“Việt Nam đã bắt đầu tụt hậu so với các nước trong khu vực về sức tiếp thu kỹ năng lao động” - Nhận định trên được đưa ra trong một dự án nghiên cứu về lao động việc làm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì.
Với nguồn nhân lực như vậy, Việt Nam có thể nào nói đến sự đắc dụng của thời cơ "dân số vàng" đang có để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?
Mặc dù tăng trưởng GDP rất cao trong thời gian qua, nhưng lực lượng lao động của Việt Nam lại có tay nghề thấp theo tiêu chuẩn quốc tế và chưa theo kịp với các nước láng giềng trong khu vực. Tại sao đang từ một nước luôn tự hào về thế mạnh của nguồn lực lao động vừa giỏi, vừa rẻ trong khu vực, nay nguồn lực này lại trở thành một trong những nguyên nhân có khả năng kìm hãm phát triển?
Ngủ quên trên những "huyền thoại"
Chúng ta có một lực lượng lao động dồi dào và đang phát triển: mỗi năm, có khoảng một triệu người mới gia nhập lực lượng lao động nhưng trình độ kỹ năng trung bình lại thấp và tăng một cách chậm chạp. Gần một nửa lực lượng lao động của Việt Nam không có tay nghề (trình độ giáo dục tiểu học hoặc không có bằng cấp nào). Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, có 18,9% dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc trung, và chỉ có 5,4% dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc cao. Tỷ lệ dân số có trình độ giáo dục bậc trung và bậc cao của Việt Nam đều thấp hơn so với các nước Đông Nam Á khác.
Nghiên cứu gần đây của Goujon và Samir - thuộc Viện nhân khẩu học Vienna - về "Quá khứ và tương lai của nguồn nhân lực tại Đông Nam Á 1970-2030" dự báo số năm đến trường của nhiều nền kinh tế châu Á đến năm 2020 và những năm sau đó. Dựa trên cơ sở các xu thế nhân khẩu học và tỷ lệ đến trường, số năm đến trường bình quân của lực lượng lao động Việt Nam (trong độ tuổi từ 20-64) vào năm 2010 là 7,6 năm học, đến năm 2020 chỉ tăng lên 7,8. Theo những dự báo này, đến năm 2020, số năm đến trường trung bình của lực lượng lao động Việt Nam sẽ thấp hơn Malaysia năm năm, thấp hơn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác 2-2,5 năm.
Mặt khác, chúng ta đã biết rằng mức năng suất lao động là thước đo quan trọng đối với sự thịnh vượng về phát triển theo tiêu chuẩn khu vực kinh tế. Thế nhưng năng suất lao động ở Việt Nam rất thấp.
"Tự ru nhau" trên những con số
Số tiền Nhà nước và xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo - dạy nghề (GD-ĐT-DN) nói chung đã tăng khá trong những năm sau này. Từ 15.609 tỉ đồng năm 2001, đến năm 2011 đã lên tới 145.120 tỉ đồng. Cùng thời gian này, số học sinh phổ thông giảm mạnh, sinh viên khối đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, chất lượng lại là một "ẩn số" còn nhiều tranh cãi. Chính điều này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã phải đặt ra vấn đề hiệu quả của đầu tư cho giáo dục tới đâu.
Năng suất lao động thực bình quân qua các thập niên (USD theo giá năm 2000) |
Cụ thể là hầu hết các doanh nghiệp FDI không đánh giá cao chất lượng của các chương trình dạy nghề của chúng ta hiện nay. Họ thường cho rằng hầu như không thu được lợi ích gì trong việc tuyển dụng những người đã tốt nghiệp chương trình dạy nghề trong việc cải tiến hoạt động của nhà máy. Đó là chưa kể họ phải đào tạo lại những lao động này sau khi tuyển dụng vì kỹ năng và kiến thức thấp hơn nhiều so với yêu cầu. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 44% các doanh nghiệp FDI phải tổ chức các khóa đào tạo lại cho lao động của mình và 25% học viên tốt nghiệp chương trình dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề và kiến thức. Nhiều doanh nghiệp cho rằng thậm chí họ còn thích tuyển dụng người lao động mới để đào tạo từ đầu hơn là tuyển những học viên tốt nghiệp các chương trình dạy nghề.
Trông người mà ngẫm đến ta
Việt Nam đi sau các nước khu vực về phát triển kinh tế là một bất lợi trong cuộc chạy đua về tăng trưởng, nhưng xem ra điều này lại giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ hội quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ các nước láng giềng.
Các nền kinh tế công nghiệp mới (NIE) gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan được miêu tả là "những con hổ châu Á có đầu rồng" do đã áp dụng những chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực tương tự nhau để đạt được ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Được biết, đến những năm 1980, phần lớn các nền kinh tế NIE đã đạt đến mức toàn dụng nhân công, tình trạng thiếu lao động bắt đầu hiện rõ. Trước tình hình này, họ chuyển trọng tâm chính sách từ giải quyết thất nghiệp và lao động khiếm dụng sang các vấn đề về khan hiếm lao động, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động có kỹ năng cao để phát triển một nền kinh tế sử dụng nhiều vốn và công nghệ. Đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động về mặt số lượng, NIE tăng tỷ lệ gia nhập lực lượng lao động (bằng cách sử dụng phụ nữ và những người lao động lớn tuổi) và khuyến khích lao động nước ngoài. Giải quyết tình trạng lao động thiếu kỹ năng, NIE đưa ra hàng loạt chính sách để nâng cấp các chương trình đào tạo nghề đang có và xây dựng các chương trình mới. Cuối cùng, họ đã thành công.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công của NIE là mức đầu tư lớn vào nguồn nhân lực ở giai đoạn đầu, thậm chí đi trước nhu cầu sử dụng. Điều này cho phép các nền kinh tế ấy tránh được những "điểm dừng đột ngột" trong tăng trưởng, thay vào đó tạo điều kiện cho sự chuyển đổi trôi chảy từ các ngành dựa nhiều vào lao động sang các ngành dựa nhiều vào kỹ năng. Thái Lan là một ví dụ. Trong những năm 1990, Thái Lan đã buộc phải thay đổi chính sách và tăng cường chi cho giáo dục, chỉ sau khi nhận thấy rõ sự thiếu hụt nghiêm trọng về lao động có tay nghề, chính là nguyên nhân tạo "điểm dừng đột ngột" trong tăng trưởng kinh tế của nước này giai đoạn 1990.
Việt Nam học được gì qua bước đi của các nước bạn trong khu vực, để xây dựng cho mình một lực lượng lao động đủ sức đáp ứng sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới? Nhóm nghiên cứu dự án "Lao động và tiếp cận việc làm" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UNDP tại Việt Nam chủ trì đã đưa ra hai khuyến cáo lớn:
Một là, thông qua các chính sách hướng tới giải quyết lao động dư thừa. Cụ thể là khuyến khích các ngành thâm dụng lao động, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động/hộ gia đình tự tạo việc làm và khu vực phi chính thức. Điều cơ bản nhằm tạo việc làm là phải đảm bảo rằng những lao động có tiềm năng dịch chuyển và tranh thủ được các cơ hội tại các ngành nghề và địa điểm khác nhau nhờ thông tin xuyên suốt.
Hai là, cam kết đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để tạo ra nguồn cung lao động có kỹ năng trước khi có nhu cầu, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và công nghệ thâm dụng lao động.
Để thực hiện các chiến lược này, Việt Nam phải duy trì năm đặc điểm từng giúp các nền kinh tế NIE và các quốc gia khác thành công ở Đông Nam Á. Có thể nói ngắn gọn, đó là: tăng việc làm phải toàn diện, đầu tư vào nguồn nhân lực phải đúng lúc và công bằng, dịch chuyển lao động phải linh hoạt, những phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp phải được loại bỏ và kết cấu hạ tầng đô thị phải đầy đủ.
Cuối cùng, điều quan trọng cần nhấn mạnh là nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, khuyến khích dịch chuyển lao động và nâng cao tay nghề là quá lớn nếu chỉ trông cậy vào các cơ quan chính phủ, hoặc chính phủ nói chung. Các chính sách phát triển phải được điều phối giữa các cơ quan chính phủ nếu muốn các chính sách về lao động theo ngành có hiệu lực. Còn trách nhiệm đẩy mạnh dịch chuyển lao động, bao gồm cả nâng cao tay nghề, phải được chia sẻ với những người sử dụng lao động, nghĩa là khu vực tư nhân, đại diện cho cầu của thị trường. Chỉ bằng cách hợp tác như vậy, chúng ta mới hy vọng có thể tăng việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động với chi phí hiệu quả nhất.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần