Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

‘Thành phố nổi’ trái phép của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma (Vụ thảm sát ‘thế giới chưa từng biết đến’)

-‘Thành phố nổi’ trái phép của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma
19/04/2016 Thanh Niên Online

Mức độ rộng lớn của công trình trái phép mà Trung Quốc xây dựng trên Gạc Ma lớn gấp nhiều lần so với Huy Gơ

So với công trình 9 tầng trên bãi đá Huy Gơ thì 'thành phố nổi' mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Gạc Ma có quy mô rộng lớn hơn nhiều.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào những ngày giữa tháng 4.2016, Trung Quốc đã xây xong tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) hình khối cao khoảng 8 tầng trên bãi Gạc Ma.
Bao quanh tòa nhà phi pháp này là hàng rào và những dãy nhà xây kiên cố theo kiểu doanh trại quân đội. Các dãy nhà này che chắn hết hai tầng phía dưới của tòa nhà trung tâm để các tàu bè đi ngoài biển không thể quan sát được các hoạt động bên trong tòa nhà.

Toàn cảnh công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma (Việt Nam)

Nhìn từ ngoài vào, ngoài cùng bên phải tòa nhà là trạm kiểm soát không lưu, rồi đến ngọn hải đăng cao chót vót giữa biển với hai màu đỏ, trắng. Ngoài cùng bên trái là chảo và cột ăng ten thu phát sóng, rồi đến đài quan sát. Phía trước tòa nhà có một đống cát khá lớn và các xe cẩu, xe cơ giới vẫn đang hoạt động để hoàn thành nốt những công trình còn lại.

Gạc Ma là bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng ngày 14.3.1988. Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng căn cứ gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Từ năm 2014, phía Trung Quốc tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu từ bờ, tiến hành đào đắp để xây nhà công trình, đường sá, bến tàu và các hạng mục kiên cố khác tại Gạc Ma.

Thời kỳ cao điểm, bên cạnh hàng chục tàu vận tải chuyên chở máy móc thiết bị - vật liệu xây dựng, phía Trung Quốc còn huy động các tàu cá bọc sắt, tàu hộ vệ tên lửa làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Gạc Ma, xua đuổi các tàu thuyền khác đi gần bãi đá.

Cũng như những công trình khác ở biển, công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Gạc Ma đều được sơn màu trắng, rất dễ nhận dạng khi cách xa hơn 10 hải lý (gần 20 km). Trên bãi Gạc Ma hầu như không có cây cối. Trung Quốc cũng cho lắp một số công trình quạt gió để sản xuất điện.


Các công trình trên bãi Gạc Ma được Trung Quốc bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Tại thời điểm PV Thanh Niên có mặt gần bãi đá, hai bên bãi có một tàu hộ vệ tên lửa cập sát ngay bãi đá, phía bên kia bãi là một tàu dịch vụkhá lớn.

Đáng chú ý ở thời điểm PV Thanh Niên có mặt gần bãi đã có tàu vận tải đổ bộ số hiệu 998 và tàu khu trục số hiệu 168 lướt sóng quẩn quanh bãi Gạc Ma.

Tàu vận tải đổ bộ 998 trọng tải gần 20.000 tấn có nhiệm vụ vận chuyển quân và đánh chiếm các mục tiêu đảo. Tàu 998 có sức chở 1 tiểu đoàn hải quân đánh bộ khoảng 270 người với đầy đủ trang bị vũ khí, 4 xuống đổ bộ đệm khí LCAC, 3 xe tăng lội nước kiểu 63A hoặc 6 xe thiết giáp kiểu 90. Tàu còn được trang bị 1 bệ 8 ống phóng tên lửa đối không HQ-7 tầm bắn 13 km, 1 khẩu pháo 76 mm, 2 bệ 4 khẩu pháo 30 mm.

Tàu 998 thuộc biện chế Hạm đội Nam Hải và con tàu này từng tham gia chiến dịch hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam năm 2014.


Con tàu đổ bộ 998 này từng tham gia chiến dịch hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam năm 2014.Tàu đổ bộ 998 (tới năm 2008, Trung Quốc mới chỉ có 1 chiếc duy nhất thuộc loại tàu này) đang lượn lờ thị uy và xua đuổi các tàu đến gần Gạc Ma. Gần đó là thuyền bè đánh cá của ngư dân

Còn tàu khu trục 168 là tàu tác chiến trên biển và có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, trên bờ và chức năng phòng không tầm gần. Tàu có trọng tải 7.000 tấn, vận tốc tối đa 29 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý, quân số 280 người. Tàu có 4 bệ với 16 tên lửa đối hải YJ-83 tầm bắn 150 km, pháo 100 mm, máy bay trực thăng…

Một số hình ảnh về các công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do PV Thanh Niên thực hiện:


Tòa nhà trung tâm. Phía trước tòa nhà còn được xây dựng


Hải đăng và đài quan sát

Hải đăng trên Gạc Ma được Trung Quốc xây rất lớn, từ xa trên 10 hải lý (gần 20 km) có thể nhìn thấy

Đài quan sát


Ngoài tòa nhà trung tâm, trên Gạc Ma còn có rất nhiều công trình khác


Tàu chiến có mặt thường trực để bảo vệ Gạc Ma và xua đuổi, không cho tàu bè đến gần

Đi cùng với tàu 998 là tàu khu trục 168 có thể đánh chiếm các mục tiêu trên biển










TIN LIÊN QUAN

Cận cảnh tòa nhà 9 tầng Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Huy Gơ

Trung Quốc cho hoạt động hải đăng mới xây phi pháp ở đá Xu Bi

Sau Gạc Ma, Tổ quốc là gì trong tim những người trẻ?




-Gạc Ma tháng 12, tận mắt chứng kiến Trung Quốc lộng hành

Một buổi sáng tháng 12, biên đội tàu chúng tôi chuẩn bị ngang khu vực cụm đảo Sinh Tồn - Gạc Ma (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), khuôn mặt ai cũng căng thẳng sau những khẩu lệnh dứt khoát phát ra từ hệ thống loa nội bộ trên tàu hộ vệ tên lửa HQ-012 Lý Thái Tổ (Lữ đoàn 162, Vùng 4 hải quân). Nhìn trên hải đồ điện tử, một chấm đỏ hiện lên góc màn hình, kế sát đường hành quân.

“Gạc Ma!” - tôi vơ vội máy ảnh, vọt lên mạn phải con tàu trong tiếng gọi vớt vát của ai đó phía sau: “Đừng ra! Chỗ này nguy hiểm lắm!”.
Giọt máu đỏ trên hải đồ
Trắng lóa nắng, xanh ngắt biển và xám xịt màu đảo. Gạc Ma dần hiện lên trước mũi con tàu đang phăm phăm lao tới với tốc độ 15-16 hải lý/giờ, với những cần cẩu lỏng khỏng vươn cao, như thể những cánh tay xương xẩu chới với và lổn nhổn nhà cửa, công trình xây dựng các loại. 
Khó có thể tưởng tượng, chỉ trong vài tháng, Trung Quốc lại đẩy nhanh tiến độ xây dựng đến vậy, trên bãi đá san hô ngầm mà họ đã đánh chiếm trái phép từ tay những người lính hải quân nhân dân Việt Nam, sáng 14.3.1988.
Nhìn sang phải, đảo chìm Cô Lin do những người lính Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân) đang kiên cường chốt giữ, bé như thể hạt lạc giữa biển, với duy nhất cụm nhà bê tông 2 tầng và chi chít hố bắn, giao thông hào sẵn sàng đánh đổi những giọt máu cuối cùng giữ đảo. 
3 hồi còi chào Cô Lin trầm giọng phát ra từ HQ-012 Lý Thái Tổ, như lời nhắn gửi: “Yên tâm, có chúng tôi bên cạnh các anh em đây rồi!” và như thể lời khẳng định “Biển này là của ta, đảo này là của ta” ngay giữa biển đảo xa xôi, khiến bộ đội đảo đang đứng trực canh trên đài quan sát, trực chiến trên ụ pháo nhảy cẫng hết cả lên, vẫy tay múa mũ hò hét chào gọi tàu, như thể rất lâu rồi mới nhìn nhau gặp lại.

Khó có thể tưởng tượng, chỉ trong vài tháng, Trung Quốc lại đẩy nhanh tiến độ xây dựng đến vậy, trên bãi đá san hô ngầm mà họ đã đánh chiếm trái phép từ tay những người lính hải quân nhân dân Việt Nam, sáng 14.3.1988.
“Chuyển hướng! ” - khẩu lệnh từ buồng hành trình đanh gọn từ hệ thống loa phóng thanh. Nhìn ra trước mũi, đã thấy kỳ hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng đang phăm phăm tiến thẳng Gạc Ma, bẻ lái sang phải, vòng qua phía tây đảo. “Toàn tàu vào vị trí chiến đấu!” - khẩu lệnh lại đanh gọn vang lên, bộ đội rầm rập đóng cửa, thoắt cái đã gọn gàng ở vị trí của từng người. 
Khuôn mặt ai cũng sắt lại, uất ức, từ vị đại tá già cho đến cậu chiến sĩ mới nhập ngũ: Đây Gạc Ma - bãi đá thiêng liêng của Tổ quốc đã bị Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công, giết hại 64 cán bộ chiến sĩ công binh hải quân Lữ đoàn 83, Lữ đoàn 146 bảo vệ đảo Trường Sa, Học viện Hải quân, Đoàn đo đạc bản đồ Bộ Tham mưu hải quân, Lữ đoàn tàu 125, và bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 của chúng ta, trong buổi sáng 14.3.1988.
Cận cảnh Gạc Ma
Cách 4-5 hải lý, bằng mắt thường cũng nhìn thấy cả bãi đá ngày nào, đã thành hình đảo nổi rộng hàng ngàn mét vuông, bởi tàu công trình đồ sộ của Trung Quốc ngày đêm vận chuyển vật liệu xây dựng, rối rít đưa đến tập kết, xây cất. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc còn dùng hệ thống máy móc hút cát, san hô có đường kính cả mét, nghiền nhỏ cả khối san hô nặng hàng tạ để làm vật liệu tôn tạo, mở tràn bãi đá Gạc Ma khắp 4 phía.
Quan sát kỹ qua ống nhòm, càng thấy rõ bức tường chắn sóng, chống xói lở cũng được tạm thời dựng lên để chống cát trôi xuống biển. "Đổ cát, san hô đến đâu, họ xây kè đến đấy!”, một sĩ quan hải quân nói vậy và uất ức: “Sẽ còn mấy vòng kè nữa, không chỉ như này đâu!”. 
Ngay cuối đảo, khu vực lô cốt cao tầng cũ mà phía Trung Quốc xây dựng cho binh lính đồn trú, từ hồi đánh chiếm trái phép tháng 3.1988 đến nay, tòa nhà cao tầng với đơn nguyên giữa cao hẳn 11-12 tầng, 2 đơn nguyên gắn kết hai bên cùng cao 4-5 tầng, đang hoàn thiện phần thô và mặt bằng trên cùng, vẫn thấp thoáng bóng người xây dựng. Tòa nhà, chưa có dấu hiệu cho thấy dừng nâng tầng...
"Đổ cát, san hô đến đâu, họ xây kè đến đấy!”, một sĩ quan hải quân nói vậy và uất ức: “Sẽ còn mấy vòng kè nữa, không chỉ như này đâu!”. 
Phía đông đảo, tàu vận tải công trình màu xanh của Trung Quốc đang vận chuyển thiết bị lên đảo, tập trung xây dựng công trình tháp cao tròn, trông giống trung tâm kiểm soát không lưu - đài chỉ huy bay. Cạnh đó, về phía giữa đảo là các dãy nhà nhỏ bên cạnh xe lu, xe ủi, xe cẩu và xếp hàng dài máy trộn bê tông loại nhỏ. Giữa đảo là khu vực tập trung các cây dừa xanh chờ trồng và bãi đá dăm, phục vụ việc đúc các cấu kiện bê tông.
Xa về phía Nam đảo Gạc Ma, vẫn thường trực tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 528 của Trung Quốc. Theo thông tin của Hải quân Việt Nam: Đầu năm 2014, khi huy động nhiều phương tiện, thiết bị để mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), phía Trung Quốc đã tập trung nạo xúc đá san hô, mở luồng lớn cho tàu vào đảo, đồng thời đổ cát tạo thành một bãi nổi dài 500m, rộng 200m, cao hơn mặt biển 4-5 m. 
Ngoài đông đảo số tàu cá bọc sắt bảo vệ, tàu vận tải chuyên chở máy móc thiết bị - vật liệu xây dựng, phía Trung Quốc còn thường trực 2 tàu hộ tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 528 và 535, hung hăng đe dọa xua đuổi tàu thuyền đi gần Gạc Ma, sẵn sàng nổ súng vào các tàu thuyền đó.
Tuy nhiên, bất chấp sự đe dọa của tàu chiến Trung Quốc, các tàu vận tải Việt Nam vẫn đều đặn làm nhiệm vụ chở hàng và người ra đảo Cô Lin - Len Đao gần đó và tàu đánh cá Việt Nam thường lệ khai thác thủy sản ngay cạnh, như để khẳng định chủ quyền Tổ quốc, cho dù bị kẻ mạnh nhe nanh múa vuốt dọa nạt. 
Anh em hải quân kể: Ngoài số tàu thường trực trinh sát theo dõi hoạt động của Trung Quốc, những tàu cá của ngư dân ta cũng thường xuyên trao đổi thông tin về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, làm bằng chứng tố cáo những kẻ chiếm đóng, xây dựng trái phép.
Ngay trước ống kính của tôi, vẹn nguyên hình ảnh một tàu trọng tải nhỏ của Việt Nam neo đậu ngay cạnh Gạc Ma, theo dõi, ghi nhận mọi hoạt động nhỏ nhất của Trung Quốc, để trên bờ xử lý trong mọi tình huống.
Trên nóc buồng hành trình của con tàu nhỏ chỉ 200 tấn mang tên Vạn Hoa, bất khuất lá cờ đỏ sao vàng làm sáng cả vùng biển xám. Bên cạnh tôi, những người lính tàu cẩn trọng từng nét chì, chuẩn xác từng động tác bấm công tắc điều khiển tên lửa, súng pháo, trong buổi huấn luyện cùng giữ đảo, tiêu diệt tàu của kẻ xâm chiếm, cho dù lực lượng vẫn còn mỏng, vũ khí chưa đủ hiện đại. 
Nét mặt bộ đội, sắc cờ Tổ quốc khiến tôi tin vào những điều mà họ chấp nhận hy sinh để giữ gìn từng mét biển, gang đảo ngoài Trường Sa...
Mai Thanh Hải/Thanh Niên


-GẠC MA - NGỌN CỜ TỔ QUỐC- CS Hoàng Phú Tâm





Nhạc và lời: Hoàng Sa; CS: Hoàng Phú Tâm. Nội dung về trận hải chiến ở đảo Gạc Ma ( Trường sa) 1988; Hòa âm: Đình Viêm; Sản xuất 10/2014. Album Viễn Nhạc CD6; hoanghaixyz@gmail.com .
Lời bài hát:
Trong biển vắng nơi đây anh nằm xuống
Xiết vòng tay bao quanh giữ ngọn cờ
Tiếng súng rền vang máu hòa trong lửa

Anh ngã xuống ngã xuống
trong vòng tay ngọn cờ vẫn tung bay

Quân giặc đến xông lên dương nòng súng
Xiết vòng tay bao quanh giữ ngọn cờ
Ngước mắt nhìn nhau máu nhòa mắt lệ
Vì đất nước hy sinh
ôi tình yêu trọn vẹn hiến dâng đời

Gạc ma ơi Gạc ma mắt mẹ trông chờ
Ngày tiễn con mẹ nói chúc yên lành.
Nhưng có ngờ đâu tin con nằm trên biển
Cờ trên tay phần phật gió tung bay

Gạc ma ơi Gạc ma dáng vợ trông chờ
Ngày tiễn anh khẽ nói mong anh về.
Nhưng có ngờ đâu tin amh nằm trên biển
Cùng anh em và cờ máu loang màu.

Trong đôi mắt anh ta còn thấy trời xanh
cùng mây trắng bay là màu cờ tổ quốc.



-Son Tran 
Vụ thảm sát ‘thế giới chưa từng biết đến’

Bài viết của ông James Zumwalt, Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ, nói về đoạn video Trung Quốc đã ra tay tàn sát những người lính Hải quân Việt Nam ngày 14-03-1988 ở đảo Gạc Ma.

Tác giả: James Zumwalt
Người dịch: Nguyễn Văn Phước
14-08-2014
Đây là một trong những tội ác trắng trợn nhất thời hiện đại.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi thủ phạm đã không nói gì về nó, nhưng đáng ngạc nhiên là cả nạn nhân cũng im lặng. Người ta đã chọn cách làm như vậy, có lẽ là để sau này thiếu bằng chứng cho thế giới thấy, nó đã xảy ra.
Tháng 6 năm 2012, một đoạn video về vụ thảm sát đã được công bố. Thông thường, quốc gia phạm phải hành động tàn bạo như vậy sẽ giữ im lặng về nó. Tuy nhiên, video này đã được chính thủ phạm công bố, điều này làm dấy lên câu hỏi: “Tại sao?”
Vụ việc xảy ra vào tháng 3 năm 1988, giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Nó xảy ra ở vùng biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông – ND), nơi có tranh chấp giữa hai quốc gia về chủ quyền quần đảo Trường Sa, tranh chấp sau đó tiếp tục và hiện vẫn còn tồn tại.
Như kết quả sự im lặng của Việt Nam thời điểm đó, người dân Việt Nam không có cách nào để biết về vụ việc đã xảy ra cho đến khi Trung Quốc công bố đoạn video – sự giận dữ đã nổi lên vì vụ thảm sát và vì sự im lặng của chính phủ.
Quần đảo Trường Sa là một quần đảo gồm khoảng 750 đảo, đảo nhỏ, rạn san hô và đảo san hô.
Vụ việc liên quan đến ba rạn/đảo san hô rất gần nhau. Mỗi đảo san hô thấp đến mức nước biển đôi khi nhấn chìm một phần củachúng.
Dự đoán là phía Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm các rạn san hô, hai tàu vận tải của Việt Nam, HQ-604 và HQ-605, chở 73 binh sĩ, đã được lệnh cho công binh đổ bộ để khởi công xây công sự.
Các quân nhân Việt Nam đã đổ bộ lên rạn san hô Gạc Ma, bản đồ phương Tây gọi là Johnson South Reef, vào tối ngày 13 tháng 3 năm 1988.
Hai tàu vận tải của Việt Nam được mô tả chỉ là có thể chống lại những đe dọa quân sự nhỏ. Chúng là những tàu thương mại được vũ trang để vận chuyển binh lính và vật liệu xây dựng, và như vậy, chúng là những tàu quân sự được trang bị rất nhẹ. Những tàu này phải tiếp cận mục tiêu trong phạm vi 500 m thì những khẩu súng của nó mới có hiệu lực.
Vụ việc đã diễn ra ở Gạc Ma.
Với lực lượng Việt Nam đã để lại đó, hai tàu vận tải đi về phía hai đảo san hô khác.
Sáng 14 tháng 3 năm 1988, tàu chiến Trung Quốc tiếp cận các rạn san hô. Họ không chỉ có lực lượng đổ bộ trên các tàu vận tải, họ còn có tàu khu trục đi kèm với hỏa lực mạnh để hỗ trợ lực lượng đổ bộ.
Rõ ràng, nếu cuộc đối đầu giữa các lực lượng hải quân Trung Quốc và Việt Nam xảy ra, lợi thế sẽ thuộc về phía Trung Quốc vì tầm bắn lớn hơn nhiều của các khẩu pháo.
Cờ Việt Nam đã được dựng lên trên đảo san hô Gạc Ma, và cùng lúc đó, trên một đảo san hô khác, Cô Lin.
Tại Gạc Ma, những người lính công binh, đội quân được trang bị nhẹ – có thể so sánh với một Seabee – một đơn vị thuộc Tiểu đoàn Xây dựng của Hải quân Hoa Kỳ – nằm dưới sự chỉ huy của phó chỉ huy trưởng, trung úy Trần Văn Phương. Mặc cho sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc rình rập gần đó, những ngườilính Việt Nam vẫn tập trung vào các công trình xây dựng của mình.
Khoảng 6 giờ sáng, một số xuồng tấn công chở thủy quân lục chiến có vũ khí, đã xuất phát từ vận tải Trung Quốc và hướng đến Gạc Ma.
Phía Việt Nam ngay lập tức hình thành một vành đai phòng thủ 360 độ với cờ của họ ở trung tâm – họ tạo nên hình thể một”vòng tròn bất tử” – biểu thị quyết tâm bảo vệ rạn san hô bằng mọi giá.
Với số ít binh lính trên đảo san hô, những người lính công binhViệt Nam đã được lệnh cản trở để giữ vững đường vành đai. Các tàu tấn công đã đổ bộ, và trong trận chiến chủ yếu là cận chiến do phạm vi hạn hẹp, người Trung Quốc đã thất bại khi cố gắng xâm nhập vào vành đai.
Khi Trung úy Phương chụp lấy lá cờ Việt Nam, giành giật nó với kẻ thù, ông đã bị bắn vào đầu. Ngay lập tức lá cờ được giương lên bởi Nguyễn Văn Lanh – người ghì giữ nó cho đến khi ông liên tiếp bị đâm và bắn. Thật kỳ diệu, Lanh sống sót, và khi phía Trung Quốc rút lui, Lanh đã chứng kiến ông và những người sống sót khác phải chịu một cuộc oanh tạc dữ dội và hủy diệt bằng súng máy từ tàu Trung Quốc.
Cùng lúc đó, một cuộc oanh tạc khác nhắm vào tàu vận tải HQ-604 của Việt Nam – con tàu như dự kiến, đã cho thấy nó không có khả năng tấn công đáp trả tàu Trung Quốc nằm ngoài tầm bắn của mình. Bị nước xâm nhập, HQ-604 được khôn khéo làm mắc cạn trên Gạc Ma nhưng phát bắn trực tiếp vào phòng động cơ khiến nó nhanh chóng chìm xuống khi nhiều người vẫn còn trên tàu.
Tiếp đến phía Trung Quốc tấn công HQ-605. Nó nhanh chóng bốc cháy, buộc chỉ huy của nó phải ra lệnh bỏ tàu.
Điều đáng lo ngại nhất về video này là những gì đã xảy ra sau đó. Tại thời điểm đó, những người lính Việt Nam còn sống sót trên các rạn san hô hoàn toàn không phải là mối đe dọa cho quân Trung Quốc. Tuy nhiên, đoạn video cho thấy súng của hải quân Trung Quốc đang tập trung vào Gạc Ma nơi những người sống sót phía Việt Nam không có một chỗ trú ẩn. Những tiếng súng liên thanh cào rạn san hô khi đối phương không có vũ khí tự vệ, nhẫn nhịn đứng chịu trận, chờ đợi cuộc tấn công dữ dội cuối cùng – số phận của họ đã được định đoạt khi từng người một, họ ngã xuống để bảo vệ đất nước. Đối với những kẻ tấn công Trung Quốc, thách thức với họ chỉ là câu cách ngôn “bắt cá trong chậu”.
Video còn để lại một hoài nghi. Người Việt Nam dễ bị tấn công. Người ta chỉ có thể cảm nhận sự bất lực, họ cảm thấy điều đó khi người Trung Quốc bắt đầu nổ súng tàn sát không thương tiếc. Chín người Việt Nam sống sót sau đó bị giam giữ trong ba năm.
Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm bãi đá ngầm, trên đó họ đã có căn cứ và đang xây dựng một sân bay. Việt Nam đã mất 64 chiến sĩ dũng cảm ngày hôm đó. Trong số những người sống sót, Lanh bị thương nặng.
Nhưng tại sao Trung Quốc, sau 24 năm im lặng, lại công bố video?
Câu trả lời nằm ở Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc, một giàn khoan nửa nổi nửa chìm được triển khai vào ngày 2 tháng 5 năm 2012 tại Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi quyền sở hữu vẫn đang là tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Động thái này của Trung Quốc gây ra một số cuộc đối đầu trên biển.
Một tháng sau đó, Trung Quốc không hề nao núng đã phát hành video như là lời đe dọa ngấm ngầm rằng những gì đã xảy ra vào năm 1988 có thể xảy ra một lần nữa.
Rõ ràng Trung Quốc dự định sử dụng các mối đe dọa quân sự có thể – không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng nào trong khu vực,  hơn là ngoại giao để “đàm phán” giải quyết vấn đề chủ quyền.
Trong khi hành động tàn bạo năm 1988 của Trung Quốc tại Gạc Ma là vụ thảm sát “thế giới chưa từng biết đến”, thì việc Bắc Kinh công bố một cách trắng trợn video ghi lại vụ việc cung cấp cơ hội nữa để chắc chắn rằng lần này nó lại như vậy.
—-
Tác giả: Ông Zumwalt là Trung tá Thủy quân Lục chiến về hưu, đã từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, cuộc đổ bộ vào kênh đào Panama và cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất. Ông thường viết bài phê bình về những vấn đề chính sách đối ngoại và quốc phòng cho nhiều tờ báo. Ông cũng là tác giả của 3 cuốn sách: “Bare Feet, Iron Will—Stories from the Other Side of Vietnam’s Battlefields,” “Living the Juche Lie: North Korea’s Kim Dynasty” and “Doomsday: Iran—The Clock is Ticking” .

-Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
14/03/2013
(TNO) Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu HQ505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: tư liệu

Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14.3.1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Trong vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
Điều phải lưu ý là đây là lần đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ sự kiện 14.3.1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:
Đầu tiên, ngay sau ngày 14.3.1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ!
Sau đó thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, LHQ đã nói rõ: không hề có tàu của LHQ tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3.1988!
Rõ là “cháy nhà ra mặt chuột” và chính quyền Trung Quốc đã “lấy thúng úp voi”, đã “lấy thịt đè người” lại còn muốn lấy tay che mặt trời!
Đã không có tàu khảo sát khoa học của LHQ thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện “ngậm máu phun người” là sở trường của các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trước đó, năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2 nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là “phản kích tự vệ quân Việt Nam xâm lược”!

Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: tư liệu
Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3.1988?
Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả.
Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước Washington, tự nhận là “NATO phương Đông” để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.
Lợi dụng tình thế khó khăn đó của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục vụ cho ý đồ lâu dài.
Trung Quốc cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ súng rơi đúng vào 14.3.1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện “tang gia bối rối” lại trở thành điều có thể lợi dụng được!

Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc - Ảnh: Chiến sĩ canh gác trên đảo Len Đao (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: D.Đ.Minh
Câu chuyện xảy ra ngày 14.3.1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không bao giờ được quên những điều sau:
Một là, lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động.
Hai là, cần phải hiểu về con đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu có phải là một quốc gia cộng sản đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ?
Việc vô cớ đem quân đánh chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và phản bội đối với chủ nghĩa Marx - Lênin mà Trung Quốc từng sử dụng như một chiêu bài.
Láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra xa nhau!
Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến” là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố “ứng vạn biến” như “mười sáu chữ”, “bốn tốt” có thể dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc!
Chúng ta đã có được bài học đắt giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy cùng với sự kiện 14.3.1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại, bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.
Các nhà sử học Việt Nam chân chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14.3.1988 một cách khách quan để rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.
Liêm Thạch

>> Vì Hoàng Sa, Trường Sa
>> Mãi mãi Hoàng Sa
>> Quyết liệt vì Hoàng Sa
>> Xứng danh con cháu đội hùng binh Hoàng Sa
>> Gặp gỡ Hoàng Sa, Trường Sa
>> Môt đời vì Hoàng Sa-Trường Sa
>> Cương Quyết với Hoàng Sa
>> Tri ân liệt sĩ Nhà giàn DK1
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Máu xương làm dấu mốc biên cương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Mòn mỏi đợi em về
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Khát vọng phụng sự Tổ quốc
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị
>> Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1 - Ôm cờ Tổ quốc vào lòng

Thanh Niên   (Trường Sa ký ức tháng ba) và Tiền Phong (Hồn ở lại Gạc Ma  đã có bài về Trường Sa ...
"KHÓC CHO ANH EM HY SINH, CŨNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP"......

Mai Thanh Hải - Nhà báo T, Phóng viên Báo X kể với mình buổi sáng:

Từ mấy tháng trước, anh T thay mặt Báo, lặn lội tìm đến thăm gia đình 34/64 Liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa (30 gia đình còn lại ở các địa phương khác, sẽ thăm sau).



Báo cũng đã làm việc và thống nhất tổ chức cuộc gặp mặt 34 gia đình Liệt sĩ, tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Thành phần buổi gặp mặt bao gồm các mẹ của Liệt sĩ (mỗi mẹ được đưa 1 người thân đi cùng), lãnh đạo đại diện Hải quân và cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa...

Cuộc gặp mặt được sự giúp đỡ của Hội Cựu Chiến binh của 1 Doanh nghiệp: Đài thọ tiền đi lại cho thân nhân Liệt sĩ; tặng quà cho mỗi gia đình...

Tất cả mọi việc đã hoàn tất, giấy mời đã được phát đi, hẹn ngày 14/3/2012 gặp mặt tại Cam Ranh.

Đùng cái, cách đây 3 ngày (11/3/2012), có lệnh của "trên" yêu cầu hủy cuộc gặp mặt.

Nhà báo T cay đắng: "Anh trở thành người đi phỉnh (lừa) các mẹ Liệt sĩ" và chán nản: "Giỗ anh em hy sinh mà không dám tổ chức. Khóc anh em hy sinh cũng không được phép khóc!"...
Mình nghe xong câu chuyện, cũng chán ặt người: " Tổ quốc có bao giờ HÈN thế này không?"..

-Hồn ở lại Gạc Ma
-> Nhịp đập biển đảo
TP - 24 năm. Thời gian không xóa nhòa những ký ức của binh nhất Phan Văn Đức, để giờ đây, ngày ngày anh thơ thẩn dọc bãi biển Sơn Trà, ngóng về đại dương mịt mù. Hồn anh vĩnh viễn ở lại với Gạc Ma…

Hằng ngày, anh Đức - người binh nhất Gạc Ma năm xưa - cứ lang thang ngóng ra biển. Ảnh: Nam Cường.

Năm 1987, phường Hòa Cường và phường An Hải Tây - Đà Nẵng là nơi có nhiều thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, trong đó, một số chiến sĩ hải quân tham gia trận hải chiến Gạc Ma (14-3-1988), người trở về, người vĩnh viễn nằm lại.
Riêng phường An Hải Tây có 2 chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử này, thì một người đã hy sinh là anh Lê Thế, người còn lại là Phan Văn Đức, hiện còn sống ở tổ 28 phường Mân Thái (quận Sơn Trà).
Hồi ức của một binh nhất
Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào nhà anh Phan Văn Đức (1967) ở xóm nghèo Mân Thái dài hun hút.
Người nhiệt tình dẫn đường - anh Trương Văn Hào - là đồng đội, nhập ngũ một ngày với anh Đức, hiện là Ủy viên BCH hội CCB phường An Hải Tây, lắc đầu: "Đức lại đi lang thang rồi! Nó vẫn thường bị ám ảnh".
Quá trưa, anh Đức trở về, tóc dài thượt, râu ria tua tủa, người gầy nhom, duy đôi mặt chợt rực sáng khi tôi với anh Hào khơi gợi lại Gạc Ma.
Anh Đức kể, lúc đầu anh gia nhập hải quân, sung vào đội ngũ hậu cần, lo bếp núc, nhưng rồi, hình ảnh những người lính hải quân Trường Sa oai nghiêm thôi thúc anh nhập vào đội công binh xây đảo.
Ngày 9-2-1987 nhập ngũ. Ngày 11-3-1988, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ công binh (thuộc Trung đoàn công binh 83) đi trên tàu HQ 604 thẳng tiến bãi Gạc Ma.
Chiều 13-3, tàu HQ 604 đậu cách Gạc Ma chừng 1km, bắt đầu đưa vật liệu lên xây dựng đảo. Anh Đức thuộc tốp đầu tiên xuống nước. Dân biển, giỏi bơi lội nên chuyện đó rất dễ dàng.
Anh Đức kể, chiều 13-3, tàu hộ vệ Hải quân Trung Quốc tới, bắt đầu bắc loa uy hiếp tàu mình bằng tiếng Việt. Khoảng 6h hôm sau, bắt đầu xảy ra chiến sự, anh Đức là một trong những người đầu tiên rời tàu HQ 604, bơi vào cùng anh em giữ đảo.
Một nhóm chiến sĩ Việt Nam quyết tâm canh giữ ngọn cờ Tổ quốc. “Hồi đó, tui chỉ biết mỗi thằng Lanh (Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, người bị thương nặng trong hải chiến - PV).
Khi hai bên giáp lá cà, bên chúng ta một người bị bắn gục, thằng Lanh giành được lá cờ, lao vào ăn thua đủ với 2 lính bên kia. Từ đây phía bên kia bắt đầu xả đạn...".
Anh Đức may mắn thoát khỏi tầm đạn bởi tài bơi lặn của một dân chài. Triều cường lên, bãi Gạc Ma chìm hơn nửa mét nước. Anh Đức lao mình xuống biển, thoát khỏi làn đạn, bơi trở lại tàu HQ 604.
Nhưng vừa mới ngóc đầu lên lấy hơi thì một tiếng bùm. Phát pháo đầu tiên bắn vào khoang chỉ huy - thông tin tàu HQ 604, rồi liên tiếp nhiều phát pháo khiến mạn vỡ, ván bay tung tóe, tàu từ từ chìm.
“Tui bơi ngược trở lại, may mắn vớ được tấm ván, vừa cố dìu một chiến sĩ ta bị thương thì bất thần làn đạn cày qua bắp tay, đau nhói” - anh Đức nhớ lại.
Binh nhất Phan Văn Đức cùng một số chiến sĩ may mắn sống sót, sau đó được tàu đưa về đảo Sinh Tồn cứu chữa, may mắn đạn chỉ sượt qua phần mềm. Nhưng vết thương trong tâm trí thì mãi không lành.
Gạc Ma ở trong tim
Không đến nỗi hô xung phong giữa thời bình, nhưng ngày ngày anh thơ thẩn ngoài bãi biển Sơn Trà, ngóng ra đại dương bao la. Người đàn ông tóc lòa xòa phất phơ trong gió, ngắm thuyền bè qua lại.
Anh Trương Văn Hào nói: "Chỗ bạn bè, nhập ngũ một ngày, Đức ra nông nỗi thế, tôi buồn lắm. Từ ngày xuất ngũ, dường như Đức trở thành người khác, không còn hoạt bát, lanh lẹ như trước nữa.
Anh Phan Văn Minh, em trai anh Đức, kể: "Sau trận chiến tháng 3-1988 ở Gạc Ma, cả gia đình tui nghĩ anh Đức chết rồi, bởi dễ gần tháng không tin tức, thơ từ về nhà. May một lần có người bà con đi học ở Nha Trang, vô tình gặp anh Đức ở đó, mới hay anh còn sống".
Anh Đức kể, hằng đêm, trong giấc ngủ, hải chiến Gạc Ma cứ hiển hiện trong đầu. “Không cách nào dứt ra được, hơn 10 năm nay, bằng mọi cách mà vẫn thế. Giờ ăn chay trường, thấy trong lòng đã thanh thản, nhẹ nhõm hơn nhiều”.
Ấm tình đồng đội

Thả vòng hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988. 
Binh nhất Phan Văn Đức xuất ngũ, trở về với giấy tờ đầy đủ, nhưng rồi không hiểu sao, anh vẫn không chịu nộp các loại giấy này để làm chế độ. Đến năm 2006, khi cơn bão Xangsane ập vào Đà Nẵng, nhà anh sập, đồ đạc xáo trộn, giấy tờ mất hết.
Hỏi vì sao không nộp giấy tờ, anh lắc đầu không nói. Chuyện này chỉ có người bạn của anh là anh Trương Văn Hào biết. “Tôi với Đức nhập ngũ rồi xuất ngũ cùng ngày, giờ tôi lại làm trong BCH hội CCB phường An Hải Tây, cùng nhiều đồng đội biết rõ Đức lắm, nhưng đành chịu. Không giấy tờ thì biết làm sao.
Mà tính Đức nó thế, Gạc Ma lùi xa 24 năm rồi mà với nó như mới ngày hôm qua. Anh em đồng đội như tôi, anh Tấn… chỉ thỉnh thoảng hỏi thăm. Mỗi người một số phận".
Ngôi nhà cấp 4 xập xệ trong xóm nghèo của anh Phan Văn Đức trống hoác, vật dụng đáng kể nhất là chiếc tivi và bộ máy vi tính của con trai.
Hơn 10 năm, anh Đức không nghề nghiệp, xong bữa cơm lại lang thang ra biển, lên núi Sơn Trà. Anh nói: "Nhiều người tưởng tôi bị điên, tôi cũng buồn lắm. Làm đàn ông mà không lo nổi cho gia đình. Vợ buôn bán lặt vặt, may là 2 đứa con lớn, tự lo được rồi. Tôi chỉ áy náy nhất là thằng Tùng con thứ 2, học đại học được một năm rồi nhưng không có tiền nộp đành bỏ ngang. Đó là lỗi lớn của tôi, không của ai hết”.
Rồi lại hóng mắt ra biển, Đức nói với tôi, mà như thì thầm với chính mình: Tôi vẫn còn may mắn chán, được sống sót trở về, được sống trong hơi ấm đồng đội những ngày gặp mặt.
Dù sống thế nào, tim tôi vẫn không hổ thẹn vì luôn nhớ đến Gạc Ma, nhớ đến câu nói bất tử của anh Phương: Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và vinh quang Quân chủng”.
Tháng 4-2008, 20 năm sau hải chiến Trường Sa, tôi – người viết bài này có dịp đi Trường Sa trên tàu HQ 996. Ngày tàu rời đảo chìm Cô Lin, như thông lệ toàn tàu thắp nén hương và thả vòng hoa làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Gạc Ma.
Trên boong HQ 996, tôi lặng người hồi tưởng những thước phim các anh ngã xuống. Bởi thế, trước binh nhất Phan Văn Đức thẫn thờ nhìn ra biển giữa khung cảnh thanh bình, tôi hiểu được anh.
Xin trích bài tưởng niệm của trưởng đoàn công tác Trường Sa trên tàu HQ 996 vào tháng 4-2008 hồi đó là Trung tướng Bùi Văn Huấn (Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nay là Thượng tướng): Biển đảo của Tổ quốc ta chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh tổ tiên, trước hương hồn các đồng chí, xin nhắn gửi tới thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.
Tôi vẫn còn may mắn chán, được sống sót trở về, được sống trong hơi ấm đồng đội những ngày gặp mặt. Dù sống thế nào, tim tôi vẫn không hổ thẹn vì luôn nhớ đến Gạc Ma.

Nam Cường
-  Trường Sa ký ức tháng ba. Thanh Niên,  11-3

Trong buổi gặp mặt chiến sĩ Trường Sa vào ngày 24.2 vừa qua tại Nha Trang, khi được hỏi nhớ gì nhất về Trường Sa thì tất cả cùng đáp: nhớ ngày 14.3.1988. Những bà mẹ ở Khánh Hòa, Phú Yên hay Đà Nẵng, Quảng Bình… có con nằm lại với Trường Sa, tất cả cũng đều nói nhớ cái ngày ấy nhất.
Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ buổi sáng ngày 14.3.1988, 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi bãi đá Gạc Ma. Tất cả những người lính Trường Sa dù trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến trận hải chiến chỉ “nổ súng từ một phía” ấy đều coi đó như một vết thương luôn rỉ máu giữa lòng mình. Xem những thước phim do chính Trung Quốc ghi lại cuộc cướp giật để chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma năm ấy, không một ai trong chúng ta có thể cầm lòng. Những người lính của chúng ta đã chấp nhận hy sinh để biến mình thành những cột mốc của Tổ quốc giữa trùng khơi. Để đất nước có thêm một dải san hô, máu các anh đã đổ xuống.
 
Nguyễn Văn Dũng (bìa trái) và những thủ trưởng cũ tại buổi gặp mặt lính Trường Sa 24.2.2012 
Người được trở về
Hơn một tháng qua, tôi có dịp đi dọc miền Trung để gặp gỡ những người lính Trường Sa từng sống qua những ngày căng thẳng nhất vào những tháng đầu năm 1988. Trước khi trở lại quê nhà, gặp lại người thân, nhiều anh đã để lại một phần thân thể của mình nơi Trường Sa. Dù vậy, ai cũng cảm thấy mình như người có lỗi khi được trở về, trong lúc bao đồng đội phải nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển khơi. Nguyễn Văn Dũng, thành viên trong Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, là một trong những trường hợp như thế.
Đầu năm 1988, không khí tại Trường Sa luôn căng thẳng, ngột ngạt. Những cuộc khiêu khích của quân thù luôn diễn ra tại các đảo đá ngầm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Dù là những ngày giáp tết của năm Mậu Thìn nhưng không một người lính nào nơi bán đảo Cam Ranh có thể yên lòng đón tết. Họ chuẩn bị lên đường ra các bãi đá ngầm ấy để khẳng định sự có mặt của mình, cũng là khẳng định chủ quyền của đất nước. Dạo ấy, Nguyễn Văn Dũng vừa tròn một tuổi quân, được lệnh lên đường ra Trường Sa ngay sau tết âm lịch. Một buổi sáng đầu tháng 3.1988, trước khi lên đường, tự dưng giọng nói của Dũng bị khàn, nghe không rõ tiếng. Là lính thông tin, có nhiệm vụ giữ bộ đàm liên lạc với các tàu mà giọng khàn thế kia thì làm sao chuyển tải thông tin cho chính xác được. Và rồi Dũng buộc phải ở lại với tâm trạng của người có lỗi trước một chuyến đi quan trọng. Thế chân anh là Phan Tấn Dư, người Phú Yên. “Dư là anh nuôi, có học sơ qua lớp truyền tin nên anh được chọn. Không ngờ đó là chuyến đi định mệnh của đời Dư”. Dũng bùi ngùi nhắc lại buổi chia tay giữa hai người bạn lính tại Cam Ranh từ 24 năm trước. Phan Tấn Dư là một trong 64 chiến sĩ đã ngã xuống nơi bãi đá ngầm Gạc Ma ngày 14.3.1988, anh mãi mãi dừng lại ở tuổi 22! Từ Cam Ranh, Dũng đón nhận hung tin trong nước mắt thương bạn vì đã phải “thế chân” mình. Rồi Dũng cũng lên đường trực chỉ Trường Sa ngay sau đó.

Tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống vì Trường Sa
Lâu nay, do thiếu thông tin, nhiều người trong chúng ta cứ tưởng rằng, hải quân Trung Quốc chỉ một lần tấn công giành đảo Gạc Ma năm 1988 nhưng không phải vậy. Gần như là một chiến dịch khiêu khích diễn ra trước và sau trận hải chiến ấy được họ chuẩn bị rất công phu. Đoạn video đang lan truyền trên mạng nói về trận hải chiến chiếm Gạc Ma do chính họ quay đã nói lên điều đó. Nguyễn Văn Dũng trở thành nạn nhân của các cuộc khiêu khích từ phía Trung Quốc. Vừa trên đài quan sát tụt xuống sàn tàu, một trái pháo bắn thẳng từ tàu chiến của địch đã khiến anh lính thông tin khỏe mạnh và can trường ấy phải hôn mê suốt hai tháng sau đó vì một mảnh pháo xuyên qua người. Phải mất gần một tuần sau, Dũng mới được đưa về một bệnh viện quân y tại TP.HCM trong trạng thái mê man thừa chết thiếu sống. Những tháng sau đó, cùng chiếc ba lô con cóc và bộ quân phục nhàu nhò, Dũng qua hết các bệnh viện quân đội với mong ước giữ được đôi chân. Năm 1993, Dũng ra quân, bắt đầu cuộc hành trình gian nan tìm quê bạn.
Nỗi đau của mẹ
Không phải những người lính Trường Sa mới có ký ức về quần đảo ấy mà kỳ lạ thay, những bà mẹ chưa một lần ra đảo vẫn “thuộc” đảo như nhà mình. Có lẽ những lá thư từ Trường Sa xa xôi kết hợp với nỗi nhớ con đã làm nên những tấm bản đồ trong lòng mỗi người mẹ. Má Lê Thị Niệm, mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư ở Phú Yên; má Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở Đà Nẵng là những ví dụ.
 
Má Lê Thị Niệm ở Tây Hòa, Phú Yên - Ảnh: Trần Đăng
Nguyễn Văn Dũng hồi tưởng: “Tôi ra lính với đôi chân cà nhắc, chẳng nghề ngỗng gì, bèn chọn bãi Cây Me thuộc phường Vĩnh Hòa, Nha Trang này làm nơi cuốc đất lật cỏ. Công việc khá vất vả nhưng luôn nung nấu trong lòng là tìm cho bằng được nhà Phan Tấn Dư. Lần dò mãi rồi cũng tìm ra. Mùa đông năm 1995, sau rất nhiều lần ra vô Phú Yên để lần tìm địa chỉ nhà Dư, tôi về Hòa Phong, Tây Hòa, lòng dặn lòng mong sao mẹ Dư còn sống. Con đường lầy thụt đầy ổ trâu dẫn về nhà Dư. Linh cảm sau 7 năm mong chờ và hy vọng đã mách bảo với mẹ Dư rằng, thằng Dũng tôi đây chính là hình bóng của con bà! Mẹ Dư năm ấy đã 70 tuổi rồi, cứ lần dò tìm chiếc hộp quẹt để tôi đốt nhang cho Dư. Khi đèn bật sáng, trên bàn thờ Dư không một tấm hình. Má Niệm đã ôm tôi vào lòng như ôm chính con bà. Hai mẹ con nức nở…”. Bắt đầu từ hôm đó, Dũng trở thành thành viên của gia đình Dư. Suốt 17 năm qua, bằng đôi chân không lành lặn của mình, năm nào Dũng cũng về Tây Hòa thăm má Niệm một đôi lần, đặc biệt, Dũng đã biến ngôi nhà mẹ Dư đang ở thành chỗ gặp mặt thường niên của anh em chiến sĩ Trường Sa tại Phú Yên đúng ngày giỗ của Dư (25 tháng giêng âm lịch). “Không biết có phải do má đặt tên Dư cho nó không mà nó không về, để má suốt đời thiếu nó?”, má Niệm rưng rưng nhắc về đứa con mình. Suốt 24 năm qua, lòng người mẹ ấy chưa bao giờ lặng gió vì xương thịt của con cùng bao đồng đội đã tan hòa vào lòng biển của Tổ quốc rồi.
Cùng tâm trạng của mẹ Dư, bà Lê Thị Lan, 70 tuổi ở Hòa Cường, Đà Nẵng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc cũng chỉ hỏi một câu: “Có khi mô người ta tìm được hài cốt thằng Lộc không vậy cháu?”. Tôi không dám trả lời câu hỏi ấy, cũng không dám nhìn vào khuôn mặt vò nhàu của người mẹ này. Đã bao nhiêu năm rồi, ngày nào người mẹ ấy cũng thức dậy thật sớm, thắp trên bàn thờ con mình một nén nhang trước khi rời nhà để đến một quán ăn trong thành phố rửa chén bát đến tận khuya rồi nhận từ tay bà chủ quán 60.000đ. Trộm vía, nếu anh Lộc còn sống lành lặn và ra quân như Dũng, hẳn mẹ anh đã không phải lận đận kiếm cơm như thế.
Mẹ Niệm, mẹ Lan cùng bao nhiêu bà mẹ khác đã sống lặng lẽ và mong chờ trong vô vọng suốt 24 năm qua như thế.
Trần Đăng

--14 tháng 3- Ngày của nỗi đau và uất hận!


Hình ảnh cuối cùng của tàu HQ 604 trước khi bị Trung Quốc bắn chìm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn tại đảo Gạc Ma ngày 14-03-1988. RFA screen capture
NQL: Trong một cuộc thẩm vấn người biểu tình chống Trung Quốc, một sĩ quan công an đã hỏi Gạc Ma là cái gì? Nếu anh ta hỏi Gạc Ma ở đâu, chuyện gì xảy ra ở đó thì hảy còn dễ hiểu, đằng này anh ta lại hỏi Gạc Ma là cái gì? Thật là kinh khủng. Đó là hậu quả cuả những nổ lực thảm hại đánh đu với 16 chữ vàng. Sự ngu tín hóa toàn dân đã dẫn đến những hậu quả đau lòng và nhục nhã. Đảm bảo cho đến bây giờ vẫn có nhiều người như  sĩ quan công an kia không biết Gạc Ma là cái gì, như một ông bí thư chi bộ vẫn đinh ninh Hoàng Sa chỉ là bãi chim ỉa.

Hôm nay không một tờ báo nào trên tất cả các báo lề phải nhắc đến sự kiện Gạc Ma 14/3/1988. Đó cũng là một nỗi đau và nhục nhã. Nực cười thay, sự  im lặng khốn cùng ấy được đánh tráo bằng hai chữ hữu nghị!
 
THÁNG BA, NGÀY 14, VIỆT NAM ƠI!
Hà Văn Thịnh
Tháng Ba
Mùa Xuân chở mây ra khơi xa
Nước xanh như màu mây ấy
Biển thét gào nỗi đau sống dậy:
64 linh hồn uất nghẹn
Gạc Ma!

Tháng Ba
Tự cổ chí kim chưa thấy bao giờ:
64 người con hy sinh vì Tổ Quốc
Chết cho Nước khỏi sống quỳ sống nhục
Bị biến thành ma!?

Tháng ba
Sao tôi chẳng được quyền kể về các anh?
Lỡ gọi tên có thể là tù tội
Anh dũng hiên ngang bị vùi trong bóng tối
Việt Nam ơi, nhức mỏi đến bao giờ?

Tháng Ba
Nỗi đau Ngày Mười Bốn Tháng Ba
Năm có hai số tận cùng Phát Phát (1988)
Các anh chết để cho ai phát tài, phát nhát?
Phát cả tai ương – dân tộc đoạ đày
Phát cả nỗi căm hờn thành hữu hảo chua cay…

Tháng Ba
Xương cũng hoá thành bùn héo rũ những vòng hoa
Thành mười sáu chữ vàng nhức buốt
Lũ giặc Tàu nghênh ngang cùng lũ chuột
Rứt rỉa đau thương bày tiệc trận cười!

Tháng Ba
Chẳng có cái chết nào có thể hoá phôi pha
Dẫu bạo ngược cường quyền muốn thế
Dẫu cuộc đời ngập chìm dâu bể
ViệtNamơi, không khiếp sợ, bao giờ!

Tháng Ba
Chúng muốn ta quỳ mỏi gối xin cho
Để Hoàng Sa, Trường Sa máu cuộn cùng nước mắt
Các anh đã hy sinh để hôm nay, sự thật
Tổ Quốc biết những gì CÒN – MẤT
Từ những ngọn sóng xanh bầm đỏ căm thù!

Tháng Ba
Nỗi đau ngày đuổi tận mơ đêm
Cả dân tộc nhớ thương bằng tiếng thĩ thầm
Khen kẻ ngoài là chê bên trong dở
Nhắc lại ngày xưa là chê thời nay đó
Thuỷ Hoàng ư? Khép nép tẽn tò…

Tháng Ba
Tôi viết bài ngợi ca người Nhật
Tsunami! Chẳng thèm rơi nước mắt
Bonsai như nửa nụ cười…
Có kẻ chỉnh nhắc rằng, khen ít lại, vừa thôi!

Tháng Ba
Ngày mười bốn, mỗi năm
Người Việt nào cũng khóc
Khóc bởi 24 năm qua không biết chỗ
Các Anh nằm
Khóc bởi biết rằng trong chốn mù tăm
Các anh hiểu hàng triệu người vẫn nhớ!

Tháng Ba,
Không thể gọi là thơ những câu chữ ghép vần
Nhưng tiếng trái tim của muôn người là sự thật
Lịch sử sẽ ghi những dòng tươi sáng nhất
Tên các anh
Mãi mãi rạng ngời
Trong bất khuất Lạc Hồng
Sống mãi, Việt Nam ơi!…
 Huế, tháng Ba, 2012.
 Theo BVN.

-Đáng lẽ phải đưa 4 lần xuống đường biểu tình chống TQ , ... né tránh thế này mất cả giá trị bài viết, ...
-'Phép thử' và lòng yêu nước
Rõ ràng rằng mũi tên đó đã co rúm, oằn cong khi chạm phải lá chắn thép là lòng tự tôn dân tộc và tình yêu nước của người Việt Nam.

Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng biển của Việt Nam.
Vị trí tàu Hải giám vi phạm vùng biển Việt Nam.
Nếu thế lực nào muốn làm “phép thử” với Việt Nam bằng việc trắng trợn xâm phạm lãnh hải, táo tợn thực hiện các hành động phá hoại thì họ đã nhận được kết quả rất rõ ràng: Sự bùng nổ dữ dội của lòng yêu nước.

Ngày 26/5/2011, 3 tàu Hải giám của Trung Quốc ngang nhiên tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cắt đứt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Hành động này được ví như một "phép thử" các bên có liên quan trong vấn đề biển Đông, là mũi tên nhắm vào nhiều đích. Thế nhưng, rõ ràng rằng mũi tên đó đã co rúm, oằn cong khi chạm phải lá chắn thép là lòng tự tôn dân tộc và tình yêu nước của người Việt Nam.

Yêu hòa bình nhưng không nhu nhược!

Toan tính đến từ những kẻ chủ mưu gây bất ổn trên biển Đông vô tình hay hữu ý đã thực hiện cuộc sát hạch lòng yêu nước của người dân đất Việt. Và kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, chủ nghĩa yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ lan tỏa, cộng hưởng và thăng hoa một cách mạnh mẽ.

Điều này có thể được ghi nhận, kiểm chứng rõ ràng nhất trong hàng vạn, hàng triệu lời bình luận của các độc giả báo điện tử, các thành viên mạng xã hội tiếng Việt… trong những ngày qua ủng hộ phản ứng cương quyết, đanh thép của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhiệt tình đề xuất các giải pháp củng cố an ninh quốc phòng, thể hiện tinh thần sẵn sàng đóng góp, hy sinh cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam yêu hòa bình nhưng không nhu nhược!

Trong số đó, có em học sinh dù đang miệt mài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học vẫn dành thời gian theo dõi, cập nhật thông tin về chủ quyền của đất nước;

Có cán bộ trong ngành tư pháp đề nghị Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ Tổ quốc, bởi theo ông, Việt Nam đã có Luật Công an Nhân dân, Luật Quân đội Nhân dân, Luật dân quân tự vệ... quy định rõ về quốc phòng, trật tự trị an, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... nhưng chưa hội đủ các quy định về người Việt Nam trong việc bảo vệ Tổ quốc.

Một đạo luật về Bảo vệ Tổ quốc chính là đạo luật của lòng yêu nước, là cơ sở pháp lý củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân quanh Đảng, Nhà nước trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ mà biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vun đắp, gìn giữ.

Nhiều người kêu gọi lập “Quỹ quốc phòng” hay “Quỹ Bảo vệ Tổ quốc” tương tự như “Tuần lễ vàng” từng có trong lịch sử kháng chiến. Sự đóng góp này sẽ giúp quân đội tiến thẳng lên hiện đại, đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng, bởi muốn giữ vững nền độc lập, trước hết phải tự chủ sức mạnh quân sự. Họ tuyên bố, sẵn sàng đóng góp tháng lương, thậm chí nhiều hơn nữa cho những quỹ này.

Cũng trong dòng suy nghĩ xây dựng và củng cố tiềm lực quốc phòng, nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam phải tự chủ hơn nữa trong việc các hệ thống phòng thủ bờ biển, tự lực phát triển các phương tiện bay không người lái (UAV) làm nhiệm vụ tuần tra biển, phát hiện từ xa và thu thập bằng chứng về các cuộc xâm nhập trái phép… bởi đơn giản: “Không có quân đội mạnh thì không được kính trọng”.

Bằng “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, nhiều người cũng cho rằng, bên cạnh việc bày tỏ thái độ kiên quyết, cứng rắn trước các hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền, Việt Nam cần phải có những tính toán dài lâu, phát triển kinh tế làm nền tảng vững chắc, đặc biệt phải khôn khéo tránh sự khiêu khích và các “bẫy chiến lược”, tận dụng được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ đất nước.

Không chỉ bằng lời nói

Nếu ai cho rằng “mạng chỉ là ảo” và những cảm xúc này chỉ là những bộc phát tức thời, na ná cách thể hiện niềm tự hào dân tộc mỗi khi đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam chiến thắng hay là thứ "phản xạ bản năng" của một dân tộc có nền độc lập thường xuyên bị đe dọa qua hàng ngàn năm, hãy nhớ lại những ngày cuối năm 2007.

Sau sự khiêu khích mang tên “Tam Sa”, một loạt các phong trào thanh niên được thực hiện, duy trì đến nay như một kênh tuyên truyền cho chủ quyền biển đảo, song hành cùng các hoạt động chính thức vốn có trước đó của Nhà nước.

Điển hình, các bạn trẻ trên diễn đàn Hoangsa.org đã quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ ngư dân Lý Sơn tiếp tục truyền thống bám biển bao đời của ông cha.

Họ lặn lội tới các miền xa trên khắp đất nước, tìm đến gia đình của 74 liệt sĩ, những người đã kết thành “vòng tròn bất tử” ở Trường Sa năm 1988, để thắp nén hương tưởng nhớ, để nghe, ghi chép rồi kể lại cho bạn bè câu chuyện đậm chất sử thi về những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam “thà hy sinh chứ không chịu mất đảo... để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. 

Họ còn là cầu nối giữa các học giả, các nhà nghiên cứu về biển Đông từ góc độ lịch sử, luật pháp quốc tế tới các thành viên của diễn đàn, giúp cho những ai quan tâm tới vấn đề chủ quyền có được những thông tin chính thống và đáng tin cậy nhất.

Cùng làm công việc tương tự, một nhóm các bạn trẻ lấy tên COC Radio đã thu âm và phát trên internet các bài viết có giá trị học thuật về mặt lịch sử và pháp lý liên quan đến biển Đông, của các học giả hàng đầu trong lĩnh vực như Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, Từ Đặng Minh Thu, Vũ Quang Việt, Lê Minh Nghĩa... tới rộng rãi cư dân mạng.


Cũng những ngày cuối năm 2007 ấy, trên internet xuất hiện một bức tranh cổ động với đường nét liền mạch, tách bạch, bố cục sắp xếp có liệt kê vẽ một người người lính hải quân cầm chắc tay súng, canh cột mốc chủ quyền ở Trường Sa, với nền là toàn bộ hình ảnh 2 quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc kèm tọa độ địa lý, dưới cùng là dòng chữ Việt – Anh: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, như một lời tuyên bố chắc nịch với thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Tổ quốc.

Hướng nhìn của người lính trong hình không chính diện tạo không gian cùng hướng đến, mang lại cảm giác đồng thuận, có tính cổ vũ mà không kích động. Do đó, ngay từ khi mới xuất hiện trên internet, hình ảnh đã lan truyền mạnh mẽ trên các blog, diễn đàn và mạng xã hội.

Tâm sự với Đất Việt, tác giả bức tranh cho biết, khi cái tên “Tam Sa” được đưa ra để “thăm dò” thái độ, trong khi đó, cộng đồng mạng chưa có nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng để đáp trả lại sự khiêu khích (những bức ảnh tìm thấy khi đó thường có dung lượng nhỏ, chất lượng thấp). Do đó, người họa sĩ trẻ quyết tâm thực hiện một bức hình để giúp cộng đồng mạng bày tỏ lòng tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Từ tấm hình gốc vỏn vẹn 134x190 điểm ảnh (dung lượng 6,81KB), tác giả đã sắp xếp, chọn bố cục phù hợp và hoàn thành tác phẩm bằng bàn vẽ điện tử (wacom) trên nền Photoshop sau vài giờ đồng hồ.

Tới nay, hình ảnh này nhiều lần xuất hiện trên các trang mạng, báo chí trong và ngoài nước, được in trên nhiều bìa sách về biển, đảo… 

"Đừng thách thức Việt Nam"

Khi có dịp tới Trường Sa, phóng viên Đất Việt đã cố gắng chuyển lời chào của người họa sĩ tới người lính trong bức ảnh nhỏ được phóng tác nhưng không thể, bởi ảnh chụp đã lâu, còn nhiệm vụ của người lính thì thường xuyên thay đổi.

Khi được hỏi về vấn đề này, Thượng tá Phạm Quang Oánh, trợ lý tuyên huấn Quân chủng Hải quân trả lời: “Chuyện đó không quá quan trọng, là người lính họ sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình bằng mọi giá. Còn hình ảnh, miễn là người Việt Nam, khoác lên mình bộ quân phục của người lính hải quân, tay cầm súng đứng bên cột chủ quyền đều tạo ra nguồn cảm hứng cho lòng yêu nước cho tất cả mọi người”.

Có lẽ vậy, bởi tình yêu nước, đâu chỉ là một thứ phản xạ bản năng, mà còn là thứ tình cảm thường trực chảy trong huyết quản, là sợi dây liên kết tinh thần bền chắc, mà mỗi người dân Việt Nam đều có thể cảm nhận, chia sẻ. Còn đối với các thế lực khiêu khích, đây là thông điệp rất rõ ràng: "Đừng thách thức Việt Nam".


Các bài viết nhận được sự bình luận đông đảo của độc giả:

>> Hải quân VN sẽ làm mọi việc để bảo vệ lãnh thổ
>> Chiến hạm Gepard thứ 2 sắp về Việt Nam
>> Nga giúp Hải quân Việt Nam tương đương với Ấn Độ
>> Việt Nam tự chủ số lượng tên lửa bảo vệ lãnh hải

>> 'Việt Nam không chấp nhận nền hòa bình lệ thuộc'
>> 'Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền'

Tuấn Linh

Tổng số lượt xem trang