Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Tầm nhìn Hồ Chí Minh qua con mắt một nhà báo Mỹ

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Ma-ghi-uýt Mu-tê (Marius Moutet) ký bản tạm ước Việt - Pháp ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu
 QĐND - Trong cuốn sách của mình, Cuộc cách mạng bị bỏ lỡ (The Lost Revolution), được xuất bản năm 1965, nhà báo Mỹ Rô-bớt Sáp-lân (Robert Shaplen) cho rằng, Pháp và Mỹ đã không nhận định đúng về Cụ Hồ Chí Minh và không biết ứng xử một cách thực tế vào năm 1945 và 1946 đối với cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam, gây ra hai cuộc chiến tranh tàn bạo và phi lý, để rồi cùng phải chịu thất bại thảm hại nặng nề nhất trong lịch sử đối với cả Pháp và Mỹ. Cuộc cách mạng bị bỏ lỡ chủ yếu nói về tình hình Việt Nam, những diễn biến trong những tháng trước cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1965, khi Mỹ đẩy mạnh leo thang chiến tranh Việt Nam.
Xin trích giới thiệu với bạn đọc.  
Kỳ 1: Câu chuyện của viên Trung úy Mỹ
Trong những tháng trước và sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nếu như mối quan hệ giữa người Mỹ và Việt Minh ở Nam Kỳ chưa bao giờ vượt qua tính chất thăm dò thì ở phía Bắc, mối quan hệ đó lại có phần chặt chẽ hơn rất nhiều. Có nhiều thời điểm trong lịch sử đã xảy ra những sự kiện mà sau này nhìn lại dù còn mờ mịt hay rời rạc, những sự kiện ấy vẫn gợi ra rất nhiều giả định về khả năng phát triển tình hình tiếp sau đó: Giá như vào thời điểm đó những sự kiện ấy đã được đánh giá một cách khác đi, giá như cứ để cho những sự kiện ấy được tiến triển thuận chiều… thì cả chuỗi sự kiện tiếp theo có thể đã khác đi rồi chăng? Ngày nay (năm 1965), chúng ta có cơ sở để tin rằng đã từng có những mối quan hệ giữa ông Hồ Chí Minh và một số người Mỹ trong năm 1945 và 1946, và đặc biệt hơn là mối quan hệ của ông Hồ với một nhóm nhỏ nhà chính trị và ngoại giao Pháp. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng gạt bỏ những sự kiện ấy và cho rằng ý nghĩa của chúng chẳng có gì quan trọng nếu cứ đinh ninh rằng những người cộng sản và đặc biệt là ông Hồ chưa bao giờ có một ý đồ nào khác ngoài việc lập một quốc gia cộng sản theo hình ảnh Mát-xcơ-va ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số người với từng mức độ am hiểu tình hình chính trị khác nhau sau chiến tranh thế giới II và từng góp phần tạo nên lịch sử của thời kỳ đó, những giả thiết xa xôi như thế chỉ là sự giản đơn hóa quá mức cả một chuỗi tình huống chính trị hết sức tế nhị và phức tạp lúc bấy giờ.
Tôi vẫn luôn có chung quan điểm với rất nhiều, nếu không nói là phần lớn những người đã theo dõi tình hình Đông Dương, là vào thời kỳ đó cả người Pháp và Mỹ, đặc biệt là những nhà vạch chính sách chủ chốt của nước Pháp ở Pa-ri lúc bấy giờ, đã phạm một sai lầm nghiêm trọng không biết ứng xử một cách thực tế hơn với ông Hồ Chí Minh vào năm 1945 và 1946, và bởi đó, toàn bộ tiến trình các sự kiện tiếp sau đó có thể đã diễn biến khác đi, dẫn đến chiến tranh đổ máu. Trong những năm gần đây (giữa thập kỷ 1960 - ND), một số quan chức Mỹ ở cấp cao nhất đã nói với tôi rằng, theo họ nghĩ đáng lẽ ra cần phải đi một nước cờ táo bạo với ông Hồ Chí Minh vào thời đó. Lịch sử, trái với lòng tin của nhiều người, rất hiếm khi tự lặp lại và cũng rất hiếm khi có được thời cơ lần thứ hai. Đây là một trong những thảm kịch đặc biệt của chính sách Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tiên.
Có nhiều cách thuật lại khác nhau trong việc ông Hồ tìm cách liên lạc với phương Tây trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một chuyện tuy có phần chất phác đơn sơ, nhưng lại nói lên được rất nhiều thực tế lúc bấy giờ. Đó là câu chuyện về  một cựu Trung úy Lục quân Mỹ - trong câu chuyện này tôi chỉ được gọi anh ta là Giôn (John) – người vào tháng 5-1945 đã nhảy dù xuống khu căn cứ của ông Hồ nằm trong rừng gần làng Kim Lũng ở Việt Bắc để thực hiện nhiệm vụ thiết lập một đường dây bí mật giải thoát các nhân viên quân sự Đồng Minh. Làng Kim Lũng ở ven khu rừng già, nằm khuất sau lùm cây rậm. Những thung lũng nhỏ hẹp lọt giữa những dãy núi cao và ở một trong những thung lũng nhỏ đó, khu căn cứ của ông Hồ Chí Minh gồm 4 chiếc lán nhỏ cất bên cạnh một dòng suối dưới chân một đỉnh núi cao cách biệt với thế giới bên ngoài. Mỗi lán chỉ rộng khoảng 1,2 mét vuông, cột tre đỡ sàn cao cách mặt đất khoảng 1,2 mét. Ông Hồ cũng sống kham khổ như những người khác.
Chính giữa cái nôi cách mạng nguyên sơ nằm sâu trong vùng Nhật kiểm soát, Trung úy Giôn đã có cơ hội độc nhất được sống và làm việc với ông Hồ trong nhiều tháng. Anh ta nhận thấy, ông Hồ hoàn toàn có thái độ hợp tác khi ông phái các toán du kích đi trinh sát lùng sục yểm trợ, kể cả một lần đi cứu một số người Pháp bị giam giữ gần biên giới Trung Quốc. Giôn đã dùng chiếc máy vô tuyến xách tay của anh để giúp ông Hồ bắt liên lạc lần đầu tiên với những nhân viên thương lượng người Pháp lúc bấy giờ đang ở Côn Minh, Trung Quốc, những người mà chẳng bao lâu sau đó có thể sẽ cùng tranh luận với ông Hồ ở Hà Nội về tương lai của Đông Dương sau chiến tranh. Nhưng chính bản thân Giôn đã đóng một vai trò trực tiếp hơn liên quan tới những vấn đề của Việt Nam trong câu chuyện thân mật với ông Hồ khi ông đang chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn Độc Lập.
Giôn kể lại: “Ông Hồ nhiều lần hỏi tôi có thể nhớ được lời văn của bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta (Mỹ) không. Tôi chỉ là một người Mỹ bình thường, làm sao tôi nhớ được. Tất nhiên, nếu cần tôi có thể điện về Côn Minh xin thả dù cho tôi một bản”. (Có một điều ít người biết, chính ở sân bay Lũng Cò - Tuyên Quang, một bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã được Không đoàn 14 thả xuống theo yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc… – “Đường dẫn đến Tuyên ngôn độc lập” của Đại tá Thế Kỷ, người giúp việc cho ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ – theo Báo Tuổi Trẻ cuối tuần 31-8-2008).
Nhưng điều cốt yếu mà ông Hồ cần lại chính là tinh thần toát lên của bản tuyên ngôn đó. Càng trao đổi ý kiến với ông, tôi càng thấy thực sự ông biết nhiều hơn tôi. Trong hầu hết mọi chuyện tôi trao đổi với ông, ông đều biết rõ hơn tôi, nhưng thấy yêu cầu của ông rất kiên quyết, buộc lòng tôi cũng phải nói lên ý kiến của mình và thật là một điều lạ là ông rất chú ý lắng nghe tôi nói. Ông Hồ thật sự là một người hết sức dễ mến. Nếu như tôi phải nêu lên một đức tính về ông già đang ngồi trên ngọn đồi trong khu rừng ngày ấy, thì đó là đức tính hiền hậu ở con người ông”.
Quang Doãn
(Giới thiệu và biên dịch)
Kỳ 2: Bức thư của Hồ Chí Minh
-Nguồn:
Tầm nhìn Hồ Chí Minh qua con mắt một nhà báo Mỹ:Câu chuyện của viên Trung úy Mỹ


--

QĐND - Ông Hồ và Giôn đã từng uống rượu, ăn gan hổ ninh nhừ. Ngày nay nhắc lại chuyện cũ, Giôn thú thật sự ngây thơ của mình là hồi ấy anh cứ nghĩ rằng ông Hồ không phải là người cộng sản. Nhưng dù ông đúng là cộng sản, Giôn vẫn tin chắc rằng ông Hồ rất thành thật muốn hợp tác với phương Tây, đặc biệt với Pháp và Hoa Kỳ. Giôn hiện còn giữ hai lá thư viết bằng tiếng Anh của ông Hồ gửi cho anh ta lúc ở trong rừng. Một lá thư viết không bao lâu sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh vào lúc Việt Minh sắp sửa nắm được quyền kiểm soát phong trào quốc gia, toàn văn như sau :
Trung úy (Giôn) thân mến,
Từ lúc chia tay với ông đến nay sức khỏe của tôi có kém đi. Có lẽ tôi sẽ phải nghe lời khuyên của ông di chuyển đến một vùng khác dễ tìm lương thực để sức khỏe được tốt hơn.
Tôi gửi tặng ông một chai rượu, hy vọng ông sẽ vừa ý. Mong ông vui lòng cho tôi biết những tin tức về tình hình quốc tế ông đã nhận được.
Nhờ ông gửi tới Đại bản doanh của ông bức điện sau đây :
1. Đại Việt (một tổ chức quốc gia chống Việt Minh) đang có kế hoạch tiến hành hoạt động khủng bố người Pháp ở nhiều nơi rồi đổ trách nhiệm cho VML (Mặt trận Việt Minh). VML đã chỉ thị cho hai triệu hội viên và dân chúng thuộc quyền của mình hết sức cảnh giác và khi có điều kiện phải chặn đứng âm mưu tội ác của Đại Việt. VML tuyên bố trước thế giới mục tiêu của mình là độc lập dân tộc. VML đấu tranh bằng biện pháp chính trị và nếu cần sẽ bằng biện pháp quân sự. Nhưng không bao giờ dùng hành động tội ác và bất lương. 
2. Ủy ban Giải phóng Dân tộc của VML đề nghị các nhà chức trách của chính phủ Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc tình hình sau đây. Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc đánh Nhật. Ngày nay Nhật đầu hàng, chúng tôi đề nghị Liên hợp quốc thực hiện lời hứa của mình là mọi dân tộc sẽ được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc quên lời hứa long trọng của mình và không trao độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành được độc lập mới thôi.
Ký tên: Ủy ban Giải phóng của VML.
Xin cảm ơn ông vì đã làm phiền ông nhiều. Xin gởi ông lời chúc tốt đẹp
Thân ái chào ông, Hồ (sic)
(“sic” có nghĩa là “giữ đúng nguyên văn tiếng Anh” của người viết bức điện - ND).
Ngày 19-8-1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh tư liệu
Điều gì có thể cắt nghĩa được sự khác biệt giữa hai thời kỳ 1945 và 1965, giữa những ngày chung sống thân thiết của Giôn với ông Hồ Chí Minh ở trong rừng-thời kỳ mà Mỹ đang có uy tín rộng lớn ở châu Á-với tấm thảm kịch phức tạp của cuộc chiến tranh Việt Nam ngày nay, khi mà người Mỹ đang tiến hành cuộc ném bom đất nước của ông Hồ? (Sách này tái bản lần thứ 5 vào năm 1965).
Những người cho rằng lẽ ra cần phải tranh thủ ông Hồ về phía chúng ta nay vẫn giữ quan điểm đó mặc dù từ lâu họ biết rõ sự thực ông Hồ không bao giờ chao đảo khỏi con đường Mác-xít – Lê-nin-nít. Mặc dù những quan điểm tư tưởng của ông thuộc lớp người chính thống Mác - Lê-nin (mà cũng có thể chính vì những quan điểm đó rất chính thống), và cũng do Đông Dương ở xa Mát-xcơ-va của Xta-lin mà ông Hồ đã viết nên bản tiểu sử cách mạng độc đáo riêng của mình. Vào thời kỳ đó, ông không tỏ ra là một kẻ ly khai phong trào cộng sản quốc tế mà lại càng bộc lộ là một chiến sĩ Bôn-sê-vích có quan điểm độc lập, một Mô-hi-can Mác-xít cuối cùng giữa chốn hoang vu Đông Nam Á chống chế độ thực dân. Nếu cho rằng đó chẳng qua là ông ta đã mê hoặc được vài người Mỹ để tạo mối quan hệ bạn bè vui vẻ nhưng nguy hiểm trong những tháng trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng lại có thể kể ra nhiều loại bằng chứng khác nữa ngoài câu chuyện của Trung úy Giôn để chứng minh một cách chắc chắn rằng ông Hồ đã thật lòng với điều ông nói, ông rất muốn kết thân với những người Mỹ và những người Pháp có tư tưởng tự do, những người mà ông hy vọng có thể giúp ông tìm ra một con đường ôn hòa để giành lại tự do cho Việt Nam. Phải chăng đó chỉ là một nước cờ của ông Hồ, một diễn viên tuyệt vời, và phải chăng ông đã lợi dụng một số ít bạn bè người nước ngoài để xúc tiến sự nghiệp cháy bỏng của mình theo viễn ảnh của Mát-xcơ-va? Có khá nhiều bằng chứng về sự thành thực của ông Hồ để bác bỏ kết luận quá giản đơn đó. Chẳng phải do Mát-xcơ-va ở quá xa, không giúp gì cho ông Hồ một cách cụ thể trong những năm khó khăn trước đó, nhưng điều quan trọng là lúc bấy giờ nước Trung Hoa cộng sản chưa ra đời. Vậy thì lúc đó có ai hơn người Mỹ - những người đang tỏ ra tích cực chống chủ nghĩa thực dân khi vạch ra kế hoạch cho thế giới sau chiến tranh - đang có tư thế có thể giúp ông Hồ giành lại tự do cho đất nước từ tay người Pháp và đồng thời ngăn chặn được sự xâm nhập của Trung Hoa Quốc dân Đảng?
Chính sách của chính quyền Mỹ trong thời gian chiến tranh đối với vấn đề Đông Dương có lúc tỏ ra tích cực nhưng cũng có lúc mập mờ. Tổng thống Ru-dơ-ven (Roosevelt) có lúc đã nhận được sự chấp thuận có tính chất thăm dò của Xta-lin và Tưởng Giới Thạch về việc thực hiện chế độ ủy trị đối với Đông Dương sau chiến tranh, mặc dù trước đó cả hai nước này đã tán thành ý kiến trao trả độc lập cho người Việt Nam. Sớc-sin (Churchill) đã có phản ứng tiêu cực đối với đề nghị thực hiện chế độ ủy trị và Ru-dơ-ven đã chê trách ông ta là một kẻ theo chủ nghĩa đế quốc già cỗi. Tuy nhiên Ru-dơ-ven lại có thái độ có phần mập mờ khi có thời cơ cần phải làm cái gì đó để mở đường thực hiện độc lập cho Việt Nam. Tháng 10-1944, ông ta nói với Bộ trưởng Ngoại giao Co-đen Hun (Cordell Hull): “Chúng ta không được có bất cứ quan hệ nào đối với các nhóm kháng chiến ở Đông Dương”. Và khi một phái đoàn của phe nước Pháp tự do tới Kandy (Xây-lan) để yêu cầu Bộ tư lệnh Đông Nam Á của Đồng minh giúp đỡ, Ru-dơ-ven đã ra lệnh: “Không một đại diện nào của Mỹ ở Viễn Đông, bất kể là dân sự hay quân sự, được phép có bất cứ quyết định nào liên quan đến các vấn đề chính trị với người Pháp hay bất cứ người nào khác”.
“Người nào khác” có thể bao gồm cả ông Hồ Chí Minh mặc dù Ru-dơ-ven chưa từng nghe nói về ông ta. Ông Hồ từ lâu vốn là người bí ẩn, có nhiều tên gọi. Về điều này, ta chỉ cần nhớ lại thời kỳ 1939, khi ông Hồ còn lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Năm ấy, tiếp theo sự thất bại của Mặt trận Bình Dân ở Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương do ông Hồ xây dựng phải phân tán và đi vào hoạt động bí mật. Khi quân Nhật tràn vào Bắc Kỳ tháng 9-1940, những người cộng sản và những người quốc gia không cộng sản đã tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa chống cả Pháp và Nhật, nhưng đã nhanh chóng bị đàn áp. Tháng 5-1941, sau khi Nhật dựng lên chế độ bù nhìn gồm những người Pháp theo chính phủ Vichy, ông Hồ cùng những người cộng sản Việt Nam khác đã tổ chức cuộc họp với một số người theo chủ nghĩa quốc gia tại Tsin Li trên đất Trung Quốc gần biên giới Bắc kỳ. Họ đã tập hợp nhiều bộ phận đang hoạt động phân tán vào tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh-gọi tắt là Việt Minh-và linh hồn lãnh đạo của tổ chức này, người được bầu làm người đứng đầu, là ông già để râu Nguyễn Ái Quốc, người bất ngờ xuất hiện trong buổi họp, mặc dù trước đó nhiều người tin rằng ông đã chết vì bệnh lao ở trong rừng nhiều năm rồi. Không hề phô trương mình là người cộng sản, ông Hồ đã cùng với bạn bè tập trung vào việc thành lập một mặt trận quốc gia chung để tiếp tục cuộc chiến đấu chống cả Nhật và Pháp để giành tự do cho Việt Nam.
Quang Doãn
(giới thiệu và biên dịch)


Kỳ 3: “Ông già người Việt” và những cuộc gặp với người Mỹ

QĐND - Cuối năm 1941, Nguyễn Ái Quốc bị mật vụ của Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giữ. Họ biết ông là cộng sản nhưng cứ gán ghép cho là “gián điệp của Pháp” và bắt ông vào tù ở Liễu Châu. Cũng giống như những người Trung Quốc từ lâu, khi nhìn sang Bắc kỳ, Quốc dân đảng lúc ấy đã có ý đồ gây dựng riêng một phong trào “độc lập’ chống Pháp, đứng đầu là những người Việt thân Trung Quốc mà họ thu nhặt được. Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ nhận ra rằng chỉ có các nhóm du kích cộng sản của Mặt trận Việt Minh do Nguyễn Ái Quốc tổ chức là những người duy nhất có kinh nghiệm hoạt động thực sự ở Đông Dương. Không ai khác ngoài Việt Minh có thể có một mạng lưới điệp viên ở đó, trừ một ngoại lệ. Trường hợp ngoại lệ này, kỳ cục thay lại là một tổ chức tình báo do một nhóm nhân viên dân sự đứng đầu gồm khoảng một chục nhà kinh doanh có quyền lợi ở Đông Dương thuộc các nước Đồng minh, mỗi người trong nhóm có tổ chức cộng tác viên riêng gồm người Pháp, Hoa và Việt; lúc đầu, mục đích của họ là làm mọi cách có thể được để bảo vệ tài sản các nước Đồng minh ở Viễn Đông. Sau trận Trân Châu Cảng, tổ chức duy nhất này bắt đầu hợp tác với du kích của ông Hồ để thu thập tin tình báo cung cấp cho lực lượng không quân của Đồng minh đóng căn cứ ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Đầu năm 1943, từ trong nhà tù, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư cho Trương Phát Khuê, viên lãnh chúa quân phiệt nam Trung Hoa, cũng là một thủ lĩnh quan trọng của Quốc dân đảng, từng tranh chấp quyền bính với Tưởng Giới Thạch và thường có quan điểm riêng của mình về Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc nói với Trương Phát Khuê nếu được trả tự do, ông sẽ tập hợp mạng lưới tình báo của mình ở Đông Dương và sẽ cộng tác với Trương. Nhận được bức thư, Trương ra lệnh thả ông ra khỏi nhà tù ở Liễu Châu không cần báo cáo cho Tưởng Giới Thạch biết. Và chính từ thời điểm Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh, trước hết là để giấu lai lịch đối với Tai Li, trùm mật vụ của Tưởng. Với tên Hồ Chí Minh, ông trở thành người cầm đầu một tổ chức tập hợp rộng rãi các nhóm cách mạng người Việt gọi là Đồng minh Hội, được Trung Hoa Quốc dân đảng ủng hộ, còn Việt Minh do cộng sản tổ chức lúc đầu cũng chỉ là một bộ phận của tổ chức này.
Trong năm 1943 và 1944, Việt Minh tăng cường xây dựng lực lượng chính trị và đến cuối năm 1944, họ có một lực lượng quân sự độc lập gồm hàng vạn người dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, một luật sư kiêm nhà giáo trẻ tuổi, lúc bấy giờ đã bộc lộ tài năng xuất sắc về quân sự. Do tính độc lập của Việt Minh ngày càng tăng, mối quan hệ của ông Hồ với Trung Hoa Quốc dân đảng ở Trùng Khánh và Côn Minh không tránh khỏi trở nên căng thẳng. Trong tình hình đó, Trương Phát Khuê - người đã bảo trợ ông Hồ cũng chẳng làm được gì. Về phía người Pháp thì cả chính phủ Vichy (thủ tướng Pétain – ND) lẫn phe nước Pháp tự do (của tướng De Gaulle – ND) cũng đều lo lắng trước tình hình hoạt động của ông Hồ, cả hai thế lực này đã dẹp mối bất đồng có từ lâu để trao đổi tin tức mật về ông Hồ.
Trong nửa năm cuối 1944, ông Hồ bắt đầu nhìn sang phía người Mỹ, và những gì xảy ra trong hai năm tiếp sau đó, kể cả câu chuyện thơ mộng lạ lùng trong rừng giữa ông Hồ với những người lính trẻ như Giôn, đã mang âm hưởng một vở kịch vui nhưng câu chuyện trên thực tế lại có một kết thúc buồn. Vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, ông Hồ đã 4 lần đến cơ quan Cục Tình báo Chiến lược của Mỹ ở Côn Minh để yêu cầu viện trợ vũ khí, đáp lại Việt Minh sẽ tiến hành các hoạt động tình báo và phá hoại chống Nhật, tiếp tục hoạt động cứu trợ các phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi. Nhưng lần nào đề nghị của ông cũng bị bác bỏ. Theo lời kể của P. E. Hi-li-oen (P. E. Helliwell), Cục trưởng Cục Tình báo Chiến lược Mỹ ở Trung Quốc luôn luôn nhất quán trong chủ trương không giúp những người đã biết rõ là cộng sản như ông Hồ vì lo ngại sẽ có hậu quả rắc rối sau chiến tranh.
Tuy nhiên, cùng thời gian ấy, vẫn theo lời kể của Hi-li-oen, dù chính sách của Tổng thống Ru-dơ-ven đã công bố là Mỹ không dính dáng gì với phong trào kháng chiến ở Đông Dương – sau này Hi-li-oen có nói rằng, bản thân ông ta không hề nhận được lệnh trực tiếp nào về vấn đề này – mà việc quyết định không giúp ông Hồ lúc đó chủ yếu là do ông Hồ không chịu cam kết chỉ dùng số vũ khí nhận được để chống Nhật chứ không dùng để chống Pháp.
Nhưng ông Hồ vẫn kiên trì thương lượng. Cuối cùng, Hi-li-oen trao cho ông 6 khẩu súng ngắn và 20.000 viên đạn, nhưng chỉ coi đó là quà tặng đáp lại việc Việt Minh cứu được 3 phi công Mỹ. Sau đó, vào thời gian Mỹ hứa trao trả độc lập cho Phi-líp-pin, ông Hồ viết thư cho Ri-sác Hép-nơ (Richard Heppner), Cục trưởng Cục Tình báo Chiến lược Mỹ ở Trung Quốc thời kỳ cuối chiến tranh Thế giới thứ II, yêu cầu Mỹ giúp đỡ bằng cách gây áp lực với Pháp trao trả độc lập cho Đông Dương. Sự thực là ông Hồ cũng còn nhận được vài sự giúp đỡ khác của Cục Tình báo Chiến lược và một số cơ quan khác của Mỹ và Đồng minh nhiều hơn 6 khẩu súng ngắn của Hi-li-oen, nhưng sự giúp đỡ về vật chất đó chẳng có gì là to lớn như khi họ hào hứng hứa hẹn khích lệ ông. Một quan chức tình báo cao cấp ở Viễn Đông đã nói: “Ông Hồ muốn làm việc với chúng ta nhưng chúng ta không bao giờ bắt tay ông ấy vì chúng ta không thể cung cấp tài chính cho ông ấy”.
Ông Hồ còn thăm dò nhiều nguồn viện trợ khác trong các nước Đồng minh. Trung tướng Cle Chen-nôn (Claire Chennault), Tư lệnh Tập đoàn không quân 14 của Mỹ đã được các bạn bè Quốc dân đảng Trung Quốc báo trước, phải tránh liên hệ với ông Hồ nhưng rồi có lần đã có người giới thiệu “một ông già người Việt” đến xin gặp. Cũng chẳng có gì xảy ra sau lần gặp đó, nhưng người Anh thì tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ hơn và vào tháng 11-1944, sau khi ông Hồ bí mật trở lại Bắc Kỳ với một lực lượng Việt Minh khoảng hai trăm người, họ đã thả dù tiếp tế cho những người Pháp thuộc phe kháng chiến (phe De Gaulle – ND) và cho du kích Việt Minh. Cùng đi với ông có một người trước đây có quan hệ với các nhà cựu kinh doanh Mỹ ở Đông Dương, những người này đã có lúc cộng tác với người của ông Hồ. Nhóm bí mật này vốn lúc đầu làm việc cho Cục Tình báo Chiến lược, nhưng lúc này lại thuộc quyền của một cơ quan của Lục quân Mỹ, Cơ quan Yểm trợ Không-Lục (AGAS-Air Ground Aid Service).
Số vũ khí mà ông Hồ và nhóm người ít ỏi của ông đưa về Bắc Kỳ lúc đó một phần là từ các nguồn của Cục Tình báo Chiến lược (O.S.S) mặc dù ngay từ đầu số vũ khí ấy phân phát ra không phải vì mục đích đó, một phần là lấy từ các kho vũ khí khác của Mỹ.
Ngay giữa miền rừng núi phía Bắc của Bắc Kỳ, trong một vùng hỗn tạp có đủ các loại: Phỉ Trung Quốc, tàn quân Pháp tự do, một số lính Mỹ nhảy dù xuống và nhiều nhóm quốc gia khác tích cực hoạt động, Hồ Chí Minh đã lập đại bản doanh cách mạng của mình. Bộ đội Việt Minh dưới quyền của ông Giáp, người chỉ huy trẻ tuổi, đã thành công trong hoạt động quấy rối quân Nhật, tuyên truyền vận động cho công cuộc giải phóng Việt Nam, cứu thêm được một số phi công Đồng minh. Một người Mỹ đã từng sống với ông Hồ tại cơ quan chỉ huy trong rừng của ông trong thời kỳ đó nay còn nhớ nét nổi bật nhất ở ông Hồ là “một con người có tính cách mạnh mẽ, ý chí kiên định”. Anh ta nhận xét về ông Hồ như sau: “Muốn đánh giá một con người cần dựa trên cơ sở xem người đó đang đeo đuổi cái gì. Ông Hồ không thể là người theo Pháp, và ông biết cách đánh Pháp theo cách của mình. Ông rất e ngại Trung Hoa Dân quốc, và không thể cộng tác với họ vì ông biết họ lúc nào cũng rất tham lam. Mát-xcơ-va thì ở quá xa... Nếu không đứng về phía Đồng minh trong cuộc chiến tranh, tất nhiên là ông Hồ không có thêm cơ hội giành lại độc lập cho đất nước từng bị sự thống trị lâu dài của chủ nghĩa thực dân Pháp. Nhưng bây giờ (năm 1965), ông Hồ đã ngồi lên lưng ngựa rồi, mặc dù không rõ con ngựa ông đang cưỡi là loại ngựa gì. Nhưng có thể nói chắc chắn là vào thời gian đó ông ta đã giúp chúng ta (Mỹ). Chúng ta và người Pháp lúc ấy đang ở trong thế có thể giúp ông trong tương lai. Tôi nghĩ, sau này ông ấy sẽ vẫn sẵn sàng giữ quan hệ tốt với phương Tây”./.
Quang Doãn (giới thiệu và biên dịch)

-Tầm nhìn Hồ Chí Minh qua con mắt một nhà báo Mỹ (Kỳ 4)
QĐND - … Từ núi rừng Việt Bắc vào những tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc,  ông Hồ qua máy vô tuyến điện của Trung úy phi công Mỹ Giôn đã liên hệ thăm dò người Pháp ở Côn Minh.
Những bức điện ông nhờ Trung úy Giôn chuyển hộ đến tay Lê-ôn Pi-nhông (Léon Pignon), một chính trị gia chuyên nghiệp Pháp (về sau là Cao ủy Pháp ở Đông Dương) và Thiếu tá Giăng Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny), sĩ quan của lực lượng Pháp Tự do (Đại diện Pháp ở Bắc Việt Nam). Cả hai người khi đó đang ở Côn Minh. Sau khi đọc bức điện của ông Hồ yêu cầu Pháp cam kết trao trả độc lập trong vòng năm đến mười năm, Pi-nhông và Xanh-tơ-ni trả lời họ sẵn sàng thương lượng nhưng lại không nói rõ thời gian và địa điểm. Vào lúc này người Mỹ trở thành một vấn đề đối với người Pháp. Đầu tháng 4-1945, chính quyền Mỹ dỡ bỏ lệnh của Ru-dơ-ven không giúp đỡ các lực lượng hoạt động bí mật ở Đông Dương, Cục Tình báo Chiến lược Mỹ (O.S.S.) bắt đầu tiến hành việc tái huấn luyện và cung cấp trang bị cho khoảng 2000 lính Pháp vừa chạy sang Côn Minh sau đảo chính của Nhật, có kế hoạch cho các toán Pháp – Mỹ nhảy dù xuống Đông Dương và tiếp theo sẽ thả đồ tiếp tế trang bị nếu có thể tổ chức được các đội du kích kháng chiến. Thật sự lúc này người Pháp một mặt sẵn sàng nhận mọi giúp đỡ vật chất của Mỹ nhưng lại rất muốn tránh bất cứ sự dính líu trực tiếp nào của Mỹ vào Đông Dương. Tướng Hi-li-oen, cựu Cục trưởng O.S.S. sau này đã nói: “Hết sức rõ ràng là vào tháng 6-1945, người Pháp hoàn toàn chỉ nghĩ đến việc tìm cách giữ không để người Mỹ vào Đông Dương hơn là lo việc đánh bại Nhật hoặc làm cái gì khác để đưa cuộc chiến tranh đến kết thúc thắng lợi trong vùng này”.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Người Mỹ vào Đông Dương không nhiều, nhưng đã có một số toán O.S.S. được thả dù xuống vùng rừng núi và có giúp lực lượng ông Hồ một số súng tiểu liên, các-bin. Vào lúc chiến tranh kết thúc, bộ đội Việt Minh được bổ sung thêm vũ khí lấy được của Nhật ráo riết chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Khắp toàn Đông Dương nổi lên phong trào độc lập. Dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, bộ đội Việt Minh tiến vào Hà Nội ngày 17-8-1945. Một tuần sau, một chiếc máy bay của lực lượng Pháp Tự do đưa Thiếu tá Xanh-tơ-ni nhảy dù xuống Hà Nội cùng với Thiếu tá Mỹ A-si-mét Pa-ti (Archimedes Patti) của O.S.S. Nhiệm vụ của Pa-ti là giải phóng tù binh chiến tranh. Để làm việc này, Pa-ti phải có sự hợp tác của người Nhật bởi vì lúc này quân Trung Quốc làm nhiệm vụ tiếp quản chưa tới. Xanh-tơ-ni cảm thấy mọi hoạt động của mình đang bị Việt Minh và người Nhật cản trở với lý do bảo đảm an ninh cho ông ta. Nhưng Xanh-tơ-ni cho là do có sự nương nhẹ của Pa-ti, Việt Minh đã cầm giữ mấy trăm người Pháp trong khách sạn Metropole. Xanh-tơ-ni bất bình, sau năm ngày đến Hà Nội, ông về Can-cút-ta (Calcutta), Ấn Độ: “Đang có một âm mưu cấu kết của Đồng minh nhằm hất người Pháp ra khỏi Đông Dương”. Nhưng thật ra chỉ là chuyện tình cờ chứ không phải câu kết.
Mấy tuần sau thêm một số người Mỹ đến Hà Nội, trong đó có một số sĩ quan cao cấp của Bộ tư lệnh Chiến đấu Mỹ từ Trung Quốc. Họ tỏ ra cởi mở, có cảm tình với Việt Minh, đặc biệt là với ông Hồ. Thiếu tá Pa-ti không giấu giếm việc ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Theo nguồn tin của Pháp, Pa-ti có nói sẽ giúp ông Hồ xin vũ khí và một vị tướng Mỹ nói ông ta có quan hệ với giới kinh doanh ở Mỹ và họ có thể gửi giúp chế độ mới ở Việt Nam các máy móc hạng nặng để tái kiến thiết đất nước. Việc ông Hồ cần sự giúp đỡ thì đã rõ. Ha-rôn I-dắc (Harold Isaacs), một đồng nghiệp của tôi làm việc ở Newsweek đã được gặp ông Hồ vào tháng 11-1945 kể rằng, ông Hồ có nói ông sẵn sàng để cho người Pháp giữ được địa vị kinh tế của họ ở Việt Nam nếu họ công nhận nền độc lập của Việt Nam. Ông Hồ hỏi lại: “Sao lại không? Chúng tôi đã phải trả bằng xương máu hàng mấy thập kỷ rồi. Ví phỏng chúng tôi phải trả thêm mấy trăm triệu đồng nữa để giành được tự do thì không đáng hay sao?”.
… Cảm tình của người Mỹ đối với ông Hồ vào cuối năm 1945 và đầu năm 1946 thể hiện trong việc thành lập Hội Hữu nghị Việt-Mỹ. Cuộc họp đầu tiên của hội ở Hà Nội có một tướng Mỹ và các sĩ quan Mỹ dự. Đáp lại những lời hoan nghênh, ca ngợi hữu nghị đối với nước Mỹ, vị tướng Mỹ mong muốn rồi đây sẽ có những việc như trao đổi sinh viên giữa hai bên.
Thiếu tá Xanh-tơ-ni một lần gặp một chuyện ông cho là sỉ nhục khi đang ngồi xe Jeep có treo cờ Pháp bị quân Nhật bắt giữ, sau đó được thả nhờ có sự can thiệp của một đại tá Mỹ. Đối với người Mỹ, Xanh-tơ-ni có nhận xét: “Tinh thần chống chủ nghĩa thực dân ấu trĩ đã làm mờ mắt hầu hết người Mỹ”. Tuy gặp nhiều chuyện không hài lòng, chính Xanh-tơ-ni hơn bất cứ người Pháp nào, lại có cảm tình với Hồ Chí Minh và đã cố gắng thúc đẩy chính sách hợp tác thực sự với ông.
Sau hai lần gặp ông Hồ vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-1945, Xanh-tơ-ni có nhận xét ông Hồ là “một nhân vật đầy nghị lực và đáng kính”. Sau này trong cuốn sách “Chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ, 1945-1947”, Xanh-tơ-ni đã viết: “Con người rất mực giản dị này, với khuôn mặt ta thoáng nhìn đã thấy ngay sự thông minh mẫn tiệp, tài giỏi, tinh tế, là một nhân vật thuộc lớp người có những phẩm chất cao quý nhất, là một người chẳng bao lâu sẽ đứng vào hàng đầu trên cục diện châu Á”.
Xanh-tơ-ni là người đã tham gia phần lớn việc thương lượng với ông Hồ và đạt được Hiệp định ngày 6-3-1946. Trong cuốn sách của mình, Xanh-tơ-ni có trích dẫn lời ông Hồ nói: “Khi chúng tôi muốn tự cai quản đất nước mình… chúng tôi sẽ cần đến các chuyên gia, các kỹ sư và nguồn tư bản của các ông để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng mạnh”. Xanh-tơ-ni nói: “Ông Hồ muốn có một Liên hiệp Pháp được xây dựng, trong đó Việt Nam là hòn đá tảng… Ông ấy muốn đất nước ông phải được độc lập và muốn nền độc lập ấy có vai trò của người Pháp... Thật đáng tiếc là nước Pháp đã không đánh giá đúng con người đó và không hiểu hết giá trị và sức mạnh của ông ấy”.
… Một lần, trong thời gian Hội nghị Fontainebleau (1946), ông Hồ đã nói với Xanh-tơ-ni và Ma-ri-uýt Mu-tê (Marius Moutet): “Nếu chúng tôi phải chiến đấu để giành độc lập thì chúng tôi sẽ chiến đấu. Các ông có thể giết được mười người của chúng tôi và chúng tôi chỉ giết được một người của các ông nhưng cuối cùng các ông sẽ là người phải bỏ cuộc”.
Rô-bớt Sáp-lân, sinh năm 1917, thường xuyên viết cho các báo The New Yorker, Herald Tribune, Newsweek ; trong Thế chiến II là phóng viên chiến tranh của Newsweek trên mặt trận Thái Bình Dương. Do tính chất công việc, R. Sáp-lân biết khá nhiều chuyện về Việt Nam trong những năm chiến tranh. Ông cũng là bạn của Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, của Giáo sư La-ri Bơ-man (Larry Berman), tác giả cuốn “Điệp viên hoàn hảo”. Sau 1975 ông có trở lại thăm Việt Nam.
Cuốn “The Lost Revolution” (Cuộc cách mạng bị bỏ lỡ) của R. Sáp-lân ra mắt độc giả từng phần lần đầu tiên trên các báo từ năm 1955, sau đó xuất bản thành sách, liên tục tái bản có bổ sung vào những năm 1962, 1963, 1964, 1965. Điều đáng chú ý là trong cuốn sách của Mỹ, tác giả phê phán Pháp và Mỹ liên tục sai lầm, đã bỏ lỡ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 của nhân dân Việt Nam, bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với Cụ Hồ Chí Minh do không hiểu được nguyện vọng cháy bỏng của Cụ Hồ là độc lập dân tộc cho nhân dân Việt Nam, không tin Cụ Hồ thành thật muốn hợp tác với Đồng minh để chống Nhật cứu nước và sẵn sàng quan hệ với phương Tây để xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập.

Quang Doãn
(giới thiệu và biên dịch)

Tổng số lượt xem trang