Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Dự án nhà máy DAP Đình Vũ: Luật và lợi ích nhóm

Dự án nhà máy DAP Đình Vũ
- Luật và lợi ích nhóm(SGTT).
SGTT.VN - Bộ Công thương rốt cuộc đã chọn phương án thứ hai: một loạt thủ tục đã và đang được tiến hành; dự kiến thông tư liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng phân bón sẽ được sửa theo hướng mà chắc chắn sẽ là lối ra tốt nhất cho nhà thầu trong hoàn cảnh này.
Câu chuyện một lần nữa làm dấy lên mối quan ngại, đã được cảnh báo từ lâu, về sự tác động của các nhóm lợi ích đối với hoạt động làm luật, về nguy cơ sử dụng công cụ luật pháp để phục vụ chủ yếu cho lợi ích riêng của người này, nhóm nọ.

Nhà máy sản xuất phân bón hoá chất DAP Đinh Vũ (Hải Phòng) được nhà thầu Trung Quốc xây dựng, với cam kết sẽ cho ra sản phẩm phân bón có hàm lượng dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn Việt Nam là 64%. Nhà máy đã hoàn thành và đi vào vận hành; nhưng sản phẩm chỉ đạt tỷ lệ dinh dưỡng 61%. Nhà thầu bị phạt một số tiền lớn do vi phạm cam kết theo hợp đồng; ngoài ra, ở một số địa phương, nhà chức trách tạm giữ sản phẩm của nhà máy không cho lưu hành, do không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tất nhiên câu chuyện không thể dừng lại ở đây bởi nhà máy vẫn còn nguyên đó và chỉ có khả năng sản xuất được thứ phân bón có chất lượng chưa đạt chuẩn. Chỉ có hai cách giải quyết số phận của nó, cũng như của lứa sản phẩm đầu đang bị phong toả ở nhiều nơi mà tổng giá trị chắc không nhỏ. Đó là buộc nhà thầu Trung Quốc phải thay thế hoặc cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện hữu để bảo đảm sản xuất được phân bón đạt chuẩn; hoặc chính các quy định hiện hành về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm phải được sửa để phân bón mà nhà máy làm ra trở nên hợp pháp và do đó, được phép lưu thông.
Được biết bộ Công thương rốt cuộc đã chọn phương án thứ hai: một loạt thủ tục đã và đang được tiến hành; dự kiến thông tư liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng phân bón sẽ được sửa theo hướng mà chắc chắn sẽ là lối ra tốt nhất cho nhà thầu trong hoàn cảnh này.
Tạm để qua một bên các nội dung tranh cãi trên bình diện khoa học xoay quanh việc ấn định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hợp lý. Câu chuyện một lần nữa làm dấy lên mối quan ngại, đã được cảnh báo từ lâu, về sự tác động của các nhóm lợi ích đối với hoạt động làm luật, về nguy cơ sử dụng công cụ luật pháp để phục vụ chủ yếu cho lợi ích riêng của người này, nhóm nọ.
Với cơ chế làm luật đang vận hành, xã hội không thể biết việc sửa đổi một thông tư để hạ chuẩn hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón từ 64% xuống còn 61% là kết quả của các cuộc thảo luận, tranh luận nghiêm túc, vô tư và không vụ lợi, hay do nguyên nhân gì khác.
Ở các nước tiên tiến, người ta chính thức hoá, hợp pháp hoá việc những người có lợi ích liên quan vận động người làm luật ra những điều luật có lợi cho mình bằng cách đặt nó trong một khung pháp lý chặt chẽ. Ai cũng có quyền vận động, nhưng phải công khai, minh bạch và đúng luật chơi.
Ở nhiều nước, người ta nhận ra từ rất sớm sự cần thiết của việc bảo đảm tính khách quan, hợp lý và công bằng của luật pháp. Đặc biệt trong trường hợp quy tắc pháp lý được làm ra để giải quyết xung đột lợi ích, thì dứt khoát không thể để mặc cho người soạn thảo quy tắc tự mình cân phân, đánh giá và quyết định phương án giải quyết vấn đề. Lý do là bản thân người soạn thảo luật cũng có những lợi ích của riêng mình và không loại trừ khả năng lợi ích mà người này theo đuổi cũng đang tham gia vào cuộc xung đột ấy.
Ngay nếu như các lợi ích liên quan là của người khác, thì những người có lợi ích thường không ngồi yên để chờ đợi quyết định của người làm luật, theo kiểu may nhờ rủi chịu. Họ chủ động tìm cách tác động, chi phối ý chí của người soạn thảo quy tắc, nhằm thúc đẩy việc cho ra đời các chuẩn mực có lợi cho mình. Người soạn thảo luật khi đó có thể đứng trước những cám dỗ; và nếu đứng một mình, không bị ai tò mò theo dõi, giám sát, thì người soạn luật rất dễ bị mua chuộc rồi đưa ra những phương án thiên lệch, thậm chí bất công.
Thực ra, không có lý do gì cấm những người có lợi ích liên quan vận động người làm luật ra những điều luật có lợi cho mình. Ở các nước tiên tiến, người ta chính thức hoá, hợp pháp hoá việc vận động ấy bằng cách đặt nó trong một khung pháp lý chặt chẽ. Ai cũng có quyền vận động, nhưng phải công khai, minh bạch và đúng luật chơi.
Đặc biệt, trong điều kiện tất cả các lợi ích liên quan đều chính đáng, luật có thể dự kiến việc tổ chức cho các nhóm lợi ích thực hiện tranh luận công khai, trực tiếp và đa phương với sự hiện diện của người chịu trách nhiệm biên soạn luật. Kiểu giao tiếp ấy, theo mô hình tranh luận trước toà án trong khuôn khổ một xung đột tư pháp, cho phép người làm luật có được thông tin đầy đủ nhất, từ đó có điều kiện xây dựng giải pháp làm luật thể hiện sự cân bằng giữa các lợi ích trái ngược.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
-  - Nhóm lợi ích và tân Bộ trưởng Bui Quang Vinh (VnEconomy). “kể lại quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp Nhà nước vào năm 2003, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho hay, ông cảm thấy ‘bất lực’ về luật này khi số đại biểu Quốc hội là doanh nghiệp nhà nước rất nhiều nên đã hướng được cả một dự án luật ‘thuận’ về phía hướng có lợi nhiều hơn cho họ. ‘Ngay khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước được thông qua, anh Lê Huy Ngọ, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bảo tôi là: ‘Anh Phúc ơi, luật này sẽ biến tất cả chúng mình thành ‘đười ươi giữ ống’ cả thôi!’”
--Vụ nhà thầu Trung Quốc bị phạt: Rút kinh nghiệm khi chọn nhà thầu (TNO) Liên quan đến vụ nhà thầu Trung Quốc thi công gói thầu EPC dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng) vừa bị phạt 6 triệu USD do vi phạm các cam kết trong hợp đồng, ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương cho biết, đây là bài học kinh nghiệm cho việc lựa chọn nhà thầu, lãnh đạo Bộ và Cục sẽ họp rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực để triển khai các dự án trọng điểm khác.
--Nhà thầu Trung Quốc phải trả 6 triệu USD TT --Một nhà thầu Trung Quốc bi phạt trên 120 tỉ đồngSGTT.VN - Bộ Công thương cho biết, nhà thầu EPC (Trung Quốc) dự án sản xuất phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng) đã chấp nhận chịu bị phạt trên 120 tỉ đồng do vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng.

-Hạ tiêu chuẩn Việt Nam để sản phẩm đạt yêu cầu?
SGTT.VN - Cục trưởng cục Hoá chất (bộ Công thương) Phùng Hà cho biết, vì sản phẩm phân bón của nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về hàm lượng dinh dưỡng 64% nên có nhiều địa phương phía Nam đã tạm giữ sản phẩm, không cho lưu thông.
Cục đã xin ý kiến Chính phủ, các bộ và đã được đồng ý để tới đây sửa thông tư về điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón thì sẽ điều chỉnh tỷ lệ này xuống 61%, để sản phẩm của DAP Đình Vũ được lưu thông trên thị trường.
Thưa ông, tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã phạt nhà thầu Trung Quốc khi thi công dự án nhà máy phân bón DAP Đình Vũ, trong đó có lỗi sản phẩm không đạt chất lượng so với tiêu chuẩn, cục có nắm được?
Để đi đến biên bản phạt nhà thầu thì chủ đầu tư và nhà thầu EPC đã làm việc với nhau cả tháng trời đàm phán, thống nhất. Trong thời gian đó cục Hoá chất có cử cán bộ của cục tham dự các buổi làm việc nêu trên nên chúng tôi nắm được.
Có nhiều quan ngại nhà thầu Trung Quốc năng lực kém?

Nguyên nhân thì chưa có kết luận. Nhưng việc hàm lượng dinh dưỡng không đạt chỉ tiêu thì nhà thầu nói do chất lượng quặng của ta kém, quặng lúc đem thử thì đạt tỷ lệ cho sản phẩm 64% nhưng quặng cho sản xuất thì khai thác đại trà, chất lượng kém hơn. Cái này đúng là một thực tế.
Việc sản phẩm không đạt chỉ tiêu như thế, liệu có lo ngại sau này sản phẩm ra thị trường không đảm bảo chất lượng?
Dự án nhà máy DAP Đình Vũ là dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, với mức đầu tư hơn 172,3 triệu USD, công suất 330.000 tấn/năm. Nhà máy được khởi công ngày 27.7.2003, ký hợp đồng EPC từ năm 2005. Ngày 11.4.2009, dự án đã cho ra mẻ sản phẩm phân bón đầu tiên, nhưng việc nghiệm thu và bàn giao nhà máy đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Phân bón DAP có hai thành phần: đạm và lân, đạm 46%, lân 18% (hoặc tỷ lệ 48 – 16), tóm lại hàm lượng 64% là cao nhất. Tuy nhiên ở một số nước thì DAP cũng dùng hàm lượng dinh dưỡng từ 50 trở lên. Như vậy chỉ chênh về hàm lượng dinh dưỡng. Ví dụ phân đa thành phần NPK cũng có rất nhiều loại, có loại tỷ lệ hàm lượng chất dinh dưỡng dao động từ rất cao 20 – 20 – 15 nhưng cũng có loại hàm lượng thấp hơn nhiều (thí dụ 8 – 2 – 8, 8 – 8 – 4). Tất nhiên chất lượng chênh nhau cũng có, nhưng ở đây là hàm lượng dinh dưỡng giảm xuống một tí, song không đáng kể.
Trong thông tư quy định về sản xuất và kinh doanh phân bón quy định phân bón DAP phải đạt hàm lượng dinh dưỡng 64% mới được lưu hành trên thị trường. Vì thế mà vừa rồi chi cục quản lý thị trường của mấy tỉnh ở miền Nam giữ sản phẩm này lại vì không đạt tỷ lệ này. Chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ, các bộ và đã được đồng ý, tới đây sửa thông tư sẽ điều chỉnh tỷ lệ này xuống 61%.
Trước đó, chủ đầu tư cũng đã có hội thảo khoa học, có biên bản của hội đồng các nhà khoa học đồng ý chấp nhận để 61%. Cái chính là nghiệm thu có điều kiện để nhà máy sớm đi vào sản xuất, hoạt động, cung cấp sản phẩm cho nông nghiệp, nông thôn, vì hiện nay nước ta phải nhập khẩu từ 600.000 – 700.000 tấn DAP/năm..
Liệu cục có kiến nghị gì để không lặp lại tương tự, vì đây không phải là công trình duy nhất do nhà thầu Trung Quốc xây dựng?
(cười)... Về vấn đề này lãnh đạo bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo và chắc chắn chủ đầu tư cũng rút ra được bài học.
Chí Hiếu (thực hiện)

-Nguồn: SGTT: Hạ tiêu chuẩn Việt Nam để sản phẩm đạt yêu cầu? 

-Phạt thì phạt nhưng vẫn nghiệm thu (17/08)
SGTT.VN - Sau sự kiện nhà thầu EPC (Trung Quốc) thi công dự án sản xuất phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng) bị chủ đầu tư là tập đoàn Hoá chất Việt Nam phạt 6 triệu USD (trên 120 tỉ đồng) do vi phạm hợp đồng, ngày 16.8, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Hoàng Văn Liễu – tổng giám đốc công ty TNHH MTV DAP – Vinachem, đơn vị chủ đầu tư nhà máy DAP Hải Phòng xung quanh vấn đề này.
Ông Hoàng Văn Liễu. Ảnh: Quốc Dũng
Ông Liễu cho biết, sau quá trình thương thảo, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu phải trừ vào hợp đồng một khoản tiền tương đương 6 triệu USD. Nhưng đó không phải tất cả là tiền bồi thường, mà còn gồm tiền họ phải trừ lại để chủ đầu tư tự khắc phục một số tồn tại sau chạy thử.
Cụ thể phân chia khoản tiền này ra sao, thưa ông?
Có ba khoản, trong đó một khoản là bồi thường 2,9 triệu USD vì một số chỉ tiêu về hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm không đạt so với cam kết khi nhận thầu. Nhà thầu (tập đoàn Xây dựng hoá chất quốc gia Trung Quốc) cũng chấp nhận một phần lỗi trong việc chậm tiến độ dự án, và chịu phạt 2 triệu USD. Tổng cộng hai khoản phạt này là 4,9 triệu USD. Khoản cuối cùng, một số phần việc mà chủ đầu tư đã đồng ý nhận khắc phục. Tổng giá trị những phần việc này là khoảng hơn 1 triệu USD.
Đương nhiên họ không dễ dàng chấp nhận, ban đầu ta yêu cầu bồi thường gần 10 triệu USD, họ đưa ra một số lý do. Sau khi cân nhắc, ta chấp nhận chốt mức 6 triệu USD.
Những lý do họ đưa ra là gì, thưa ông?
Có hai lý do chính, liên quan tới chất lượng sản phẩm và tiến độ dự án. Trong đó có việc thành phần nguyên liệu quặng apatit của ta chưa đảm bảo đúng theo yêu cầu ban đầu. Phần nữa là việc nâng cao hàm lượng sản phẩm lên lại đòi hỏi thời gian, và vì thế ta chọn giải pháp phạt tiền và tự mình thực hiện. Việc chậm tiến độ là do sau khi ký hợp đồng xong (31.12.2005), các ngân hàng thương mại lại không thu xếp được đủ vốn. Đến tháng 10.2006, sau khi được Thủ tướng đồng ý cho vay từ ngân hàng Phát triển Việt Nam thì dự án mới có vốn để triển khai thực hiện.
Hơn nữa, khi tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu chính (EPC), do yêu cầu cao về kỹ thuật và giá gốc chào lại thấp, nên đã phải đàm phán với nhà đầu tư và phải hai lần xin ý kiến Thủ tướng. Cuối cùng sau hai năm mới chọn được nhà thầu. Thực tế từ khi chính thức khởi công (3.2007) đến khi dự án ra sản phẩm đầu tiên (4.2009) mất hơn 25 tháng. Cộng với việc biến động giá thiết bị, công nghệ, khủng hoảng kinh tế... nên dự án bị chậm tiến độ. Đây phần lớn là nguyên nhân khách quan, nên phạt nhà thầu ở mức như vậy là có thể chấp nhận được.
Thưa ông, vậy lựa chọn thiết bị sản xuất có là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm không đạt như cam kết?
Chất lượng sản phẩm, mức độ tiêu hao năng lượng... nhà máy DAP Đình Vũ do nhà thầu Trung Quốc thi công không đạt. Ảnh: Quốc Dũng
Đây là gói thầu EPC (thiết kế, mua sắm, lắp đặt, vận hành và chuyển giao), tức là nhà thầu có toàn quyền trong các khâu đã nêu ở trên. Chủ đầu tư nghiệm thu kết quả cuối cùng. Trong quá trình thực hiện nhà thầu có trách nhiệm phải giải trình, báo cáo trên cơ sở những tiêu chuẩn về thiết bị do chủ đầu tư yêu cầu liên quan đến bản quyền công nghệ. Nhà thầu Trung Quốc đã thực hiện đúng như thế. Chúng tôi cũng thuê đơn vị kiểm định độc lập kiểm tra thiết bị, cái nào đúng mới cho lắp đặt. Sau khi bàn giao dự án, nhà thầu có trách nhiệm bảo hành trong hai năm. Thực tế trong quá trình xây dựng chúng tôi cũng thuê tư vấn giám sát việc nhập thiết bị của nhà thầu. Thiết bị có đúng thì mới cho nhập và lắp đặt.
Cụ thể việc sản phẩm không đạt hàm lượng như cam kết là gì, thưa ông?
Khi xây dựng dự án, ta và nhà thầu đều thống nhất sản phẩm phân bón do nhà máy DAP Hải Phòng sản xuất ra phải có hàm lượng dinh dưỡng 64%. Tức là sản phẩm được xếp loại đặc biệt của Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm của nhà máy có hàm lượng là 61%, bằng với chất lượng phân bón loại 1 nhập khẩu từ Trung Quốc, như vậy không đạt so với cam kết dự thầu...
Về nguyên tắc, khi chưa bàn giao nhà máy thì vấn để hàm lượng sản phẩm này vẫn là trách nhiệm của nhà thầu. Nhưng nếu kéo dài quá thì không phát huy được hiệu quả đầu tư và không có đủ phân bón phục vụ nông nghiệp, nên ta chấp nhận nghiệm thu với điều kiện là chất lượng đạt 61%. Sau đó ta sẽ tìm biện pháp để tiếp tục nâng chất lượng sau.
Với chất lượng này thì khả năng nhà máy có đạt kết quả hoạt động như dự kiến tại dự án không, thưa ông?
Ngoại trừ các vấn đề nêu trên thì nhà máy hoạt động rất tốt. Năm 2009, chúng tôi đã sản xuất được gần 60.000 tấn DAP chỉ sau nửa năm chính thức vận hành có tải nhà máy. Năm 2010, đã sản xuất được 156.000 tấn, doanh thu gần 1.300 tỉ đồng, bắt đầu ngay được quá trình trả nợ ngân hàng và đã có lãi 33 tỉ đồng. Năm 2011, kết thúc bảy tháng, chúng tôi đã sản xuất được 120.000 tấn sản phẩm, doanh thu 1.300 tỉ đồng và lợi nhuận trên 200 tỉ đồng. Cho đến nay chúng tôi đã trả được hơn 557 tỉ đồng tiền gốc trong tổng số 1.750 tỉ đồng vay xây dựng nhà máy rồi.
Quốc Dũng thực hiện

Tổng số lượt xem trang