Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

VN bác bỏ yêu cầu của Campuchia cắm lại mốc biên giới

--VN bác bỏ yêu cầu của Campuchia cắm lại mốc biên giới
Việt Nam bác bỏ đòi hỏi của Campuchia về việc chia lại vùng đất biên giới giữa Đắc Đam và Đắc Huýt thuộc tỉnh Đắc Nông ở Tây nguyên. Báo chí Việt Nam hôm nay dẫn lời ông Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định chủ quyền Việt Nam tại khu vực này.

Ông Trịnh Đức Hải đã trưng dẫn điều 1, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 27/12/1985; theo đó xác định khu vực này thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Vẫn theo lời ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, theo Hiệp ước 2005 bổ sung Hiệp ước 1985, Hà Nội và Phnompenh thỏa thuận điều chỉnh hướng đi của đường biên giới đối với 6 khu vực, nhưng hoàn toàn không có khu vực Đắc Đam Đắc Huýt mà ông Va Kim Hong đề cập.

Được biết hồi đầu tháng 11, Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới của Campuchia ông Va Kim Hong nhiều lần phát biểu, khu vực giữa Đắc Đăm và Đắc Huýt là vùng đất mà Campuchia có quyền đòi hỏi theo Nghị Định 1914 của Toàn quyền Đông Dương.




-Vấn đề Kampuchia : Rắc rối về « đường biên giới hiện trạng »
Nhan Tuan Truong
-Thế nào là « đường biên giới » ? Quan niệm « biên giới – frontière, boundary » trên tinh thần công pháp quốc tế là một quan niệm rất mới, chỉ có từ đầu thế kỷ 20, sau khi quan niệm « quốc gia – Etat » được thành hình. Theo đó đường biên giới được định nghĩa như là « vỏ bao bọc liên tục một tập hợp không gian của một quốc gia », là « điểm chấm dứt thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ ». Học giả Michel Foucher trong tập « Fronts et Frontières » (Tiền tuyến và Biên thùy) có nói rằng : « phải có hai bên mới vẽ được đường biên giới ».
Trường hợp biên giới VN-Cambodge (sau này là Kampuchia), biên giới thực ra chỉ có « một bên » đứng ra hoạch định : Pháp. Đó là đường biên giới « thuộc địa ». Đường biên giới (thuộc địa) này, đáng lẽ sau khi hai bên thiết lập lại nền độc lập, trở thành đường biên giới « quốc tế » theo tinh thần « uti possidetis » của công pháp quốc tế. Nhưng ông hoàng Sihanouk đã không nhìn nhận cơ sở pháp lý này và yêu cầu Pháp trả lại lãnh thổ Nam kỳ cũng như đảo Phú Quốc về phía Cambodge. Biên giới của Sihanouk là « biên giới lịch sử », nhưng ông đã bỏ qua giai đoạn lịch sử dưới triều Minh Mạng lãnh thổ Cambodge đã thuộc về VN.


Yêu cầu của Sihanouk phi lý, không ai có thể thỏa mãn được.

Chiến tranh VN bùng nổ. Vấn đề biên giới không thuộc phạm vi của hai bên (VNCH và Cambodge), mà trở thành vấn đề của nhiều phía. Các nguyên tắc quốc tế về sự « biên giới bất khả xâm phạm », « không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác »… đã bị xóa bỏ. Phía VNDCCH và MTGPMN lợi dụng lãnh thổ Cambodge để lập chiến khu (vùng Mỏ Vẹt, tức tỉnh Svay Rieng). Mỹ và VNCH truy kích VC phải xâm phạm lãnh thổ Cambodge. Trong khi phía TQ, tính toán từ xa, sử dụng vấn đề dân tộc chủ nghĩa và biên giới để tố cáo Mỹ đồng thời kềm hãm các phía VN.

Người ta chỉ cần hai bên để vẽ đường biên giới. 6 bên (Mỹ, TQ, VNDCCH, MTGPMN, VNCH và Cambodge) là quá nhiều, trong khi phía Cambodge lại có nhiều khuynh hướng khác nhau mà Sihanouk chỉ đại diện cho một phía. Biên giới trở thành chiến trường, đúng như ý nghĩa tựa đề của tập tài liệu « Fronts et Frontières » (Tiền tuyến và Biên thùy). Chữ « front » ở đây có nghĩa là « cái trán », nhưng còn có nghĩa là « mặt trận, tiền tuyến… ». Từ « chạm trán », tức xung đột, của VN cũng từ đây mà ra. Ý nghĩa tựa đề tập sách là « biên giới » luôn đi kèm với việc xung đột, đối đầu. Tựa đề tập sách phản ảnh thực tế của biên giới VN và Cambodge. Đường biên giới có nguy cơ thay đổi do « tương quan lực lượng ».

Trong tình trạng đó, lo ngại lãnh thổ bị mất kiểm soát do chiến tranh, Sihanouk đề nghị chính quyền Ngô Đình Diệm nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng – frontière actuelle ».

Chính thức vào ngày 3-8-1959, Sihanouk sang Sài Gòn đề nghị với Tổng thống Ngô Đình Diệm trao đổi « quyền lịch sử của Cambodge » để được VNCH nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của Cambodge. « Đường biên giới hiện trạng » của Sihanouk đề nghị được thể hiện trên bộ bản đồ do Sở Địa dư Đông dương ấn hành (trước năm 1954).

Điều này ông Diệm từ chối. Không phải vì ông Diệm không có thiện chí mà vì hai lý do : Về an ninh, phía Cambodge đã chứa chấp các thành phần chống lại chính quyền VNCH. Khu vực « Mỏ Vẹt », tức tỉnh Svay Rieng, là chiến khu của MTGPMN, là điểm cuối của đường mòn HCM. Vùng này chỉ cách Sài Gòn có 80km. Ông Diệm yêu cầu Sihanouk không được chứa chấp các thành phần chống lại chính quyền VNCH. Yêu cầu của ông Diệm được Mỹ ủng hộ.

Trong khi đó « đường biên giới hiện trạng » của Sihanouk nộp cho LHQ không hoàn toàn đúng với những tấm bản đồ do Sở Địa dư Đông dương của Pháp ấn hành (trước 1954). Trong đó một số đoạn có sửa chữa (gồm 9 điểm), dành khoảng 100km² về cho Cambodge. Ngoài ra, các đảo Thổ Chu, quần đảo Hải Tặc cũng thuộc về Cambodge.

Lập trường của Ngô Đình Diệm (và Mỹ) là phù hợp với tập quán quốc tế. Trong trường hợp này đường biên giới « uti possidetis » đã thay đổi cũng như phía Cambodge đã đồng lõa và dung chứa thành phần phiến loạn xâm nhập lãnh thổ và đe dọa lật đổ chính quyền.

VNCH (và Mỹ) không thỏa mãn Sihanouk, ông này quyết định ủng hộ VNDCCH và MTGPMN.

Ngày 31-5-1967 MTGPMN ra tuyên bố nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của Sihanouk. Tiếp theo, ngày 8-61967, VNDCCH cũng ra tuyên bố ủng hộ và nhìn nhận đường biên giới này.

Vấn đề là cả hai bên đều không có bảo lưu về những thay đổi cố ý ở một số tấm bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông dương (SGI) cũng như số phận một số đảo trong vịnh Thái Lan.

Trên quan điểm công pháp quốc tế, các tuyên bố của VNDCCH và MTGPMN nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của Cambodge đều không có giá trị ràng buộc.

Hiệp định Genève 1954 qui định « quốc gia VN độc lập, thống nhất ba miền và toàn vẹn lãnh thổ ». Điều này được khẳng định lại theo nội dung Hiệp định Paris 1972. Điều này có nghĩa là hai miền VNCH và VNDCCH (cũng như MTGPMN) chỉ là « một thành phần » của quốc gia VN.

Trong tập « La Statut Juridique des Etats Divisés » (Tình trạng pháp lý của các quốc gia bị phân chia) của tác giả Gilbert Caty có đưa ra lý thuyết về « Etat Partiel – quốc gia chưa hoàn tất ». Tác giả đã xếp hai miền VN cũng như Đài Loan và Lục địa, hai miền Đại Hàn và hai miền nước Đức vào chung thể loại các « quốc gia bị phân chia ». Thuật từ « etat partiel - quốc gia chưa hoàn tất » ra đời. Theo đó « quốc gia chưa hoàn tất » không phải là « quốc gia » thực sự, đơn giản vì nó không có thẩm quyền trên dân chúng và thẩm quyền về lãnh thổ ở những vùng đất không (hay chưa) kiểm soát.

VNDCCH không có thẩm quyền để tuyên bố nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » do Sihanouk nộp ở LHQ vì nó không thuộc thẩm quyền của thực thể chính trị này. MTGPMN cũng vậy.
Đường biên giới mà Sihanouk yêu sách vừa không phù hợp với đường biên giới trên thực địa (do việc di dân, tị nạn do chiến tranh), vừa không đúng với đường biên giới thuộc địa (trở thành đường biên giới quốc tế do hiệu quả uti possidetis).

Sau cuộc chiến 10 năm, hòa bình thiết lập lại trên đất Kampuchia, cũng như VN đã thống nhất đất nước. Điều kiện đã hội đủ. Ngày 27-12-1985 hai bên VN-Kampuchia ký kết Hiệp ước « Hoạch định biên giới quốc gia ». Dầu vậy đến nay 30 năm sau, việc cắm mốc vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân do đâu ?

Nguyên nhân là hai bên cùng nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng ».

Mới đây, ngày 6-7-2015, Thủ tướng Hun Sen của Kampuchia gởi thư yêu cầu LHQ cho tham khảo các tấm bản đồ do Sihanouk nộp năm 1964 để kiểm soát lại vị trí các cột mốc vừa được cắm. Theo Sam Rainsy thì VN đã lấn đất ở khu vực tỉnh Svay Rieng.

Vấn đề là hai bên, VN và Kampuchia, đã có quan niệm khác nhau về « đường biên giới hiện trạng ».

Phía VN, theo nội dung Hiệp định 1985, đường biên giới thể hiện trên bộ bản đồ SGI trước 1954, tỉ lệ 1/100.000 gồm 26 tấm. Điều đặc biệt là hai bên cùng nhìn nhận sử dụng 40 tấm bản đồ quân sự của Mỹ 1/50.000, đối chiếu từ bộ bản đồ SGI. Các bản đồ 1/50.000 của Mỹ sau đây thuộc biên giới thuộc tỉnh Svay Rieng, nơi luôn xảy ra tranh chấp từ hơn thế kỷ nay giữa VN và Kampuchia, dẫn lại dưới đây cho thấy tiêu biểu biên giới VN và Kampuchia theo hiệp định 1985, tái xác định theo hiệp định 2005. Ta thấy sự chính xác gần như 100% so sánh với bản đồ SGI.



vinh_thanh-6130-4-page1

svay_rieng-cambodia-50k-6131ii-1971-page1

an_thanh-6231-3-page1

moc_hoa-6130-1-page1

Nhưng phía Kampuchia, qua yêu cầu LHQ của Hun Sen, « đường biên giới hiện trạng » thể hiện trên bộ bản đồ SGI trước 1954 được Sihanouk nộp lưu chiểu tại LHQ. 

Vấn đề là đồ tuyến biên giới ở một số tấm bản đồ này đã được Sihanouk sửa chữa, đem lại cho Kampuchia khoảng 100km² đất.

Vừa qua TS Trần Công Trục, trên báo chí có nói đến một số tấm bản đồ SGI nộp LHQ đã bị cạo sửa. Vấn đề là VNDCCH và MTGPMN đã nhìn nhận (năm 1967) đường biên giới (có sửa đổi) này của Sihanouk. 

Nguyên nhân khiến Hun Sen yêu cầu LHQ dĩ nhiên đến từ phía ngoài, làm áp lực lên VN trong lúc Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ. 

Nhưng các tấm bản đồ mà Sihanouk nộp LHQ không có giá trị pháp lý, một mặt vì hai bên VN và Kampuchia đã ký hiệp định (1985 và 2005) cùng nhìn nhận 26 tấm bản đồ SGI trước 1954 không sửa chữa, đối chiếu qua 40 tấm bản đồ 1/50.000 của quân sự Mỹ. Thứ hai, VNDCCH không có thẩm quyền để nhìn nhận đường biên giới này, như đã phân tích ở trên.

Yêu cầu của Hun Sen vì vậy không có ý nghĩa, ngoài việc gây trở ngại cho việc phân định biên giới đồng thời dấy lên lòng căm thù một cách phi lý từ hai dân tộc. 

-Trần Trung Đạo: Sam Rainsy, con cờ mới của Trung Cộng trong xung đột Việt-Trung-Miên
-
Khái niệm chủ nghĩa dân tộc có từ thời cổ Hebrew gần hai ngàn năm trước Thiên Chúa, qua đó, một tập thể người xác định họ khác với các tập thể người khác dựa trên các tiêu chuẩn chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, lịch sử.  Có nhiều loại chủ nghĩa dân tộc và loại nguy hiểm nhất là chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Extreme nationalism, Ultra-nationalism) trong đó một dân tộc tự nhận có đặc tính chủng tộc, văn hóa, lịch sử siêu việt vượt lên trên các dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng là môi trường để các chính trị gia cơ hội dùng hận thù để khích động chiến tranh, khơi dậy mặc cảm dân tộc như một thủ đoạn chính trị để nắm lấy quyền lực. Một chính trị gia Cambode đang sử dụng cả hai phương pháp này, và y tên là Sam Rainsy.


Sam Rainsy là ai?

Sam Rainsy sinh ngày 10 tháng 3, 1949 tại Nam Vang. Du học tại Pháp năm 1965. Tốt nghiệp nhiều bằng cấp về tài chánh. Tham gia đảng Mặt Trân Đoàn Kết Quốc Gia vì một Cambode Độc Lập, Trung Lập, Hòa Bình và Hợp Tác, gọi tắc là Funcinpec (Front Uni National pour un Cambodge Indépendant, Neutre, Pacifique, et Coopératif) và đại diện châu Âu của đảng này. Funcinpec được thành lập từ thời vua Norodom Sihanouk nhưng yếu dần sau khi ông Hoàng xứ chùa Tháp bị tướng Lon Nol lật đổ trong vắng mặt và lưu vong. Khi Pol Pot lên cầm quyền số đảng viên Funcinpec còn lại phần lớn bị giết. Sau khi về nước 1993, Sam Rainsy được giao chức vụ Bộ Trưởng Tài Chánh nhưng bị bất tín nhiệm hai năm sau đó. Năm 1995, Sam Rainsy tự thành lập đảng riêng, Đảng Quốc Gia Khmer (KNP) và sau đó đổi tên thành Đảng Sam Rainsy. Giữa năm 2012, Đảng Sam Rainsy sáp nhập với Đảng Nhân Quyền do Kem Sokha lãnh đạo thành đảng Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia (Cambodia National Rescue Party, CNRP).

Ngày 3 tháng Hai, 2005 Sam Rainsy tự lưu vong sau khi biết mình sắp bị truy tố với hàng loạt tội trong đó có việc tố cáo Hun Sen có can dự đến cái chết của lãnh đạo công đoàn Chea Vichea. Tuy nhiên tháng Hai, 2006, y nhận được sự khoan hồng từ vua Norodom Sihamoni theo lời yêu cầu của Hun Sen.

Sau khi trở lại Nam Vang, Sam Rainsy bị bắt vì tham gia vào việc nhổ cọc biên giới Việt Miên. Ngày 25 tháng 10 năm đó, Rainsy bị truy tố về tội xách động chủng tộc và hủy hoại tài sản tại tòa án tỉnh Svay Rieng. Lần nữa y tự lưu vong. Tháng 9, 2010 Sam Rainsy bị xử vắng mặt và bị kết án 10 năm tù. Tuy nhiên tháng 7, 2013, vua Norodom Sihamoni, lần nữa theo thỉnh cầu của Hun Sen trước áp lực quốc tế, ân xá cho Sam Rainsy và cho phép y hồi hương.

Dòng dõi của Sam Rainsy đều hoạt động chính trị. Cha của y,  Sam Sary trước đây cũng là một chính trị gia và ông nội y, Sam Nhean, cũng thế. Cả dòng họ Sam đều có máu quá khích, hung bạo. Trong thời gian làm đại sứ tại Anh, Sam Sary đã từng đánh một phụ nữ phục vụ có thai một cách dã man đến nỗi bà ta phải trốn khỏi tòa đại sứ để báo cho cảnh sát Anh biết. Sam Sary bị Sihanouk triệu hồi và tướt bỏ tất cả các chức vụ và quyền hạn. Vợ của Sam Rainsy, bà Tioulong Saumura sinh ngày 9 tháng 7, 1950 cũng hoạt động chính trị và là lãnh đạo cao cấp của đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambode. Bà được bầu vào quốc hội năm 2003. Từ 1993 đến 1995, bà từng là phụ tá Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Cambodia.

Quan điểm của Sam Rainsy đối với Trung Cộng

Sam Rainsy không phải bắt đầu là một con cờ chính trị ngoan ngoãn của Trung CộngTháng 5, 2000, Sam Rainsy đã làm Trung Cộng nỗi giận khi tham dự buổi họp của Hội Đồng Dân Chủ Tự Do Á Châu (Council of Asian Liberal Democrats, CALD) tại Jakarta trong đó có đại diện đảng Dân Chủ Tiến Bộ Đài Loan. Vài hôm sau, ngày 20 tháng Năm, y đã đích thân đến Đài Bắc để tham dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Đài Loan Trần Thủy Biển mặc dù Trung Cộng đã chính thức khuyến cáo y không nên tham dự. Các hành động này đã làm Trung Cộng tức tối, phản ứng quyết liệt và cảnh cáo Sam Rainsy rằng Trung Cộng sẽ “tiếp tục theo dõi các vi phạm của Sam Rainsy” và nhắc y biết “theo đuổi các mối lợi nhỏ coi chừng sẽ mất lợi lớn”.

Lời cảnh báo của Trung Cộng giúp cho Sam Rainsy hiểu rằng muốn đoạt được quyền lực từ tay Hun Sen, y cần theo đuổi chủ trương “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Sam Rainsy chống lại mọi chính sách mà Hun Sen ủng hộ và khai thác mọi mâu thuẫn trong khu vực có lợi cho mình, đặc biệt xung đột Trung Cộng và các quốc gia Đông Nam Á. Theo báo The Cambodia Herald, ngày 23 tháng 1, 2012, Sam Rainsy kêu gọi quốc hội Cambodia ủng hộ quan điểm của Trung Cộng về biển Đông và thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Cộng. Sam Rainsy phát biểu: “Để bày tỏ lòng biết ơn đối với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã ủng hộ Cambodia nhiều chục năm, Cambodia phải hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc qua chính sách Một Trung Hoa và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này”. Ngày 11 tháng Giêng 2014 vừa qua tại Siem Reap, Sam Rainsy, lãnh tụ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia (CNRP) lần nữa tuyên bố “Chúng tôi đứng về phía Trung Quốc và chúng tôi ủng hộ Trung Quốc trong việc lại chống Việt Nam về chủ quyền Biển Nam Hoa [Biển Đông]”.

Sam Rainsy còn đi xa hơn khi xác nhận và hãnh diện được là người Miên mang dòng dõi Hán. Y tự nhận rằng tổ tiên y đã di cư từ Trung Quốc sang Miên hàng 100 năm trước và cho rằng dân Miên gốc Hoa chiếm đa số trong tổng số dân Cambode. Quan điển ngày làm ngạc nhiên hầu hết các nhà phân tích chính trị và sử học của Miên. Sam Rainsy phát biểu “Từ 1955, vua Norodom Sihanouk tiếp xúc lần đầu với Thủ tướng Chu Ân Lai, Cambode luôn dựa vào Trung Quốc”. Mới đây Sam Rainsy cũng nhắc lại trong buổi phỏng vấn dành cho BBC “Chúng tôi noi gương cố Quốc vương [Norodom Sihanouk], người ngay từ những năm 1950 đã xây dựng quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc, không ai có thể bỏ qua. Trung Quốc là tương lai. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ giúp Campuchia bảo vệ chủ quyền...” Sam Rainsy còn trơ trẽn lập lại câu mà Hun Sen đã dùng để nịnh Trung Cộng trước đó “Chúng tôi biết ơn Trung Quốc vì họ giúp chúng tôi rất nhiều mà không đòi hỏi gì ngược lại”.

Quan điểm của Sam Rainsy đối với Cộng Sản Việt Nam

Sam Rainsy chống CSVN quyết liệt. Trên báo Cambodia Daily, 21 tháng 7, 1998 Sam Rainsy viết “Nếu tôi thắng cử, tôi sẽ gởi bọn bù nhìn Duôn (yuon) về nhà. Nếu đảng của Sam Rainsy thắng cử, sẽ không còn Duôn”. Theo kết quả nghiên cứu của đề án Minorities at Risk về quan hệ Việt Miên, sự thù địch đối với người Việt trên đất Miên có từ nhiều thế kỷ nhưng bùng nổ cao điểm sau hội nghị 19 quốc gia tại Paris vào mùa hè 1989. Năm 1990, thỏa hiệp Paris được bốn thành phần gồm chính phủ Hun Sen, Khmer Đỏ (Khieu Samphan), KPNLF (Son Sann) và nhóm Hoàng Gia Sihanouk ký kết. Bốn thành phần này thành lập Hội Đồng Tối Cao Lãnh Đạo Quốc Gia cho đến khi tổng tuyển cử. Trong lúc Mỹ xác nhận tất cả lực lượng quân sự CSVN đã rút khỏi Cambode, Trung Cộng và Khmer Đỏ không đồng ý và cho rằng thường dân Việt đang cư ngụ tại Miên thực ra chỉ là quân đội trá hình.  Loại bỏ khối người Việt mà y gọi Duôn này là mục tiêu chính trong nghị trình chính trị của Sam Rainsy.

Gọi người Việt nhập tịch Miên là Duôn. Tiến sĩ David Roberts, giáo sư sử học University of Ulster, Northern Ireland tố cáo Sam Rainsy đã phân biệt chủng tộc khi gọi người Việt là Duôn (Youn). Trong một bài báo phản biện, tác giả Kenneth T. So đăng trên trang mạng của đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia cho rằng chữ Duôn phát âm từ chữ Yueh (Việt) mà ra. Khieu Samphan, lãnh tụ Khmer Đỏ, là người đầu tiên dùng từ ngày trong văn thư gởi ông Akashi, lãnh đạo của United Nations Force tại Cambode (UNTAC). Từ đó, Sam Rainsy tiếp tục dùng tiếng lóng này để chỉ người Việt nhập tịch Miên không chỉ trong khi nói mà cả trong các bài viết. Cứ tạm cho giải thích của Kenneth T. So là hợp lý, y không thể biện hộ việc đem một cách gọi chỉ phổ biến trong dân gian vào các văn kiện quốc tế. Trong cách nói dân gian, từ Duôn có thể không mang tính mạ lỵ, phỉ báng nặng nề nhưng khi sử dụng Duôn thay vì Việt Nam, một dân tộc mà cả thế giới đều biết và công nhận, trong các văn bản chính thức cấp chính phủ, từ Khieu Samphan cho đến Sam Rainsy đều hàm ý nhục mạ Việt Nam.   

Sam Rainsy luôn tìm cách khích động các mâu thuẫn lãnh thổ và lịch sử giữa Việt Nam và Cambode. Sam Rainsy viết trong Cambodia Daily tháng 10, 2013 “Tất cả người dân Cambode vẫn còn nhớ số phận bi thảm của Kampuchea Krom hay dân miền Nam Cambode, gồm 21 tỉnh Khmer đã bị Việt Nam sáp nhập vào thế kỷ trước, với sự đồng lõa của thực dân Pháp, theo sau nhiều thập niên di dân ồ ạt. Kết quả, số người Việt đông hơn người Cambode, và theo cán cân địa lý dân số mới,  như một sự kiện đã rồi, đã hợp thức hóa việc Việt Nam sáp nhập lãnh thổ Cambode. Nhân dân Cambode đang lo sợ một sự kiện đã rồi khác đang được chuẩn bị, và lần này có nghĩa là cái chết của đất mẹ Khmer”. Ba ngày trước khi bỏ phiếu bầu cử quốc hội Cambode tháng 7, 2013 Sam Rainsy tuyên bố “Tôi cảm thấy thương hại cho Khmers. Họ mất ruộng nương bởi vì Duôn luôn tràn đến và chính phủ không làm gì để bảo vệ đồng bào Khmers  nhưng lại bảo vệ Duôn. Hôm nay, họ mang Duôn để bỏ phiếu cho Hun Sen, vậy thì người dân Khmers nên bỏ phiếu cho Sam Rainsy để bảo vệ lãnh thổ của chúng ta”.  

Sam Rainsy hôm nay chỉ là một chính trị gia cơ hội chứ chẳng phát xuất từ lòng yêu nước thương nòi hay khát kao dân chủ gì. Giấc mơ đẹp của một nhà trí thức Cambode du học 15 năm ở Pháp nếu có cũng đã bị tham vọng quyền lực đốt cháy. Theo lời của Kem Ley, phân tích gia chính trị và là Giám Đốc Trung Tâm Nhân Quyền tại  Cambode, Sam Rainsy nếu cầm quyền, cũng sẽ độc tài không kém gì Hun Sen.

Trung Cộng trong xung đột Việt-Miên

Phần này đã phân tích trong bài Chu kỳ thù hận Việt-Trung-Miên:

Trung Cộng chủ trương mượn tay hàng xóm Campuchia để bao vây và cô lập Việt Nam như họ đã từng làm sau năm 1975. Cùng một mục tiêu nhưng khác về phương tiện. Vào năm 1978, phương tiện là vũ khí nhưng lần này tài chánh sẽ là phương tiện chính. Năm 1978, các quốc gia hội viên ASEAN ủng hộ quan điểm Đặng Tiểu Bình vì họ không muốn thấy một “Cu Ba phương đông” trong vùng Đông Nam Á. Năm 2012, ngoại trừ Philippines, các quốc gia như Thái, Miến, Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Singapore đã nghiêng về phía Trung Cộng qua thái độ không muốn can thiệp vào xung đột biển Đông. Khuynh hướng thân Trung Cộng của Hun Sen bắt đầu sau cuộc đảo chánh đẫm máu năm 1997. Cuộc đảo chánh đã làm y mất uy tín trong các lãnh đạo các quốc gia dân chủ Tây phương. Nhiều quốc gia đã ngưng viện trợ cho chính phủ Hun Sen hay tiếp tục viện trợ nhưng đưa ra các điều kiện phải tôn trọng nhân quyền. Con cờ Trung Cộng nhắm vào trước hết là Hun Sen. Hoàng loạt lãnh đạo Trung Cộng viếng thăm Cambode. Tổng bí thư Giang Trạch Dân thăm Campuchia năm 2000, Chủ tịch Lý Bằng thăm Campuchia năm 2001, Thủ tướng Chu Dung Cơ thăm Campuchia năm 2002. Trong vòng mười năm qua, Hun Sen đã thăm viếng Trung Cộng tất cả 6 lần. Hun Sen từng tuyên bố “Trung Quốc nói ít làm nhiều” vì viện trợ của Trung Quốc không đặt ra các điều kiện nhân quyền trong khi nhân quyền lại là tiền đề thảo luận với các nước dân chủ. Trong bang giao quốc tế, chế độ Hun Sen ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Trong hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại Giao tháng Bảy 2012, Hun Sen chọn đứng về phía Trung Cộng qua việc đóng vai “trung lập” trong xung đột biển Đông.

Quan điểm thân Trung Cộng của Sam Rainsy trong xung đột Việt-Trung-Miên đã làm thay đổi ít nhiều chính sách của Trung Cộng đối với Cambode. Với chủ trương tạo bất ổn thường trực chung quanh Việt Nam, trong ngắn hạn Trung Cộng vẫn có thể duy trì một chính sách thân thiện với chính phủ Hun Sen nhưng lại ngấm ngầm khuyến khích Sam Rainsy tiếp tục các hoạt động lật đổ Hun Sen và gây hấn Việt Nam. Đầu tháng Giêng năm nay, trong buổi tập hợp của đảng CNRP tại Siem Reap, Sam Rainsy nhái lại lời tuyên bố của Trung Cộng qua việc tố cáo Việt Nam xâm phạm lãnh hải Trung Cộng “Các đảo [Hoàng Sa, Trường Sa] thuộc về Trung Quốc nhưng Duôn đang cố chiếm bởi vì Duôn rất xấu”. Vì tham vọng quyền lực, Sam Rainsy sẽ tiếp tục làm con cờ của Trung Cộng. Chu kỳ thù hận Việt-Trung-Miên, do đó, không biết bao giờ dứt.

Con đường thoát của Việt Nam ra khỏi chu kỳ thù hận, như đã kết luận trong các bài viết trước, là con đường tự do dân chủ. Không có con đường nào khác.

Sự tồn tại và phát triển của quốc gia Phần Lan (Finland) là một bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của cơ chế dân chủ. Người viết có dịp sẽ trở lại với nhiều chi tiết hơn trong bài “Hiểm họa Trung Cộng bài học Phần Lan”, nhưng chỉ muốn vắn tắt ở đây. Phần Lan chia sẻ chung một biên giới dài 1200 cây số với Liên Xô.  Về địa lý chính trị, Phần Lan đối với Liên Xô không khác nhiều so với vị trí của Việt Nam đối với Trung Cộng, nhưng suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Phần Lan chẳng những duy trì được độc lập mà còn phát triển thành một quốc gia có một nền kinh tế hiện đại. Thành thật mà nói, Phần Lan có ít nhiều may mắn. Đứng về phía Đức trong thế chiến thứ hai nhưng không nằm trên trục tiến quân của Hồng Quân Liên Xô và sự khôn khéo của các lãnh đạo Phần Lan sau đó đã giúp quốc gia này khỏi rơi chung vào số phận của các nước Đông Âu. Tuy nhiên nền tảng để giữ Phần Lan khỏi bị Cộng Sản hóa trong chiến tranh chống Liên Xô 1939-1940 và suốt thời kỳ chiến tranh lạnh chính là cơ chế dân chủ. Cơ chế dân chủ pháp trị với các cơ quan phân quyền độc lập và rõ rệt tại Phần Lan đã giới hạn khả năng độc chiếm quyền lực của đảng CS và đảng này chưa bao giờ đóng được vai trò lãnh đạo chính phủ cho đến khi tuyên bố phá sản vào năm 1992.

Chế độ độc tài CSVN đã dẫn đất nước vào ngõ cụt và đang tiếp tục quanh quẫn trong ngỏ cụt. Để tạo thế đứng và sự kính trọng trong quan hệ ngoại giao quốc tế, Việt Nam phải là một quốc gia dân chủ. Trong sinh hoạt dân chủ quốc tế, tất cả sẽ đều bình đẳng trước Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các công ước quốc tế mà các bên đã ký kết. Ân oán nợ nần giữa các đảng CS không có liên hệ gì đến dân tộc Việt Nam. Những khẩu hiệu có tính tuyên truyền lừa bịp như “16 chữ vàng”, “tình hữu nghị Việt Miên” sẽ bị gạch bỏ theo chế độ Cộng Sản đã sáng tác ra chúng.  

Suốt gần 40 năm, dân tộc Việt Nam phải chịu đựng từ thảm họa này sang thảm họa khác như một chu kỳ lập đi rồi lập lại nhưng giới lãnh đạo CSVN không có một sách lược cụ thể, dứt khoát nào để đưa Việt Nam ra khỏi vòng bế tắc. Lý do đơn giản chỉ vì việc duy trì quyền lực và quyền lợi của giới lãnh đạo đảng CS được xem là một ưu tiên hàng đầu, trên cả chủ quyền đất nước và tương lai của các thế hệ Việt Nam. Chọn lựa cuối cùng và tối hậu là chọn lựa của chính nhân dân Việt Nam. Những gì Phần Lan làm được, Thổ Nhĩ Kỳ làm được, Việt Nam cũng sẽ làm được, chỉ cần mỗi người Việt yêu nước biết đặt sự thịnh suy của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân và biết sống vì nụ cười của con cháu mai sau hơn là than khóc cho nỗi đau của chính bản thân mình.

Trần Trung Đạo


-Ông Hun Sen và Sam Rainsy ‘đối thoại’
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy cam kết thúc đẩy “văn hóa đối thoại” trong một tuyên bố chung ngày 8/5.
Tuyên bố của đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) và đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP) nói họ sẽ tôn trọng, thành thật với nhau và không nhục mạ nhau.
Hai đảng này đồng ý sẽ không dùng những từ ngữ như “thân thể Campuchia, đầu Việt Nam”, “cộng sản độc tài”, “con rối Việt Nam”, “kẻ bán nước”…
Hai bên cũng hứa không dùng những từ đe dọa như “bỏ tù” hay “chiến tranh sẽ xảy ra”.

Ngày 22/7 năm ngoái, ông Hun Sen và Sam Rainsy đạt thỏa thuận phá vỡ thế bế tắc sau cuộc bầu cử năm 2013.
Sau thỏa thuận này, 55 nghị sĩ của CNRP chấm dứt 10 tháng tẩy chay quốc hội.
CPP đồng ý chia sẻ quyền lực với CNRP tại quốc hội.
Kể từ đó, ông Hun Sen và Sam Rainsy, vốn không ưa nhau, có những động thái làm hòa.
Hồi tháng Tư nhân ngày Tết của Campuchia, hai ông, cùng vợ, xuất hiện bên cạnh nhau.
Ông Sam Rainsy tuyên bố: “Tôi từng ghét Hun Sen. Nhưng rồi tôi nhận ra mình không nên ghét con người.”
Ông Hun Sen cũng nói ông và Sam Rainsy “phải ở bên nhau vì ít ra chúng tôi cùng dòng máu Campuchia”.
Giới quan sát nói không rõ sự hòa hoãn này kéo dài được bao lâu.
Năm 2006, ông Sam Rainsy, khi quay về từ cuộc sống lưu vọng, cũng nói về “văn hóa đối thoại”, nhưng phải chạy trốn sau bốn năm.
Tuy vậy, dường như ông Hun Sen đang tính toán có thể ông sẽ phải chia sẻ quyền lực trong kỳ bầu cử tới, và Sam Rainsy là chính khách mà ông chấp nhận được.




- Một tuyên bố hàm hồ

Hai ông Tea Banh và Tập Cận Bình
Theo TTXVN, 28 nghị sĩ và thượng nghị sĩ thuộc đảng Sam Rainsy đối lập trong Quốc hội và Thượng viện Campuchia mới đây đã ra tuyên bố ủng hộ và tỏ "tình đoàn kết" với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Chuyện mấy ông nghị thuộc đảng đối lập Sam Rainsy lên tiếng ủng hộ Trung Quốc chẳng có gì đáng để dư luận bận tâm.
Chỉ có điều, trong tuyên bố của mình, họ lại ăn nói hàm hồ, xuyên tạc sự thật, vu cáo Việt Nam. Đó là điều không thể chấp nhận.

Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Vậy mà họ nhắm mắt nói bừa rằng họ ủng hộ "người bạn lớn" xác nhận "hoàn toàn chủ quyền" của mình trên biển Đông, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chưa hết, một nhúm mấy ông nghị này còn "lên án và tố cáo sự ngạo mạn của Việt Nam và sự khẳng định vô căn cứ đối với những phần lãnh thổ thuộc các nước láng giềng".
Họ cũng vu cáo Việt Nam "tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh  thổ bằng cách bành trướng" và nói hỗn rằng "sự hiếu chiến" mà Việt Nam thể hiện ở Đông Nam Á và biển Đông "đang tiếp tục là một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong vùng".
Đó là sự vu cáo hèn hạ.
Dư luận chẳng lạ gì trước những luận điệu sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cực đoan nói trên của các thành viên đảng Sam Rainsy. Đảng này, nhất là thủ lĩnh của nó, ông Sam Rainsy, từ rất lâu nay, vẫn thường có những hành động và lời nói vu cáo, miệt thị Việt Nam nhằm kích động hận thù, đi ngược lại tiến trình phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia. Người ta còn nhớ chính ông Sam Rainsy đã từng bị một tòa án của Campuchia tuyên phạt 2 năm tù vì hành vi vi phạm pháp luật của ông ta hồi cuối tháng 10/2009, khi ông ta dẫn đầu một nhóm người Campuchia quá khích đi nhổ 6 cọc dấu phục vụ việc phân định cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Lẽ tất nhiên, bản "tuyên bố" của mấy ông nghị thuộc đảng Sam Rainsy chẳng có ý nghĩa gì, vì họ không đại diện cho ai ngoài bản thân họ. Mọi người đều rõ là "tuyên bố" đó không phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng như nhân dân Campuchia.
Ngày 17/6 vừa qua, người phát ngôn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith đã tuyên bố rằng, Chính phủ Campuchia muốn Việt Nam và Trung Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình


 -Trung Quốc là nhà đầu tư, tài trợ lớn nhất ở Campuchia
(GDVN) – Tân Hoa xã ngày 25/6 loan tin cho biết, phát biểu trong cuộc gặp mặt với một quan chức nhà nước cấp cao của Trung Quốc ngày 24/6, Thủ tướng Hun Sen nói rằng Campuchia duy trì lập trường ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, liên quan đến quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan.

Theo truyền thông Trung Quốc, phát biểu trong cuộc gặp gỡ với ông Du Qinglin -  Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia tham vấn chính trị lần thứ 11 Trung Quốc (CPPCC), Thủ tướng Campuchia đã bày tỏ sự biết ơn của Campuchia đối với các khoản trợ giúp và tài trợ của Trung Quốc trong công cuộc phát triển đất nước.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên phải) và quan chức Trung Quốc
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên phải) và quan chức Trung
Quốc
“Campuchia hoàn toàn ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc và sự ủng hộ của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi” – Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hun Sen cho hay.

Nhà lãnh đạo Campuchia nói rằng Trung Quốc hiện nay là nhà tài trợ lớn nhất trong việc giúp đỡ Campuchia xây dựng đường xá, cầu cống – những thành phần cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Campuchia.

“Campuchia lạc quan tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp đỡ Campuchia thông qua các khoản vay và tài trợ linh động. Mặc dù hiện nay Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất nhưng Campuchia vẫn mong muốn nhiều hơn nữa các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc đến Campuchia”.

Đáp lại, Phó chủ tịch CPPCC, Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế, xã hội để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị Campuchia – Trung Quốc”.

-Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Campuchia  (GDVN) - Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Lương Quang Liệt đã kêu gọi quân đội hai nước này tiến hành hợp tác sâu rộng.
-Việt Nam cấm xem truyền hình cáp Campuchia?2011-06-23 -Cộng đồng người Khmer sống ở Việt Nam có phản ứng gay gắt trước những hăm dọa của chính quyền địa phương và buộc họ làm cam kết không sử dụng chảo Parabol DTV thu tín diện trực tiếp từ nước ngoài.


-Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia thăm TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh thăm Trung Quốc lần thứ hai trong chưa đầy một năm để thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Ông Tea Banh, người cũng giữ chức phó thủ tướng, hôm 21/06 đã hội kiến với Phó Chủ tịch nước kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Phó Chủ tịch Trung Quốc phát biểu trong buổi gặp, rằng hai nước nay đã bước vào giai đoạn mới của quan hệ đối tác chiến lược, với "sự tin cậy to lớn về chính trị".
Ông Tập, người được cho sẽ là nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc nay mai, nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh trong việc đẩy mạnh quan hệ quốc phòng giữa hai bên.
Mới đây, Trung Quốc đã cấp hai đợt viện trợ quân sự trị giá nhiều triệu đôla cho Campuchia.
Đáp lễ, Tướng Tea Banh tỏ lòng biết ơn rằng trong nhiều năm, Trung Quốc đã trợ giúp Campuchia một cách "bất vụ lợi".
Ông nói chuyến thăm này của ông là nhằm "phát triển sâu hơn" quan hệ chiến lược giữa đôi bên.
Các bình luận gia nói Campuchia đang muốn bồi đắp quan hệ với Trung Quốc, vốn không giống các quốc gia phương Tây ở chỗ không hề chỉ trích Campuchia về tệ tham nhũng, thiếu dân chủ hay yếu kém về nhân quyền.
Tuy nhiên các động thái xích lại gần Bắc Kinh của Phnom Penh có thể khiến Campuchia ngày càng xa rời Việt Nam, vốn đã can thiệp quân sự lật đổ chính quyền Pol Pot năm 1978, lập nên chính phủ do đảng Nhân dân Campuchia cầm đầu.
Sau đó Trung Quốc, nước ủng hộ Khmer Đỏ, đã tuyên chiến với Việt Nam vào tháng 2/1979.

Tổng số lượt xem trang