Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Kẻ Sĩ - Trời Ơi!

"Vào cuộc trần ai".... Cửa vào phòng hút - thuốc phiện! -- "Danh là công, hầu, khanh, đại phu"
-Kẻ Sĩ Giữa Danh và Lợi
Đinh Quang Anh Thái & Nguyễn Xuân Nghĩa - Giờ Giải Ảo 100214

Phải có danh gì với núi sông?   ĐQAThái: Quý thính giả đang theo dõi mục "Giờ Giải Ảo" với ông Nguyễn Xuân Nghĩa trên làn sóng 1190AM, trên mạng lưới điện toán toàn cầu kxmx.com và trang nhà của nhật báo Người Việt. Tối nay, ngày 14 Tháng Hai năm 2010 là mùng ba Tết Canh Dần, chúng tôi là Đinh Quang Anh Thái cầu mong là quý vị đã hưởng một cái Tết thật vui và an toàn trước khi chúng ta lại trở về với đời sống thường nhật của một năm mới. Xin kính chào ông Nghĩa.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Xin gửi lời chào, lời chúc và... vài câu rao vặt.... không tính tiền! 

- Trước hết là về cuốn sử thứ hai của sử gia Lê Mạnh Hùng, sau cuốn thứ nhất "Nhìn Lại Sử Việt - Từ Tiền Sử tới Tự Chủ". Cùng với Tạ Chí Đại Trường, Trần Gia Phụng, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng là sử gia rất đáng chú ý và xin đề nghị quý thính giả là không nên bỏ xót một tác phẩm nghiên cứu nào của ba tác già này vì chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ những khám phá của họ mặc dù không nhất thiết là phải đồng ý với từng luận giải.

- Kế tiếp là về một buổi Hội thảo đánh dấu 35 năm sau biến cố 1975 sẽ được Hội Ái hữu Người Việt Quốc gia cùng các thân hữu và mạnh thường quân tổ chức tại Rose Center của thành phố Westminster vào ngày 28 tháng Tư tới đây. Bốn diễn giả Hoa Kỳ được mời đến thuyết trình cho là người am hiểu cuộc chiến Việt Nam và chính trường Hoa Kỳ từ nhiều góc cạnh khác nhau.

- Đó là, thứ nhất nhà bình luận Sol Sanders, một nhà báo lão thành đã đến Việt Nam từ những năm 1950-1951 và theo dõi cuộc chiến từ những ngày đầu tiên. Ông là chuyên gia kinh tế và chính trị về Á châu, Việt Nam, Nhật Bản và Nam Hàn, bằng hữu thâm niên của nhiều nhân vật Việt Nam nổi tiếng từ sau Thế Chiến II cho tới năm 1975, và hiện đang cộng tác với nhật báo The Washington Times tại miền Đông.

- Người thứ hai là Giáo sư Robert Turner của Đại học Virginia, đã từng tham chiến tại Việt Nam, thăm viếng các nước Lào và Cao Miên, trước khi là chuyên gia về Việt Nam và Đông Dương, là tác giả của hơn một chục cuốn sách trong đó có nhiều cuốn nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam và Cộng sản Việt Nam. Ông hiện là giáo sư tại Đại học Virginia, và trường Võ bị Hải quân Hoa Kỳ.

- Nhân vật thứ ba là Giáo sư Mark Moyar về An ninh Quốc gia và đang giảng dạy tại trường Đại học Thủy quân Lục chiến. Các cựu chiến binh Việt Nam đều có thể biết ông là tác giả của nhiều cuốn sách phê phán việc Hoa Kỳ bỏ lỡ chiến thắng tại Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Harvard và Cambridge, Giáo sư Moyar đã nghiên cứu về chiến dịch Phượng Hoàng, về hình thái chiến tranh chống nổi loạn và chống khủng bố từ chiến trường Việt Nam đến Iraq.

- Nhân vật thứ tư là Giáo sư Andrew Wiest, chuyên gia về Thế chiến Thứ nhất và chiến tranh Việt Nam. Ông đã là giáo sư thỉnh giảng tại trường Võ bị Hoàng gia và trường Võ bị Sandhurst của Anh, cùng trường Võ bị Không quân Hoa Kỳ. Ông được chúng ta nhớ đến là tác giả của cuốn "Quân đội bị bỏ quên tại Việt Nam" xuất bản năm 2007 khi nhắc tới sự chiến đấu dũng cảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

- Nhân vật thứ năm được mời tham dự và có thể điều hợp phần thảo luận của các diễn giả Hoa Kỳ là cựu Đại sứ Bùi Diễm, một người mà có lẽ chúng ta khỏi cần giới thiệu là người am hiểu về nước Mỹ và hiện đang là Chủ tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng.

- Vì vậy, xin quý thính giả ghi vào cuốn lịch của mình là sáng Thứ Tư 28 Tháng Tư 2010, có Hội thảo Quốc tế tại Rose Center về bốn đề tài sau đây: 1), "Vì sao Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam?"; 2) "Đánh giá lại Đệ nhất Cộng Hoà và Tổng thống Diệm"; 3) "Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã phải chiến đấu ra sao?"; và 4), "Hậu quả của việc Hoa Kỳ bỏ rơi Đông Dương."

Thái: Xin cám ơn ông Nghĩa đã thông báo rất sớm một buổi sinh hoạt bổ ích này. Xin hỏi ngay là ông có tham gia vào việc tổ chức cuộc hội thảo quốc tế ấy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhân dịp kỷ niệm 35 năm biến cố 1975, cộng đồng người Việt khắp nơi tất nhiên có nhiều sinh hoạt vừa vinh danh miền Nam tự do, vừa chào mừng sự thành công của người Việt tỵ nạn và vừa tìm hiểu về những yếu tố thắng bại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Bản thân tôi có hợp tác với một số thân hữu trong việc tổ chức những sinh hoạt đó và sẽ lần lượt thông báo sau khi chúng ta ăn Tết xong. 

- Các buổi sinh hoạt này có thể giúp chúng ta giải ảo được nhiều chuyện quá khứ và cả tương lai, nên tôi thiển nghĩ là dù có bận đến mấy thì chúng ta, nhất là giới trẻ, rất nên chuẩn bị ghi danh tham dự... Hãy tưởng tượng là vào năm 2015 này nếu mình kỷ niệm 40 năm sau biến cố 1975 thì có bao nhiêu người trong cuộc vẫn còn lại để nói về những sự kiện ấy cho giới trẻ và các thế hệ nối tiếp sau này?

Thái: Quả là ngay sau Tết chúng ta đã bận việc khác và cần nhìn lại quá khứ của chính mình trong khung cảnh đầy hiểm nguy của Việt Nam. 

Bây giờ, thưa ông, chúng ta xin trở lại tiết mục mà thính giả trông đợi là Giờ Giải Ảo... Trong kỳ trước, ông có nêu một nghịch lý về điều gọi là "tam giáo đồng nguyên"... là chuyện ông cho là không có vì Nho giáo đã dần dần trở thành hệ tư tưởng thống trị có nội dung dèm pha bài bác Phật giáo và Lão giáo khiến xứ sở không tiến được. Hiện tượng ấy bắt đầu từ khi nào, và vì sao như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta phải bắt đầu từ Trung Quốc trước. Sau khoảng 330 năm của thời Xuân Thu, từ năm 722 đến 481 trước Tây lịch, là thời Chiến Quốc, kéo dài từ đó cho đến đời Tần Thủy Hoảng Đế vào năm 221 trước Tây lịch. Trong 260 năm của thời Chiến Quốc, các tư tưởng và học phái Trung Quốc phát triển rất mạnh mà người ta gọi là "Bách gia Chư tử", tức là họ có một xã hội dù loạn lạc thì cũng thực sự "đa nguyên" như ta gọi ngày nay. Thành phần bình dân mà có hiểu biết để quảng bá cho người khác thì cũng được đắc dụng. Nhưng đến thời Tần Thủy Hoàng Đế thì hiện tượng đa nguyên hay "trăm nhà đua tiếng" ấy đã chấm dứt.

- Là kẻ áo vải gốc bình dân, Hán Cao Tổ Lưu Bang đã nối tiếp nhà Tần trong chiều hướng đó. Nhưng quyết liệt nhất là từ thời Hán Vũ Đế, từ năm 140 trước Tây lịch, với vai trò của Đổng Trọng Thư, là người lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống, và thực tế là độc tôn. Thời ấy cũng trùng với thời kỳ nước ta bị Bắc thuộc, từ chế độ phụ dung bị trôi vào chế độ trực trị hà khắc.

Thái: Vì sao từ hiện tượng "Bách gia chư tử" mà thiên hạ lại quy về một mối duy nhất như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hán Vũ Đế sùng chuộng Nho giáo là một lý do, rất nhỏ. Lý do chính là nhà Hán muốn tập trung quyền lực để củng cố vương quyền và loại bỏ mọi mầm cạnh tranh. Bên trong, nhà Hán áp dụng kỹ thuật và thủ đoạn của phái Pháp gia, nhưng lồng bên ngoài một lý tưởng giả tạo về chế độ cai trị bằng nhân đức của Nho gia. Họ gọi đó là "dương Nho âm Pháp" Nôm na là hệ thống hóa thủ thuật "trong bá ngoài vương", bên trong là thi hành thủ đoạn bá đạo và dùng hình pháp rất nghiệt ngã mà bên ngoài thì cứ nói điều vương đạo. Mục đích chỉ là để củng cố chế độ chuyên chính. Nhưng vì sao lại chọn Nho gia mà không chọn các phái khác?

- Vì so sánh thì Nho gia có trí nhớ! Họ thông hiểu điển tịch của các chế độ cũ rồi khéo lý tưởng hoá chế độ mới bằng chữ nhân, chữ đức, và thực tế bằng các biện pháp điển chế cụ thể mà các phái khác không có, hoặc không thể trình bày cho rõ ràng liền lạc và nhất là có lợi cho hoàng đế. Kết quả là các Vương quyền đời sau đều thấy Nho gia có ích nên tiếp tục dùng Nho giáo ức chế các dòng tư tưởng khác. Các Nho gia trở thành tầng lớp giúp triều đình tồn tại nên cũng là tầng lớp bảo vệ chế độ độc quyền tư tưởng.

Thái: Đó là chuyện bên Tầu, chứ còn bên ta thì sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bên ta thì cũng có hiện tượng tương tự. Ban đầu, khi trôi vào ngàn năm Bắc thuộc, xã hội nước ta cũng có hiện tượng đa nguyên về tư tưởng, gồm có những tín ngưỡng về thần linh, những học thuyết tiếp nhận từ Ấn Độ, từ Phật giáo, Lão giáo, thậm chí từ các sắc tộc ở địa phương, từ Lâm Ấp tới Chân Lạp, Chiêm Thành. Chính là tinh thần đa văn hoá ấy mới xây dựng được điều ta gọi là bản sắc riêng hay cái "Việt tính" của mình mà khỏi bị Hán tộc đồng hóa.

- Nhưng, sau khi giành lại được nền tự chủ và để xây dựng nền độc lập cho đất nước, các triều vua cũng dần dần củng cố chế độ cai trị tập trung và thấy Nho giáo là tư tưởng và một hệ thống những biện pháp có ích cho sự tồn tại của chế độ.

- Khi nhà Lý giành lại quyền tự chủ thì còn ảnh hưởng rất mạnh của Phật giáo, Lão giáo và cả văn hoá lẫn nghệ thuật Chiêm Thành. Nhưng sự xuất hiện của các Nho thần đã dần dần củng cố ảnh hưởng Nho giáo. Trong buổi giao thời kéo dài nhiều thế kỷ thì các Nho thần áp dụng giải pháp mà ngày nay ta có thể gọi là "chính phủ liên hiệp ba thành phần", gọi đó là "tam giáo đồng nguyên". Trong thực chất thì Nho giáo lấn át dần hai thành phần kia và tiêu diệt mọi ảnh hưởng văn hoá còn lại của Ấn Độ và Chiêm Thành qua hệ thống giáo dục và cách chép sử làm gương. Đến đời Lê thì Nho giáo trở thành thống trị. Nhờ sự thống trị ấy mà vương quyền được củng cố, bảo vệ, nhưng cũng vì sự thống trị ấy mà xã hội hết tiến hoá và lụn bại dần.

- Động lực tiềm ẩn bên dưới, từ đời này qua đời khác là chế độ khoa cử. Là cách đào tạo ra một tầng lớp ưu tú chỉ biết sống, suy nghĩ và hành động sao cho có lợi nhất cho hoàng đế và triều đình. Kẻ sĩ như một mẫu mực cho xã hội là một ấn bản địa phương của mẫu mực Trung Hoa vì khi đi thi để được tuyển ra làm quan thì chỉ học theo khuôn mẫu của Thánh hiền phương Bắc và coi các tư tưởng khác là dị đoan lạc hậu, các thành phần xã hội khác là man di mọi rợ hoặc tiểu nhân thấp kém....

Thái: Ông nói tới đó thì có lẽ ai ai trong chúng ta cũng nhớ tới bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ mà học trò trung học đều phải thuộc... dù có nhiều câu chữ Hán hơi khó hiểu.

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên. 
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu Hán, vốn sĩ này là quí....

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một tai nạn của chúng ta! Và lỗi rất nặng là của từ bộ Giáo dục tới các giáo viên của miền Nam trong các năm 1954-1975. Tôi không nói về miền Bắc là nơi có nền giáo dục nô lệ từ trên xuống mà nói về miền Nam là nơi đã có tự do và độc lập.

- Sau khi phải học chữ quốc ngữ và tự xoá mất ký ức tập thể từ chữ Nôm và Hán, lại ở vào thời chưa có độc lập vì ách thuộc địa Pháp, cuốn sách có ảnh hưởng nhất cho giáo dục cấp trung học là cuốn "Việt Nam Văn học sử yếu" do cụ Dương Quảng Hàm biên soạn khi ách thực dân vẫn còn. Vì vậy, cuốn này mặc nhiên loại bỏ nhiều tác phẩm văn học chống Pháp rất có giá trị về cả tư tưởng và nghệ thuật, thí dụ như thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, v.v... mà vẫn cứ được sử dụng làm cẩm nang chính cho việc giảng dạy thời độc lập.

- Các thầy thời ấy còn đầy tánh khoa trương của nếp văn hoá bị Hán hóa với những tên rất kêu cho một chương trình dù sao mới chỉ là cấp trung học như "Văn học Phân tích Toàn thư", hay "Việt Nam Văn học Toàn thư"... Rốt cuộc thì khi học trò đi thi vẫn cứ nhai lại việc so sánh Nguyễn Công Trứ với Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến với Trần Tế Xương, v.v... Câu hỏi ít ai nêu lên để học trò tìm hiểu và suy ngẫm là chế độ khoa cử thời xưa, là những điều trần về nhu cầu cải cách của Nguyễn Trường Tộ hay Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tư Giản, hoặc quan niệm về danh và lợi của kẻ sĩ? Chúng ta mặc nhiên tiếp tục hiện tượng "tự Hán hóa" khi không chịu giải thích vì sao mà vào giữa thế kỷ 19, ngay trước khi Pháp tấn công Đà Nẵng, mà một nhân vật ưu tú lỗi lạc như Nguyễn Công Trứ lại có thể ca:

Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, 
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn. 
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

- Có hiểu ra ý nghĩa chữ Hán, học trò cũng không hiểu vì sao lại có chuyện ông Lã Vọng nào đó câu cá ở sông Vị hay nhân vật Y Doãn nào đó cày ruộng ở đất Sằn để chờ thời bước ra làm quan cho vua Thành Thang, vua Chu Văn Vương vào đời Thượng cổ bên Tầu!...

Thái: Ông vừa nêu một câu hỏi rất đáng chú ý là quan niệm về danh và lợi của kẻ sĩ. Chúng tôi lại nhớ tới một câu thơ khác của Nguyễn Công Trứ: "Đã mang tiếng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông." Cái danh ấy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khổng nho chia xã hội ra hai đẳng cấp, ưu tú ở trên là "quân tử" thì chỉ nói về danh, còn kẻ thấp kém là "tiểu nhân" ở dưới mới nói đến lợi. 

- Một Nho thần và sử gia đã làm đến Tể tướng nhà Tống, cùng thời với nhà Lý của nước ta, là Tư Mã Quang, đã viết trong bộ sử "Tư trị thông giám" xuất hiện năm 1084 về chữ danh đó như sau: "Danh là công, hầu, khanh, đại phu". Nôm na là ra làm quan thì mới thành danh! Đã thành danh rồi thì lợi sẽ có ở rất nhiều khía cạnh, kể cả một ngươi làm quan cả họ được nhờ. Cứ như thời nay vào đảng vậy! Nếu đấy là một lý tưởng của thành phần ưu tú thì ta dễ gặp hiện tượng kẻ sĩ là sinh vật dễ uốn gối trước triều đình. Không phải ai ai đi học, đi thi và ra làm quan đều như vậy, nhưng đa số dễ bị rơi vào cái vòng danh lợi ấy vì suy diễn đơn giản là trung với vua tức là hiếu với dân, nhưng chữ trung đó là do nhà vua và triều đình độc quyền đưa ra định nghĩa.

- Một thí dụ điển hình là triều Tự Đức đã bác bỏ những đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ hay Nguyễn Lộ Trạch. Tới khi Pháp bắt đầu tấn công nước ta thì trong một khoa thi năm 1868, đề thi bài Văn sách là "quân xâm lăng nay càng gây hấn, vậy nên đánh hay hòa?" Nhiều sĩ tử đã viết trong bài là nên đánh. Tự Đức châu phê bằng son đỏ trên một bài như sau: "Nay đòi đánh, mai đòi đánh, đánh mà thua thì rồi đặt trẫm ở nơi nao?

- Ông vua này chỉ lo cho cái ngai và năm đó ai đề nghị phải đánh đều hết hy vọng đỗ tiến sĩ! Vì vua hủ bại và ích kỷ như vậy mà khi triều đình đầu hàng thì nhiều kẻ sĩ khác đã cưỡng mệnh vua mà đi vào cuộc kháng Pháp. Vậy mà trong hạ bán thế kỷ 20, học trò của chúng ta ít được biết về thơ văn của các nhà nho anh hùng ấy, mà cứ láp nháp về cái nợ công danh và tang bồng hồ thỉ của Nguyễn Công Trứ!

- Dù sao và để nói cho công bằng thì thời đó, người không muốn hợp tác với chế độ thực dân vẫn còn đất sống, như Chu Văn An vào đời Lê. Chứ thời nay, hễ cứ lên tiếng về chuyện Trung Quốc đang muốn xâm lăng nước ta thì đã bị cầm tù và ra toà về tội có âm mưu lật đổ chế độ! Và chế độ ấy đàn áp các công thần thời kháng Pháp còn tệ hơn mọi thời đại cứ gọi là phong kiến xa xưa khi họ không đồng ý với tư tưởng cộng sản độc tôn. Thành ra kẻ sĩ hay sĩ phu Bắc hà như ta hay nói về thời xưa thì thời nay đang là sinh vật tuyệt chủng! Trong lịch sử, chưa khi nào triều đình lại xử tệ với thần dân như chế độ Hà Nội hiện nay, hãy cứ nghiệm lại mà coi... Lớp trẻ của chúng ta mà không hiểu ra điều ấy thì xứ sở sẽ không có tương lai.



_______


Xin cảm tạ quý thính giả đã cẩn thận ghi âm và còn ưu ái chuyển thành văn và gửi lại những chương trình phát thanh đáng lẽ đã "tan theo ngày nằng vội".... Sẽ tiếp tục yết lại những bài đã tìm ra trong loạt "Giải Ảo" này. NXN 
- -Kẻ Sĩ - Trời Ơi!
Nguyễn Xuân Nghĩa & Đinh Quang Anh Thái - Giờ Giải Ảo 20100221 

 Danh và Lợi với Kẻ Sĩ
 ĐQAThái: Quý thính giả đang theo dõi mục "Giờ Giải Ảo" với ông Nguyễn Xuân Nghĩa trên làn sóng 1190AM , trên hai mạng lưới điện toán toàn cầu kxmx.com và trang nhà của nhật báo Người Việt. Xin kính chào ông Nghĩa. Trong kỳ trước, chúng ta có nói đến hiện tượng Khổng Nho độc tôn trong nền văn hoá và chính trị của nước ta vì ảnh hưởng của tinh thần Bắc thuộc tự nguyện của tầng lớp ưu tú ở trên. Sau đó, ông có nhắc đến bài Kẻ Sĩ của cụ Nguyễn Công Trứ và vai trò kẻ sĩ trong chữ danh và lợi. Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này ta tiếp tục mạn đàm về chuyện đó. Sĩ là gì, thưa ông?


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chữ Sĩ như ta hay nói là một từ Hán Việt nhưng thật ra có hai cách viết. Tôi không nói đến một cách thứ ba là "chờ đợi" vì nó không liên hệ gì đến nội dung mình đang tìm hiểu ở đây.

- Cách thứ nhất gồm một nét ngang dài ở trên, một nét ngang ngắn ở dưới, ở giữa là một nét dọc kéo từ trên xuống tới nét ngang ở dưới. Chữ sĩ này có nghĩa là một người có học đi thi và đã đỗ từ Tú tài trở lên. Nó cũng có nghĩa là một trong bốn đẳng cấp của xã hội gồm có sĩ, nông, công, thương, hay một quân giai trong quân đội, một người có nghề chuyên môn như bác sĩ, v.v... Đây là chữ dùng phổ biến nhất và cũng là chữ sĩ trong bài hát nói của Nguyễn Công Trứ.

- Cách viết thứ hai gồm có chữ "Sĩ" đó, nhưng bên trái có chữ "nhân", viết đứng; người biết chữ Hán thì gọi là "thuộc bộ Nhân đứng". 

- Nó có hai nghĩa là, thứ nhất, một công chức trong hệ thống chính quyền ngày xưa, ta cứ nôm na gọi là "quan". Nghĩa là có học rồi, nhưng phải ra làm quan thì "sĩ" này mới thành "sĩ" kia! Nghĩa thứ hai thì lý thú hơn, đó là hai quân cờ trong nội cung trên một bàn cờ tướng. Và Hồ Xuân Hương là người rất đáo để trong bài "Đánh Cờ Người" khi bà viết rằng "Thiếp thấy bí thiếp đành ghểnh sĩ!" Phải là người có tài và nhất là cái tài nhìn thấu ruột gan kẻ sĩ mới gẩy các quan này vào một vị trí rất gợi hình như vậy!

ĐQAThái: Ông cũng là người đáo để khi chọn ngay thí dụ ấy để nói về cái nghĩa thứ hai trong bàn cờ gồm có tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt! Nói nôm na thì phải đi học, đi thi, và thi đỗ rồi ra làm quan thì sĩ có học mới thành sĩ có quyền?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Và con đường ra làm quan ấy có đầy vinh nhục khiến cho một người tích cực như Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ mà còn phải than: "Ra trường danh lợi, vinh liền nhục - Vào cuộc trần ai, khóc trước cười" trong bài "Con đường làm quan" của ông. Tôi xin đọc lại ở đây:

Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi
Ðổi thay mắt đã thấy ba đời
Ra trường danh lợi, vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai, khóc trước cười
Chuyện cũ trải qua đà chán mắt
Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi
Ðã hay đường cái thời ra thế
Sạch nợ tang bồng mới kể ngươi.

- Trước hết, qua bài thơ Luật này ta thấy hai câu "luận" là "Ra trường danh lợi, vinh liền nhục - Vào cuộc trần ai, khóc trước cười" có xuất hiện trong vở chèo cổ "Lưu Bình Dương Lễ" khi Lưu Bình đói khổ đi xin ăn tại nhà bạn cũ đã thi đỗ và ra làm quan là Dương Lễ và bị đám gia nhân giữ cửa ra câu đối xem có đúng là nhà nho không. Từ đó mình có thể đoán rằng vở chèo này xuất hiện hoặc ít ra được cải tiến là sau thời đại Nguyễn Công Trứ, khoảng giữa thế kỷ 19. Nhưng đây chỉ là chuyện vặt.

- Chuyện chính mà tôi xin nói và còn nhắc lại hoài là một thí dụ điển hình của việc thi cử vào thời đất nước đang bị thực dân Pháp đe dọa. Triều Tự Đức đã bác bỏ nhiều đề nghị canh tân của các bậc sĩ đại phu sáng suốt như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ hay Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tư Giản, Bùi Viện. Tới khi Pháp bắt đầu tấn công nước ta thì trong một khoa thi năm 1868, đề thi bài Văn sách là "quân xâm lăng nay càng gây hấn, vậy nên đánh hay hòa?" Nhiều sĩ tử đã viết trong bài luận văn về chính trị và lịch sử này là nên đánh. Tự Đức châu phê bằng son đỏ trên một bài như sau: "Nay đòi đánh, mai đòi đánh, đánh mà thua thì rồi đặt trẫm ở nơi nao?" Ông vua này chỉ lo cho cái ngai và năm đó ai đề nghị đánh đều hết hy vọng đỗ tiến sĩ!

- Vì vua hủ bại và ích kỷ như vậy mà khi triều đình đầu hàng thì nhiều kẻ sĩ khác đã cưỡng mệnh vua mà đi vào cuộc kháng Pháp. Vậy mà trong hạ bán thế kỷ 20, học trò của chúng ta ít được biết về thơ văn của các nhà nho anh hùng ấy, lại cứ láp nháp về cái nợ công danh và tang bồng hồ thỉ của Nguyễn Công Trứ! Dù sao và để nói cho công bằng thì thời đó, người không muốn hợp tác với chế độ thực dân vẫn còn đất sống, như Chu Văn An vào đời Lê và nhiều vị đại nho đời Nguyễn như cụ Tam nguyên Yên Đổ là Nguyễn Khuyến. Đó là hai lẽ xuất và xử của kẻ sĩ.

ĐQAThái: Ông vừa nói đến hai lẽ xuất và xử, chuyện ấy có nghĩa là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nó là hai cách chọn lựa muôn đời của những kẻ có học đã thi đỗ mà do dự giữa lý tưởng phục vụ là ra làm quan, đó là "xuất". Rồi thấy ghê tởm về những chuyện giành giựt chính trị hay quyền lợi đỉnh chung nơi quan trường mà lui về lý tưởng hưởng nhàn, có thể treo ấn từ quan về dạy học, hoặc làm người ẩn sĩ. Đó là "xử".

- Thời càng loạn thì ẩn sĩ càng nhiều. Chỉ cần nói ra một quan điểm không phải đạo hoặc bị đồng liêu đồng viện vu oan giá họa là có khi bị nọc ra đánh trước triều, rồi mất chức, bay đầu, thậm chí cả họ bị tru di. Người mà khinh danh lợi có thể là người không biết sợ cái nỗi bần hàn và ngục hình mà dám nói thẳng. Rồi buông hết. Sau cả một tuổi thanh xuân tự đầu tư vào việc học hành thi cử mà dám buông hết để ra đi thì quả là không dễ. Nhiều người thời nay mà khoa trương về "kẻ sĩ" thật ra có khi lại muốn tự coi mình là hiền sĩ và đành làm ẩn sĩ ồn ào!

ĐQAThái: Nói như vậy thì vào thời xưa, khi muốn làm ẩn sĩ, nhiều người dù từ bỏ mối lợi của quan trường mà vẫn muốn nổi danh nên ngang tàng làm thơ ca tụng sự thanh bần của mình. Đó có thể là trường hợp Cao Bá Quát.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ông này thuộc loại kiêu căng, khinh người và háo danh có hạng, chứ nếu đọc kỹ thơ văn chữ Hán thì tư tưởng cũng hủ lậu chẳng kém gì ai! Khi khởi đầu chương trình "Giờ Giải Ảo" này, chúng ta đã nhắc đến một bài biểu của Cao Bá Quát vào thời Thiệu Trị, trong đó ông cũng nêu ra những quan điểm tiêu biểu của lớp hủ nho chỉ biết ca tụng Thánh hiền của Trung Quốc, dèm pha khinh miệt các tư tưởng khác và đánh giá sai mối nguy của Tây phương. Cuối cùng thì tài hoa đó chỉ góp phần đi làm loạn, trong khi nhiều người bị kết án là làm loạn thật ra lại muốn đi làm cách mạng để xoá bỏ cái trật tự bất công và dị hợm của cả một triều đình. Và họ thật sự hy sinh thân mạng để cứu nước, đó là trường hợp của rất nhiều sĩ phu về sau, như Phan Đình Phùng, Nguyễn Cao, Bùi Hữu Huân, Trương Công Định. Đáng lẽ là người ta nên nhắc nhở và học hỏi nhiều hơn về những tấm gương sáng đó.

- Một thí dụ tai hại sau này mà thiên hạ nói tới nhưng chưa đủ, chính là nhân vật cứ được Tây phương hiểu lầm là "Nhà nho Nguyễn Ái Quốc", tức là Hồ Chí Minh. Ông này làm ra vẻ không thèm nghĩ đến lợi nhưng là kẻ đệ nhất háo danh khi viết sách ca tụng chính mình dưới một tên khác là Trần Dân Tiên. Nhưng thói tật ấy còn là nhỏ.

- Tội nặng chính là Hán hóa đất nước theo kiểu Thánh hiền Mao Trạch Đông và đưa nước ta đến tình trạng ngày nay. Thời nay, dưới triều đình xã hội chủ nghĩa Hà Nội, hễ cứ lên tiếng về chuyện Trung Quốc đang muốn xâm lăng nước ta thì đã bị cầm tù và ra toà về tội có âm mưu lật đổ chế độ thì các quan trong triều còn ai dám nói ngược khi ra trước Đại hội đảng! Trước đấy, chế độ ấy đàn áp các công thần thời kháng Pháp còn tệ hơn mọi thời đại cứ gọi là phong kiến xa xưa khi những người này không đồng ý với tư tưởng cộng sản độc tôn. Trường hợp Phan Khôi hay Nguyễn Hữu Đang hay Hoàng Minh Chính và rất nhiều người khác là những ví dụ. Thành ra kẻ sĩ hay sĩ phu Bắc hà như ta hay nói về thời xưa thì thời nay đang là sinh vật mà đảng cho tuyệt chủng! Ngẫm lại thì trong lịch sử, chưa khi nào triều đình lại xử tệ với thần dân như chế độ Hà Nội hiện nay, hãy nghiệm lại mà coi... Lớp trẻ của chúng ta mà không hiểu ra điều ấy thì xứ sở không có tương lai!

Tổng số lượt xem trang