Đinh Quang Anh Thái & Nguyễn Xuân Nghĩa - "Giờ Giải Ảo" ngày 20100322
Buồn trong tiềm thức - Ác tự vô tâm
Đinh Quang Anh Thái: Đây là chương trình "Giờ Giải Ảo" với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của đài NVR và trên mạng lưới điện toán kxmx.com cùng trang nhà của Nhật báo Người Việt. Xin kính chào ông Nghĩa.
Thưa ông, sau một tuần nhức tim và nhức đầu với kế hoạch cải tổ y tế và sau ba chương trình liền dành cho chuyện Tây Tạng và Trung Quốc, kỳ này, chúng tôi xin đề nghị một tiết mục thư giãn! Chẳng là vào kỳ trước, khi chuẩn bị chương trình, ông Nguyễn Xuân Nghĩa có phát biểu với chúng tôi về "cái ác của chúng ta ngay trong truyện cổ tích, thí dụ như truyện phổ biến nhất là Tấm Cám"! Vốn biết ông Nghĩa cứ hay nói điều nghịch lý để gợi ý tò mò và tìm hiểu hầu có thể giải ảo, chúng tôi cũng vẫn thấy ngạc nhiên và phải tìm ra một bản phổ biến của truyện Tấm Cám để đọc. Kỳ này, chúng tôi xin đem lại sự thư giãn cho quý thính giả bằng cách... đọc lại truyện Tấm Cám. Nhưng vẫn phải hỏi ông là vì sao ông lại nghĩ như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng, truyện cổ tích vốn dĩ chỉ là truyện. Đa số là truyện của người lớn kể lại cho trẻ em. Trẻ em lớn lên thành người lớn thì lại kể tiếp cho trẻ em của mình, từ đời này qua đời khác. Qua nhiều thế hệ, thời gian là một sự đãi lọc tất nhiên. Nhưng sau cùng, nhiều truyện vẫn tồn tại và trở thành kho tàng trong nền văn học dân gian của mình. Nếu mình nhìn vào đó thì có thể thấy ra một yếu tố rất đặc biệt, là trí tưởng tượng của một tập thể, một cộng đồng.
- Trí tưởng tưởng ấy mới nặn ra những truyện kỳ lạ, có thể nói là phi khoa học, và tách rời khỏi đời sống thật, nhưng lại là cõi viễn mơ rất cần thiết cho trí não con trẻ. Tuổi thơ là tuổi duy nhất của đời người mà không thấy những truyện đó là phi lý. Thực tế chúng còn ảnh hưởng đến triết lý sống của chúng ta, thí dụ như "ở hiền gặp lành", để khi lớn lên thì mình lại đãi lọc và kể tiếp cho thế hệ sau. Thông thường là ông bà kể truyện cổ tích cho các cháu nghe, khi ông bà đã hết tuổi viễn mơ và biết rằng truyện tưởng tượng ấy chỉ là hư cấu. Nhưng vì sao ông bà vẫn kể lại, mỗi đời lại gạn lọc và thêm thắt một chút? Vì sao nếu không thấy rằng truyện có bao hàm một triết lý xử thế nào đó?
- Bây giờ, xuyên qua cái tiềm thức hay cõi vô thức của một tập thể, ta có thể nhìn ra một vài đặc tính tâm lý của tập thể xuyên qua các truyện cổ tích được phổ biến nhiều nhất. Tôi nhớ lại truyện Tấm Cám và nếu so sánh với truyện cổ tích tương tự của nhiều dân tộc khác thì mình thấy ra cái ác trong truyện. Biết đâu chừng là cái ác của chính chúng ta mà mình không ý thức được? Vì vậy, kỳ này xin đề nghị anh Thái là cùng nhẩn nha kể lại truyện Tấm Cám mà xem!
ĐQAThái: Nói theo kiểu Tầu, "cung kính bất như tuân lệnh"! Chúng tôi xin cùng đọc lại truyện Tấm Cám mà có lẽ ai ai trong chúng ta cũng đều thuộc. Truyện ấy như thế này:
"Ngày xửa ngày xưa, nhà kia có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị là Tấm, em là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, ít năm sau thì cha Tấm cũng qua đời. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám. Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ sai đi bắt tép, đứa nào bắt được nhiều thì được thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi để bắt. Còn Cám do được mẹ nuông chiều, ham chơi nên chẳng bắt được. Cuối buổi, thấy giỏ Tấm nhiều tép, Cám nghĩ kế rồi nói:
"Chị Tấm ơi chị Tấm
Đầu chị lấm
Chị hụp cho sâu
Kẻo về mẹ mắng!"
"Tấm nghe lời em, xuống ao tắm gội. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà. Lên bờ, thấy giỏ trống không, Tấm ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi, Tấm liền kể hết sự tình. Bụt bảo lấy con cá bống còn sót trong giỏ về nuôi dưới giếng, mỗi khi cho ăn thì gọi:
"Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người."
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta thấy đấy, truyện này có ba nhân vật đều là phái nữ, rất cô đơn nghèo khổ. Và một nhân vật thần bí là Bụt. Tôi xin kể tiếp trong khi anh Thái nhấp chén trà cho thấm giọng!
- Tấm về làm theo lời Bụt dạy. Từ ngày đó, mẹ Cám cứ thấy Tấm hay dành một bát cơm mang ra giếng sau khi ăn, liền sinh nghi sai Cám đi rình. Biết được sự thật, hôm sau mẹ Cám bảo Tấm đi chăn trâu nơi xa, ở nhà mẹ con Cám bắt cá bống của Tấm lên ăn. Về nhà thấy không còn cá bống, Tấm lại khóc. Bụt hiện lên, Tấm kể lại đầu đuôi. Bụt bảo lấy xương cá bống bỏ vào bốn cái lọ rồi đem chôn dưới bốn chân giường Tấm nằm. Tấm nghe lời Bụt dạy làm ngay.
- Ít lâu sau, nhà vua mở hội. Hai mẹ con Cám cũng đi dự. Tấm muốn đi dự hội nhưng bị mẹ Cám trộn một đấu gạo với một đấu thóc bắt ở nhà nhặt cho xong, vả lại không có quần áo đẹp để đi. Tấm buồn mà khóc. Bụt tiếp tục hiện lên giúp Tấm. Bụt gọi một đàn chim sẻ xuống nhặt thóc cho Tấm trong nháy mắt, rồi bảo Tấm đào bốn cái lọ ngày trước chôn ở dưới bốn chân giường lên. Tấm đào lên thì thấy bốn cái lọ chứa đầy quần áo đẹp, một đôi hài thêu kim tuyến óng ánh, lại có một con ngựa đầy đủ yên cương. Tấm thay quần áo rồi cưỡi ngựa đi. Lúc này, trông Tấm vô cùng xinh đẹp.
ĐQAThái: Như ông Nghĩa vừa kể thì một nhân vật phái nam khác xuất hiện, mà là nhà vua. Và lần thứ ba, Bụt lại giúp cho cô Tấm hiền lành kia thoát khỏi sự hành hạ của bà dì ghẻ và cô em ác độc. Thưa quý thính giả, kết quả thì ở hiền gặp lành, như ta có thể thấy trong đoạn sau đây:
"Lúc qua cầu, Tấm vô ý làm rơi mất một chiếc hài xuống nước. Một lát, đoàn hộ tống nhà vua đi dự hội nhặt được chiếc hài ấy. Vua ngắm chiếc hài rồi ra lệnh: "Hễ đàn bà con gái nào dự hội ướm vừa chiếc hài này thì vua sẽ cưới làm vợ." Ai cũng tranh nhau ướm thử nhưng không vừa. Mẹ con Cám cũng vậy. Đến lượt Tấm ướm thử thì vừa như in. Nhà vua cho đem kiệu rước Tấm về cung làm vợ mình trước con mắt hằn học của mẹ con Cám.
"Ngày giỗ cha, Tấm về ăn giỗ. Dì ghẻ bảo Tấm trèo cây cau, hái cau cúng cha. Đang khi Tấm ở trên ngọn cau thì ở dưới dì ghẻ lấy dao chặt cây làm Tấm té mà chết. Cám lấy quần áo Tấm mặc rồi vào cung thay Tấm. Tấm chết biến thành chim vàng anh cũng bay về cung. Thấy Cám giặt áo cho vua, chim bảo:
"Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao!"
Vua thấy chim hay bay theo mình, nhớ Tấm, liền bảo chim rằng:
"Vàng ảnh vàng anh
Có phải vợ anh
Chui vào tay áo."
Dứt lời, chim bay vào tay áo vua.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Như vậy, ta thấy ra một lẽ, là ông vua đầy quyền uy kia mới là sự giải thoái cho Tấm!
- Cũng như truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem của Tây phương và của khá nhiều dân tộc khác, truyện Tấm Cám cũng có tích lạ về chiếc hài bị rớt để nhà vua kén vợ. Nhưng ông vua này quả là một anh cả đụt và cù lần đến độ không nhận ra vợ mà lại lấy Cám trong khi vẫn nhớ vợ là cô Tấm! Sau đó, nhớ vợ thì chơi với con chim vàng anh! Ông vua này mà không lạ sao? Tôi xin kể tiếp về sự ngây ngô của ông vua:
"Từ đó, vua suốt ngày quấn quýt với chim vàng anh khiến Cám tức tối về mách mẹ. Mẹ Cám bảo Cám bắt chim đem cho mèo ăn, chôn lông chim ngoài vườn. Chẳng bao lâu nơi đó mọc lên một cây xoan đào, xum xuê tươi tốt. Vua thấy đẹp nên sai người mắc võng vào cây hóng mát. Mỗi khi nằm dưới bóng cây vua lại thấy hình ảnh Tấm hiện ra, nên rất quý cây. Cám được mẹ xui chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Lúc ngồi dệt vải, Cám nghe con ác trên khung cửi kêu:
"Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra."
"Nghe lời mẹ chỉ, Cám đốt khung cửi rồi đổ tro bên đường xa cung vua. Từ đống tro ấy mọc lên một cây thị, chỉ có duy nhất một trái to vàng. Một bà bán hàng nước đi qua thấy trái thị liền nói:
"Thị ơi thị rụng bị bà,
Bà để bà ngửi chứ bà không ăn."
Tức thì quả thị rụng ngay vào bị, bà lão đem về nhà.
ĐQAThái: Nghĩa là đến đây ta thấy ra mấy lần cô Tấm này hóa thân, nào là con chim vành anh, nào là cây xoan đào, thành khung cửi hay quả thị, và dù dưới hình dạng nào thì cũng được vua yêu. Sau cùng thì cô Tấm lại trở về hình dạng cũ với bà cụ bán hàng nước như sau đây:
"Từ đó, ngày nào đi chợ về bà cụ cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm nước sẵn sàng. Ngạc nhiên, một hôm bà lão giả vờ đi chợ rồi quay lại rình xem. Bà thấy một cô gái xinh đẹp từ quả thị bước ra, nấu cơm, sửa soạn nhà cửa. Bà vội chạy vào nhặt cái vỏ thị, xé vụn. Từ đó hai người sống với nhau như mẹ con.
"Một hôm, nhà vua đi ngang ghé hàng nước của bà. Bà lão rót nước mời vua ăn trầu. Thấy miếng trầu têm cánh phượng giống hệt trầu Tấm têm cho vua ngày xưa, nhà vua mới hỏi bà lão ai đã têm trầu. Bà lão gọi Tấm ra. Vua nhận ra vợ mình, đón Tấm trở về cung. Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo thì chết tức khắc. Nghe tin Cám chết, dì ghẻ cũng uất lên mà chết theo con.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta thấy đấy, cô Tấm sau cùng cũng có đòn độc là khuyên Cám tắm nước sôi thì da sẽ trắng, và quả nhiên là nàng Cám độc ác này bị luộc. Và bà dì ghẻ cũng uất lên mà chết. Thật ra, còn nhiều bản viết về cái chết của Cám và mẹ Cám hơi khác như sau:
"Sau khi Cám chết thì Tấm đem xác Cám làm mắm bỏ vào chĩnh gửi về cho dì ghẻ, nói là quà của Cám gửi cho mẹ ăn. Mẹ cám tưởng thật lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng: "Ngon ngỏn ngòn ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng." Mẹ Cám giận lắm, vác sào đuổi quạ đi. Nhưng đến ngày mắm ăn gần hết, nhìn vào chĩnh thấy đầu lâu của con, mẹ Cám lăn đùng ra chết.
ĐQAThái: Nếu nhớ lại như vậy thì quả là truyện Tấm Cám này đâu có hiền! Lại kết thúc bằng chuyện bà mẹ ăn thịt người con nữa chứ! Ông kết luận như thế nào về truyện này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là thảm kịch của đứa trẻ trong truyện và cả đứa trẻ nghe truyện khi có sự đổ vỡ trong gia đình là mẹ chết rồi bố chết và phải sống với dì ghẻ. Truyện cổ tích nào cũng có thể nêu ra bài toán nhân sinh ấy để trí óc non nớt của trẻ em tiếp cận với bi kịch của đời sống thật, được trình bày ngắn gọn và đơn giản, hầu từ đó phải phấn đấu.
- Nhưng bi kịch của đời sống thật không chỉ là sự côi cút có thể xảy ra, mà còn là sự chung đụng thường nhật của cái thiện với cái ác. Tính chất đạo đức trong ngụ ngôn có thể thấy từ đó, khiến chúng ta cứ kể hoài truyện này, có khi với thiện ý là để đứa trẻ giải quyết bài toán là phải vượt qua cái ác mà tìm đến cái thiện.
- Nhưng, và đây là đặc tính của ta, toàn truyện toát sự nghèo nàn của đời sống vật chất khi ba mẹ con ở nhà quê phải bắt tôm tép sống qua ngày. Không gian trong truyện là làng quê nghèo khốn. Khi Tấm lấy vua, vào trong cung ăn trắng mặc trơn hay sơn hào hải vị như truyện cổ tích của nhiều xứ khác thì ta không có. Một kết luận nhỏ ở đây là nước ta quá sức nghèo và trí tưởng tượng về sự giàu sang của nơi lầu son gác tía thật ra cũng có hạn. Điều này rất đáng buồn!
- Chưa kể ông vua, người đàn ông có khả năng giải thoát lại là một kẻ hơi vô tâm! Toàn câu truyện là sự vô dụng của đàn ông trong một thế giới toàn phụ nữ là Tấm, Cám, bà dì ghẻ, bà lão bán nước! Vì sao như vậy, có lẽ mình cũng nên suy ngẫm.
- Một kết luận khác có ý nghĩa tâm linh hơn là kinh tế chính trị, đó là cô Tấm này chỉ biết khấn Bụt, tức là chỉ trông cậy vào sức mạnh thần linh. Cái tốt của Tấm không cảm hóa được bà dì ghẻ và cô em cùng cha khác mẹ của cô mà chỉ thoát khỏi nghịch cảnh là nhờ người khác. Phải chăng, ngay trong tiềm thức, chúng ta đã có tính thụ động và ỷ lại?
ĐQAThái: Nhưng rồi cuối cùng thì Tấm cũng có cử chỉ chủ động, để trả thù, đó là khuyên Cám dội nước sôi mà chết và lấy xác Cám làm mắm đưa về cho bà dì ghẻ thì hành động ấy quả là hơi ác, có lẽ ông nghĩ đến đó mà nói về cái ác trong chúng ta xuyên qua truyện Tấm Cám?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đúng thế! Tôi còn ngờ là ngụ ngôn trong truyện là cái đẹp có thể làm ta chết được! Đó là khi Cám muốn có làn da trắng đẹp mà tự dội nước sôi!
- Thật ra, bao truyện cổ tích Đông Tây đều nói đến nhu cầu làm đẹp là chuyện thường tình của con người. Nàng Bạch Tuyết trong văn hoá Đức cũng vì ham làm đẹp mà mang họa ba lần vì bà Hoàng hậu. Nhưng sự độc hại là tính tự mê và còn muốn đẹp hơn người khác là ngụ ngôn của truyện Bạch Tuyết, với bà Hoàng hậu dì ghẻ cứ thích hỏi gương xem ta có là người đẹp nhất chưa, và lại còn đòi giết Bạch Tuyết để ăn thịt hầu cũng được đẹp như nàng. Truyện của ta thì ác liệt hơn vì chính là Tấm đã mất tánh thiện của mình để dùng chính nhu cầu làm đẹp mà hại Cám.
- Và sau đó còn tìm tới căn nguyên là bà dì ghẻ mà cho ăn thịt của con gái được đem làm mắm. Phải rất lâu thì mắm mới ngấu, suốt thời gian đó, Tấm nghĩ sao khi đã có chồng là vua và không còn sợ bị cạnh tranh hay mất chốn nương tựa an toàn nữa? Vì thế mà tôi cho rằng ta nên từ những truyện vu vơ đó phân tách tâm lý của tập thể, có khi rút tỉa được nhiều bài học bất ngờ!
- Thí dụ mà ai cũng có thể nghĩ tới là giờ này, ở tại Mỹ ta có còn muốn kể truyện Tấm Cám cho trẻ em ở nhà không? Và nếu kể thì nên trả lời ra sao khi chúng hỏi lại vì đối chiếu với truyện cổ tích Âu-Mỹ mà chúng tiếp nhận được? Một câu chúng có thể hỏi là "đàn ông Việt Nam sao kỳ vậy?" "Hoàng tử của lòng em" mà ngơ ngác như thế a? Tôi không chủ trương là phải cấm không được kể lại truyện cổ tích vì mình đãi lọc theo lăng kính hiện đại, nhưng cũng nên đọc lại và giải thích khi kể cho con cháu mình nghe. Rồi cũng nhân đó mà thấy ra cái nghiệp của mình!