCM.

Báo điện tử Dân Việt (cơ quan ngôn luận csvn) số ra ngày 30/4/2011 đã cho đăng lại nguyên văn bài, “Tôi ám sát người sắp là thủ tướng Sài gòn”. Tác giả bài viết chính là kẻ đã thực hiện hành vi sát nhân Vũ Quang Hùng.

Không chỉ những nhà văn, nhà báo, ngay cả sinh viên, những người chỉ hoạt động trong khuôn viên các trường đại học cũng bị những kẻ sát nhân mang danh cộng sản ám sát. Sinh viên Luật Khoa Lê Khắc Sinh Nhật, sinh viên văn khoa Ngô Vương Toại, sinh viên Nguyễn Văn Tấn là những nạn nhân của những vụ ám sát này. Lê Khắc Sinh Nhật đã bị bắn vào lúc 10 giờ sáng ngày 28 tháng 6 năm 1971, ngay trong khuôn viên đại học Luật Khoa Sài Gòn.


Ngô Vương Toại (2007)

Ngô Vương Toại và Nguyễn Văn Tấn bị bắn vào đêm văn nghệ đại học Văn Khoa Sài Gòn ngày 16/12/1967. Hai kẻ giết người trước khi bắn đã giật máy vi âm và tự xưng là quân giải phóng. Sau đó, thủ phạm hai vụ ám sát này bị cơ quan an ninh bắt giam. Cũng lại cái gọi là MTGPMN. Những nạn nhân nêu trên đều là những người không bao giờ biết xử dụng vũ khí, không bao giờ xử dụng bạo lực. Cái thứ bạo lực mà cộng sản tự đặt tên là “bạo lực cách mạng”. Những đảng viên cộng sản luôn luôn xử dụng thứ bạo lực này như là phương cách hành động căn bản để tiến hành cái mà chúng gọi là cách mạng “giải phóng”.

Đảng CSVN dùng bạo lực này để giết những con người chỉ biết xử dụng trí tuệ và ngòi bút của mình giống y như bọn khủng bố ngày nay. Mỉa mai thay, ngay giờ đây, cái đảng quái dị này còn cho in sách, kể lại những vụ khủng bố nêu trên như là những chiến công của chúng. Người ta đọc được những sự kiện như thế này cũng trong sách mang tên“Trui rèn trong lửa đỏ”. Cũng qua những cơ quan truyền thông, thế giới vừa nhìn thấy mấy con tin bị cắt đầu. Những nạn nhân đều là dân sự, bị bắt khi đang thi hành những việc làm dân sự. Cả thế giới phẫn nộ. Những nhà lãnh đạo thế giới lên án mạnh mẽ. Thế nhưng những gì đã xảy ra cho người dân chất phát Việt Nam thì lại khác. Nhiều năm trước đây, trong cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam Việt Nam tự do, cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam” đã từng lập đi lập lại hành động man rợ hơn thế nữa. Rất nhiều người dân miền Nam đã từng bị CS Việt Nam cắt đầu và bêu nơi cổng làng, ngoài phố chợ để thị uy, để gieo rắc nỗi kinh hoàng, khiếp sợ.

Còn nữa, thế giới vừa biết, vừa thấy qua phim tài liệu, tổ chức cực đoan đã thiêu sống một phi công người Jordan. Chỉ một người bị thiêu đốt cho đến chết mà thế giới đã kinh sợ và lên án cái tính chất tàn bạo này. Trong khi đó, ở miền Nam nước Việt Nam, cộng sản Việt Nam đã từng thiêu đốt cả một trung tâm định cư người Thượng cùng toàn thể dân chúng sống trong ngôi làng đó. Đàn bà, đàn ông, người già, con trẻ. Không một động vật nào không bị thiêu sống. Sự kiện này đã từng xảy ra ở cao nguyên Trung Phần Việt Nam vào những năm chiến tranh Việt Nam. Rõ ràng, người dân Việt Nam đã từng bị giáng xuống những đòn khủng bố đáng kinh sợ hơn nhiều lần.

Đã có ai lên tiếng cảnh tỉnh nhân loại về những hành động man rợ này của đảng CSVN?

Hãy thử nhìn lại những vụ đặt mìn trên các trục lộ giao thông, trong những đường làng, và ngay trong cả trong thành phố, nơi tập trung đông đúc dân cư.


Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân của đảng CSVN số ra ngày thứ sáu 8 tháng 12 năm 2010 cho đăng bài “Huỳnh Văn Long và trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh”. Không còn gì trơ trẽn, man rợ hơn thế nữa. Đánh mìn định hướng vào một nhà hàng dân sự vào lúc đông khách nhất, gây thương vong 123 người vô tội. Như vậy mà ngày nay, bọn phản động CSVN vẫn còn có thể gọi đó là một trận đánh, vẫn rêu rao đó như là chiến thắng vẻ vang.

Đáng ghê tởm hơn nữa, đáng phỉ nhổ hơn nữa là cuộc tàn sát hàng nhiều ngàn người dân vô tội ở thành phố Huế, miền Trung nước Việt Nam năm 1968 của CSVN. Nhiều ngàn người đã bị đập đầu hay bị trói tay và rồi bị chôn sống chung trong những hầm đào vội vàng ven thành phố. Đó là hành động cực kỳ tàn bạo, cực kỳ dã thú của bọn người giả danh giải phóng.

Những hình ảnh ghê rợn này đã được mang đến tận bàn hội nghị. Nhưng lại mỉa mai thay, những con người được gọi là yêu chuộng hoà bình của nhân loại ở Paris đã làm ngơ, đã cố tình quên đi, cố tình gạt qua không nói tới. Ngày nay, chỉ cần đánh vào google hàng chữ “Thảm sát Mậu Thân Huế” là người ta có thể nhìn thấy vô số những hình ảnh tang thương này.

Thật đắng cay, cuối cùng, như một vết nhơ của lịch sử nhân loại, những kẻ sát nhân này, cùng cái gọi là MTGPMN, một tổ chức trá hình, tay sai của CS Bắc Việt lại được thế giới đón nhận như là một thành phần trong những hội họp quốc tế để gọi là tìm kiếm giải pháp hoà bình cho đất nước Việt Nam. Mỉa mai thay, cái gọi là hoà đàm này đã từng được tổ chức ngay tại thủ đô Paris của nước Pháp nơi mà hàng trăm ngàn người mới vừa đây đã cùng tràn ngập đường phố để lên án hành vi khủng bố giết những nhà báo.

Ngày nay, khi mà gần như toàn thể nhân loại đang lên án những hành vi khủng bố, thì cũng là lúc những nhà lãnh đạo thế giới tự do dang tay đón tiếp những kẻ sát nhân CSVN. Cùng một hành vi giết người man rợ, cùng một mục đích gieo rắc kinh hoàng sợ hãi, nhưng một bên thì bị thế giới lên án còn một bên thì đuợc cộng đồng thế giới mời vào tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Đã đến lúc thế giới thức tỉnh để nhìn lại một lần những kinh nghiệm về cộng sản. Nhìn lại những gì đã xảy đến một cách khốc liệt cho người dân Miền Nam Việt Nam để khẳng định rằng, đảng CSVN cũng chỉ là một bọn khủng bố dã man, nhiều lần hơn là những gì mà người ta đã từng trông thấy gần đây. Chính bọn Cộng Sản sát nhân, khủng bố bậc thầy này đang chiếm độc quyền cai trị người dân Việt Nam.

Chính những kẻ khủng bố bậc thầy này đang tiếp tục dùng những thủ đoạn khủng bố tân kỳ hơn nữa để trấn áp, giam cầm, đánh đập những nhà văn, nhà báo, sinh viên học sinh đòi nhân quyền một cách bất bạo động ở Việt Nam. Chính đảng Cộng Sản Việt Nam, chứ không ai khác, đã chận đứng sự phát triển của dân Việt, đã gây ra biết bao oan khiên, đỗ vỡ cho đất nước và con người Việt Nam. Chính chúng, chứ không ai khác, là tác nhân gây cho người dân Việt Nam phải cúi đầu khuất phục nhục nhã trước sự gây hấn của lân bang Trung cộng.

Làm ngơ trước những hành vi man rợ kể trên, không lên án cái đảng tàn CSVN cũng là một tội ác.

Nhắc lại một lần nữa những hành vi khủng bố có hệ thống của CSVN để hiểu rằng đảng CSVN chính là một tổ chức cần được hủy bỏ, để người dân Việt Nam có cơ hội sống mà không thường trực sợ hãi, thường trực lo âu vì những đe dọa khủng bố có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Lá cờ CS màu đỏ sao vàng cần được vứt bỏ để lòng dân Việt Nam có thể thống nhất, có thể nắm tay nhau, nhất tề đứng lên gạt bỏ mối nhục nhã phải cúi đầu trước sự gây hấn xấc xược của lân bang Trung Cộng.
 Trần Nguyên Công


- Bà Jackie Bông Wright nói về vụ ám sát GS Bông
LTS: Nhân ngày 30/4/2011, báo chí Việt Nam có đăng lại thành tích ám sát Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Bông 40 năm trước của 2 biệt động Sài Gòn là Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu. Ông Hùng sau này trở thành nhà báo, từng giữ chức phó Tổng biên tập báo Công an Tp. HCM chính là tác giả của bài viết “Tôi ám sát người sắp là thủ tướng Sài Gòn“. Trong bối cảnh chống khủng bố, Mỹ mở chiến dịch tiêu diệt Bin Laden bài báo bị một số diễn đàn “lề trái” cho là “phản cảm”, “khó nuốt”.
Đàn Chim Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Lê Thị Thu Vân, vợ góa GS Bông. Sau năm 1975 bà tái giá với một nhà ngoại giao Hoa Kỳ là Lacy Wright và lấy tên là Jackie Bong- Wright.

——————————————————-
Mạc Việt Hồng (MVH): Thưa bà, vừa rồi, nhân kỉ niệm 36 năm ngày “giải phóng miền Nam”, thống nhất đất nước, một vài tờ báo đã đăng lại vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông, bà có đọc những bài báo này không và các chi tiết trong đó có gì khác so với những điều bà đã biết từ trước tới nay?
Bà Jackie Bong- Wright (JBW): Đây là lần thứ nhì ông Vũ Quang Hùng viết bài báo kể lại những chi tiết hào hùng do ông dàn dựng và chủ mưu để ám sát GS Nguyễn Văn Bông. Lần đầu tiên ông kể lại trên một tờ báo Sài Gòn cách đây 12 năm. Việc làm có kế hoạch chặt chẽ của một tổ chức chuyên môn thực hiện ám sát theo lệnh Hà Nội cho thấy đây là một âm mưu có tính toán tinh vi. Cách đây hơn 2 năm tôi có dịp gặp và phỏng vấn luật sư Phạm Văn Hùng ở San Jose, người đã bênh vực cho anh Vũ Quang Hùng. Luật sư kể lại cho tôi biết những lời biện hộ nào mà ông đã xin Tóa án tha cho những kẻ sát nhân, nhưng cảnh sát VNCH có bằng cớ nên 2 anh Hùng, Châu và đồng bọn phải đi tù.
MVH: Cũng có một số phản ứng, nhất là trên các trang ‘lề trái’ cho rằng việc đăng tải theo kiểu ca ngợi chiến công của những kẻ đánh bom này thật là phản cảm và khó nuốt trong bối cảnh chống khủng bố hiện nay, ý kiến của bà như thế nào?

JBW: Ở một số quốc gia hải ngoại và cộng đồng người Việt tại Mỹ, Tây Âu… họ đau buồn tưởng niệm tháng Tư đen vì CS không tôn trọng những khế ước quốc tế đã ký kết trong hiệp định Paris năm 1971. Họ còn lường gạt tất cả để chiếm đánh miền Nam và nhuộm đỏ cả 2 miền Nam bắc theo chủ nghĩa CS. Họ cũng trả thù và giam giữ hàng trăm ngàn người trong các trại học tập cải tạo, giết chết không biết bao nhiêu mạng người. Nay họ lại tuyên dương công trạng những kẻ sát nhân, khủng bố giết hại dân lành. Họ còn nhân đó khen tặng những kẻ khủng bố, thật là một việc làm thất nhân tâm. Tôi đau buồn trước chính sách vô luân lý, vô đạo đức này.
MVH: Có thể nói quan niệm về khủng bố đã thay đổi theo thời gian, ở vào thời điểm Giáo sư Bông bị ám sát, trên thế giới cũng xảy ra nhiều vụ tương tư, như vụ ám sát Tổng thống Kennedy hay vụ ám sát gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm.v.v. và Việt Nam khi đó đang trong tình trạng chiến tranh, vậy có nên có cái nhìn thích hợp hơn trong bối cảnh như vậy?
JBW: Từ cổ đến kim, việc sát hại, ám sát các nhân vật khác tư tưởng, khác đường lối, khác nếp sống với mình đã được áp dụng từ thời đóng đinh chúa Giê- su, hay đâm dao vào nhà lãnh đạo Caesar… rồi tới việc giết hại TT Ngô Đình Diệm, Kennedy. Cho tới nay cái vòng luẩn quẩn đó vẫn tiếp tục, có điều các cuộc ám sát khủng bố được thực hiện một cách tinh vi hơn. Không phải trong bối cảnh chiến tranh mới có việc ám sát lãnh tụ của một đảng hay một chính quyền nào đó. Lòng hận thù, ganh tị, gian ác là nguyên nhân cơ bản. Trong bối cảnh nào đây cũng là việc dùng bạo lực giết hại người khác.
MVH: Khi vụ ám sát xảy ra bà và các con đang ở đâu và cuộc sống tiếp theo sau đó diễn ra như thế nào?
JBW: Khi vụ ám sát GS Bông xảy ra cách đây 30 năm thì tôi 30 tuổi và có 3 con, 2 cháu 6 tuổi (sinh đôi) và 1 cháu 4 tuổi. Tôi dọn ra khỏi ngôi nhà mà chính phủ cấp cho rồi về ở với mẹ tôi. Tôi cũng đưa mẹ GS Bông và 2 em cùng mẹ khác cha của GS Bông về sống chung với chúng tôi. Tôi không còn đi dậy Pháp văn như 4 năm trước đó mà chuyển sang làm Giám đốc Văn hóa hội Việt- Mỹ để tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi thuyết trình, các cuộc triển lãm tranh và ảnh, các buổi trình diễn văn hóa nghệ thuật.
Từ đó tôi bắt đầu tranh đấu cho các quyền của nữ lao động như tiền lương, quyền nghỉ nhiều hơn sau khi sanh con. Tôi cũng tranh đấu với quốc hội của VNCH để thay đổi một đạo luật có từ thời Pháp thuộc. Vì thế mà năm 1974 đạo luật được thông qua cho phép phụ nữ được áp dụng các biện pháp ngừa thai và có quyền quyết định thời gian cũng như số lần sinh nở. Nhưng tôi chống lại việc phá thai.
MVH: Trong bài báo kể trên, phía cộng sản đưa ra lý do ám sát Giáo sư Bông vì ông là một trí thức có uy tín và có thể trở thành thủ tướng dân sự của VNCH và điều này gây khó khăn cho ‘cách mạng’ nên họ loại bỏ ông? Bà có biết chuyện ông sắp thành thủ tướng và có cảm nhận thấy những nguy hiểm với gia đình mình không?
JBW: Sau khi Ngoại trưởng Henry Kissinger thăm viếng Việt Nam lần đầu tiên và gặp GS Bông thì báo chí cũng như chánh trị gia đều ủng hộ GS Bông, một nhà trí thức trong sạch, chống tham nhũng, bất công, một người yêu nước chống cộng lên làm thủ tướng để thay đổi guồng máy, làm quốc gia dân chủ và nhân quyền hơn.
Vì thế mà CS phải thủ tiêu bằng được nếu không thì “cách mạng” của họ không thành công được vì GS Bông sẽ được lòng của dân chúng. Một ngày sau khi SG Bông chấp nhận làm thủ tướng thì nhóm T4 của Vũ Quang Hùng ra tay ám sát để loại đi một đối thủ mà họ khó có khả năng chống lại nổi. Trước đó, tôi cũng nhận được những cú điện thoại hăm dọa và bản thân GS cũng đã một lần bị ám sát hụt tại trường Hành Chánh Quốc Gia năm 1968.
MVH: Trong bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn liên quan tới sự việc này, ông Tuấn nói, bà đã tố cáo ông Trần Thiện Khiêm, người sau này làm thủ tướng là thủ phạm giết hại ông nhà, vậy điều này có đúng không, thưa bà?
JBW: Trong lúc đang tang gia bối rối thì có 2 nhà báo đến phỏng vấn tôi. Tôi có nói rằng, tôi không biết ai đã giết hại chồng tôi vì không có bằng chứng gì cả. Sau đó thì có vài tờ báo ở Sài Gòn cho là tôi tố cáo phe quốc gia và thủ tướng Trần Thiện Khiêm giết hại chồng tôi. Tôi đã xin quý vị đó đưa ra bằng cớ hay là CS muốn gieo vào đầu những người miền Nam tư tưởng lệch lạc để tiếp tục chia rẽ.
MVH: Bà có viết một cuốn hồi ký, “Autumn Cloud, From Vietnamese War Widow to American Activist”, rất tiếc tôi chưa được hân hạnh được đọc cuốn sách này, nên xin hỏi, vụ ám sát này chiếm vị trí ra sao trong cuốn hồi ký này?
JBW: Trong cuốn hồi ký “Mây mùa thu” được xuất bản năm 2001, có chương IV là “Ám sát và cảnh góa bụa“. Ở chương này, tôi có kể từ năm 1963, sau khi tôi đi du học ở Pháp về và bắt đầu cuộc sống chung với GS Bông (tr 121) và sau đó là vụ ám sát (tr 148-156). Tôi có kể về những cương lĩnh và hoạt động của GS Bông để đi tới việc thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến đối lập với chính phủ của TT Nguyễn Văn Thiệu mà vẫn giữ vững lập trường chống cộng và chống tham nhũng. Sau đó tôi có kể những ai có thể đã giết GS Bông và kết luận rằng đó là việc làm của CS.
MVH: Vụ ám sát chắc chắn đã tác động lớn tới cuộc đời của bà và các con nhưng có phải vì nó mà bà trở thành người hoạt động xã hội và tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam?
JBW: Chắc chắn vụ ám sát đã tác động mạnh tới cuộc đời của tôi. Mất chồng, miền Nam bị cưỡng chiếm, mất tấ cả sự nghiệp và phải làm lại cuộc đời ở tuổi 35 trên mảnh đất Hoa Kỳ. Điều đó làm tôi thấy phải tranh đấu gấp bội hơn khi còn ở Việt Nam. Có những người bị bệnh tới đứt mạch máu hay tâm thần nhưng tôi không trốn được cuộc đời vì còn các con nhỏ dại nên phải sống vì tương lai của các cháu.
Vì thế tôi phải vượt qua tất cả khó khăn và tìm giải pháp tranh đấu không những cho tôi và gia đình mà con cho xã hội tôi đang sinh sống. Tôi tiếp tục con đường GS Bông đã vạch ra, tôi giúp định cư những thuyền nhân tỵ nạn, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Sau đó, tôi muốn họ có tiếng nói và sức mạnh với chánh quyền và quốc hội Hoa Kỳ để họ bênh vực cho những người dân thấp cổ bé họng ở Việt Nam.
Tôi cũng bênh vực cho những nữ công nhân xuất khẩu lao động của VN để họ không bị bóc lột. Tôi cũng tham gia những chương trình giúp trẻ em được giáo dục tối thiểu để tránh bị buôn bán ra nước ngoài làm nô lệ. Tôi chỉ là giọt nước trong mênh mông mà thôi Nhưng nếu có cả trăm triệu giọt nước cùng hợp sức thì sẽ thành một biển cả bao la để thay đổi chế độ hiện nay ở Việt Nam.
MVH: Kể từ năm 1975 bà và các con có về thăm Việt Nam không? Ai là người hương khói và chăm sóc mộ phần cho cố Giáo sư Bông?
JBW: Các con tôi có về thăm mồ mả và quê hương. Còn tôi chỉ về Việt Nam khi nào tôi bỏ được một là phiếu tự do, có tính dân chủ để chọn người tài giỏi lãnh đạo đất nước.
Ở Việt Nam tôi có nhờ một người cháu họ nhang đèn trong chùa cho di cốt của GS Bông cho tới năm 2005. Sau đó tôi nhờ bà chị thứ tám của tôi về VN đưa di cốt của GS Bông sang Hoa Kỳ. Gia đình chúng tôi cùng hội Cựu sinh viên trường Hành Chánh Quốc Gia miền Đông Hoa Kỳ đã mời hơn 200 người đại diện cho các hội đoàn và bạn bè tham dự lễ An vi của GS Bông tại nghĩa trang Phật Giáo ở Falls Church, Virginia. Từ đó tôi và các con chăm sóc hương khói vì chúng tôi sống gần đó.
MVH: Khi bà tái giá với tên Mỹ là “Jackie” và họ chồng là “Wright”, bà đã bỏ hết họ tên của mình “Lê Thị Thu Vân” nhưng vì sao bà lại lấy thêm chữ “Bông”? Vừa rồi trên mạng có một cuộc tranh cãi và có người cho rằng, bà làm vậy để gắn tên tuổi của mình với người chồng nổi tiếng một thời, bà nghĩ sao?
JBW: Trước hết, việc tôi còn giữ tên Bông ghép vào với tên của chồng tôi hiện nay là quyền cá nhân của tôi, xin tất cả mọi người hãy tôn trọng. Đó là quyền tối thiểu của một người trong xã hội dân chủ.
Hai nữa, trong cuốn hồi ký “Mây mùa thu” tôi có viết rõ tại sao những người bạn Mỹ ở Việt Nam từ thập niên 1960 tới 1975 thường gọi tôi là Jackie Bông. Vì họ không muốn khách sáo phải xưng hô là “Mrs. Nguyen Van Bong” hay “Mrs. Bong”.

Ba nữa là sau khi qua định cư tại Hoa Kỳ năm 1975, thì ông bà Sandy McDonnell, Chủ Tịch McDonnell Douglas Aircraft, người bảo trợ đầu tiên của tôi chọn tên Mỹ cho các con của tôi để chúng đi học. Tên Mỹ dễ kêu hơn tên Việt dài và khó đọc cho người Mỹ. Chính ông Đại sứ Ellsworth Bunker, người bảo trợ của chúng tôi tại Hoa Thịnh Đốn đưa ra ý kiến đổi tên luôn cho tất cả 4 mẹ con tại Tòa án ở Virginia. Vì thế, tên tôi lúc đó được đổi thành Jackie (first name) va Bong (family name).
Thứ tư, sau này khi tôi tái giá với ông xã tôi là Lacy Wright, người vẫn quen gọi tôi là Jackie Bong từ ngày còn ở Việt Nam đã cho phép tôi giữ lại chữ Bông và ghép vào tên Wright. Nếu ông xã không chịu thì tôi cũng đâu có làm được. Vậy là tôi dùng tên Jackie Bong-Wright từ khi chúng tôi cưới nhau đã 36 năm qua. Người Việt thường gọi tôi là “Jackie Bong”, còn người ngoại quốc thì biết tôi “Jackie Bong-Wright”. Nếu có ai khó chịu với cái tên này thì xin quý vị đó vui lòng “tha” cho tôi để tôi được dùng cái tên quen thuộc đã trở thành “bản sắc” của mình.
MVH: Xin được hỏi một câu mang tính giả định, nếu bà gặp lại 2 người đã ám sát chồng bà là Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu thì bà sẽ nói gì với họ, liệu bà có tha thứ cho họ không?
JBW: Nếu tôi gặp lại anh Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu, 2 người đã ám sát GS Bông thì tôi cũng vẫn giữ lập trường như xưa, khi còn ở Việt Nam là tôi sẽ tha thứ và cầu nguyện cho 2 người này cũng như “bề trên” của họ là đảng CSVN. Những cuộc ám sát đã làm nhiều người phía VNCH chết oan. Tôi chỉ mong sao những người có trách nhiệm “lãnh đạo” quốc gia sớm mở mắt, mở đầu óc, mở tấm lòng vị tha, thay đổi như thế nào để dân chúng được những quyền sống tôi thiểu của con người và quốc gia được thực sự phát triển, 87 triệu người dân được yên lành.
© Jackie Bong- Wright
© Đàn Chim Việt
--Những người giết GS Nguyễn Văn Bông bây giờ ở đâu ? 
Khánh Dung
- 1. Những người giết GS Nguyễn Văn Bông bây giờ ở đâu?

Gs. Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh 1963-1971 (1929-1971) Nguồn: thongtin.brinkster.net

Gần 12 giờ trưa Thứ Tư 10/11/1971, chiếc xe chở Giáo Sư Nguyễn Văn Bông vừa từ đường Trần Quốc Toản quẹo phải vào đường Cao Thắng, chạy chậm lại để ngừng đèn đỏ ngay ngã tư trước khi quẹo trái vô đường Phan Thanh Giản.

Xe vừa ngừng, một thanh niên chạy đến gần và ném xuống gầm xe của Giáo sư Bông một chiếc cặp trong đựng mìn chống tăng MK6 (1). Sau đó anh ta băng qua đường và nhảy lên một xe Honda 90 có người đã nổ máy chờ sẵn, xe vọt luôn vào một con hẻm. Lựu đạn nổ, Giáo Sư Bông và người cận vệ của ông thiệt mạng.(2)

Những sát thủ

Chiếc xe gắn máy biến nhanh vào một con hẻm trên đường Cao Thắng. Do đã tập luyện thuần thục trước khi ra tay, chỉ trong vòng ba phút xe đã ra đến đầu hẻm phía bên kia và biến mất trên đường Trần Quốc Toản.

Người lái xe, và cũng là người điều khiển vụ ám sát là Vũ Quang Hùng, sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Saigon và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4. Người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu, trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4. Người cung cấp sáu trái lựu đạn MK6 cho hung thủ là Nguyễn Hữu Thái, kiến trúc sư, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, lúc đó đang là trung úy chiến tranh tâm lý tại Sài Gòn.

Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Hùng và Châu được đưa ra bưng để tránh mũi dùi điều tra của chính quyền, và họ chỉ trở về Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, 1975.


Vũ Quang Hùng Nguồn: VietnamNet,17/07/2004

Lê Văn Châu về làm việc ở Báo Tuổi Trẻ. Còn Vũ Quang Hùng được đưa về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3, nhưng sau đó không lâu Hùng nhảy sang lãnh vực báo chí.

Hùng sanh năm 1945 tại Nam Định, bắt đầu viết báo từ 1964, và cho đến nay đã kinh qua các chức vụ phó tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tổng biên tập tạp chí Người Du Lịch, và biên tập viên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 7/2004, Vũ Quang Hùng dưới tên nhà báo lão thành Quang Hùng xuất bản tập sách “Phóng Sự Điều Tra” trong đó ghi lại những kinh nghiệm mà Hùng đã “đúc kết, học hỏi, thậm chí va chạm trong suốt 40 năm làm báo”.

“Chiến công” của Vũ Quang Hùng đã được chính ông ta kể lại trong một bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy của Linh Mục Chân Tín năm 1976. Đến tháng 4/2000, trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng 30 tháng 4 nhà báo chuyên về các đề tài tình báo Nam Thi của báo Thanh Niên cũng kể lại chuyện này, trong đó có ghi rõ vai trò trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hữu Thái.

Biệt động thành hay sinh viên tranh đấu?

Vào thời điểm tham gia vụ ám sát Giáo sư Bông, Nguyễn Hữu Thái chỉ mới là cơ sở của An ninh T4 chứ chưa phải là thành viên chính thức. Sau này Thái được bổ về tổ điệp báo A10 vào những năm gần 1975 khi An ninh T4 cần gây dựng thêm nhiều cơ sở để đáp ứng với tình hình sôi động.

An ninh T4 là tổ chức phụ trách hoạt động an ninh chính trị nội thành Sài Gòn trong chiến tranh. Tất cả những lệnh ám sát trong thời gian này đều phát ra từ người chỉ huy trực tiếp lúc ấy là Thái Doãn Mẫn, sau này là đại tá phó giám đốc công an Thành Phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 30/04/1975, sau khi nghe tin bộ đội đang vào Sài Gòn, Thái cùng với ký giả Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳng Văn Tòng băng xanh đỏ trên cánh tay chạy ra đường Hồng Thập Tự đón dẫn đường đoàn xe tăng đang tiến vào Dinh Độc Lập.

Tại đây, Thái là người chạy theo anh bộ đội xe tăng Bùi Quang Thận lên nóc dinh Dinh Độc Lập để cắm cờ (Thận không biết sử dụng thang máy và đã bị ngã khi tông vào cửa kính vì chưa bao giờ nhìn thấy cửa kính). Thái cũng có công giúp thâu băng lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh tại đài Phát thanh Sài Gòn. Lần này, Thái và Tòng có dịp chứng tỏ sự quan trọng của mình khi được xưng danh tánh trước khi giới thiệu Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Sau này Nguyễn Hữu Thái luôn tìm cách che giấu những hoạt động cho An ninh T4 của mình, chỉ luôn tự nhận mình thuộc thành phần thứ ba hoặc là một thành phần của lực lượng sinh viên tranh đấu. Chính phóng viên đài BBC cũng đã bị lừa khi họ cho rằng Thái “không phải là người ở phía bên kia, mà đã từng tham gia phong trào đấu tranh sinh viên ở Sài Gòn”.


Nguyễn Hữu Thái giới thiệu bài viết của mình về Perect Spy (Tuổi trẻ cuối tuần, tháng 9, 2007) Nguồn: larrybermanperfectspy.com

Trong buổi phỏng vấn ngày 19/05/2005 với BBC về một cuốn sách nhỏ do Nguyễn Hữu Thái viết, trong đó kể lại những chuyện xảy ra tại dinh Độc lập và đài Phát thanh Sài Gòn vào ngày 30/04/1975, Thái cho phóng viên BBC biết cuốn sách của Thái đã không được phép xuất bản tại Việt Nam vì những chuyện Thái kể không phù hợp với những chi tiết của phiên bản chính thức về những chuyện xảy ra trong Dinh Độc Lập sáng ngày hôm ấy.

Cái vinh quang của người chiến thắng không thể nào lại có thể chia sẻ với một kẻ cứ ngỡ rằng sẽ có một chỗ cho thành phần thứ ba. Và quả thật là vì không có chỗ cho một thành phần như vậy, nên Thái đành phải trở về sống bằng nghề kiến trúc và dạy học của mình.

Ngoài ra Thái cũng trở thành nhà nghiên cứu Phật giáo. Trong kỳ hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới, cơ hội và thách thức” vào tháng 7/2006 tại Việt Nam, Nguyễn Hữu Thái, lúc này đang dạy học tại Hoa Kỳ, đã trình bày đề tài: “Đột phá mới trong truyền bá Phật giáo ở phương Tây.”

Vụ mưu sát Giáo sư Bông năm 1968

Nhà báo Nam Thi của Thanh Niên trong các số báo đã nêu trên cũng xác nhận hai người chịu trách nhiệm về vụ ám sát hụt Giáo sư Bông vào tháng 8/1968 chính là luật sư Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành. Vũ khí dùng trong vụ ám sát không thành này là một trái nổ C4 nặng 4kg đựng trong một chiếc cặp học sinh. Giáo Sư Bông may mắn thoát chết trong vụ này do vừa đi sang một phòng khác lúc mìn phát nổ.

Sau 1975 Hoành trở thành sĩ quan an ninh trong ngành công an, còn Cảnh thì cũng như trường hợp của Thái, ông ta nổi lên như một sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn nhưng thật sự lại là thành viên tổ vũ trang tuyên truyền của công vận, và sau này là thành viên tổ điệp báo A10 của An ninh T4.

Năm 2005 khi người dân Sài Gòn xôn xao về việc thanh lý những hậu quả của vụ Epco – Minh Phụng, người dân được biết đến tên một người đứng tên làm giám đốc cho nhiều công ty của Liên Khui Thìn. Đó là Đỗ Hữu Cảnh.

Cảnh đã đứng tên làm giám đốc công ty sản xuất – thương mại – xây dựng – dịch vụ Hồng Long lập năm 1995, và công ty cổ phần xây dựng – kinh doanh nhà Hồng Hà năm 2003. Con trai Cảnh là Đỗ Trường Sơn thì làm giám đốc của ba công ty khác: công ty cổ phần Đông Dương thành lập năm 2001, công ty tin học Công nghệ mới năm 2000, và công ty tư vấn – thiết kế – kiến trúc – xây dựng Đông Dương năm 2002.

Tất cả 5 công ty trên toạ lạc tại toà nhà số 282 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hầu hết vốn tạo dựng những công ty này là của Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn.

Sau khi tòa án tuyên bố tịch biên tài sản của Liên Khui Thìn và cơ quan thi hành án đã kê biên hơn 100,000 thước đất dự án của công ty Hồng Long, Đỗ Hữu Cảnh vẫn tiếp tục rao bán những khoảnh đất này cho hơn 500 người mua. Việc lường gạt này đưa đến những vụ kiện tụng trong đó nhiều người mua đã kéo đến thể hiện sự tức giận tại nhà riêng của Đỗ Hữu Cảnh ở số 166C đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận. Đến lúc đó nhiều người mới bật ngửa ra khi được biết kẻ làm ăn lươn lẹo và lường gạt này lại là một luật sư.

Tháng giêng năm nay (2007), có một văn phòng luật sư mới được phép hành nghề tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là văn phòng luật sư Hồng Lạc, địa chỉ 451/2 Hai Bà Trưng, Phường 08, Quận 3,Thành Phố Hồ Chí Minh, dưới tên Luật Sư Đỗ Hữu Cảnh.


(1) Mìn chống tăng MK.6 HEAA (high explosive anti-armor) Nguồn: world.guns.ru

..........


(2) Đồng phạm giết GS Nguyễn Văn Bông theo Jackie Bong-Wright, tác giả “Mây Mùa Thu”, (Autumn Cloud), Capital Books, Inc. (2001): “Cũng giống như ông Martin, tôi tin là Việt Cộng giết Bông. Điều này đã được xác định năm 1976 trong cuốn sách mang tựa đề Giải Phóng, được viết bởi nhà báo Ý tả khuynh Tiziano Terzani, người đã ở lại Sài Gòn trong thời gian Việt Cộng chiếm Sài Gòn. Ông đã phỏng vấn những người anh em cộng sản của mình, những người này đã hãnh diện cho biết là họ ra lệnh cho những đồng chí của mình, trong đó có Nguyễn Hữu Thái, giết Bông.”

Chú thích của tác giả (Tài liệu tham khảo):

– Bí mật điệp báo chưa từng công bố: đốt cháy con bài của Mỹ, Nam Thi, Thanh Niên số ra ngày thứ Ba 02/05/2000 số 78/1701
– Ai đã giết Giáo sư Bông, Trần Thanh, Website VietnamReview, 10/09/2007
– Cẩm nang người làm báo, tập sách “phóng sự điều tra”, Sương Lam, Website VietnamNet 17/07/2004
– Bán đất kê biên cho gần 500 người (theo báo Người Lao Động), Website VNExpress 22/11/2005
– Website Luật sư Việt Nam (www.luatsu.vn): Danh bạ: Văn phòng luật sư Hồng Lạc
– Thư độc giả Võ Mai Uyên Thi: Công ty Đông Dương có lừa đảo khách hàng?, Website báo Lao Động, 01/11/2006
– Trích đoạn: Những điều chưa nói hết về 30/04/1975, BBC Vietnamese 19/05/2005
– Website Vietnam Buddhist Research Institute (www.vinabri.org)




- Bài báo vụ ám sát GS. Bông vạch trần sự dối trá Nguoi-Viet Online

Ngoài chuyện “đã đi khủng bố lại còn khoe trên báo,” vụ này còn tiết lộ một điều khác nữa về đảng Cộng Sản Việt Nam.
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Trong ngày 30 tháng 4, bài báo trên trang web Dân Việt và VietNamNet hân hoan và hãnh diện kể chuyện ám sát Giáo Sư Nguyễn Văn Bông gây một số phản ứng, tuy không đại trà, nhưng khá mạnh mẽ. Như một nhân vật trên mạng nói: “Ðã đi khủng bố lại còn khoe trên báo.”

Cố GS. Nguyễn Văn Bông. (Hình: Internet)
Dường như do ảnh hưởng của những phản ứng này, trang mạng VietNamNet bỏ bài này đi, nhưng trang mạng Dân Việt thì vẫn còn.
Không chỉ có trang mạng Dân Việt hãnh diện với việc đánh bom giữa đô thị. Trang mạng Dân Trí cũng vậy, vinh danh thành tích của một nữ du kích chuyên đánh bom đặt mìn, trong đó có cả bom nổ chậm đánh vào xe của một viên quận trưởng. Nữ du kích này khi đó chỉ mới là một cô gái 14 tuổi, mới tuổi lớp 8.
Thế nhưng, ngoài chuyện “đã đi khủng bố lại còn khoe trên báo,” vụ này còn tiết lộ một điều khác nữa về đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tiết lộ này không chỉ đến từ hành động của một tờ báo VietNamNet, một tờ Dân Việt/Nông Thôn Ngày Nay, hay một tờ Dân Trí.
Tiết lộ này đến từ “đồng chí Tám Nam - phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Ðịnh).”
Phó ban an ninh T4 tương đương với phó giám đốc công an cho cả vùng Sài Gòn-Gia Ðịnh. Và đó chính là chức vụ mà Tám Nam, tên thật là Thái Doãn Mẫn, đảm nhiệm sau 1975: Ðại tá phó giám đốc công an thành phố.
Ông này nói lý do ám sát Giáo Sư Bông, là vì nếu ông Bông trở thành thủ tướng, “cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Cái dối trá được vạch trần trong lời nói này, hãy hiểu khái niệm “narrative” của một phong trào chính trị.
Mỗi tổ chức chính trị, mỗi phong trào cách mạng, có một cái gọi là “narrative”. “Narrative” là nội dung chính, ý chính, hiện diện trong tất cả những lời tuyên truyền, ủng hộ cho việc làm của tổ chức, phong trào đó.
Thí dụ, để kêu gọi một cuộc cách mạng, “narrative” của phong trào cộng sản quốc tế là, “chủ nghĩa tư bản dựa trên sự bóc lột công sức của người lao động”.
Hay, “narrative” của phong trào Tea Party, tuy chưa rõ rệt lắm, nhưng có thể thấy ý chung là “Chính quyền rút thuế của người dân để tiêu dùng vào những mục tiêu không chính đáng”.
Phong trào chính trị nào cũng có narrative. Có thể người ta không gọi nó là “narrative.” Thậm chí chính người trong phong trào có khi còn không biết phe mình có một cái narrative nữa.
Nhưng, như những mạch điện trong não luôn hoạt động mà mình không biết là điện đang bắn, phong trào chính trị nào cũng có một narrative, và sự thành công hay thất bại của một phong trào chính trị lệ thuộc khá nhiều vào narrative này, cũng như sự sống còn của một con người phụ thuộc vào những đường truyền điện trong não.
Trong thời gian Cộng Sản Việt Nam khi đánh nhau với miền Nam, narrative của họ thay đổi uyển chuyển, nhưng một ý trong đó, là “Chính quyền quân phiệt VNCH đàn áp bóc lột người dân.” Những chữ như “tội ác Mỹ ngụy” là một phần của narrative này.
Trong bài báo Dân Trí vinh danh nữ du kích chuyên đánh bom khủng bố, báo này kể người nữ du kích được đưa ra miền Bắc, được gửi đi Ðông Ðức “để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với nhân dân Việt Nam”. Ðó chính là một phần của narrative của cộng sản thời đó.
Nhưng chính câu nói của Tám Nam/Thái Doãn Mẫn vạch trần sự dối trá của narrative này.
Nếu quả thật chính quyền VNCH đàn áp bóc lột người dân, thì có lý do nào để ngăn chặn một diễn biến đang làm giảm bớt sự đàn áp bóc lột?
Cho nên câu nói của Tám Nam mới bộc lộ sự giả dối trong cái narrative của cộng sản Việt Nam.
Giáo Sư Bông bị giết, không phải vì ông tham gia đàn áp bóc lột ai cả, mà chính là nếu ông trở thành thủ tướng, miền Nam Việt Nam sẽ khá hơn.
Ðó mới là cái sợ của cộng sản, qua miệng Tám Nam. Cộng sản không sợ người dân bị ai đàn áp bóc lột, mà cộng sản sợ, và muốn ngăn chặn, không cho người dân miền Nam được sung sướng hơn, tiến bộ hơn, trong một chính phủ do một Thủ Tướng Nguyễn Văn Bông cầm đầu.
Cộng sản cũng chả phải đấu tranh chống một chính quyền “ngụy” quân phiệt nào đấy, vì nếu vậy thì sự tham gia của một thủ tướng dân sự, trí thức có uy tín, phải được hoan nghênh. Thay vào đó, cộng sản tổ chức khủng bố để ngăn chặn việc này.
Ðiều đó chứng tỏ, thêm một lần nữa, và từ chính miệng của một quan chức cao cấp trong chính quyền, qua lời kể của một nhà báo - tổng biên tập, phó tổng biên tập, biên tập viên - rằng tất cả những chiêu bài “giải phóng” chỉ là giả dối.
Cộng sản đánh miền Nam, chỉ vì muốn cướp chính quyền. Ai khiến cộng sản khó cướp chính quyền, thì cộng sản bỏ bom cho chết. Dù người đó có thể làm ích nước lợi dân.
Bài báo về vụ ám sát GS Nguyễn Văn Bông bị gỡ xuống khỏi trang VietNamNet. Bài báo ca ngợi cô gái khủng bố thì không bị gỡ xuống.
Ðiều này chứng tỏ Cộng Sản Việt Nam, tới ngày hôm nay, vẫn thật sự hãnh diện với quá khứ khủng bố của mình, và chỉ sợ có một điều, là cái mặt nạ “vì nhân dân” của mình bị lột ra thôi.

- “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn
(Dân Việt) - Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ.
NTNN trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Quang Hùng - người đã theo dõi, lên phương án tấn công và trực tiếp dự trận đánh này.
Đúng lúc Châu chuẩn bị nhảy lên ngồi trên yên Honda thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cùng với cột lửa khói vụt bốc lên cao từ chiếc Ford Falcon.
Vào cuộc
Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong đội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Điệp) làm đội trưởng. Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi).
Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam - Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Giáo sư Nguyễn Văn Bông là thạc sĩ công pháp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp tại Pháp, đang nắm chức Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, đồng thời là Chủ tịch Phong trào Cấp tiến, một tổ chức chính trị chống cộng.
Tôi quyết định tự mình trinh sát mục tiêu, đề ra phương án hành động. Mặt khác, tôi chuẩn bị vũ khí để thực hiện trận đánh.
Sau khoảng nửa tháng bám sát mục tiêu, tôi hầu như nắm chắc quy luật đi lại của G.33: Buổi sáng ra khỏi nhà hơi thất thường, có khi không tới chỗ làm. Nhưng hễ đã vô Học viện Quốc gia Hành chính là thế nào ông ta cũng rời Học viện lúc 11 giờ 45 để trở về nhà. Lộ trình từ Học viện về nhà cũng không bao giờ thay đổi: Theo đường Trần Quốc Toản (nay là 3.2), quẹo phải qua Cao Thắng, đến ngã tư Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) thì rẽ trái.
Tôi cũng nói thêm về việc bảo vệ ông Bông vào thời gian này. Ông di chuyển trên xe hơi Ford Falcon màu đen. Ngồi trên xe hơi luôn có một cận vệ. Chạy theo bảo vệ xe hơi của ông thoạt đầu có hai xe gắn máy, nhưng từ sau khi báo chí đăng tin ông có thể lên nắm chức thủ tướng, số xe gắn máy tăng lên từ ba tới bốn chiếc, mỗi xe đều chở đôi.
Đầu tháng 11.1971. Tôi trình bày vắn tắt ba phương án hành động rồi gửi về căn cứ đặt tại An Phước, Bến Tre. Đã đến lúc tìm người cụ thể bắt tay hành động. Tôi gặp Năm Tiến - đội phó S1, trao đổi tình hình và yêu cầu, hỏi anh ta có dám “vào trận” hay không, tuy vẫn chưa cho biết đối tượng cũng như phương án tấn công nhằm bảo đảm bí mật. Năm Tiến hăng hái nhận lời, nói Tư Xá, một trinh sát trong đội, cũng đang nóng lòng chờ xuất quân.
Cũng cần nói thêm, lúc này tôi đã có 6 trái lựu đạn “da láng”, thêm khẩu Colt 45. Cho nên, trong thư gửi về căn cứ tôi viết nếu chấp nhận phương án ba (ném lựu đạn, mìn DH vào xe của G.33 tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản) và chỉ cần gửi cho tôi trái DH khoảng 5kg.
Trên nhất trí duyệt phương án 3 đồng ý cả đề xuất nhân sự, hẹn tôi ngày, giờ cụ thể đón giao liên để nhận mìn định hướng.
Tình huống ngoài dự kiến
Tôi cũng tính toán thật chính xác thời gian khoảng từ khi tháo chốt đến khi lựu đạn nổ, thừa đủ thời gian cho trinh sát thoát thân. Vậy là trong óc tôi hình thành cách cấu tạo khối chất nổ: Vì trinh sát hóa trang làm sinh viên nên sẽ hết sức tiện lợi khi mang theo cặp da, trong đó chứa vừa lựu đạn, vừa trái DH. Tôi quyết định luôn “ngày D” để báo cáo về căn cứ: Đó là ngày 9.11.
Vừa nhận trái DH từ căn cứ gửi lên, tôi mua ngay một cặp da và cuộn dây kẽm, mang về gác trọ bắt tay vào việc. Ba lựu đạn da láng cùng trái DH gọn gàng nằm trong cặp. Tuy đã dùng nhiều sợi dây thun cột càng lựu đạn, tôi vẫn chỉ tháo bỏ chốt chính, và dự định khi trao cho Năm Tiến, tôi sẽ dặn kỹ anh ta chỉ kéo bỏ chốt phụ ngay trước giờ hành động. Riêng trái lựu đạn dùng làm “ngòi”, tôi chỉ thay chốt phụ bằng cọng dây kẽm, chốt chính vẫn giữ lại, và việc này cũng phải chờ đến phút chót.
Đến ngày 8 tôi mới nói với Năm Tiến đối tượng cần tấn công cũng như toàn bộ kế hoạch. Cặp da chứa chất nổ và khẩu Colt 45, tôi sẽ trao cho Năm Tiến vào 9 giờ sáng ngày hôm sau, vừa đủ thời gian để anh và Tư Xá kiểm tra kết cấu chất nổ và cách sử dụng. Tôi hẹn gặp Năm Tiến tại một quán cà phê, rồi mới đưa anh ta tới địa điểm cất giấu vũ khí. Tiếp theo Năm Tiến sẽ gặp Tư Xá trao đổi lại toàn bộ sự việc và liền đó hai người bắt tay làm nhiệm vụ… Nhưng thật bất ngờ, vào phút chót Năm Tiến báo tin Tư Xá xin rút, và cả anh ta cũng rút luôn vì không mấy tin tưởng thành công của trận đánh.
Lúc này lòng tôi rối bời. Các đồng chí trong căn cứ sẽ nghĩ sao? Kế hoạch đã lên nay không thực hiện, không lẽ chỉ là một ý nghĩ viển vông, lý thuyết suông? Nếu không nhanh chóng thực hiện phương án, qua ít ngày nữa, ông Bông lên nắm chức thủ tướng, khi ấy nếu muốn diệt mục tiêu chắc chắn phải trở lại từ đầu, kể cả khâu trinh sát.
Lúc này tôi không có ai để bàn bạc, tham khảo ý kiến, mà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cuối cùng tôi quyết định tiếp tục hành động. Vấn đề là tìm người thực hiện cụ thể.
Trong đội trinh sát S1 thực tế tôi chỉ còn lại Châu. Nguyên là sĩ quan quân đội, đương nhiên Châu quen với lựu đạn, súng. Và đây là điều hết sức thuận lợi nếu anh ta làm trinh sát số hai – người quăng chất nổ.
Còn trinh sát số một – người chạy xe gắn máy chở trinh sát ném lựu đạn? Phải thành thực nhận định, không ai thuận lợi bằng tôi: Biết rành cũng như nắm vững quy luật đi lại của đối tượng; và hơn hết, đã quen với con hẻm dẫn ra khỏi hiện trường. Vả lại, tôi cũng không thể tìm đâu ra người trong thời gian cấp bách.
Tôi lập tức tìm gặp Châu. Rút kinh nghiệm Năm Tiến, tôi chưa vội trao đổi cụ thể với Châu, mà chỉ hỏi anh dám tham gia một trận đánh tại nội thành có thể nguy hiểm đến tính mạng hay không? Tôi nhớ Châu chỉ hỏi lại ngoài anh ta ra còn ai cùng dự trận, và khi tôi trả lời còn một người nữa là tôi, anh đồng ý ngay. Tôi hẹn sáng ngày mai, lúc 10 giờ trưa, sẽ gặp lại anh giao nhiệm vụ và vũ khí cùng lúc, để thực hiện luôn vào buổi trưa cùng ngày…
Đúng 10 giờ sáng hôm sau, ngày 10.11.1971, tôi chở Châu đến nơi cất giấu vũ khí. Tại đây, tôi kể lại toàn bộ tình hình cho Châu nghe, từ chỉ thị của cấp trên, việc trinh sát đối tượng, phương án đánh, đến vũ khí sử dụng. Chỉ đến khi Châu hỏi “vậy vũ khí đâu?”, tôi mới lôi cặp da ra.
Tôi mở cặp da, để Châu tận mắt thấy trái mìn DH và 3 lựu đạn da láng, trong đó 2 đã được rút chốt chính và cột bằng dây thun, trái thứ 3 còn nguyên chốt chính trong khi chốt phụ đã được thay bằng cọng dây kẽm và đầu kia của dây kẽm xuyên qua cặp da, cột vào quai xách.
Còn khẩu Colt 45, tôi giắt vào bụng mình để Châu không bị trở ngại khi hành động và khi chạy, dặn vạn bất đắc dĩ Châu mới thọc tay vào bụng tôi, rút ra sử dụng.
11 giờ 15, tôi chở Châu lên đường. 11 giờ 25, tôi tấp xe vào quán nước đối diện Học viện. Còn Châu xách cặp làm bộ đứng chờ xe buýt tại trạm gần quán.
11 giờ 40, tôi trả tiền. Đúng 11 giờ 45, phía trong Học viện có bóng người chuyển động về hướng xe hơi. Dù cố trấn tĩnh, tim tôi vẫn đập rộn ràng. Tôi lập tức rời quán, lên Honda, nổ máy, chạy chầm chậm. Châu đã thấy tôi, bước đến sát mé đường. Ba-ri-e ngoài cổng Học viện hạ xuống, chiếc Ford Falcon lao ra rất nhanh, đến nỗi tôi vừa dừng xe đón Châu thì xe hơi đã quẹo ra đường Trần Quốc Toản; và khi Châu lên ngồi trên yên sau Honda thì xe hơi đã vượt qua xe tôi, 3 xe gắn máy chở đôi bám theo.
Không hiểu sao lúc này tôi lại tự nhiên hết hồi hộp mà thanh thản một cách kỳ lạ. Tôi tự nhủ không nên chạy sau xe Ford Falcon, vì có thể sẽ bị đám cận vệ phát hiện, nên tăng ga. Chiếc Honda 67 lướt rất êm, vừa tới ngã ba Cao Thắng đã qua mặt xe hơi.
Honda vẫn chạy trước xe hơi khoảng 5-6m, và cách ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản chừng 15m thì đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ. Tôi dừng Honda để Châu bước xuống, còn tôi vòng Honda qua bên kia đường, đầu xe nhắm ngay con hẻm, gài số một. Phía trước mặt tôi, hơi chếch về bên mặt, là tấm kiếng lớn của một xe hủ tíu-mì. Tôi quan sát phía sau qua tấm kiếng lớn này.
Châu vừa xuống xe thì chiếc Ford Falcon cũng vừa ngừng. Châu tấp vô lề, vòng ra phía sau xe hơi, quăng cặp da xuống ngay gầm xe bên phải, rồi nhanh như chớp, chạy băng qua đường. Đúng lúc Châu chuẩn bị nhảy lên ngồi trên yên Honda thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cùng với cột lửa khói vụt bốc lên cao từ chiếc Ford Falcon. Một làn hơi mạnh thổi tạt đến tận chỗ tôi vừa lúc Châu tót lên yên và tôi lập tức siết tay ga, nhả tay côn hết sức nhịp nhàng. Chiếc Honda như muốn cất cao đầu, lao nhanh vào con hẻm…
Khoảng nửa giờ sau ngồi trong gác trọ, nghe Đài Phát thanh Sài Gòn thông báo Giáo sư Bông đã bị ám sát, chết tại chỗ, tôi mới trấn tĩnh trở lại…
-Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu


- 30 tháng 4, báo trong nước vinh danh những vụ ám sát Nguoi-Viet Online

Một người ám sát giáo sư đại học. Một người 14 tuổi đã đặt bom, đặt mìn và giết hụt tổng thống. Ðó là 2 trong những nhân vật được báo chí trong nước, cả báo in lẫn báo mạng, đăng bài vinh danh nhân dịp 30 tháng 4.
anhbasam: Nhân nhắc lại vụ nầy, độc giả MP từ Hoa Kỳ đã gởi email cho biết trước đó còn có một vụ mưu sát khác đối với GS Nguyễn Văn Bông. Sự việc xảy ra năm 1969, thủ phạm là ai thì cũng dễ đoán, đã đặt mìn ngay bên tường phòng làm việc của ông. Mìn nổ, ông thoát chết trong gang tấc. Tác giả cuốn tự truyện kể lại vụ việc khi đó là Trưởng ban Tiếp liệu của Học viện (bà  có chồng cũng dạy tại Học viện, con gái là sinh viên khóa Đốc sự 16.) Sau sự việc, GS Bông được đưa qua Pháp một thời gian, khi trở về, ông được bảo vệ nghiêm ngặt, thế rồi 2 năm sau … xảy ra vụ thứ hai, cũng được kể trong tự truyện. Mời bà con coi đoạn 1: DomLuaTinYeu242-244.

Tổng số lượt xem trang