Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

“Anh hãy ngồi xuống đây!”

Chiến tranh Việt Nam (hình chụp năm 1972)
Hạ Đình Nguyên
Viết từ TP Sài Gòn
Nhiều người Việt có anh em ở cả hai phía trong cuộc chiến Việt Nam
Hôm ấy, tôi thức dậy muộn, vì suốt đêm lo lắng và cảnh giác. Nghe tiếng cửa mở, ngóc đầu nhìn qua cửa sổ, thấy bốn lính thủy xuất hiện. Nhìn kỹ, may quá, trong đó có đứa em tôi, con chú, ở chung nhà, cấp bậc Trung sĩ, tên Hạ Minh Chung.
Bước vào nhà, đảo mắt nhìn, thấy tôi, nó nói liền:

-À, anh Ng., hôm nay em có chuyện muốn nói với anh…!
Tôi có cảm giác hơi lạ, lâu nay nó không có vẻ nghiêm chỉnh đến thế.
-Ừ, thì sẵn sàng! Tôi trả lời, trong lòng không khỏi ngạc nhiên.
Chung vào trong lấy ra một chiếc chiếu, trải giữa nhà, vào tủ lấy ly, lôi trong túi xách ra 2 chai rượu đế, bày ra chiếu. Cả bốn anh Hải quân ngồi lại.
Chung nhìn tôi, nói rõ ràng từng tiếng một, như ra lệnh:
-Anh hãy ngồi xuống đây!
Đó là thời điểm mấy ngày sau ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa: 19 tháng 1 năm 1974. Lúc đó tôi mới từ nhà tù Côn Đảo trở về.
*
Tôi ngồi xuống.
Rượu được rót ra. Chung bảo phải uống cạn ly đã!
Chúng tôi cùng uống cạn.
Chung bắt đầu lên tiếng, không chút quanh co, dõng dạc từng tiếng một:
-Tại sao anh để Trung Cộng - phe anh - chiếm Hoàng Sa của Việt Nam?
Trời đất, tôi bất ngờ như bị một cú đánh vào đầu thấy bảy ông trời sao.
Trung Cộng chiếm Hoàng Sa cách đây mấy hôm, thuyền trưởng Ngụy văn Thà đã chết theo con tàu, theo truyền thống Hải quân, phẩm chất và tính cách tương xứng với chức trách mà anh đang nắm giữ, như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc tự vẫn khi mất 3 tỉnh miên Tây. Sự hy sinh và cách hy sinh của Ngụy văn Thà đã gây nên sự xúc động trong quân đội VNCH và dân chúng.
Hộ tống hạm Nhật Tảo đã bị đánh chìm trong trận chiến
Hộ tống hạm Nhật Tảo đã bị đánh chìm trong trận chiến 1974
Em tôi, trung sĩ Hải quân VNCH, không hiểu về chính trị, không quan tâm đến Quốc gia hay Cộng sản, không tâng bốc xun xoe với Mỹ, không bênh không chống VNCH, càng không chống không theo CS, nhưng nó lại tự hào bộ quân phục mà nó mặc, và cái binh chủng mà nó đứng dưới cờ.
Nó hạch tội tôi, cái tội gián tiếp, nó dùng chữ “phe anh” là bộc lộ thân phận giấu giếm của tôi, nó huych toẹt giữa chiến hữu của nó. Té ra, lâu nay nó biết tôi là ai, làm gì.
Nó chẳng phải là tư sản, chẳng phải là trí thức, không phải là công nông, nó là lính, trung sĩ, nó căm phẫn: Tại sao anh để “phe anh” chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? Tôi biết trả lời sao đây! Trước hết, tôi với Trung Cộng xa lắc, Hà nội cũng xa, Rừng cũng xa. Họa hoằn lắm mới có một anh trong bí mật của Thành đoàn xuất hiện nói năm ba chút tình hình, mà chuyện nầy thì anh ta cũng ú ớ thôi!
Tôi phải dở trò ba hoa, mồm loa mép giải để hạ nhiệt lòng yêu nước chính đáng của nó:
-Trời đất, anh làm gì mà phe phái với Trung Cộng! Anh chỉ là sinh viên đấu tranh cho hòa bình thôi, để chấm dứt chiến tranh, cho anh em thanh niên mình đở chết. Mà Hòa bình cũng sắp có rồi! Hiệp định ký rồi! Mỹ cũng đã rút về nước! Hai bên giằng co đôi chút rồi cũng phải hòa nhau thôi…
Tôi lấy cái lý thuyết “Hòa giải hòa hợp dân tộc” mà chống đỡ. Không nói kiểu này thì nói kiểu nào? Đang ở đây, không phải ở ngoài Bắc, không phải trong Rừng, mà đang ở giữa Sài Gòn, giữa bốn tên “Hải quân ngụy”, không chừng chúng có súng trong người cũng nên!
Bốn anh lính Hải quân VNCH cùng ngồi uống rượu, không phải rượu vui mà cuộc rượu buồn, rất buồn, không che dấu nỗi thất vọng, nỗi bi phẫn, than thở một cách chua chát:
- Tại sao chúng ỷ nước lớn hiếp nước nhỏ?
Tâm trạng người lính VNCH, khi Mỹ rút quân, vẫn hiểu mình là nước nhỏ. Nhưng dù bé nhỏ vẫn phải độc lập. cái ý thức Độc lập mà phía Cách mạng tuyên truyền cũng có trong người họ lâu nay. Mỹ rút quân cũng có nghĩa Độc lập, nhưng họ hoài nghi Việt Cộng trong quan hệ Nga Tàu. Họ hy vọng vào hòa giải hòa hợp dân tộc, Việt Nam lại hợp chung một nhà, trừ những ai từng có trải nghiệm nào đó với Cách mạng.
"Lòng tôi reo vui, nếu không thì cũng lạnh lùng, khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Nghĩ rằng nó lấy giúp từ tay Mỹ, rồi giao lại cho Việt Nam sau này. Sự thật đã không phải thế, mà đã không chỉ có thế!"
Chống Mỹ Cứu Nước, Thanh Niên Miền Nam không cãi được, nhưng Trung Cộng chiếm Hoàng Sa thì làm sao giải thích? Nó là gì đây? Lời than thở của mấy chú lính thủy, của em tôi, chuyển sang một hướng cảm xúc khác cao hơn, thuần khiết hơn, nó không kết án tôi theo kiểu “phe anh”, mà thốt lên từ Nước Nhỏ. Nó đưa tôi về cùng một mẫu số chung, nó đã hòa hợp dân tộc với tôi rồi. Chúng ta có chung một tình tự dân tộc Nước nhỏ, đứng trước hiểm họa chung là Nước lớn. Nó kêu gào công lý ở bình diện rộng hơn: Tại sao một nước lớn đi ăn hiếp một nước nhỏ?
Nỗi hoài nghi như đang tự giải mã.
Cái có lý lúc trước, lúc sau lại đang trở thành vô lý.
*
Ngày nay nhớ lại, tôi tự hổ thẹn với em mình, vì ý nghĩ của tôi lúc đó.
Tôi nói dối và lấp liếm sự thật. Nó biết tôi là Việt Cộng, tôi nói mình chỉ là sinh viên thôi, và đấu tranh cho hòa bình. Lòng tôi reo vui, nếu không thì cũng lạnh lùng, khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Nghĩ rằng nó lấy giúp từ tay Mỹ, rồi giao lại cho Việt Nam sau này. Sự thật đã không phải thế, mà đã không chỉ có thế!
Tôi không tự dằn vật mình cho lắm. Từ lúc tuổi nhỏ đến cái tuổi ngoài 20, lịch sử đã cài đặt trong tôi một phần mềm hơi bị cũ hay đã rất lỗi thời, nhấp chuột lung tung chẳng thấy hiện lên cái điều mình mong muốn, chỉ thấy sự nhảy múa của dã thú và thiên thần. Mà thiên thần thì nở ra từ trứng, mà trứng thì do dã thú đẻ ra!
Chiều ngày 29 tháng 4, giờ thứ 25 của cuộc chiến.
Bịn rịn với gia đình, giằng co với lý trí, Chung chia tay với mọi người thân sơ, vẫn trong bộ đồ hải quân rất ư hãnh diện, hớt hải chạy xuống Nhà bè, lên một chiếc Hải thuyền cùng đồng đội của nó, vượt qua sông rạch trong đêm, bị súng trên bờ dập xuống, suýt chết mấy đợt, vượt ra được biển khơi có tàu lớn đợi.
Nó định cư ở Mỹ, một thời gian làm Cảnh sát khu vực rồi nghỉ hưu. Mỗi năm đều về thăm nhà, không bao giờ nói chính trị, không nhắc đến Hoàng Sa. Tôi cũng thế! Tôi vờ quên đi, nó vờ quên đi. Nhưng tôi vẫn nhớ, nó vẫn nhớ. Nó vờ quên vì lòng nhân hậu của nó đối với tôi. Tôi vờ quên vì lòng hổ thẹn bởi sự không toàn vẹn lãnh thổ. Vì không chỉ có Hoàng Sa, mà còn Trường Sa, và bao nhiêu vùng nữa trong đất liền.
Ban đầu, khi bỏ chạy, nó nghĩ nó là kẻ thua cuộc, thiếu chính nghĩa vì đi với Mỹ. Sau này nó không nghĩ thế, có thể nó nghĩ kẻ ấy là tôi. Một cú đánh hồi mã thương đau đớn của lịch sử, một sụ lừa mỵ có tính thời đại…
"Tuổi trẻ Việt Nam phải dứt khoát cài đặt lại phần mềm mới cho mình để phù hợp với trình độ của thời đại, đáp ứng yêu cầu cấp bách của dân tộc."
Chung chỉ khoe với tôi, nó câu được những hai cô bồ, mỗi lần về nước đều được rỉ rả vui vẻ.
“Anh hãy ngồi xuống đây!" là câu nói tôi không quên. Tôi cũng muốn nói: Em hãy ngồi xuống đây! Nhưng tôi chưa từng thốt lên được, vì không dám đối diện sự thật.
Hình như bạn bè tôi cũng thế, họ làm như họ chỉ có những chuyện bâng quơ thôi, với chút tự hào an ủi cần cù nhặt nhạnh. Tôi cũng muốn nói: Tất cả chúng ta hãy ngồi xuống đây! Chuyện nước cũng chính là chuyện nhà, phải chân thực, phải có cảm xúc đồng- bào. Phải là từ ngữ thân thương NƯỚC- NHÀ, thấm đẫm tình tự dân tộc, chứ không phải từ Nhà Nước, chỉ trơ ra, thành đồng nghĩa với quyền và lợi.
Các học thuyết chỉ là những tấm da lừa trên yên ngựa, dù sao cũng đã cũ nát lắm rối, không dùng được nữa!
Thắng thua đã rõ, nhưng cũng chẳng để làm gì, đến nước này! Những cái mồm bên kia đại dương chỏ về chửi rủa chẳng ích chi, giống như đại úy Minh giẫm chân vào mồm người biểu tình, chỉ rách việc!
Phải nhận chân được kẻ thù mới của thời đại, chúng đang xâm thực đất liền và quậy đục Biển Đông, chúng “dã thú” biết chừng nào với đồng bào của chúng, nói chi đến chư quốc lân bang thế giới đại đồng!
Tuổi trẻ Việt Nam phải dứt khoát cài đặt lại phần mềm mới cho mình để phù hợp với trình độ của thời đại, đáp ứng yêu cầu cấp bách của dân tộc.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.
-Nguồn: BBC: “Anh hãy ngồi xuống đây!”

Tổng số lượt xem trang