Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Bàn về hiệu quả sử dụng đất làm khu công nghiệp

(Tamnhin.net) – Việc hình thành các Khu công nghiệp đã, đang và sẽ góp phần biến không ít vùng nông thôn nghèo, đất đai sình lầy, hoang hoá, ít có khả năng sinh lợi trở thành những trung tâm sản xuất kinh doanh hưng thịnh, sầm uất.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT), cả nước hiện có trên 260 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 72.000 ha. Trong đó, 174 KCN đã đi vào hoạt động, chiếm trên 43.500 ha, 86 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN phân bố rộng khắp trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm như phía Nam chiếm gần 48% tổng số KCN, phía Bắc trên 20% và miền Trung xấp xỉ 10%. 

Tính đến cuối năm 2010, các KCN đã thu hút được trên 4.300 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 336.000 tỷ đồng và gần 4.000 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 53,6 tỷ USD. Thực tế, đã có 6.800 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp trên 25% GDP cả nước, giá trị nhập khẩu đạt 18,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu   đạt   19 tỷ USD và nộp ngân sách   N  hà nước 19.165 tỷ đồng và 344,37 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trên 1 ha đất (đã cho thuê) đạt khoảng 1,6 triệu USD/ha/năm. Các dự án đầu tư nước ngoài cũng đã tạo việc làm mới cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp.
                   
Quy hoạch và thực trạng sử dụng đất KCN   
           
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho thấy tỷ lệ sử dụng đất làm khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn này đạt 100.000 ha, bằng chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 46%. Ngoài ra, cả nước còn có 28.000 ha đất của 650 cụm công nghiệp nhưng chỉ mới cho thuê được 10.000 ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 44%.
             
Tiến sĩ Lê Tuyển Cử, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế - Bộ KH và ĐT, cho biết theo quy hoạch phát triển, đến năm 2020, dự kiến sẽ có 249 KCN được thành lập mới và mở rộng với tổng diện tích đất tăng thêm 81.000 ha. Như vậy, với tổng số 510 KCN đã được quy hoạch, sẽ cần quỹ đất tự nhiên khoảng 153.000 ha và thậm chí có thể hơn nữa vì theo đề nghị từ nhiều địa phương sẽ có một số KCN được bổ sung thêm vào quy hoạch.
      
Cũng tại hội thảo, báo cáo về số liệu đất đai liên quan tới sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt do Bộ TN và MT cung cấp, cho thấy, kế hoạch sử dụng đất khu, cụm công nghiệp đến năm 2015 dự kiến sẽ là 150.000 ha và quy hoạch đến năm 2020 sẽ là 200.000 ha, tăng 200% so với năm 2010.
   
Đối với những ý kiến đặt vấn đề vì sao lại không quy hoạch các KCN tại vùng trung du, miền núi nơi đất rộng người thưa, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả mà lại phải lấy đất nông nghiệp ở đồng bằng làm KCN, ông Ông Lê Tuyển Cử lý giải: điều kiện đầu tiên để đảm bảo cho KCN thành công là phải có nhà đầu tư đến thuê đất để xây dựng KCN, nhà máy, xí nghiệp... Xu hướng chung là họ thường tìm đến những nơi có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội phát triển và đảm bảo ổn định, gần các đầu mối giao thông như sân bay, bến cảng, gần các trung tâm kinh tế, thương mại, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, hải quan...; là nơi đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng, gần các thị trường lớn. Điều này, hẳn nhiên chỉ có các vùng đồng bằng mới đáp ứng được. Cũng bởi thiếu những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa như vậy, nên dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích, nhưng vùng trung du và miền núi vẫn khó thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp.
      
Vấn đề đặt ra là phải xây dựng quy hoạch sử dụng một số đất nông nghiệp, đủ để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời dành quỹ đất lớn hơn cho các hoạt động phi nông nghiệp để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có các khu và cụm công nghiệp.
      
Có nên đánh đổi?  
              
Khi đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp, một vị lãnh đạo Bộ TN và MT nhận định việc quy hoạch và phát triển các KCN hiện còn dàn trải. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ lấp đầy KCN còn thấp (dưới 60%) nhưng vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác, trong khi quỹ đất dành cho các nhu cầu văn hóa, y tế, giáo dục…chưa được quan tâm và đáp ứng đúng mức.

Ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia về lĩnh vực quản lý đất đai, cũng có chung quan điểm và nêu thêm, đây sẽ là những áp lực lớn cho các địa phương, khi các KCN được giao thừa diện tích, đó là chưa kể mối lo về tình trạng ô nhiễm môi trường khi các KCN được phát triển ồ ạt. Điều này cần phải được xem xét và điều chỉnh kịp thời trong quy hoạch giai đoạn mới.
   
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII Lê Quốc Dung nhận định, dự kiến quy hoạch đất KCN từ 72.000 ha năm 2010 lên 200.000 ha năm 2020 là quá lớn và có ảnh hưởng tới đất trồng lúa. Vì thế cần xem xét để quy hoạch vừa phải nhằm chống tình trạng để hoang hóa, lãng phí đất đai như hiện nay.
     
Chính vấn đề hiệu quả thu hút đầu tư của các KCN cũng cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, bởi theo viện dẫn của ông Lê Tuyển Cử, tính đến hết năm 2010, với trên 4.300 dự án đầu tư trong nước, gần 4.000 dự án đầu tư nước ngoài và tổng vốn đăng ký đầu tư tương ứng là 336.000 tỷ đồng và 53,6 tỷ USD, thì tỷ lệ vốn giải ngân thực tế bình quân vào các khu công nghiệp chỉ đạt 35%. Tính đến cuối tháng 7/2011, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN thực hiện cũng chỉ đạt 3,6 tỷ USD tương đương 40% tỷ lệ đăng ký. Đối với các KCN do doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư, vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chỉ thực hiện được 913 triệu USD, bằng 48% tỷ lệ đăng ký đầu tư. Ông Cử nhấn mạnh, một số KCN triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất thu hồi để xây dựng KCN chậm được đưa vào khai thác, do sốt ruột thu hút đầu tư, nhiều địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả sử dụng đất ở nhiều dự án khu, cụm công nghiệp.
    
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải dành quỹ đất để phát triển các KCN, thậm chí phải chuyển đổi một số đất nông nghiệp, kể cả là đất trồng lúa ở các vùng đồng bằng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cần phải lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất KCN, đất nông nghiệp một cách có chọn lọc để vừa đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, vừa tạo động lực và khai thác thế mạnh đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
  
Thạch Huê    
-Bàn về hiệu quả sử dụng đất làm khu công nghiệp 

--------

Quản lý và sử dụng đất đai: Thành tựu và tồn tại 

- Sản xuất nông-lâm nghiệp làm mất hơn 4.300 ha rừng (PLTP).



Vì sao các công ty Mỹ Latinh khó thành đạt ở thị trường Trung Quốc? (Tamnhin.net) - Trung Quốc là một khách hàng dễ tính đối với nguyên vật liệu của Mỹ Latinh, nhưng lại rất khó tính đối với hàng hóa giá trị gia tăng của khu vực này.

 

Tổng số lượt xem trang