Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Chính trị tàu chiến hay là Binh pháp Tôn Tử (Lê Phan)

Phản hồi mới khiến ttngbt nhớ tới bài này, từ người lạ, nước lạ... bây giờ thành người quen, liên tục xuất hiện, thương lái TQ cạnh tranh với thương lái VN, thương lái TQ đi khắp hang cùng ngõ hẻm... chiêu "Bất chiến tự nhiên thành" sao ..???
-Chính trị tàu chiến hay là Binh pháp Tôn Tử (Lê Phan)
“Gunboat diplomacy” tức chính trị tàu chiến là một danh từ đã được gán cho chính sách ngoại giao của Lord Palmerston, bộ trưởng ngoại giao, khi đế quốc Anh của Nữ Hoàng Victoria đang chế ngự thế giới. Tôn Tử Binh Pháp là tác phẩm nổi tiếng của chiến lược gia thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sách lược của Tôn Tử cho đến ngày nay vẫn còn được các quân đội trên thế giới nghiên cứu học hỏi, song song với cuốn sách nổi tiếng của Clausewitz. Trong các bài bình luận nhân vụ đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại biển Ðông, nhiều nhà bình luận đã viện đến những chiến lược này để giải thích tình hình.
Lord Palmerston là bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng Anh trong thế kỷ thứ 19 khi đế quốc Anh đang ở giai đoạn hùng mạnh nhất. Là một nhà hùng biện nổi tiếng, Lord Palmerston đã có những lời nhận xét về ngoại giao mà cho đến nay vẫn thường được nhắc đến. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông, một lời cố vấn ông đưa ra khi Nữ Hoàng Victoria hỏi ông là “Anh Quốc có bạn không?” Ông đã trả lời nữ hoàng là “Anh Quốc không có bạn vĩnh viễn chỉ có quyền lợi vĩnh viễn”. Ngày nay, câu này đã nhiều lần được nhắc tới khi quyền lợi vi phạm những nguyên tắc hay hứa hẹn của một cường quốc. Ðã có nhiều người Việt quốc gia ngậm ngùi nghĩ rằng “Hoa Kỳ không có bạn vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn”.
Lord Palmerston, trong nhiều lần làm ngoại trưởng dưới nhiều chính phủ Tự do, đã đưa ra một chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh của Hải quân Anh trong giai đoạn mà “Britania” chế ngự biển cả. Ngày nay, trong chính trị quốc tế, Gunboat diplomacy được dùng để chỉ việc theo đuổi mục tiêu của chính sách ngoại giao với sự trợ giúp của một sự phô trương vũ lực quân sự áp đảo, nhiều khi ngầm ý, nhưng cũng có khi là một đe dọa chiến tranh nếu mục tiêu không đạt được bằng cách khác.
Nhưng đối với Lord Palmerston chính sách này quả thật là chính sách “ngoại giao tàu chiến”, bởi đây là thời đại mà gunboat là sức mạnh lớn nhất của khả năng quân sự, chẳng khác gì vũ khí hạch nhân của thời nay cả. Nổi tiếng nhất trong các vụ mà Lord Palmerston đã dùng đến gunboat là vụ Don Pacifico hồi năm 1850. Lord Palmerston đã gửi một tiểu hạm đội của hải quân Hoàng gia đến bao vây và phong tỏa hải cảng Piraeus của Hy Lạp để phản đối việc chính phủ Hoàng gia Hy Lạp đã gây thiệt hại cho một thần dân Anh gốc Do Thái cũng như việc chính phủ của Quốc Vương Otto không chịu bồi thường cho ông Pacifico. Trước sự phô trương lực lượng của Anh, chính phủ Hy Lạp đành chịu thua và kể từ đó Gunboat Diplomacy ra đời.
Ở một khía cạnh nào đó, hành động của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Ðông cũng là một hình thức Gunboat Diplomacy. Khi Bắc Kinh gửi năm chiếc tàu đến bao vây và sách nhiễu chiếc tàu không vũ trang USNS Impeccable của hải quân Hoa Kỳ, Bắc Kinh cũng muốn nhắn gửi là vùng đặc quyền khai thác kinh tế (Exclusive Economic Zone-EEZ) mà họ nhận là của họ là bất khả xâm phạm kể cả với Hải Quân Hoa Kỳ. Và khi Tổng Thống Barack Obama cho gửi Khu Trục Hạm USS Chung-Hoon, vũ trang hỏa lôi và hỏa tiễn đạn đạo, thì đây cũng là một hình thức cảnh cáo Trung Quốc là Hoa Kỳ không chấp nhận lý lẽ của Bắc Kinh. Rồi khi Bắc Kinh gửi lại chiếc Ngư Chính 311, một loại tàu mà Bắc Kinh nói là để “tuần tra ngư trường” đến vùng biển này thì lại là một hình thức tái xác định những gì họ đã làm và tiếp tục từ chối quyền hoạt động của hải quân Hoa Kỳ trong vùng EEZ của họ.
Nhưng một chiến lược gia Hoa Kỳ, Hải Quân Trung Tá James Kraska, giáo sư về luật Quốc Tế tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, thì lại nói là điều Trung Quốc đang làm không phải là theo Gunboat Diplomacy mà là theo sách lược của Tôn Tử. Ông Kraska trích dẫn Thiên Mưu công của Tôn tử Binh pháp viết “Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt. Cho nên thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế đó là thắng địch bằng ngoại giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là tấn công thành trì.” Và theo ông, chiến lược của Bắc Kinh chính là muốn áp dụng sách lược nào vào việc chế ngự Biển Ðông.
Mặc dầu khả năng của hải quân Trung Quốc trên biển cả vẫn còn rất yếu tuy đang ngày càng mạnh lên, Bắc Kinh đã cố tình và thận trọng đưa ra một biện luận luật pháp để khiến cho sự hiện diện tiền phương của Hải quân Hoa Kỳ trong vùng mất chính nghĩa. Hành động nguy hiểm và táo bạo của năm tàu Trung Quốc nhằm phá hoại một sứ vụ thăm dò 75 hải lý cách bờ biển đảo Hải Nam là một thí dụ điển hình cho sách lược này. Vụ mà họ cố tình tạo ra này đã đưa ra một diễn dịch khác thường nhưng rất hữu hiệu về Luật Biển.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, hiến chương về biển, công nhận quyền hoạt động quân sự rất rõ và giới hạn vào khu vực hải phận thật sự là 12 hải lý. Trong khu vực này, phi cơ ngoại quốc không có quyền bay qua nếu không được sự chấp thuận của nước chủ nhà, nhưng tàu bè ngoại quốc có quyền đi qua trong điều kiện “innocent passage” (tức là hành vi của họ không làm hại đến an ninh hay trật tự của quốc gia chủ nhà). Công ước cũng công nhận vùng đặc quyền EEZ đến 200 hải lý. Theo công ước, các quốc gia khác, không ký kết công ước, có quyền đi lại và bay qua cũng như đặt cáp ngầm, đường ống, và các “sử dụng theo luật biển liên quan đến các quyền tự do này.” Bắc Kinh nay muốn đổi căn bản của Luật Biển trong một diễn dịch rất dễ đưa đến chiến tranh.
Qua việc đánh lận con đen, đem luật áp dụng cho hải phận vào vùng EEZ, Bắc Kinh, và một số quốc gia khác, nhưng chỉ có Bắc Kinh, dám tìm cách áp đặt diễn dịch này ngay với cả hải quân Hoa Kỳ. Dựa trên điều 58 của luật Biển cho phép quyền tự do trên biển cả trong vùng EEZ, được chi tiết hóa ở điều 86-115. Như vậy có nghĩa là cộng đồng quốc tế có quyền hoạt động trong các EEZ như biển cả khi mà những hoạt động này không can thiệp vào các quyền lợi kinh tế và tài nguyên của các quốc gia duyên hải. Bắc Kinh lý luận là vì điều 88 bảo đảm biển cả “cho mục tiêu hòa bình” và điều 58 áp dụng cho EEZ, thành ra họ bảo là trong vùng EEZ của họ, quốc tế phải bảo đảm là hoạt động “hòa bình.” Nhưng hòa bình theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ấn định là “tự chế không dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực”, còn hòa bình theo Bắc Kinh có nghĩa là không được cả đến dọ thám hay nghiên cứu.
Hơn thế, Bắc Kinh còn đặt một vùng EEZ trong biển Ðông từ các hòn đảo, bãi đá ngầm của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật Biển, các hòn đảo không thể có người ở không có quyền có vùng EEZ, và các bãi đá ngầm không được có cả đến hải phận 12 hải lý. Nhưng Bắc Kinh đã vẽ một vùng EEZ dựa trên các hòn đảo, bãi đá ngầm của hai quần đảo hiện đang tranh chấp chủ quyền này bao gồm đến 80% biển Ðông. Cái “lưỡi bò” này đang đe dọa vùng biển vốn là một hải lộ lớn của thế giới và là con đường dầu thô từ Trung Ðông sang Nhật Bản và các quốc gia Bắc Á.
Và đó chính là lý do tại sao Hoa Kỳ không thể chấp nhận lý luận của Bắc Kinh, nhường bước rút tàu Impeccable trở về không tiếp tục dọ thám đáy biển Ðông nữa. Bởi nếu chấp nhận điều đó là chấp nhận sự thay đổi luật chơi của Bắc Kinh và Bắc Kinh đã thành công trong việc “bất chiến tự nhiên thành”. Nếu cần thì Gunboat Diplomacy của Hoa Kỳ phải thắng Tôn Tử Binh pháp của Bắc Kinh.
Lê Phan
---------------
NGƯỜI MỸ VÀ TÔN TỬ BINH PHÁP
Tạ Ðức Trí

Hoa Kỳ được thế giới biết đến là một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa. Chính sự đa dạng này đã tạo cho người Mỹ nhiều cơ hội tìm tòi nét tinh hoa của những dân tộc khác để từ đó phát triển Hoa Kỳ một cách đa dạng về ba mặt mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Binh Pháp Tôn Tử, bộ binh thư về chiến lược và nghệ thuật dùng binh trong chiến tranh cách đây hơn 2,500 năm vẫn mang giá trị đối với người Mỹ ở một số phương diện, điển hình là trong các cuộc chiến và vấn đề kinh doanh.
Tôn Tử Binh Pháp (Sun Tsu's The Art Of War) là bộ sách chiến lược nói về nghệ thuật đánh trận và thuật cầm quân do binh pháp gia Tôn Tử biên soạn vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (từ năm 722 đến năm 480 trước công nguyên). Tôn Tử là người gốc nước Tề, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh giặc giã nên tâm trí ông thường bị ảnh hưởng khá nặng về hình ảnh các cuộc chiến. Do đó, ông thường quan sát từng cuộc chiến và ghi lại những kinh nghiệm thấy được để tạo thành một bộ binh pháp. Với tài năng binh pháp kiệt xuất, ông từng giữ chức quân sư và đại nguyên soái cho vua Ngô Hạp Lư và lập đại công đem ba vạn binh Ngô phá tan 20 vạn binh Sở, và làm cho nước Tề phải khiếp sợ trong thời bấy giờ. Binh pháp Tôn Tử được chia ra 13 chương gồm: kế sách, tác chiến, mưu công, quân hình, binh thế, hư thực, quân tranh, cửu biến, hành quân, địa hình, cửu địa, hỏa công và dụng gián.
Một trong những điểm chính trong Binh Pháp Tôn Tử là phương cách chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt và theo ông kế thượng sách trong một cuộc chiến tranh là "bất chiến tự nhiên thành", có nghĩa là không đánh mà vẫn lấy được thành hay không đánh mà vẫn thu phục được cả nước địch. Tôn Tử cho rằng "bách chiến bách thắng" mà ông từng đề cập trong chương ba của bộ binh pháp vẫn chưa phải là sự thành công hoàn hảo trong một cuộc chiến, mà phải thắng đối thủ, chiếm thành trì mà không cần phải hao tổn đến binh mã thì mới là một sự chiến thắng trọn vẹn. Do đó, Tôn Tử cho rằng nếu có thể đi sâu vào để biết được đường lối ngoại giao của quân địch thì sẽ tránh được một cuộc giao tranh.
Ngày nay, việc ngoại giao, tạo ảnh hưởng về mặt kinh tế, văn hóa, chính trị hay tôn giáo của nước này lên nước kia chính là áp dụng kế thượng sách "bất chiến tự nhiên thành" của Tôn Tử. Ðiển hình là Hoa Kỳ đã thường xuyên dùng kinh tế và văn hóa Mỹ để gây ảnh hưởng lên các nước khác, và đã khá thành công tại một số quốc gia thuộc Á Châu Thái Bình Dương. Lý do mà Hoa Kỳ cần phải mở rộng sức gây ảnh hưởng mạnh tại Á Châu là vì tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự tại đây đã trở thành mối đe dọa cho Hoa Kỳ trong hơn hai thập niên qua. Từ đó cho thấy nghệ thuật ngoại giao giữa các nước là mấu chốt để tạo hay giảm một cuộc chiến tranh.
Binh pháp Tôn Tử được giảng dạy trong các trường võ bị tại Hoa Kỳ và thường được ứng dụng trong nhiều cuộc chiến gần đây, điển hình là cuộc chiến Vùng Vịnh vào năm 1991. Năm yếu tố căn bản trong binh pháp Tôn Tử được Hoa Kỳ sử dụng là: chính trị, thời tiết, địa hình, tổ chức nhân sự và cách hành quân. Sự nghiên cứu về thời tiết và địa hình của vùng sa mạc giúp cho Hoa Kỳ ấn định được cách hành quân thích hợp cũng như thiết kế các loại quân cụ và vũ khí sao cho có hiệu quả nhất. Về mặt chính trị, Hoa Kỳ cũng hiểu rõ là việc thiết lập càng sớm càng tốt một thể chế chính trị tại địa phương là điều kiện tiên yếu trong việc mang hòa bình đến cho một quốc gia đang có chiến tranh.
Trong hai lần đánh Iraq, Hoa Kỳ đều dùng chiến thuật thả bom (dùng hỏa công) phá hủy hết các giàn radar, làm tê liệt các căn cứ quân sự trọng yếu của Iraq đồng thời giảm thiểu số nhân mạng binh sĩ Hoa Kỳ. Ðiều này được ghi rõ trong binh pháp Tôn Tử: "Theo phép dụng binh, khi gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi thì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút, tránh giao tranh với địch."
Một điểm mạnh khác của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến là việc sử dụng tình báo mà trong chương cuối cùng của binh pháp Tôn Tử đã có ghi rõ, từ các loại gián điệp đến cách dùng người sao cho hiệu quả nhất. Binh pháp Tôn Tử thể hiện khá rõ trong nghệ thuật phản gián, lấy tin tình báo, và cài gián điệp của Hoa Kỳ để đoán được các quyết định chiến lược của địch quân trong các cuộc chiến. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn dùng nghệ thuật đưa tin giả gây rối loạn địch quân cũng như sử dụng những phương tiện trên bề nổi, như truyền thông hay hệ thống internet, để đưa tín hiệu hành động cho các gián điệp, và nghệ thuật này cũng được Tôn Tử đề cập đến trong binh pháp của ông.
Tuy các nhà quân sự Hoa Kỳ có nghiên cứu về binh pháp Tôn Tử nhưng vẫn còn chưa áp dụng hết những điều tinh túy ghi trong bộ sách này. Trong cuộc chiến Iraq, việc nghiên cứu về cá tánh, ngôn ngữ và lối sống của dân chúng Iraq là yếu tố cần được chú trọng. Sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về con người, tín ngưỡng, ngôn ngữ, cách suy nghĩ của người Iraq và các nhóm khủng bố khiến cho cuộc chiến tại Iraq kéo dài và không có giải pháp thỏa đáng. Mặt khác, tuy hệ thống tình báo của Hoa Kỳ có phương tiện tối tân chụp ảnh bằng vệ tinh để thấy rõ hết các điểm trọng yếu của địch, nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa thành công trong việc cấy gián điệp vào các tổ chức khủng bố. Do đó, Hoa Kỳ có thể thắng trong các cuộc chiến bằng những cuộc thả bom thần tốc, nhưng vẫn chưa thắng được cuộc chiến tranh tâm lý. Từ đó có thể hiểu rằng Tôn Tử đã nhìn thấy được lòng dân là quan trọng trong các cuộc chiến. Quân đội theo kế sách của Tôn Tử có thể hiện diện ở khắp mọi nơi mà quân địch không thể nhìn thấy, đó chính là sự ủng hộ của người dân.
Binh Pháp Tôn Tử càng ngày càng được nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Người Mỹ hiểu và cố gắng áp dụng những nét tinh túy của bộ binh pháp không chỉ trong khía cạnh quân sự, mà ngay cả các công ty thương mại lớn của Hoa Kỳ cũng nghiên cứu bộ binh pháp quí giá này nhằm áp dụng vào thị thường cạnh tranh khá khốc liệt. Nhiều người Hoa Kỳ tìm hiểu Tôn Tử binh pháp để áp dụng vào cuộc sống, như trong cách cư xử hàng ngày, vấn đề đầu tư, hay tăng tiến sự nghiệp. Binh Pháp Tôn Tử do đó vẫn mang giá trị trong một xã hội hiện đại và phát triển như tại Hoa Kỳ.

Tổng số lượt xem trang