Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Con ơi, bố đây!

Người cha thợ mỏ L.Đ.C. Ảnh: Lê Thanh Ngân
 SGTT.VN - Một ngày cuối năm 2008, Lê Thị Th., con gái ông L.Đ.C, phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đột ngột mất tích khi em đang học lớp 12, chuẩn bị ôn thi đại học. Người cha thợ mỏ đã cải trang lúc thành người ăn mày, lúc thành người thu mua phế liệu len lỏi khắp các khu chợ, nhà trọ vùng biên giới Quảng Ninh để tìm con...
Vụ mất tích ba năm về trước



“Đó là hôm công ty than D., nơi tôi làm việc, tổ chức hội diễn nghệ thuật. Sáng đó, trước khi đi học thêm, con gái tôi còn ghé tai nói: “Hôm nay con nhất định ra xem công ty bố hội diễn”. Cháu đi học thêm hôm nào cũng khoảng 8 giờ kém 15 tối là về đến nhà, nhưng hôm đó 9 giờ cũng không thấy con đâu, tôi chạy ra nơi tổ chức văn nghệ tìm, cũng không thấy. Linh tính mách bảo điều chẳng lành đang ập xuống gia đình tôi”, ông C. nhớ lại.
Nghĩ con gái gặp tai nạn giao thông, ông C. bắt đầu tìm kiếm trên đoạn đường từ chân đèo Bụt xuống tận cầu Bảy. Không thấy. Ông lần tìm vào hai bệnh viện hỏi thăm. Cũng không thấy. Quay về thì trời gần sáng, ông làm đơn báo công an, mặt khác thông báo cho người trong họ. Hai cậu con trai cũng từ Hà Nội về. Có tới 22 người chia nhau làm hai hướng một lên Hà Nội, một bay vào TP.HCM tìm suốt một tuần, vẫn bặt vô âm tín. Linh tính người cha mách bảo ông, Th. vẫn còn sống và chỉ ở ngoài Quảng Ninh, rất có thể là vùng biên. Nhận định như thế, ông bắt xe ra Móng Cái. Trước khi đi ông chuẩn bị một bao tải rách, bẩn ở ngoài còn bao sạch để trong. Đặt chân đến nơi, ông cải trang thành ăn mày, lúc lại thành người thu mua phế liệu, có lúc trong vai dân có tiền len lỏi vào khắp các khu chợ, khu nhà trọ, điểm vui chơi vùng biên giới Quảng Ninh tìm con. Cứ thế đến đêm thứ mười thì ông ốm nặng, nằm bẹp luôn dưới gốc cây. Hôm sau hết sốt ông lại tiếp tục hành trình. Ngày thứ 12, ông ra chợ Bốn ăn cơm, lấy sức bắt xe về lại Cẩm Phả. Chủ quán vừa mang cơm ra thì một phụ nữ trạc 40 tuổi bước vào. Như thói quen, ông lấy trong bao tải ra tấm ảnh của Th. nhờ chị ta xem. Người phụ nữ xem ảnh rất kỹ, quay sang nhìn ông hồi lâu, rồi bỏ đi. Nghi ngờ người này giấu điều gì đó, ông C. lần theo. Vừa gặp lại ông, bà ta cất lời: “Tôi biết con ông ở đâu, nhưng ông phải cho tôi 8 triệu đồng và giao tiền tại một gốc cây gần khu chợ Bốn”.
Ngày 12.11.2008, khi Th. trên đường đi học về cùng các bạn thì H.V.D., anh rể đằng ngoại, rủ đi ăn kem. Thấy Th. nhất quyết không đi vì muốn về sớm để xem văn nghệ ở công ty bố, D. giằng xe đạp của Th. đem đi gửi, rồi kéo Th. lên xe máy. Lòng vòng qua mấy cửa hàng quần áo, D. chở Th. thẳng vào nhà nghỉ, rồi cưỡng hiếp em. Đến sáng, cho dù Th. hết lời van xin, D. lại đèo em ra Móng Cái, thuê một căn phòng rồi giam giữ em ở đó. Ngày 29.3.2010, toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên H.V.D. phạm tội hiếp dâm, xử phạt bảy năm tù và buộc bồi thường gia đình nạn nhân 30 triệu đồng.
Sau khi đưa tiền, ông được cho biết con gái đang bị nhốt trong một căn phòng trọ gần chợ Bốn. Trong vai người thu mua đồng nát, ông lân la vào khu trọ. Phòng thứ nhất không thấy, phòng thứ hai cũng không, phòng cuối cùng khoá cửa ngoài: “Đưa mắt qua khe cửa, tôi suýt hét lên khi thấy con mình bị giam lỏng trong đó. Tôi giật cửa đằng trước, cháu lao ra cửa sau, vừa chạy vừa khóc. Tôi vòng ra chạy theo, vừa chạy vừa hô: “Con ơi bố đây! Con ơi bố đây!”. Nhưng cháu không nhận ra nên cứ thế chạy thục mạng. Một mặt tôi hô, một mặt tôi vứt khẩu trang, kính, mũ. Cháu nhận ra tiếng tôi nên dừng lại, lao vào ôm chầm lấy tôi khóc nức nở”. Rồi hai bố con ông chạy qua đường, trèo lên taxi thẳng hướng Cẩm Phả. Ngồi trên xe, con gái ông nghẹn ngào cho biết, trong những ngày bị đưa ra Móng Cái, hàng đêm cô đều bị cưỡng hiếp. “Nghe đến đây, tôi rụng rời tay chân. Tôi ôm chặt cháu, vậy mà cháu vẫn run lên bần bật vì sợ”, ông C. xúc động.
Quên quá khứ đi con!
Câu chuyện đau lòng của Th. đã thật sự khép lại sau ngày kẻ thủ ác bị pháp luật trừng trị. Đến nay, Th. đã học hết năm thứ hai một đại học danh tiếng ở Hà Nội. “Cả gia đình thường xuyên động viên con những gì qua thì cố quên đi, nhưng tôi biết con gái mình khó mà quên được chuyện đau lòng đó...”, giọng ông C. lại nghèn nghẹn. Có lẽ cũng vì vậy mà mặc dù đồng ý cho chúng tôi ghi lại câu chuyện buồn đã qua nhưng ông C. tha thiết đừng đưa hình con gái ông lên báo.
Đi học xa nhưng dịp nghỉ hè, Th. luôn về thăm nhà. Hai vợ chồng ông C. hàng ngày đi làm, mọi việc ở nhà giao Th. quán xuyến. Khi nhắc đến đứa con gái đang quyết tâm vượt lên tất cả mọi khổ đau, mắt ông C. bừng sáng. “Vậy là cháu học hết năm thứ hai rồi. Mỗi khi con về nghỉ tết hay nghỉ hè tôi quan sát thấy cháu làm gì đó không thành là lại ngồi thừ ra. Lúc đó trông thương lắm nhưng phận làm cha tôi cũng chỉ biết khuyên con nên quên quá khứ mà hướng về phía trước”, ông C. tâm sự.
bài và ảnh: Lê Thanh Ngân
Nguồn-SGTT

Tổng số lượt xem trang