Theo lời nhà văn Phạm Đình Trọng, vào ngày 23.11.2009 ông đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ đảng ủy quận Tân Bình, và sau buổi làm việc cuối cùng của ông với tổ chức đảng vào ngày 18.01.2010, bí thư chi bộ đảng ủy phường 15, quận Tân Bình, TP. HCM đã đến nhà giao quyết định khai trừ đảng đối với ông vào ngày 26.04.2010.
Trong thư “Lời cuối với đảng” được phổ biến trên Dr.Thọ’s Blog, ông đã có một số ý kiến về quyết định khai trừ đảng của quận ủy Tân Bình đối với ông.
Ông viết “Trong thực tế đời sống, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng vẫn duy trì một xã hội Mác xít để duy trì chỗ đứng, duy trì vị thế độc tôn cho đảng Cộng sản, trong khẩu khí vẫn phải hùng hồn tuyên bố tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác Lê nin và trong đường lối kinh tế phải thòng thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Thế là sự ngụy trang đã hoàn hảo!”
Ông nhận định một trong những mặt xấu của chủ nghĩa xã hội là chính sách “bạo lực chuyên chính vô sản. Bộ máy bạo lực chuyên chính vô sản không biết đến pháp luật, chỉ biết có đảng, thẳng tay trấn áp mọi tư tưởng, mọi tiếng nói khác biệt với đảng, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của một xã hội văn minh, tạo ra một không khí căng thẳng không bình thường trong xã hội, là nỗi đe dọa thường trực với trí thức, với các hoạt động văn hóa tư tưởng!”
Với tình hình hiện tại ở Việt Nam, ông cho biết “Đảng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc, coi sự tồn tại của đảng cao hơn sự tồn tại của dân tộc thì đảng viên có chức quyền cũng đặt lợi ích của cá nhân họ, gia đình họ lên trên lợi ích của đảng. Họ dùng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân họ, gia đình họ trước đã.”
Nhìn nhận đảng đã là toàn bộ quãng đời làm việc, chiến đấu và cống hiến hết mình của ông, nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết ông viết những dòng này cũng là vì đảng, về vấn đề “bị khai trừ” khỏi đảng, ông viết: “Dù tôi đã ra khỏi đảng nhưng đảng vẫn giành cho đảng quyền khai trừ tôi. Nhận cái văn bản thể hiện cái quyền của đảng, trong tôi chợt có suy nghĩ xót xa về đảng: Đây là cái sai khai trừ cái đúng, cái giả dối khai trừ cái trung thực, cái vô cảm khai trừ cái mẫn cảm và những rôbốt khai trừ con người! Khi một con người, một tổ chức đang tha hóa thì sự khai trừ này diễn ra trong chính con người đó, tổ chức đó!”
------------
Nhà văn Phạm Đình Trọng
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27 tháng 4 năm 2010
Kính gửi: Bà NGUYỄN THỊ KIM HOÀNG, Bí thư quận ủy Tân Bình, TPHCM
Đồng Kính gửi:
Ông NGUYỄN VĂN ĐUA, Phó Bí thư thành ủy TPHCM
Ông TÔ HUY RỨA, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương
Thứ hai ngày 23.11.2009, tôi đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ. Hơn năm tháng sau, sáng ngày 26.04.2010, bí thư chi bộ Đặng Văn Quý thuộc đảng ủy phường 15, quận Tân Bình, tpHCM đến nhà tôi giao quyết định khai trừ đảng đối với tôi. Quyết định do phó bí thư thường trực quận ủy quận Tân Bình, tpHCM kí. Trong biên bản giao quyết định có phần dành cho người nhận quyết định ghi ý kiến. Tôi rất muốn có một số ý kiến nhưng vì tôi vừa có khách đến đang ngồi đợi, tôi đề nghị cho giữ lại biên bản để viết ý kiến rồi gửi lại bí thư Quý sau. Bí thư Quý nói rằng phải nộp biên bản cho đảng ủy ngay. Tôi đành kí biên bản mà chưa kịp ghi ý kiến. Nay tôi có một số ý kiến về quyết định khai trừ đảng của quận ủy Tân Bình đối với tôi. Để ngắn gọn, tôi sẽ không đề cập đến lí luận.
Chủ nghĩa Mác Lê nin là một lầm lẫn vĩ đại, khủng khiếp nhất trong lịch sử tư tưởng triết học loài người, đã đẩy loài người vào thảm họa lớn kéo dài gần suốt thế kỉ hai mươi, làm cho thế kỉ hai mươi trở thành thế kỉ đẫm máu nhất của lịch sử loài người. Tất cả những nước theo chủ nghĩa Mác Lê nin đều phải nhận những thảm họa vô cùng to lớn, dẫn đến cái chết thảm khốc của hơn một trăm triệu người!
Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã đưa đến cho nhân dân Việt Nam những thảm họa cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo công thương nghiệp . . .
Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã xây dựng, hình thành lên bộ máy công cụ bạo lực đứng trên pháp luật, trấn áp, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của người dân. Quyền ứng cử, bầu cử chỉ là hình thức. Người dân không được bộc lộ chính kiến khác với chính thống vì thế báo chí tư nhân không được phép tồn tại!
Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt, tư hữu tư liệu sản xuất bị xóa bỏ, quyền sản xuất kinh doanh cá thể, quyền tự do hoạt động mưu sinh chính đáng không được chấp nhận. Xã hội không còn bóng dáng người chủ thực sự. Kinh tế tập thể sản xuất xã hội chủ nghĩa đã biến cả xã hội thành những người làm thuê vô trách nhiệm, đẩy xã hội xuống đáy vực thẳm nghèo đói và bế tắc những năm tám mươi thế kỉ trước.
Ở bước đường cùng chủ nghĩa xã hội, buộc phải tìm lối thoát duy nhất là từ bỏ những nguyên lí hão huyền, sai lầm của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở lại kinh tế thị trường tư bản, trả lại quyền tư hữu cho người dân, trả lại tư thế làm chủ cá thể cho những người biết sản xuất kinh doanh, biết làm cho đồng tiền sinh lời để họ trở thành động lực thúc đẩy cả nền kinh tế xã hội phát triển. Nhờ thế Việt Nam đã thoát khỏi vực thẳm, mở ra thời kì phát triển mới.
Chủ nghĩa Mác Lê nin, về lí luận đã được nhiều nhà tư tưởng hiện đại cả trên thế giới và Việt Nam chỉ ra những sai lầm, ấu trĩ, huyễn hoặc, về thực tiễn đã được cuộc sống thực trên phạm vi cả thế giới và thực tế Việt Nam chứng minh là thảm họa, bế tắc. Để tránh khỏi sụp đổ, Việt Nam đã thực sự chia tay chủ nghĩa Mác Lê nin, chia tay chế độ công hữu tư liệu sản xuất, nguyên lí cơ bản quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở về với tư hữu tư liệu sản xuất, trở về với dòng chảy tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người là mọi cá thể được tự do mưu sinh lương thiện làm ra của cải xã hội, tạo ra kinh tế thị trường.
Nếu thẳng thắn công khai thừa nhận sự giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin thì đảng Cộng sản, con đẻ của chủ nghĩa Mác Lê nin, không còn chỗ đứng, không còn vị thế độc tôn trong xã hội phi Mác xít. Vì thế, trong thực tế đời sống, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng vẫn duy trì một xã hội Mác xít để duy trì chỗ đứng, duy trì vị thế độc tôn cho đảng Cộng sản, trong khẩu khí vẫn phải hùng hồn tuyên bố tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác Lê nin và trong đường lối kinh tế phải thòng thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Thế là sự ngụy trang đã hoàn hảo! Cả hệ thống tuyên truyền đông đảo, hùng hậu cứ việc tấu lên bài ca: Chủ nghĩa Mác Lê nin mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta! Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp là ước mơ ngàn đời của dân tộc ta! Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sáng tạo vĩ đại của đảng ta!
Nào, xin hãy nhận dạng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xem thực chất mô hình đó là gì và vì sao có mô hình đó.
Kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa, một loại hình kinh tế và một loại hình xã hội. Mỗi loại hình đều có mặt tốt, mặt xấu, mặt hay, mặt dở, đều có phần nhân văn và phần tàn bạo, có phần vì con người lại có phần chống con người! Nếu loại bỏ cái xấu, kết hợp những cái tốt của hai loại hình này lại để tạo ra mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì thật hồng phúc cho nhân dân Việt Nam. Nhưng thực tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại là sự kết hợp ngược lại, sự kết hợp của những cái xấu!
Chủ nghĩa xã hội có hai bộ mặt, tốt và xấu, nhân văn và tàn bạo đối lập nhau rất rõ. Chủ nghĩa xã hội là một mô hình áp đặt, cưỡng bức, trái tự nhiên. Để áp đặt và duy trì được mô hình trái tự nhiên đó, chủ nghĩa xã hội phải xây dựng một hệ thống công cụ bạo lực đông đảo, mạnh mẽ và vô cùng hà khắc, bạo liệt, được lí luận về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác Lê nin gọi là bạo lực chuyên chính vô sản. Bộ máy bạo lực chuyên chính vô sản không biết đến pháp luật, chỉ biết có đảng, thẳng tay trấn áp mọi tư tưởng, mọi tiếng nói khác biệt với đảng, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của một xã hội văn minh, tạo ra một không khí căng thẳng không bình thường trong xã hội, là nỗi đe dọa thường trực với trí thức, với các hoạt động văn hóa tư tưởng! Nhưng chủ nghĩa xã hội còn có bộ mặt vô cùng đẹp đẽ, hấp dẫn, mang tính nhân văn cao cả. Đó là chính sách phúc lợi xã hội chủ nghĩa. Giáo dục, y tế miễn phí là một nét son rực rỡ, là một giá trị nhân văn mà chủ nghĩa xã hội để lại trong lịch sử và ngày nay vẫn đang là niềm tự hào chính đáng của nhà nước Cuba xã hội chủ nghĩa.
Nền sản xuất công nghiệp ra đời tạo ra hai thành quả. Thành quả sản phẩm hàng hóa dồi dào dẫn đến xuất hiện kinh tế thị trường. Thành quả văn hóa tinh thần tạo ra nền dân chủ tư sản. Nền dân chủ tư sản đã pháp luật hóa quyền con người, quyền công dân, đã giải phóng tư tưởng, giải phóng sức lao động sáng tạo vô tận của lực lượng sản xuất. Kinh tế thị trường đòi hỏi và đặt ra những yêu cầu với những tài năng, trí tuệ. Trí thức được giải phóng tư tưởng, được đặt vào vị trí đi đầu trong lực lượng sản xuất, thành quả lao động trí tuệ được định giá xứng đáng dẫn đến sự nở rộ phát minh, sáng chế khoa học kĩ thuật, liên tiếp bùng nổ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đưa xã hội loài người lên những bước phát triển huy hoàng. Đấy là bộ mặt sáng láng, rực rỡ của kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường ở buổi ban đầu của xã hội tư bản hoang dã đã tạo ra một xã hội nháo nhào chụp giật, tàn bạo tranh cướp trong vòng quay hối hả tìm kiếm lợi nhuận. Đồng tiền trở thành chúa tể cuộc sống. Quan hệ con người với con người được Mác gọi là quan hệ “lạnh lùng trả tiền ngay”! Đấy là bộ mặt khác của kinh tế thị trường, bộ mặt tàn bạo ghê tởm!
Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chọn lọc những gì từ hình thái kinh tế và hình thái xã hội trên? Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không thể chấp nhận tinh hoa của nền dân chủ tư sản. Cũng không có giáo dục, y tế miễn phí. Đi học từ mẫu giáo đã phải đóng tiền. Những năm học tiếp theo số tiền cha mẹ phải chi cho con đi học càng ngày càng chồng chất. Kinh tế thị trường hoang dã ngang nhiên hoành hành trong giáo dục và y tế. Ngành giáo dục làm tiền học trò đã trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối từ nhiều năm nay. Ốm đau vào bệnh viện phải trả đủ các loại tiền! Từ quyển sổ khám bệnh mỏng tang cũng phải mua giá cao. Nhiều người bệnh nghèo đành nằm nhà đợi chết vì không có tiền vào bệnh viện! Thế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ còn là sự kết hợp của “lạnh lùng trả tiền ngay” với bạo lực chuyên chính vô sản mà thôi!
Chủ nghĩa xã hội đến bước đường cùng phải cầu cứu đến kinh tế thị trường để tìm lối thoát. Nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là lối thoát cho đảng Cộng sản mà thôi!
Thế giới đã qua thời kinh tế thị trường hoang dã. Nhân dân và đất nước ta cần một nền kinh tế thị trường văn minh như đang có ở tất cả các nước văn minh, một nền kinh tế thị trường có kỉ cương pháp luật, lành mạnh, bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế, giữa các chủ thể kinh doanh, không bị phân biệt đối xử.
Những lựa chọn, những quyết định không vì lợi ích của dân tộc, của đất nước mà chỉ vì lợi ích của đảng, chỉ vì sự tồn tại của đảng! Sự tha hóa, tham nhũng tràn lan của đội ngũ cán bộ đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam nhưng cuộc sống của cán bộ lãnh đạo đảng cách biệt quá xa, cách biệt một trời một vực với cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn của số đông công nhân và nhân dân lao động. Cái đức vì nước vì dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, cái đức cần phải có ở người lãnh đạo đã không có! Nhận chức trước hết là nhận tiêu chuẩn, chế độ, nhận quyền lợi, bổng lộc do chức mang lại đã! Sau đó sẽ dùng quyền của chức để kiếm chác dài dài! Các quan của đảng chiếm đất của dân xảy ra ở khắp nơi là một trong những sự kiếm chác đó! Trong khi Tổng thống, Thủ tướng nhiều nước công nghiệp tư bản giàu có trên thế giới đều dùng phương tiện đi lại chung với dân. Nếu có dùng phương tiện riêng do công quĩ trang bị cũng chỉ dùng phương tiện tầm tầm như của dân để gần dân, hòa vào với dân. Nước ta là nước Cộng sản, lại còn quá nghèo nhưng lãnh đạo từ cấp tỉnh đều phải có xe riêng mua sắm bằng tiền thuế của dân. Có tiêu chuẩn được mua xe riêng nên họ đua nhau lấy tiền thuế của dân mua xe đắt tiền! Lãnh đạo cấp cao ra đường thì tiền hô hậu ủng, xe cảnh sát hộ tống trước sau, còi rú như cháy nhà, huyên náo suốt chặng đường. Dân chúng hốt hỏang, ngơ ngác vội dạt ra bên đường! Sự đi lại của dân phải ngưng lại cho quan lớn của đảng đi! Một cảnh tượng rất chướng mắt và lạc lõng. Rời khỏi những cuộc họp triền miên, rời khỏi căn phòng máy lạnh kín mít, ra với nhân dân tất bật lo toan, ra với cuộc sống bề bộn, vật vã mà ra như thế thì nào thấy gì? Thế là chỉ còn tiếp xúc với cuộc sống gay gắt, sôi động của đất nước bằng những báo cáo láo, làm sao thấy được cuộc sống thật của dân để đồng cảm, chia sẻ với dân? Chính những tiêu chuẩn chế độ, những qui định đầy đặc quyền đặc lợi lỗi thời của đảng đã làm hỏng cán bộ của đảng! Người dân nhìn cán bộ đảng không thấy người Cộng sản của giai cấp công nhân đâu cả, chỉ thấy lù lù những bậc đế vương vênh vang, mãn nguyện, những ông quan phong kiến hợm hĩnh chỉ biết bòn rút của công và bóp nặn dân! Uy tín của đảng xuống thấp chưa từng có!
Chủ nghĩa xã hội đưa đất nước đến khốn cùng thì đảng tìm đến cái phao cứu sinh là kinh tế thị trường! Uy tín của đảng khốn cùng thì đảng tìm đến cái phao cứu sinh là tấm gương, là uy tín Hồ Chí Minh. Kinh tế thị trường có thể cứu được đất nước khỏi suy sụp nhưng tấm gương và uy tín Hồ Chí Minh không cứu được uy tín của đảng vì từ lâu đảng đã hòan tòan làm ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh và với những đảng viên tham nhũng rộng khắp như hiện nay thì cuộc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là sự giả dối. Với bài viết Ăn mày dĩ vãng – Thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tôi đã thẳng thắn chỉ ra sự giả dối và những việc làm trái tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thuốc đắng gĩa tật, sự thật mất lòng. Đảng đã quá quen nghe những lời tung hô, tụng ca. Cấp trên chỉ quen chỉ thị, dạy bảo. Cấp dưới chỉ được vâng dạ chấp hành. Phê bình trong đảng chỉ là: Đồngchí còn thiếu sâu sát, tính tình còn nóng nảy, vân vân! Chỉ dám phê bình cá nhân với những khuyết điểm dễ chấp nhận, vô thưởng vô phạt, không ai dám đả động đến chủ trương, đường lối của đảng! Không ai dám phê bình hành xử của cấp trên. Nay một đảng viên thường như tôi lại dám phê phán đường lối, hành xử của đảng trung ương. Với tư duy xơ cứng, không vận động, không thức tỉnh, không tiếp nhận được hiện thực cuộc sống, chi bộ và đảng ủy nơi tôi sinh họat không thấy bài viết của tôi là một nỗi niềm đau xót, một phản biện trung thực, một đóng góp xây dựng tuy gay gắt nhưng chân thành, dũng cảm, đúng sự thật, vô cùng cần thiết cho đảng. Trong đảng lại không có dân chủ, chi ủy, chi bộ và đảng ủy không thảo luận dân chủ với tôi về những vấn đề tôi nêu ra. Chỉ có một lần hỏi tôi đã gửi bài viết tới đâu rồi ban kiểm tra đảng ủy độc đoán ra văn bản phê phán tôi, buộc tôi nhận khuyết điểm. Qua việc này tôi càng thấy rõ dân chủ trong đảng vô cùng hình thức, như tình trạng dân chủ trong xã hội ta hiện nay. Đảng viên chỉ được tụng niệm những điều từ trên dội xuống chứ không được suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Ba triệu đảng viên nhưng chỉ suy nghĩ bằng mười lăm (15) bộ não không có gì là ưu tú của bộ Chính trị! Đảng viên chỉ được học nghị quyết của Trung ương chứ không được tham gia ý kiến với Trung ương! Kẻ sĩ sinh ra là để nói sự thật, nói lẽ phải, mang hiểu biết ra giúp đời. Nhưng dù là lẽ phải mà ngược với ý đảng thì kẻ sĩ nói ra lẽ phải cũng phải rước lấy tai họa! Đầu những năm sáu mươi thế kỉ hai mươi, đảng có chủ trương di dân miền xuôi lên miền núi phá rừng khai hoang. Tiến sĩ Thái Văn Trừng lên tiếng khuyên can không nên đưa người lên phá rừng đầu nguồn gây sói mòn đất đai, tăng nguy cơ lũ lụt thì vị tiến sĩ uyên bác đầu ngành lâm nghiệp liền được cho ngồi chơi xơi nước đến hết đời! Không còn nữa những bài báo viết về rừng đầy trí tuệ, đầy tâm huyết kí tên Thái Văn Trừng! Đảng thể hiện được sức mạnh quyền uy và càng tự tin nhưng đất nước thiệt thòi, nhân dân thiệt thòi!
Đảng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc, coi sự tồn tại của đảng cao hơn sự tồn tại của dân tộc thì đảng viên có chức quyền cũng đặt lợi ích của cá nhân họ, gia đình họ lên trên lợi ích của đảng. Họ dùng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân họ, gia đình họ trước đã. Vì thế những tiêu cực, bê bối, lình xình tràn lan khắp nơi. Tiêu cực ở khắp nơi, ở mọi cấp nên việc xử lí vụ tiêu cực nào cũng dây dưa kéo dài và không vụ tiêu cực nào được xử lí đến nơi đến chốn. Trong tình hình ấy, đảng lấy tiền thuế của dân để có kinh phí rầm rộ tổ chức học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh suốt nhiều năm. In tranh ảnh, vẽ affiche, khẩu hiệu, xuất bản sách số lượng lớn. Họp hành, hội thảo liên miên. Sơ kết, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng . . . Những việc đó đều phải tiêu tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân nhưng chỉ là những việc hình thức, phù phiếm, giả dối! Thật mỉa mai khi Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn được ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh tuyên đương là cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập đạo đức Hồ Chí Minh thì nhiều trang mạng liền đăng lại những vụ tai tiếng xảy ra chưa lâu của Bí thư Hồ Xuân Mãn, trong đó có vụ cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập đạo đức Hồ Chí Minh đã từng bị một cô tiếp viên nhà hàng tát vào mặt giữa bàn nhậu ở ngay mảnh đất cố đô Huế nơi ông trị nhậm! Cố tỏ ra cụôc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có kết quả thiết thực, cụ thể thì lại càng lộ ra sự giả dối đau lòng!
Thấy rõ cuộc vận động rầm rộ, ồn ào này chỉ mang tính hình thức, không thật lòng, lại quá tốn kém tiền bạc của dân, tôi tham gia góp ý với đảng thì bị phê phán, bị buộc kiểm điểm nhận khuyết điểm! Sự trung thực, thẳng thắn thì không thể là khuyết điểm! Đảng không chấp nhận sự trung thực của tôi, không chấp nhận sự đóng góp chân thành của tôi thì tôi đành ra khỏi đảng để lòng trung thực không bị tổn thương, để tôi được yêu nước bằng trái tim của tôi và được suy nghĩ bằng cái đầu của tôi. Tôi đưa cho tổ chức đảng Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản là tôi đã tự khai trừ tôi ra khỏi đảng.
Khi tôi đưa cho tổ chức đảng bài viết Ăn mày dĩ vãng... phân tích thấu đáo việc làm không thật lòng của đảng là tôi ở vị trí đảng viên đóng góp với đảng, một việc làm bình thường và cần thiết. Lúc đó tôi rất chờ những cuộc gặp với tổ chức đảng để nhìn nhận sự việc. Nhưng không có nếp sinh họat dân chủ trong đảng, đảng viên và tổ chức đảng cơ sở lại không có tư duy độc lập. Với họ, phàm là đảng cấp trên thì phải đúng! Cấp trung ương càng không thể sai! Tôi phê phán đảng cấp cao nhất là tôi không còn trung thành với đảng nữa. Tổ chức đảng không cần gặp tôi, lẳng lặng viết kết luận buộc tội tôi rồi gọi tôi đến nghe một bản luận tội nặng nề đầy áp đặt! Nhưng khi tôi đưa cho tổ chức đảng Thông báo từ bỏ đảng là tôi đã không còn là đảng viên nữa, mọi cuộc gặp của tôi với tổ chức đảng không còn cần thiết nữa, lúc đó tổ chức đảng lại nhiều lần mời tôi đến gặp! Một lề lối làm việc vừa thiếu dân chủ, vừa quá quan cách, nhiêu khê, hành chính. Và sự nhiêu khê hành chính ấy đã cho ra đời Quyết định khai trừ đảng đối với tôi sau khi tôi đã tự rút ra khỏi đảng hơn năm tháng trời!
Dù tôi đã ra khỏi đảng nhưng đảng vẫn giành cho đảng quyền khai trừ tôi. Nhận cái văn bản thể hiện cái quyền của đảng, trong tôi chợt có suy nghĩ xót xa về đảng: Đây là cái sai khai trừ cái đúng, cái giả dối khai trừ cái trung thực, cái vô cảm khai trừ cái mẫn cảm và những rôbốt khai trừ con người! Khi một con người, một tổ chức đang tha hóa thì sự khai trừ này diễn ra trong chính con người đó, tổ chức đó!
Còn nghĩ xót xa về đảng như vậy là tôi còn đau đáu với đảng lắm! Vì đảng đã là tòan bộ quãng đời làm việc, chiến đấu và cống hiến hết mình của tôi. Tôi viết những dòng này cũng là vì đảng, hoàn toàn không phải vì tôi.
Xin cảm ơn.
Trân trọng
-------------------
Nikolai Bykov - Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa
Nikolai Bykov kể, Văn Quán ghi
Nikolai Bykov là cựu sinh viên Liên Xô ở Hà Nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông vừa đến Việt Nam theo một tour du lịch. Gặp lại bạn bè Việt Nam vừa đúng lúc trên truyền hình trình chiếu một chương trình lễ hội tưng bừng, sau đó là một lễ khánh khành công trình chào mừng một ngày gì đó. Vừa uống rượu, vừa xem chương trình truyền hình, ông buột miệng “Lại khánh thành… Lại lễ hội. Lại chào mừng. I hi…”… “Tốn hết cả tiền dân”… Rồi ông cao hứng kể một câu chuyện dân gian,… Ông nói trong tình cảm cởi mở giữa bạn bè: “Nhưng mà này… Đây là rượu nói, chứ không phải tôi nói đâu nhá!”.Theo ông thì câu chuyện xuất hiện vào khoảng năm 1972, nghĩa là từ thời còn Liên Xô. Câu chuyện có tên là “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”. Văn Quán ghi lại và gửi đến BVN.BVN biên tập và đã chuyển cho Nikolai Bykov xem lại. Xin có lời cám ơn bạn Văn Quán.
Bauxite Việt Nam
Một đoàn tàu vừa xuất xưởng tại một nhà máy đóng tàu ở thành phố Leningrad để chào mừng lễ kỷ niệm 55 năm ngày “Cách mạng Tháng Mười”, được đặt tên là “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”.Bauxite Việt Nam
Trong các vị khách danh dự người ta thấy, ngoài các bậc khả kính như Tổng công trình sư Marx, Nhà thiết kế công nghệ Lenin, Kỹ sư thi công Stalin, còn có các đồng chí công nhân thuộc xí nghiệp đóng tàu và đông đảo nhân dân lao động.
Đồng chí Giám đốc Sở Giao thông thành phố Leningrad phát một bài diễn văn quan trọng tuyên bố về ý nghĩa đoàn tàu và một dàn kèn đồng dóng lên “Bài ca chiến thắng”, người ta phát lệnh để đoàn tàu khởi hành.
Sau khi máy khởi động một lúc lâu, thì còi tàu bỗng rú lên rộn rã một hồi, rồi lại rú lên một hồi nữa, rồi… đứng ỳ ra đấy. Cả đoàn tàu xôn xao. Thảo luận và thảo luận.
Cuối cùng một hành khách lên tiếng “Xin đề nghị đồng chí Tổng công trình sư kiểm tra đoàn tàu”. Tổng công trình sư Marx xem xét rất kỹ càng rồi tuyên bố: “Thưa các đồng chí! Đoàn tàu được chế tạo theo đúng những nguyên lý của tôi. Còn vì sao nó không chạy thì quả thực tôi chưa phát hiện ra. Đề nghị thử lại xem ra sao”.
Đoàn tàu khởi động lại lần nữa. Còi tàu lại rú lên, và đoàn tàu lại đứng ỳ ở vị trí ban đầu. Quần chúng lại xôn xao bàn tán. Sau đó tất cả quần chúng quyết định mời nhà thiết kế công nghệ, đồng chí Lenin giúp kiểm ta xem sao”
Nhà thiết kế Lenin lại xuống tàu, xem xét máy móc một hồi, rồi tuyên bố: “Thưa các đồng chí. Đoàn tàu được thiết kế theo đúng nguyên lý của Marx, và hơn nữa, rất đúng phương án công nghệ của tôi. Còn vì sao nó không chạy, thì tôi không thể nào hiểu nổi. Thôi, ta thử lại một lần nữa xem sao”. Đoàn tàu lại nổ máy, còi tàu lại rú lên, và đoàn tàu lại đứng ỳ ra đấy. Cả đoàn tàu lại xôn xao thảo luận và đề nghị đồng chí Kỹ sư thi công Stalin kiểm ta xem sao.
Kỹ sư thi công Stalin xem xét một hồi, rồi tuyên bố: “Đoàn tàu được chế tạo theo đúng nguyên lý của Marx, và hơn nữa, rất đúng phương án công nghệ của Lenin và hoàn toàn không sai với phương án thi công của tôi, còn vì sao nó không chạy, thì ta phải tìm hiểu thêm. Tôi đề nghị nổ máy lại một lần nữa”. Nếu đoàn tàu vẫn không chạy, thì tôi đề nghị các đồng chí công nhân kiểm ta giúp xem máy móc có trục trặc gì không.
Đoàn tàu lại nổ máy, còi tàu lại rú lên mấy hồi, và đoàn tàu lại đứng ỳ ra đấy.
Một đồng chí công nhân già vác cây búa rõ to xuống tàu gõ gõ, đập đập một hỏi, hết đầu tàu lại đến bánh xe. Cuối cùng đồng chí công nhân cười váng, thét to: “Tôi tìm ra lý do rồi”. Cả đoàn tàu mừng rỡ. Cả ba đồng chí Marx, Lenin, Stalin và toàn bộ quần chúng trên đoàn tàu đồng thanh lên tiếng đề nghị đồng chí công nhân phát biểu ý kiến. Đồng chí công nhân nhún vai, rồi cất cao giọng:
“Thưa các đồng chí, đoàn tàu được thiết kế theo đúng các nguyên lý của Marx, theo đúng phương án công nghệ của Lenin và hoàn toàn tôn trọng phương án thi công của Stalin, nhưng chỉ sai mỗi một chỗ…”
Cả đòan tàu reo lên hối thúc… “Sao…Sao …”. Rồi tất cả nín thở chờ đồng chí công nhân phát biểu ý kiến tiếp tục. Và đồng chí công nhân hạ giọng:
“Nhưng, thưa các đồng chí …”. Cả đoàn tầu im phăng phắc … hồi hộp. Đồng chí công nhân lại nhún vai, thở dài, và lần này hạ giọng thấp hơn, có vẻ gì đó rất nghiêm trang:
“Nhưng, … các đồng chí ạ. Lỗi là tại hệ thống cung cấp năng lượng … Đáng lẽ các đường dẫn năng lượng phải cung cấp cho bánh xe … để bánh xe chạy, thì thật buồn, … thật buồn các đồng chí ạ…”
Cả đoàn tầu vẫn im phăng phắc. Có người thét to: “Nói toạc ra đi, còn ạ với ậm cái gì mãi thế!”
Đồng chí công nhân nín thở, lấy hơi:
“Nhưng khó nói lắm”
Một giọng đáp lại:
“Thôi đừng có sợ. Năm nay là 1972 của Tổng bí thư Brezhnev rồi, chứ không phải là 1952 của Stalin nữa. Đảng cho tự do tư tưởng mà”
Đồng chí công nhân lấy lại bình tĩnh:
“Đáng lẽ …”
“Đáng lẽ…Ư hừ…”
“Đáng lẽ … Ư hừ… Khó nói quá… Đáng lẽ phải truyền năng lượng vào bánh xe cho tàu nó chạy, thì … thì… các bố lại dồn hết cho cái …”
“Cái gì… Ấm ư mãi thế!”
Nhìn quanh lấm lét… rồi lão đồng chí công nhân mới cất tiếng chậm rãi:
“Ư hừ… Mẹ nó… (lão đồng chí công nhân buột mồm chửi thề) … Dồn hết năng lượng cho cái còi… Ư hừ… Thế là cái còi cứ rú lên, còn đoàn tầu cứ đứng ỳ ra đấy. chứ còn …… chứ còn … cái mẹ gì nữa”
Cả đoàn tầu đồng thanh ồ một tiếng thở phào nhẹ nhõm:
“À thì ra chỉ tại… chỉ tại… dồn hết sức cho cái còi …”
VC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
---KARL MARX TỪNG CÓ NHỮNG TUYÊN NGÔN DUY Ý CHÍ (blog Phạm Viết Đào)
Trương Duy Nhất
Hội trường Trung ương đảng cái gì cũng đỏ. Từ lá cờ búa liềm, tấm màn nhung, bốn vách tường gỗ, bàn ghế, mấy bộ nắm tay kéo cửa đến cái bục phát biểu, đến cái trần và mấy bộ đèn chùm như một vầng trời đỏ. Rộng lớn, uy nghi và… im phăng phắc. Toàn bộ gần 200 vị trong Ban chấp hành Trung ương đảng (gồm cả 161 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết) ngồi… há mồm nghe, ngoan ngoãn nghe như nuốt từng lời.Người đang đứng vung tay thuyết giảng trên bục không phải Tổng Bí thư, mà là… nhà văn Thái Bá Lợi. Ông Lợi đang thuyết giảng cho Ban chấp hành Trung ương đảng nghe về gốc tích, lai lịch và quá trình mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng.Số là nghe tin nhà văn Thái Bá Lợi đang viết bộ tiểu thuyết mang tên “Minh sư”, nội dung nói về một giai đoạn lịch sử bi hùng của nhà Nguyễn, đặc biệt là vai trò mở cõi của chúa Nguyễn- Bộ Chính trị đã quyết định mời ông Lợi ra Hà Nội nói chuyện cho toàn thể Ban chấp hành Trung ương.
Anh Lợi rủ tôi đi cùng. Ngồi nhìn gần 200 vị “tai to mặt lớn” thin thít nghe, há mồm ra mà nghe như nuốt từng lời, tôi phục… Ban chấp hành Trung ương quá!
Mà nghe bảo Trung ương bắt đầu duy trì hình thức sinh hoạt văn hóa dạng này. Thỉnh thoảng, định kỳ sẽ cho mời các nhà văn, nhà văn hóa, các vị học giả tên tuổi, hiểu biết và danh giá đến Hội trường Trung ương đảng nói chuyện, thuyết giảng cho đội ngũ Ban chấp hành Trung ương.
Trưa qua đi ăn cưới, ngồi cùng bàn anh Lợi, tôi kể rằng đêm qua mơ thấy vậy. Anh trợn mắt mắng và chắp tay… vái!
Tôi bảo: đó là em mơ!
Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, thấy tại sao lại chỉ mơ nhỉ, tại sao đó không phải là điều sự thật nên làm? Hằng tháng hằng quí, Ban chấp hành Trung ương, các vị ủy viên này thường vụ nọ lên lớp thuyết giảng cho đội ngũ nhà thơ nhà văn, cho giới nhân sĩ trí thức về chủ trương, đường lối, về chính sách, chính trị. Thế thì việc thi thoảng hằng tháng hằng quí Ban chấp hành Trung ương mời các nhà văn, các nhân sĩ, trí thức, các vị học giả đến để lắng nghe họ thuyết giảng về văn hóa - Tại sao không?
Cũng chả hiểu làm sao dạo này cứ hay mơ. Lại toàn mơ những chuyện dính đến… đảng!
Anh Lợi rủ tôi đi cùng. Ngồi nhìn gần 200 vị “tai to mặt lớn” thin thít nghe, há mồm ra mà nghe như nuốt từng lời, tôi phục… Ban chấp hành Trung ương quá!
Mà nghe bảo Trung ương bắt đầu duy trì hình thức sinh hoạt văn hóa dạng này. Thỉnh thoảng, định kỳ sẽ cho mời các nhà văn, nhà văn hóa, các vị học giả tên tuổi, hiểu biết và danh giá đến Hội trường Trung ương đảng nói chuyện, thuyết giảng cho đội ngũ Ban chấp hành Trung ương.
Trưa qua đi ăn cưới, ngồi cùng bàn anh Lợi, tôi kể rằng đêm qua mơ thấy vậy. Anh trợn mắt mắng và chắp tay… vái!
Tôi bảo: đó là em mơ!
Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, thấy tại sao lại chỉ mơ nhỉ, tại sao đó không phải là điều sự thật nên làm? Hằng tháng hằng quí, Ban chấp hành Trung ương, các vị ủy viên này thường vụ nọ lên lớp thuyết giảng cho đội ngũ nhà thơ nhà văn, cho giới nhân sĩ trí thức về chủ trương, đường lối, về chính sách, chính trị. Thế thì việc thi thoảng hằng tháng hằng quí Ban chấp hành Trung ương mời các nhà văn, các nhân sĩ, trí thức, các vị học giả đến để lắng nghe họ thuyết giảng về văn hóa - Tại sao không?
Cũng chả hiểu làm sao dạo này cứ hay mơ. Lại toàn mơ những chuyện dính đến… đảng!
- Nguyễn Đình Hương, Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương: Đảng ta đông mà không mạnh (Người cao tuổi).
Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn ra nhiều vấn đề phức tạp, trong nước đã trải qua 25 năm đổi mới, tuy đạt được những thành tựu quan trọng đáng khích lệ, song còn nhiều thử thách phải vượt qua.
Công tác tổ chức và cán bộ đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, giữa tích cực và tiêu cực đang tác động đan xen, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng thực trạng tình hình nội bộ Đảng thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với Đảng ta.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ đã để lại cho Đảng lời Di chúc: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Song, nhìn lại tình hình thực tế trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí từ cấp Trung ương cho đến địa phương xem được bao nhiêu người thực hiện đúng như lời Di chúc của Bác Hồ?
Hiện nay, Đảng ta đang đứng trước 3 thử thách.
1.Tình hình suy thoái về đạo đức phẩm chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng sa sút nghiêm trọng, không chỉ là trường hợp cá biệt ở một địa phương, một ngành mà mang tính phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, cả địa phương và cả cấp Trung ương. Đảng ta đông mà không mạnh là như vậy.
2. Do tình hình tiêu cực trong nội bộ Đảng đang ngày càng diễn ra mang tính phổ biến, phức tạp, dẫn đến niềm tin của đảng viên chân chính và nhân dân đối với Đảng đang bị giảm sút nghiêm trọng.
3. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, kể cả trong đội ngũ cán bộ đương chức đang bị phân hoá, bè phái, cục bộ, quan liêu, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là: Do công tác sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ chủ chốt chưa được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức cấp trên đề bạt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn cả đức và tài vào cấp ủy, giao trọng trách lớn trong bộ máy quản lí Nhà nước, nhưng không tương xứng về năng lực, trình độ và phẩm chất, nhân cách. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bố trí cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ trì, phải là tấm gương cho cấp dưới, dám nghĩ, dám làm, dám quyết đoán, biết chịu khó lắng nghe ý kiến nhiều chiều, cả ý kiến ngược lại; đạo đức phải trong sáng, không vụ lợi như tạo điều kiện cho vợ, con làm việc sai trái. Có như vậy mới làm trung tâm đoàn kết trong Đảng bộ, nhân dân mới thực sự tin yêu. Bài học của đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trước đây là tấm gương điển hình để chúng ta học tập.
Các văn kiện của Đảng đã khẳng định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng là hạt nhân chính trị, giữ vai trò quyết định lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua thử thách để giành nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới. Muốn được như vậy, điều quan trọng là Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh.
Sự nghiệp của Đảng có thành công hay không là ở công tác tổ chức và cán bộ, trong đó khâu chọn lựa đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, phải có đức, có tài là điều quyết định nhất. Bài học từ thực tế của các Đại hội Đảng trước đây cho thấy, việc chọn lựa cán bộ tham gia vào cấp uỷ phải bảo đảm thực sự dân chủ, lắng nghe tiếng nói nhiều chiều, kể cả những ý kiến của quần chúng, của cán bộ lão thành, tránh tình cảm cá nhân, áp đặt để đưa cả con, cháu mình không đủ tiêu chuẩn vào cấp uỷ (đứng đầu ở địa phương, ở ngành Trung ương), hình thành một bộ phận cán bộ nhu nhược không dám đấu tranh, không có chính kiến, kiến thức kém, năng lực yếu, thiếu trí tuệ, nói nhiều làm ít, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, làm giàu cho cá nhân, gia đình, cho vợ con mình. Loại bỏ được lối làm ấy, mới xây dựng được cấp uỷ thật sự là người đại diện cho Đảng, để lãnh đạo đất nước, không để "một con sâu làm rầu nồi canh", để lọt một số cán bộ không đủ đức, tài, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng quang vinh, trước vận mệnh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tôi tin tưởng các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ sáng suốt chọn được nhân tài đúng nghĩa của nó.
Nguyễn Đình Hương
Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Trưởng ban
Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Trưởng ban
Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.