Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

50 đặc sản quà tặng Việt Nam

-Công bố 50 đặc sản quà tặng Việt Nam
(Petrotimes) - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sau thời gian triển khai Hành trình tìm kiếm Top đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất đã nhận được nhiều đề cử từ các địa phương, các đơn vị ngành du lịch, du khách trong và ngoài nước và cộng đồng kỷ lục gia trên toàn quốc.


Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trân trọng công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1-2013). Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đã gửi hồ sơ đề cử 10 đặc sản quà tặng Việt Nam đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã có thư xác nhận 9 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á bao gồm Bánh đậu xanh (Hải Dương), Chè Thái Nguyên, Sâm Ngọc Linh...
Một số quà tặng được công bố trong dịp lần này:
Bánh phu thê - Bắc Ninh

Bánh phu thê được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.
Kẹo dừa – Bến Tre
Kẹo dừa là một loại kẹo được chế biến từ nguyên liệu chính là cơm dừa và đường mạch nha. Đây là loại kẹo đặc sản và là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ sở. Việt Nam có nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa.
Mực một nắng – Bình Thuận
Người ta tuyển chọn kỹ loại mực lá, phơi nắng một ngày. Sau đó, mực gói lại kỹ càng rồi ướp đá. Trước đây, mực Phan Thiết được đông lạnh, bán tươi hoặc làm khô. Người ta nói rằng: có lần, ngư dân khai thác mực lấy mực thảy lên mui ghe cho ráo để chế biến. Vô tình, ăn mực phơi này thấy ngon, ngọt nên mới trở thành “đặc sản”. Từ đó mực một nắng được đưa vào bờ, xuất hiện trên mâm cơm của gia đình ngư phủ hoặc lên thực đơn ở những nhà hàng
Táo mèo – Hà Giang
Vùng cao Hà Giang có cây táo rừng, thuộc dạng cây nhỏ, nhiều gai, có hoa màu trắng nở vào mùa Xuân. Trái táo rừng chín vào cuối thu (tháng 9 - 10). Người Mèo và người Mông thường len lỏi trong các vùng núi để thu hái loại trái cây này làm thức ăn, hoặc xắt mỏng phơi khô bán cho người làm thuốc, ngâm rượu. Trái táo rừng còn xanh được gọt vỏ, chẻ tư làm dưa muối, hoặc ngâm đường chắt nước làm nước giải khát, hoặc ướp men cho một thứ rượu nhẹ giống như rượu cần. Trái chín có thể ăn như táo, lê, làm mứt hay ô mai cay.
Bánh đậu xanh
Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh được đóng theo cách: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1 cm) nặng 45 gam.
P.V

-Công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam
cand.com
18:38:00 04/12/2013
Sau một thời gian triển khai Hành trình tìm kiếm Top đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings cho biết đã nhận được rất nhiều đề cử từ các địa phương, các đơn vị của ngành du lịch, du khách trong và ngoài nước và cộng đồng kỷ lục gia trên toàn quốc. Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ và thực tế, VietKings chính thức xác nhận Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất.
Các đặc sản đó là: Đường Thốt Nốt, khô cá lóc (tỉnh An Giang), Cá thu một nắng, mứt hạt bàng (Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu), mì chũ (Bắc Giang), bánh phu thê (Bắc Ninh), bánh phồng sữa dừa, kẹo dừa (Bến Tre), mực một nắng, nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), chè đắng (Cao Bằng), khô mè Cẩm Lệ (Đà Nẵng), cà phê Buôn Ma Thuột, măng le khô (Đăk Lăk), bánh phồng tôm Sa Giang và nem Lai Vung (Đồng Tháp), mật ong (Gia Lai), táo mèo (Hà Giang), cốm xanh (Hà Nội), kẹo Cu Đơ (Hà Tĩnh), bánh đậu xanh (Hải Dương), măng đắng (Hòa Bình), tương Bần (Hưng Yên), nước mắm nhĩ Nha Trang, Yến sào (Khánh Hòa), tiêu Phú Quốc (Kiên Giang), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), Atisô, mứt Đà Lạt và chè Bảo Lộc (Lâm Đồng), kẹo sìu châu (Nam Định), nhung hươu, tương Nam Đàn (Nghệ An), nem Yên Mạc (Ninh Bình), kẹo mạch nha, quế Trà Bồng, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), chè vằng (Quảng Trị), bánh in, bánh pía (Sóc Trăng), bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh cáy (Thái Bình), chè (Thái Nguyên), chè lam Phủ Quảng (Thanh Hóa), mè xửng, tôm chua (Huế), chè san tuyết Suối Giàng (Yên Bái).
Ngoài Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam, hiện tại VietKings đã gửi hồ sơ đề cử 10 đặc sản quà tặng Việt nam đến tổ chức kỷ lục Châu Á. Hiện tại, tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã có thư xác nhận 9 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á  ..

-Đèn trung thu 'tuyệt chủng' ở làng nghề truyền thống
-Còn nửa tháng nữa là tới rằm trung thu nhưng suốt dọc làng Vác - nơi từng nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao - không thể mua được một chiếc đèn hay bắt gặp người dân nào làm loại đèn truyền thống này nữa.
> 7x, 8x luyến tiếc trung thu thời 'tự chế'
Làng Vác (hay còn gọi là thôn Canh Hoạch) thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km, vốn nổi tiếng khắp nơi nhờ những đôi bàn tay tài hoa, tạo ra các sản phẩm thủ công từ mây, tre, giấy như đèn ông sao, quạt giấy, lồng chim... Nhưng nay thì khắp các ngõ nhỏ tới đường lớn, có thể dễ dàng gặp những người đàn ông phơi trần vót nan, làm đáy lồng chim, hay các cửa hiệu bán lồng chim, trong khi xe tải xếp hàng đợi bốc mặt hàng này chở đi khắp nơi bán. Tuyệt nhiên không còn ai làm đèn ông sao nữa, dù rằm trung thu sắp tới.

Cụ Nguyễn Văn Thích, 85 tuổi, từng phụ trách làng nghề thủ công ở địa phương, cho biết, nghề làm đèn ông sao có tại làng Vác từ hàng trăm năm trước. Ở gia đình cụ, nghề này đã được truyền qua 5 đời.
"Trước đây, từ rằm tháng 7, người lớn trẻ con đã nô nức làm đèn rồi. Từ mùng 10 tháng 8 trở đi là bắt đầu chở đi các chợ lân cận bán cho tới tận hôm rằm. Đêm trung thu, bọn trẻ háo hức mang đèn (thường do chính ông bà, bố mẹ tự làm) đi rước rộn rịp làng trên xóm dưới. Giờ thì hầu như cả làng không ai làm nữa, vì chẳng ăn thua gì", cụ tâm sự.

Cụ Nguyễn Văn Thích, 85 tuổi, làng Vác vừa tỉ mẩn chuốt mây vừa bồi hồi nhớ lại những ngày giáp trung thu những năm trước - khi cụ và gia đình còn tất bật làm đèn trung thu. Ảnh: Minh Thùy.
Vừa chuốt lại sợi mây làm khung hàng mã, cụ Thích vừa thủ thỉ, bản thân cụ đã 5 năm rồi không tự tay làm đèn ông sao nữa. "Giờ cả làng quay sang làm lồng chim, tôi mà còn trẻ, tôi cũng làm. Nhưng giờ già rồi, ai đặt hàng mã thì làm, cho đỡ buồn chân, buồn tay, lại không phải phiền con cái", cụ nói.
Theo nhiều nghệ nhân già của làng, nghề làm đèn ông sao ở làng Vác mai một và khoảng 5 năm lại đây thì hầu như "chết" hẳn do không đảm bảo về thu nhập. Trước đây, trong những ngày nông nhàn tháng 8, bà con làng Vác vốn nổi tiếng khéo tay, làm đèn trung thu chỉ là để kiếm lấy cái cỗ rằm cho con, cho cháu, chứ chẳng ai giàu vì nghề này. Nhưng cuộc sống hiện đại, con người ngày càng phải lo cơm áo, nên không thể mãi theo cái nghề chẳng giúp cuộc sống của họ khá lên.
"Làm đèn không khó, nhưng cũng phải tỉ mỉ, chịu khó. Nếu đã quen tay thì ngày cũng làm được 10 chiếc. Trước đây, mỗi chiếc bán 500-1.000 đồng, mấy năm nay thì lên giá được 2.000-3.000 đồng nhưng cũng chẳng bõ bèn gì. Đi bán đèn cũng vất vả, vừa cồng kềnh, lại không thể bày ở cửa hàng cửa hiệu nào, cứ đứng vạ vật góc chợ, bên đường, trời nắng đã khổ, trời mưa thì đèn hỏng hết. Trong khi, nếu làm lồng chim, anh mới học việc cũng kiếm được 100.000 mỗi ngày, còn anh nào thạo, lại chịu khó có khi thu tới 400-500 nghìn", nghệ nhân thổ lộ.

Một người đàn ông làng Vác đang lắp lô đèn lồng bằng nhựa mới chuyển về để trưng bán tại chợ làng. Ảnh: Minh Thùy.
Cụ Thích cho hay, dịp trung thu gần đây, chỉ còn vài người làng làm đèn ông sao cho con, cháu chơi, chứ không ai bán nữa. "Năm nay tôi bận nên cũng chẳng làm cái nào cho đám cháu, kệ bố mẹ chúng nó thích thì làm, không lại đi mua", cụ nói.
Đang cặm cụi vót nan làm đáy lồng chim trong nhà, khi có người hỏi mua đèn ông sao, anh Lê Văn Thắng, xóm Trần Phú, làng Vác ngẩn người hồi lâu mới nói: "Giờ chẳng ai còn ngồi làm đèn nữa đâu".
Anh cũng chỉ dẫn thêm: "Nếu muốn mua, cứ lên chợ ngã tư, hỏi nhà Sinh Mừng, họ có nhiều lắm, toàn là đèn Trung Quốc làm, gọn nhẹ, về mình chỉ việc lắp đế với thân vào là xong".
Tại một cửa hàng tạp hóa ở chợ Vác, các loại đèn lồng của Trung Quốc được bày la liệt, không thấy bóng dáng một chiếc đèn truyền thống nào. Người bán hàng cho biết: "Đèn giấy trưng ra làm gì, có lãi lời gì mấy đâu, lấy về ít hàng gọi là có".
Ông Nguyễn Văn Nghệ, nghệ nhân nổi tiếng ở làng Vác bày tỏ: "Gia đình tôi cũng bỏ nghề làm đèn ông sao từ lâu lắm rồi, không nhớ là khi nào nữa. Chúng tôi phải chuyển đổi cho phù hợp với kinh tế thị trường, cái gì thịnh hành thì làm thôi". Hiện gia đình ông là một trong những hộ có kinh tế khá giả trong địa phương nhờ nghề làm lồng chim.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Ký (trái) bên một chiếc đèn kéo quân do ông làm cho Lễ hội Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam năm 2009. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Vẫn nằm trong huyện Thanh Oai, cách làng Vác hơn 10 km có thôn Đàn Viên (xã Cao Viên) từng nổi tiếng với nghề làm đèn kéo quân, nhưng nay hầu như cũng không còn ai theo nữa. Cùng với đèn ông sao, đèn kéo quân là một trong những món đồ chơi dân gian có từ lâu đời của Việt Nam.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Ký, người được gọi là "vua đèn kéo quân", tác giả của chiếc đèn khổng lồ, cao gần 7m, rộng gần 2,6m, từng lập kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2006, cho biết chiếc đèn kéo quân khổng lồ ấy đã hỏng bởi không có đơn vị nào nhận trưng bày vì chiếm diện tích quá lớn.
Ông Ký kể nghề làm đèn kéo quân được truyền nối trong gia đình cũng qua nhiều đời. Trước đây, trong làng ông cũng có nhiều người làm, vừa để cho trẻ con vui trung thu, vừa đem bán, nhưng nay hầu như không ai còn theo nghề nữa. "Giờ người làng có nhiều nghề khác kiếm ra tiền hơn", ông nói.
Bản thân ông giờ cũng chỉ làm đèn theo đơn đặt hàng của các đơn vị, địa phương trong những dịp tổ chức các sự kiện lớn để trưng bày. Ngoài ra, vì là chiếc đèn có khả năng hiển thị hình ảnh nhờ hiệu ứng chuyển động không ngừng, với màu sắc, hình ảnh lung linh nên đèn này cũng được nhiều quán cà phê, hàng ăn, khách sạn ưa chuộng dùng trang trí...
Ngoài làm đèn kéo quân, ông ký còn nổi tiếng về tài làm hiệu ứng khói lửa, pháo bông trong các sự kiện... và đi phục vụ liên tục suốt các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Thái Nguyên...
"Ý nghĩa đầu tiên của đèn là một loại đồ chơi cho trẻ con vào dịp trung thu. Tôi biết các cháu cũng rất thích đèn này, như tôi và bọn trẻ trong xóm hồi xưa từng háo hực, rộn rịp rước đèn mỗi đêm rằm. Nhưng giờ tôi bận quá, không có thời gian làm đèn cho trẻ nữa", nghệ nhân 56 tuổi thổ lộ.
Ông cho biết, ông đã dạy cho một người con trai của mình biết làm đèn và hy vọng anh sẽ theo nghề nhưng hiện tại anh cũng bận với công việc riêng nên chưa mặn mà gì.
Hà Nội những ngày cận rằm tháng tám đâu đâu cũng thấy rực rỡ hình ảnh những chiếc đèn lồng, bánh trung thu... bắt mắt, nhưng để tìm được những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao từ các làng nghề truyền thống lại không dễ dàng. Điều này khiến không ít người nao lòng tiếc nuối.
Minh Thùy

Tổng số lượt xem trang