-Tranh chấp Biển Đông: Lập trường đàm phán song phương của Trung Quốc có thể thay đổi? Hôm thứ 3 vừa qua -- giữa lúc tình hình Biển Đông sôi sục vì điều mà Giáo sư Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho là những hành động “từ hung hãn biến thành xâm lấn” của Trung Quốc, chính phủ ở Bắc Kinh đã tìm cách đổ lỗi cho Philippines và Việt Nam. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu như sau tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải:
"Vấn đề Nam Hải hồi gần đây phát sinh từ việc một số nước thực hiện những hành động đơn phương gây tổn hại cho chủ quyền và quyền lợi hải dương của Trung Quốc, đưa ra những phát biểu không đúng sự thật và thiếu trách nhiệm, mưu toan khuyếch đại hóa và phức tạp hóa vấn đề Nam Hải."
Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố này của Trung Quốc đề cập tới những vụ đối đầu trong vài tháng qua giữa Bắc Kinh với Philippines và Việt Nam, và việc hai nước này đòi đàm phán đa phương thay vì song phương như chủ trương của Trung Quốc.
Giới hữu trách ở Bắc Kinh cũng đã mạnh mẽ chỉ trích điều mà họ gọi là sự can thiệp của Hoa Kỳ vào vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu như sau:
"Chúng tôi hy vọng những nước không liên hệ tới vụ tranh chấp ở Nam Hải hãy thật tâm tôn trọng những nỗ lực của các nước liên hệ nhằm thông qua đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp."
Phát biểu vừa kể rõ ràng là để đáp lại việc Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, hôm thứ hai đề xuất một nghị quyết để lên án Trung Quốc sử dụng vũ lực và yêu cầu Washington có hành động cụ thể để khẳng định và bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tiến sĩ Jonathan Pollack, một chuyên gia về Trung Quốc của Viện Brookings ở Washington, cho biết Hoa Kỳ chắc chắn không thể khoanh tay đứng nhìn tình hình ngày càng trở nên căng thẳng ở Biển Đông. Ông cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
"Hoa Kỳ rõ ràng là có những quyền lợi rất quan trọng trong vụ tranh chấp này. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ có một nguyên tắc cơ bản là không muốn dính líu tới những vụ tranh chấp giữa các nước như vậy. Hoa Kỳ mong muốn tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và sẵn sàng thúc giục các bên liên hệ hãy có thái độ thận trọng và tự chế để xử lý những vụ tranh chấp."
Trong khi đó, ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Xí nghiệp Hoa Kỳ Nghiên cứu Chính sách Công (American Enterprise Institute for Pulic Policy Research), cho rằng Washington can dự vào vụ tranh chấp ở Biển Đông là một việc đương nhiên:
"Năm ngoái Ngoại trưởng Hillary Clinton và sau đó trong năm nay là Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cả hai đều đã tuyên bố một cách rõ ràng là việc duy trì tự do hàng hải ở biển Nam Trung Hoa phù hợp với quyền lợi quốc gia của nước Mỹ. Bà Clinton còn cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng đảm nhận vai trò điều giải trong trường hợp cần thiết. Hôm thứ hai vừa qua, thượng nghị sĩ Jim Webbs cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ như vậy."
Hôm thứ 3 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines, ông Harry Thomas, đã bày tỏ sự ủng hộ của Washington trong vụ tranh chấp Biển Đông vì hai nước là đồng minh chiến lược có ký kết hiệp ước phòng thủ. Nhà ngoại giao Mỹ đã phát biểu như sau tại một cuộc hội thảo ở Manila:
Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến và làm việc chung với nhau về mọi vấn đề, kể cả vấn đề Biển Nam Trung Hoa và quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Triệu Hồng, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng đường lối đa phương mà Hoa Kỳ cùng với các nước Đông Nam Á xướng xuất cho nỗ lực giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông là một phương thức hợp lý.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không phải là Trung Quốc muốn hay không muốn. Có một số vấn đề không thể nào giải quyết được bằng đường lối song phương, cần phải thông qua những kênh đa phương để tìm cách giải quyết. Có một số vấn đề vốn là vấn đề song phương nhưng có thể biến đổi để trở thành đa phương, kể cả vấn đề tự do hàng hải và an ninh khu vực. Đây là những vấn đề của cả khu vực, chứ chẳng phải chỉ là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với một nước nào đó. Những vấn đề như vậy không thể nào chỉ dựa vào những cuộc đàm phán giữa hai nước mà có thể giải quyết được."
Trong khi đó, Tiến sĩ Tim Huxley, giám đốc bộ phận Á châu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, nói rằng giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải có lẽ đã nhận thức được sự hạn chế của đường lối song phương và có thể sẽ phải điều chỉnh lập trường của mình.
Ông cho rằng: "Theo tôi thì có những dấu hiệu cho thấy là so với trước đây phía Trung Quốc hiện nay dường như đã sẵn sàng hơn để tham gia những cuộc đối thoại đa phương về vấn đề an ninh. Chẳng những các giới chức hàng đầu của Trung Quốc đã tham gia cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore, mà Đại tướng Lương Quang Liệt còn đích thân tham dự hội nghị hồi gần đây của các vị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Indonesia."
Hồi đầu tháng này Trung Quốc lần đầu tiên phái bộ trưởng quốc phòng đến dự cuộc Đối thoại Shangrila-La ở Singapore, và theo các nhà quan sát, diễn tiến này chứng tỏ Trung Quốc đang muốn tìm kiếm một kênh đối thoại đa phương để bàn về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trước đó vào trung tuần tháng năm, ông Lương Quang Liệt cũng đã đến dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Jakarta. Hội nghị này đã đưa ra một thông cáo chung, trong đó đề cập cụ thể tới việc hợp tác đa phương để giải quyết tranh chấp Biển Đông, kể cả việc tuân hành đầy đủ và triệt để Tuyên bố về cách hành xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002.
Mặc dù vậy, ông Huxley cũng nhấn mạnh rằng lập trường đàm phán của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều.
Ông nói: "Chúng ta cần phải chờ xem các diễn tiến đó có dẫn tới việc đàm phán đa phương hay không. Hiện thời chúng ta chưa thể xem những hành động đó của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy họ muốn thông qua đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa. Tôi không nghĩ là chúng ta có thể diễn giải như vậy, vì chính phủ Trung Quốc xem biển Nam Trung Hoa có một vai trò vô cùng quan trọng đối với nền an ninh quốc gia của họ. Tôi nghĩ rằng trong thời gian trước mắt Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường đàm phán đa phương."
Cũng liên quan tới mối quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và ASEAN, một chính khách nổi tiếng của Mỹ mới đây đã lên tiếng hối thúc Washington nhanh chóng tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia vùng Đông Nam Á. Tại một cuộc hội thảo hôm thứ 3 vừa qua ở New York, ông Jon Hunstman, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc và là người đang vận động để được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên tranh chức Tổng thống vào năm 2012, tuyên bố rằng tranh chấp Biển Đông là “một cơ hội vô cùng to lớn” để Hoa Kỳ tăng cường các mối quan hệ với các nước ASEAN.
- Vì sao Trung Quốc không muốn đa phương? (ĐĐK).
Thái độ hung hăng của Trung Quốc buộc Mỹ phản can dự vào Biển Đông