-Vàng trắng vẫn bán theo kiểu… cà rem
SGTT.VN - Khảo sát lại quy trình xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy vẫn theo phương thức cũ: tiểu ngạch, trước mắt đang đem lại lợi ích nhưng về lâu dài, có thể chứa đựng nhiều rủi ro mỗi khi phía Trung Quốc ngưng ăn hàng. Bên cạnh đó, quy trình mua bán này còn làm triệt tiêu động lực phát triển kỹ nghệ chế biến cao su.
Theo hiệp hội Cao su Việt Nam, vài năm gần đây, dù có nỗ lực tìm thị trường xuất khẩu mới nhưng Trung Quốc vẫn chiếm hơn 60% sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ cần 200 cây cao su là có thu nhập 500.000 đồng/ngày, an hưởng tuổi già khoẻ re. Còn có tiền nhiều hơn, bỏ ra chừng 10 tỉ đồng đầu tư có thể sở hữu nhà máy chế biến mủ cao su công suất 10 – 15 tấn/ngày”, ông Sang, chủ 5 mẫu cao su ở Chơn Thành, Bình Phước nói. Đến một số nhà máy chế biến mủ cao su tư nhân ở các huyện Chơn Thành, Bình Long (Bình Phước) dịp này, có thể thấy xuất khẩu “vàng trắng” sang Trung Quốc đang vào mùa.
Chỉ cần đầu tư sơ chế, không cần chất lượng
Nhà máy chế biến mủ cao su tư nhân B., ở Minh Hưng, Chơn Thành phải hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho một đối tác Trung Quốc. Ông P., chủ nhà máy nói rằng, mới vào mùa cạo, lượng mủ chưa nhiều nhưng vì nhu cầu xuất khẩu lớn nên phải tìm mua mủ cao su từ các vườn tiểu điền chung quanh về chế biến.
Gọi là nhà máy chế biến, song trên thực tế, chỉ là một dây chuyền chế biến đơn giản, với hơn 10 tỉ đồng cho mua sắm, lắp đặt thiết bị cách nay sáu mùa cạo mủ. Từng can nhựa mủ tươi được công nhân đổ vào bể chứa rộng khoảng 20m2, sau đó đưa vào máy đánh đông. Dung dịch làm đông mủ tươi sau tám giờ đồng hồ là axít acetic. Từng khối mủ được chuyển vào máy đánh kéo sợi, tạo tờ và đưa lên lò hơi hấp chín ở 1180C ra thành phẩm dạng mủ khối xuất khẩu. Thường các công ty đóng mỗi thùng 30 khối nặng vừa đủ 1 tấn cho dễ chuyên chở.
Ngoài nhà máy B., khu vực xã Minh Hưng, Chơn Thành còn hàng chục dây chuyền chế biến mủ cao su của tư nhân cũng có quy mô nhỏ, gọn và đơn giản. Tuỳ theo công suất lớn hay nhỏ, vốn đầu tư một nhà máy chế biến dao động từ 3 cho tới 10 tỉ đồng. Do thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc nên từ khâu chọn lọc nguyên liệu không có áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn nào. “Nghĩa là các nhà máy tư nhân sẽ mua cả mủ tốt lẫn mủ tạp chứ không lựa chọn như các công ty lớn rồi đưa về đổ lẫn lộn vào bể chứa”, ông M., chủ một nhà máy giải thích.
Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 782.000 tấn mủ cao su sang các thị trường khác nhau, thu về 2,3 tỉ USD, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 59,46% tổng kim ngạch. Kim ngạch nhập khẩu năm 2010 các sản phẩm từ cao su là 309,62 triệu USD, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 70,71 triệu USD, tăng 23,65% so với năm 2009. Sau khi mua mủ thô của Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc về chế biến ra sản phẩm đế giày, dép, trang thiết bị y tế, và vỏ, ruột xe hơi xuất ngược sang Việt Nam. |
“Chúng tôi chế biến ra bao nhiêu thì có các công ty thương mại mua hết bấy nhiêu. Họ còn cho biết thị trường Trung Quốc không quá khắt khe chất lượng nên chỉ cần làm ra mủ thô là bán được”, ông M. hồ hởi nói.
Do không quy định tiêu chuẩn thu mua nguyên liệu nên sản phẩm mủ khối do các nhà máy tư nhân sản xuất không theo tiêu chuẩn hiện hành nào của Việt Nam. Công suất nhà máy tư nhân, theo tính toán của hiệp hội Cao su Việt Nam, tiêu thụ hết khoảng 50% sản lượng mủ tươi, chủ yếu từ các vườn cao su tiểu điền.
Cứ… chở hàng ra chợ
Đã nhiều năm trôi qua và cũng đã có nhiều bài học “xương máu” nhưng tới nay, việc mua bán cao su vẫn cứ theo kiểu bán cho doanh nghiệp thương mại, rồi các doanh nghiệp này mang hàng ra cửa khẩu chào bán, mà không cần có hợp đồng trước với phía Trung Quốc.
Mỗi năm lượng cao su bán tiểu ngạch sang Trung Quốc gần nửa triệu tấn, nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng giao dịch mua bán tại cửa khẩu. Bình Long là một trong rất ít công ty cao su Việt Nam có văn phòng giao dịch chính thức tại cửa khẩu phía Bắc.
Ông Huỳnh Tấn Siêu, trưởng phòng kế hoạch đầu tư công ty TNHH MTV cao su Bình Long (thuộc Gruco), cho biết, mỗi đợt bán hàng sang Trung Quốc, công ty thường thuê tàu chở vài trăm tấn ra cảng Hải Phòng, rồi thuê xe tải chở về tập kết vào kho ở cửa khẩu Lục Lầm để bán dần.
Theo ông Lê Văn Xứng, trưởng đại diện của công ty cao su Bình Long ở Móng Cái, hầu hết các hợp đồng mua bán trực tiếp hoặc qua môi giới tại cửa khẩu. “Mua bán khá đơn giản. Buổi sáng người mua, người bán vào mạng xem giá ở một số sàn giao dịch chính như Thượng Hải, Tokyo, Singapore… Đến khoảng 11 giờ thì thương nhân Trung Quốc vào kho xem hàng. Thấy hàng đẹp thì trả cao, hàng xấu thì trả thấp. Nếu đồng ý thì làm thủ tục chuyển tiền, khi nào thấy tiền trong tài khoản thì mình giao hàng cho họ”, ông Xứng giải thích.
Thông thường, mủ cao su từ nhà máy trong nước, sẽ được chuyển theo đường bộ bằng container hoặc tàu thuỷ ra cửa khẩu Lục Lầm, Quảng Ninh. Nếu chuyển bằng tàu biển thì cước phí từ cảng TP.HCM ra Hải Phòng, rồi đưa lên Lục Lầm khoảng 550.000 đồng/tấn chưa tính bảo hiểm. Nhà xuất khẩu tư nhân có số lượng ít thường chọn đi đường bộ.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, mua bán cao su tiểu ngạch không cần hợp đồng, không cần mở L/C, đôi khi chỉ trao đổi qua điện thoại và xem hàng, kiểm tra chất lượng hàng bằng mắt.
“Thương nhân Trung Quốc không chê bất cứ loại nào, tốt có giá tốt, rẻ có giá rẻ”, giám đốc một doanh nghiệp cho biết. Quý 1 năm nay, giá cao su lên 120 triệu đồng mỗi tấn, nhu cầu nhập mủ cao su thô của thương nhân Trung Quốc rất lớn nhưng do chưa vào vụ nên thường xuyên xảy ra tình trạng cháy hàng ở chợ cửa khẩu.
“Vào những ngày cao điểm, có khi chỉ cần một cuộc gọi điện thoại có thể bán hết cả ngàn tấn mủ cao su”, ông Xứng nói. Cách thức buôn bán nhanh chóng, đơn giản nhất mà giới kinh doanh ở cửa khẩu ví là “bán càrem”, tức giao tiền và nhận hàng ngay. Nghĩa là, bên bán chỉ việc mở một tài khoản ở bất cứ ngân hàng nào, bên mua đồng ý mua thì chuyển tiền vào, lấy hàng ngay trong ngày.
Bích Nga – Hoàng Bảy