-Ôm nợ và bệnh tật TP - Nhiều ngư dân ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) phải nhận án tù giam xứ người do mắc bẫy cò lừa đảo. Hàng chục lao động ở Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) lại mang theo về quê căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS sau thời gian mưu sinh tự phát ở Nam Lào.
Làng Thuận Hóa chủ yếu còn lại trẻ em và người già. |
Không tiền, lãnh án
Hơn 2 tháng sau ngày được phía Malaysia trả tự do, ông Võ Ngọc Rành (50 tuổi, thôn An Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn còn bàng hoàng. Đầu tháng 9-2010, ông Rành cùng anh Phạm Nhỏ (An Hải) và 13 ngư dân khác trên tàu SF2 3667 (biển số của Malaysia - PV) của ông Võ Văn Lựu (48 tuổi, thôn Châu Thuận, Bình Châu) xuất cảng Sa Kỳ sang Malaysia. Hơn tháng trời lênh đênh xứ biển quê người, tàu đã đầy ắp cá. “Chỉ cần vài ngày nữa là tàu nhổ neo về lại Việt Nam. Ước chừng số cá gần tỷ bạc, chia ra anh em mỗi người cầm chắc dăm ba chục triệu ” - ông Rành kể lại.
Nhưng rồi khi bị tàu tuần tra Malaysia kiểm tra, mới phát hiện giấy tờ khai thác bị làm giả. Giấy tờ này được ông Lựu nhờ cò Nguyễn Thành D. (xưng đại diện Cty TNHH Thương mại và dịch vụ sản xuất K.N, TP Mỹ Tho - Tiền Giang) nhận lo liệu với chi phí gần 250 triệu đồng. Tàu SF2 3667 bị tạm giữ, số tôm cá bị tịch thu. 15 ngư dân đều bị cạo trọc đầu đưa vào tạm giam trên đảo Migi. Hai tuần sau, các thuyền viên bị đưa ra tòa. Đại diện phía đơn vị hợp đồng xuất khẩu không có mặt. Một người Malaysia biết tiếng Việt làm phiên dịch. Tòa tuyên vi phạm thủ tục vì giấy tờ giả. Số tiền nộp phạt quy đổi tiền Việt lúc đó mỗi người lên đến gần 300 triệu đồng. Cả tàu không có tiền nên chịu án tù. Thuyền trưởng, chủ tàu Võ Văn Lựu nhận mức án 6 tháng tù giam, 14 thuyền viên còn lại mỗi người 5 tháng tù giam trên đảo.
“Mình vi phạm quy định nước bạn nên phải chịu. Ở đó, mỗi ngày ăn hai bữa. Ai cũng gầy đét. Cứ 11 giờ trưa được ra... tắm nắng”- ông Rành kể.
Ngày về nước, anh Phạm Nhỏ thỉnh thoảng lên cơn động kinh, trí nhớ hầu như không bình thường. Đến giờ vẫn phải dùng thuốc. Giọng anh Nhỏ giật giật: “Bị bỏ tù đói quá ! Tôi hoa hết cả mắt, rồi lên cơn sốt. Họ (phía Malaysia) đưa đi cấp cứu hai lần. Từ lúc về nhà ăn uống, tẩm bổ vào cũng đỡ hơn chút rồi”.
“Nhà có 4 đứa con, tất cả trông chờ vào ảnh nhưng giờ thì chẳng làm được gì” - Chị Trần Thị Liên vợ anh Nhỏ bộc bạch.
Chị Đào tranh thủ từ Lào về thăm con Ảnh: Nguyễn Huy. |
Ôm nợ
Cả đời bám biển, ông Lựu sắm được hai tàu. Tàu nhỏ từng đánh bắt gần bờ và ra tận Hoàng Sa, tàu lớn hơn 1,8 tỷ đồng mới vay vốn đóng mới để xuất ngoại. Nhưng, chuyến “tai nạn” xứ người vừa rồi khiến ông ôm nợ. Bà Nguyễn Thị Năng, vợ ông Lựu bảo: Chúng tôi vừa bán cả tàu nhỏ cũng không đủ trả nợ. Cả nhà vay mượn hơn tỷ bạc, ai ngờ tàu bị tịch thu, người bị giam giữ. Chưa kể tiền gốc, mỗi tháng phải trả lãi vài triệu bạc nên ổng phải đi tàu bạn kiếm chút đỉnh.
Đứa con trai ông Rành là Võ Văn Bộ (26 tuổi) sau khi bị giam cầm vài tháng trời ở Malaysia, vừa trở về nước, đã lại “xuất ngoại” cùng tàu ông Nguyễn Cư (xã Bình Châu). Không ngờ tháng 3-2011, tàu này cũng bị nước bạn bắt giữ vì giấy tờ bị cò làm giả. “Nợ nần quá nên nó gắng đi chuyến nữa, ai ngờ vẫn bị lừa tiếp” - bà Nguyễn Thị Sen, mẹ anh Bộ nói.
Nhà bà Sen thuộc diện nghèo nhất xóm. Đang ngày mùa, bà tất bật lo gặt hái thuê đắp đổi cái ăn. Bà nói như mếu: “Thỉnh thoảng thấy người lạ là tôi phải tránh mặt vì sợ họ thuê người đến đòi nợ”. Ông Rành cũng tranh thủ những ngày biển lặng để xin đánh bắt gần bờ.
Làng đi... Lào
Nằm sát quốc lộ 1A, cạnh trung tâm xã nhưng thôn Thuận Hóa (xã Lộc Bổn) lúc nào cũng khá vắng vẻ. “Chỉ lễ Tết là đông thôi, còn lại sang Lào hết rồi. Tầm 4-5 giờ sáng chú đứng chỗ ni là thấy, người đổ xô như rồng rắn bắt xe sang Lào” - bà Trần Thị Nhon (56 tuổi), bán nước ngay sát đường dẫn vào làng Thuận Hóa bảo.
“Muốn sang Lào chỉ cần lên tỉnh làm hộ chiếu rồi thích đi thì đi, về thì về, chẳng cần phải thông báo cho chính quyền địa phương nên chúng tôi quản không nổi. Trung bình mỗi năm thôn có hai đợt di dân lớn là sau Tết và sau mùa màng (tháng 7- 8). Ở đây ít việc nên họ ly hương hết. Một phần vào Nam còn lại sang Lào làm đủ nghề: phu hồ, bán quán, cắt tóc, gội đầu đủ cả…” Ông Nguyễn Văn Thích, Trưởng thôn Thuận Hóa |
Chị Phạm Thị Đào, con út ông Xe vừa bắt chuyến xe muộn bên Lào về làng, ôm chầm đứa con gái. Chị Đào làm ở bản Xe Tam Muột (Lào) sát biên giới Việt Nam, về đến nhà chỉ chừng 8 - 9 tiếng đồng hồ xe chạy, nhưng ít khi có dịp về quê.
Lần này chị cũng chỉ ở nhà được 1 ngày. Theo chị Đào, ban đầu sang đó cũng dễ kiếm lời nhưng càng ngày người ta càng đổ xô sang nên kiếm sống chật vật.
Ông Xe tâm sự: “Con trai cả Phạm Văn Châu (42 tuổi) là đứa đầu tiên đi “xuất ngoại” trong gia đình. Cả chục năm sang Lào, cũng chẳng khấm khá gì, rồi lấy vợ người huyện Se Pôn, tỉnh Savanakhẹt (Lào). Mấy năm nay nó có về quê thăm nổi đâu vì thiếu tiền. Mình có sang thăm được thì sang. Nói thật với chú, sang Lào cực chẳng khác gì ở quê. Khấm khá chưa thấy mô, chỉ tội những đứa nhỏ thiếu thốn tình thương cha mẹ” - ông Xe nói.
Ông Nguyễn Văn Thích, trưởng thôn Thuận Hóa cho biết, thôn có hơn 700 lao động sang Lào mưu sinh, khiến Thuận Hóa như “làng rỗng”. Theo ông Trần Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn: Phong trào sang Lào phát triển mạnh trong vòng 5 - 7 năm lại đây. Tính riêng từ năm 2007, số người sang Lào đã tăng gấp hơn 4 lần. Hiện toàn xã có hơn 2.700 hộ thì đã có đến hơn 2.400 lao động sang Lào mưu sinh. Trung bình mỗi nhà có 1 người sang Lào. Trong đó, nhiều nhất là các thôn Hòa Vang, Thuận Hóa...
Mỗi năm lượng người ở Lộc Bổn sang Lào mưu sinh đóng góp thu nhập chung toàn xã trên dưới chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đổi lại là cơn lốc lây nhiễm HIV/AIDS.
Ông Hoa, Chủ tịch xã Lộc Bổn cho biết: Kể từ năm 1993, ca bệnh có HIV đầu tiên trong xã được phát hiện do một người lao động của Lộc Bổn từ Lào trở về, đến nay toàn xã đã có hơn 20 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Còn tại xã Lộc Sơn, toàn xã đã có 7 trường hợp nhiễm HIV, chủ yếu độ tuổi từ 25-30. Trong đó, 2 người đã tử vong.
Để xuất ngoại bền vững
Theo ông Trần Ngọc Nhi - GĐ Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam: Toàn tỉnh số lao động đăng ký mỗi năm đạt khoảng 1.000 người, qua các khâu kiểm tra, số lượng chọn xuất khẩu giảm vài trăm trường hợp. “Họ muốn đăng ký thị trường “ngon”, ổn định, lương cao nhưng cái khó là tay nghề, trình độ của các lao động lại hạn chế nên không thể đáp ứng. Các thị trường khác nhiều người còn dè dặt.
Theo ông Nhi, tỉnh Quảng Nam định hướng 80% lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang Nga, Dubai, Lybia, UEA, Macao và chú trọng các thị trường có thu nhập cao như Singapore, Canada, Mỹ... Chọn lọc thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị lao động, đào tạo nghề kết hợp với tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động khi về nước là các giải pháp xuất khẩu bền vững đang được địa phương chú trọng.
“Phần lớn dân Phú Lộc mưu sinh khu vực Nam Lào. Theo quy định giữa Việt Nam - Lào, người dân chỉ cần làm hộ chiếu, do đó việc quản lý người dân đi đâu, làm ở đâu bên Lào cũng rất khó khăn. Từ 1 - 3 tháng người dân mới về đăng ký lại. Bên cạnh đó, do khó khăn, phức tạp về quy định cấp phép lao động của nước bạn, nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại đây không hoàn thành thủ tục pháp lý cho lao động. Người dân dễ bị bắt, phạt tiền vì không đảm bảo giấy tờ, điều kiện lao động. Có khi tỉnh phải sang nhận hàng chục người dân địa phương vi phạm. Sở đang vận động, tuyên truyền nhằm ngăn chặn tình trạng di dân ồ ạt này.” - Ông Châu Đình Nguyên, GĐ Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế |
Nguyễn Huy
- Lênh đênh mưu sinh viễn xứ (Tiền phong).Bài 1: Cầm giấy tờ giả vươn khơi
TP - Không phải ở đâu, xuất khẩu lao động cũng đổi đời. Đến những làng xuất ngoại dọc tỉnh, thành miền Trung lại nghe những tiếng thở buồn vì đời mưu sinh viễn xứ.
Tàu ngư dân Bình Châu đi hợp đồng xuất khẩu sang nước ngoài luôn ngay ngáy nỗi lo bị cò lừa (ảnh do ông Nam cung cấp). |
Bài 1: Cầm giấy tờ giả vươn khơi
Thôn Châu Thuận (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vốn nổi tiếng với thương hiệu nghề lặn đêm được xuất khẩu sang các nước Malaysia, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan... Nhưng bây giờ không còn cảnh tấp nập sau những chuyến đi tiền tỷ. Cả làng nhấp nhổm, lo âu trước tin tàu của ngư dân địa phương vừa bị phía nước bạn bắt giữ do không đảm bảo quy định khai thác hải sản. Hàng chục ngư dân làng chài ven biển này phải nhận quả đắng vì sập bẫy cò xuất ngoại khi vươn khơi.
Bị bắt vì giấy tờ giả
Tìm gặp chị Nguyễn Thị Tấn (43 tuổi), vừa có chồng và 2 con bị Malaysia bắt giữ, nghe đồn là bị lừa xuất khẩu. Chị Tấn đôi mắt thâm quầng, giọng khàn đặc: Có tin gì của chồng tôi à các chú? Gần tháng nay, tôi bặt vô âm tín, chẳng biết hỏi ai. Lần gọi duy nhất của anh Hồ Văn Sa, chồng chị là cách đây gần một tháng. Anh ấy mượn điện thoại của một ngư dân Việt Nam rồi điện nhanh về thông báo mình bị bắt.
Vừa ăn Tết âm lịch 2011 xong, anh Sa cùng hai con trai Hồ Văn Thạch, Hồ Văn Châu khăn gói lên tàu QNg 95599TS của thuyền trưởng Phạm Minh (27 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu) để làm chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Malaysia đánh bắt. Tàu có 14 thuyền viên. Khoảng hơn nửa tháng sau, ngày 6–3, chị Tấn nghe tin dữ, tàu anh Phạm Minh bị tàu tuần tra Malaysia bắt giữ vì không đủ điều kiện khai thác theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi vừa thông báo trường hợp tàu anh Phạm Minh bị bắt ở Malaysia hiện đang bị giam giữ tại đảo Migi. Trước mắt, ngành chức năng đang làm thủ tục để thuyền viên Ngô Văn Hiên (17 tuổi) chưa đủ tuổi quy định (18 tuổi) được trở về nước. Ông Hùng nói thêm: Qua tìm hiểu, tàu anh Minh bị cò lừa đảo thủ tục giấy tờ, không đúng theo yêu cầu của phía Malaysia nên bị bắt giữ.
Theo quy định, tàu xuất ngoại sang nước bạn phải đảm bảo các thủ tục pháp lý cần thiết: Giấy phép khai thác thủy sản; giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm; biên bản kiểm tra kỹ thuật hàng năm; sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá; tờ khai xóa đăng ký hoặc tạm ngừng đăng ký không đánh bắt tại vùng biển Việt Nam... với tiền chi phí tổng cộng trên dưới 15.000 USD. Bên cạnh đó, mỗi tháng đóng 30 – 45 triệu đồng tiền thuế cho phía Malaysia. Mỗi giấy phép khai thác có thời hạn 1 năm. Tàu cá khi hết hạn khai thác được phép làm thủ tục cấp lại và chỉ tốn 50% lệ phí ban đầu. Tùy theo sự phân định của đối tác Malaysia, các tàu sẽ được bố trí ngư trường tại những vùng đánh bắt khác nhau.
Chị Tấn kể: Tàu anh Minh cùng chồng chị được một người tên Danh ở Tiền Giang nhận làm thủ tục, giấy tờ. Cả gia đình lo vay mượn tiền 200 triệu đồng/1 người đi, cùng tiền chi phí cả ba bố con lên đến gần 1 tỷ đồng để hùn vốn đi với anh Minh. Giấy tờ được Danh nói là đã hoàn thành, cả tàu ra khơi, ai ngờ tới khi bị tàu tuần tra Malaysia kiểm tra mới tá hỏa đó là giấy tờ giả.
Hàng chục ngư dân làng chài Châu Thuận khác cũng sập bẫy cò. Theo ông Nguyễn Thành Nam, người trực Icom Gành Cả (Châu Thuận): Mấy năm nay, có khoảng 5-7 tàu bị cò lừa đảo giấy tờ nên bị phía nước bạn bắt giữ, tịch thu tài sản lâm cảnh khốn đốn.
Chị Tấn kể: Tàu anh Minh cùng chồng chị được một người tên Danh ở Tiền Giang nhận làm thủ tục, giấy tờ. Cả gia đình lo vay mượn tiền 200 triệu đồng/1 người đi, cùng tiền chi phí cả ba bố con lên đến gần 1 tỷ đồng để hùn vốn đi với anh Minh. Giấy tờ được Danh nói là đã hoàn thành, cả tàu ra khơi, ai ngờ tới khi bị tàu tuần tra Malaysia kiểm tra mới tá hỏa đó là giấy tờ giả. |
Ông Nguyễn Thanh Hùng nói: Xã chỉ tuyên truyền, nhắc nhở các ngư dân địa phương đảm bảo giấy tờ hợp lệ khi xuất khẩu. Một phần do dân trí của ngư dân còn thấp nên dễ bị cò lừa. Các trường hợp bị lừa giấy tờ, chúng tôi hướng dẫn để họ làm đơn kiến nghị công an kiểm tra, làm rõ.
Chị Tấn mong ngóng tin chồng con trở về. |
Rủi ro vì đi không chính ngạch
Theo Nghị định 33 (năm 2010) của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, tàu thuyền Việt Nam khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam, phải đảm bảo điều kiện an toàn, kỹ thuật, tiêu chuẩn vùng hoạt động; giấy phép cho tàu cá đi khai thác ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (do Tổng cục Thủy sản cấp). Trường hợp tàu cá hoạt động tại quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định hợp tác nghề cá với Việt Nam, phải có hợp đồng lao động…
Làng Châu Thuận thêm nghèo sau những đợt ngư dân bị bắt bớ vì sập bẫy cò xuất khẩu lao động. |
Lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTVBVNLTS, Tổng cục Thủy sản) cho hay, nếu đảm bảo các điều kiện trên, có hợp đồng khai thác hải sản giữa công ty Việt Nam và phía Cty bên Malaysia, được ngành chức trách nước này cho phép, ngư dân có thể tham gia khai thác ở Malaysia. Tuy nhiên, đến nay chưa có tàu thuyền Việt Nam nào được cấp giấy phép đi khai thác ở Malaysia. Do đó không đảm bảo theo quy định pháp luật. Lãnh đạo cục này cũng cho hay: Sắp tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT sang làm việc với lãnh đạo đồng cấp Malaysia xúc tiến xây dựng hiệp định hợp tác khai thác thủy sản giữa hai nước.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục KTVBVNLTS tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương chưa tiếp nhận trường hợp tàu thuyền nào xin đăng ký cấp giấy phép đi khai thác ở Malaysia. Phần lớn ngư dân đi “không chính ngạch” tự hợp đồng với các công ty ở Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua các đơn vị này, hợp đồng với công ty tại Malaysia để được cấp phép đánh bắt nên ẩn chứa nhiều rủi ro, dễ bị lừa, không đảm bảo đầy đủ các thủ tục giấy tờ đúng quy định.
Theo các ngư dân, do nhận thức hạn chế nên họ dễ bị các đối tượng “cò mồi” nhận làm thủ tục giấy tờ với giá hàng trăm triệu đồng nhưng không đảm bảo quy định. Ông Trương Quang Tưởng - GĐ Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi cũng cho hay: Những năm qua, sở tiếp nhận nhiều thông tin về tàu cá địa phương bị phía Malaysia bắt giữ. Nhiều trường hợp ngư dân cho rằng họ đi theo hợp đồng nhưng bị lừa. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần sớm kiểm tra, xác minh các công ty, đối tượng này nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho ngư dân.
Nguyễn Huy