Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Trung Quốc – thách thức của ASEAN

-Trung Quốc – thách thức của ASEAN
The Diplomat

Eddie Walsh
Ngày 20-5-2011
Kể từ thập niên 1970 khi Trung Quốc tách khỏi con đường xét lại của họ, châu Á nhìn chung đã được tận hưởng một thời kỳ hòa bình và ổn định chưa từng có tiền lệ, thoát khỏi mọi xung đột lớn. Tuy nhiên, như Giáo sư Hugh White ở Đại học Quốc gia Australia trong số nhiều người khác đã chỉ ra: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (hiện nay) đang bào mòn các nền tảng của trật tự khu vực”, cái trật tự xuất phát từ sự dàn xếp được với Trung Quốc. Ông gợi ý rằng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của khu vực duy trì hòa bình và ổn định lâu dài. Để tránh một sự sụp đổ hệ thống, các nhà nước cần xây dựng một trật tự mới và sau đó áp dụng nó theo một cách hòa bình. Điều này có thể có hoặc không đòi hỏi phải xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực mới, có tính công thức, cái mà cho đến nay vẫn có vẻ bị thoái thác. Dù có hay không thì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng đòi hỏi các nhà nước – đặc biệt những siêu cường – phải chấp nhận rằng “hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ mục tiêu quốc gia nào”.

Các nhà phân tích cho rằng những siêu cường đang lên thường trỗi dậy như những kẻ xét lại, hơn là như các siêu cường hiện đang tồn tại sẵn trong hệ thống quốc tế, bởi vì điều này tạo cơ hội để tái phân phối quyền lực một cách mạnh mẽ nhất từ những siêu cường hiện tại. Do đó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, vấn đề đặt ra là liệu họ có tìm cách xây dựng một trật tự mới trong quan hệ đối tác hay cạnh tranh với các cường quốc khác không. Quyết định này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – tổ chức vốn dĩ không có phương cách đương đầu với một Trung Quốc xét lại và do đó phải tìm cách phát triển trật tự hiện nay theo một cách dung hợp với Trung Quốc, nhưng không để Trung Quốc trở thành bá quyền khu vực.
Vậy Trung Quốc sẽ làm gì? Câu trả lời phụ thuộc vào việc chế độ hiện hành của họ liệu sẽ chấp nhận hay không tiền đề rằng hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ một mục tiêu quốc gia nào. Cho tới nay, Trung Quốc đã xúc tiến một số lợi ích cốt lõi mà họ “nhất thiết coi là không thể đàm phán và chắc chắn sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ”. Những lợi ích cốt lõi đó bao gồm chủ quyền của Trung Quốc, phát triển kinh tế xã hội, thống nhất lãnh thổ – liên quan tới Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Cũng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể xem các yêu sách về biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – ND) của mình là lợi ích cốt lõi, mặc dù họ cũng ngại nói ra điều đó một cách công khai. Mặc dù Trung Quốc thường xuyên tuyên bố là họ ưu tiên hòa bình và ổn định ở khu vực ngoại vi của mình, nhưng điều này chưa bao giờ được họ thể hiện ra như là một thứ lợi ích cốt lõi.
Từ quan điểm của ASEAN, phát triển kinh tế – xã hội nên thuộc diện quan tâm đặc biệt. Khái niệm lợi ích cốt lõi cho thấy là Trung Quốc bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ điều kiện kinh tế của mình – yếu tố đảm bảo tính chính đáng của chế độ. Lợi ích cốt lõi có lẽ bao gồm cả an ninh năng lượng và hệ thống truyền thông chiến lược trong khu vực của Trung Quốc. Xét giá trị kinh tế khổng lồ của biển Nam Trung Hoa và sông Mekong, ASEAN nên lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để tịch thu tài sản kinh tế của các nước thành viên, nhằm góp phần làm chế độ thoát khỏi tình trạng bất ổn trong nước, đặc biệt vào những thời kỳ khủng hoảng quốc nội nghiêm trọng. Do đó, bất chấp các nỗ lực theo đuổi giải pháp hòa bình gần đây, biển Nam Trung Hoa vẫn bị đe dọa đặc biệt, với việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt khẳng định chủ quyền hơn qua các yêu sách của họ.
Trật tự khu vực càng căng thẳng thêm do Trung Quốc đã gia tăng đáng kể khả năng theo đuổi những hoạt động gây hấn đối xứng và bất đối xứng nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ:
Hiện đại hóa quân sự: Sau khi tăng gấp năm chi phí dành cho quốc phòng tính theo giá trị thực kể từ giữa thập niên 1990 tới nay, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội ở một tốc độ vượt xa các nước thành viên ASEAN, trong đó có việc họ triển khai tên lửa đạn đạo chống tàu biển và các vũ khí tấn công tàng hình. Theo nhà phân tích Richard Bitzinger, Trung Quốc có vẻ cũng đang theo đuổi “một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực quân sự, do thông tin dẫn dắt”. Với việc phóng tầm sức mạnh hải quân và không quân vào biển Nam Trung Hoa và xa hơn nữa, hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên lợi ích về an ninh của ASEAN.
Chiến tranh thông tin: Năm 2009, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng “Trung Quốc đang xây dựng năng lực thực hiện chiến tranh trên mạng và sử dụng khả năng kỹ thuật ngày càng khá hơn của họ để thu thập thông tin tình báo Mỹ thông qua một chiến dịch tấn công máy tính tinh vi và kéo dài”. Những khả năng đó của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước thành viên ASEAN, trong đó nhiều nước thiếu nguồn lực để chống lại mối nguy này.
Phát triển sông Mekong: Trung Quốc triển khai hơn 12 con đập lớn trên dòng chính sông Mekong, và điều này, như Trung tâm Stimson đã lưu ý, “gây nguy hại đến an ninh lương thực và sinh kế, đe dọa ổn định trong nước, và gây áp lực lớn lên mối quan hệ khu vực vốn vẫn thiếu sự tin cậy lẫn nhau”. Hơn thế nữa, bằng việc kiểm soát dòng chảy thượng nguồn của dòng sông, Trung Quốc sẽ có khả năng ép buộc các nước ASEAN ở hạ nguồn sông Mekong.
Các biện pháp ấy không chỉ làm tăng khả năng gây sức ép của Trung Quốc đối với ASEAn, mà còn chầm chậm thay đổi cân bằng quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nếu trật tự khu vực yếu đi, điều này đến lượt nó lại gia tăng sự mất an ninh của các quốc gia ASEAN hiện nay – những nước đang tìm cách tự vệ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng các chương trình hiện đại hóa quân đội của chính họ, và gia tăng quan hệ quân sự song phương với những nước lớn bên ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Mặc dù Đông Nam Á chắc chắn sẽ phải đối đầu với các vấn đề an ninh nội khối – đặc biệt là xung đột giữa các nước thành viên, xung đột ly khai, và các mối quan ngại về an ninh phi truyền thống – nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc có lẽ sẽ là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của ASEAN trong hai thập niên tới. Nếu Trung Quốc thể hiện một ý chí chân thành muốn tăng cường minh bạch về quân sự, giải quyết các bất đồng bên ngoài lãnh thổ của họ thông qua các cơ quan đa phương (ví dụ, vấn đề biển Nam Trung Hoa thông qua ASEAN và vấn đề phát triển sông Mekong thông qua Ủy hội Sông Mekong), thắt chặt quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc về các vấn đề an ninh xuyên quốc gia (như là tội phạm xuyên quốc gia chẳng hạn), và hỗ trợ sự hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực có tính hình thức cao hơn, dựa trên công pháp quốc tế; khi đó việc chuyển dịch sang một trật tự khu vực mới có thể làm dung hợp một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, trong khi vẫn đồng thời làm giảm nguy cơ mất ổn định khu vực, và đảm bảo cho ASEAN duy trì quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bắt đầu đi một lối khác, khi đó hệ thống cân bằng quyền lực khu vực có thể sẽ thắng thế, mà các nhà phân tích cho rằng điều này có thể sẽ rất nặng nề đối với cả Trung Quốc lẫn các cường quốc khu vực khác, lại làm giảm ổn định và an ninh ở Đông Nam Á.
Trung Quốc sẽ theo con đường nào? Câu hỏi này chắc chắn phụ thuộc vào cả sự kết hợp giữa an ninh năng lượng trong nước và mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế, lẫn ý chí của Mỹ và các siêu cường khác – có hay không chấp nhận một trật tự khu vực mới nhường đáng kể quyền lực và ảnh hưởng cho Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Eddie Walsh là học giả trên cao học tại Khoa Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Johns Hopkins University, trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao (SAIS).
++++
Một số bình luận của độc giả (cuối bài viết tiếng Anh):
John Chan
21-5- 2011 at 3:33 am
Trong bài báo này Eddie Walsh coi kỷ nguyên của những công ước bất bình đẳng như là đường cơ sở cho ổn định ở Đông Nam Á, mọi sự thay đổi so với cái đường cơ sở đó đều là nỗ lực xét lại nhằm làm yếu đi trật tự khu vực ở Đông Nam Á. Eddie khẳng định rằng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, như biển Nam Trung Hoa, Đài Loan, v.v., phải được đưa ra khảo sát, nghiên cứu trên phạm vi quốc tế, làm bằng chứng để “chấp nhận tiền đề cho rằng hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ một mục tiêu quốc gia nào”. Đấy là tình cảnh trong thời đại của những công ước bất bình đẳng; các siêu cường đế quốc từ phương Tây cho chí Nhật Bản đều dính mũi vào công việc của Trung Quốc với những dụng ý đáng tởm. Cứ theo cái logic của Eddie thì, liệu chủ quyền của Mỹ, phát triển kinh tế xã hội, và thống nhất lãnh thổ – với Hawaii, California, và Texas – có phải đưa ra quốc tế nghiên cứu để chứng minh rằng Mỹ “chấp nhận rằng hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ một mục tiêu quốc gia nào” không?
Sau đấy Eddie lại vận động các nước ASEAN kiềm chân Trung Hoa bằng Mỹ, Úc, Nhật và Ấn; do khả năng quân sự yếu kém, các nước ASEAN sẽ chẳng là gì khác ngoài trở thành đám cỏ khô lau nòng súng cho bá quyền Hoa Kỳ ở châu Á. Tương lai của các nước ASEAN đều phụ thuộc cả vào Trung Quốc đấy; liệu Eddie có bao giờ tự hỏi mình một câu, rằng ASEAN được gì, trước khi ông ta nêu ra một ý kiến ngạo ngược như thế với các nước ASEAN không? Có lẽ Mỹ nên cung cấp F-35, chiến hạm Aegis và PAC-3 cho các nước ASEAN để để giải phóng họ khỏi cạm bẫy. Dường như trong lòng Eddie chưa bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của các quốc gia ASEAN.
Eddie có biết môi trường chính trị trước kia ở châu Á đã từng lệch lạc và thiếu tự nhiên, do Trung Quốc còn yếu không? Sự thay đổi trong môi trường chính trị hiện nay ở châu Á là tiến bộ của việc trở lại tình trạng bình thường, khi sức mạnh của Trung Hoa gia tăng tỷ lệ với kích thước của đất nước, bất kỳ ai cản bước sự tiến bộ này đều là chướng ngại vật, là chống lại lẽ tự nhiên, họ sẽ bị đè bẹp như con ếch dưới bánh xe lu (xe trải nhựa đường).
Các quốc gia ASEAN, Nhật, N.Hàn, Úc và Ấn nên học lấy thuyết Chugoku Shift của Ohmae Kenichi, cũng như là nghiên cứu áp dụng mô hình quan hệ giữa Mỹ và Canada, để biết cách làm thế nào tồn tại hòa bình cùng với Trung Quốc, và cùng thịnh vượng.
Eddie nên đi học thêm ở Imperial College ở London, để có thể viết báo về việc làm thế nào để Mỹ có thể rút lui khỏi châu Á một cách êm thấm như Anh rút lui khỏi châu Mỹ sau khi họ học được học thuyết Monroe.
*
Khách
21-5-2011 at 8:53 am
Nhất trí. Tôi đề nghị Eddie Walsh viết một bài báo về việc các nước Mỹ Latin, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Nga và Iran, có thể chống lại sự hung hãn ngạo mạn hống hách của đế quốc Mỹ như thế nào
+++++++
Khách
21-5-2011 at 9:28 am
Tôi chẳng tin ông Walsh có thể giải quyết nhiều vấn đề thế trong bài báo này. Ông ta đề cập tới Đài Loan, hay là cố gắng vận động các nước ASEAN ở đâu thế? (…) Rõ ràng Trung Hoa đã mang lại cơ hội và thách thức cho ASEAN – tôi không biết làm sao mà ông có thể đánh giá khác được. Ông cũng không chỉ ra rằng bá quyền Hoa Kỳ là giải pháp tối ưu – ông chỉ lập luận rằng khả năng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong việc phóng chiếu sức mạnh vào biển Nam Trung Hoa mà không làm minh bạch các dự định của mình, làm rõ họ muốn làm gì, sẽ đẩy các nước ASEAN đến việc cố gắng làm đối trọng với Trung Quốc hơn là chừa chỗ cho họ. Với tôi thì đây chính xác là những gì đang xảy ra.
Những comment trên rõ ràng phản ánh đúng cái mối lo ngại của ASEAN khi chấp nhận một Trung Quốc trỗi dậy. Quan điểm méo mó mà tôi cảm thấy ở các comment này dường như không phải là phản hồi về bài báo, mà thật ra là phản hồi với toàn bộ tư tưởng cho rằng các siêu cường phương Tây cũng nên có lợi ích trong vấn đề châu Á. Mặc dù quan điểm này có thể chỉ là của thiểu số, nhưng nó là vật cản lớn cho cuộc đối thoại chiến lược của Trung Quốc với ASEAN và các cường quốc Tây phương – như bài báo đã chỉ ra. Trớ trêu là điều này chỉ làm mạnh thêm thay vì làm yếu đi ảnh hưởng tương đối của các cường quốc bên ngoài (ví dụ phương Tây) ở châu Á.
Nói rằng Mỹ nên nghiên cứu quan hệ Mỹ-Canada để tìm cách cùng tồn tại hòa bình với Trung Quốc chỉ thuần túy là một sự hiểu nhầm nghiêm trọng vấn đề địa chính trị. Trên thực tế, đây dường như là hàm ý về một thế giới lưỡng cực, mà rõ ràng không phải vì lợi ích của ASEAN hay các cường quốc khu vực khác. Điều này càng làm rõ, nhấn mạnh thêm quan điểm cho rằng sự ổn định của châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây không phải là một tuyên bố miệt thị – không ai bảo là Trung Quốc đáng lên án cả. (Thậm chí có thể coi đây là chuyện bình thường). Nhưng viết như thế này chỉ để nói rằng ASEAN cần Trung Quốc minh bạch hơn, rõ ràng hơn các dự định của họ – cũng là quan điểm mà ông Walsh chia sẻ.
(…) Mối quan tâm của tôi khi đọc bài viết là nó đã không đề cập tới Ấn Độ – một nước cũng đang nổi lên. Thật thú vị khi nghĩ rằng một số nước ASEAN thích thú hơn là sợ hãi trước sự trỗi dậy của Ấn Độ. Tại sao thế?
Reply
*
John Chan
May 23, 2011 at 12:17 am
Thảo nào mà Trung Quốc chẳng đi đến đâu được. Cùng một bài báo mà có thể gây ra sự hiểu hoàn toàn ngược lại những gì tác giả viết. Ông Khách khẳng định là Trung Quốc có lỗi, gây căng thẳng nguyên trạng, nhưng mà các blogger Trung Quốc thì coi bài viết của Eddie Walsh chính là kích động Hiểm họa Trung Hoa, để gây thù địch ở các nước Đông Nam Á, nghĩa là cho dù Trung Quốc nói gì làm gì đi nữa thì cũng sai?
Căn cứ tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc thì thấy rõ là Trung Quốc muốn trỗi dậy hòa bình, và việc xây dựng quân đội là để bảo vệ chủ quyền. So với hỏa lực áp đảo của các lực lượng chống Trung Quốc (mà đứng đầu là Mỹ) thì Trung Quốc vẫn còn rất xa mới trang bị đủ để chống lại các mối nguy hiểm đó. Rõ ràng và đơn giản. Thế nhưng những nhóm thù địch với Trung Quốc vẫn cứ không chịu chấp nhận giải thích của Trung Quốc. Cái sự không chịu hiểu này thật khó hiểu.
Miệt thị quan điểm của giới blogger Trung Quốc, bóp méo họ thành một thiểu số mù quáng, bóp méo đề nghị thực tiễn là các quốc gia châu Á hãy cùng tồn tại trong hòa bình, đòi Mỹ tham gia và khẳng định kẻ ngoài cuộc ấy là nhân vật chủ chốt trong các vấn đề thuộc biển Nam Trung Hoa – chắc chắn đó chỉ là những tiểu xảo kinh điển do các lực lượng bài Trung Hoa thực hiện để xúc tiến ý đồ của họ.
Là một blogger Trung Quốc, tôi thấy rất may mắn khi được chứng kiến Trung Quốc đã và đang tiến lên theo một con đường rõ ràng, trỗi dậy hòa bình, và xây dựng quân đội hùng mạnh để bảo vệ chủ quyền.
++++++
Frank
May 21, 2011 at 12:26 pm
Eddie Walsh nên đọc thêm sách lịch sử. Nếu Trung Quốc muốn lấy Đông Nam Á, Trung Quốc đã lấy được từ lâu rồi. Suốt 1000 năm qua, Trung Quốc có hàng ngàn cơ hội chiếm Đông Nam Á.
5000 năm qua, Trung Quốc luôn luôn mạnh hơn bất kỳ nước Đông Nam Á nào.
Bây giờ, Trung Quốc đang trở lại vị thế lịch sử của mình khi trước. Không thỏa hiệp.
Reply
*
Observer
May 21, 2011 at 11:16 pm
Trung Quốc đã cố đã cố đã cố đã cố xâm lược Đông Nam Á (hãy xem Việt Nam) suốt vài nghìn năm qua và vẫn thất bại. Hãy nhớ chiến tranh biên giới năm 1979.
Nhật Bản cần tự vũ trang và dạy cho Trung Quốc một hai bài học.
Reply
+++++++
#
Frank
May 23, 2011 at 7:40 am
Nhật Bản dạy Trung Quốc nhiều bài học lắm rồi, suốt 100 năm qua
Người nào không học từ Nhật Bản, sẽ lại bị ăn đòn nữa, chắc chắn.
Lý do duy nhất khiến Trung Quốc là nước duy nhất tồn tại lâu nhất trên thế giới là vì Trung Quốc có thể học hỏi.
Trung Quốc thuộc sử hơn bất kỳ dân tộc nào.
Reply
+++++++++
Ngoa Long
May 23, 2011 at 1:04 am
Đó là lý do tại sao Trung Cộng phải bị kiềm chế. Các nước châu Á Thái Bình Dương hãy mở mắt to ra mà nhận ra rằng Trung Quốc ngày càng thể hiện mình rõ ràng hơn, như là một nước xét lại hung hãn, thèm khát được thống trị khu vực. Làm đồng minh với Mỹ và các nền dân chủ khác ở khu vực là cách duy nhất để họ bảo vệ chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ!
Reply
*
yang zi
May 23, 2011 at 3:33 am
Trung Quốc nên hợp tác với Campuchia và Lào để kiềm chân Việt Nam. Việt Nam phải trả lại đất cho Trung Quốc, Campuchia và Lào. Việt Nam là tên lưu manh trong khu vực, cần phải bị giám sát.
Haha, đùa đấy, khoét sâu thêm vào vết loét của mày.
Reply
o
Ngoa Long
May 23, 2011 at 5:33 am
Này Yangzi, nghiêm túc là Trung Quốc phải trả lại cho Việt Nam hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam. Mấy nơi đó từng thuộc về Việt Nam trước khi bị bọn phong kiến Trung Quốc xâm lược cướp đi. Nếu nói về cổ sử thì anh nên nói tổng thể chứ dừng chỉ nói về chương nào có lợi cho nước mình? Như thế công bằng chưa? Tham vọng bành trướng của Trung Quốc quá lớn đến mức các láng giềng và cộng đồng quốc tế không thể dung thứ và bỏ qua nữa đâu. Hãy nhớ sự thất thế và hèn hạ của đồng minh trước tham vọng bành trướng hung hãn của Quốc xã Đức và phát xít Nhật vào cuối thập niên 1930, dẫn đến sự bùng nổ Thế chiến II. Đừng có để lịch sử lặp lại lần nữa vào thế kỷ 21. Một điều nữa: Tại sao Trung Quốc không dám đòi lại vùng Viễn Đông của Nga và Siberia đi? Sợ Nga hả?
+++++
#
Frank
May 23, 2011 at 7:46 am
Nếu Trung Quốc nợ Việt Nam 2-3 tỉnh theo lịch sử, thì Việt Nam nợ Trung Quốc cả nước Việt.
Cái tên Việt Nam là do Hoàng đế Trung Quốc đặt cho một tỉnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên Trung Quốc không thèm Việt Nam. Việt Nam chả có giá trị gì với Trung Quốc cả.
Trung Quốc lại phải nuôi 80 triệu dân đói ăn à.
+++++++
#
John Chan
May 23, 2011 at 6:28 am
@Ngoa Long, Việt Nam không chỉ có thể có lại Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam đâu, mà còn có thể có cả nước Trung Hoa đấy, bằng cách trở về trong vòng tay Trung Hoa như ngày xưa. Sau khi sáp nhập vào Trung Hoa, Việt Nam cũng có thể xóa bỏ quá khứ ô nhục mà Pháp – một chủng tộc xa lạ – viết nên, mà phục hồi bản sắc văn hóa xưa kia của mình.
Ngoa Long, về với các anh chị em ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam đi.

Người dịch: Thủy Trúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang