Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Hạ cánh chính trị không còn an toàn? Ủy ban Kiểm tra TW yêu cầu thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền


--Ủy ban Kiểm tra TW yêu cầu thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền
(PetroTimes) - Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Yêu cầu thu hồi nhà, đất ông Trần Văn Truyền
Căn biệt thự hoành tráng gây xôn xao dư luận của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài
Toàn văn Thông cáo như sau:
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau khi báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo:
Tại kỳ họp lần thứ 26, ngày 02-03/10/2014 và kỳ 27, ngày 29-30/10/2014 qua xem xét, thảo luận báo cáo kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ông Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất như sau:
1. Về thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Tháng 12-1992, ông Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2).
Việc ông Trần Văn Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi đồng chí không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Sau khi được cấp đất, gia đình có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm.
Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trần Văn Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công và được Cục Thuế tỉnh Bến Tre quyết định miễn giảm theo Nghị định số 38/CP, ngày 23-8-2000 của Chính phủ đúng với số tiền là 16 triệu đồng.
Năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về nhà ở, đất ở.
Qua kiểm tra cho thấy, năm 1992, ông Trần Văn Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 đồng chí lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP của Chính phủ; do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên cho Tỉnh đội Bến Tre quản lý; ông Trần Văn Truyền cũng đã có đơn trả lại.
Nhưng từ năm 2007 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình ông Trần Văn Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào.
Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, thì đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Như vậy, ông Trần Văn Truyền biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận. Sau khi đã được mua nhà theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, ông đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng.
Việc làm trên của ông Trần Văn Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với bản thân.
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương.
2. Về căn nhà tại số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre
Năm 2002, UBND tỉnh đồng ý cho gia đình ông Trần Văn Truyền, được thuê căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre với diện tích: nhà chính 118,22 m2, nhà phụ 24,48 m2, khuôn viên đất 117,69 m2.
Trước khi ông nhận nhà, Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới căn nhà trên với tổng chi phí là 413,385 triệu đồng.
Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, ông Trần Văn Truyền có đơn xin mua căn nhà số 06 Lê Quý Đôn và đã được UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định chuyển quyền sử dụng đất và bán cho đồng chí căn nhà trên theo Nghị định 61/CP.
Trong đơn xin mua nhà, ông Truyền cam kết chưa được cấp đất theo chính sách nhà, đất của Nhà nước. UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà trên theo Nghị định 61/CP, với số tiền miễn giảm là 76,291 triệu đồng; số tiền còn phải nộp cho Nhà nước là 277,969 triệu đồng.
Như vậy, thời điểm mua căn nhà trên, ông Trần Văn Truyền đã được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định trước đó vào năm 2002.
Bản thân ông Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ "Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”.
Việc UBND tỉnh chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm;
3. Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Trần Văn Truyền có đơn gửi UBND TP.HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP.HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà tại thành phố và đã được UBND TP.HCM giải quyết cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận.
Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết, ông có làm đơn và được Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà TP.HCM đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ làm việc tại Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Sài Gòn, tiếp tục được thuê căn nhà trên.
Đến tháng 3-2011, ông làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TP.HCM bán căn nhà này cho ông và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên.
Sau đó các cơ quan chức năng của TP.HCM đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Trần Thị Ngọc Huệ theo hình thức thu 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá do Thành phố quy định hàng năm và thực hiện quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, nhưng không tính miễn, giảm các khoản được hỗ trợ theo chính sách.
Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Trần Văn Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, Quận 9, TP.HCM là nhà được tặng; con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại Quận 5, TP.HCM.
Như vậy, ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất; đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TP.HCM không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước.
Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của ông là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.
4. Về nhà công vụ tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội
Năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị Trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 95m2...
Tháng 10-2011, ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5-2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Như vậy, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông có khuyết điểm khi chưa thực sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
5. Về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
Từ năm 2009 - 2010, con trai ông Trần Văn Truyền là Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh mua gom đất của 4 hộ dân (với 08 thửa liền kề), diện tích 16.567,4m2, tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng (ngoài ra còn 01 lô đất gần 8.000 m2 của con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ mua, nhưng chưa sử dụng).
Tháng 12-2012, căn cứ đơn đề nghị của ông Trần Hoàng Anh, UBND thành phố Bến Tre cấp phép xây dựng nhà cho ông Trần Hoàng Anh với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; công trình có 03 tầng với chiều cao là 19,96m.
Tháng 5-2014, UBND Thành phố Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh.
Ông Trần Văn Truyền có báo cáo giải trình về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này..
Như vậy, việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
Việc làm trên của ông thể hiện sự thiếu cân nhắc thận trọng và thiếu gương mẫu trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân ông và tổ chức đảng; vi phạm mục C, khoản 1, Điều 1, Hướng dẫn số 03, ngày 15-3-2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-01-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm: “Làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.
6. Về căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM
Nguồn gốc căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM là từ việc ông Trần Văn Truyền có quen biết gia đình bà Trần Thị Lý, sinh năm 1930, trú tại Quận 9.
Bà Lý có nhận ông Trần Văn Truyền làm con nuôi. Tháng 7-2000, bà Lý có lập di chúc để lại cho con gái là Phạm Thị Kim Anh, sinh năm 1967.
Trong di chúc của bà Lý có nội dung để lại toàn bộ tài sản cho con gái là bà Kim Anh, do bà Kim Anh toàn quyền quyết định khi bà mất, trong đó đồng ý việc chia tài sản cho các con đỡ đầu và các cháu.
Sau khi bà Lý mất, bà Kim Anh đã mở di chúc để chia số tài sản thừa kế cho một số người, trong đó có ông Truyền. Năm 2008, bà Kim Anh tặng cho vợ ông Trần Văn Truyền là bà Phạm Thị Thuỷ 1 căn nhà 3 tầng, diện tích xây dựng 211,8m2, tổng diện tích sàn là 505,1m2 tại số 465/48C khu phố Phước Hậu.
Từ khi được tặng căn nhà, ông Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý, đồng chí nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre.
Tóm lại, từ 6 trường hợp cụ thể về nhà, đất nói trên, qua kiểm tra cho thấy:
Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan Trung ương và khi đã về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm: thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm của đồng chí gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân đồng chí và tổ chức đảng;
Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre có khuyết điểm, vi phạm trong việc còn nể nang, không chỉ đạo thu hồi dứt điểm lô đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre; trong việc sửa chữa, cải tạo mới và bán cho đồng chí Trần Văn Truyền nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP.
UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng của thành phố đồng ý bán cho con gái ông Trần Văn Truyền căn nhà tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận là không đúng đối tượng, thiếu căn cứ pháp lý, có sự nể nang, vi phạm Quyết định số 118/TTg, ngày 27-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2527/BXD-VP, ngày 18-12-2008 của Bộ Xây dựng và Công văn số 76/UBND-ĐTMT, ngày 20-02-2009 của UBND TP.HCM.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo và được Ban Bí thư đồng ý (như nêu tại Công văn số 9161-CV/VPTW, ngày 20-11-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng), theo đó Ban Bí thư yêu cầu:
- Đối với ông Trần Văn Truyền:
+ Kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
+ Yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre:
+ Thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đồng chí Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật.
+ Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.
- Đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM
+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND TP.HCM tại Công văn số 685/UBND-ĐTMT-M, ngày 30-9-2014.
+ Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105-Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.

-"Người đồng thừa kế" với ông Trần Văn Truyền lên tiếng về căn “siêu” biệt thự
Đăng Bởi Một Thế Giới - 10:21 04-08-2014


Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở quận 9, TPHCM


Sau khi Một Thế Giới đăng bài Nghi vấn về căn “siêu” biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Sài Gòn, một người phụ nữ đã lên tiếng và yêu cầu phóng viên đề cập bà với tư cách là "người đồng thừa kế với ông Truyền" chứ không phải danh xưng khác mà dư luận đang quan tâm.
"Tôi rất thương anh Ba Truyền"
Từ khi ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ nhắc đến sự giúp đỡ của người em gái nuôi, dư luận đã nghi vấn đặt câu hỏi: Làm sao có người em gái tốt đến vậy?.

Trả lời về thắc mắc này, người đồng thừa kế với ông Truyền (yêu cầu được giấu tên) cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống lâu đời, hai bên dòng họ nội ngoại toàn là người trí thức và giỏi làm ăn nên con cháu được thừa kế một nền tảng rất vững chắc.

Không may, trời cho tôi tài sản, trí tuệ, năng lực nhưng cũng cướp mất của tôi hết những người thân yêu, ruột thịt. Bản thân tôi cũng bệnh hiểm nghèo, không thể lập gia đình và có con. Nên tôi cũng nhận con nuôi như mẹ tôi để có người hương khói cho gia tiên. Vì phần lớn dòng họ ruột đều định cư ở nước ngoài. 
Giờ đây, với khối tài sản mà tôi nắm trong tay, tôi chỉ muốn đi san sẻ với những số phận khó khăn hơn tôi, và phục vụ đam mê hội họa của mình… Còn thì giúp đỡ anh em trong nhà, nuôi dạy các con nuôi nên người. Tuy là người đồng thừa kế, không ruột thịt nhưng tôi rất thương anh Ba Truyền”.
Về ông Trần Văn Truyền, bà chia sẻ thêm: “Còn về chuyện anh Ba Truyền, tuy chỉ là con nuôi, nhưng anh luôn làm trọn lời trăng trối của mẹ. Suốt 10 năm nay, anh lo chuyện cúng giỗ ông bà tổ tiên rất chu đáo, tôi vô cùng cảm kích nghĩa cử của anh ấy. Ảnh không về ở nhà thừa kế vì mẹ ruột của ảnh muốn ở lại Bến Tre, tôi tôn trọng quyết định của anh, và cho anh mượn tiền để xây nhà mới, đồng thời tìm người đồng thừa kế khác mua lại căn nhà giúp anh, âu cũng là chuyện hợp đạo lý mà. 
Tôi mong báo chí tôn trọng quyền riêng tư của gia đình chúng tôi, di chúc và hồ sơ chủ quyền nhà, anh Ba Truyền đã nộp cho cơ quan chức năng rồi. Căn nhà này, anh Truyền đã kê khai tài sản từ năm 2006 theo quy định".
 Người đồng thừa kế với ông Trần Văn Truyền đang trao đổi với PV
Người này cho biết thêm, căn “siêu” biệt thự nghi vấn là của ông Truyền trên thực tế là của bà. Căn của ông Truyền nhỏ hơn và cũng nằm trong khu biệt thự này.
Theo người đồng thừa kế với ông Truyền, thì bà đã mua căn biệt thự từ ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty Trí Việt – First News. Trước đó, bà và ông Phước đã cùng nhau mua khu đất này. Vì lý do an toàn, hai người có làm cam kết không mua bán, chuyển nhượng nhà đất nơi đây cho người lạ.
Thế nhưng, ông Phước lại đem bán nhà cho người ngoài. Người đồng thừa kế với ông Truyền biết được, liền đem tiền cọc đến chuộc lại căn nhà. Sau đó sửa sang lại, trang trí, lắp đặt hệ thống đèn, tường rào .v.v. căn biệt thự mới có dáng vẻ trang trọng, bề thế như ngày hôm nay.
Bà cho biết thêm, dù sở hữu căn biệt thự sang trọng như vậy, nhưng bà rất ít khi ở đây. Phần lớn thời gian bà ở nước ngoài để lo công việc làm ăn của mình.
Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền
Cũng theo người đồng thừa kế này, thì toàn bộ khu đất rộng hơn 5.000 mét vuông trên đường Long Phước là gia sản của dòng họ bà. Dòng họ của bà bao gồm bên ngoại lẫn bên nội đều là danh gia vọng tộc với khối tài sản đồ sộ.
Nhưng không may, mẹ ruột bà có 4 người con thì mất hết 3, chỉ còn mình bà là con gái út. Vì neo đơn, nên mẹ ruột bà rất thích nhận con nuôi. Ông Trần Văn Truyền chỉ là một trong số nhiều người con nuôi khác của gia đình này.
Năm 1999, mẹ ruột bà có lập di chúc chia khu đất thành nhiều phần để các con thừa kế. Năm 2001, mẹ ruột bà (cũng là mẹ nuôi của ông Truyền) không may qua đời. Lúc này ông Trần Văn Truyền vẫn là một công chức bình thường, chưa lên chức Tổng thanh tra Chính phủ.
Theo di chúc, ông Trần Văn Truyền được sở hữu một mảnh đất nhưng ông không chịu nhận. Mãi đến năm 2005, người đồng thừa kế với ông Truyền đã tìm gặp ông và mong ông nhận phần thừa kế, vì đây là tài sản thiêng liêng của dòng họ.
Ông Truyền đồng ý nhận mảnh đất khoảng 800 mét vuông. Nhưng ông chỉ sử dụng hơn 200 mét vuông để xây nhà. Năm 2007, ông Trần Văn Truyền sang lại cho ông Thành (cũng là người đồng thừa kế) 300 mét vuông đất với giá 1 tỷ đồng.

 Căn biệt thự của ông Truyền xây trên mảnh đất được thừa kế, theo lời người đồng thừa kế
Năm 2011, ông Trần Văn Truyền về Bến Tre sinh sống. Vì mẹ ruột của ông Truyền không muốn ở TP.HCM nữa, nên ông Truyền và các con quyết định xây căn biệt thự tại Bến Tre. Dự định căn biệt thự đồ sộ tại Bến Tre sẽ dành cho “tam đại đồng đường” cùng ở, theo lời người đồng thừa kế cho biết.
Thế nên, ông Truyền có ý định thế chấp ngân hàng căn nhà tại quận 9 của mình. Tuy nhiên, theo di chúc người mẹ nuôi để lại, chỉ được bán mua, chuyển nhượng cho các anh em trong gia đình, không được bán cho người ngoài. Vì tất cả các anh em nuôi đều không có nhu cầu và khả năng mua lại căn nhà, nên người đồng thừa kế nêu trên đã quyết định giúp đỡ ông Truyền.
Bà mua căn nhà nói trên với giá 4 tỷ đồng, ông Truyền đã dùng số tiền đó để xây biệt thự ở Bến Tre. Nhưng, vì là chỗ anh em, bà vẫn chưa buộc ông Truyền phải sang tên sổ đỏ theo đúng luật. Nên hiện tại, căn nhà này vẫn thuộc sở hữu của ông Trần Văn Truyền.
Căn nhà của ông Trần Văn Truyền cùng nằm trong khu biệt thự trên đường Long Phước, cách căn “siêu” biệt thự của người đồng thừa kế nói trên khoảng 300 mét. Căn nhà nằm góc cuối khu đất, sát với bờ sông nên bị khuất tầm nhìn so với những căn biệt thự khác.

 Căn biệt thự luôn cửa đóng, then cài vì không ai sử dụng
Biệt thự được xây làm hai tầng, cũng dùng kiểu tường rào sơn trắng, cổng vòm cao giống như các căn khác trong khu biệt thự. Đường vào khá nhỏ hẹp, nhưng sạch sẽ và rợp mát bóng cây. Căn biệt thự có vẻ khá cũ kỹ do lâu không ai ở và được những người đồng thừa kế cử người thân quét dọn, coi sóc.
Người đồng thừa kế với ông Truyền khẳng định, căn nhà nói trên là tài sản rất minh bạch của ông Trần Văn Truyền. Vì đây là của thừa kế, có di chúc hẳn hoi. Người này cho biết thêm, về khối tài sản đồ sộ của mẹ bà, tất cả đều có giấy tờ để chứng minh nguồn gốc.
Tuy nhiên, như báo chí thông tin, mới đây Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền. Theo đó, Ủy ban đã cử đoàn cán bộ phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Thời gian làm việc kéo dài 90 ngày. Dư luận đang chờ đợi kết quả đợt kiểm tra này.
Nhóm P.V
-Hạ cánh chính trị không còn an toàn? 

Nam Nguyên/RFA
Khu biệt thự vĩ đại của ông Trần Văn Truyền ở Bến Tre.

Việc phải đến đã đến, ngày 23/7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Như vậy sau 5 tháng báo chí phanh phui về khu biệt thự vĩ đại của ông Truyền ở Bến Tre, việc thanh tra tài sản của người từng nắm trọng trách thanh tra ở cấp cao nhất đã khởi sự. Hạ cánh chính trị ở Việt Nam phải chăng không còn an toàn như trước kia nữa. 


Bước chuyển chống tham nhũng? 

Trong hai tháng 2 và 3 đầu năm 2014, báo chí do nhà nước quản lý đã đua nhau đăng tấm hình ngôi biệt thự nguy nga của nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền. “Lâu đài” này tọa lạc trên khu đất 16.000 m2 ở Thành phố Bến Tre. Từ loạt súng mở màn này báo chí còn nghi vấn ông Truyền và gia đình đã sở hữu nhiều nhà đất khác có giá trị ở miền Tây và TP.HCM. Tệ hơn nữa khi các đại biểu Quốc hội bật mí, nguyên Tổng Thanh tra ngay trước khi về hưu đã ký quyết định bổ nhiệm không đúng qui trình tới 60 chức vụ quan trọng trong ngành thanh tra.

Theo báo người Lao Động và Tuổi Trẻ điện tử, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cử một đoàn cán bộ đến phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Chắc hẳn công việc này khá phức tạp để xác minh nguồn gốc tài sản có thể do người khác đứng tên, nên công tác này sẽ kéo dài tới 90 ngày. 

Qua việc kiểm tra tài sản của nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền, phải chăng đã có bước chuyển trong công tác chống tham nhũng, hay Đảng chỉ quyết định làm sau khi dư luận đã quá xôn xao.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định: 

“Ở Việt Nam Luật phòng chống tham nhũng nói chung cũng đầy đủ khi chưa có quyết định việc của nguyên Tổng Thanh tra thì luật đã có đầy đủ. Câu chuyện ở Việt Nam là có làm hay không làm và câu chuyện ai chủ trì làm và có làm đến nơi đến chốn hay không. Vấn đề đặt ra là ở đấy, chứ còn văn bản ở Việt Nam không thiếu thứ gì, tất cả những qui định về dân chủ nhân quyền đến phòng chống tham nhũng, chống quan liêu hách dịch rồi đến tiếp dân giải quyết cái này cái khác ...không thiếu cái gì qui phạm pháp luật chứa đầy hết nhưng ai thi hành, ai giám sát và có thực hiện đến nơi đến chốn hay không. Đó là một câu chuyện cần phải đặt ra.”

Tài sản của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ có thể chẳng là gì nếu so với tài sản của các đại gia, của nổi của chìm của các quan chức khác. Có điều ông Truyền bị báo chí phanh phui và với tốc độ của công nghệ thông tin ngày nay, câu chuyện trở nên trầm trọng. Những người am hiểu thực tế Việt Nam cho rằng, kẻ có chức có quyền khi đã tham nhũng thì cũng biết cách cất dấu, sang tay cho người thân rất khó phát hiện. 

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa người miệt mài đi tìm sự công khai minh bạch trong giáo dục và thi cử nhận định:

“Theo tôi chuyện để cho chính quyền này tự nhiên mà đi kiểm tra tài sản của nhau là chuyện không bao giờ xảy ra. Đấy chính là áp lực của báo chí mà báo chí nêu cách đây bao nhiêu tháng rồi bây giờ họ mới chịu rờ vào, một điều rất phổ biến trong xã hội này. Cho nên muốn có những thay đổi mang tính công khai minh bạch theo yêu cầu kê khai tài sản cá nhân từ thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đưa ra cách đây mười mấy năm, thì rõ ràng Việt Nam còn lâu mới làm được. Kiểm tra ông Trần Văn Truyền những 90 ngày đấy, nhưng chắc rồi cũng lại chìm xuồng thôi.”

Có phải là con " cá lớn"?

Vụ kiểm tra xác minh tài sản của nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền, một người đã về hưu mà dân gian thường gọi là hạ cánh an toàn, dẫn tới các ý kiến cho rằng Việt Nam phòng chống tham nhũng không có kết quả, các vụ việc đưa ra ánh sáng thường là không phải là con “cá lớn”. Phải chăng cần có sự thay đổi thể chế triệt để thì mới có thể phòng chống tham nhũng có hiệu quả và thực hiện công khai minh bạch được tốt. Thí dụ như Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp phải độc lập và có thể giám sát lẫn nhau. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định: 

“Độc lập của các cơ quan tư pháp thì Việt Nam ở trong chế độ toàn trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự độc lập đó chì có tính cách tương đối thôi chứ làm sao mà có độc lập trên thực tế được. Bởi vì tất cả những người đứng đầu các cơ quan đó tất cả đều là đảng viên cả, không có người nào trong ngành tòa án, viện kiểm sát rồi công an ở vị trí lãnh đạo quyết định mà là người ngoài đảng cả. Dĩ nhiên phải điều hành bởi một tổ chức thống nhất đó là lãnh đạo của Đảng. Cho nên vấn đề đó ở Việt Nam là hơi sớm, bởi vì nó không phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam hiện giờ. 

Vấn đề đặt ra ở đây là những luật những quyền, nhân quyền ở Chương II của Hiến pháp phải triển khai, nhưng mà triển khai rất chậm. Kể cả Luật biểu tình cũng nói đi nói lại mãi, quyền Lập hội cũng treo ở đó. Rồi quyền được cung cấp thông tin, tự do báo chí v…v. Tất cả những quyền đó nếu được triển khai trong một thể chế như thế này và người dân có những quyền đó, thì đó cũng là những phương tiện rất tốt để bóc tách những người tham nhũng, tham ô ra khỏi bộ máy công quyền, thì người dân đỡ khổ hơn.” 

Những người dân bình thường như nhà giáo Đỗ Việt Khoa suy nghĩ thế nào về sự độc lập cần phải có của các ngành tư pháp, hành pháp lập pháp. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa phát biểu:

“Vừa rồi những người có tiếng nói độc lập, những trang mạng đấu tranh dân chủ yêu cầu Việt Nam phải có tam quyền phân lập… lập tức những tờ báo của chính phủ lý luận ngược lại bảo rằng Việt Nam không cần tam quyền phân lập. Tôi đã từng nghe cách đây vài ba năm, có phóng viên nước ngoài phỏng vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: ‘Việt Nam có nên đa đảng không?’, Tổng Bí thư trả lời rằng: ‘Nhân dân Việt Nam chưa cần đa đảng’. Chả biết các ông có hỏi nhân dân bao giờ chưa, nhưng các ông ấy kết luận như vậy.” 

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng độc đảng đi kèm với độc quyền và đặc quyền đặc lợi. Ông nhấn mạnh:

“Chính cái sự độc quyền ấy mà ta gọi là đặc quyền đặc lợi trong giới lãnh đạo của Đảng là cái sẽ làm mọt ruỗng Đảng, làm mọt ruỗng chính quyền và nó làm mất niềm tin của nhân dân. Cần nhớ rằng chính cái đặc quyền đặc lợi trong Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô trước kia đã làm Liên Xô sụp đổ, thì Việt Nam và các nước cộng sản khác trước sau rồi cũng sẽ như vậy.” 

Ông Trần Văn Truyền từng là Tổng Thanh Tra Chính phủ, cấp bậc của ông ngang hàng Bộ trưởng, nhưng ông có trong tay thanh “Thượng phương Bảo kiếm” các ban ngành, doanh nghiệp nhà nước hay các địa phương đều sợ uy và sợ cái moi móc khi bị kiểm tra. Thí dụ bây giờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc về vụ đường ống dẫn nước Sông Đà do Tổng Cty Vinaconex thực hiện, đã bị bể 9 lần, thì chắc hẳn rất nhiều chuyện bê bối được phanh phui. 

Lúc còn tại chức Tổng Thanh Tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Chuyện người chống tham nhũng có tham nhũng hay không để hậu xét, nhưng một cách thuần lý ông Truyền không thể có khả năng tạo lập tòa biệt thự nguy nga trên vùng đất rộng tới 16.000 mét vuông bằng đồng lương của mình, chưa kể những tài sản khác, cho dù ông có nhịn ăn cả đời.

Câu chuyện của ông Trần Văn Truyền không phải là duy nhất, các quan chức của chế độ toàn trị, từ cao xuống thấp nếu phải công khai tài sản thì hoàn cảnh của họ cũng không khác gì ông Trần Văn Truyền. LS Trần Quốc Thuận cười sảng khoái và nói, hạ cánh an toàn hay không an toàn nó được điều chỉnh bởi một quan hệ pháp luật khác. Đó là hiệu lực pháp luật của những sai phạm, cho nên sai phạm trị giá lớn cỡ nào thì thời hiệu pháp luật sẽ có mức tương ứng. Pháp luật có thừa nhưng vấn đề là thực thi nó như thế nào, ai phạm tội và ai là người giám sát.

Thật ra đây là câu chuyện vui của người dân Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận nhấn mạnh luật pháp và dân quyền có đủ nhưng không thi hành, nó giống như câu chuyện Đảng và nhà nước ban cho người dân cái Thiên Đàng nhưng không cho cái thang để leo lên. 

(Theo RFA)

-Giới hạn của việc công khai
 (Dân Việt) - Khi đương chức, ông Trần Văn Truyền - Tổng thanh tra Chính phủ đã nói một câu rất hay: "Khi thu nhập quốc dân được kiểm soát qua hệ thống ngân hàng thì công khai sẽ có tác dụng". Bởi với "khoản không công khai khá lớn, thì yêu cầu công khai chẳng qua là hình thức".
Căn bệnh hình thức khiến cho biết bao quy định về kê khai tài sản trở thành văn bản trên giấy. Suốt từ Đại hội Đảng lần thứ IX, khi lần đầu các trung ương ủy viên đều phải kê khai tài sản, đến giờ đã có quá nhiều quy định về kê khai tài sản cán bộ công chức.
Nào là quy định tặng, nhận quà biếu được ban hành. Rồi cán bộ phải kê khai tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng. Rồi công khai tài sản cá nhân ở cấp chi bộ Đảng. Rồi mở rộng hóa, cụ thể hóa đối tượng kê khai, cho đến cấp... "cảnh sát khu vực".

Thậm chí, Hội nghị T.Ư 9 từ năm 2001 đã chủ trương quy định vợ con cán bộ đảng viên cũng phải kê khai. Nhìn chung, quy định về kê khai tài sản là không thiếu. Cái thiếu, chỉ là sự công khai. Chính xác hơn, là giới hạn hữu hình của việc công khai.
10 năm trước, Tổng Thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh nói rằng: Kê khai nằm trong hồ sơ quản lý của các cơ quan chứ không công khai. Theo ông: Cái này lại liên quan đến quyền tự do cá nhân được quy định trong Hiến pháp. Khi người ta chưa có dấu hiệu vi phạm gì thì không thể công khai tài sản, các khoản tiền gửi ở ngân hàng, tiền tiết kiệm của họ, vì nó liên quan đến bí mật cá nhân. Vì rằng: Cán bộ, công chức kê khai cho tổ chức, mà tổ chức là đại diện cho dân nên cũng là kê khai với nhân dân rồi.
Thế nên Nghị định 68/2011, với cốt lõi là quy định về hình thức công khai các bản kê khai tài sản- vừa được ban hành sẽ rất khó để khoác vừa chiếc áo có ý nghĩa như một văn bản cột mốc xóa bỏ hoàn toàn giới hạn của việc công khai? Dù những bản kê khai đó sẽ công khai tại nơi làm việc thường xuyên (đối với ứng viên đại biểu dân cử sẽ công khai tại hội nghị cử tri), nhưng những bản kê khai này có phải là một loại tài liệu mật, mà người khác sử dụng, hoặc "bị" công khai trên báo chí- sẽ đương nhiên bị coi là vi phạm pháp luật?
Rất khó để một vị Tổng thanh tra hoặc trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nào đó khẳng định đây không phải tài liệu mật. Rất khó, bởi những giới hạn không rõ ràng trong việc công khai.
Công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập trong cơ quan làm việc -Nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai Bản kê khai tài sản thu nhập.


Một trong những quy định bổ sung tại Nghị định 68/2011/NĐ-CP là về các nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó nhấn mạnh người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
Bên cạnh đó, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định.
Công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên làm việc
Đặc biệt, Nghị định 68/2011/NĐ-CP đã sửa đổi,  bổ sung và quy định rõ về việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
Đó  là, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc.
Thời gian công khai tối thiểu 30 ngày
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31 tháng 12 đến ngày 31 tháng 3 của năm sau, nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.
Công khai tại hội nghị cử tri Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người đó. Thời điểm công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử, Ban thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện công khai bản kê khai được quy định nêu trên còn phải công khai bản kê khai do tổ chức đó quy định.
Xử lý kỷ luật người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực
Theo Nghị định 37/2007/NĐ-CP trước đây, người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch.
Tại Nghị định 68/2011/NĐ-CP, ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên còn bổ sung hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức (tùy theo tính chất, mức độ) đối với công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Cụ thể, đối với công chức bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương;  giáng chức; cách chức.
Chậm kê khai, chậm tổ chức kê khai, chậm tổng hợp báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập cũng bị xử lý kỷ luật
Cụ thể, người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai mà tổ chức việc kê khai chậm so với quy định của pháp luật; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai chậm so với thời hạn kê khai do người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị quy định; người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập mà thực hiện chậm so với quy định về thời hạn tổng hợp, báo cáo do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị quy định thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương.
Nghị định 68/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2011.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:
1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.
4. Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước.
5. Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.
6. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường mầm non, tiểu học của Nhà nước tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.
7. Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
8. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, phó trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong công ty nhà nước; người được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
9. Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
10. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các ban của Trung ương Đảng, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập là:  người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Chủ tịch nước.
(Theo Nghị định 37/2007/NĐ-CP)
Hoàng Diên

TP - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Từ 30- 9, sẽ bổ sung quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

 
ĐBQH, HĐND phải công khai tài sản trước hội nghị cử tri
So với Nghị định 37 hiện hành, Nghị định 68 đã sửa đổi, bổ sung và quy định rõ về việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Theo đó, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc. Thời gian công khai tối thiểu 30 ngày.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31-12 đến ngày 31-3 của năm sau, nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.
Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Bản kê khai tài sản, thu nhập phải công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người đó. Thời điểm công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND.
Ngoài ra, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện công khai bản kê khai được quy định nêu trên còn phải công khai bản kê khai do tổ chức đó quy định.
Kê khai sai có thể bị cách chức
Nghị định 68/2011/NĐ-CP cũng quy định bổ sung các nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó nhấn mạnh người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
Đặc biệt, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phải kê khai theo quy định.
Theo quy định trước đây, người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch.
Tại Nghị định 68/2011/NĐ-CP, ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên còn bổ sung hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức (tùy theo tính chất, mức độ) đối với công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Cụ thể, đối với công chức bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương; giáng chức; cách chức.
Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai mà tổ chức việc kê khai chậm so với quy định của pháp luật; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai chậm so với thời hạn kê khai do người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị quy định... thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật khiển trách; cảnh báo hoặc hạ bậc lương.
Hà Nhân
--Khai man tài sản có thể mất chức (VNN 9-8-11) -- Cò phải khai cả tài sản trong ngân hàng Thụy Sĩ?  Nhà cửa ở Anh, Mỹ, Canada...?

Tổng số lượt xem trang