Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Mường Nhé ký sự

-Mường Nhé ký sự: Đường lên Mường Nhé (18/05) 
 -Bài 1: Đường lên Mường Nhé

Trong những ngày tháng 5 lịch sử chúng tôi lên Tây Bắc, Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thành phố Điện Biên rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng và chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Điện Biên và cả Tây Bắc sống lại không khí hào hùng của Điện Biên năm xưa. Cũng từ Điện Biên chúng tôi “ngược đường” lên huyện biên cương Mường Nhé, nơi có điểm cực Tây của Tổ quốc, cột mốc trên A Pa Chải thiêng liêng, định phận ranh giới ba nước Việt - Trung - Lào. Đây mới thực là nơi cuối trời Tây Bắc…



Đường máng dẫn nước của công trình đến các ruộng, nương của đồng bào. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.

Trên toàn tuyến biên giới của nước ta suốt từ Bắc vào Nam chỉ có ở 2 nơi, đường biên giới hợp lại thành ngã ba như một kỳ quan của địa lý. Một ở xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) với cụm biên giới 3 nước Việt – Lào – Campuchia. Điểm còn lại chính là xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên), điểm cực Tây Tổ quốc với cửa khẩu A Pa Chải và mốc tam giác biên giới Việt – Lào – Trung Quốc. Cách xa Thủ đô gần 800km đường đồi núi nguyên sơ, những địa danh như A Pa Chải hay Khu Bảo tồn thiên nhiên lớn nhất miền Bắc và những cung đường bám bản, ôm núi, xuyên rừng đã làm nên một Mường Nhé đậm đà dư vị quyến rũ của vùng đất Tây Bắc hùng vĩ, hiên ngang.

Mặc dù đã cẩn thận xắn quần lội quá nửa con suối để dò độ sâu, anh lái xe vẫn gồng mình trên chiếc vô lăng, mắt dán chặt xuống đường. Phía trước kính lái, tầm nhìn bằng không bởi sương mù và cây rừng đan dày đặc, chiếc xe dã chiến Land Cruiser nẩy từng bước khó nhọc, nối đỉnh những viên đá cuội dưới lòng suối thành những đường zíc zắc tiến về phía trước. Đằng sau ghế lái, đoàn công tác nín thở, chỉ có tiếng rì rầm đến kỳ bí của dòng suối Nậm Là chảy vắt ngang xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Đường đến đâu, nhà mọc tới đó
Từ thành phố Điện Biên Phủ, vào đến trung tâm huyện Mường Nhé, nhìn trên bản đồ, tuyến đường như sợi chỉ nhỏ xuyên qua từng mảng rừng, khóm núi, từng con suối, con sông. Đây là quãng đường vành đai biên giới phía Bắc dài 220km. Nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng do vốn chỉ được thiết kế cho xe dưới 5 tấn nhưng trên thực tế, tuyến đường liên tục có những đoàn xe siêu tải trọng đến hàng chục tấn lưu thông. Trên toàn tuyến, rất nhiều chỗ có cảnh giữa bốn bề rừng xanh núi thẳm, những chiếc máy xúc, máy ủi công suất lớn ngày qua ngày bạt núi, cắt đồi. Hiện Mường Nhé cũng là địa phương duy nhất có 1 xã (Na Cô Xa) trong tổng số 112 xã trên toàn tỉnh Điện Biên chưa có đường ô tô vào đến trung tâm. Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, Trần Anh Tuấn kể, có đường như vậy đã là tốt lắm rồi, mới chỉ 3-4 năm trước, muốn đi từ thành phố đến đây, phải dùng ngựa, mang theo lương thực, củi lửa để chuẩn bị cho cuộc hành trình bằng ngựa cắt núi, xuyên rừng 7 ngày, 7 đêm liên tục. Ông Tuấn chia sẻ, khỏi phải nói ích lợi từ khi có đường giao thông, người dân trên địa bàn huyện, với 70% là đồng bào dân tộc Mông, nhiều gia đình đã bỏ địa điểm sinh sống từ khu vực rừng núi, hiểm trở xuống dựng nhà, làm ruộng dọc theo hai bên đường. Cũng từ đó, nhiều hộ đã có thêm nghề kinh doanh, buôn bán, nạn chặt phá rừng, đốt rẫy làm nương, hủ tục lạc hậu cũng bớt đi và quan trọng là đời sống nhân dân dần được cải thiện. Hàng hóa, nhu yếu phẩm, ấn phẩm văn hóa xuất hiện ngày một nhiều. Việc thăm thân, nhu cầu đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn trước. Đường giao thông còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị các cấp của huyện. Ông Sừng Sừng Khai, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu “khoe” với chúng tôi: Qua bao năm mong đợi, trông ngóng, cuối cùng đường giao thông cũng đến được xã ngã ba biên giới này. Trước đây, mỗi khi cần mua nguyên vật liệu làm nhà, mua phân bón, đồ dùng sinh hoạt gia đình... bà con phải sang nước bạn Trung Quốc. Nay đường lớn đã mở, bà con mua sắm xe máy về chợ huyện sắm sửa đồ dùng, tình hình an ninh trên tuyến biên giới được kiểm soát tốt hơn.

Xây tường bao chống sạt lở trên đường giao thông từ Trung Chải đi A Pa Chải. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN.
Mấy chục năm phá núi, mở đường trên núi rừng Tây Bắc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên Nguyễn Đình Giang tâm sự, phải chia gần 4.900km đường trên tổng cộng 588 tuyến giao thông Điện Biên thành hai loại, đường “hai mùa” và có đến 40% đường chỉ đi lại được vào mùa khô. Bởi đặc thù địa hình đồi núi, các tuyến giao thông nông thôn trên này chất lượng đều thấp, chủ yếu là đường đất, công trình tạm. Vào mùa mưa, hệ số an toàn giao thông thấp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao khiến các phương tiện không dám mạo hiểm.

Điện Biên có tất cả 360km quốc lộ chia thành 3 tuyến chính: Quốc lộ 6, quốc lộ 279 và quốc lộ 12. Số đường liên xã ô tô đi được chỉ là 288 tuyến. Còn lại là đường dân sinh phường, thôn, bản, đường mòn chỉ dành cho ngựa thồ và người đi bộ.

Giao thông hỗ trợ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế
Tuyến vành đai biên giới phía Bắc, nối từ trung tâm thành phố Điện Biên đến tận cửa khẩu A Pa Chải đi qua các chặng: Na Pheo – Si Sa Phìn 47km; Si Sa Phìn - Mường Nhé 172km và chặng Mường Nhé - Pắc Ma – A Pa Chải 80km. Riêng đoạn Si Sa Phìn - Mường Nhé, hiện được Sở Giao thông vận tải Điện Biên tập trung tối đa lực lượng triển khai thực hiện dự án nâng cấp, điều chỉnh kết cấu mặt đường và cải tạo các đường cong bán kính nhỏ cho phù hợp với mật độ tham gia giao thông thực tế đang liên tục gia tăng. Lý do phải ưu tiên tập trung vốn để hoàn thiện nhanh dự án này, theo ông, đây là chặng quan trọng nhất trên toàn tuyến vành đai biên giới phía Bắc – cung đường có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh biên giới.

Theo ông Giang, năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí vốn 41 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên đã có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn cho dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (có thể xin cho tạm ứng kế hoạch năm 2012) với mức 200 tỷ đồng để gấp rút hoàn tất dự án, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuyến đường vành đai biên giới phía Bắc được hoàn thiện, nâng cấp, sẽ chắp nối được với hệ thống đường dân sinh hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, khép kín, liên hoàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng. Mặt khác, đây cũng là tuyến đường nối liền thông thương ra cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú, là cơ hội để phát triển kinh tế cửa khẩu, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, huyện Mường Nhé và cả tỉnh Điện Biên.

Quang Vinh - Quang Vũ -Mường Nhé ký sự: Chuyện ở bản Huổi Khon (19/05)
 -
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi lên Tây Bắc, Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thành phố Điện Biên rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng và chào mừng ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Điện Biên và cả Tây Bắc sống lại không khí hào hùng của Điện Biên năm xưa. Cũng từ Điện Biên chúng tôi “ngược đường” lên huyện biên cương Mường Nhé, nơi có điểm cực tây của Tổ quốc, cột mốc trên A Pa Chải thiêng liêng, định phận ranh giới ba nước Việt - Trung – Lào. Đây mới thực là nơi cuối trời Tây Bắc…
Bài II: Chuyện ở bản Huổi Khon
Huổi Khon là một bản của người Mông di cư đến từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La và một số nơi khác, thuộc xã Nậm Kè, cách trung tâm huyện Mường Nhé 30 km về phía tây nam. Từ đường trục Điện Biên - Mường Nhé rẽ vào bản là một con đường đất rộng, ô tô đi lại dễ dàng nếu trời không mưa.
Vượt qua những đèo dốc cheo leo, có thể nói là khá hiểm trở, chúng tôi vào đến Huổi Khon.

Bình yên đã trở lại bản Huổi Khon. Ảnh: Trọng Đức

Như những bản người Mông của vùng Tây Bắc, Huổi Khon khá êm đềm đồng thời cũng rất hùng vĩ, bởi bản nằm trên núi cao, lại trong vùng rừng bảo tồn của huyện Mường Nhé. Những căn nhà lợp ngói, lợp tôn xuất hiện dưới lòng thung thật khác với hình dung của chúng tôi về một bản người Mông ở vùng sâu, vùng xa. Trưởng bản Sùng A Kỷ nói: “Những căn nhà kiên cố này là tiền của Nhà nước cho dân một nửa và cho vay một nửa. Cả bản, nhà nào cũng có cái mái nhà lợp tôn rồi, không còn cái nhà mái lá cứ có mưa là dột, có gió là tốc lên. Có cái nhà kiên cố dân đỡ khổ rồi”. Nhưng chúng tôi lại nghe người Mông bản Huổi Khon vừa tập trung đông người? Tôi hỏi. – Cái này thì có rồi nhưng không phải dân bản Huổi Khon đâu, cả bản có 97 hộ nhưng chỉ có 4 hộ đi theo thôi, còn dân các nơi tụ tập về, ở đây này…

“Ở đây này” là điểm cao 628 cách bản Huổi Khon 1 km về hướng tây trên trục đường từ xã Quảng Lâm đi về bản. Nơi chúng tôi đang đứng với vài ba quả đồi trọc, hay nói đúng hơn là những ngọn núi không còn cây. Tại đây trong mấy ngày đầu tháng 5 nhiều người dân, cả người già, trẻ em và thanh niên ở các xã lân cận trong huyện như Na Cô Sa, Nà Bùng, Pa Tần, Quảng Lâm, Nà Khoa, Mường Toong kéo về tụ tập. Trong số những người kéo về Huổi Khon, có lúc lên đến cả ngàn người, có nhiều người ở các huyện khác, tỉnh khác, dùng cả xe máy đổ về đây, làm lán trại trên đồi.

Thào A Sứa, 25 tuổi một trong những người bị dụ dỗ đến Huổi Khon. Ảnh: Trọng Đức

Nghe chuyện dân tập trung đông người, những kẻ thiếu thiện chí và không khách quan lập tức phao tin rằng, ở đó có thể xảy ra “bạo động” hoặc ít nhất thì cũng là “khiếu kiện tập thể” để đòi lại “công bằng”. Nhưng hóa ra, đa số người Mông kéo về bản Huổi Khon lại là vì bị lôi kéo bởi những luận điệu lừa mị của kẻ xấu.

- Anh đến Huổi Khon làm gì? Tôi hỏi Giàng Xuân Thinh, sinh năm 1988, ở cách Huổi Khon 30 km.

- Mình nghe người ta nói đến đây sẽ được cho đất, cho vàng.
- Ai cho?
- Cái này mình không biết đâu, chỉ nghe nói thế thôi mà.
- Nhà anh có nhiều trâu bò không?
- À mình có 11 con trâu, 11 con bò.
- Một năm làm được nhiều thóc không?
- Mình cũng có 100 bao thôi (1 bao là 50 kg- P.V).
- Anh có mua xe máy không?
- Có, cái xe máy 23 triệu kia kìa, còn cái ti vi có 2 triệu thôi.
- Vậy là anh có nhiều trâu, nhiều ruộng, giàu rồi, sao còn đi xin đất, xin vàng nữa?
- Ồ không có vàng, không có đất đâu, mình sai rồi, sau này không đi nữa.

Số người kéo về Huổi Khon mỗi người nghe theo một “cái lý” khác nhau. Muốn hiểu rõ nguyên nhân đích thực của vụ tập trung đông người tại Huổi Khon, tôi đặt vấn đề với ông Giàng A Ly, người dân tộc Mông hiện là Chủ tịch HĐND xã Nậm Kè, rằng, chẳng lẽ chỉ là lời hứa cho đất, cho vàng mà dân tin ngay hay sao? Ngoài một số dân của một số xã, bản của huyện Mường Nhé còn dân từ Lai Châu, Lào Cai, thậm chí còn một vài người từ Đắk Nông, Đắk Lắk. Họ đến đây làm lán rồi chốt chặn không cho cán bộ và cả dân địa phương vào để họ thành lập cái gọi là “vương quốc Mông”. Ông Giàng A Ly nói. Nhưng bản Huổi Khon này cũng là một bản của người Mông mà vì sao chỉ có 4 hộ đến đây tụ tập, còn những hộ khác không đến và có đến cũng không cho vào? – Thì đây này, ông Giàng A Ly chỉ vào một gia đình người Mông sống trên đỉnh đồi nơi là “trung tâm” của vụ tụ tập mà rằng, dân các nơi luồn rừng lội suối về đây tụ tập mà gia đình này nó phản đối, có theo đâu!

Chiến sĩ công an đang làm thủ tục bàn giao xe máy cho Giàng Xuân Thinh (bên trái). Ảnh: Trọng Đức
Một người Mông “lọt”được vào cái “vương quốc lán trại” ấy đã nói với chúng tôi rằng, không thể hiểu được hàng ngàn con người, hàng trăm lán trại dựng lên tạm bợ để họ hy vọng, trông chờ cái gì. Nhưng cái mà tôi nhìn thấy là mỗi người vào khu vực này đều phải đóng góp tiền của, đổi lại mỗi ngày được phát hai bát gạo tự nấu nướng lấy ăn; cuộc sống tạm bợ đã khiến nhiều người ngã bệnh. - Vậy thì “động lực” nào đã thúc đẩy họ? – Không phải tất cả người Mông theo đạo đều đến đây, nhưng tất cả những người đến đây đều theo đạo. Những kẻ lợi dụng tôn giáo đã tuyên truyền về ngày tận thế, về xuất hiện “đấng cứu thế”; thậm chí chúng còn tung tin đồn sắp có chiến tranh! Những luận điệu đó đã làm cho người thì tin mà theo, người thì sợ mà theo. Rõ ràng những kẻ xấu đã không từ bỏ một thủ đoạn tuyên truyền nào để dụ dỗ những người nông dân thật thà, chân chất đi theo những mục tiêu phá hoại của chúng.

Nhưng ngay tại bản Huổi Khon, dưới lòng thung của “vương quốc lán trại” kia, có nhiều người Mông theo đạo nhưng không tin những luận điệu đó. Ví dụ như ông Giàng A Hù, 48 tuổi.
- Ông theo đạo lâu chưa?
- 6 năm nay thôi.
- Vì sao ông theo đạo?
- Tôi di cư từ Sa Pa đến đây không có nhiều người thân nên theo đạo phòng khi sau này đau ốm có người giúp đỡ, khi chết còn có người đến. Nhưng mà…
- Sao?
- Tôi theo đạo nhưng không từ bỏ phong tục người Mông, tôi vẫn uống rượu và ăn tiết canh đấy.
- Ông ở ngay chỗ người dân ở xa kéo về đông, vậy có ai đến bảo ông lên đồi làm lán trại để tụ tập không?
- Có đấy nhưng mình không theo đâu.
- Vì sao?
- Vì mình thấy người ta đến đây chặn các ngả đường không cho dân bản đi lại thì mình thấy họ sai rồi. Mình không theo cái sai.

Hàng ngàn người tin theo cái sai đã kéo về đây để rồi chính họ nhận ra cái sai. Vì thế một khi chính quyền địa phương cử cán bộ đến tuyên truyền, giải thích những luận điệu sai trái của kẻ xấu thì người dân đã tự giải tán. Những người ở gần thì tự đi về nhà sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ 200.000 đồng cùng các nhu yếu phẩm, còn những người ở xa ngoài huyện, ngoài tỉnh thì được chính quyền địa phương cấp cho 300.000 đồng và nhu yếu phẩm, cho xe đưa về tận nhà. Sau vài ngày, toàn bộ đồng bào đã về đến nhà và quay lại với mùa nương rẫy.

Huổi Khon đã trở lại bình yên. Trên ngọn đồi trọc còn trơ ra một vài lán trại, chứng tích của một sự cả tin mà đằng sau đó là những âm mưu đen tối của những kẻ mong muốn gây mất ổn định an ninh chính trị và an toàn xã hội trên vùng biên cương cực tây của Tổ quốc.

Quang Vinh – Quang Vũ

-Mường Nhé ký sự: Tôi bị lừa (20/05)
-
Không chỉ có những người Mông từ nhiều nơi đến tụ tập tại bản Huổi Khon sau khi được chính quyền, đoàn thể vận động, giải thích đã nhận ra cái sai của mình do bị kẻ xấu lôi kéo, kích động mà ngay đến cả những đối tượng trực tiếp tham gia vào vụ việc cũng chợt bừng tỉnh, thảng thốt nhận ra, mình đã bị lừa.

Phóng viên TTXVN phỏng vấn Giàng Xuân Thinh, sinh năm 1988 ở xã Nà Khoa (Mường Nhé) nghe lời kẻ xấu tham gia gây rối,sau khi được cán bộ giải thích đã ân hận quay về nhà cùng gia đình làm ăn. Ảnh: Trọng Đức

Tiếp xúc với Cư A Báo sinh năm 1976 (Dân tộc Mông), ở thôn Chư Rắc, xã Cư Đê Răng, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc, là một trong những đối tượng manh động chốt chặn nơi rào chắn đi vào bản Huổi Khon mới thấy rõ sự thật đằng sau những lời hứa hẹn, dụ dỗ mà kẻ xấu rêu rao, tuyên truyền với bà con. A Báo kể, thời gian ở Đắc Lắc, Báo nghe lời dụ dỗ tập trung ra Tây Bắc (bản Huổi Khon, Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên) lập đài cầu nguyện “thế lực siêu nhiên”. Theo lời của những kẻ dụ dỗ, ai ra sẽ có tiền, đất đai, nhà cửa và chức sắc. A Báo và gia đình đã bán hết tài sản được hơn 30 triệu đồng rồi rong ruổi hành trình ra Mường Nhé từ trung tuần tháng 3/2011. Tại bản Huổi Khon những ngày tụ tập, A Báo và gia đình đã tiêu hết toàn bộ số tiền 30 triệu đồng bán nhà. A Báo buồn bã: Trong những ngày tụ tập, nắng nôi, mưa gió, cuộc sống sung sướng theo như lời dụ dỗ thì chẳng thấy đâu, vào nơi tụ tập thì cơm ngày 2 bữa chẳng đủ no, nước không đủ uống, nằm ngủ dưới đất không có chăn đắp, nhiều người bị ốm đổ bệnh mà không được cứu chữa. Nhiều người đòi về nhà thì bị đánh đập, cưỡng bức phải ở lại…

Xoa đôi bàn tay thô ráp của một chàng trai Mông ham lao động, A Báo rành rọt: Bây giờ thì A Báo cùng với nhiều người đã nhận ra là mình đã làm sai pháp luật, đi theo những lời dụ dỗ, lừa phỉnh. A Báo hối lỗi: “Mình sống lương thiện thôi, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu nữa”.

Cũng giống như A Báo, Hầu Seo Chú, sinh năm 1993, ở thôn Cư Rang, xã Cư Pươi II, huyện Krông Bông, Đắc Lắc thổ lộ: “Mình biết mình sai rồi, mình bị lừa rồi mà, giờ mong sao được sớm trở về nhà, lên rẫy, làm nương, bù lại những ngày bỏ nhà, bỏ cửa”.

Cảnh nhếch nhác của những đứa trẻ trong một gia đình ở Huổi Khon có bố nghe và đi theo kể xấu vẫn chưa trở về. Ảnh: Trọng Đức

Phải khẳng định rằng, người Mông vốn thật thà, chất phác, tốt bụng và dễ tin. Lợi dụng tập tính này, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử xấu luôn tìm các thủ đoạn kích động, lôi kéo, dụ dỗ bằng đức tin, bằng cơm ăn, áo mặc thậm chí cả chức quyền để lừa gạt họ nhằm thực hiện các ý đồ đen tối. Sự việc tụ tập vừa rồi tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè với những cảnh đời từ có nhà cửa đàng hoàng bỗng chốc trắng tay như Cư A Báo và hàng trăm gia đình khác trong vụ việc trên là một minh chứng rõ ràng.

Bốn ngày sau khi những người Mông tự giác giải tán khỏi khu vực bản Huổi Khon, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường. Người lớn trong gia đình thì tiếp tục đi rẫy, làm nương, trẻ em thì lại cắp sách đến trường học cái chữ.

Chứng kiến những người dân đầu tiên về bản tụ tập, lập chốt ngăn người qua lại đến lúc hàng ngàn người dân tự giác tháo dỡ lán trại, trở về quê hương, trưởng bản Huổi Khon, Sùng A Kỷ cũng phải thốt lên, không hiểu nổi bà con tụ tập ở đấy sống làm sao, lúc về ai nấy trông đều đói khổ lắm, có đứa ốm quá, không đi được cứ đòi uống nước, rồi xin cái ăn. Cái lán bé thế, thường ngày chỉ hai ba đàn ông nằm trông nương vậy mà có đến 20-30 người ở.

Rồi có cả phụ nữ, đẻ con ở đấy nữa, có cả đứa tàn tật, bò dưới đất, có cụ già đến cả trăm tuổi, đi không nổi, phải cõng trên lưng, khổ sở lắm mà.
Mặc dù có nhà trong bản Huổi Khon, ngay dưới chân hai quả đồi, nơi hàng ngàn người vừa tụ tập, nhưng chàng trai Mông, Giàng A Phà, sinh năm 1978 vẫn kiên quyết không tham gia “cái sai” của đám người ngày ngày hô hào ngay trên “nóc” nhà mình. Gặp Phà đang vui vẻ ngồi tết tóc cho đám con gái nhỏ dưới hiên nhà, Phà kể, những ngày đám người tụ tập kia ở đây, ngày nào cũng có vài chục người vào nhà Phà, ngang nhiên uống nước, rồi chiếm cả giường của bố Phà để ngủ lại. Phà nói mãi, họ vẫn chẳng nghe, cứ ăn ở như là chính nhà mình vậy. Những ngày ấy, nhà Phà hết cái nấu cơm, Phà xin họ cho đi lấy củi, mà những người ở chốt không cho ra, Phà đi làm nương, họ cũng chẳng đồng ý. Trước khi họ đến, nhà Phà có dăm sáu chục con gà, giờ họ đi, đàn gà lớn ấy chỉ còn có ba, bốn chục con thôi. Ba con lợn to thì đâu mất, không thấy chúng nó về nhà nữa, Phà đi tìm mấy ngày rồi không thấy, buồn lắm mà.

Hỏi Phà, tại sao không lên đồi, tụ tập với những người trên đó, Phà trả lời không chút suy nghĩ, đói khổ thế, có gì ăn đâu, ở đông quá, cái chăn không có đắp, cái áo chẳng có mặc, phải bán cả nhà cửa ruộng nương, Phà có vợ có con, phải lo chứ, Phà không lên đó đâu.

Những lán trại mà nhóm người gây rối để lại tại bản Huổi Khon. Ảnh: Trọng Đức
Cũng như Giàng A Phà, ông Giàng A Co, sinh năm 1960, nhà trên bản Huổi Khon bức xúc: “Hồi tối 29/4, có 4 người đàn ông lạ mặt đến nhà tôi, tôi không biết họ từ đâu tới và không biết tên tuổi của những người này. Họ tự ý vào nhà mang theo 2 cây đàn oóc – gan, âm ly, loa đài, dây điện, lương thực (thóc gạo). Họ cử hai người thanh niên gác ở cửa, không cho gia đình tôi đi lại ra khỏi khu vực bản. Người trong nhà tôi khi đi ra vào cửa đều phải xin phép số người này…”. Từ lúc đám người Mông lạ mặt vào bản, cả nhà ông bị mất gần 20 con gà, mất cả dao rựa làm rẫy…

Giàng A Dơ, sinh năm 1986, nhà ở bản Huổi Khon nói: Cuộc sống chúng tôi đang yên lành thì có nhóm người Mông lạ mặt tới, chôn can xăng khoảng 20 lít sau nhà và đặt máy xát lúa trước nhà. Họ lập các trạm ba-ri-e chốt chặn không cho chúng tôi ra vào bản như thường ngày. Họ chiếm nhà và lập lán trại xung quanh nhà. Hàng ngày, buổi sáng, buổi trưa và tối họ đều bật loa đài hát hò, cầu nguyện kinh thánh… Họ lập đài, cầu nguyện và đưa ra một số yêu sách đối với chính quyền. Dơ phân bua: “Bản thân tôi có bị họ ép tham gia nhưng giờ đã nhận thức những điều họ nói là không đúng, nên tôi không cho vợ con nghe theo lời tuyên truyền của họ, tôi không nghe lời dụ dỗ, ngày ngày sẽ chăm chỉ lên nương, làm rẫy để nuôi vợ, nuôi con”.

Những việc làm sai trái của các đối tượng cầm đầu, xúi giục kích động bà con người Mông kéo về bản Huổi Khon tụ tập không chỉ gây bức xúc cho những người trong bản mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cả những người dân ở khu vực lân cận.

Ngưng bữa cơm trưa bên nương, bác Vàng Văn Kéo, 71 tuổi ở bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, sát bản Huổi Khon bực bội nói: “Những người tụ tập trái phép ở bản Huổi Khon đã vi phạm pháp luật, gây cản trở cho chính quyền địa phương, ngăn cản việc đi lại, làm ăn của bà con trong xã. Tôi mong bà con từ nay về sau đừng nghe lời kẻ xấu lôi kéo, yên ổn làm ăn, đừng bán nhà, bán ruộng, tụ tập về đây để chịu cảnh đói khổ, ốm đau. Người Mông là những người tốt bụng, tin Đảng, tin Chính phủ, họ chỉ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo nên mới làm những việc vi phạm pháp luật thôi”.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc ở Huổi Khon vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng khẳng định, thực ra, những người dân tụ tập trong vụ việc trên, hầu hết đều là người tốt, chỉ có một số nhỏ là có biểu hiện quá khích. Khi cán bộ của chính quyền và các đoàn thể quần chúng vào vận động thì chỉ sau hơn 1 tiếng, bà con hiểu rõ sự việc và tự giác trở về nơi sinh sống. Bà con cũng đã rất đồng tình với việc cơ quan chức năng tạm giữ các đối tượng quá khích. Nhưng đến nay, các đối tượng bị tạm giữ cũng đã được trở về địa phương vì chính họ cũng bị kích động đứng ra lôi kéo nhân dân. Bà con từ những tỉnh, thành khác sau khi được đưa trở về nhà an toàn rất phấn khởi; bà con nói rằng, từ nay trở về sau sẽ không nghe theo những lời dụ dỗ như vậy nữa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết: “Qua sự việc này cho thấy, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đều nhận thức rằng làm sao phải chăm lo tốt hơn nữa đời sống của nhân dân để bà con yên tâm sinh sống ổn định, lao động, sản xuất. Sự việc vừa qua cũng cho thấy rõ âm mưu của những kẻ xấu đã lừa gạt đồng bào, gây ra nhiều nỗi khổ, khó khăn, vất vả cho đồng bào khi tập trung về đây. Chúng tôi cũng rất mong muốn bà con nhận thức rõ vấn đề, tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, kiên quyết không nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu.

Quang Vinh-Quang Vũ

- Mường Nhé ký sự: Rừng và người (Tin tức).

 -
Mường Nhé là một huyện biên giới có tổng diện tích tự nhiên gần 250 ngàn ha, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Khơ mú, Cống, Kháng, Dao, Kinh… cư trú trong 16 xã. Mường Nhé cũng là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên lên đến 45,5 ngàn ha, trong đó gần 28 ngàn ha đất có rừng trải dọc biên giới Việt – Lào trên địa phận của 5 xã Sin Thầu, Chung Chải, Leng Su Sin, Mường Nhé, Nậm Kè. Đây được xem là khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều loại động thực vật quí hiếm có tên trong sách đỏ, đồng thời cũng là khu vực rừng đầu nguồn sông Đà phía Việt Nam.

Những cánh rừng bị đốt tại huyện Mường Nhé (ảnh chụp ngày 10/5/2011). Ảnh: Trọng Đức-TTXVN

Bằng trực quan của mình, chúng tôi thấy suốt từ Mường Chà lên đến biên giới A Pa Chải thuộc xã Sán Thầu, dài hơn 100 km là đường rừng theo đúng nghĩa. Đường vắt qua đèo cao, cheo leo bên vực sâu, trong tiếng vi vu của đại ngàn. Hai bên đường hiện ra những cánh rừng hùng vĩ. Mường Nhé vượt trội hơn các huyện miền núi khác của Tây Bắc về tài nguyên rừng. Những loại gỗ quí như pơmu, thông tre, giổi thơm, lát hoa… là xuất xứ từ những cánh rừng này; trong rừng còn có đến 55 loài động vật, trong đó còn cả bò tót, hổ, gấu, báo, vượn đen…

Nhưng vì sự giàu có này mà rừng bảo tồn Mường Nhé đang đứng trước nguy cơ từ rừng giàu biến thành rừng nghèo, thậm chí bị mất trắng vì dân di cư tự do (DCTD). Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Trần Anh Tuấn trong cuộc trao đổi với chúng tôi đã bày tỏ rõ những mối lo ngại về vấn đề này; rằng trong tổng số hơn 55 ngàn dân của huyện thì số dân DCTD đến Mường Nhé chiếm hơn 50%, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh bạn đến.

Để có một cái nhìn khái quát về vấn đề DCTD chúng tôi đã trao đổi với nhiều cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Điện Biên và huyện Mường Nhé, gặp gỡ những cán bộ trực tiếp xử lý vấn đề hàng ngày, tham khảo ý kiến của các nhà quản lý và cả người dân.

Có thể lấy mốc thời gian là năm 1998, năm mà dân DCTD bắt đầu tập trung vào huyện Mường Nhé. Từ 1998 đến nay có thể chia làm 3 giai đoạn với những diễn biến khác nhau. Giai đoạn 1998-2002 có gần 25 ngàn người di cư đến Mường Nhé tìm những địa điểm đất đai màu mỡ, có nguồn nước để khai hoang sản xuất. Thời kỳ này những hộ dân DCTD đến là tìm nơi sinh sống tốt hơn nơi ở cũ, chưa có ảnh hưởng nhiều đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đa số dân di cư giai đoạn này đã ổn định cuộc sống, có hộ khẩu thường trú, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước theo các chương trình, dự án cụ thể.


Những cánh rừng đang bị đốt tại huyện Mường Nhé.(ảnh chụp ngày 10/5/2011). Ảnh: Trọng Đức-TTXVN
Giai đoạn 2003-2007 dân DCTD vào Mường Nhé với gần 7.200 người, họ chọn nơi xa dân cư nhưng thuận lợi về nguồn nước để phá rừng làm nương. Như vậy có thể nói, từ những năm này rừng không còn là cái nôi che chở cho đất, cho người nữa mà đã trở thành “đối tượng” để những người DCTD khai thác, tàn phá. Giai đoạn từ 2007 đến nay có 8.674 người DCTD với thành phần rất phức tạp. Đa số các hộ gia đình này di cư vào vùng sâu vùng xa, vùng biên giới thuộc 14/16 xã của huyên Mường Nhé. Những hộ dân này di cư trái phép vào khu rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, phá rừng làm nương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, dẫn đến nguy cơ phá vỡ qui hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Đáng lưu ý là tại các điểm DCTD thường bị các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng truyền đạo trái pháp luật và dụ dỗ đồng bào gây rối trật tự, lôi kéo người vượt biên trái phép.

Có thể nói diễn trình dân DCTD đến Mường Nhé là một diễn trình từ bình thường tới không bình thường. Bình thường khi rừng còn đất thì người dân đến khai hoang lập nghiệp mưu sinh. Nhưng sẽ là bất bình thường khi rừng đã qui hoạch, không còn đất hoang, dân DCTD đến chiếm đất, phá rừng trái pháp luật, gây mâu thuẫn nghiêm trọng với dân địa phương.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Dân DCTD vẫn tiếp tục vào Mường Nhé có phải do sức hút từ sự giàu có của rừng không?.

Gần đây nhất là hai ngày 9 và 10/4 năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hai xe khách chở 5 hộ dân tộc Mông với 29 nhân khẩu từ Đắk Lắk ra định cư tại xã Na Cô Sa. Theo các cán bộ địa phương, xã Na Cô Sa không còn quĩ đất nên nếu để những hộ dân này vào ở có thể họ sẽ phá rừng và tranh chấp đất đai với dân sở tại, nên chính quyền địa phương kiên trì thuyết phục họ quay về. Xã Leng Su Sìn cũng là một điểm nóng của vấn đề DCTD.

Có một câu chuyện nữa liên quan đến vấn đề DCTD cũng rất đáng suy nghĩ. Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Huy Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên, ông cho biết dự án trồng cao su tại Điện Biên phát triển rất tốt. Tuy nhiên, tại xã Mường Nhé có 88 ha cao su giao cho công nhân người Mông, thực tế là các hộ dân DCTD để chăm sóc. Nhưng khi cán bộ kỹ thuật đến thì những công nhân này không cho vào. Kết quả là cao su chăm sóc không đúng qui trình sẽ bị chết, người dân lấy đất làm nương. Liên quan đến dự án trồng cao su, một sĩ quan biên phòng cho biết: Nhiều người là dân DCTD được nhận vào làm cao su tranh thủ đưa cả gia đình, anh em, con cháu ở nơi khác đến phá rừng, mang súng vào rừng bảo tồn, thậm chí còn vượt biên, khi bị phát hiện thì họ nói là công nhân cao su?!.

Rõ ràng là dân DCTD không thể sống nhờ rừng một khi rừng đang nghèo đi và đang co lại, đất rừng cũng không còn; và rừng cũng không thể yên khi dân chỉ còn biết dựa vào rừng. Nghịch lý giữa rừng và người là xuất phát từ cuộc sống. Nhưng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được thụ hưởng nhiều chính sách thông qua các dự án của Chính phủ. Qua các dự án đó, dù chưa thể hết nghèo ngày một ngày hai, nhưng người dân sẽ có cuộc sống ổn định, có nhà ở, có đường đi, con cái được đến trường, ốm đau được chữa bệnh. Cuộc sống đó tốt hơn cuộc sống DCTD đến nơi chưa được đầu tư về cơ sơ hạ tầng, chưa có cả đơn vị hành chính. Dù khó khăn là vậy nhưng dân DCTD vẫn tiếp tục nhắm về Mường Nhé, khi cán bộ địa phương đến vận động họ quay về quê cũ thì họ đưa ra cái lý rằng: “Tên bắn đi không quay lại” để tiếp tục ở lại phá rừng và tranh giành đất đai với dân địa phương, tạo ra các mâu thuẫn; và không ít trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng mâu thuẫn này để tạo thành “điểm nóng” về tranh chấp đất đai, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Rừng Mường Nhé vẫn đang bị tàn phá theo nhiều hình thức khác nhau; hoặc là phá trắng, hoặc là biến rừng giàu thành rừng nghèo. Trên nhiều chặng đường của Mường Nhé chúng tôi vẫn bắt gặp những khoảnh rừng thưa bị đốt làm nương rẫy. Điều đặc biệt quan ngại là Quyết định 337/QĐ – UBND ngày 17/3/2009 của tỉnh Điện Biên về việc trưng dụng đất làm đường vận chuyển mốc lên biên giới Việt - Lào theo đó sẽ mở đường bằng cơ giới qua vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé khoảng 100 km. Nhiều ý kiến cho rằng, con đường này nếu được triển khai sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại các loài động thực vật đang sinh sống, mà còn tạo điều kiện cho lâm tặc và dân DCTD phá trắng rừng.

Có một hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi khi đến Mường Nhé đó là hàng rào chắn hổ ở đồn biên phòng Leng Su Sìn và suối voi ngay gần đó. Các chiến sĩ biên phòng cho biết cách nay vài năm, khi chưa có con đường vành đai biên giới từ trung tâm huyện Mường Nhé lên A Pa Chải thì đêm hổ thường về bản bắt lợn của dân, thi thoảng chúng cũng “ghé thăm” đồn. Vì vậy, đồn phải làm hàng rào chắn hổ. Còn suối voi là nơi voi hay về đây tắm. Nhưng từ khi dân DCTD đến, rừng bị phá thì voi và hổ chỉ còn lại trong câu chuyện kể; và hàng rào chắn hổ ở đồn biên phòng Leng Su Sìn còn lại như chứng tích của một thời giàu có của rừng….

Quang Vinh - Quang Vũ
Bài cuối: Nguồn lực của tương lai


 -– Mường Nhé ký sự: Bài cuối: Nguồn lực của tương lai (Tin tức).
 
 -
Trong chuyến lên Mường Nhé, chúng tôi đặc biệt quan tâm chuyện học hành của học sinh nơi đây bởi nhiều lý do. Trao đổi với Chủ tịch huyện Trần Anh Tuấn, ông cho rằng muốn Mường Nhé tận dụng được cơ hội từ các dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước để phát triển theo đúng định hướng và phát huy hết tiềm năng thì con người là yếu tố quyết định. Do vậy cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực mà trước hết là đầu tư cho giáo dục.

Giờ học Toán của học sinh lớp 8, Trường THCS Mường Nhé. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN

Khi đến các bản của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Cống..., điều quan tâm của chúng tôi là trẻ trong độ tuổi đi học có được đến trường không?

Với một huyện miền núi biên giới tận “cuối trời Tây Bắc” đường sá đi lại khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, nhất là số dân di cư tự do nhiều hơn số dân địa phương thì việc tổ chức cho học sinh đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là cơ sở trường lớp sẽ không “theo kịp” tốc độ tăng dân số cơ học. Tuy nhiên điều hết sức đáng mừng là, dù trong bản sâu hay là những điểm dân cư (di cư tự do) chưa là đơn vị hành chính thì cái sự học vẫn được chú trọng với tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường, không phân biệt dân di cư tự do hay dân bản địa. Tại các trung tâm các bản đều có các trường tiểu học, nhiều xã có trường trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các trường mầm non ở bản chưa đủ, hiện mới có 141/157 bản có trường mầm non.

Nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là khi Nhà nước đã đầu tư xây dựng một hệ thống trường cho các cấp học nhưng học sinh có đến trường thường xuyên không, có tình trạng học sinh bỏ học không; rằng, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn liệu có thể có điều kiện học đến nơi đến chốn? Theo Phó phòng Giáo dục huyện Mường Nhé Trần Thị Hải, toàn huyện có 18.196 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó có 12.000 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 140.000 đồng. Toàn huyện có hơn 5.000 học sinh bán trú dân nuôi, được trợ cấp mỗi tháng 100.000 đồng/học sinh.

Chúng tôi đã đến một số trường ở các cấp học. Tại Trường mầm non gần trung tâm xã Leng Su Sìn, chúng tôi thấy cơ ngơi khá khang trang, sạch sẽ. Mỗi ngày một cháu được cấp một hộp sữa hiệu “Cô gái Hà Lan” từ chương trình tài trợ của các doanh nghiệp cho vùng sâu, vùng xa. “Các cháu ăn sữa nhiều quá phát chán, giờ muốn thay sữa bằng kẹo”, một cán bộ xã đi cùng chúng tôi nói. Sẽ là bình thường khi nghe câu nói này giữa đô thị, nhưng ở vùng biên cương “cuối trời Tây Bắc” này nghe câu nói đó chúng tôi hiểu rằng, sự quan tâm của các doanh nghiệp, cũng là sự quan tâm của cả nước với những nơi còn khó khăn, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện một tinh thần nhân văn cao cả trong truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Các em học sinh dân tộc Mông cùng nhau ôn bài tại khu bán trú, Trường Trung học cơ sở Mường Nhé. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN
Đến Trường Trung học cơ sở Mường Nhé, chúng tôi được cô Hiệu phó Phạm Thị Hải Yến dẫn đi thăm nơi ở nội trú của học sinh theo diện bán trú dân nuôi. Trong khuôn viên của trường là khu nội trú khang trang. Mỗi phòng rộng chừng 32 m2 cho 12 học sinh ăn ở và sinh hoạt. Những học sinh cách nhà trên 5 km được xếp vào diện bán trú. Các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được bố trí ăn ở tại khu nội trú nhìn không khác gì khu ký túc xá của sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên khu nội trú của các em học sinh người Mông, Thái, Hà Nhì... nơi đây không ồn ào như ký túc xá sinh viên. Các em ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp, giày dép để ngoài hành lang, trong nhà đồ đạc xếp ngăn nắp, sàn nhà được lau sạch bong. Nhiều trường hợp 2, 3 em trong một gia đình học các lớp khác nhau đều ở nội trú.

- Việc tổ chức ăn ở, học hành cho các em như thế nào?

- Nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em, gạo mỗi tháng các em đóng 15 kg, còn thức ăn thì đã tính toán trong số tiền trợ cấp, cô hiệu phó Hải Yến nói.
- Chỉ với số tiền 100.000 đồng/tháng chi cho tiền ăn thì nhà trường xoay xở bằng cách nào?

- Cũng eo hẹp nhưng vẫn bảo đảm cho các em ăn no có sức học hành.

Tôi hỏi Sùng A Tú, 14 tuổi, học sinh lớp 9, nhà ở bản Nậm Là cách trường 6 km:

- Các cháu có được ăn no không?

- Dạ có.

- Một tuần được mấy lần ăn thịt?

- Dạ 3 - 4 lần.

- Ở nhà có được ăn thịt hàng ngày không?

- Dạ không, một tháng mới ăn một lần thôi mà.

- Ở trường có vui không?

- Dạ vui hơn ở bản nhiều đấy.

- Cháu có thi vào trung học phổ thông không?

- Dạ có. Cháu muốn học để sau này làm thày giáo ở bản dạy chữ cho các em.

Thăm một phòng học sinh nữ nội trú chúng tôi thấy trên tường treo nhiều bức tranh rất đẹp, hỏi ra mới biết tác giả những bức tranh này là của cô học sinh Vừ Thị Và, sinh năm 1998, học lớp 6, nhà em ở bản Co Lót cách trường 6 km.

- Cháu muốn nói điều gì qua mỗi bức tranh?

- Cháu thấy quê hương rất đẹp nên vẽ thôi mà. Phong cảnh núi rừng đẹp thế phải vẽ thành tranh rồi gắng học để xây dựng quê hương.

Cũng trong phòng này chúng tôi trò chuyện với cô học sinh Giàng Mé Nhù, sinh năm 1996 học lớp 9, nhà tận xã Sen Thượng, cách trường 60 km, nơi chưa có trường trung học cơ sở.

- Nhà xa thế cháu có hay về không?

- Dạ một vài tháng về một lần thôi ạ.

- Thế ai mang gạo cho cháu ăn hàng tháng?

- Dạ bố cháu mỗi tháng mỗi mang xuống ạ.

- Cháu có nhớ nhà không?

- Dạ cháu quen rồi ạ, ở đây có thầy cô và các bạn vui lắm ạ.

- Cháu muốn sau này làm gì?

- Cháu muốn làm cô giáo hay bác sĩ chữa bệnh cho dân bản ạ.

Cũng trong diện bán trú dân nuôi nhưng không phải trường nào cũng đủ phòng ở nội trú cho học sinh. Tình hình thiếu phòng ở cũng diễn ra với nhiều giáo viên. Ngay tại trường Trung học cơ sở Mường Nhé gần trung tâm huyện mà cũng có nhiều học sinh và một số giáo viên làm nhà tạm để ở. Ngay sau khuôn viên của trường là một lòng thung có con suối chảy qua, chúng tôi thấy một dãy nhà tranh tre, hỏi ra mới biết đây là những “lều chõng” của các em học sinh nhà ở xa trường hàng chục km. Vào một phòng trong dãy nhà tạm chúng tôi gặp Giàng A Hang và Thào A Vàng đều học lớp 9 vừa đi thi về. Căn nhà khoảng 15 m2 của các em được “phân chia” khá hợp lý, có phần để nấu ăn riêng, phần để ngủ và có cả một chiếc bàn tre làm bàn học.

- Các cháu ở đây lâu chưa?

- Dạ từ hồi lên đây học lớp 6 ạ.

- Nhà các cháu ở đâu?

- Mãi trong bản Nậm Pó cơ, xa đấy.

- Thế ai dựng nhà cho các cháu?

- Tự làm thôi. Lên rừng lấy tre, lấy tranh làm dần cũng có chỗ ở.

- Các cháu ở với ai ở đây nữa?

- Với các bạn cùng lớp, các bạn lớp dưới, cháu có thằng em học lớp 6 cũng lên đây.

- Các cháu có hay về nhà không?

- Mỗi tuần mỗi về lấy gạo lên ăn.

- Hàng ngày các cháu có được bố mẹ cho tiền mua thịt ăn không?

- Không, nhà nghèo lắm không có tiền mua thịt đâu, phải xuống suối tìm con cá, lên rừng lấy rau ăn. Chỉ khi về nhà nếu có gà thì mổ ăn thôi.

Vào hai phòng trong dãy nhà tạm của các em đúng vào giờ ăn trưa, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn bữa ăn của các em ngoài nồi cơm ra chủ yếu là muối và rau rừng. Ấy vậy mà khi chúng tôi hỏi các em có ước mơ gì thì không em nào mơ ước được ăn ngon mà tất cả các em đều mong học tốt hơn để trở thành thày giáo, bác sĩ, cán bộ dân bản. Chúng tôi thầm phục nghị lực của các em và tin rằng, đây chính là nguồn lực chủ yếu của Mường Nhé trong 10 năm tới.

Trước ước mơ trong sáng và đẹp đẽ như vậy của học sinh lại có những kẻ muốn phá nát những mơ ước đó. Vụ việc tụ tập đông người vừa qua tại bản Huổi Khon do kẻ xấu rắp tâm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin lừa phỉnh, dọa nạt, uy hiếp khiến nhiều người nhẹ dạ đi theo hoặc miễn cưỡng đi theo. Trong số đó có nhiều gia đình cho con nghỉ học để đến chỗ tập trung đông người. Sau khi người dân tự động giải tán, giáo viên đã đến từng nhà vận động các em trở lại trường. Tuy nhiên, khi chúng tôi viết bài này có liên hệ lại với Phó phòng Giáo dục huyện Mường Nhé Trần Thị Hải thì được biết cả huyện còn khoảng 600 học sinh chưa thể đến trường do bị ốm sau vụ tập trung đông người tại bản Huổi Khon. Hậu quả của những trò tuyên truyền lừa gạt là như vậy, nó cũng thể hiện rõ dã tâm của những kẻ cầm đầu.

Rõ ràng việc ngăn cấm không cho học sinh đến trường là một tội ác ngàn lần phải lên án, nó đi ngược lại với truyền thống hiếu học của dân tộc ta và chiến lược con người của Đảng và Nhà nước ta.

Trên những chặng đường Mường Nhé, ở đâu cũng thấy trường học được xây dựng kiên cố, mái ngói đỏ tươi; nhưng xung quanh trường vẫn còn những khu nhà tạm của thầy và học sinh trong diện bán trú dân nuôi. Được biết, đến tháng 6/2011 sẽ có 11 trường THCS được chuyển thành phổ thông dân tộc bán trú và đến năm 2015 toàn bộ các trường có học sinh bán trú dân nuôi sẽ chuyển thành các trường dân tộc bán trú; học sinh sẽ được ăn ở nội trú, những khu nhà tạm của thày và trò cũng sẽ biến mất.

Đó là một sự đầu tư lớn và vô cùng quan trọng cho nguồn lực tương lai.

Quang Vinh – Quang Vũ

Tổng số lượt xem trang