Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Chăn nuôi Việt Nam đang chết trong hội nhập


-Son Tran 


-Chăn nuôi Việt Nam đang chết trong hội nhập


Hàng chục triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ của Việt Nam có thể bị xóa sổ với quá trình hội nhập nhanh và sâu đang diễn ra. Phải chăng Việt Nam chấp nhận hy sinh ngành chăn nuôi không có khả năng cạnh tranh, để đổi lại các mối lợi lớn hơn trong các ngành sản xuất khác.



Nỗi lo của ngành chăn nuôi

Theo số liệu chính thức Việt Nam hiện có 10,9 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi bò, cộng chung là gần 18 triệu hộ. Nhược điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là giá thành cao, do thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu với tỷ trọng lớn. Thí dụ điển hình là trong 7 tháng tính từ đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 4,1 tỷ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Ngoài ra phần lớn qui mô chăn nuôi gia đình là quá nhỏ bé, không áp dụng được công nghệ hiện đại và khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Đại học Quốc gia Hà Nội công bố hôm 9/9/2015 cho thấy, các mặt hàng sữa, thịt bò, thịt heo, gà vịt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không thể cạnh tranh khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành hình với thuế suất nhập khẩu trở về 0.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Bình ở Đồng Nai, nhận định về những nguyên nhân làm cho ngành chăn nuôi có thể bị phá sản vì không thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Ông nói:

“Tôi làm trong ngành chăn nuôi nhiều năm, thứ nhất là về năng suất tại Việt Nam rất thấp kém. Ở trong nghề chúng tôi xác định là năng suất ở Việt Nam chỉ bằng 25% đến 30% của thế giới, so sánh với nền sản xuất cao như nước Mỹ thì bằng 30%. Như vậy không thể tồn tại được. Vấn đề thứ hai, tất cả những nguyên vật liệu cơ bản như bắp, đậu nành là hai nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi thì đều nhập khẩu từ nước ngoài, từ Mỹ và Nam Mỹ là chính. Từ đó dẫn tới giá thành rất là cao. Ngoài ra con giống cũng phải nhập khẩu, những chất phụ gia thuốc thú y…cũng đều nhập khẩu hết cho nên giá thành chăn nuôi Việt Nam gần như cao nhất thế giới. Tính cạnh tranh hầu như không có và khi hội nhập nếu nói xóa xổ thì quá đáng nhưng thiệt hại rất nặng nề.”


Tất cả những nguyên vật liệu cơ bản như bắp, đậu nành là hai nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi thì đều nhập khẩu từ nước ngoài, từ Mỹ và Nam Mỹ là chính. Từ đó dẫn tới giá thành rất là cao. Ngoài ra con giống cũng phải nhập khẩu, những chất phụ gia thuốc thú y…cũng đều nhập khẩu hết

Ông Phạm Đức Bình

Hiện nay thuế suất nhập khẩu thịt các loại còn cao, trâu bò sống cũng chịu một mức thuế nhất định. Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 150.000 con bò Úc phục vụ tiêu dùng, nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm 2015 đã nhập khẩu tới 115.000 trâu bò. Riêng về sản phẩm thịt, trong 7 tháng tính từ đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 93.000 tấn thịt trâu bò dê cừu và gà. Riêng sản phẩm đùi gà đông lạnh từ Mỹ là hơn 45.000 tấn. Giá đùi gà Mỹ quá rẻ so với đùi gà công nghiệp nội địa làm người chăn nuôi lao đao.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Đức Bình dẫn thông tin đàm phán TPP với Hoa Kỳ. Theo đó Việt Nam hưởng lợi từ các ngành dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ với thuế suất bằng 0. Ngược lại Việt Nam sẽ hy sinh chăn nuôi, thuế suất bằng 0 sẽ tiêu diệt ngành chăn nuôi. Theo ông chăn nuôi bò chắc chắn phá sản vì Việt Nam không có đồng cỏ, tận dụng cỏ khô cho năng suất thịt thấp. Thịt heo thì sẽ phải cạnh tranh không chỉ từ Mỹ mà sắp tới sẽ là châu Âu. Vẫn theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, chỉ một số ít người nuôi heo theo phương thức VAC vườn ao chuồng kết hợp trồng trọt, nuôi thủy sản và nuôi heo thì mới có thể có giá thành cạnh tranh. Còn nuôi gà sẽ chỉ tồn tại những trại nuôi gà ta, gà đồi, gà tam hoàng không phải cạnh tranh sản phẩm ngoại nhập. Còn gà công nghiệp thì câu chuyện đùi gà Mỹ nhập khẩu với giá 0,9 tới 1 đô la/kg đã là sự kiện quá rõ ràng. Sản phẩm của Mỹ rẻ như thế nhưng đã được xác định là chất lượng tốt và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở đây có vấn đề tập quán tiêu dùng, giá đùi gà cánh gà ở Mỹ rẻ hơn ức gà, trong khi ở Việt Nam là ngược lại.



Một trại nuôi gà ở Hốc Môn ngoại ô Saigon



Nuôi gia công cho công ty nước ngoài

Lấy kinh nghiệm bản thân, bà Nguyễn Thị Lạc chủ trại nuôi gà công nghiệp qui mô 100.000 con ở Hốc Môn TP.HCM chọn hình thức nuôi gia công cho công ty nước ngoài. Theo đó nếu tự sản xuất bà sẽ gặp quá nhiều khó khăn vì giá thành luôn cao hơn giá thị trường. Bà Lạc cho biết công ty nước ngoài mà bà liên kết, có vùng nguyên liệu ở tây nguyên và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi rải khắp các vùng nuôi. Do vậy họ ít ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi, ngoài ra kỹ thuật nuôi an toàn sinh học được chú trọng. Bà Lạc cho rằng người nuôi gà muốn tồn tại sẽ phải liên kết với các công ty lớn và đầu tư trại nuôi hiện đại sử dụng công nghệ tin học.


Bà Lạc cho rằng người nuôi gà muốn tồn tại sẽ phải liên kết với các công ty lớn và đầu tư trại nuôi hiện đại (Công ty nước ngoài mà bà liên kết, có vùng nguyên liệu ở tây nguyên và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi rải khắp các vùng nuôi. Do vậy họ ít ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi, ngoài ra kỹ thuật nuôi an toàn sinh học được chú trọng)

“ Đầu tư nuôi kỹ thuật tự động hoàn toàn thì 15.000 con một trại nuôi giá 1,7 tỷ đồng. Trại chăn nuôi tự động giống như mô hình bên Mỹ người ta đang tổ chức chăn nuôi, là ăn tự động uống tự động, các điều kiện như nhiệt độ ẩm độ, máy tự động đưa điều kiện đó vào trong trại nuôi….cám tốt và trong điều kiện thuận lợi như vậy thì con gà phát triển rất là tốt, năng suất tốt…”

Rõ ràng việc liên kết chọn nuôi gia công cho công ty nước ngoài, tuy lợi nhuận thấp nhưng tồn tại được với chăn nuôi, như trường hợp bà Nguyễn Thị Lạc ở Hốc Môn TP.HCM.

Trong ví dụ khác, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Bình ở Đồng Nai cho biết Thanh Bình vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa có trại nuôi 20 ngàn con heo và 1 triệu con gà, nhưng nay đã phải dẹp hết để chuyển đổi kinh doanh. Ông nói:

“ Hiện nay đó là mặt tiêu cực, nhưng phải nói măt tích cực… người Việt Nam nghèo 70% làm sản xuất nông nghiệp, còn lại là thành phần ở thành thị… Nếu giá thịt heo xuống, tiêu diệt mấy triệu hộ nông dân, nhưng tôi khẳng định mấy triệu hộ nông dân này không sống bằng nghề chăn nuôi. Người ta chăn nuôi là chăn nuôi cải thiện, nuôi con heo như bỏ ống, chứ không phải nuôi heo là thu nhập chính. Với mấy triệu hộ này so 90 triệu dân thì cái nào sẽ lớn hơn. Tôi nói mặt tiêu cực mặt tích cực, ngành nuôi heo Việt Nam có thể chết nhưng quyền lợi lớn là quyền lợi của 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng giá thành thịt heo rẻ. Người Việt Nam vẫn còn đói nghèo thịt heo ăn vẫn chưa đủ, nếu giá thành thịt heo có rẻ xuống thì quyền lợi kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn, quyền lợi của 90 triệu người tiêu dùng vẫn lớn hơn.”

Phó Chủ tich Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Phạm Đức Bình kể ra một câu chuyện khá lạ lùng. Trong khi người chăn nuôi gà chống lại việc nhập khẩu thịt gà. Nhưng trên thực tế hiện nay gần như tất cả ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Từ đây đặt ra vấn đề ngươi tiêu dùng ăn thịt gà nhập khẩu từ Mỹ với giá rẻ, hay là chúng ta ăn thịt gà giá đắt tại Việt Nam mà do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sản xuất. Hai điều này chả khác gì nhau và nên ăn thịt gà Mỹ giá rẻ thì tốt hơn!






-



-Doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành chăn nuôi (18/08):
Kỳ 1: Miếng bánh siêu lợi nhuận
TT - Được xem là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp nhưng thật đáng buồn khi nhắc đến ngành chăn nuôi VN, những cái tên lớn nhất giờ đây đều thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước cho rằng đầu tư vào nông nghiệp khó thành công vì rủi ro cao thì gần 20 năm qua rất nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đạt những thành quả cực kỳ ấn tượng.
Doanh thu trên 1 tỉ USD
Trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất VN năm 2010 (VNR500), hẳn không ít người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng xếp ở vị trí thứ 23, chỉ sau những tập đoàn lớn của Nhà nước, ngân hàng lớn là một công ty kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, đó là Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN (CPVN). Càng ngạc nhiên hơn khi mới đây ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc CPVN, công bố doanh thu của công ty năm 2010 đạt 1,1 tỉ USD.
Năm 1993, CPVN (thành viên của Tập đoàn CP Thái Lan) được cấp giấy phép đầu tư vào VN với hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc và sản xuất gà giống. Đến nay, CPVN đã phát triển thành một công ty khép kín về nông nghiệp với các ngành sản xuất kinh doanh như hạt giống, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, giống heo, gà và thủy sản, thiết bị chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nuôi gia công heo, gà và chế biến thực phẩm.
Sau 18 năm có mặt tại VN, CPVN trở thành một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và chiếm thị phần lớn nhất trong nhiều ngành nghề chăn nuôi. Theo ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, hiện nay CPVN đang nắm giữ 40% thị phần thịt gà công nghiệp, 50% thị trường trứng gà công nghiệp và 18-20% thị phần thức ăn gia súc của VN. Ngoài ra, công ty này cũng đang nắm 5% tổng đàn heo (trong tổng số 32 triệu con của VN mỗi năm).
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg cũng khẳng định CPVN sẽ phát triển toàn diện và rất nhanh trong thời gian tới. Trong đó, riêng ngành sản xuất thức ăn gia súc, mỗi năm CPVN sẽ cho ra đời một nhà máy sản xuất, tiếp tục phát triển hệ thống chăn nuôi gà và heo. Ngành chế biến thực phẩm của CPVN ở Thái Lan rất thành công và công ty đang áp dụng mô hình đó tại VN bằng việc xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm ở Phú Nghĩa (Hà Nội) với công nghệ hiện đại. Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, CPVN cũng đang phát triển rất mạnh ra thị trường thủy sản bằng việc xây dựng nhà máy chế biến tôm ở Huế, tổ chức vùng nuôi trồng và nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại Bến Tre.
Phát triển “thần kỳ”
Ép đối tác?
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước, nhiều người chăn nuôi theo hình thức gia công cho Công ty CPVN đang rất bức xúc vì công ty này không cam kết đúng thỏa thuận như khi mời gọi họ đầu tư. Trong đó tập trung vào việc CPVN bán các thiết bị xây dựng chuồng trại đắt hơn 20-30% giá sản phẩm cùng loại trên thị trường, hợp đồng bắt gà sau 42-45 ngày nhưng công ty thường để đến trên 50 ngày, toàn bộ chi phí thức ăn tăng thêm và thiệt hại do gà chết vì quá ngày tuổi người dân đều phải chịu.
Trao đổi với báo chí, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg cho biết hiện tượng trên chỉ xảy ra ở một vài hộ dân trong tổng số 20.000 hộ hợp tác với công ty. Hiện ông đã chỉ đạo cho cấp dưới điều tra thiệt hại và tìm biện pháp hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi do lỗi của công ty.
Không chỉ có CPVN, hàng loạt công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh giữa VN và nước ngoài khác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đều có những bước phát triển vượt bậc và trở thành những công ty chiếm phần lớn thị phần ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi tại VN.
Trong lĩnh vực chăn nuôi gà công nghiệp, thị trường trong nước hầu như nằm trong tay ba đại gia là CPVN, Japfa và Emivest khi họ chiếm gần như toàn bộ ngành cung cấp giống gà công nghiệp, thị trường gà thịt công nghiệp và đang phát triển mạnh mẽ sang ngành chăn nuôi heo.
Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản thì ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài lại đều lên kế hoạch mở rộng sản xuất và thị phần. Trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất VN năm 2010 ngành “sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản” xuất hiện 12 cái tên thì trong đó có tới 8 công ty của nước ngoài hoặc liên doanh như: CPVN, Uni-President, Greenfeed, Cargill, New Hope, CJ Vina, Anco... Theo một chuyên gia ngành chăn nuôi, chỉ riêng nhóm các công ty lớn nhất của nước ngoài này cũng đã chiếm tới khoảng 50% tổng lượng sản xuất thức ăn gia súc của VN, còn tính chung toàn ngành thì các công ty nước ngoài chiếm đến 70% sản lượng toàn quốc.
Ông Lê Văn Hiếu, phó tổng giám đốc Tập đoàn Anco (liên doanh VN - Malaysia), cho biết cách đây 10 năm công ty khởi đầu với chỉ 10 nhân viên, bây giờ đã có đến 1.100 nhân viên, vượt hơn 100 lần. Năm thứ nhất, doanh số của Anco là 1 tỉ đồng thì 10 năm sau (2011) vượt trên 4.000 tỉ đồng, vượt hơn 4.000 lần. “Đó là một sự phát triển thần kỳ”, ông Hiếu nói.
Lợi nhuận “khủng”
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, con giống và thức ăn chăn nuôi là hai yếu tố cơ bản làm nên thành công của ngành chăn nuôi một quốc gia. Thế nhưng tại VN, những ngành này đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, hiện thị trường gà giống và gà thịt công nghiệp của VN do ba doanh nghiệp nước ngoài là CPVN, Japfa, Emivest chi phối. Chỉ tính riêng khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), mỗi tháng ba đại gia này cung cấp khoảng 6,2 - 6,5 triệu con giống. Do nắm gần như 100% thị phần gà giống công nghiệp nên giá cả cũng do ba công ty này quyết định và lên xuống thất thường khiến người chăn nuôi nhiều phen khốn đốn. Điển hình là trong tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, gà giống một ngày tuổi đã được bán với giá 26.000-27.000 đồng/con, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ NN&PTNT, thời điểm tháng 1-2011 giá gà giống chỉ ở mức 6.900 đồng/con, như vậy đến nay giá gà đã tăng trên 3,6 lần.
Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN - phân tích giá thành sản xuất con giống hiện nay chỉ khoảng 8.000-9.000 đồng/con và thông thường công ty làm con giống hưởng mức lời 30%, nhưng nay họ đang hưởng mức siêu lợi nhuận.
Dù giá cao nhưng người dân không hề dễ mua vì các công ty bán con giống kèm thêm điều kiện “đã mua gà giống thì phải mua cám của công ty”. Thông thường với mỗi con gà giống người chăn nuôi phải mua kèm 4kg cám của công ty đó.
TRẦN MẠNH
-Doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành chăn nuôi (18/08):
--kì 2
TT - Sau khi chiếm lĩnh thị trường trong nước, các công ty nước ngoài bắt đầu quyết định giá bán trên thị trường trong khi người chăn nuôi dài cổ chờ giá xuống.
Phần lớn các nguyên liệu thức ăn gia súc hiện nay đều phải nhập khẩu. Trong ảnh: sản xuất thức ăn gia súc tại Công ty Thanh Bình (Đồng Nai) -  Ảnh: T.Mạnh
Theo các đại lý phân phối, từ đầu năm đến nay các công ty đã tăng giá bán thức ăn chăn nuôi (TACN) bảy lần và lần nào cũng do một vài doanh nghiệp nước ngoài khởi xướng.
Anh Nguyễn Hồng Sơn, chủ đại lý TACN tại Gia Kiệm (Đồng Nai), cho biết phần lớn các đợt tăng giá bắt đầu từ các công ty nước ngoài như CP, Cargill... Đặc biệt, các công ty này đều tăng giá cùng thời điểm và cùng mức tăng với các loại TACN khác nhau “như có thỏa thuận từ trước”.
Tương tự, ông Trần Tuấn Thuật, tổng giám đốc Công ty sản xuất TACN Blue Star (Long Thành, Đồng Nai), khẳng định những đợt tăng giá vừa qua đều bắt nguồn từ các công ty nước ngoài. “Không một công ty sản xuất TACN trong nước nào dám chủ động tăng giá bán trước mà chỉ chạy theo sau các công ty nước ngoài” - ông Thuật nói.
Theo Hiệp hội TACN VN, việc phụ thuộc đến 70-80% nguyên liệu nhập khẩu gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp trong nước vốn không có nhiều vốn và cơ sở hạ tầng để mua tạm trữ, trong khi đây lại là lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài.
Giám đốc một công ty sản xuất TACN tại Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết các công ty thường lấy lý do giá nguyên liệu tăng để tăng giá, nhưng thời gian qua đã có một số công ty trong nước giảm giá thì các công ty nước ngoài vẫn đứng im. “Một khi đã chiếm phần lớn thị phần thì các công ty nước ngoài có thể áp đặt giá bán và người chăn nuôi phải chịu theo” - vị giám đốc này cho biết.
Do giá TACN tăng liên tục những năm qua nên bắt đầu từ ngày 15-11-2009 Chính phủ đã đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá. Thế nhưng do thiếu cơ chế giám sát nên kể từ khi chính sách trên có hiệu lực đến nay được 21 tháng thì TACN đã tăng giá 24 lần!
Không chỉ giá TACN, theo anh Sơn - một thương lái heo tại TP.HCM, giá gà và giá heo hơi trên thị trường cũng do các công ty nước ngoài định hướng. Các công ty nhỏ và người dân bao giờ cũng căn cứ vào giá bán của các công ty như Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN (CPVN) để đưa ra giá bán sản phẩm của mình. Nếu CPVN tăng 1.000 đồng/kg thì giá thị trường tăng thêm 1.000 đồng/kg và ngược lại, nếu CPVN giảm giá 1.000 đồng/kg thì giá thị trường cũng giảm thêm 1.000 đồng/kg.
* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN):
Chưa được đầu tư đúng mức
Không thể phủ nhận những tích cực mà các công ty nước ngoài đem lại cho ngành chăn nuôi VN. Với nguồn vốn dồi dào, công nghệ sản xuất tiên tiến và quy trình quản lý hiệu quả, họ đã giúp ngành chăn nuôi VN phát triển rất nhanh trong những năm qua. Và sự phụ thuộc của ngành chăn nuôi VN vào nước ngoài hiện nay là do chính sách của Nhà nước đối với ngành chăn nuôi không hợp lý. Người dân, với vai trò là trung tâm của ngành chăn nuôi, đã không được quan tâm xứng đáng.
Một đất nước nông nghiệp nhưng nhập khẩu đến 70-80% nguyên liệu chế biến TACN là bất hợp lý. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong bảy tháng đầu năm nay VN đã chi 1,4 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu (so với mức 1,38 tỉ USD của cùng kỳ năm 2010).
Để phát triển một ngành chăn nuôi mạnh, người nông dân phải là trọng tâm của các chính sách phát triển bên cạnh việc quy hoạch vùng nuôi an toàn dịch bệnh và phát triển ngành nguyên liệu chăn nuôi trong nước. Không nên tách biệt ngành chế biến TACN ra khỏi ngành chăn nuôi vì TACN là đầu vào quan trọng, chiếm đến 70% giá thành chăn nuôi. Nhà nước nên có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước một cách cụ thể, đồng thời có những chính sách bảo hộ ngành sản xuất TACN. Thật vô lý khi một số loại nguyên liệu chế biến TACN nhập khẩu vẫn đang phải chịu thuế trong khi thuế xuất khẩu bắp, khoai mì... lại bằng 0.
Muốn người dân phát triển chăn nuôi hiện đại cần có cơ chế tín dụng ưu đãi cho họ. Hiện nay giá đất nông nghiệp của VN cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, lãi suất của VN quá cao không thể đầu tư lâu dài cho chăn nuôi được. Chưa kể khi người dân xin đầu tư trang trại phải tự đầu tư đường giao thông, đường điện sẽ thu hút dân cư đến cư trú. Sau đó chính người dân mới đến lại kiện các trại chăn nuôi vì ô nhiễm môi trường và các trại chăn nuôi buộc phải dời đi chỗ khác.
* TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp - Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn):
Thiếu liên kết với nông dân
Các công ty nước ngoài thành công bởi họ có cách quản lý khoa học và cách thâm nhập thị trường chuẩn. Họ liên kết với người dân chặt chẽ và hiệu quả thông qua hệ thống nuôi gia công bằng việc cung cấp con giống, TACN, cán bộ kỹ thuật, đồng thời bảo đảm tiền công nuôi hoặc giá mua cố định cho người dân.
Ngược lại, quy trình quản lý chất lượng của các doanh nghiệp trong nước yếu hơn hẳn và hầu như không có liên kết với nông dân. VN cũng chưa có ngành sản xuất con giống chất lượng cao dù có nhiều cơ quan nghiên cứu do xuất phát điểm của chúng ta quá thấp, các đề tài nghiên cứu thiên về cơ chế hành chính phân bổ đề tài nên xa rời thực tế hoặc làm xong vẫn cất trong tủ.
Để cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước buộc phải sản xuất theo chuỗi giá trị giống như các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang làm.
TRẦN MẠNH

---------
 CÔNG TY C.P VIỆT NAM:
“Cam kết không chuyển nguyên liệu qua Trung Quốc”
Hàng hóa của C.P sản xuất ra trước tiên là ưu tiên phục vụ tiêu dùng của Việt Nam.
“Ban đầu công ty cứ nghĩ đơn giản việc mua bán hay thay đổi chủ sở hữu của C.P Việt Nam là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sau này mới biết việc thay đổi chủ sở hữu này khiến dư luận quan tâm và có ý kiến rất nhiều. Tuy nhiên, dù thương vụ đã thành công nhưng chủ sở hữu C.P Việt Nam vẫn là Tập đoàn C.P (Thái Lan)” - ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc C.P Việt Nam, cho biết. Ngày 15-8, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.P Việt Nam) đã họp báo thông tin chính thức về việc C.P Việt Nam được một công ty có trụ sở tại Trung Quốc có tên C.P Pokphand (CPP) mua lại. Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phản ánh về vụ mua bán này.
Thu phí là chuyện bình thường
. Được biết, sau khi bị mua lại, mỗi năm C.P phải nộp 3% tổng số doanh thu (gọi là phí chuyển giao công nghệ, tư vấn tài chính, kiểm toán, nhân sự…) cho tổ chức Modern State (thuộc CPP) và Tập đoàn C.P. Trước khi bị mua lại C.P có phải nộp những khoản tiền này không?
+C.P Việt Nam: 3% gọi là phí chuyển giao công nghệ. Tập đoàn có một bộ phận cung cấp giống, chuyển giao công nghệ chăn nuôi… cho các công ty con. Vì vậy tại những nước mà Tập đoàn C.P đến đầu tư thì sẽ tiến hành thu phí này để mở rộng sản xuất, nghiên cứu về sau. Trước đây Tập đoàn C.P thu phí này. Giờ đây để công việc cụ thể hơn, chúng tôi tách việc thu phí làm hai phần: một phần tập đoàn sẽ thu và một phần do CPP thu. Việc thu phí này là chuyện bình thường của các tập đoàn đầu tư tại các nước.


C.P Việt Nam đang chiếm phần lớn thị phần gà công nghiệp trong nước. Ảnh: CTV
Chi phối thị phần trứng, gà công nghiệp
. CPP nhận định việc mua lại C.P Việt Nam nhằm hỗ trợ vấn đề nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tại Trung Quốc. Đặc biệt, nhằm hợp thức hóa việc thu mua nguyên liệu của Trung Quốc diễn ra rầm rộ trong thời gian qua. Điều này có đúng không?
+ Việc mua bán này sẽ không hỗ trợ nguyên liệu cho các nhà máy của CPP tại Trung Quốc hay hợp thức hóa việc vận chuyển nguyên liệu sang Trung Quốc. Đây chỉ là thay đổi cơ cấu để thuận lợi cho đầu tư. Việc thu gom nguyên liệu chuyển sang Trung Quốc e khó vì hiện nay nguyên liệu tại Việt Nam còn đang rất thiếu. Chúng tôi khẳng định hàng hóa của C.P sản xuất ra trước tiên là ưu tiên phục vụ tiêu dùng của Việt Nam.
Ông chủ tịch của Tập đoàn C.P luôn tâm niệm ba điều khi đầu tư tại một nước nào đó. Thứ nhất là đến đầu tư nước nào thì nước đó được hưởng quyền lợi cao nhất. Thứ hai, người dân nước sở tại được hưởng quyền lợi cao nhất. Thứ ba là tạo điều kiện cho công nhân viên làm việc trong công ty.
. Việc CPP mua lại C.P Việt Nam ngoài mục đích giúp tối ưu hóa lợi nhuận thì còn giúp giảm thuế cho Tập đoàn C.P?
+ Bất kỳ công ty lớn hay nhỏ trên thế giới thì nghĩa vụ đóng thuế là điều phải suy nghĩ. Có điều chắc chắn là chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo pháp luật Việt Nam. Hằng năm chúng tôi đã đóng một số thuế cho Nhà nước Việt Nam.
. Thị phần chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của C.P Việt Nam hiện nay chiếm bao nhiêu ở Việt Nam?
+ C.P Việt Nam hiện chiếm 5% thị phần chăn nuôi heo; 40% gà công nghiệp; 50% trứng công nghiệp; hơn 18% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Còn về chế biến thực phẩm do C.P Việt Nam mới tham gia thị trường nên chỉ chiếm 1%.
Về việc C.P Việt Nam có bao nhiêu heo, gà nuôi gia công, chúng tôi khó trả lời vì đây là bí mật kinh doanh, xin được giữ kín. Chúng tôi chỉ trả lời hiện có khoảng 20.000 hộ chăn nuôi gia công heo, gà cho C.P Việt Nam.

Giá lên xuống, tai tiếng đều thuộc về C.P
Theo đại diện của C.P, giá heo biến động vừa qua là do bệnh dịch khiến thị trường khan hiếm, giá bị đẩy lên cao. Không chỉ ở VN mà ngay cả ở Thái Lan, Lào, Campuchia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là nhà đầu tư về ngành thực phẩm, nếu xảy ra biến động về giá cả, thế nào người dân cũng nhìn C.P. Và tai tiếng lại thuộc về C.P Việt Nam vì đây là công ty quá lớn về ngành này. Tuy nhiên, hiện C.P Việt Nam chỉ chiếm 5% thị phần thịt heo nên không có khả năng chỉ đạo giá cả.
TRUNG HIẾU
Giữ vị trí thống lĩnh thị trường chăn nuôi VN, nên sự kiện Công ty CP (Charoen Pokphand) Việt Nam“bị” bán 70,82% cổ phần cho CP Trung Quốc khiến không ít người đặt dấu hỏi về thương vụ bất ngờ này.

Trụ sở Công ty CPVN tại Đồng Nai.

Giữ vị trí thống lĩnh thị trường chăn nuôi VN, nên sự kiện Công ty CP (Charoen Pokphand) Việt Nam“bị” bán 70,82% cổ phần cho CP Trung Quốc khiến không ít người đặt dấu hỏi về thương vụ bất ngờ này.

Ngày 15/8, lãnh đạo Công ty CP Việt Nam (CPVN) đã giải thích câu chuyện bán cổ phần chỉ đơn giản là thay đổi về tổ chức, không liên quan đến chiến lược kinh doanh của công ty, cũng không có chuyện quyền chi phối thị trường chăn nuôi Việt Nam được chuyển sang tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Bất ổn nguồn nguyên liệu


CPVN cho rằng, việc mua bán chỉ là chuyển giao từ công ty mẹ (Tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan – CPG) sang công ty con đặt trụ sở tại HongKong. Trị giá cổ phần trong thương vụ này là 609 triệu USD. Từ đây, CP Trung Quốc (CPP), doanh nghiệp đang đứng đầu thị trường Trung Quốc, sẽ nắm giữ khả năng kiểm soát vai trò phát triển tại thị trường chăn nuôi Việt Nam.

Tại Việt Nam, CPVN đang dẫn đầu với 20% thị phần thức ăn gia súc thương mại, 5% thị phần thịt heo, 40% gà công nghiệp và khoảng 50% thị phần trứng gà. Tổng doanh thu năm 2010 của CPVN đạt 1,1 tỷ USD. Với quy mô như vậy, CP được xem là “ông lớn” tại thị trường chăn nuôi trong nước. Vì vậy, khi 71% cổ phần của CPVN được bán cho CPP, nhiều người đặt nghi vấn, thậm chí đưa ra nhiều giả thiết, như sau giữ khả năng kiểm soát, CPP sẽ dễ dàng thâu tóm nguyên liệu sắn lát, cám gạo… các sản phẩm chăn nuôi (thịt heo, gà…) từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi trong nước, đẩy giá lên cao. Lo ngại này được xem là có cơ sở, vì trong thời gian qua, các thương nhân từ Trung Quốc đẩy mạnh mua sắn lát tại Việt Nam, đồng thời giai đoạn giá heo tại Trung Quốc tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, thương lái lại ồ ạt đưa heo lên biên giới phía Bắc xuất bán hưởng chênh lệch…

Ở đâu cũng là CP?

Ông Sooksunt Jiumjaiswang Lerg, Tổng giám đốc CPVN, khẳng định, việc mua bán chỉ là sự chuyển giao vốn giữa các công ty trong tập đoàn, nhằm hướng tới việc thuận lợi huy động vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vì CPP đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán HongKong. Về bản chất, CP ở Trung Quốc hay Việt Nam vẫn thuộc về một chủ sở hữu là công ty mẹ tại Thái Lan. “Trước đây, CPVN mở rộng đầu tư và tái đầu tư từ nguồn vốn vay ở Thái Lan và lãi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do hiện nay tốc độ đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam quá nhanh, việc cung ứng vốn từ các nguồn này không kịp thời, nên cần đến huy động từ thị trường chứng khoán”, ông Sooksunt Jiumjaiswang Lerg giải thích.

Tổng giám đốc CPVN cũng khẳng định, doanh nghiệp không hề bị bán cho người Trung Quốc, toàn bộ vẫn thuộc quyền điều hành từ CP Group. Vì vậy không có chuyện dùng CPVN hỗ trợ nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi cho CP Trung Quốc. Đến nay, ngoài mặt hàng tôm ra, CP chưa xuất bất cứ một sản phẩm chăn nuôi nào sang Trung Quốc. “Công ty vẫn tiếp tục thực hiện chính sách không ngừng mở rộng kinh doanh và phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn tiên tiến, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Mọi nghĩa vụ về thuế khi thực hiện mua bán giữa công ty mẹ và công ty con sẽ theo pháp luật của Việt Nam”.

Trước thông tin thời gian gần đây, những hộ nuôi gia công cho công ty CP phải mua thiết bị bắt buộc từ chính công ty với giá cao hơn hẳn sản phẩm cùng loại bán trên thị trường; gà đến thời kỳ xuất chuồng công ty không cử người đến bắt khiến chi phí phát sinh tăng cao; gà giống chất lượng kém; nhiều công ty giảm giá thức ăn chăn nuôi nhưng CP thì không… Lãnh đạo CP ngày 15/8 cũng thừa nhận, đây là những sai sót khó tránh khỏi. Tuy nhiên, giá bán thiết bị của doanh nghiệp này có cao hơn, nhưng không cao hơn mức 30% như phản ánh, do thiết bị sản xuất của CP phải dựa trên yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, giá thành cao hơn (?!). Với những trường hợp để gà quá lứa, CP đã và đang hỗ trợ các trại nuôi bù đắp chi phí hao hụt.

Báo Đất Việt


www.vinacorp.vn



Tổng số lượt xem trang