CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Ngọc Thu dịch
Thảo luận giữa Mao Trạch Đông và Phạm Văn Đồng
17-11-1968
Mô tả: Mao Trạch Đông khuyên Việt Nam lợi dụng việc xuống tinh thần của Hoa Kỳ và Tổng thống mới Nixon. Mao Trạch Đông cũng cho rút số quân Trung Quốc không cần thiết, hứa sẽ gửi trở lại khi cần.
Mao Trạch Đông: Ông ở đây vài ngày, phải không? Tôi hơi quan liêu.
Phạm Văn Đồng: Ông khỏe không, Mao Chủ tịch?
Mao Trạch Đông: Không khỏe lắm. Tôi bị ho vài ngày. Tới lúc lên Thiên Đàng rồi. Dường như tôi được triệu đến để gặp vị Chúa tốt bụng. Hồ Chủ tịch khỏe không?
Phạm Văn Đồng: Khỏe. Ông ấy khỏe hơn [khi] ở Bắc Kinh. Lý do chính là ông ấy đã nhận được sự chăm sóc y tế tốt tại Bắc Kinh, kể từ khi trở về, ông ấy vẫn khỏe.
Mao Trạch Đông: Thời tiết ở Bắc Kinh có thể không thích hợp cho Hồ Chủ tịch.
Phạm Văn Đồng: Rất thích hợp.
Mao Trạch Đông: Theo tôi, có lẽ Quảng Châu tốt hơn.
Phạm Văn Đồng: Thay mặt Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị, tôi muốn gửi đến ông, Mao Chủ tịch, Phó Chủ tịch Lâm [Bưu] và các đồng chí khác lời chúc mừng trân trọng của chúng tôi.
Mao Trạch Đông: Cảm ơn ông.
Phạm Văn Đồng: Hôm nay, trong phái đoàn của chúng tôi có hai đồng chí ở miền Nam (chỉ vào đồng chí Mười Cúc, và đồng chí Lê Đức Anh (2)).
Mao Trạch Đông: Có phải đây là lần đầu tiên đồng chí Lê Đức Anh đến Trung Quốc? (Bắt tay Mười Cúc, Mao Chủ tịch nói rằng họ đã gặp nhau vào năm 1966).
Lê Đức Anh: Tôi đến Trung Quốc một lần vào năm 1962, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp Mao Chủ tịch.
Mao Trạch Đông: Tôi hơi quan liêu. Ông đến đây, nhưng tôi đã không gặp ông. Ông có thể sa thải tôi vì tôi quan liêu. Chúng tôi sẽ triệu tập Đại hội Đảng, và Đại hội có thể sa thải tôi. Điều đó cũng tốt. Có lẽ bây giờ tôi nên thư giãn, chỉ làm những việc nhỏ như quét nhà. Gần đây, tôi đã không tham gia vào trận nào.
Các ông muốn đàm phán với Hoa Kỳ, và họ cũng muốn đàm phán với các ông. Hoa Kỳ gặp khó khăn lớn. Họ có 3 vấn đề cần giải quyết, cụ thể là các vấn đề ở Mỹ, chủ yếu là ở Mỹ, Châu Âu, và Châu Á. Họ đã tham gia ở châu Á cho đến giờ là 4 hoặc 5 năm. Không phải vô tư. Các nhà tư bản Hoa Kỳ đầu tư ở châu Âu chắc không hài lòng và bất đồng. Và trong lịch sử Hoa Kỳ, Mỹ luôn để các nước khác tham chiến trước và [họ] chỉ tham gia khi cuộc chiến đã xong nửa chặng đường.
Nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, họ bắt đầu chiến đấu ở Triều Tiên và sau đó là Việt Nam. Nhưng những cuộc chiến này chủ yếu họ chiến đấu một mình, ít có sự tham gia của các nước khác. Các ông gọi đó là một cuộc chiến đặc biệt, một cuộc chiến giới hạn, nhưng đối với Mỹ, họ tập trung tất cả lực lượng vào đó. Hiện nay, các đồng minh của họ ở châu Âu đang phàn nàn rất nhiều, nói rằng [Hoa Kỳ] giảm quân [ở châu Âu] và rút bớt số quân có kinh nghiệm và các trang thiết bị tốt [từ châu Âu], chưa kể đến việc rút quân khỏi Nam Hàn và Hawaii. Dân số Hoa Kỳ có 200 triệu người, nhưng họ không chịu đựng nổi cuộc chiến. Nếu họ muốn huy động vài chục ngàn quân, họ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
(Đến đây là cuộc trò chuyện giữa Mao Chủ tịch và một phụ nữ trẻ mới bước vào, đưa cho ông ta một tách trà nóng. Ông quay sang cô.)
Người phụ nữ trẻ: Làm ơn đừng lau mặt của ông!
Mao: Tại sao không? Khăn chứa chất độc à? Tôi sẽ không nghe theo.
(Mao cầm lên một gói thuốc lá. Ông ta cố gắng, nhưng không mở ra được. Sau đó, ông ta đưa gói thuốc cho người phụ nữ trẻ.)
Mao: Tôi không thể mở. Cô mở nó. Tên cô là gì?
Người phụ nữ trẻ: Leng Feng.
Mao: Tên đó có nghĩa là làn gió mát mẻ vào mùa hè? (Sau đó, ông ta quay trở lại những người khách Việt Nam: “Thử dùng những điếu thuốc này”!)
Mao Trạch Đông: Sau vài năm chiến đấu chống họ, các ông nên xem rằng không chỉ khó khăn cho các ông, mà còn [khó khăn] cho kẻ thù của các ông. Các ông đã và đang chiến đấu hơn một chục năm. 23 năm trôi qua kể từ khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, mà đất nước của các ông vẫn tồn tại. Các ông đã chiến đấu chống Nhật, Pháp, và bây giờ các ông đang chiến đấu chống Mỹ. Nhưng Việt Nam vẫn tồn tại như các nước khác, và hơn thế nữa, đã phát triển hơn nhiều.
Phạm Văn Đồng: Đúng vậy.
Mao Trạch Đông: Tại sao Hội nghị Geneva được triệu tập? ([Ông ta] hỏi đồng chí Chu Ân Lai). Trong quá khứ, tôi đã nói rằng chúng ta đã phạm sai lầm khi chúng ta đến hội nghị Geneva năm 1954. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không hoàn toàn hài lòng. Khó khăn cho Hồ Chủ tịch phải từ bỏ miền Nam, và bây giờ, khi tôi nghĩ lại, tôi thấy ông ấy đúng. Tâm trạng của người dân miền Nam vào thời điểm đó đang dâng cao. Tại sao chúng ta có Hội nghị Geneva? Có lẽ, Pháp muốn có.
Chu Ân Lai: Đó là đề nghị của Liên Xô. Vào thời điểm đó Khrushchev đang nắm quyền. Và trong tháng 1 năm 1954, Liên Xô muốn giải quyết vấn đề.
Mao Trạch Đông: Bây giờ, tôi không thể nhớ toàn bộ câu chuyện. Nhưng tôi thấy sẽ tốt hơn nếu hội nghị này có thể hoãn lại một năm, để quân đội từ miền Bắc có thể đi vào miền Nam và đánh bại [kẻ thù].
Phạm Văn Đồng: Vào thời điểm đó, chúng tôi chiến đấu trên cả nước, không có sự phân chia giữa miền Bắc và miền Nam.
Mao Trạch Đông: Chúng ta đã phải đánh một trận quyết định. Dư luận thế giới vào thời điểm đó cũng muốn có hội nghị này. Theo tôi, vào lúc đó người Pháp muốn rút lui, Hoa Kỳ thì chưa [sẵn sàng] đến, và Diệm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn (3). Tôi nghĩ để rút các lực lượng của chúng tôi ở [miền Bắc] có nghĩa là chúng tôi đã giúp đỡ họ. Một lần, tôi đã nói điều này với Hồ Chủ tịch, và hôm nay tôi nói điều này một lần nữa với các ông. Có lẽ quan điểm của tôi không đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã để mất một cơ hội, như trong hiệp định, có một điều khoản về việc rút quân.
Chu Ân Lai: Rút các lực lượng vũ trang.
Mao Trạch Đông: Nhưng đó không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Đó chỉ là vấn đề về chém giết. Và chém giết dẫn đến chiến tranh. Khi chiến tranh nổ ra, người Mỹ đến, lúc đầu là các cố vấn, và sau đó là lính chiến đấu. Nhưng bây giờ, họ lại nói rằng người Mỹ ở Việt Nam là các cố vấn.
Phạm Văn Đồng: Họ không thể là cố vấn.
Mao Trạch Đông: Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ sẽ là cố vấn.
Phạm Văn Đồng: Hãy để đồng chí Mười nói về điều đó.
Mười Cúc: Thưa Bác Mao! Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng của chúng tôi, ra lệnh cho chúng tôi chiến đấu cho đến khi không còn người Mỹ trên đất nước chúng tôi, kể cả các cố vấn. Máu của chúng tôi đã đổ ra trong nhiều năm nay. Tại sao chúng tôi phải chấp nhận họ ở lại làm cố vấn?
Mao Trạch Đông: Cho nên sẽ mất thời gian nếu các ông không để cho họ làm cố vấn.
Mười Cúc: Đúng vậy, Bác Mao. Chúng tôi liên tục chiến đấu cho đến khi miền Nam hoàn toàn được độc lập và tự do, cho đến khi đạt được mục đích thống nhất đất nước. Làm như thế, chúng tôi tuân lệnh của Hồ Chủ tịch cũng như lệnh của ông. Đây là điều mà Trung ương Đảng của chúng tôi nghĩ và cũng là những gì mà toàn bộ người dân Việt Nam mong muốn.
Mao Trạch Đông: Nghĩ như vậy rất tốt. Buộc phải chiến đấu và đàm phán cùng một lúc. Sẽ khó khăn nếu các ông chỉ dựa vào các cuộc thương lượng để yêu cầu họ ra đi.
Phạm Văn Đồng: Họ sẽ không đi đâu mà chỉ ở lại.
Mao Trạch Đông: Liên quan tới vấn đề chiến đấu, Hoa Kỳ dựa vào lực lượng không quân. Có khoảng 9 hoặc 10 sư đoàn Mỹ. Số quân đội Mỹ chiến đấu trong chiến tranh Triều Tiên lớn hơn. Người ta nói rằng họ có 5 sư đoàn – khoảng 200.000 quân – triển khai ở châu Âu. Nhưng con số này là cường điệu. Số máy bay đã giảm. Một số quân lính đã được gửi tới để củng cố Đệ thất Hạm đội. Tôi không biết có bao nhiêu sư đoàn đang được triển khai ở Mỹ.
Wang Xinting: Chín sư đoàn. [Diệp Kiếm Anh sửa lại: 6 sư đoàn và 4 trung đoàn].
Phạm Văn Đồng: Các sư đoàn tốt nhất của Mỹ đã được triển khai ở miền Nam Việt Nam.
Mao Trạch Đông: [Hoa Kỳ đối mặt với ba vấn đề:] thứ nhất thiếu quân, thứ hai thiếu trang thiết bị và cuối cùng là thiếu những người có kinh nghiệm.
Chu Ân Lai: Họ có 6 sư đoàn và 6 trung đoàn được triển khai ở Mỹ.
Mao Trạch Đông: Nhưng chiến trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu. Ở đó, họ có 9 sư đoàn và 4 trung đoàn. Nhưng theo như tôi nhớ, họ đã có 7 sư đoàn ở đó.
Chu Ân Lai: Sau đó, họ đã tăng cường.
Mao Trạch Đông: Tôi vẫn không hiểu tại sao bọn tư bản Hoa Kỳ đi đến Đông Nam Á và lợi ích gì mà các nhà tư bản người Mỹ tìm thấy ở đây. Khai thác tài nguyên thiên nhiên? Tất nhiên, khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên. Dầu, cao su ở Indonesia. Cao su ở Malaysia. Ở nước các ông có cao su không?
Phạm Văn Đồng: Nhiều lắm.
Mao Trạch Đông: Cao su và chè. Nhưng tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ cần thực phẩm hoặc cây cối.
Phạm Văn Đồng: Hoa Kỳ tìm các thứ khác khi chiến đấu ở Việt Nam.
Mao Trạch Đông: Họ chiến đấu ở miền Nam, nhưng mục tiêu phía Bắc và xa hơn nữa là Trung Quốc. Họ không đủ sức để nhắm mục tiêu vào các khu vực khác.
Phạm Văn Đồng: Nhưng họ là đế quốc.
Mao Trạch Đông: Tất nhiên, đế quốc phải có thuộc địa. Họ muốn các nước như nước của chúng ta trở thành thuộc địa. Trước đây, Trung Quốc đã từng là nước bán thuộc địa của đế quốc hơn 100 năm. Họ đã cướp cái gì của chúng ta? Kỹ thuật và nông nghiệp của Trung Quốc đã không phát triển.
Chu Ân Lai: Họ cướp vật liệu.
Mao Trạch Đông: vật liệu gì?
Chu Ân Lai: Cây đậu tương.
Mao Trạch Đông: Anh quốc khai thác than của Trung Quốc. Hoa Kỳ không cần than của Trung Quốc. Họ nói rằng Trung Quốc không có dầu. Về cơ bản, họ không liên quan đến việc sản xuất thép và kỹ nghệ. Họ sản xuất dệt may, nhưng Nhật Bản và Anh sản xuất nhiều nhất. Vì vậy, tôi thấy rằng mục tiêu của họ là dập tắt ngọn lửa, bởi vì lửa đã bùng phát trên đất nước các ông. Bởi vì các nhà tư bản muốn dập tắt ngọn lửa, họ phải thiết kế máy móc để làm như vậy, nên kiếm được tiền. Họ chi bao nhiêu tiền ở Việt Nam mỗi năm?
Phạm Văn Đồng: Hơn 30 tỷ đô la.
Mao Trạch Đông: Hoa Kỳ không thể mở rộng chiến tranh. Khoảng 4 năm là cao nhất. Hiện tại, ngọn lửa chưa được dập tắt, ngược lại, [nó] càng bùng lên dữ dội. Một số nhóm tư bản kiếm được nhiều lợi, nhưng số khác thì không. Vì lợi ích đã không được chia đều, nên họ mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn này có thể bị khai thác.
Hơn nữa, các nhà tư bản được hưởng lợi ít hơn bây giờ trở nên ít tận tâm. Tôi đã thấy điều này trong những bài phát biểu khác nhau trong chiến dịch tranh cử. Gần đây, có một bài viết của một phóng viên người Mỹ cảnh báo một cái bẫy khác. Phóng viên tên là [Walter] Lippman. [Ông ta đã viết rằng] Hoa Kỳ hiện đang bị mắc kẹt tại Việt Nam và đang cố gắng thoát khỏi vũng lầy. Tuy nhiên, họ sợ sa vào bãi lầy khác. Đó là lý do tại sao trường hợp của các ông vẫn còn hy vọng. Năm 1964, trong một cuộc hội thoại 5 giờ với Hồ Chủ tịch, tôi nói rằng, năm đó có thể là năm quyết định bởi vì nó là năm bầu cử ở Mỹ. Mỗi ứng cử viên tổng thống phải đối mặt với vấn đề này. Liệu Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chiến đấu hay thoát khỏi vũng lầy? Tôi nghĩ rằng sẽ khó hơn cho họ tiếp tục chiến đấu. Nhưng châu Âu đã không tham gia, điều này khác với cuộc chiến Triều Tiên.
Phạm Văn Đồng: Đúng vậy.
Mao Trạch Đông: Trong cuộc chiến Triều Tiên, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.
Phạm Văn Đồng: Pháp cũng đã tham gia.
Mao Trạch Đông: Chỉ trên danh nghĩa và thực sự không nhiều.
Phạm Văn Đồng: Có một trung đoàn từ Pháp.
Mao Trạch Đông: Chúng tôi không có ấn tượng bởi sự tham gia của Pháp.
Chu Ân Lai: Có tổng cộng 16 nước tham gia trong cuộc chiến, gồm cả Nam Hàn.
Mao Trạch Đông: Nhật Bản và Đài Loan không tham gia trong cuộc chiến Việt Nam.
Phạm Văn Đồng: Họ khôn khéo. Đôi khi, chúng tôi rất lo ngại Nhật Bản sẽ tham gia.
Mao Trạch Đông: Nhật Bản sẽ không tham gia. Có thể tham gia về tài chính. Ít nhất, Nhật Bản có lợi về mặt vũ khí.
Mỹ đánh giá cao lực lượng của họ. Một lần nữa, họ mắc phải một sai lầm cũ: phân tán lực lượng. Đó không phải là ý kiến của tôi, mà là ý kiến của [Tổng thống Mỹ đắc cử Richard M.] Nixon. Ông ta nói rằng lực lượng Mỹ quá phân tán. lực lượng của họ đang nằm rải rác tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Ngay cả ở châu Á, lực lượng Mỹ cũng không tập trung. Có 70.000 quân Mỹ, gồm 2 sư đoàn thủy quân lục chiến tại Nam Hàn. Có một sư đoàn ở Hawaii. Các căn cứ không quân và hải quân cần nhiều quân dự bị hơn nữa. Do đó, các ông có thể hiểu các nhóm cầm quyền Mỹ nghĩ như thế nào. Nếu ông là tổng thống Mỹ, ông sẽ nghĩ gì? Tôi không bao giờ nghĩ họ sẽ tấn công Bắc Việt. Nhưng dự đoán của tôi đã sai khi họ ném bom miền Bắc. Nhưng bây giờ, khi họ dừng lại, dự đoán của tôi được chứng minh là đúng. Nếu, trong tương lai, họ tiếp tục ném bom, tôi sẽ sai một lần nữa. Dẫu sao đi nữa, tôi đúng được một ngày.
Tuy nhiên, rất tốt là các ông đã chuẩn bị cho một số lựa chọn thay thế. Trong tất cả những năm chiến đấu, quân đội Mỹ đã không tấn công miền Bắc, cảng Hải Phòng đã không bị phong tỏa, và các đường phố của Hà Nội đã không bị đánh bom. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ đang để dành một quân bài. Có một lúc, họ cảnh báo [rằng họ] sẽ đuổi các máy bay của các ông vào căn cứ không quân của các ông. Nhưng trên thực tế, họ đã không làm điều đó. Điều này cho thấy những cảnh báo của họ vô nghĩa.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi đã nhận ra điều này.
Mao Trạch Đông: Sau đó, họ đã không lặp lại cảnh báo này. Họ đã không đề cập đến hoạt động máy bay của các ông. Họ cũng biết có bao nhiêu người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, nhưng không đề cập đến điều này, mà đã làm ngơ. Có lẽ chúng ta nên rút số quân [Trung Quốc] không cần thiết. Các ông đã thảo luận vấn đề này chưa?
Chu Ân Lai: Chúng ta sẽ thảo luận với đồng chí Lý Ban, với Đại sứ của chúng tôi và các chuyên gia quân sự.
Mao Trạch Đông: Trong trường hợp họ đến, chúng tôi sẽ trở lại. Sẽ không có vấn đề gì.
Phạm Văn Đồng: Để chúng tôi suy nghĩ lại.
Mao Trạch Đông: Các ông cứ nghĩ lại. Hãy giữ những người mà các ông vẫn còn cần và chúng tôi sẽ rút những người mà các ông không cần hoặc chưa cần đến. Trong tương lai, khi các ông cần [sự trợ giúp], chúng tôi sẽ trở lại. Về không quân cũng vậy: nếu các ông cần căn cứ không quân của Trung Quốc, các ông cứ sử dụng, nếu các ông không cần đến, không sử dụng.
Chúng tôi đồng ý với khẩu hiệu chiến đấu của các ông trong khi đàm phán. Một số đồng chí lo lắng rằng Hoa Kỳ sẽ đánh lừa các ông. Nhưng tôi nói với họ đừng [lo lắng]. Đàm phán giống như chiến đấu vậy. Các ông đã rút ra kinh nghiệm, hiểu rõ các quy tắc. Nhưng đôi khi họ có thể đánh lừa các ông. Như các ông đã nói, Hoa Kỳ đã không giữ lời.
Phạm Văn Đồng: Họ rất tinh quái.
Mao Trạch Đông: Nhiều trường hợp, thậm chí họ còn nói rằng các hiệp định đã ký vô giá trị. Nhưng mọi việc đều có quy tắc của nó. Người Mỹ không thể nào làm điều đó được. Các ông sẽ thương lượng với họ trong 100 năm? Đồng chí Thủ tướng của chúng tôi nói: Nếu Nixon không thể giải quyết vấn đề trong thời gian hai năm, ông ta sẽ gặp rắc rối. Ông có phải là người đại diện chính trong các cuộc đàm phán? (hỏi Lê Thanh Nghị (4))
Chu Ân Lai: Đồng chí Lê Đức Thọ là đại diện chính. Đây là đồng chí Lê Thanh Nghị.
Mao Trạch Đông: Cả hai đều có họ Lê!
Phạm Văn Đồng: Như Mao Chủ tịch đã nói, chúng tôi tiến hành chiến đấu trong khi đàm phán. Nhưng chiến đấu nên được tiến hành ở một mức độ nhất định trước khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu. Ngồi tại bàn đàm phán không có nghĩa là [chúng ta] ngưng chiến đấu. Ngược lại, chiến đấu phải quyết liệt. Bằng cách đó, chúng ta có thể đạt được vị trí cao hơn, thông qua tiếng nói của chiến thắng và mạnh mẽ, những người biết làm thế nào để chiến đấu đến cùng và biết rằng cuối cùng kẻ thù sẽ thất bại. Đây là thái độ của chúng tôi. Nếu chúng tôi nghĩ ngược lại, chúng tôi sẽ không thắng. Liên quan đến điều này, miền Nam phải chiến đấu quyết liệt, đồng thời thực hiện đấu tranh chính trị. Hiện nay, điều kiện ở miền Nam rất tốt. Triệu tập hội đàm ở Paris là nguồn động viên mới cho người dân miền Nam. Họ nói rằng nếu Hoa Kỳ thất bại ở miền Bắc, chắc chắn sẽ thất bại ở miền Nam.
Mao Trạch Đông: Có đúng là quân đội Mỹ vui mừng khi đàm phán được công bố?
Mười Cúc (5): Mao Chủ tịch, tôi muốn nói với ông rằng người Mỹ ăn mừng tin tức. Hàng ngàn người tụ tập lại để nghe radio nói về các cuộc đàm phán. Khi ra lệnh chiến đấu, một số đã viết trên mũ của họ: "Tôi sẽ sớm trở về nhà, xin đừng giết tôi".
Quân đội Sài Gòn đang rất chán nản. Nhiều người trong số họ công khai phản đối Thiệu (6), nói rằng: "Nếu ông Thiệu muốn đánh, hãy để cho ông ta đến Khe Sanh và làm điều đó". Tinh thần chiến đấu của quân đội và các viên chức chính phủ Sài Gòn rất thấp. Những người dân, cán bộ, và quân đội của chúng tôi ở miền Nam được khích lệ và quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ hơn. Chúng tôi thấy rằng vì chúng tôi mạnh, chúng tôi có thể buộc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Vì vậy, [đây] là thời điểm chúng ta nên chiến đấu nhiều hơn, do đó có thể đánh bại họ. Đây là nguyện vọng chung và tinh thần của nhân dân, cán bộ, và quân đội của chúng tôi ở miền Nam, Bác Mao.
Mao Trạch Đông: Số lính Mỹ chào đón các cuộc đàm phán [và] mong được về nhà là lớn hay nhỏ?
Mười Cúc: Lớn. Chúng tôi sẽ chiến đấu mạnh hơn, và đồng thời đẩy mạnh công tác vận động nhân dân và làm mất tinh thần của kẻ thù.
Mao Trạch Đông: Tốt. Tôi được nghe kể rằng quân đội Mỹ phải ở lại nơi trú ẩn dưới lòng đất. Các ông cũng phải làm như vậy. Mùa mưa thì thế nào?
Mười Cúc: Chúng tôi phải sử dụng áo mưa để che cho [lính].
Mao Trạch Đông: Mùa mưa kéo dài bao lâu?
Mười Cúc: Mỗi mùa sáu tháng, mùa mưa và mùa khô.
Mao Trạch Đông: Lâu vậy hả?
Mười Cúc: Nhưng trời mưa suốt trong ba tháng.
Mao Trạch Đông: Tháng nào?
Mười Cúc: Tháng Năm, tháng Sáu, và tháng Bảy.
Mao Trạch Đông: Giờ có phải là mùa khô?
Mười Cúc: Cuối mùa mưa và bắt đầu mùa khô.
Phạm Văn Đồng: Các mùa khác nhau ở nước tôi.
Mao Trạch Đông: Các mùa ở miền Bắc có khác với ở miền Nam không?
Mười Cúc: Bác Mao, lần này, giống như trước đây, chúng tôi được triệu tập ra Bắc, báo cáo tình hình ở miền Nam và nhận chỉ thị mới từ Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị. Sau đó, Hồ Chủ tịch và Ủy ban Trung ương của chúng tôi bảo đồng chí Lê Đức Anh và tôi đi cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị sang Trung Quốc báo cáo với Chủ tịch Mao, Phó Chủ tịch Lâm Bưu, và các lãnh đạo khác của Trung Quốc về tình hình ở miền Nam. Ngày hôm kia, qua Thủ tướng Chu Ân Lai, chúng ta biết rằng Chủ tịch Mao khen ngợi chúng tôi, chúng tôi cảm thấy được khuyến khích.
Mao Trạch Đông: Chúng tôi đã nói ở đây, trong căn phòng này.
Mười Cúc: Chúng tôi biết rằng, mỗi khi giành được chiến thắng, Mao Chủ tịch gửi cho chúng tôi một bức thư khen ngợi. Điều này thực sự là một nguồn động viên to lớn đối với nhân dân, cán bộ, và quân đội của chúng tôi ở miền Nam. Chiến thắng của chúng tôi đạt được ở miền Nam là nhờ có sự hỗ trợ tuyệt vời, cũng như sự khuyến khích của nhân dân Trung Quốc và [khuyến khích] của ông, Mao Chủ tịch.
Mao Trạch Đông: Phần của tôi thì rất nhỏ.
Mười Cúc: Rất lớn, rất quan trọng.
Mao Trạch Đông: Chủ yếu là những nỗ lực của các ông. Đất nước các ông đoàn kết, Đảng của các ông đoàn kết, lực lượng vũ trang của các ông đoàn kết, nhân dân của các ông, bất kể từ Nam hay Bắc đều đoàn kết, điều đó rất tốt.
Mười Cúc: Chúng tôi cho rằng sự hỗ trợ tinh thần của Trung Quốc là quan trọng nhất. Ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, chúng tôi có hậu phương lớn là Trung Quốc ủng hộ chúng tôi, cho phép chúng tôi chiến đấu đến lúc nào cũng được.
Hỗ trợ vật chất cũng rất quan trọng. Chúng tôi buộc quân đội Mỹ vào các nơi trú ẩn dưới lòng đất cũng nhờ súng đại bác của Trung Quốc đã cho chúng tôi.
Phạm Văn Đồng: Sự thật là như vậy.
Mười Cúc: Thậm chí chúng tôi sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tấn công Sài Gòn. Đối phương sợ hãi.
Mao Trạch Đông: Dường như các ông tiếp thu luận lý về vũ khí (logic of weapons).
Phạm Văn Đồng: Đúng là chúng tôi dựa vào vũ khí của Trung Quốc.
Mười Cúc: Chúng tôi dựa vào sức mạnh của nhân dân, nhưng nếu không có vũ khí của Trung Quốc, thì sẽ khó khăn hơn.
Mao Trạch Đông: Tay không, không thể làm được. Phải có vũ khí tốt trong tay.
Mười Cúc: Như Bác Mao nói, chúng ta phải chiến đấu chống lại kẻ thù với súng và các bị gạo.
Mao Trạch Đông: Có lẽ tôi cũng đang tiếp thu luận lý về vũ khí (logic of weapons).
Phạm Văn Đồng: Trung Quốc đã cung cấp cho chúng tôi số lượng lớn vũ khí và gạo.
Mười Cúc: Quân đội của chúng tôi rất cảm động khi biết Mao Chủ tịch thậm chí quan tâm đến sức khỏe của họ. Ngoài vũ khí, chúng tôi còn nhận được gạo và thực phẩm Trung Quốc để quân đội của chúng tôi có thể ăn uống tốt hơn, do đó khỏe mạnh hơn.
Mao Trạch Đông: Nguồn tiếp tế đã tới chưa?
Mười Cúc: Vài thứ đã tới. Ví dụ như, bột trứng, đậu nành, gia vị.
Phạm Văn Đồng: Rất tốt.
Mao Trạch Đông: Nhiều loại tiếp tế khác có thể có sẵn. Chúng ta cũng phải cảm ơn Sihanouk.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi đã cân nhắc vai trò của ông ấy.
Mao Trạch Đông: Một vài loại phí tổn đường bộ thì cần thiết. Đáng để chi tiêu cho việc này.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi ước tính rằng số tiền này thậm chí còn lớn hơn viện trợ của Mỹ.
Mười Cúc: Trước đây, Mỹ đã cho Campuchia $20 triệu đô một năm. Bây giờ, số tiền mà Trung Quốc trả cho Sihanouk về gạo và phí đường bộ vượt quá $20 triệu. Để giúp đỡ chúng ta, Sihanouk vừa có lợi, vừa được tiếng tốt.
Phạm Văn Đồng: Ông ấy cũng có lợi từ việc phòng thủ của chúng tôi ở biên giới phía Đông Campuchia với miền Nam Việt Nam.
Mười Cúc: Cộng thêm sự đồng cảm Trung Quốc.
Mao Trạch Đông: Về phần chính trị, đôi khi ông ấy vẫn còn làm chúng tôi ngạc nhiên. Gần đây, ông ấy có thể cảm thấy bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nên ông ấy đã hai lần tuyên bố Hoa Kỳ nên rút một số quân, không nên rút hết. Gần đây, ông ấy đã tuyên bố trên Đài phát thanh Paris rằng Hoa Kỳ nên rút quân nhưng không đưa họ về lại Hoa Kỳ, và rằng Mỹ không nên triển khai quân đội ở Campuchia, mà ở Thái Lan hay ở Philippines, để Trung Quốc sẽ không xâm lược đất nước của ông ấy. Ông ta thường nói bằng giọng điệu chống cộng. Theo những gì ông ta nói, có bằng chứng về việc Mỹ muốn rút quân. Nếu họ rút quân, Sihanouk sẽ lo lắng, và Thái Lan và Philippines cũng sẽ lo lắng. Ở miền Nam [Việt Nam], người đầu tiên lo lắng là Thiệu. Họ thực sự muốn quân đội Mỹ ở lại.
Vì vậy, thế giới bây giờ đang trong tình trạng hỗn loạn lớn. Những nước đó không đủ mạnh, cần sự giúp đỡ của các siêu cường, như trong trường hợp của Sihanouk. Ngay cả các nhà tư bản Nhật vẫn còn cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Người Nhật dường như hoan nghênh các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trên thực tế thì họ không [thích đàm phán], bởi vì làm các nhà tư bản, họ nhận được rất nhiều lợi nhuận từ chiến tranh. Nhiều loại vũ khí Mỹ được sản xuất tại Nhật Bản.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi chú ý tới điểm này. Chúng tôi rất ngạc nhiên là Nhật Bản dường như muốn đóng góp vào việc giải quyết chiến tranh. Nhưng chúng ta phải xem xét thái độ thực sự của họ.
Mao Trạch Đông: Một số người nói một đường và nghĩ một nẻo. Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, nhiều ngành công nghiệp Nhật Bản bị phá sản. Khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến, Nhật Bản bắt đầu hưởng lợi.
Phạm Văn Đồng: Đó là chính sách tốt nhất của Nhật Bản.
Mao Trạch Đông: Các nhà tư bản Philippines cũng làm như vậy. Họ không đóng góp nhiều quân vào các nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng kể từ khi quân đội Hoa Kỳ có trụ sở ở Philippines, các nhà tư bản Philippines được lợi rất nhiều. Các nhà tư bản Thái cũng vậy.
Phạm Văn Đồng: Trường hợp Thái Lan thì rất rõ ràng. Nhưng không phải họ là những người ra quyết định. Phải là người Việt Nam quyết định liệu Mỹ sẽ đi hay ở lại. Chúng tôi, tất cả người dân Việt Nam, xác định chiến đấu và đẩy họ đi. Chúng tôi đang chuẩn bị tập trung lực lượng và chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam. Có thể chúng tôi sẽ tham gia vào các trận chiến quy mô lớn trong thời gian tới. Chắc chắn, cuộc chiến sẽ quyết liệt.
Mao Trạch Đông: Đầu mùa xuân này các ông đã chiến đấu khá tốt. Chúng tôi đã gợi ý rằng các ông đánh những trận quy mô lớn như trận Điện Biên Phủ. Vào thời điểm đó chúng tôi không biết các khu giải phóng của các ông thật sự đã bị chia cắt. Tình trạng này [vẫn] còn xảy ra ở mỗi tỉnh?
Phạm Văn Đồng: Còn, nhưng tình trạng này không ảnh hưởng đến các nỗ lực của chúng tôi để bao vây Sài Gòn và các căn cứ khác hoặc phong tỏa các điểm quan trọng trong mạng lưới giao thông và liên lạc của họ. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến những trận đánh quy mô lớn như Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi phải tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng trước khi chúng tôi làm như thế.
Mao Trạch Đông: Các ông cần phải có các căn cứ nối kết với nhau về mặt địa lý. Nếu không có điều kiện này, thật khó để các ông tập trung lực lượng cho trận đánh quy mô lớn. Và có một vấn đề khác là: chế độ của Thiệu sợ Quân Giải phóng (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Thực tế này chứng minh rằng, Quân Giải phóng thích ảnh hưởng dân chúng ở miền Nam, không phải Thiệu. Phương tiện truyền thông đại chúng của họ đã nói về điều đó, không phải nói một cách chính thức, nhưng dựa vào các nguồn tin chính thức.
Chính phủ nào thực sự có uy tín tại miền Nam Việt Nam? Chính phủ Nguyễn Hữu Thọ (7) hay chính phủ Nguyễn Văn Thiệu? Cả hai đều có họ Nguyễn. Gần đây, Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng chơi hết mình, giả vờ như ông ta không muốn tham dự hội nghị Paris. Nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ đã nhìn thấy rất rõ, rằng vấn đề Việt Nam không thể được giải quyết mà không có sự tham gia của Quân Giải phóng. Các ông đã đọc tất cả [thực tế] này rồi phải không?
Mười Cúc: Chúng rất phức tạp.
Mao Trạch Đông: Bây giờ Hoa Kỳ tôn trọng Đảng và Chính phủ Việt Nam do Hồ Chủ tịch lãnh đạo, tôn trọng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Mỹ cũng không đánh giá cao bè lũ của Thiệu, coi chúng không hiệu quả.
Phạm Văn Đồng: Đúng vậy.
Mao Trạch Đông: Hoa Kỳ cung cấp cho Sài Gòn rất nhiều tiền, nhưng phần lớn đã bị biển thủ.
Phạm Văn Đồng: Ở Paris, những người đại diện của Thiệu dùng lời lẽ phản đối Mỹ. Lúc đó, chúng tôi hỏi các đại diện Mỹ, tại sao Mỹ cho phép Sài Gòn làm như vậy. Harriman trả lời rằng Sài Gòn làm như vậy để cố gắng chứng tỏ rằng họ không phải là những con rối.
Mao Trạch Đông: Họ đã được lệnh bày tỏ sự đối lập với Mỹ, đó là lý do tại sao. Có lẽ nhóm Harriman sẽ bị thay thế. Có lẽ Nixon sẽ chỉ định những nhà đàm phán mới.
Phạm Văn Đồng: Dĩ nhiên.
Lê Đức Anh: Mao Chủ tịch, quân đội của chúng tôi ở miền Nam đang trải qua [giai đoạn] giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự.Chúng tôi đang chuẩn bị nhận vũ khí do Mao Chủ tịch [và] Đảng Cộng sản Trung Quốc cung cấp, và để thiết lập chiến trường cho các chiến dịch ác liệt sắp tới. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số đội ngũ tinh nhuệ của quân đội Mỹ ở miền Nam. Theo sau chỉ thị của Hồ Chủ tịch, dựa trên kinh nghiệm gần đây nhất của chúng tôi, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ có được chiến thắng tuyệt vời.
Mao Chủ tịch, từ đầu năm nay, chúng tôi đã gây thương vong nặng nề cho một số đội ngũ ưu tú của Mỹ, chẳng hạn như sư đoàn 25, sư đoàn 1, và các đơn vị xe thiết giáp của họ. Chỉ riêng một trận đánh hồi tháng 8 ở Tây Ninh, chúng tôi đã giết chết và làm bị thương 12.000 lính, đa số là lính Mỹ, phá hủy 1.100 xe tăng, xe bọc thép, và hơn 100 súng đại bác. Khi quân bộ binh của chúng tôi tiến lên, xe tăng và xe bọc thép Mỹ rút lui, họ rất sợ quân lính của chúng tôi được trang bị vũ khí do Mao Chủ tịch cung cấp. Chẳng hạn như, [các loại] vũ khí như thế gồm B40.
Mao Trạch Đông: Vũ khí đó có mạnh không?
Lê Đức Anh: Rất hiệu quả để đánh xe tăng.
Mao Trạch Đông: Chúng ta có loại vũ khí này trước đây không? (Hỏi ông Xinting Wang)
Wang Xinting: Không, chúng ta không có.
Diệp Kiếm Anh: Chúng ta đã sử dụng B90 trong chiến tranh Triều Tiên.
Phạm Văn Đồng: Xe tăng sẽ tan chảy khi chúng gặp phải loại vũ khí này.
Lê Đức Anh: Và những người điều khiển sẽ bị đốt chết.
Mao Trạch Đông: Tốt. Chúng ta có thể sản xuất loại này nhiều hơn nữa không?
Wang Xinting: Có, nhưng để sản xuất đạn cho loại vũ khí này thì khó hơn là sản xuất vũ khí.
Lê Đức Anh: Kẻ thù có các mâu thuẫn nội bộ. Quân đội Sài Gòn chỉ trích Mỹ là hèn nhát [và] không tin vào họ nữa.
Mao Trạch Đông: Quân đội Sài Gòn chỉ trích người Mỹ hả?
Lê Đức Anh: quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn không tin nhau. Cả hai đều sợ Quân Giải phóng.
Mao Trạch Đông: Có lẽ đúng.
Lê Đức Anh: Trong một sự cố gần đây xảy ra từ ngày ngày 25 tháng 10 đến ngày 7 tháng 11, một đơn vị của Sư đoàn Bộ binh Thứ nhất của Mỹ từ chối chiến đấu. Trong chiến dịch tháng 8, chúng tôi đã giết chết một chỉ huy sư đoàn. Quân lính tại sư đoàn đó đó đã tổ chức ăn mừng cái chết của ông ta.
Mười Cúc: Tướng này rất tàn bạo.
Mao Trạch Đông: Không văn minh.
Lê Đức Anh: Ở Tây Ninh, chúng tôi loại bỏ 14 đại đội của Sư đoàn 25. Hoa Kỳ đã công nhận điều đó.
Mao Trạch Đông: Tây Ninh là ở đâu?
Lê Đức Anh: 60 km về phía Tây Bắc Sài Gòn và gần biên giới với Campuchia.
Mao Trạch Đông: Chúng tôi biết Sư đoàn 25 rất rõ. Chúng tôi đã đánh với nó ở Triều Tiên. Lúc đó, do những sai lầm của Bành Đức Hoài, nó đã không hoàn toàn bị nghiền nát. Quân đoàn 40 của chúng tôi dưới sự chỉ huy của Diệp Kiếm Anh đầu tiên đánh với nó. Chúng tôi không biết nhiều về Sư đoàn Thứ nhất.
Diệp Kiếm Anh: Chúng tôi đã dứt điểm một trung đoàn. Vào lúc đó, Sư đoàn Thứ nhất chưa có mặt ở Triều Tiên.
Mao Trạch Đông: Các đơn vị kỵ binh Mỹ cũng chiến đấu hả? Thật ra, đó là các đơn vị bộ binh phải không?
Lê Đức Anh: Đó là các đơn vị bộ binh hèn nhát.
Mao Trạch Đông: Tại Triều Tiên, họ đã ngạo mạn. Nhưng hiện nay, từ khi bị các ông đánh, họ đã trở nên hèn nhát. Các đơn vị này đã được triển khai ở phía Tây Triều Tiên phải không? (hỏi Diệp Kiếm Anh)
Diệp Kiếm Anh: Ở phía Đông Triều Tiên.
Mao Trạch Đông: Những sai lầm mà chúng tôi mắc phải ở Triều Tiên đó là chúng tôi muốn nuốt chửng một hoặc hai sư đoàn trong một trận chiến duy nhất. Nhưng chúng tôi đã không thể. Các trận chiến đã cho thấy rằng chúng tôi chỉ có thể nuốt một trung đoàn. Nếu chúng ta sử dụng tất cả các lực lượng của chúng ta để dứt điểm Sư đoàn 25, sẽ mất vài tuần.
Hoàng Văn Thái (8): Vào thời điểm đó, không có B40.
Mao Trạch Đông: Vào thời điểm đó, đã có 800 khẩu đại bác cho mỗi sư đoàn của kẻ thù. Về phía chúng tôi, đã có 800 khẩu đại bác trong ba quân đội (? – three armies) (9). Tất cả các sư đoàn Trung Quốc cộng lại không bằng một sư đoàn Mỹ.
Phạm Văn Đồng: Hiện nay, chúng được trang bị rất tốt.
Mao Trạch Đông: Chắc chắn rồi, 18 năm trôi qua kể từ năm 1950.
Lê Đức Anh: Mao Chủ tịch, chúng tôi hiện có khả năng xâm nhập và chiến đấu ở bất cứ nơi đâu. Chúng tôi thậm chí có thể xâm nhập vào các căn cứ được bảo vệ kỹ nhất.
Mao Trạch Đông: Đó là lý do tại sao họ nguyền rủa các ông vì đánh bừa bãi. Họ muốn ám chỉ rằng họ là những người khác biệt duy nhất.
Mười Cúc: Họ càng bị đánh bại, thì họ càng nguyền rủa chúng tôi.
Lê Đức Anh: Bây giờ, quân Mỹ ở Sài Gòn và các thành phố khác không thể thư giãn. Họ phải ở lại hầm trú ẩn dưới lòng đất. Họ biết rằng chúng tôi đang đánh bằng vũ khí Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi càng đánh nhiều hơn, tập trung lực lượng của chúng tôi vào chiến đấu với họ ở nông thôn cũng như ở các căn cứ lớn của họ. Chúng tôi sẽ chiến đấu quyết liệt hơn.
Mao Trạch Đông: Cần giáo dục chính trị cho quân đội của các ông. Các ông nên tận dụng lợi thế của các cuộc đàm phán cho giáo dục chính trị. Trước mỗi trận đánh lớn, luôn là một mệnh lệnh để dành thời gian cho giáo dục chính trị. Mỗi năm, nên có hai hoặc ba, hoặc bốn chiến dịch lớn là nhiều nhất. Quân đội chính quy nên dành thời gian còn lại cho giáo dục chính trị.
Phạm Văn Đồng: Đó là những gì chúng tôi làm.
Mao Trạch Đông: Khi chúng tôi đánh Nhật trong cuộc chiến tranh giải phóng, hàng năm, chúng tôi chỉ đánh vài chiến dịch. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng chúng tôi vẫn không đủ thời gian cho giáo dục chính trị. Không thể nào đánh nhau hàng tháng. Chúng ta cần thời gian để huấn luyện quân sự, tuyển dụng, và nhận thêm nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược cũng như củng cố hậu phương. Có rất nhiều điều để làm giữa các trận đánh.
Mười Cúc: Chúng tôi đang cố gắng để sẵn sàng về mọi mặt. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhìn thấy mệnh lệnh về giáo dục chính trị quân đội của chúng tôi.
Mao Trạch Đông: Rất cần thiết. Nên có ít nhất một khoảng thời gian lớn để tiến hành giáo dục chính trị. Có thể mất hai hoặc ba tháng, hoặc vài tuần. Khoảng cách giữa các trận đánh là thời điểm thích hợp để thực hiện điều đó.
Mười Cúc: Đó là những gì hiện chúng tôi đang làm. Chúng tôi đang rút kinh nghiệm, chuẩn bị nhiều hơn cả về vật chất lẫn tâm lý cho những trận đánh lớn và chiến thắng lớn sắp tới. Trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, chúng tôi tiếp tục chiến đấu vì chúng tôi thấy rằng chiến trường quyết định kết quả cuối cùng. Trong thời gian giáo dục chính trị, chúng ta phải ngăn chặn những ý nghĩ hy vọng phát triển quá nhiều từ các cuộc đàm phán.
Mao Trạch Đông: Lối suy nghĩ này có thể xuất hiện. Luôn có xu hướng về lối suy nghĩ ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, xu hướng nào cũng chỉ ngắn ngủi và tạm thời.
Mười Cúc: Thời gian này, chúng tôi được triệu tập ra Bắc, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị đã nói với chúng tôi rằng, kẻ thù đang chịu đựng thất bại nặng nề, nên họ phải chấp nhận thương lượng mặc dù họ vẫn kiên trì. Liên quan đến điều này, chúng tôi phải duy trì lối suy nghĩ nghiêng về sự kiên nhẫn, về tổng cách mạng và về các trận đánh lớn. Và chúng tôi đang theo đúng hướng dẫn này.
Mao Trạch Đông: Tốt.
Phạm Văn Đồng: Các đồng chí Mười Cúc, Lê Đức Anh, các đồng chí khác và tôi biết ơn đối với ông, Mao Chủ tịch, đã dành thời gian tiếp đón và nói chuyện với chúng tôi. Những điều mà Chủ tịch nói với chúng tôi hôm nay và những gì đồng chí Thủ tướng Chu Ân Lai và đồng chí Kháng Sinh nói với chúng tôi ngày trước càng khuyến khích tất cả chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng những điều Mao Chủ tịch nói rất đúng, rất phù hợp với tình hình của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
Mao Trạch Đông: Một số [suy nghĩ của tôi] không nhất thiết chính xác. Chúng tôi phải tham khảo những phát triển thực tế.
Phạm Văn Đồng: Cuối cùng, chúng tôi đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế ở Việt Nam và dựa vào sự hiểu biết các quy tắc chiến tranh của chúng ta như thế nào. Đây cũng là điều Mao Chủ tịch đã nói với Hồ Chủ tịch và các đồng chí Việt Nam khác. Một lần nữa, chúng tôi xin được nhắc lại trước Mao Chủ tịch và các nhà lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng chúng tôi quyết định chiến đấu đến cùng cho đến khi nào giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi cho sự hỗ trợ và viện trợ mà Chủ tịch Mao và ĐCS Trung Quốc đã cung cấp cho chúng tôi cũng như nhân dân Trung Quốc anh em.Chúng tôi chúc Mao Chủ tịch có nhiều sức khỏe.
Mao Trạch Đông: Tôi chúc Hồ Chủ tịch nhiều sức khỏe, sống lâu. Tôi cũng chúc các đồng chí khác trong Bộ Chính trị của các ông dồi dào sức khỏe.
Phạm Văn Đồng: Cảm ơn Mao Chủ tịch.
Ghi chú:
1. Tháng 11 năm 1968, một phái đoàn Bắc Việt do Phạm Văn Đồng dẫn đầu (trên đường trở về từ Moscow) và một phái đoàn Trung ương Cục miền Nam do Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đến thăm Trung Quốc. Họ có ba cuộc họp với Chu Ân Lai vào ngày 13, 15, 17 tháng 11, trong các cuộc họp đó, Phạm Văn Đồng đã thông báo với Trung Quốc về các cuộc hội đàm của ông với Liên Xô và các cuộc đàm phán ở Paris. Sau khi gặp Chu Ân Lai, phái đoàn đã yêu cầu một cuộc họp với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tối ngày 17 tháng 11 năm 1968, Mao tiếp phái đoàn tại nhà riêng ở Trung Nam Hải. Có sự hiện diện của Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Chen Boda, Kháng Sinh, Wang Xinting (Phó Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc – PLA), Diệp Kiếm Anh và những người khác phía Trung Quốc, và Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, và những người khác, phía Việt Nam.
2. Lê Đức Anh: (1920 -), sĩ quan quân đội, Phó Tổng tham mưu QĐND Việt Nam năm 1963-1964, Tham mưu trưởng và sau đó làm Phó Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Giải phóng Nhân dân từ năm 1964-1968 (chức vụ này ông vẫn còn nắm khi ông viếng thăm Trung Quốc cùng với Nguyễn Văn Linh vào năm 1968), Tư lệnh Quân khu 9 (Đồng bằng sông Cửu Long) năm 1969-1974. Một trong những Phó Tư lệnh của Chiến dịch Hồ Chí Minh hồi tháng 4 năm 1975, và Tổng Tư lệnh lực lượng xâm chiếm Campuchia vào năm 1978. Ủy viên Bộ chính trị Trung ương ĐCS 1982-1997, và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1992-1997.
3. Thật ra, lúc đầu Ngô Đình Diệm trở thành Thủ tướng vào ngày 16 tháng 6 năm 1954, trong Hội nghị Geneva.
4. Lê Thanh Nghị: (1911-1989), thành viên lâu đời của Đảng Cộng sản Quốc tế, đã từng ở trong Trung ương Đảng thời kỳ Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1980 là Ủy viên Bộ Chính trị và là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, gồm cả viện trợ kinh tế từ nước ngoài.
5. Nguyễn Văn Linh: (Nguyễn Văn Cúc hoặc Mười Cúc) (1913?-1998), là thành viên lâu đời của ĐCS Quốc tế, người gốc miền Bắc, Việt Nam, nhưng phần lớn cuộc đời sống ở miền Nam. Trở thành người lãnh đạo hàng đầu của đảng ở miền Nam khi Lê Duẩn ra Hà Nội năm 1957, và sau này phục vụ như là cấp phó của Nguyễn Chí Thanh và người kế nhiệm của ông là Phạm Hùng làm lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Sau năm 1975, trở thành người chịu trách nhiệm điều hành miền Nam Việt Nam, và giữ chức Tổng Bí thư Đảng CSVN thời kỳ cải cách 1986-1991.
6. Nguyễn Văn Thiệu: (1924 – 2001), Tướng quân đội, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) từ năm 1967-1975.
7. Nguyễn Hữu Thọ: (1910-1996) là luật sư và là thành viên bí mật của ĐCS Đông Dương, Phó Chủ tịch Phong trào Hòa bình Sài Gòn theo sau các thỏa thuận trong hiệp định Geneva năm 1954, bị chính phủ Diệm bắt giữ nhiều năm, sau đó được MTGPMN giải phóng. Là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ khi thành lập năm 1960, và từ năm 1969 Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Phó chủ tịch nước CHXHCNVN từ năm 1976-1980.
8. Hoàng Văn Thái: bí danh Hoàng Văn Xiêm (1906-1986), là sĩ quan quân đội, Hiệu trưởng trường Quân chính, trụ sở của Việt Minh tại Tân Trào trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Là Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN đầu tiên từ năm 1945-1953, chỉ huy các chiến dịch chính trong Chiến tranh Đông Dương, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1961, và là thành viên của Hội đồng Quốc phòng năm 1964. Tư lệnh Quân khu 5 (Nam Trung bộ Việt Nam) 1966-1967. Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Giải phóng Nhân dân năm 1967-1973, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 1974-1981. Ủy viên Trung ương Đảng Lao động VN/ Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1960-1976, và một lần nữa từ năm 1982-1986.
9. Một bản đã chỉnh sửa về cuộc hội đàm này đã được đăng tải ở Bắc Kinh vào năm 1994 (Mao Trạch Đông wenxuan waijiao, trang 580-583). Phiên bản này có nội dung như sau:
Mao Trạch Đông: Do thời gian gần đây không có trận đánh nào, các ông có ý định thương lượng với người Mỹ. Các ông có quyền thương lượng, nhưng rất khó để làm cho Mỹ rút quân thông qua đàm phán. Hoa Kỳ cũng muốn thương lượng với các ông, bởi vì họ đang ở trong một tình thế khó xử. Họ phải đối phó với các vấn đề trong ba khu vực: thứ nhất là châu Mỹ – Hoa Kỳ, thứ hai là châu Âu, và thứ ba là châu Á. Vài năm qua, Hoa Kỳ đã đưa các lực lượng chính đóng quân ở châu Á và đã tạo ra sự mất cân bằng. Về vấn đề này, các nhà tư bản Mỹ đầu tư ở châu Âu không hài lòng. Hơn nữa, trong lịch sử, Hoa Kỳ luôn để cho các nước khác đánh trước, họ sẽ nhảy vào lúc nửa chừng. Chỉ sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ bắt đầu đi đầu trong chiến đấu, trước tiên là Chiến tranh Triều Tiên và sau đó là chiến tranh Việt Nam.
Ở Việt Nam, Hoa Kỳ đang dẫn đầu, nhưng chỉ một số nhỏ của các nước khác đi theo. Cho dù đây là cuộc chiến đặc biệt hay một cuộc chiến giới hạn, Hoa Kỳ hoàn toàn hết lòng cho cuộc chiến. Bây giờ họ không có khả năng chú ý đến các nước khác. Chẳng hạn như, quân đội của họ ở châu Âu phàn nàn, nói rằng thiếu hụt nhân lực và những người lính có kinh nghiệm và những người chỉ huy đã bị loại bỏ và các trang thiết bị tốt hơn đã bị di dời. Hoa Kỳ cũng đã bố trí lại quân lính từ Nhật Bản, Nam Hàn, và các khu vực khác của châu Á. Hoa Kỳ nó rằng dân số của họ có 200 triệu người? Nhưng họ không thể chịu đựng cuộc chiến tranh. Họ chỉ gửi đi có vài ngàn quân. Có sự giới hạn trong quân lính của họ.
Sau khi chiến đấu hơn một chục năm, các ông không chỉ nghĩ về những khó khăn của riêng mình. Các ông cũng nên nhìn vào những khó khăn của đối phương. Đã 23 năm kể từ khi Nhật đầu hàng hồi năm 1945, nhưng đất nước của các ông vẫn còn tồn tại. Ba nước đế quốc đã đưa quân xâm lược, chống lại các ông: Nhật Bản, Pháp, và Hoa Kỳ. Nhưng đất nước ông không chỉ sống sót mà còn phát triển.
Dĩ nhiên, chủ nghĩa đế quốc muốn đánh. Một trong những mục đích chiến tranh của họ là dập tắt ngọn lửa. Một đám cháy đã bắt đầu ở nước các ông, và chủ nghĩa đế quốc muốn dập lửa. Mục đích thứ hai là kiếm tiền thông qua sản xuất vũ khí. Để dập tắt ngọn lửa thì phải sản xuất máy dập lửa, điều này sẽ mang lại lợi nhuận. Hàng năm Hoa Kỳ tiêu trên 30 tỷ đô ở nước các ông.
Tục lệ của người Mỹ là không đánh cuộc chiến lâu dài. Những cuộc chiến họ đã chiến đấu, trung bình khoảng 4-5 năm. Đám cháy ở nước các ông không thể dập. Ngược lại, nó đã lan rộng. Các nhà tư bản ở Hoa Kỳ bị chia thành phe phái. Khi phe này kiếm được lợi nhuận nhiều hơn và phe kia kiếm được lợi nhuận ít hơn, sự mất cân bằng trong việc chia chiến lợi phẩm sẽ xảy ra và rắc rối sẽ bắt đầu trong nước. Những mâu thuẫn này cần được khai thác. Các nhà tư bản độc quyền kiếm được ít tiền không sẵn sàng tiếp tục chiến tranh. Mâu thuẫn này có thể được phát hiện trong các bài diễn văn bầu cử được hai phe thực hiện. Đặc biệt, nhà báo Mỹ, Walter Lippmann, đã đăng một bài báo gần đây, cảnh báo không để rơi vào cái bẫy khác. Ông ấy nói rằng Hoa Kỳ đã rơi vào một cái bẫy ở Việt Nam và rằng vấn đề hiện nay là làm cách nào để leo ra khỏi cái bẫy này. Ông ấy sợ rằng Hoa Kỳ có thể đã rơi vào những cái bẫy của họ. Vì vậy, mục tiêu của các ông là đầy hứa hẹn.
Năm 1964, tôi có trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hàng Châu. Lúc đó, Hoa Kỳ đã nối lại các cuộc tấn công ở miền Bắc Việt Nam, nhưng đã không gia hạn ném bom. Tôi nói rằng Hoa Kỳ có thể kết thúc chiến tranh năm đó bởi vì đó là năm bầu cử ở Mỹ. Bất kỳ tổng thống nào lên cầm quyền, ông ta sẽ gặp phải vấn đề là liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục cuộc chiến tranh hay rút quân bây giờ. Tôi tin rằng những khó khăn mà Hoa Kỳ phải đối mặt sẽ tăng nếu họ tiếp tục cuộc chiến. Tất cả các nước ở châu Âu không tham gia cuộc chiến này.
Tình trạng này khác hẳn với chiến tranh Triều Tiên. Có lẽ Nhật Bản sẽ không tham chiến. Nhật có thể trợ giúp về kinh tế vì họ có thể kiếm tiền bằng cách sản xuất đạn dược. Tôi nghĩ người Mỹ đánh giá cao sức mạnh của họ trong quá khứ. Bây giờ Hoa Kỳ lặp đi lặp lại cách thực hành của họ trong quá khứ bằng cách kéo căng lực lượng của họ. Không chỉ chúng tôi nói điều này, Nixon cũng đã nói như vậy. Hoa Kỳ đã kéo căng lực lượng của họ không chỉ ở châu Mỹ và châu Âu, mà còn ở châu Á. Lúc đầu, tôi không tin rằng Hoa Kỳ sẽ tấn công miền Bắc Việt Nam. Sau đó Hoa Kỳ ném bom miền Bắc Việt Nam, chứng tỏ lời nói của tôi không chính xác. Bây giờ Hoa Kỳ đã ngừng ném bom. Lời nói của tôi, một lần nữa, chính xác. Có lẽ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ném bom, chứng tỏ lời nói của tôi không chính xác lần thứ hai. Nhưng cuối cùng lời của tôi sẽ chứng minh chính xác: Hoa Kỳ đã ngừng ném bom. Vì vậy, tôi tin rằng các ông làm một số kế hoạch đối phó những tình huống bất ngờ cũng đúng thôi.
Tóm lại, trong những năm qua, quân đội Mỹ không xâm lược miền Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ đã không phong tỏa Hải Phòng cũng không ném bom thành phố Hà Nội. Hoa Kỳ đã để dành một phương pháp. Có lúc họ tuyên bố rằng họ sẽ thực hành một [chính sách] "truy kích nóng". Nhưng khi máy bay của các ông đã bay trên đất nước chúng tôi, Hoa Kỳ đã không thực hiện việc "truy kích nóng". Do đó, Hoa Kỳ đã đánh lừa. Họ không bao giờ nhắc đến thực tế là máy bay của các ông đã sử dụng sân bay của chúng tôi. Lấy một ví dụ khác. Trung Quốc có rất nhiều người làm việc tại nước các ông. Hoa Kỳ biết điều đó, nhưng chưa bao giờ đề cập đến, như thể điều đó không hề tồn tại.
Về những người còn lại Trung Quốc đã gửi qua đất nước của các ông, những người không còn cần thiết, chúng tôi có thể cho rút họ về. Các ông đã thảo luận vấn đề này chưa? Nếu Hoa Kỳ đến nữa, chúng tôi cũng sẽ gửi mọi người đến cho các ông. Làm ơn thảo luận về vấn đề này để xem các đơn vị nào của Trung Quốc mà các ông muốn giữ. Hãy giữ lại những đơn vị nào có ích cho các ông. Chúng tôi sẽ rút hết các đơn vị mà các ông không sử dụng. Chúng tôi sẽ gửi tới cho các ông nếu các ông cần họ trong tương lai. Điều này cũng giống như máy bay của các ông đã sử dụng sân bay Trung Quốc: sử dụng chúng nếu các ông cần và không sử dụng nếu các ông không cần. Cách làm việc là như vậy.
Tôi ủng hộ chính sách của các ông, chiến đấu trong khi đàm phán. Một số đồng chí của chúng tôi lo sợ rằng các ông có thể bị người Mỹ lừa gạt. Tôi nghĩ các ông sẽ không bị. Phải chăng đàm phán cũng giống như chiến đấu? Chúng tôi có thể có được kinh nghiệm và biết các khuôn mẫu qua chiến đấu. Đôi khi người ta không thể không bị lừa. Như các ông đã nói rằng, người Mỹ không giữ lời. Johnson đã từng nói công khai rằng, ngay cả các thoả thuận đôi khi không có giá trị. Nhưng mọi thứ đều có quy luật của nó. Lấy các cuộc đàm phán của các ông làm ví dụ, các ông định thương lượng trong một trăm năm? Thủ tướng của chúng tôi đã nói rằng, nếu Nixon tiếp tục các cuộc đàm phán thêm hai năm nữa và vấn đề không được giải quyết, ông ta sẽ gặp khó khăn trong việc giành chiến thắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thêm một điểm nữa, chế độ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam sợ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Một số người ở Mỹ đã chỉ ra rằng, chính phủ thực sự hiệu quả cho dân chúng miền Nam Việt Nam không phải là chính phủ Sài Gòn, mà là Mặt trận Giải phóng. Đây không phải là lời tuyên bố được cho là của người nào trong Quốc hội Hoa Kỳ. Đây là tin tức từ các nhà báo, nhưng tên của người nói đã không được xác định. Tuyên bố này được quy cho một cá nhân của cái gọi là chính phủ Mỹ. Tuyên bố đặt ra một câu hỏi: Ai đại diện cho chính phủ có uy tín thực sự tại miền Nam Việt Nam? Nguyễn Văn Thiệu hay Nguyễn Hữu Thọ? Vì vậy mặc dù Hoa Kỳ công khai ca ngợi Nguyễn Văn Thiệu, nói rằng ông ta sẽ không đi đến Paris để tham dự các cuộc đàm phán, thực ra, họ nhận ra rằng, vấn đề không thể được giải quyết nếu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không tham gia các cuộc đàm phán.
Nguồn: Wilsoncenter.org
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.