Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Báo quân đội TQ phản đối 'thế lực bên ngoài'

--Báo quân đội TQ phản đối 'thế lực bên ngoài'
Quân Giải phóng Trung Quốc diễn tập ở Hong Kong - hình tư liệu
Báo Quân Giải phóng của Trung Quốc phản đối "thế lực bên ngoài" can dự vào "tranh chấp biển Nam Hải" trong lúc phát ngôn viên chính phủ ở Bắc Kinh cũng lên tiếng về Việt Nam.
Bài xã luận trên tờ Quân Giải phóng hôm nay 14/6 viết rằng "Tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình qua các cuộc tham vấn hữu nghị giữa hai bên tham gia".
Đây là quan điểm bác bỏ "quốc tế hóa" và "đa phương hóa" cuộc tranh chấp tại Biển Đông.

Bản tin của Reuters cùng ngày trích lời bài xã luận trên tờ báo thuộc quân đội Trung Quốc cho rằng "Việt Nam và Trung Quốc liên tục cáo buộc lẫn nhau những tuần qua về điều bên này cho là bên kia đã xâm phạm vào lãnh hải của mình".
Tuy không nói ra "thế lực bên ngoài" là ai, báo Trung Quốc nhắc lại lời cảnh cáo của nước này rằng "các quốc gia không liên quan hãy rút lui".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi cũng vừa lên tiếng:
"Chúng tôi hy vọng là các nước không liên can trực tiếp đến vấn đề Nam Hải hãy nghiêm chỉnh tôn trọng quyền của những nước có liên quan giải quyết vấn đề thông qua đàm phán."
Vai trò của Mỹ
Tuần này có tin Hải quân Mỹ sẽ tập trận với Philippines ở vùng biển Sulu vào cuối tháng.
Hiện cũng có tin hàng không mẫu hạm USS George Washington sẽ vào Biển Đông và diễn tập cứu hộ với phía Việt Nam.
Bắc Kinh thì luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương
Chris Buckley, Reuters
Riêng về quan hệ Mỹ - Trung, tác giả Chris Buckley của Reuters viết rằng:
"Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng lên năm ngoái sau khi Chính quyền Obama tham gia vào tranh chấp Biển Nam Trung Hoa, nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Washington cho một giải pháp tập thể."
"Năm nay, quan hệ hai bên tiến triển đều và cho tới nay, Washington tỏ ra im lặng về vụ việc. Bắc Kinh thì luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương, một chiến lược mà có những nhà chỉ trích gọi là cách "chia rẽ để chiếm đoạt".
Tuy vậy, theo một biên tập viên của BBC Tiếng Trung tại London thì ngôn từ trong bài xã luận của tờ báo Trung Quốc lần này "khá mềm mỏng".
Từ trước tới nay, Trung Quốc nêu ra quan điểm "gác tranh chấp cùng khai thác" ở Biển Đông.
Một số nhà nghiên cứu, quan sát tại Việt Nam cho rằng cách đòi 70% lãnh hải rồi "đồng ý chia" là một phần của chiến lược của Trung Quốc muốn chiếm trọn vùng biển Đông Nam Á.
Về phía Việt Nam, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ gần đây được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng:
"Việt Nam hoàn toàn đủ chứng lý để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế,"
"Tuy nhiên, Việt Nam phải hết sức thận trọng, tránh mắc vào âm mưu của Trung Quốc muốn biến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành vùng tranh chấp."
Các vụ việc mà Việt Nam nói là tàu của họ bị tàu Trung Quốc "gây hấn" hôm 26/5 và đầu tháng 6 đã làm nổ ra hai cuộc phản đối của trí thức và giới trẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chính Minh vào hai ngày 5 và 12/6.
-Mỹ điều tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương
Hàng không mẫu hạm USS George Washington từng có mặt ngoài khơi Đà Nẵng
Tin cho hay hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ vừa lên đường tới khu vực Biển Đông.
Báo Mainichi của Nhật Bản đưa tin hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng nguyên tử vừa rời căn cứ Yokosuka ở Nhật để lên đường "tham gia một cuộc tuần tra đa quốc gia tại vùng Tây Thái Bình Dương".
Hiện mới chỉ có một mình nhật báo Mainichi đăng tải thông tin này.
Tờ báo hàng đầu Nhật Bản cho biết thêm rằng sứ vụ của USS George Washington sẽ kéo dài nhiều tháng, bao gồm việc hợp tác với các nước trong khu vực để tuần tra các vùng biển, trong có Biển Đông.
Báo này nói hoạt động của tàu Mỹ diễn ra trong bối cảnh "nhiều quan ngại về hiện diện ngày càng nhiều của tàu hải quân Trung Quốc trong khu vực".
Mainichi dẫn lời chỉ huy hàng không mẫu hạm David Lausman nói trước khi tàu xuất phát rằng cuộc tuần tra chung cùng các đồng minh ở Thái Bình Dương là nhằm mục đích duy trì ổn định trong khu vực.
Ngay cả khi chính phủ Mỹ muốn giữ trung lập về ngoại giao và quân sự, thì Washington vẫn có thể dùng hoạt động của các công ty dầu khí Mỹ để ảnh hưởng một cách kín đáo tới vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của TQ Ngô Sĩ Tồn
Ông Lausman không cung cấp thêm chi tiết hoạt động tuần tra.
Trước đó, Mỹ cũng loan báo việc khu trục hạm USS Chung-hoon tới Tây Thái Bình Dương và tham gia tập trận CARAT với Philippines và một số nước khác.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington hồi tháng Tám năm ngoái đã tới thăm Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Hải quân Việt Nam và Hạm đội 7 nhân dịp 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Một nhóm các sỹ quan cao cấp của Việt Nam đã được chở ra thăm chiến hạm khổng lồ này, lúc đó đậu ngoài khơi cách biển Đà Nẵng chừng 200 hải lý.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington vừa mới quay lại hoạt động hồi đầu tháng sau khi phải sửa chữa bảo dưỡng vì ảnh hưởng của trận động đất sóng thần tháng Ba tại Nhật.

Ngư ông đắc lợi?

Trong khi đó, Trung Hoa Thông tấn xã, một cơ quan truyền thông thân Bắc Kinh đặt tại Hong Kong có bình luận về vai trò của Hoa Kỳ trong tình hình căng thẳng hiện thời ở khu vực.
Hãng này nhận xét "cách hành xử vô lý của Việt nam và một số nước khác đã khiến tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông trước đây quy mô nhỏ nay đã bùng lên nhanh chóng".
Trung tấn xã dẫn lời một nhà quan sát nói lập trường của Hoa Kỳ trong việc này đã chuyển từ "không liên quan" tới "Liên quan nhưng không tham gia".
Nhà quan sát này nói việc Mỹ đóng vai trò "trung gian thứ ba" thật đáng nghi ngờ và Mỹ có thể sẽ hưởng lợi trong việc xung đột leo thang.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc nói rằng các động thái của Hoa Kỳ và các nước không thuộc châu Á-Thái Bình Dương khác đã khiến tình hình tại Biển Đông đã mong manh lại càng thêm bất ổn.
Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Người phát ngôn VN Nguyễn Phương Nga
Ông Ngô được Trung tấn xã dẫn lời nói: "Chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ trước hết là nhằm kiểm soát Trung Quốc".
"Ngay cả khi chính phủ Mỹ muốn giữ trung lập về ngoại giao và quân sự, thì Washington vẫn có thể dùng hoạt động của các công ty dầu khí Mỹ để ảnh hưởng một cách kín đáo tới vấn đề Biển Đông."
Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố không đứng về phía bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng bảo đảm tự do lưu thông là quyền lợi quốc gia của Mỹ.
Trước tình trạng căng thẳng hiện thời ở khu vực, Mỹ cũng nhanh chóng bày tỏ quan ngại và kêu gọi giải pháp ôn hòa.
Việt Nam tuần trước đã lên tiếng hoan nghênh sự tham gia của các nước ngoài trong tiến trình mà Hà Nội gọi là "duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tại Biển Đông".
Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga nói: "Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông."
 

Tổng số lượt xem trang