Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Sinh viên bị bảo vệ tổ dân phố đánh dã man

-Chức phận và chứng ngộ quyền
Khi bảo vệ dân phố “ra tay”…
Một vụ việc đang gây bất bình, phẫn nộ dư luận, báo chí mấy ngày qua là việc các BVDP khu vực tổ 13, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã hành hung dã man 4 sinh viên (SV) học Trường trung cấp Xây dựng miền Trung mới chuyển về đây, bằng cách dùng gậy đánh, chích điện và xịt hơi cay khiến 1 trong 4 SV ấy phải nhập viện điều trị đặc biệt vì bị toác đầu, bỏng nặng.

Những chuyện gây phẫn nộ về kiểu hành xử của dân phòng đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng sự việc sẽ còn tiếp diễn nếu như BVDP không nhận thức chính xác về chức phận và quyền hạn của mình. Sự việc hành hung 4 SV trên được báo chí mấy ngày qua tường thuật lại như sau: 4 SV vừa chuyển đến nhà bà Tuyết tại tổ 13 phường Hòa Hiệp Nam vào ngày 6-8-2011. Đến 20 giờ cùng ngày, 4 chàng SV xa quê này xin phép bà Tuyết tổ chức một bữa thưởng thức loại rượu từ quê mang vào để chiêu đãi các bạn khác cùng chỗ trọ. Tiệc vui ngày đầu gặp mặt và mừng thuê được nơi ở mới, xe mới diễn ra trong vòng 1 giờ 30 phút, sau đó 4 SV này dọn dẹp sạch sẽ vào phòng chuẩn bị đi ngủ. Thế nhưng, khoảng 22 giờ thì một nhóm BVDP đến nhắc nhở nhóm SV về việc nhậu nhẹt vừa rồi.
Trong lúc nhóm bảo vệ lớn tiếng và nhóm SV có lời qua tiếng lại, thì một BVDP tên Thành dùng gậy xông vào đánh toác đầu SV tên Thi. Một SV nhảy vào can và bị một bảo vệ khác đánh vào tay mạnh đến mức gãy gậy. SV Thi vừa bị đánh toác đầu lại bị chính bảo vệ Thành dùng bình xịt hơi cay xịt vào người và bị một bảo vệ khác dùng roi điện chích vào người, tia lửa điện khiến da thịt của Thi cháy sém.
Nghe câu chuyện xảy ra, người ta hình dung ngay đến việc một nhóm giang hồ đang thanh toán kẻ thù “không đội trời chung”, chứ không phải là việc BVDP đánh SV một cách dã man chỉ vì SV này phản ứng lại việc các BVDP lớn tiếng. Thật không thể hiểu hà cớ gì nhóm BVDP này lại nổi nóng mà hành động vũ lực đến như vậy? Trưởng Công an phường Hòa Hiệp Nam cho rằng, khi các bảo vệ tổ dân phố đến nhắc nhở thì bị các SV gây sự. Ông này còn nói: “SV bị thương (tên Thi) đã côn đồ và hung hăng, xông vào đánh anh em bảo vệ nên các anh mới xịt hơi cay, trong anh em mình có người hút thuốc nên bắt lửa”. Một lý do hết sức phi logic và phi nhân tính. Tuy nhiên, Trưởng Công an phường không hề đề cập đến vết đánh bằng gậy làm rách toạc da đầu cậu SV, cũng không giải thích lý do dùng roi điện chích các SV này. Vì có lẽ ông biết rằng, các dân phòng này đã vi phạm nghiêm trọng quyền hạn trong quy chế công tác của một BVDP?
Quyền hạn đè bẹp chức phận
Có lẽ bất kỳ một BVDP nào cũng đã được đào tạo cơ bản về quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Với vụ việc nêu trên, nếu các sinh viên có gây ồn ào, làm mất trật tự thì các BVDP chỉ cần nhắc nhở, nếu sau khi nhắc nhở vẫn còn tái phạm thì có thể mời về trụ sở Công an phường xử lý. Nếu các sinh viên tiếp tục không chấp hành thì BVDP có thể mời cảnh sát khu vực đến xử lý. Trong trường hợp các sinh viên có hung khí và tấn công thì các BVDP mới được dùng công cụ hỗ trợ cho phép để tự vệ và khống chế, bắt đối tượng giao cho Công an phường sở tại. Song, các BVDP trên đã làm ngược lại hoàn toàn. Thay vì chỉ nhắc nhở mấy SV, các BVDP đã lao vào đánh một cách dã man.
Theo như nhận định của Trưởng Công an phường thì việc bắt lửa khiến SV bị bỏng nặng là vô tình có người hút thuốc. Song việc đánh SV Thi rách toác từ giữa trán lên đỉnh đầu thì chắc không phải vô tình (!?). Tang vật là khúc gậy bị gãy vẫn còn ở hiện trường và máu thì bê bết bắn lên cả tường chứ không phải chỉ có “SV đó bị bỏng nhẹ thôi, chứ không phải đánh đập chi ghê gớm đâu” – như lời vị Trưởng Công an phường đã trình bày với một số báo chí những ngày qua.
Hành động ấy thật đáng trách, khi khái niệm về quyền hạn của các cán bộ BVDP trên lại hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của các anh. Và cảm nhận đó thường không chính xác, có phần lệch lạc so với quy định pháp luật. Điều này làm tôi liên tưởng đến việc các anh Cảnh sát giao thông (CSGT) rượt đuổi người vi phạm lỗi như không đội mũ bảo hiểm trên đường phố. Và không ít lần những cái chết thương tâm đã xảy ra cho các anh vì chính những nỗ lực giữ gìn sự bình yên trên những con đường.
Bộ Công an đã có lệnh cấm không cho phép các lực lượng đuổi theo những người vi phạm giao thông với lỗi nhỏ. Song, đâu là lỗi lớn, đâu là lỗi nhỏ thì tùy vào cảm nhận của từng người. Nhưng thay vì cảm nhận sự to, nhỏ của hành vi vi phạm, người CSGT phải có nhận thức đúng đắn hơn về chức phận của mình. Nhiệm vụ của CSGT được quy định bởi rất nhiều điều khoản. Song, tất cả đều hướng đến mục đích quan trọng nhất: Đảm bảo sự an toàn, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Nếu nhận thức đúng đắn về chức phận của mình, không cần đến những lệnh cấm, chiến sĩ CSGT cũng sẽ tuyệt đối không đuổi theo những người mắc lỗi vi phạm nhỏ để dẫn đến tai nạn. Người cảnh sát đó sẽ chỉ ngăn chặn hành vi vi phạm khi điều đó gây nguy hiểm cho người khác và cho chính bản thân.Việc rượt đuổi một người không đội mũ bảo hiểm trên đường không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng mình, tính mạng người vi phạm mà hơn nữa là tính mạng của người đang tham gia giao thông.
Trở lại vụ SV bị BVDP hành hung dã man, nếu như thay vì ngay lập tức xông vào đánh các SV, các anh BVDP ấy biết dành vài chục giây để lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ trước khi ra tay trấn áp một cách không cần thiết. Nếu các SV có to tiếng phản ứng thì cũng nên nhắc nhở hay mời về trụ sở Công an phường làm việc chứ sao phải đánh đập hung hăng như vậy? Mà chính việc đánh các SV ấy lại trở thành hành vi gây mất trật tự công cộng, gây nguy hiểm tính mạng cho người khác và vi phạm pháp luật. Cân nhắc trong suy nghĩ chỉ diễn ra trong vài chục giây thôi, song vài chục giây ngắn ngủi dành cho lý trí đó, đôi khi đánh đổi cả mạng người và biến mình từ một người giữ gìn trật tự thành kẻ phạm pháp. BVDP có chức phận giữ gìn trật tự trị an nhằm đảm bảo an toàn khu phố hay có quyền lực đối với sinh hoạt của người dân? Về lý thuyết thì câu trả lời sẽ là chức phận, là nghĩa vụ. Song, trên thực tế thì con người nói chung luôn có xu hướng ý thức về quyền lực của mình hơn. Vì vậy, trong một phút trước khi hành động, nhiều BVDP sẽ nghĩ đến quyền trấn áp bằng vũ lực đối với người vi phạm, trước khi nghĩ đến nghĩa vụ gìn giữ sự an toàn của người dân.
Những vụ trấn áp, hành hung nguy hiểm của BVDP sẽ vẫn diễn ra nếu như Công an mỗi phường không sớm hoàn thiện công tác quản lý và đào tạo nghiệp vụ cũng như giáo dục ý thức về chức phận và quyền hạn của BVDP. Chỉ khi không còn nghĩ đến quyền lực đối với sinh hoạt của người dân, BVDP mới dành sự tập trung cho chức phận gìn giữ trật tự của mình. BVDP là một lực lượng không thể thiếu tại các khu phố, địa phương nên thiết nghĩ các ngành chức năng nên quan tâm đến họ nhiều hơn, để họ luôn là niềm tin của người dân chứ không phải là nỗi ám ảnh như trường hợp điển hình vừa qua.
Lê Trúc
Sinh viên bị bảo vệ tổ dân phố đánh dã man (TNO) 4 sinh viên (SV) vừa chuyển đến nơi trọ mới đã bị 4 bảo vệ tổ dân phố đánh. Trong đó, Trần Văn Thi (19 tuổi, quê quán Gia Lai, học trường Trung câp nghề Tàu thủy TP Đà Nẵng) bị đánh toác đầu và bỏng nhiều vùng trên cơ thể.
Bà Phan Thị Tuyết, chủ quán cà phê 631 Nguyễn Lương Bằng, tổ 13, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu TP Đà Nẵng kể, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 6.8, anh Bưởi là bảo vệ tổ dân phố đến uống cà phê ở quán.
Bà Tuyết nói với anh Bưởi có 4 SV Trần Ngọc Thi, Nguyễn Văn Cảnh (21 tuổi), Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Văn Phú (cùng 20 tuổi, đồng hương Hà Tĩnh và cùng học trường Trung cấp Xây dựng miền Trung) vừa đến thuê phòng trọ ở sau lưng quán cà phê của bà vào sáng cùng ngày. Bà Tuyết hẹn thứ 2 ngày 8.8 sẽ đến Công an P.Hòa Hiệp Nam để đăng kí tạm trú, tạm vắng.

Đến 20 giờ, 4 SV nói trên xin phép bà Tuyết uống rượu từ quê mang vào ở trước sân phòng trọ cùng 4 người bạn đến 21 giờ 30 thì dọn dẹp, vào phòng. Sau khi cùng các sinh viên dọn dẹp bàn nhậu, bà Tuyết ra khỏi nhà đi đón con gái.
Sinh viên Thi bị bỏng và băng bó hơn 50% cơ thể tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú
Khoảng 22 giờ, các bảo vệ dân phố Nguyễn Ngọc Thiện (Tổ phó bảo vệ dân phố khu vực Xuân Thiều 2), anh Bưởi, anh Thành (ở trọ kế bên nhà bà Tuyết) và một bảo vệ dân phố chưa rõ danh tính đến phòng trọ của 4 sinh viên nhắc nhở về việc nhậu nhẹt.
“Lúc đó Thi đang cởi trần nằm trên giường, thấy bảo vệ dân phố đến nói nặng lời, Thi đi ra nói: "Các anh không được nói vậy!" thì bị anh Thành bảo vệ dân phố dùng gậy đánh vào giữa trán toác đầu” - SV Cảnh kể lại.
SV Cảnh nhảy vào can ngăn thì bị một dân phòng cầm gậy thúc vào ngực. Bảo vệ dân phố Nguyễn Ngọc Thiện đưa bình xịt hơi cay cho Thành xịt lên người Thi. Lúc này, Bưởi dùng roi điện chích vào người Thi khiến Thi bốc cháy, da thịt dính vào màn.
Anh Dương Đăng Hoàng (23 tuổi, nhân viên du lịch) là bạn của cả phòng đến chơi lao vào dập lửa bị bỏng cánh tay. Các SV Cảnh, Ngọc Phú, Văn Phú dùng mền dập lửa, gọi xe cấp cứu đưa Thi đi bệnh viện.
Phần màn bị cháy và máu của sinh viên Thi dính đầy giường, bờ tường - Ảnh: Nguyễn Tú
Vừa hút thuốc, vừa xịt hơi cay
Theo Trung tá Trần Phước Hành - Trưởng Công an P.Hòa Hiệp Nam, vào thời điểm xảy ra sự việc, khi lực lượng bảo vệ tổ dân phố nhắc nhở các sinh viên thì sinh viên Thi đã “sửng cồ” (gây sự - PV).
“Dân họ nói cũng không đúng đâu, tối qua 22 giờ, 3 anh em dân phố tuần tra ở tổ 13 phát hiện 6 SV nam và 1 nữ uống rượu, họ nhắc nhở thì SV sửng cồ. Em bị thương (SV Thi - PV) côn đồ lắm, xông ra đánh anh em mình, nên bảo vệ dân phố mới xịt hơi cay, trong đám anh em mình có hút thuốc nữa nên bị bắt lửa, sinh viên đó bị bỏng nhẹ thôi, chứ không phải đánh đập chi ghê gớm đâu” - Ông Hành nói.
Tuy nhiên, Khoa Ngoại - Bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận sinh viên Thi trong tình trạng phần đầu từ giữa trán lên đỉnh bị rách toác, vùng mặt, ngực và đặc biệt là hai tay bỏng nặng, hiện đang được cách ly điều trị trong phòng kín.
Tại hiện trường, máu của sinh viên Thi bám đầy chăn màn và vương vãi xuống nền gạch, một góc màn bị cháy cong queo. Tang vật còn có 1 đoạn gậy bị gãy của bảo vệ dân phố.
 
Thẻ tổ phó Bảo vệ dân phố của ông Thiện bị rơi tại hiện trường và đoạn gậy gãy của bảo vệ dân phố - Ảnh: Nguyễn Tú
Nhiều sinh viên chứng kiến cho biết áo của Tổ phó bảo vệ dân phố Nguyễn Ngọc Thiện bị cháy nên ông này cởi áo dập lửa, làm rơi lại một Thẻ Tổ phó bảo vệ dân phố mang tên Nguyễn Ngọc Thiện.
Hiện Công an P.Hòa Hiệp Nam đã cho lực lượng bảo vệ dân phố tường trình, ông Hành cho biết thêm đã yêu cầu Tổ Trưởng bảo vệ dân phố mang tiền xuống để lo cho sinh viên Thi.
Ông Lê Duy Du - Chủ tịch P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu TP Đà Nẵng cho biết, do vào ngày nghỉ nên sẽ tổ chức họp các bên liên quan để làm rõ vụ việc vào sáng 8.8.
“Cho dù là lực lượng Bảo vệ Tổ dân phố hay là ai đi nữa cũng phải thực thi công vụ trong khuôn khổ luật pháp cho phép chứ làm gì có chuyện đánh người như vậy. Chúng tôi kiên quyết sẽ làm rõ để xử lý đích đáng” - Ông Du nói.
Nguyễn Tú
-Nguồn: TN: Sinh viên bị bảo vệ tổ dân phố đánh dã man

Tổng số lượt xem trang