Lữ Giang
.
Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter (1882 – 1965) đã nói: “Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường.”
Câu nói này một lần nữa đã ứng nghiệm trong cuộc chiến về ngân sách vừa qua.
Cuộc chiến về ngân sách năm 2012 giữa Tổng Thống Obama và Đảng Cộng Hoà được coi như một sự bỉ ổi trong lịch sử Hoa Kỳ. “Đảng Cộng Hoà dấu yêu” của người Việt chống cộng đã cương quyết bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn tài phiệt lớn đứng đàng sau, bất chấp quyền lợi quốc gia. Họ dùng “mức trần nợ” (debt ceiling) như một thứ “con tin” để bắt Đảng Dân Chủ và Tổng Thống Obama phải thỏa mãn yêu sách của họ.
.
KHỞI ĐẦU CÂU CHUYỆN
“Chúng ta hiện đang trong giữa cuộc khủng hoảng mà ai ai cũng biết. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp, một phần là hậu quả của thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của việc chúng ta đã thất bại, không có những lựa chọn khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong kỷ nguyên mới.”
Khi nói đến “thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người”, Tổng Thống Obama đã ám chỉ những nhà đại tư bản đứng đàng sau Đảng Cộng Hoà. Ngay trong nhiệm kỳ đầu, Tổng Thống George W. Bush (con) đã thực hiện hai kế hoạch quan trọng nhằm ưu đãi nhà giàu. Biến cố 911 đã giúp ông thành công dễ dàng.
.
1.- Cắt giảm thuế cho những người giàu.
Khi Tổng Thống Clinton rời khỏi chính quyền, ngân sách Mỹ thặng dư 230 tỷ. Vì thế, trong hai năm 2001 và 2003, Tổng Thống Bush đã đưa ra chính sách giảm thuế cho nhà giàu. Theo ông, biện pháp này sẽ giúp các nhà đại tư bản Mỹ có thêm vốn đầu tư làm cho nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh hơn. Số thuế được giảm này được dự trù vào khoảng 2000 tỷ USD trong 10 năm.
Biện pháp này sẽ chấm dứt vào ngày 31.12.2010. Nếu Quốc Hội không có quyết định nào khác, kể từ ngày 1.1.2011 thuế suất trước năm 2001 sẽ được áp dụng trở lại.
.
2.- Mở cuộc tấn công vào Afghanistan và Iraq.
Nhân vụ 911, Tổng Thống Bush đã quyết định mở cuộc tấn công vào Afghanistan để tìm bắt Bin-Laden và thanh toán nạn khủng bố. Năm 2003 ông lại ra lệnh tấn công Iraq mặc dầu bị LHQ và nhiều quốc gia phản đối. Qua hai cuộc chiến vô định này, ngân sách quốc phòng Mỹ đã phải gia tăng liên tục trong 13 năm. Riêng dưới thời Tổng Thống Bush, ngân sách quốc phòng đã từ 412 tỷ USD lên 699 tỷ USD, tức tăng 70%.
Mục tiêu của hai cuộc tấn công nói trên được nói là chống khủng bố, nhưng trong thực tế, chống khủng bố chỉ là yếu tố phụ, giúp các công ty quốc phòng thực hiện các cuộc đấu thầu và mở đường cho các công ty dầu lửa khai thác dầu ở Iraq mới là yếu tố chính. Số lượng dầu hỏa dự trữ của Iraq bằng 1/10 số lượng dầu dự trữ của toàn thế giới, nghĩa là khoảng 100 tỷ thùng (barrel), nên Mỹ không thể không dòm ngó.
Việc giảm thuế cho nhà giàu và sự gia tăng chi phí quốc phòng đã làm cho ngân sách nước Mỹ ngày càng bị thâm thủng nặng. Con số do Phòng Ngân Sách Quốc Hội Hoa Kỳ đưa ra ngày 7.10.2009 cho biết số thâm thủng ngân sách năm 2009 là 1.400 tỷ USD, tức gấp ba lần so với năm trước. tương đương 9,9% GDP năm 2009. Đây là con số chưa từng thấy trong hơn 50 năm trở lại đây.
Sự suy thoái kinh tế khiến Tổng Tống Obama phải đưa ra chương trình giải cứu nợ xấu 150 tỉ USD cho Fannie Mae và 91 tỉ USD Freddie Mac, và gói kích cầu khoảng 900 tỷ. Các biện pháp này đã làm ngân sách Mỹ thâm thủng nặng hơn: 1.420 tỷ năm 2010 và khoảng 1.500 tỷ năm 2011.
.
CUỘC CHIẾN BÙNG NỔ
Như đã nói ở trước, để bảo vệ mức giảm thuế cho nhà giàu, “Đảng Cộng Hoà yêu dấu” của người Việt chống cộng đã lấy “mức trần nợ” (debt ceiling) làm “con tin” để thảo luận với Hành Pháp ngân sách liên bang năm 2012.
“Mức trần nợ” là mức tối đa Quốc Hội Hoa Kỳ cho phép chính quyền liên bang có thể đi vay một cách hợp pháp để đáp ứng nhu cầu của quốc gia.
Vào ngày 16.5.2011 Bộ trưởng Tài Chánh Timothy Geithner thông báo mức trần nợ của chính phủ lúc đó là 14.294 tỷ USD. Nhưng nay ông vừa thông báo số nợ đó tính đến ngày 2/8 đã lên tới 14.600 tỷ USD, vượt GDP của năm ngoái ở mức 14.500 tỷ USD.
.
Sau đây là vài nét về tiến trình cuộc chiến:
Ngày 31.5.2011 Hạ viện Mỹ bác bỏ đề nghị nâng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ USD của Tổng Thống Obama và đòi phải cắt giảm chi tiêu.
Ngày 9.6.2011 Bộ Trưởng Tài Chánh Tim Geithner bắt đầu thảo luận với Đảng Cộng Hoà về cắt giảm chi tiêu và cho rằng xóa bỏ việc giảm thuế cho nhà giàu để thu thêm thuế 400 tỷ USD cho ngân sách là biện pháp đúng đắn. Sau nhiều cuộc thương lượng kéo dài, ngày 9.7.2011 ông John Boehner, Chủ Tịch Hạ Viện, nói rằng Đảng Cộng Hoà sẽ không chấp nhận việc tăng thuế nhà giàu và đề nghị cắt giảm ngân sách 2.000 tỷ USD.
Ngày 11.7.2011 ông Obama tuyên bố kêu gọi sự nhượng bộ từ cả hai đảng để nhanh chóng đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công trước ngày 2/8 để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Ngày 22.7.2011 ông Boehner từ chối liên lạc với tổng thống do bất đồng trong việc hủy bỏ việc miễn thuế cho nhà giàu, mặc dầu trước đó Tổng Thống Obama đã đồng ý cắt giảm 4.000 tỷ USD chi tiêu, trong đó có các khoản về an sinh xã hội, chăm sóc người già và người có thu nhập thấp.
Ngày 26.7.2011, ông Boehner đề nghị cắt giảm ngay 1.000 tỷ USD chi tiêu của chính phủ để đổi lại sẽ nâng mức trần nợ quốc gia trong khoảng 6 tháng. Phe Dân Chủ tại Thượng Viện đồng ý cắt giảm 2.700 tỷ USD, nhưng phải nâng mức trần nợ dài hạn.
Tổng thống Obama nói rằng “cuộc khủng hoảng giả tạo” này tại Washington đã gây thiệt hại cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Hoa Kỳ.
Trong khi nhiều người lo sợ sự bất đồng giữa hai đảng sẽ đưa Hoa Kỳ vào tình trạng vỡ nợ, trên truyền hình chúng tôi nói đi nói lại nhiều lần rằng các thế lực tài chánh đứng đàng sau hậu trường sẽ quyết định một giải pháp dung hoà vào giờ chót, nên sẽ không có chuyện gì xẩy ra.
Quả thật, hôm 1.8.2011, Tổng thống Obama loan báo các nhà lãnh đạo lập pháp đã thỏa thuận mức cắt giảm ngân sách và cho phép nâng mức trần nợ quốc gia trước kỳ hạn chót.
.
MÀN KỊCH KẾT THÚC
Với sự sắp xếp từ sau hậu trường, ngày 1.8.2011, với 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, Hạ viện đã thông qua dự luật nâng mức trần nợ quốc gia, để đổi lại những sự cắt giảm mức chi của chính phủ. Ngày 2.8.2011, Thượng viện với 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống, thông qua dự luật của Hạ Viện. Dự luật được đưa qua Tòa Bạch Ốc ngay để Tổng thống Obama ký ban hành đúng vào thời hạn chót.
Đạo luật đã cho phép nâng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ USD đủ để nước Mỹ ó thể tiếp tục vay mượn tiền đến năm 2013.
Đạo luật cũng bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu có thể lên tới 2.500 tỷ USD, nhiều hơn khoản tăng mức trần nợ, trong đó có ít nhất 900 tỷ USD chi tiêu của chính phủ được cắt trong vòng 10 năm. Một ủy ban ngân sách lưỡng đảng sẽ được thành lập để cắt giảm thêm ít nhất 1.500 tỷ USD.
Đạo luật không gồm kế hoạch của đảng Dân chủ nhằm chấm dứt khoản miễn giảm thuế cho những người giàu.
.
KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN
Khi đạo luật vừa ban hành, cả hai phe Dân Chủ lẫn Cộng Hoà đều lên tiếng chỉ trích. Đây là chuyện rất hiếm xẩy ra.
Phe dân Chủ cho rằng luật ngân sách mới ban hành buộc phải cắt giảm quá nhiều, những khoản cắt giảm này có thể gây nguy hại cho giới nghèo và những người dễ lâm vào tình cảnh khốn khó mà không thu thêm được tiền thuế của giới giàu. Thượng nghị sỹ Tom Udall thuộc Đảng Dân Chủ, New Mexico, nói: "Dự luật này thật tồi tệ, tồi tệ quá sức.” Thượng nghị sỹ Carl Levin, Michigan, coi đây là một sự lựa chọn bất đắc dĩ.
Trong khi đó, phe Cộng Hoà đã ca tụng “thành quả” mà họ đạt được. Thượng nghị sỹ Lamar Alexander, Tennesee, cho rằng cuộc biểu quyết này là cơ hội để tiến một bước quan trọng theo đúng hướng. Còn Thượng nghị sỹ David Vitter nói theo giải pháp này căn bản chẳng thay đổi được viễn ảnh chi tiêu và nợ nần của chúng ta.
Trong lịch sử Hoa Kỳ cũng đã có những lần số nợ vượt lên trên GDP, chẳng hạn như năm 1944, khi theo đuổi Thế chiến II, nợ của Hoa Kỳ đã cao hơn GDP đến 30%. Năm 1947, sau Thế chiến II, nợ của Hoa Kỳ cũng đã vượt lên trên GDP, nhưng chỉ một thời gian sau, nền kinh tế của Mỹ đã được phục hồi.
Những cuộc mặc cả bẩn thỉu của Đẳng Cộng Hoà, sự chia rẽ trong chính quyền, tầng nợ bắt đầu vượt lên trên GDP... đã làm cho niềm tin nơi sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ bị lung lay. Ngày 6.8.2011, cơ qua chuyên đánh giá tín dụng Standard & Poor's của Hoa Kỳ đã hạ mức khả tín của Hoa Kỳ từ loại AAA xuống hạng AA+. Sau đây là một cái nhìn tổng quát về sự sắp hạng này:
AAA: Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia
AA+: Hoa Kỳ, Bỉ, New Zealand
AA-: Nhật Bản, Trung Quốc
Đây là lần thứ nhất trong lịch sử, Hoa Kỳ bị xếp vào loại 2 về mức độ khả tín.
.
NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Qua cuộc chiến bẩn thỉu này, giới bình dân đã nhận ra rằng giới giàu vẫn được tiếp tục hưởng lợi, còn người nghèo bị móc túi thêm. Suy nghĩ này quả cũng đúng.
.
I.- Tiếp tục giảm thuế cho nhà giàu
Trong cuộc tranh cử năm 2008, ông Obama đã nói đi nói lại rằng ông sẽ buộc những người giầu nhất nước Mỹ đóng thêm thuế, trong khi sẽ giữ mức thuế của dân trung lưu và dân nghèo thấp như cũ. Nhưng khi đắc cử rồi, Đảng Cộng Hoà đã đưa mức trần nợ ra làm “con tin”: Nếu ông tăng thuế nhà giàu, Đảng Cộng Hoà sẽ không chấp nhận cho tăng mức trần nợ lên. Cuối cùng ông phải nhượng bộ, chịu giữ các đạo luật giảm thuế cho nhà giàu của Tổng Thống Bush thêm 2 năm nữa, tức là đến 31.12.2012,
.
II.- Cách giảm các khoản chi tiêu
Như đã nói trên, trong vòng 10 năm tới chính quyền phải cắt giảm 900 tỷ USD các khoản chi tiêu và một ủy ban lưởng viện sẽ họp để cắt thêm ít nhất 1.500 tỷ nữa. Hiện nay, chưa có thể biết một cách chính xác những khoản nào sẽ bị cắt và mức cắt sẽ là bao nhiêu. Tuy nhiên, ba khoản sau đây được nhiều người lưu ý nhất:
.
(1) Cắt giảm ngân sách quốc phòng
Ngày 9.7.2011, Hạ Viện Mỹ đã biểu quyết ngân sách quốc phòng năm 2012 là 649 tỷ USD, trong đó có 119 tỷ USD cho các cuộc chiến đang diễn ra ở Afghanistan và Iraq. Nay nếu cắt thêm, sẽ cắt vào những khoản nào? Các nhà vận động hậu trường (lobbyists) của các đại công ty đấu thầu quốc phòng đang hoạt động ráo riết để các quyền lợi của họ không bị lấy đi quá nhiều.
.
(2) Cắt giảm ngân sách y tế
Hiện nay hai chương trình Medicare và Medicaid cung cấp bảo hiểm cho hơn 100 triệu công dân Mỹ, chiếm 22% trong tổng số chi tiêu liên bang, trong đó 33% vào bệnh viện phí, 21% tiền bác sĩ và chi phí lâm sàng, thử nghiệm, 10% tiền thuốc, và 9% cho các viện dưỡng lão.
Theo tờ Wall Street Journal ngày 2.8.2011, ngân khoản Medicare đã thoát khỏi bị cắt trực tiếp, nhưng trong các cuộc thương lượng giữa hai đảng tới đây, các ngân khoản dành cho những người cao niên và tàn phế có thể bị ảnh hưởng.
Dịch vụ y tế là một dịch vụ thương mãi béo bở nhất, nên các tài phiệt về y tế cũng đang dùng các lobbyists vận động để sự thiệt hại của họ chỉ ở mức tối thiểu.
.
(3) Cắt giảm trợ cấp an sinh xã hội
Theo báo cáo của Board of Trustees, năm 2010 có 54 triệu người nhận tiền an sinh xã hội, trong đó có 44 triệu người về hưu và 10 triệu người tàn phế. Số ngân khoản được chi trả là 712,5 tỷ USD.
Nhưng theo thống kê mới nhất, tính đến tháng 6/2011, số người nhận trợ câp an sinh xã hội đã lên đến 60.114.000 người, trong đó có 38.540.000 người cao niên và 13.596.000 người tàn phế dưới 65 tuổi.
Tính trung bình, tiền trợ cấp an sinh xã hội chiếm khoảng 20,8% ngân sách liên bang. Nhiều nguồn tin nói rằng số tiền trợ cấp cho những người hưởng an sinh xã hội cũng sẽ bị giảm xuống. Thí dụ ở California, tiền trợ cấp an sinh xã hội hiện nay là 830 USD, có thể sẽ giảm xuống trong năm 2012 chỉ còn khoảng 750 USD. Nhưng đây chỉ là sự suy đoán. Phải đợi ủy ban lưởng viện công bố mới có thể biết con số chính xác.
Những người về hưu và những người tàn tật không thể làm như các nhà đại tư bản quốc phòng và y tế là thuê các lobbyists đi vận động hậu trường để bảo vệ quyền lợi của họ, nhưng với khối lượng 60.000 cử tri cao niên và tàn phế, thường bỏ phiếu khiếm diện, nếu họ biết truyền thông cho nhau những ai chủ trương cắt xén phúc lợi của họ và bảo vệ quyền lợi của nhà giàu, họ cũng có thể dùng lá phiếu để bảo vệ quyền lợi của mình.
.
TỪ GIẢ “ĐẢNG CỘNG HOÀ YÊU QÚY”!
Một cuộc thăm dò cho thấy có đến 62% dân Mỹ nghĩ rằng tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay không phải do ông Obama gây ra, mà ông chỉ thừa hưởng di sản của chính phủ Bush để lại.
Cuộc kiểm tra năm 2010 cho biết số người Việt tại Hoa Kỳ hiện nay là 1.548.449 người. Có đến 82,8% người Mỹ gốc Việt là công dân Mỹ.
Người Mỹ gốc Việt rất “mê” Đảng Cộng Hoà, vì cho rằng “Đảng Cộng Hoà chống Cộng”, mặc dầu năm 1972 chính Đảng Cộng Hoà đã đem miền Nam VN bán cho Trung Quốc.
Tại Orange County, nơi có thủ đô nối dài của VNCH, có 55% cử tri gốc Việt ghi danh vào Đảng Cộng Hoà và 22% vào Đảng Dân Chủ. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2004, có đến 72% cử tri Mỹ gốc Việt bỏ phiếu ông George W. Bush, trong khi chỉ 28% bỏ phiếu cho ông John Kerry. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2008, cũng có đến 2/3 cử tri Việt bầu cho ứng cử viên Cộng Hòa John McCain. Tệ hại hơn nữa, một số vẫn tiếp tục dùng cơ quan truyền thông để chửi ông Obama sau khi ông này đã đắc cử.
Trong cuộc bầu cử ở cấp toàn quốc, số phiếu của người Mỹ gốc Việt không mang ý nghĩa gì. Số cử tri người Tàu, người Đại Hàn hay người Philippines cũng thế. Nhưng người Tàu có nhiều kinh nghiệm hơn người Việt rất nhiều trong công tác vận động hậu trường. Thay vì “mê” Đảng Cộng Hoà hay Đảng Dân Chủ, họ đã áp dụng nguyên tắc “phù thịnh bất phù suy” trong bầu cử. Cứ thấy ứng cử viên nào chắc sẽ đắc cử là dồn hết tiền và phiếu cho người đó, sau này mới có thể xử dụng họ được. Người Việt chẳng ai nói được ai, nên rất khó đi con đường của người Tàu.
Nay nhiều người Việt đã nhận ra những sự thật phủ phàng và thay đổi cách nhìn cũng như cách hành động. Một thí dụ cụ thể là trong cuộc bầu cử dân biểu liên bang đơn vị 47 ở Orange County vào năm 2010, đa số người Việt đã dồn phiếu cho bà Loretta Sanchez thuộc Đảng Dân Chủ thay vì dồn phiếu cho Trần Thái Văn thuộc Đảng Cộng Hoà, vì biết chắc Trần Thái Văn sẽ thua, nhờ vậy bà Loretta Sanchez đã thắng lợi vẽ vang (53% số phiếu) và tích cực ủng hộ các cuộc đấu tranh của người Việt hơn.
Cuộc chiến bẩn thỉu vừa qua sẽ giúp người Mỹ gốc Việt thấy rõ hơn trong cuộc bầu cử năm 2012 sắp đến họ sẽ phải hành động như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngày 9.8.2011
.
Lữ Giang
---------
-Khi các đại diện dân cử chỉ lo chiếc ghế
Khi các ông bà đại diện dân chỉ lo chiếc ghế
Trần Bình Nam
Sau nhiều tuần lễ tranh chấp việc tăng mức tiền nợ (debt limit), ngày 3 tháng 8, 2011 quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật cho phép chính phủ phát hành thêm ngân khố phiếu bán lấy tiền chi dùng.
[TBN: (1) Tại nhiều nước việc in ngân khố phiếu để lấy tiền cho công quỹ là quyết định của Hành Pháp, nhưng ở Hoa Kỳ cần được quốc hội cho phép bằng một đạo luật. (2) Báo chí và các nhà kinh tế thường dùng nhóm chữ “trần nợ” (debt ceiling hay debt limit) khi nói đến số công phố phiếu luật cho phép in thêm để bán ra lấy tiền cho công quỹ.Trong bài này danh từ “phát hành công khố phiếu” hay “nâng trần nợ” có nghĩa như nhau.]
Ở đây tôi không bàn về khía cạnh kinh tế của việc in công phố phiếu bán lấy tiền cho công quỹ để điều hành quốc gia là điều cần thiết hay không. Nhiều kinh tế gia cho rằng “mắc nợ” kiểu đó không có hại, mà chỉ là yếu tố kích thích cả nước làm việc. Nước Mỹ càng mạnh, kinh tế càng sung mãn khi “trần nợ” cao, nhưng nếu vẫn có đủ sức trả lời lẫn vốn sòng phẳng.
Cũng như mỗi gia đình tại Mỹ (và ở các nước kinh tế thị trường) đều vay nợ các ngân hàng để tậu nhà, mua xe, đầu tư làm ăn buôn bán… Vì vay nợ, gia đình nào cũng làm việc cật lực để có thể sống thoải mái với các tiện nghi và trả nợ. Và đó là nguyên nhân của “dân giàu nước mạnh”.
Vậy tại sao Hoa Kỳ đang có vấn đề?
Trong 10 năm qua ngân sách Hoa Kỳ bắt đầu thâm thủng (chi nhiều hơn thu) do chiến tranh Iraq và Afghanistan và một phần do chính sách giảm thuế, do đó “trần nợ” tích lũy càng cao. Ngân sách năm nay (2011) thâm thủng 1645 tỉ, và trần nợ tích lũy đến 14294 tỉ mỹ kim.
Tuy nhiên ngân sách thâm thủng thì quốc hội thông qua luật phát hành công khố phiếu để có đủ tiền chi tiêu. Từ trước đến nay, việc “nâng trần nợ” hai đảng thường đồng ý với nhau thông qua dễ dàng không có sự tranh cãi gì đáng kể. Do đó Hoa Kỳ lúc nào cũng trả tiền lời và hoàn tiền cho công phố phiếu đáo hạn một cách sòng phẳng. Kết quả là công việc quốc gia tiến hành bình thường, và mua công phố phiếu Hoa Kỳ vẫn được xem là một sự đầu tư chắc ăn nhất. Các công ty đánh giá “credit” (hay là chỉ số tin tưởng con nợ) của Hoa Kỳ là AAA (cao nhất).
Từ cuối năm 2008 cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho ngân sách thâm thủng đậm hơn, trần nợ cao hơn làm cho sự tin tưởng vào công khố phiếu Hoa Kỳ giảm đi và uy tín Hoa Kỳ và đồng mỹ kim trên thế giới cũng suy giảm theo.
Các nhà kinh tế Hoa Kỳ và một ít chính khách có viễn kiến thấy rằng nếu tình trạng này không được chận đứng thì thế hệ sau phải còng lưng làm chỉ đủ tiền trả nợ. Và đó là một viễn ảnh đen tối cho Hoa Kỳ.
Sau khi đắc cử, một trong những ưu tiên của tổng thống Obama là giảm thâm thủng ngân sách. Đảng Cộng hòa cũng xem đó là một ưu tiên, chỉ có giảm thâm thủng cách nào là khác biệt nhau.
Và sự khác biệt ý kiến này trở thành vũ khí tranh giành phiếu cử tri của hai đảng sau cuộc bầu cử tháng 11/2010 đảng Cộng hòa chiếm lại đa số tại Hạ nghị viện.
Cơ hội tranh cãi là việc “nâng trần nợ” trước ngày 3/8, là ngày bộ Tài chánh cho biết ngân sách Hoa Kỳ hết tiền. Đến cận ngày hai đảng mới chịu thỏa thuận thông qua luật nâng trần nợ lên 900 tỉ mỹ kim hoàn tất trước tháng 9/2011, và gắn theo luật đó là lòng thòng nhiều điều khác nữa.
Vấn đề chi tiêu được tạm giải quyết. Nhưng sự tranh cãi cho thấy nếu đến ngày 3/8 trần nợ chưa được phép tăng, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không có tiền để trả lương cho công nhân viên (trong đó có quân nhân lương vốn đã ba cọc ba đồng) và nhất là không có tiền trả tiền lời và công phố phiếu đáo hạn . Một vấn đề hiện ra: thì ra mua công khố phiếu của Hoa Kỳ cũng không “chắc ăn”như vẫn tưởng. Công ty Standards & Poors (S&P), đánh giá “credit” của chính phủ Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+. AA+ cũng còn quá tốt nhưng tác dụng tâm lý làm cho các cơ sở kinh tế tài chánh và các quốc gia đầu tư mất sự tin tưởng tuyệt đối gây ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà phục hồi sau vụ khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008.
Vậy hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh cãi những gì và cuối cùng họ đã dung hòa như thế nào?
Giảm thâm thủng ngân sách cho những năm tới. Muốn giảm thâm thủng thì cần: (1) tăng thuế và (2) giảm chi.
Sự khác nhau chính yếu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là: Cộng hòa không muốn tăng thuế và muốn giảm chi nhiều nơi các chương trình lớn như Hưu bỗng, An sinh xã hội và Y tế như Medicare, Medicaid. Dân chủ thì muốn tăng thuế các đại công ty và thành phần có lợi tức cao và tránh cắt gỉảm các chương trình An sinh và Y Tế. Tuy vậy lúc nào hai đảng cũng tìm được một điểm thỏa thuận ở giữa để thông qua ngân sách và nâng trần nợ theo nhu cầu ngân sách.
Lần này với đa số tại Hạ nghị viện (trong đó có khoảng 60 dân biểu thuộc nhóm Tea Party cực hữu) đưa điều kiện, họ chỉ sẽ biểu quyết cho phép “nâng trần nợ” nếu đảng Dân chủ và Hành Pháp cam kết không tăng thuế và cắt giảm tối đa các chương trình an sinh và y tế. Đảng Dân chủ không thể chấp nhận các điều kiện phi lý như vậy nên giằng co mãi đến gần ngày 3/8 trước áp lực dữ dội của dân chúng và báo chí hai đảng mới tìm được một dung hòa.
Luật “nâng trần nợ” tổng thống Obama ký ban hành ngày 3/8 gồm chính yếu các điểm sau:
(1) Phát hành ngay 400 tỉ công khố phiếu, và sẽ phát hành thêm 500 tỉ mỹ kim trong tháng 9 này, nâng trần nợ lên thêm 900 tỉ mỹ kim .
(2) Cắt giảm dần chi tiêu tổng số 917 tỉ mỹ kim trong 10 năm tới (nhưng không tăng thuế như yêu sách của Cộng hòa và không cắt các chương trình An sinh, lương bổng công nhân viên liên bang, ngoại trừ 2% Medicare như yêu sách của Dân chủ.
(3) Quốc hội thành lập một Ủy ban lưỡng đảng 12 người, 6 Cộng hòa, 6 Dân chủ để nghiên cứu và trình Quốc hội thông qua trước ngày 23/12/2011 một kế hoạch giảm chi trong 10 năm tới. Kế hoạch giảm chi này được đụng chạm đến bất cứ khoảng nào trong ngân sách như: tăng thuế, cắt chi phí quốc phòng, cắt các chương trình An sinh và Y tế như Medicare, Medicaid.
- Nếu Ủy ban giảm chi được từ 1500 tỉ mỹ kim trở lên, trần nợ sẽ được nâng dần thêm 1500 tỉ mỹ kim
- Nếu Ủy ban giảm chi được từ 1200 tỉ mỹ kim đến 1500 tỉ mỹ kim thì trần nợ được nâng lên thêm bằng số cắt giảm.
- Nếu Ủy ban chỉ cắt giảm được dưới 1200 tỉ mỹ kim hoặc không đồng ý nhau một chương trình cắt giảm nào cả thì trần nợ được tự động tăng 1200 tỉ mỹ kim, đồng thời chi phí cũng được tự động bị cắt gỉảm 1200 tỉ mỹ kim chia đều 50% chi phí quốc phòng, 50% chi phí không quốc phòng. Trong trường hợp này việc cắt giảm tự động chỉ có hiệu lực từ năm 2013.
(4) Từ đây đến cuối năm 2011, quốc hội sẽ thông qua một Quyết nghị tu chính Hiến Pháp bó buộc phải cân bằng ngân sách hằng năm. Nếu tu chính Hiến Pháp được thông qua, trần nợ sẽ được phép nâng thêm 1500 tỉ mỹ kim
Các nét chính của luật “nâng trần nợ” ngày 3/8 cho thấy gì ?
Điểm (1) và (2) tạm giải quyết vụ tranh chấp trước khi Hoa Kỳ hết tiền. Cả hai đảng đều thấy có nhu cầu tạm thỏa thuận để Hoa Kỳ tiếp tục có tiền nếu không các đại diện dân ở Hạ nghị viện và Dân chủ sẽ lãnh đủ. Thỏa thuận mà không đảng nào từ bỏ nguyên tắc của mình (Cộng hòa không tăng thuế, dân chủ không cắt các chương trình xã hội).
Điểm (4) ghi ra như một yêu sách vô hại của đảng Cộng hòa, vì thủ tục tu chính Hiến Pháp có thể kéo dài nhiều năm.
Còn điểm (3) đẩy vấn đề tranh cãi lại cho một Ủy ban lưỡng đảng. Với không khí dàn thế trận cho cuộc tranh cử tháng 11/2012 giữa hai đảng hiện nay, phía Cộng hòa quyết giành lại Bạch ốc và hai viện quốc hội; phía Dân chủ ông Obama quyết đắc cử nhiệm kỳ 2, duy trì đa số tại Thượng nghị viện và chiếm lại đa số tại Hạ nghị viện, nên không có hy vọng gì Ủy ban này đi đến một thỏa thuận cắt giảm ngân sách.
Cho dù Ủy ban lưỡng đảng có thỏa thuận được một chương trình cắt giảm ngân sách (trong đó ắt phải có tăng thuế) nhóm Tea Party gồm khoảng 60 dân biểu cực hữu chủ trương triệt tiêu thâm thủng ngân sách mà không tăng thuế cũng không để cho nó thành luật.
Trước mắt là bế tắc. Và trong khung cảnh kinh tế đang gặp khó khăn sự bế tắc chính trị tại Hoa Thịnh Đốn càng làm cho sự phục hồi kinh tế khó khăn hơn, kết quả là làm cho Hoa Kỳ càng ngày càng mất thế đứng trên thế giới.
Tại sao Hoa Kỳ có thể rơi vài tình trạng này? Hoa Kỳ có một nền dân chủ tam quyền phân lập, một nền kinh tế thị trường đã giúp mang đến cho nhân dân Mỹ một đời sống tự do và đầy đủ tiện nghi vật chất và biến Hoa Kỳ thành một quốc gia hùng mạnh trong suốt thế kỷ 20.
Nhưng các chính trị gia càng lúc càng xa rời lý tưởng phục vụ quốc gia. Họ khai thác bất cứ nguyên tắc dân chủ nào để bảo vệ chiếc ghế của mình hơn là dùng vị trí của mình để phục vụ đất nước.
Điều này cho thấy hệ thống dân chủ Hoa Kỳ giống như một chiếc xe tốt lâu ngày do người xử dụng không biết bảo trì đang trở thành một chiếc xe cọc cạch lắm bệnh đòi hỏi một sự tu sửa toàn diện.
Các nhà chính trị học định tu sửa hệ thống chính trị Hoa Kỳ như thế nào là một đề tài tôi không bàn trong giới hạn bài viết này./.
Trần Bình Nam
Aug. 15, 2011
www.tranbinhnam.com
-tlq: The dollar-store economy (NYT 21-8-11)
--LIỆU MỸ CÓ THỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI MỘT SỰ THAY ĐỔI LỚN VỀ SỨC MẠNH KINH TẾ TOÀN CẦU? basam-
--WASHINGTON VÀ NGHỆ THUẬT CỦA SỰ CÓ THỂBS Hồ Hải -Bài viết gốc: Washington and the Art of the Possible
-HOW THE U.S. IS ASSISTING CHINA BECOME A WORLD POWER (Lankaweb).