Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Thảo luận giữa Trần Nghị và Lê Đức Thọ

-Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 26
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Ngọc Thu dịch

Thảo luận giữa Trần Nghị và Lê Đức Thọ
17-10-1968
Mô tả: Trần Nghị chỉ trích Việt Nam về các nhượng bộ Mỹ trong quá khứ, phá hoại Trung Quốc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Trần Nghị cũng chỉ trích Việt Nam về việc chấp nhận đề nghị đàm phán của Liên Xô.
Trần Nghị:
(1) Từ tháng 4 vừa qua, khi các ông chấp nhận việc ngưng ném bom một phần của Mỹ và tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với họ, các ông đã đánh mất thế chủ động trong các cuộc đàm phán với họ. Bây giờ, các ông chấp nhận đàm phán bốn bên. Các ông thất bại một lần nữa. Do đó, điều này sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân ở miền Nam.


(2) Hiện nay, Washington và Sài Gòn đang công bố các cuộc đàm phán, cho thấy thực tế là các ông đã chấp nhận các điều kiện của Hoa Kỳ đưa ra. Các ông trở về nhà để nhận chỉ thị của đảng, tất cả càng chứng minh điều đó cho người dân thế giới. Qua việc chấp nhận của các ông về các cuộc đàm phán bốn bên, các ông đã cho phép chính phủ bù nhìn được công nhận hợp pháp, do đó, loại bỏ tình trạng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân miền Nam.
Vì vậy, người Mỹ đã giúp chế độ bù nhìn của họ có được tư cách hợp pháp trong khi các ông đã làm cho Mặt trận [Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam] mất uy tín của mình. Điều này làm cho chúng tôi tự hỏi rằng, phải chăng các ông đã làm tăng vị thế của kẻ thù, trong khi làm suy yếu chúng ta. Các ông đang hành động trái ngược với những lời dạy của Hồ Chủ tịch, các nhà lãnh đạo vĩ đại của nhân dân Việt Nam, do đó hủy hoại uy tín của Hồ Chủ tịch đối với nhân dân Việt Nam.
(3) Thời gian này, các ông chấp nhận đàm phán bốn bên sẽ giúp cho Johnson và [Phó Tổng thống Mỹ và là ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, ông Hubert H.] Humphrey giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, do đó để cho người dân miền Nam vẫn còn dưới sự cai trị của đế quốc Mỹ và các con rối của họ. Các ông chẳng những không giải phóng người dân miền Nam, mà còn gây thiệt hại cho họ nhiều hơn nữa. Chúng tôi không muốn các ông mắc thêm một sai lầm nữa. Chúng tôi tin rằng người dân miền Nam Việt Nam không muốn đầu hàng và họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nhưng giờ đây, [để đạt được] mục đích thì khó khăn hơn và cái giá phải trả [cho chiến thắng] đắt hơn nhiều.
(4) Theo ý ​​của chúng tôi, trong một thời gian rất ngắn, các ông đã chấp nhận các đề xuất thỏa hiệp và đầu hàng do những người theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô đưa ra. Cho nên, giữa hai đảng và và hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, không còn điều gì để nói. Tuy nhiên, như Hồ Chủ tịch đã nói, mối quan hệ giữa chúng ta là mối quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em, do đó, chúng ta sẽ cân nhắc những thay đổi tình hình trong tháng 11 và sẽ có ý kiến ​​nhiều hơn nữa.
Lê Đức Thọ: Về vấn đề này, chúng ta hãy chờ xem. Và thực tế sẽ cho chúng ta câu trả lời. Chúng tôi đã có kinh nghiệm trong 15 năm qua. Hãy để thực tế chứng minh.
Trần Nghị: Chúng ta đã ký hiệp định Geneva năm 1954 khi Hoa Kỳ không đồng ý làm như vậy. Chúng ta đã rút các lực lượng vũ trang của chúng ta từ Nam ra Bắc, như vậy để cho người dân ở miền Nam bị giết hại. Vào thời điểm đó, chúng ta đã làm sai mà chúng tôi [người Trung Quốc] chia sẻ một phần [trách nhiệm].
Lê Đức Thọ: Bởi vì chúng tôi đã nghe theo lời của các ông. (3)
Trần Nghị: Các ông chỉ nhắc điều đó tại Hội nghị Geneva, các ông đã sai lầm bởi vì các ông nghe theo lời khuyên của chúng tôi. Nhưng lần này, các ông sẽ sai lầm nếu các ông không nghe lời của chúng tôi.
Ghi chú:
1. Lê Đức Thọ (*) (1910-1990), thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương, là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (dưới quyền Lê Duẩn) năm 1949-1954 (trước năm 1951 là Xứ ủy Nam bộ). Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao Động VN từ năm 1954. Từ năm 1963 làm Trưởng ban giám sát miền Nam, đã hội đàm bí mật với Henry Kissinger tại Paris từ tháng 2 năm 1970, và từng là trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris. Cùng với Kissinger, năm 1973, [Lê Đức Thọ] được trao giải Nobel Hòa bình mà ông từ chối nhận.
2. Trên đường trở về từ đàm phán Paris, Lê Đức Thọ dừng chân tại Bắc Kinh. Ông đã gặp gỡ và báo cáo với ông Trần Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Sau đó, ông được yêu cầu thông báo cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cũng như các Ủy viên Trung ương ĐCS Trung Quốc và Nhóm Lãnh đạo Cách mạng Văn hóa về nội dung của cuộc đàm thoại. Ngày 17 tháng 10, một lần nữa, Trần Nghị đã gặp Lê Đức Thọ để truyền đạt ý kiến ​​cá nhân của Chu Ân Lai dựa trên các chỉ thị chung của Mao Chủ tịch và các Ủy viên Trung ương ĐCS Trung Quốc.
3. Xem các bài luận văn do ông Stein Tonnenson giới thiệu trong Tài liệu Làm việc số 22: "77 cuộc hội thoại giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo nước ngoài về các cuộc chiến tranh Đông Dương, 1964-1977", về ý kiến của các đại từ được sử dụng trong cuộc trao đổi này.
Người dịch trực tiếp gửi cho BVN.

Phụ chú:
(*) Về tiểu sử của ông Lê Đức Thọ ghi trong tài liệu này, có phần hơi khác với các tài liệu khác, như năm sinh, có nơi ghi 1911, cũng như thời gian nhận các chức vụ, có tài liệu ghi Lê Đức Thọ trở thành Ủy viên BCT Đảng Lao Động VN năm 1955, thay vì 1954.
Về việc Lê Đức Thọ không nhận giải Nobel Hòa bình, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Lê Đức Thọ không nhận giải Nobel là vì đảng không cho nhận, bởi nếu Lê Đức Thọ nhận giải đó, chẳng khác nào đảng thừa nhận nền hòa bình tại VN được giải quyết bằng con đường đàm phán, thương lượng, không phải do đảng lãnh đạo thành công “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Cũng có ý kiến cho rằng, Lê Đức Thọ không dám nhận vì làm như vậy là qua mặt Lê Duẩn. Một ý kiến khác, Lê Đức Thọ không muốn cùng đứng chung nhận giải với “kẻ thù” là Henry Kissinger.

Tổng số lượt xem trang