Bài 1: Sau vụ công nhân đình công bị xe cán
TP - Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 10-6, cả nước có 440 vụ công nhân nghỉ việc tập thể, đình công. Số cuộc đình công tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Nguyên nhân chính là do lương quá thấp.
Chị Nguyễn Thị Huệ, mang thai 7 tháng, bị xe bảo vệ Cty Giai Đức cán khi tham gia đình công đòi tăng lương, đang dưỡng thương tại nhà. |
Cách đây gần tháng, dư luận bàng hoàng khi bảo vệ Cty Giai Đức tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) đâm xe tải vào nhóm công nhân đình công, làm một người chết và 7 người bị thương. Nay tôi trở lại nơi này, mọi việc gần như không thay đổi. Những nạn nhân của vụ việc vẫn đang sống trong cảnh khốn cùng...
Một mạng người, đền 40 triệu đồng
Tôi tìm đến xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Liễu, người phụ nữ qua đời trong cuộc đình công ngày 23-6. Bước vào căn nhà 3 gian ọp ẹp rộng chừng 20m2, không khí tang thương vẫn bao trùm.
Bà Nguyễn Thị Thư, mẹ chồng nạn nhân, tâm sự: “Liễu chính là trụ cột của gia đình có 6 miệng ăn gồm bà nội, mẹ chồng, chồng, em chồng và 2 đứa con nhỏ. Phần lớn các thành viên trong gia đình không có khả năng lao động, người thì thần kinh điên dại. Khổ nhất là 2 đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, đứa lớp 1, đứa lớp 3. Mẹ thì đã mất, bố còn sống mà cũng như đã mất, rồi đây chúng sẽ lớn lên thế nào, gia đình chúng tôi chưa biết sẽ sống ra sao?”.
Về làm dâu nhà chồng được 8 năm thì 5 năm chị Liễu phục vụ bố chồng bị chất độc da cam nằm liệt ở nhà. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn khi chỉ trông vào 4 sào ruộng, nhiều lúc cơm không có ăn.
“Năm 2007, khi chồng tôi mất, gia đình khó khăn quá, bọn trẻ lại đến tuổi đi học nên Liễu bàn với gia đình đi làm công nhân để kiếm thêm. Chúng tôi vay mượn khắp nơi được 2,5 triệu đồng mua cho cháu cái xe máy Trung Quốc để tiện đi làm và chở con cái đi học. Số tiền đó bây giờ chúng tôi vẫn chưa trả được.
Lương công nhân của Liễu được 1.350.000 đồng/tháng, ngoài ra không có một khoản trợ cấp nào. Nó phải tăng ca liên tục đi từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm mới về đến nhà, chi tiêu tùng tiệm lắm thì cả gia đình mới không bị đói”, bà Thư kể.
Điều bà Thư lo lắng nhất lúc này là không biết gia đình sẽ xoay sở ra sao khi đã tiêu gần hết số tiền đền bù 40 triệu đồng của Cty Giai Đức cho việc lo đám ma và trả nợ.
“Từ lúc đưa thi thể Liễu về mai táng ở nhà, lãnh đạo Cty không một lần đến hỏi thăm. Lúc đầu họ hứa đền 400 triệu đồng để lo cho hai đứa nhỏ ăn học trưởng thành nhưng khi đám ma xong xuôi, chúng tôi lên hỏi thì họ phủi tay không nhận trách nhiệm, đổ dồn hết tội lên anh lái xe”, bà Thư nói.
Chị Nguyễn Thị Liễu, bị xe bảo vệ Cty Giai Đức cán chết, để lại 2 con thơ và người chồng bệnh tật. |
Lương vẫn bèo
Trong số 7 người bị thương tại Cty Giai Đức, chị Nguyễn Thu Huệ (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ) đang mang bầu 7 tháng bị gãy xương bả vai. Chị Huệ đã ra viện và về nhà bố mẹ ở.
Từ lúc chị Huệ nằm viện, Cty Giai Đức chỉ đưa 7 triệu đồng để trả viện phí, ngoài ra không hỗ trợ nào khác cho người bị hại, cũng không có chuyện hỏi han động viên.
Chị Huệ nói: “Bắt đầu vào làm trong Cty từ cuối năm 2010, thử việc 3 tháng với mức lương 1.040.000 đồng/tháng. Nhưng khi có bầu thì công ty bắt tôi viết cam kết không được hưởng chế độ thai sản của Bảo hiểm xã hội thì mới ký hợp đồng chính thức với mức lương 1.350.000 đồng/tháng”.
Theo chị Huệ, tại Cty, những người có bầu từ 7 - 8 tháng vẫn phải đi làm đúng giờ, không được đi muộn, về sớm. Khi tăng ca cũng không được nghỉ giải lao, mắc lỗi thì bị trừ điểm, cắt tiền thưởng, nghỉ làm dù xin phép hay không xin phép cũng bị trừ lương ngày nghỉ đó… “Biết là bị bóc lột nhưng vì không có việc gì làm nên đành cố gắng làm để kiếm miếng cơm”, chị Huệ nói.
Sau khi họp với Liên đoàn Lao động Hà Nội ngày 24-6, doanh nghiệp thống nhất tăng lương cơ bản lên 1.680.000đồng; mức ăn ca từ 10.000đồng/bữa lên 15.000đồng/bữa; tiền trợ cấp công nhân khu nhà trọ 200.000đồng/người/tháng và tiền đi lại 200.000đồng/người/tháng. Nhưng đến nay, mọi khoản tăng đó chỉ áp dụng cho công nhân có hợp đồng lao động dài hạn, còn ngắn hạn không được tăng như lãnh đạo Cty hứa.
Sẽ yêu cầu thực hiện lời hứa Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin từ phía công nhân liên quan đến việc không tăng lương cho công nhân thời vụ. Như vậy, doanh nghiệp đã cố ý làm trái với tinh thần cuộc họp với Liên đoàn Lao động Hà Nội. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng những gì họ tuyên bố. Phía gia đình nhà chị Liễu yêu cầu bồi thường là hoàn toàn chính đáng, nếu có biên bản hứa bồi thường giữa Cty với gia đình nạn nhân thì chúng tôi sẽ thay mặt gia đình nạn nhân đòi lại số tiền bồi thường như đã cam kết đó”. |
Ngọc Mai
-Nguồn: TP- Lương không đủ nuôi thân- Bài 2: Khó tuyển công nhân TP -Bài 2: Khó tuyển công nhân
TP - Do lương không đủ sống, nên gần đây lượng công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), bỏ việc nhiều. Ngay cả những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), ngày nào cũng thông báo tuyển lao động nhưng rất ít công nhân đến dự.
Trong khi công nhân đình công đòi tăng lương, doanh nghiệp căng biển tuyển công nhân mới (ảnh chụp tại KCN Quang Minh - Hà Nội). |
Ăn không đủ no
Bắt đầu giờ nghỉ trưa tại Cty TNHH đồ chơi Chee Wah Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), hàng trăm công nhân ùa ra cổng Cty mua đồ ăn.
Chị Kim Hoa - công nhân Cty Chee Wah cho biết, suất cơm cho công nhân trong Cty ăn không no, dù đủ ba món thịt, rau, canh nhưng thịt thì toàn mỡ, được ba miếng thái mỏng như lá lúa. Có hôm, thịt còn không làm sạch, còn nguyên cả lông. Với suất cơm như vậy, đến 3 giờ chiều là đói nên đa số công nhân phải mua thêm đồ ăn để có sức làm việc.
Theo chị Hoa, năm 2010 mỗi suất cơm công nhân là 7.000 đồng. Đầu năm 2011, hàng trăm công nhân tổ chức đình công, lãnh đạo Cty đồng ý nâng suất ăn lên 11.000 đồng. Nhưng sau một tuần, Cty lại hạ suất ăn xuống dưới 10.000 đồng, chất lượng bữa cơm còn chán hơn trước. Vì chuyện này mà công nhân không dám đình công nữa.
Hiện, mức lương công nhân tại Cty Chee wah là 1.550.000 đồng/tháng. Cty có tổ chức công đoàn nhưng chị Hoa và nhiều công nhân khác không tham gia vì chẳng được ích lợi gì. Chị Hoa chia sẻ, ngoài tiền lương, không có một khoản trợ cấp nào. Môi trường làm việc luôn căng thẳng. “Nếu chúng tôi làm sai việc gì, người quản lý chửi thẳng mặt với những lời lẽ thô tục. Đi vệ sinh quá 10 phút là bị phạt điểm. Nếu ai đó bị phạt 10 điểm, công ty sẵn sàng đuổi việc” - chị Hoa nói.
Chị Hoa cho biết thêm, vẫn biết là khắc nghiệt và khó khăn nhưng vì ở quê ruộng ít, làm không đủ ăn nên chị đành gửi con cho bố mẹ ở Phú Thọ xuống Hà Nội xin làm công nhân. “Lương thấp, giá cả mọi thứ đều tăng. Tiền thuê nhà mất 300.000 đồng/tháng nên phải chi tiêu tiết kiệm, thậm chí cuối tháng còn phải nhịn ăn để có tiền gửi về nuôi con” - chị Hoa tâm sự.
Theo chân một tốp công nhân KCN Phú Nghĩa về nhà trọ cách KCN 3 cây số khi tan ca lúc 6h30 tối. Lúc này, công nhân tranh thủ đi chợ cóc ven làng. Bà Thu Hà - người bán hàng trong làng Phú Nghĩa cho biết, bán hàng ở đây chủ yếu là rau, trứng, đồ ăn khô chứ thịt cá không ai mua vì không có tiền.
Vào một xóm trọ của công nhân đang làm cho Cty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức, chúng tôi thấy cả 10 phòng tuyệt nhiên không đâu có ti vi, sách báo, tủ quần áo… “Trước giá thuê nhà là 400.000 đồng, nay mới tăng lên 500.000 đồng. Để có tiền thuê phòng, bọn em phải ở 3 - 4 người. Lương tháng chỉ có 1.350.000 đồng mà trăm thứ phải tiêu. Nửa tháng nay chúng em chưa dám ăn một lạng thịt nào” - một công nhân tên Thu Hương nói.
Khó tuyển lao động
Những năm trước đây, chỉ những tháng ngoài Tết nguyên đán, các doanh nghiệp mới phải đăng tuyển lao động vì nhiều người về quê, bỏ việc luôn. Nhưng năm nay, thời điểm này, tại bảng thông báo của KCN Thăng Long (huyện Đông Anh), có tới hàng chục doanh nghiệp đăng thông tin tuyển lao động. Doanh nghiệp tuyển nhiều, tới cả ngàn, tuyển ít cũng hàng trăm.
Tuy nhiên, hàng ngày chỉ thấy lèo tèo vài lao động đến tìm hiểu thông tin. Cty TNHH Nissel Electric Hà Nội (100% vốn đầu tư Nhật Bản), chuyên sản xuất trục roller trong máy in, cáp quang dùng cho máy tính cá nhân và điện thoại di động cho biết, đang cần tuyển gấp 1.000 công nhân nữ, tuổi từ 18-28 với mức lương trung bình là 3,2 triệu đồng/tháng.
Cty Canon tuyển 500 lao động phổ thông nữ, tuổi từ 18-30, trình độ lớp 6 trở lên với mức lương 2,9 triệu đồng/tháng; Cty TNHH Molex Việt Nam (100% vốn đầu tư Mỹ), tuyển 100 công nhân nữ với thu nhập 2,7 triệu đồng/tháng; Cty Asahi Intere Hà Nội (100% vốn Nhật Bản) tuyển công nhân không giới hạn số lượng...
Tại KCN Quang Minh (huyện Mê Linh), Sài Đồng B và Hà Nội - Đài Tư (quận Long Biên) cũng có tới hàng chục doanh nghiệp FDI đăng tuyển hàng trăm lao động. Cty Nitori Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu đang cần tuyển gấp 400 công nhân nữ tuổi từ 18-27 tuổi, thu nhập trung bình từ 2,7-3,2 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền làm thêm giờ)...
Ban quản lý KCN và Khu chế xuất Hà Nội cho biết, sỡ dĩ các doanh nghiệp FDI đang lâm vào cảnh đói lao động là do mức lương quá thấp, không đảm bảo đời sống tối thiểu của công nhân.
Tuyển lao động thời vụ để trốn đóng bảo hiểm
Theo ông Ngô Chí Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý KCN và Khu Chế xuất Hà Nội, hiện có tới 257 doanh nghiệp FDI ở Hà Nội chỉ dừng lại ở việc chấp hành đúng khung bậc lương tối thiểu mà không hề có những mức lương đột phá để thu hút lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không có trợ cấp thâm niên khiến lao động bỏ việc, nhảy việc hoặc về quê tìm việc khác.
Ông Đỗ Tiến Đản - Trưởng Đại diện Ban quản lý tại các KCN (thuộc Ban quản lý KCN và Khu chế xuất Hà Nội), cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp FDI gia tăng tuyển lao động có thể do doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lao động hết hạn hợp đồng... nhưng có nguyên nhân sâu xa là nhiều doanh nghiệp FDI đang tuyển lao động thời vụ để lách luật.
Vì hợp đồng thời vụ nên doanh nghiệp có điều kiện để trốn đóng BHYT, BHTN và không thực hiện thang bảng lương theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lao động thường xuyên nhảy việc, bỏ việc, khiến doanh nghiệp phải liên tục tuyển lao động.
Phong Cầm - Ngọc Mai
-Xuất khẩu lao động: Câu chuyện nóng lạnh ở Nhật và VN (TVN) -Cùng với vấn đề dân số lão hóa, thảm họa động đất và sóng thần vừa qua đã khiến vấn đề thiếu hụt sức lao động của Nhật Bản trở nên trầm trọng hơn.