-Những người không được cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan hiện ra sao?
Trong số những người chạy trốn qua Thái Lan để xin hưởng quy chế tỵ nạn chính trị của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, đã có không ít người đã không được chấp nhận. Vì vậy, họ đã phải sống một cuộc đời vô tổ quốc trên xứ người mà không có chút hy vọng gì về tương lai. Cuộc sống của họ hiện tại như thế nào, với các khó khăn gì?
900 người tị nạn Việt Nam trên đất Thái
Từ sau năm 1975 cho đến nay, Thái Lan vẫn luôn là điểm đến của những người tỵ nạn Việt Nam vì lý do chính trị hay kinh tế… với hy vọng sẽ được hưởng quy chế tỵ nạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, để đi định cư ở một nước thứ 3.
Theo báo Người Việt, hiện nay có hơn 900 người tị nạn Việt Nam trên đất Thái Lan. Họ là những người đấu tranh dân chủ, những người thiểu số theo đạo Tin Lành bị đàn áp, những người dân bị cướp đất cướp nhà, bị đánh đập bỏ tù phải bỏ xứ ra đi.
Tôi bỏ Việt Nam ra đi là năm 1981. Sau đó tôi sống ở Campuchia được 15 năm. Tôi đến Thái Lan được 7 năm rồi. Tôi đi bán những chiếc kẹp tóc, loại kẹp tóc cho con nít, được khoảng 100 hay 120 Baht một ngày.
-Một người tỵ nạn ở Thái
Tuy vậy, vẫn còn một số không nhỏ những người tị nạn đang sống vất vưởng ở Thái Lan, vì không được Cao ủy Liên Hiệp Quốc chấp nhận cấp cho họ quy chế tỵ nạn.
Những người này do cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ tùy thân nên không có việc làm, và họ luôn có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù bất cứ lúc nào. Con cái của họ thì không được đi học. Ðời sống người tị nạn hiện nay vô cùng bấp bênh và khốn khổ.
Bà Hoàng Phương, một người bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp truy bức, cùng đường đã phải chạy sang Thái Lan để xin hưởng quy chế tỵ nạn, song bị Cao Ủy Liên Hiệp Quốc từ chối cho chúng tôi biết hoàn cảnh của bà. Bà nói:
“Tôi là một trong số những người bất đồng chính kiến cho nên cũng bị họ (nhà nước) trù dập, mất việc và bị đuổi đi linh tinh, cho nên khó khăn quá, không những thế còn bị họ cho người đánh đập, đe dọa. Qua tới đây, thì cũng như nhiều người khác tôi cũng làm đơn xin quy chế tỵ nạn. Nhưng do không có kinh nghiệm và không có sự tư vấn của Luật sư về việc làm đơn như thế nào. Cộng với việc Cao ủy (tỵ nạn) có quá đông người tỵ nạn, thứ 2 là do sự thay đổi như thế nào đó thành ra tôi đã bị trượt quy chế đầu tiên. ”
Gia đình chị Vương Thị Viếng (thứ 3 từ trái)tại Hội Thánh Tin Lành, Thái Lan.(tháng 4/2012)
Một người tỵ nạn ở Thái Lan xin được dấu tên, đã cho RFA hay tình cảnh của gia đình ông ở Bangkok, sau khi không được Cao ủy Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho tỵ nạn nhân đạo. Ông cho biết:
“Tôi bỏ Việt Nam ra đi là năm 1981. Sau đó tôi sống ở Campuchia được 15 năm. Tôi đến Thái Lan được 7 năm rồi. Tôi đi bán những chiếc kẹp tóc, loại kẹp tóc cho con nít, được khoảng 100 hay 120 Baht một ngày. Đi bán từ 4 giờ sáng mà cho tới 5 giờ chiều mới về được tới nhà. Tôi ở đây chỉ có hai vợ chồng già thôi. Vợ tôi năm nay cũng 60 tuổi rồi. Bây giờ bà ấy bị rớt Cao ủy (tỵ nạn) thì bà ấy như là mất trí, con người cứ như là mất hồn, không dám ra khỏi nhà. Nhiều khi 2, 3 tháng cũng không dám ra khỏi phòng nữa. Người bà ấy xanh xao, không biết làm sao mà nói. Hôm nay đang chuẩn bị dời nhà đi, bà ấy khóc với tôi biết là bao nhiêu, kêu tôi ở lại.”
Gặp nhiều khó khăn
Trả lời câu hỏi về cuộc sống hiện tại và những khó khăn mà họ đang phải đối mặt ra sao?
Chị Ba, từng là một thuyền nhân của trại tỵ nạn Sikhiu (Thái Lan), đã bị cưỡng bách hồi hương năm 1996, trở về Việt Nam nhưng do bị đàn áp cưỡng bức của chính quyền đã không sống nổi. Một lần nữa đã phải trốn qua Thái Lan cùng gia đình vào năm 2011, song cũng bị Cao ủy Liên Hiệp Quốc từ chối hiện đang sống bất hợp pháp ở Thái Lan, nói với chúng tôi:
“Tôi thì có nghề may, mỗi tháng thu nhập khoảng 6.000 baht và tôi chỉ cầu mong được như thế thôi để trụ lại đây chứ không đòi hỏi gì hơn. Chỉ có trở ngại duy nhất là về an ninh, về giấy tờ. Tuy rằng cảnh sát ở đây họ không quan tâm nhiều tới những người phụ nữ lớn tuổi như tôi, nhưng mà mình vẫn luôn lo sợ, bởi vì mình sống bất hợp pháp.”
Cũng chưa biết tương lai của mình ra sao, chỉ biết rằng mình phải cố gắng né tránh sự va chạm của mình đối với chính quyền Thái để mình tồn tại được trên đất Thái này thôi.
-Chị Ba
Vấn việc làm là khó khăn lớn nhất đối với người tỵ nạn, song vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại khá lớn, bà Hoàng Phương khẳng định:
“Riêng với tôi là một phụ nữ, sức khỏe yếu, bệnh tât cho nên cũng đã đi tìm việc làm nhiều lần, cũng có nơi họ nhận nhưng sau họ phát hiện ra mình là người tỵ nạn nên họ lại từ chối, hơn nữa là phụ nữ không làm được việc nặng. Thành ra cho đến bây giờ vẫn chưa xin được việc gì cả. Cũng có nơi họ đã nhận vào làm, song tiếng Thái của mình ít quá nên họ lại thôi, họ không nhận mình nữa. Đó rất khó khăn, chỉ có một số anh em tỵ nạn là nam giới có sức khỏe thì đi làm chui những công việc như phu xây dựng gì đó. Từ ngày tôi ở đây, chưa bao giờ gặp họ hỏi giấy tờ gì cả, kể cả tôi mua vé xe bus để đi để tìm thuốc ở tỉnh khác cũng không sao cả, cũng không có ai hỏi..”
Khi được hỏi, ông bà nghĩ gì về tương lai trước mắt của mình?
Đã bỏ nước ra đi thì không mong ngày trở về, nếu trên đất nước Việt Nam vẫn còn tồn tại chế độ cộng sản. Chị Ba nói:
“Cũng chưa biết tương lai của mình ra sao, chỉ biết rằng mình phải cố gắng né tránh sự va chạm của mình đối với chính quyền Thái để mình tồn tại được trên đất Thái này thôi. Còn việc trở lại về VN thì tôi không có nghĩ, bởi vì ở VN bọn nó rành tôi quá rồi cho nên tôi không có dám mong ngày trở về. Ngoại trừ là cộng sản VN nó tự giải thể.”
Trong tâm trạng ngậm ngùi của một người vô tổ quốc và không biết tương lai của mình ra sao. Người đàn ông tỵ nạn ở Thái đề nghị dấu danh tính nói trên cho biết:
“Chúng tôi hiện giờ quá khó khăn. Cho nên cái cơ cực của chúng tôi đã quá già dặn. Chúng tôi không biết phải làm sao, vì những người như chúng tôi bây giờ là những người vô tổ quốc. Bây giờ chúng tôi không biết là tổ quốc chúng tôi nằm ở đâu. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ không biết sống chết ra sao nữa. Cho nên tôi cứ ngậm ngùi hoài. Bây giờ trở về nước cũng không được, mà ở lại đây cũng không xong. Bây giờ tôi không biết sẽ ra sao cái cuộc sống của tôi hiện nay.”
Là một người tỵ nạn bị rớt quy chế của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, hiện đang sống bất hợp pháp tại Thái Lan, chị Ba đã thổ lộ tâm tư của mình đối với những ai đang có ý định sang Thái Lan để tìm quy chế tỵ nạn cho mình. Chị nói với chúng tôi:
“Nếu mà anh đi qua đây vì một cái lý do không ổn định thì tốt nhất chịu khó ở lại quê nhà đi, vì nó vẫn ổn hơn. Ngoại trừ những người đấu tranh có tiếng tăm trên mạng, nếu họ muốn qua thì họ có thể. Nhưng với những người không có đủ chứng cớ thì tôi thành thật khuyên: “Đường vào Cao ủy rất là khó khăn”.”
Mỗi một con người đều cần phải có cho mình một tổ quốc để cho mình sinh sống và che chở đối với mình. Tuy vậy, hiện nay ở Thái Lan đã và đang có rất nhiều người con đất Việt đang phải sống trong hoàn cảnh vô tổ quốc và họ không có được tư cách của một công dân hợp pháp, những người đó cần được pháp luật che chở và bảo vệ.--Chuyện những người bị ‘thanh lọc’ tại Thái Lan Khát vọng tự do
Kỳ 1: Ra đi - trở về - lại ra đi
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Bước chân xuống tàu đi tìm vùng trời tự do, hầu hết mọi người đều tự đặt mình vào một canh bạc: hoặc làm mồi cho cá, hoặc sẽ tới “thiên đường”. Chính vì vậy, sau những ngày lênh đênh trên biển, chỉ cần nhìn thấy đảo, thấy đất liền, là họ thấy mình “thoát” và xem như chuyến đi thành công.
Người “bộ nhân” năm xưa, Khanh Nguyễn (trái), trong ngày nhận bằng cao học tại University of North Texas. (Hình: Khanh Nguyễn cung cấp) |
Câu chuyện của những phận người rơi vào tình cảnh trớ trêu này tại trại tị nạn Panatnikhom và Sikiew ở Thái Lan như anh Khanh Nguyễn ở Texas, anh Lê Viết Minh ở Seattle, và gia đình anh Mạnh Võ, một lần nữa, viết tiếp trang sử người Việt tị nạn vốn còn dang dở, bằng những điều lạ lùng nhất.
“Nằm vùng” ở Cambodia, đến Thái Lan trễ ba ngày
“Chứng kiến nhiều người thân trong gia đình đi vượt biên bị chết, bị mất tích, nên tôi muốn tìm một đường đi nào cho thật chắc ăn và thật an toàn” là lý do để anh Khanh Nguyễn, một kỹ sư thiết kế, hiện đang sống tại Texas, chọn cho mình cách vượt biên bằng đường bộ sang Cambodia, trước khi tìm đường đi tiếp đến các trại tị nạn.
Theo lời anh Khanh, anh bắt đầu tìm đường đi vượt biên từ năm 1986, nhưng đến năm 1988 anh mới qua được Cambodia, bằng cách “từ Sài Gòn đón xe về Châu Ðốc, rồi từ Châu Ðốc đạp xe đi Phnom Penh”.
“Tôi ở đó gần một năm, nhưng đến khi quyết định sang Thái Lan thì lại trễ ba ngày sau khi có quyết định đóng cửa trại tị nạn,” người “bộ nhân” năm xưa kể.
Anh Khanh không muốn nhắc lại cảm giác choáng váng và hụt hẫng của mình khi nghe tin trại tị nạn đóng cửa. Anh chỉ cười khì nhớ lại, “Có lẽ là ý trời. Tôi cứ cho đó là ý trời vì tại sao mình ở Cambodia cả năm trời không chịu đi, đến khi đi lại bị trễ mất ba ngày!”
Ðứa trẻ không cha, muốn đi vượt biên để khẳng định mình
Không giống như anh Khanh Nguyễn hay phần đông người vượt biên không chấp nhận cuộc sống tù hãm, khổ sở, mất tự do, Lê Viết Minh, từ năm 14 tuổi, dám tự mình quyết định xin bạn “cho tao đi (vượt biên) với” bởi “muốn làm điều gì đó để khẳng định rằng một đứa con không cha vẫn có thể sống và tồn tại”.
Lê Viết Minh, người đàn ông chỉ vừa ngoài 40, hiện sống tại Seattle từ năm 1998, kể lại câu chuyện của mình vào một ngày cuối Tháng Chín.
Không hề biết cha đẻ của mình là ai, nên từ lúc được sinh ra, Minh được vợ chồng người dì - chị ruột của má - đứng tên làm khai sinh giùm. Ba năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, má của Minh bị bắt vì “tình cờ giữ giùm người ta thùng dầu 10 lít”.
Má đi tù, cậu bé Lê Viết Minh về ở với dì dượng.
Dù coi vợ chồng người dì như cha mẹ, tự trong tiềm thức, nỗi ám ảnh về thân phận một đứa trẻ không cha, không mẹ thôi thúc Minh phải bằng mọi cách làm sao đó để có thể tồn tại một cách đường hoàng, vững chãi.
Chính vì điều này mà năm 1985, khi mới 14 tuổi, nghe đứa bạn cùng lớp cho biết sẽ được ba mẹ dẫn đi vượt biên, Mình không ngần ngại “xin đi theo, và đưa trước cho ba nó 2 chỉ vàng”.
Tuy nhiên, khi ra Nha Trang, Minh cho rằng “chắc mình ngủ quên nên người ta đi mất hết”. Vậy là chuyến đi đầu tiên không thành.
Ba năm sau, Minh lại cùng gia đình người bạn đó về Cần Thơ để “đi tiếp”. Lại không lọt.
Lần thứ 3, năm 1990, nghe đứa bạn sát vách nhà tâm sự, “ba tao muốn tao đi vượt biên nhưng tao lại không muốn đi”. Minh lên tiếng, “Ðể tao đi cho.” Vậy là người thanh niên 19 tuổi Lê Viết Minh khi đó theo lời chỉ dẫn xuống Cà Mau để thực hiện chuyến đi vượt biên vào một ngày cuối Tháng Tư, mà trong đầu không hề mảy may hay biết rằng các trại tị nạn đã đóng cửa từ một năm trước!
Hành trình trên biển
“Khi người ta kêu xuống chiếc vỏ nhỏ xíu để đưa ra tàu lớn, tôi cứ ngỡ trong đầu là tàu bự lắm. Nhưng khi thấy tàu thì hỡi ôi vì chiếc tàu chỉ lớn hơn cái buồng tắm thôi, chẳng khác gì chiếc xuống mà dồn 27 người xuống, ngồi còn không được nữa huống chi là nằm.” Minh bắt đầu hồi tưởng.
Ngay ngày đầu tiên của chuyến đi, mọi chuyện không suôn sẻ!
Tàu mắc cạn. Chân vịt gãy. Sau khi thay chân vịt, những người tổ chức kéo nhau nhảy xuống một chiếc xuồng nhỏ và nói những câu mà vài ngày sau Minh mới kịp hiểu, “Chúc may mắn. Tụi bây qua đó nó đóng cửa rồi cũng đi không được đâu!”
Bốn ngày liên tiếp, chiếc tàu “nhỏ như cái buồng tắm” lênh đênh trên biển.
Những chiếc lu đựng nước bị giật qua giật lại bể tan tành.
Con tàu rỉ nước.
Ðói.
Khát.
Những đứa con nít có mặt trên tàu khóc thôi là khóc.
Người ói. Người mửa. Người đọc kinh.
“Còn tôi thì tát nước, tát cho đến khi chịu không nổi nữa.”
Giọng Minh đều đều kể lại chuyến vượt biên từ hơn 20 năm trước.
“Ðêm thứ tư, mệt quá rồi, tôi nói ‘thôi cho chết hết cho rồi, mệt quá rồi’. Và tất cả quyết định nằm ngủ luôn cho nước vô tràn tàu rồi chết luôn.”
Nhưng.
Không phải mình quyết định chết là có thể chết được!
“Không biết nước vô đầy rồi nó không vô nữa hay sao mà khi mở mắt ra vì trời nắng chói quá, thấy mình vẫn còn sống,” Minh cười nhớ lại.
Và lại tát nước.
Tuy nhiên, điều Minh nhớ nhất của chuyến đi không phải là chuyện tát nước đến lả người, mà là chuyện người ta nhảy xuống biển để kết thúc sự đau khổ!
Vẫn bằng giọng bình thản, Minh kể, “Trên tàu có một chú ngoài 50, khi đi chỉ mang một theo một cái tụng đệm, không bao giờ nói một tiếng nào. Thấy chú đó đói quá, tôi lấy cái bánh lột da tôi cất để dành trong chiếc túi dếch của mình đưa cho chú.”
Thế nhưng.
“Chú không ăn mà bóp vụn bánh ra, thảy xuống biển. Xong, chú đứng dậy nhảy luôn xuống đó.” Minh ngừng vài giây.
“Không biết có phải vì bắt chú tát nước mệt quá không chịu nổi nữa nên chú tự tử luôn không? Mọi người thảy dây xuống nhưng chú không bắt.”
Minh trầm giọng, “Tôi không biết chú tên gì, chỉ biết chú khoảng ngoài 50, tôi cũng không biết nhà chú ở đâu. Có điều sau này cứ mỗi lần có chuyện gì, tôi lại cầu nguyện đến chú đó, cũng có nhiều điều may mắn.”
Con tàu còn lại 26 người.
Lại tiếp tục lênh đênh trên biển.
Ðến ngày thứ bảy thì chiếc tàu nhỏ của Minh đến Thái Lan, sau khi được một tàu đánh cá Thái Lan giúp đỡ.
Sau 15 ngày ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan, Lê Viết Minh và mọi người đi cùng chuyến tàu được đưa về trại tị nạn Panatnikhom.
“Khi đó tôi mới biết chuyện trại tị nạn đã đóng cửa, mọi người phải chờ thanh lọc.” Minh nói.
“Anh có cảm thấy thất vọng khi nghe tin đó không sau một hành trình cận kề với cái chết như thế?” Tôi hỏi.
Minh trả lời tỉnh queo, “Thôi thì tới đâu hay tới đó. Ý tôi là có bắt cũng không về, khổ tới đâu cũng ráng mà chịu. Tôi không có thân nhân, không có gì hết nên trong đầu chỉ nghĩ qua tới đó rồi thì đi làm kiếm tiền sống chứ không có gì lo lắng quá.”
Năm đó Minh 19 tuổi, và bắt đầu cuộc sống hơn sáu năm chờ ngày thanh lọc.
Làm thiện nguyện, đổi cái ăn, hy vọng và chờ đợi
Mỗi người đều tìm cho mình một công việc gì đó để làm trong thời gian chờ đợi thanh lọc là điều mà tất cả những ai đã trải qua thời gian ở trại tị nạn Thái Lan đều biết.
Nếu anh Khanh Nguyễn “mỗi ngày làm hai công việc thiện nguyện, cuối tuần làm thêm một cái nữa,” thì Minh Lê lại làm công việc sửa xe, sau đó là làm nơi “transit” đưa những người tị nạn đi định cư ở nước thứ ba.
Cả Minh lẫn anh Khanh đều “rớt” sau khi phỏng vấn thanh lọc, chỉ với lý do duy nhất, “Ðến trại tị nạn sau ngày 14 Tháng Ba, 1989.”
Khi “rớt thanh lọc,” tất cả được chuyển sang trại Sikiew, nơi “gần như là một nhà tù,” để chờ ngày được “tái xét” hoặc chờ ngày tự nguyện hoặc bị cưỡng bách hồi hương.
“Thời gian này là khổ cực đó,” Minh nói.
Anh Khanh Nguyễn cho biết, vì nơi đây chẳng khác gì nhà tù nên kỷ luật rất khắt khe, không được đi ra ngoài, không được thức sớm trước 6 giờ sáng, cũng như không được thức trễ hơn 10 giờ tối.
“Trong trại tù đó lại có những trại tù nhỏ hơn để nhốt những người quậy phá.” Anh Khanh nhớ lại.
Theo lời Minh và anh Khanh, khi vào trại Sikiew, nơi có tường cao bao bọc, “người ta sống như xếp cá mòi vì hơn 300 người bị dồn vào căn nhà dài chừng 40 mét, rộng chừng 20 mét.” Mỗi ngày, mỗi người được chia 20 lít nước dành cho tất cả các sinh hoạt tắm, giặt, ăn, uống.
“Mỗi tuần được lãnh thức ăn hai lần. Một lần thì được một lạng cá, một lần thì được một lạng thịt gà, cùng 3.5 ký gạo và 2.5 ký củi. Sống như vậy đó.” Minh cười ha ha khi nhắc lại những năm tháng “đen tối” này.
“Có nản không?” Tôi hỏi cả anh Minh lẫn anh Khanh.
“Tôi nghĩ cha mẹ anh chị em tôi đều ở Mỹ thì không có lý do gì họ cho tôi quay về Việt Nam, nên tôi cứ hy vọng và chờ xem chương trình thanh lọc như thế nào.” Anh Khanh chia sẻ.
Tuy nhiên, sau bốn năm vào chương trình chờ đợi đến phiên, anh Khanh Nguyễn bị từ chối.
Anh cho rằng thời gian tổng cộng sáu năm sống ở trại cấm Thái Lan, kỷ niệm khiến anh nhớ nhất chính là giây phút bị cưỡng bách về Việt Nam cùng 300 người khác. Và cũng trong đêm đó, lại có hơn 300 người được đi định cư ở Mỹ, Úc và Canada.
Anh nói, “Ngày bị đưa về Việt Nam, tôi nghĩ cuộc đời mình đã xong. Ðâu còn mơ ước gì nữa, mọi tương lai coi như đã khép lại rồi.” Giọng anh kể lại nghe nhẹ hều. Nhưng có lẽ trong thời khắc ấy, gánh nặng của sự tuyệt vọng của những người cùng hoàn cảnh như anh còn đau đớn hơn nhiều những nhọc nhằn cơ cực của bao năm chịu đựng để chờ đợi, để hy vọng góp lại.
Với Minh Lê thì hơn năm năm sống trong tình trạng hy vọng và chờ đợi đó, cũng có lúc Minh “nản, nản lắm, nhất là khi chứng kiến người ta bị ép về bằng mọi giá, chứng kiến cảnh người ta bị cột tay chân, bỏ vô bao bố, khiêng như khiêng heo bỏ lên máy bay”.
Nhưng, như Minh nói, “Mình cũng bị ép nhưng mình cứ cố ở lại vì mình độc thân. Nhưng cũng nghĩ đường cùng đến tên mình cũng phải về, còn không thì phải vượt biên một lần nữa, tức bỏ trốn ra ngoài đi tìm chỗ khác ở.”
Theo lời Minh Lê, từ Tháng Mười, 1995 đến Tháng Sáu, 1996, UNHCR có chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees), tức chương trình tạo cơ hội định cư cho người Việt hồi hương. Những ai tự nguyện “đăng ký” hồi hương theo chương trình này thì sau khi trở về Việt Nam chờ đợi sẽ được gọi phỏng vấn đi Mỹ trở lại. Ai không “đăng ký” sẽ bị cưỡng bách bằng nhiều hình thức.
Do “bán tín bán nghi,” rất nhiều người không tham gia chương trình, trong đó có Minh Lê.
Tuy nhiên, “tôi có nhiều cái may mắn,” Minh nói. Ngày cuối cùng cho phép đăng ký tên vào chương trình ROVR, Minh đã “đến nhà một người bạn chơi đến khuya luôn, để cho ngày đó qua luôn, vì mình không muốn đi đăng ký”.
Thế nhưng, thay vì phòng làm việc đóng cửa lúc 5 giờ chiều như thường lệ, thì ngày hôm đó, người ta kéo dài thời gian đến tận 12 giờ đêm. Vậy là khi thấy Minh vừa trở về, một người bạn đã “lôi tay tôi kéo đi đăng ký”.
“Thấy nhóm bạn năm người của mình đều đã ghi danh, luôn cả bạn gái, họ bảo thôi thì trước sau gì cũng về, thôi cứ lên ghi tên. Vậy là tôi phải về.” Minh tiếp tục kể.
Cuối năm 1996, Minh trở về Việt Nam.
Ra đi lần hai
Theo lời anh Khanh Nguyễn, sau khi trở về Việt Nam, anh cũng như mọi người, phải ở trại tiếp nhận ở Thủ Ðức để người ta điều tra khoảng một tuần trước khi cho về nhà.
Cả Minh và anh Khanh đều cảm thấy khó khăn trong thời gian đầu sau khi hồi hương. Tuy nhiên, ý định được ra đi vẫn âm ỉ trong lòng mọi người.
Năm 1997, anh Khanh Nguyễn chính thức lên đường định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình chứ không theo chương trình ROVR.
Trong khi đó, Minh Lê, sau cuộc phỏng vấn nhớ đời kéo dài 15 phút, anh đã có mặt tại Mỹ vào một ngày gần cuối Tháng Sáu, 1998.
Có một điều khá bất ngờ và thú vị cho Minh, đó là người phỏng vấn đã hỏi Minh “có vợ hay người yêu chưa”.
“Tôi nói không có vợ, chỉ có người yêu từ lúc ở Thái Lan, giờ cô ấy cũng hồi hương.” Minh nhớ lại.
“Không ngờ nghe vậy, ổng nói về làm giấy kết hôn thì ổng cho cổ đi luôn, ổng cho thời gian ba ngày để làm. Tôi bất ngờ quá, cứ tưởng ổng giỡn.” Minh cười lớn.
Vậy mà Minh và người bạn gái của mình được đi thật. Ðể cho đến tận bây giờ, họ vẫn là một cặp vợ chồng có với nhau ba đứa con.
***
Hiện là một kỹ sư thiết kế ở Texas, nhìn lại những năm tháng đã qua, anh Khanh Nguyễn thổ lộ, “Ðúng như người Mỹ nói, tự do không phải tự dưng mà có, freedom is not free. Tự do phải nỗ lực tìm kiếm, cho dù đời sống nghịch cảnh đau khổ như thế nào mình cũng nên nắm bắt lấy những cơ hội.”
Chính vì như vậy, anh Khanh cho rằng “thật xứng đáng, rất xứng đáng” với tất cả những gì đã bỏ ra để được đặt chân đến Mỹ.
Thuyền nhân Minh Lê, người từng sống qua thời gian thanh lọc tại Thái Lan từ năm 1990 đến 1996, hiện đang sống tại Seattle. (Hình: Minh Lê cung cấp) |
Anh chia sẻ, “Ý chí hay không ý chí không phải qua Mỹ mới có, hay nó sẽ đến với mình một cách dễ dàng. Tất cả phải được hun đúc, cấu thành từ lúc mình còn niên thiếu, từ hoàn cảnh gia đình để mình quyết tâm và phấn đấu.”
Với Minh, giờ đây chỉ còn lại mỗi một điều phải suy nghĩ, “Có một lúc nào đó, có một người xuất hiện và nói đó là ba của tôi, thì tôi phải làm sao?”
Nếu câu chuyện của Khanh Nguyễn, của Minh Lê có thể tiêu biểu cho câu chuyện của biết bao người đã ra đi, bị thanh lọc, trở về rồi lại ra đi, kéo dài giấc mơ đến Mỹ có khi đến cả 10 năm, câu chuyện về khát vọng đến Mỹ, giấc mơ thực hiện liên tục trong suốt gần 30 năm mới gần thành của anh Mạnh Võ, mà chúng tôi sẽ đăng trong kỳ tiếp theo, sẽ cho người đọc thấy được ý nghĩa của hai chữ tự do mạnh mẽ đến dường nào.
(Kỳ tới: 30 năm cho một hành trình tìm tự do)
–
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
-Chuyện những người bị ‘thanh lọc’ tại Thái Lan
-Thanh lọc Thái Lan kỳ 2: 29 năm hành trình tới tự do-
Ngọc Lan / Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Trang mạng pst14-3.com là trang diễn đàn của những người tị nạn vượt biên từng bị qua thanh lọc tại Thái Lan. Tên trang mạng có gốc từ ngày 14 tháng 3 năm 1989, là ngày đóng cửa các trại tị nạn ở Thái Lan.Ðứng lãnh nước trong trại tị nạn. (Hình: pst14-3.com) |
Trong những câu chuyện này, có một câu chuyện của một gia đình hành trình 29 năm để đi tới Mỹ. Ðó là câu chuyện của gia đình một người đàn ông đã ngoài 55 tuổi. Vì vấn đề giấy tờ nhạy cảm, báo Người Việt tạm đổi tên ông, tuy không thay đổi chi tiết nào trong câu chuyện. Hãy tạm gọi ông là ông Papillon.
10 năm vượt biên mấy mươi lần
“Năm 1978 ở Huế bắt đầu có những chuyến vượt biên đầu tiên, nhưng khi đó tôi chưa hề có ý định đi,” ông Papillon bắt đầu câu chuyện.
Theo lời ông, sau 30 tháng 4, 1975, ba ông, như nhiều sĩ quan VNCH khác, bị bắt vào các trại tù “cải tạo.” Nghe lời ba, Papillon cùng gia đình từ Sài Gòn trở về quê ở Huế để “có gì còn ôm đất mà sống.”
Vì là “con ngụy,” Papillon “không thể vào đại học, không được làm cái này, làm cái kia, ngoại trừ được đi lao động trồng khoai trồng sắn, đi làm thủy lợi.”
Ðến năm 78, thấy tình hình ở Huế ngày một căng thẳng, khó sống, Papillon tìm đường vô Sài Gòn và bắt đầu chuyến đi vượt biên đầu tiên vào năm 1979.
“Từ khi có ý định vượt biên thì tôi đã móc bên này bên kia rất nhiều lần nhưng đều không được,” ông Papillon nhớ lại.
Ðến năm 1981, người yêu của Papillon, người bạn gái thời trung học, tốt nghiệp đại học Y Khoa. Vậy là “tụi tôi tìm cách chạy nhiệm sở về Vũng Tàu để nằm vùng ở đó chờ đợi những chuyến đi.”
“Như vậy, từ khi chưa cưới, ông và vợ ông đã dự tính tương lai mình đặt toàn bộ vào chuyện ra đi?” báo Người Việt hỏi.
“Vâng,” ông Papillon cười trả lời.
Theo lời ông, có lẽ do số ông “lận đận nên cứ đi hoài không được, cũng mất mát khá nhiều.” Ðến năm 1983 thì ông Papillon và người yêu ông làm đám cưới.
Sau đám cưới, những chuyến vượt biên của vợ chồng ông càng dầy hơn, “không năm nào mà tụi tôi không đi, cứ hễ nghe có chuyến là đi.”
Ông Papillon không thể nào nhớ hết số lần các chuyến đi vượt biên không thành của mình trong suốt thời gian 10 năm, từ năm 1979 đến 1989, ông chỉ cảm thấy một điều may mắn duy nhất là “chưa lần nào bị bắt.”
Lớp học tại trại tị nạn Sikiew. (Hình: pst14-3.com) |
Ông Papillon không trả lời ngay vào câu hỏi. Ông chỉ kể, “Có chuyến đi được tổ chức khi bà xã tôi đang mang bầu 8 tháng rưỡi. Tôi hỏi bả đi không, bả nói đi. Mang bụng bầu như vậy mà vợ tôi cũng lội sình ra tàu như bao người khác.”
Có điều, “ghe bị bể, không đi được.”
Bằng giọng Huế trầm ấm nhưng dứt khoát, ông Papillon tiếp tục câu chuyện, “Lần tiếp theo chuyến đi không thành đó là khi vợ tôi sanh được 10 ngày. Tôi bỏ thằng con 10 ngày tuổi vào giỏ mây xách đi, vợ tôi cũng lội sình theo như vậy.”
Nhưng, thêm một lần nữa, “cũng không lọt.”
Ông Papillon cười lớn, “Cô hỏi tôi có nản không thì tôi nói là sau chuyến đi đó tôi mới thực sự nản.”
Người đàn ông này cho rằng “sẽ không bao giờ đi vượt biên nữa vì mình không có số. Mình vừa tổ chức, vừa tính toán sắp xếp mà cũng không đi lọt. Ngay cả đến chuyện ăn chay niệm Phật mà tôi cũng làm, tiền bạc mất mát biết bao nhiêu vẫn không đi được thì thôi, dứt khoát không đi nữa.”
Sau 10 năm thất bại trong các chuyến ra đi, ông Papillon quyết định không nghĩ đến chuyện vượt biên nữa, tập trung tìm công việc làm để ổn định cuộc sống.
Thế nhưng - cuộc đời luôn có những chữ “nhưng” như vậy.
“Khi từ Vũng Tàu lên Sài Gòn để sắp xếp công việc, tôi lại gặp bạn bè rủ đi, lần này đi bằng đường bộ, do tụi trong Quân Khu 7 tổ chức.” Ông Papillon cười giòn tan, “Nghe rủ là lại nổi máu lên liền.”
Lúc đó con ông Papillon chưa đầy một tuổi, tức chưa được một năm sau quyết định “dứt khoát không đi nữa.”
Vượt biên bằng đường bộ
Ông Papillon kể trước khi quyết định đi vượt biên bằng đường bộ, ông đã nghe tin tức và biết rằng các trại tị nạn đã đóng cửa cũng như biết luôn chuyện “phải qua thanh lọc.”
“Tôi nói cho vợ tôi biết trước qua tới đó có thể phải ở trại 2 năm chứ không giống như trước nữa. Nhưng vợ chồng tôi quyết định đi là đi thôi.” Ông Papillon nói.
Vậy là vợ chồng ông Papillon cùng đứa con chưa đầy thôi nôi bắt đầu hành trình nửa tháng vượt biên bằng đường bộ.
Theo lời người “bộ nhân” này, khởi đầu gia đình ông tập trung gần chợ An Ðông, rồi theo xe qua Mộc Bài. Từ đây có người dắt qua biên giới Cambodia, “mình cứ làm như con buôn vậy,” ông kể.
Ðến Phnom Penh ở một ngày, rồi tiếp tục đi đến Battambang, rồi lại đi đến Sisophon, một tỉnh gần biên giới Thái Lan. “Họ bắt mình giả làm lính Cambodia, cũng mặc đồ lính, cũng đưa súng cho mình cầm nữa, chứ nếu không họ biết là người Việt đi vượt biên.”
“Nửa tháng đi như vậy là nửa tháng sống trong sợ hãi, sợ nhất là gặp Pol Pot. Nhưng điều may mắn là mình nhìn thấy nó nhưng nó không phát hiện ra mình, nếu không là bị giết hết rồi,” ông Papillon hồi tưởng. “Nỗi sợ kế nữa là khi đến đoạn qua biên giới thì sợ đạp phải mìn. Người dẫn đường làm dấu, mình cứ bước lên vết chân họ để lại để mà đi.”
Từ Sisophon, mọi người đi bộ mất một ngày nữa thì tới biên giới Thái Lan.
Cảm giác khi đặt chân đến biên giới Thái Lan? “Mừng lắm, vì bao nhiêu năm rồi mà,” ông Papillon nói.
Vì “giả” làm người Cambodia đi vượt biên, nên người dẫn đường đưa gia đình ông Papillon đến khu vực trại Site 2 dành cho người tị nạn Cambodia. Sau khi bắt ông ký giấy để họ mang về nhận tiền từ thân nhân ông ở Việt Nam, ông được chỉ đường đi đến trại tị nạn dành cho người Việt Nam.
Có một chi tiết mà người “bộ nhân” này nhớ hoài đó là “khi bị cảnh sát Thái Lan bắt, trước khi quyết định đưa về trại tị nạn dành cho người Việt Nam, việc đầu tiên họ làm là khám chân xem mình có đúng là ‘bộ nhân’ đi bộ không.”
Ði bộ cả nửa tháng, chân ai cũng bị lau lách cắt, trầy xước, rướm máu từ chân đến đùi. “Chỉ cần nhìn trầy trụa như vậy là họ biết mình đúng là lội bộ đi rồi thì họ cho vô trại,” ông Papillon kể.
“Lúc vô trại là mừng rồi, bởi khi đó không còn sợ chết nữa, chỉ còn chấp nhận chờ đợi thôi.” Ông lại cười như thể đã hoàn tất xong một phần của giấc mơ vượt biên.
8 năm chờ đợi
Trước chuyến đi, hai vợ chồng ông đã tính “có lẽ phải chờ khoảng 2 năm” nhưng thực tế gia đình ông đã trải qua 8 năm sống chờ đợi và hy vọng trước khi phải... trở về nơi xuất phát.
Ông kể, trại tị nạn nơi ông ở là một vùng quê ở Thái Lan, “nhà tranh, vách đất.”
“Thời điểm đông nhất, ngôi nhà ở trại tị nạn này, như cái nhà lồng chợ, chừng 17 mét vuông mà chứa từ ba trăm đến bốn trăm người,” ông nhớ lại. “Gia đình tôi được 1 chiếc chiếu, đồ đạc chặn chung quanh. Ở trong điều kiện như vậy từ năm 1993 đến 1997.”
Cũng như tất cả những ai đã qua thời gian này tại các trại tị nạn ở Thái Lan, vợ chồng ông Papillon cũng tham gia những công việc thiện nguyện tại đây, và nhận thực phẩm “ăn tạm đủ để khỏi suy dinh dưỡng” được phân phát từ Cao Ủy Tị Nạn (UNHCR).
“Mỗi tuần ngày Thứ Ba thì lãnh 100 gram gà và 100 gram rau. Thứ Sáu thì lãnh cá, mỗi người được con cá nục cũng chừng 100 gram. Lâu lâu chừng một tháng thì được lon sữa bò. Nước thì mỗi người được 20 lít mỗi ngày.” Ông Papillon nhắc lại đời sống khốn khó trong những năm tháng chờ “thanh lọc.”
Ði vượt biên cả 10 năm không lọt, giờ sang được trại tị nạn lại sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, nhưng ông không hề thấy nản. Ông giải thích, “Lúc đó tôi không cảm thấy nản lòng, bởi tâm trạng chung của những người tị nạn là đều sống nhờ hy vọng.”
“Còn ai thấy nản lòng, thấy mình đã không chọn đúng thì tự lên đăng ký hồi hương,” ông nói tiếp.
Ông kể, “Có người khuyên tôi nên tách đôi gia đình, một nửa hồi hương về tham gia chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees), một nửa ở lại. Nhưng quan điểm của gia đình tôi là đi thì đi hết, về thì về hết. Mà tôi lại tâm nguyện là khi nào đến phiên bị ép về thì mới về chứ tôi không tự tay ký vào giấy hồi hương.”
Tuy nhiên, dù có sống trong hy vọng như vậy, nhưng mỗi ngày trôi qua, lại càng có thêm nhiều chuyến cưỡng bách trong nhiều tình cảnh thê thảm, niềm hy vọng của ông Papillon cũng như của rất nhiều người lúc bấy giờ cứ mai một dần, nhường vào đó là một nỗi buồn của thân phận “con cá trong lọ phải chấp nhận hoàn cảnh.”
“Một lần nữa, tôi đành phải chấp nhận rằng mình lại bị thua thêm một chuyến nữa. Người trong trại tị nạn có câu 'vượt biên có phước, định cư có hồng,' không phải vượt biên được là định cư được,” ông Papillon chia sẻ.
Ðiều gì đến cũng đến, năm 1997, gia đình ông Papillon là một trong số 57 người sau cùng còn lại ở trại tị nạn Thái Lan bị đưa về Việt Nam, vĩnh viễn xóa bỏ nơi có tên gọi “trại tị nạn.”
Cha mẹ “không có số,” đầu tư vào cho con
Trở về Việt Nam , bắt đầu lại từ đầu, từ con số “0.” Nhưng khát vọng về vùng trời tự do vẫn không thể nào tắt lịm trong nhịp sống mỗi ngày của gia đình ông Papillon.
Khi thấy bạn bè xôn xao với chương trình phỏng vấn ROVR, ông Papillon cũng tìm đến. Tuy nhiên, gia đình ông bị từ chối vì “không đăng ký vào chương trình này lúc còn ở Thái Lan.”
Ông xoay sang đầu tư vào đứa con, khi đó đang chuẩn bị bước vào trung học, với hy vọng “khi có cơ hội sẽ cho nó ra nước ngoài du học.”
Ông kể, thời gian đó, tivi ở Sài Gòn chưa có chương trình truyền hình cable, chỉ có một vài công ty du lịch khách sạn có dịch vụ này. Vậy mà ông cũng tìm cách “móc nối” để có chương trình đó xem ở nhà để con ông có cơ hội rèn luyện tiếng Anh.
Tháng 12 năm 2006, sau khi học hết chương trình đại học năm thứ 3 tại Việt Nam, con trai ông Papillon được chấp thuận cho sang Mỹ theo chương trình du học tự túc.
“Khi nghe tin em đậu phỏng vấn, ba em thì mừng, còn mẹ thì khóc luôn,” con ông nói với Người Việt.
Cậu bé từng theo ba mẹ đi vượt biên bằng đường bộ đến Thái Lan lúc 5 tuổi, sau đó lại “hồi hương” khi 13 tuổi, để 9 năm sau đó chính thức có mặt tại Mỹ khi đã 22 tuổi, nói về cảm xúc của mình, “Qua đến Mỹ, em lại tìm được cảm giác như lúc em còn ở Thái Lan, cái cảm giác mà khi trở về Việt Nam em không có. Một cái gì đó bình yên, phơi phới, lồng lộng, như thể cuộc đời này không bị giới hạn bởi một điều gì hết. Một cảm giác rất khó tả mà em chỉ biết gọi đó là cảm giác của tự do.”
Sau 29 năm bền chí “phải đi”
Một năm sau khi con trai đến Mỹ, đến lượt hai ông bà làm hồ sơ du lịch sang thăm con.
Ông nói vui, “Con tôi nói ba mẹ cứ làm đơn xin đi du lịch, đến nơi mà có bị đuổi về thì cũng coi như cúi hôn được mảnh đất tự do cũng cảm thấy đã!”
Sau chuyến du lịch đó, vợ chồng ông Papillon thêm một lần nữa quyết định “phải ra đi.” Con cái du học được, thì phụ huynh cũng xin du học luôn!
“Coi như đi lòng vòng gần 30 năm chúng tôi cũng đã tới Mỹ.” Người đàn ông có ý chí bền vững này nói.
Ông thổ lộ, “Ðến giờ này, đôi khi nghĩ mọi chuyện cứ như một giấc mơ. Nhiều bạn bè nói chúng tôi khùng khi bỏ lại hết tất cả sự nghiệp để ra đi như vậy.”
Nhưng ông thì không thấy mình khùng. Ông nói:
“Mỹ không phải là thiên đường. Nhưng thực sự dưới vòm trời này, nơi tốt nhất vẫn là Mỹ. Dù bây giờ qua đây tôi làm nhiều công việc vất vả so với tuổi nhưng vẫn thấy xứng đáng, và hạnh phúc. Quan trọng hơn, tôi thấy mình trưởng thành và học hỏi được nhiều. Phải đi mới thấy, mới cảm nhận được đời sống văn minh và cái xã hội có nhân bản là như thế nào.”
“Cho nên tôi thấy giá mình phải trả là xứng đáng, không quá đắt chút nào.” Ông kết thúc câu chuyện.
–––––
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
-
Biển-Đời: Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng trong những sáng tạo mới
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
1. Biển
“ Những ngày sống trong trại tỵ nạn, nghe chuyện những nữ thuyền nhân bị hãm hiếp cướp bóc, tôi đau buồn vô cùng. Nó vẫn đeo đuổi tôi và tác động đến việc sáng tạo của tôi. Hãm hiếp, cướp bóc, và biển đen. Sau bốn ngày đêm cập bến, trời vẫn không trăng không sao. Nhìn ra biển thật hãi hùng. Chỉ thấy một màu đen.”
(Ann Phong trả lời tiếng Anh, tác giả dịch)
Ann Phong – Box of Water, 2009
Họa sĩ Ann Phong đã kể như thế trong cuộc phỏng vấn nhiều giờ tại tư gia năm 2000. Cuộc phỏng vấn nằm trong Dự Án Việt Mỹ (Vietnamese American Project VAP) do tôi chủ xướng với cương vị Giám đốc sáng lập tại Đại học CSU Fullerton từ năm 1998. Tôi thực hiện Dự án VAP bằng phương pháp Lịch sử Truyền khẩu, nhằm ghi lại chứng từ của người Việt về kinh nghiệm sống của họ tại Việt Nam, trong hành trình di tản, và hoàn cảnh hội nhập tại Hoa Kỳ.
Biển. Biển, đối với Ann Phong, mãi là một niềm thao thức. Một nỗi ám ảnh.
Ann Phong – Up Down, mixed media, 2010
Trong những tác phẩm đầu tay, biển của Ann Phong đen đậm, đặc sệt hãi hùng và bi thương. Có những tác phẩm choáng hết một bức tường, cao gấp mấy lần Cô, cũng choáng ngợp cái màu đen của biển không trăng không sao, biển của thuyền nhân, biển của những thập niên 80 và 90, của tỵ nạn và của mất mát.
Nhưng trong những năm về sau, màu đen đã loãng đi, và những gam màu khác đã tìm đến với khung vẽ của Ann Phong. Cô vẽ những bức tranh tươi hơn, tuy người xem vẫn bắt gặp những sần sùi của quá khứ trong từng nét cọ. Có lẽ người thưởng lãm cũng gặp một Ann Phong thư giãn hơn, cười tươi hơn, tuy vẫn sâu sắc và thấm thía.
Ann Phong- Leftover from yesterday,
mixed media on wood, 2011
Trong lần triển lãm này, Ann Phong kết hợp điêu khắc và hội họa. Tôi gọi những tác phẩm này là tranh-điêu-khắc. Trong loạt tranh-điêu-khắc này, Ann Phong đã cất cánh. Cô bước ra khỏi cái không gian giữa bốn cạnh của khung vẽ, nhón ra ngoài canvas, bay lên cao. Cô đã giải phóng cho tác phẩm của mình, để chúng đi vào ba chiều, vươn tới những đỉnh cao mới. Cô phóng túng với chất liệu đa dạng, thoải mái bay lượn với ý tưởng của những vòng đời mới, nhặt nhạnh mảnh vỡ của hôm qua để làm nền cho một đóm hy vọng nhỏ nhoi. Cô không để màu sắc và ý tưởng nằm ì trên khung vẽ nữa. Cô cho chúng leo vào những bậc thang không khí xung quanh, và nếu thích, chúng có thể tự do ‘ra ràng,’ bay bổng.
Nhiều người xem đã nói với Cô trước khi ra về, “Tranh đẹp lắm! Lạ lắm!” Hay “Đặc biệt lắm!” Họa sĩ Ann Phong phản ánh, “Muốn làm họa sĩ phải đặc biệt. Không đặc biệt thì không tồn tại được. Mình phải mới hoài trong sáng tạo.” Thật vậy, sáng tạo luôn đòi hỏi những cái mới lạ để nuôi dưỡng tình cảm và trí óc của con người. Nhưng chính trong cái mới đó, người họa sĩ tự khẳng định lại chính mình, vì để là mình, thì cái mới đó vẫn phải mang nhãn hiệu Ann Phong.
Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về họa sĩ Ann Phong và sáng tác của Cô tại: http://annphongart.com
Đời
“Giữa những màu sắc vui tươi và cảnh trí tươi đẹp từ thiên nhiên, vẫn có những xung đột dữ dội cho sự sống còn. Cuộc đời luôn có mặt đối nghịch, tưởng như là mâu thuẫn, nhưng vẫn theo những trật tự để diễn tiến, và kỳ diệu thay, đó là sự cân bằng theo nhịp điệu của đời sống.”
(Nguyễn Việt Hùng, về Chủ đề của chuỗi tranh Vòng Đời Nghiệt Ngã)
Nguyễn Việt Hùng – Vòng Đời Nghiệt Ngã
Vòng Đời Nghiệt Ngã được sáng tác từ năm 2011, với chất liệu sơn dầu và dát vàng trên gỗ. Điều làm tôi đặc biệt chú ý là những chi tiết rất tỉ mỉ trong loạt họa phẩm này. Tôi có hỏi là Anh có chịu ảnh hưởng của trường phái minimalism không, thì họa sĩ Việt Hùng trả lời, “Theo tôi thấy, thì đi xem các studio bây giờ đều thấy xu hướng này. Chi tiết đòi hỏi sự quan sát.”
Nguyễn Việt Hùng – Vòng Đời Nghiệt Ngã
Có nhiều chi tiết được lập lại trong loạt họa phẩm Vòng Đời Nghiệt Ngã, làm những mẫu số chung, nối kết các tác phẩm vào một đề tài. Tôi hỏi về dấu đồng tiền đô $ trên má con cá, thì họa sĩ hóm hỉnh nói, “Vì con cá lúm đồng tiền.” Thật à? Đùa thôi! Đó cũng là một cách nghĩ. Nhưng theo Việt Hùng, thì “Tôi đưa con cá lên con người, nhân cách hóa con cá, trám răng vàng cho nó. Những con cá có răng vàng thì giống như những ngân hàng lớn, những corporation. Nếu con người tham lam, thì con người sẽ tự hạ thấp mình. Cá có thể thành người, người có thể thành cá.”
Nguyễn Việt Hùng – Merry-Goround
Dị ứng tham lam à? “Giống như vụ biểu tình Occupy Wall Street hiện nay phải không?” tôi hỏi. Họa sĩ cười, gật gù, “Có thể…” Và có lẽ vì những suy tư đó, và nhiều suy tư khác mà người xem có được khi hội ngộ với tác phẩm, mà họa sĩ Nguyễn Việt Hùng đã nói, “Qua các tác phẩm của tôi, có khi người thưởng ngoạn lại trở thành những triết gia.”
Anh nói thêm, “Tôi nhìn thấy và diễn tả những nghiệt ngã với sự yêu mến cuộc đời, như một điều tự nhiên mà cá nhân tôi không thể làm gì hơn. Hình như công việc của tôi, một nghệ sĩ sáng tác, chỉ diễn tả những điều mình quan sát và cảm nhận được trong cuộc sống một cách trung thực nhất, thông qua chất liệu tạo hình để tạo nên những hình ảnh và màu sắc. Tôi không thể áp đặt những định kiến của mình vào tác phẩm, và đó là điều tôi mong muốn: tác phẩm của tôi tự nó có đời sống riêng-độc lập-trưởng thành.”
Việt Hùng đến với hội họa bằng con đường… vòng. Anh đi vòng qua trường Đại học Khoa học Sài Gòn trước 1975, bo cua sang công việc đồ họa, minh họa, và thiết kế dữ liệu từ năm 1982 khi định cư tại Hoa Kỳ. Và sau một thời gian dài tự đào luyện, anh trôi về bến hội họa, chính thức vào làng năm 2000. Chỉ trong 10 năm, anh đã tham gia và thực hiện hơn 60 cuộc triển lãm chung nhóm và cá nhân ở nhiều cấp độ, từ thành phố đến quốc tế.
Để tìm hiểu thêm về tác phẩm của Việt Hùng, xin quý độc giả liên lạc hay vào trang nhà: (310) 486-2848, monkool@yahoo.com, http://hung4art.blogspot.com/ hay www.yessy.com/nguyen-viet-hung.
Tandem Solo
Đây là lần đầu tiên tôi dự một cuộc chơi vừa chung vừa riêng như thế này. Hai họa sĩ, đứng chung một cuộc vui, mà vẫn giữ cái riêng của mình. Một cuộc đối thoại của màu sắc, ý tưởng, xu hướng, và sáng tạo.
Cuộc Triển Lãm Hội Họa ‘Tandem Solo’ vào thứ Bảy và Chủ Nhật mồng 8 và 9, tháng Mười, 2011 tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt đã khép lại giữa Biển-Đời. Nhưng những ý tưởng, suy tư, nhận định, và phong cách sáng tạo mới của hai họa sĩ sẽ còn tiếp tục mở ra trong những ngày tháng tới. Chúng ta cám ơn họ đã mang đến cho chúng ta Biển-Đời, và chúc họ say nét cọ.
Trong phòng triển lãm
Sự khích lệ lớn nhất của một họa sĩ, theo tôi, là sự đón nhận của cộng đồng. Tuy cả hai họa sĩ Việt Hùng và Ann Phong đều có tranh trong các bộ sưu tập riêng, điều họ tha thiết nhất có lẽ là cơ hội đến với những ai đồng điệu và quần thể người Việt nói chung. Khi không thấy giá biểu bán tranh, tôi có hỏi thì họa sĩ Ann Phong cho biết, “Mục đích chính không phải là để bán, mà là để tìm những người cùng tần số, những người đồng cảm. Chúng tôi muốn người xem cảm nhận tranh mà không nghĩ đến giá cả. Nếu họ thích mua, thì mới tính.”
Có lẽ chính vì điều này, mà hai họa sĩ trên, cũng như những họa sĩ khác trong cộng đồng gốc Việt, vẫn dành bao công sức để thực hiện những cuộc triển lãm như thế này, để bắt một nhịp cầu với đồng hương. Tôi chợt thấy thương họ nhiều. Tôi có nói với họ trước khi ra về, “Tội nghiệp các Anh Chị quá! Thường họa sĩ Mỹ chỉ vẽ tranh, có người tổ chức triển lãm cho, còn họa sĩ mình thì phải lo từ A đến Z.”
Một món quà đặc biệt mà họa sĩ Ann Phong gửi đến khách tham dự là bức tranh biển di động. Biển di động? Vâng, đây là một họa phẩm nhiều tầng, trên đó Cô dán nhiều mảng màu đại dương khác nhau bên trên một bức tranh tĩnh. Khi mỗi vị khách xem và dời đi một mảng màu, thì ‘mặt biển’ thay đổi, như một đại dương đang di chuyển thực thụ. Người xem có thể mang một mảng đại dương về, và nếu muốn có chữ ký của họa sĩ, thì có thể đóng góp $1 cho Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA. Và rất nhiều người đã xin chữ ký của Cô.
Là một giáo sư Mỹ Thuật tại Cal Poly, họa sĩ Ann Phong cũng có nhiều ‘groupies’ (sinh viên hâm mộ). Có em cùng đến tham dự triển lãm với phụ huynh, mãi từ Pomona, và xin Cô ký tên trên mảng đại dương của mình, đúng bốn chữ: “Tặng con gái yêu.”
Vâng, Biển-Đời là một món quà từ trái tim của hai họa sĩ chân chính, liên lỉ sáng tạo để làm mới nghệ thuật và làm quà cho những con gái yêu, con trai yêu, và gia-đình-Việt-tộc rất yêu.
TLQ:
- Nguyễn Bắc Truyển: Tù nhân chính trị Việt Nam – (DLB). --
- Việt Nam : hoãn phiên xử phúc thẩm ông Phạm Minh Hoàng – (RFI). – Hoãn phúc thẩm ông Phạm Minh Hoàng – (BBC).
– 9 dân biểu Mỹ kêu gọi VN trả tự do cho 13 nhà hoạt động Công giáo (VOA).
- - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Việc càng khó, càng muốn làm (CAND). Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Việc càng khó, càng muốn làm (CAND 13-10-11) -- Bài p/v dài của Hồng Thanh Quang
- Chính quyền Miến Điện hòa với dân để giải tỏa áp lực Tây Phương và cảnh báo Trung Quốc – (RFI). – Nền dân chủ ló dạng ở Miến Điện? – (RFA). – Đối lập Miến Điện kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị – (RFI). –
- Ngải Vị Vị ‘có ảnh hưởng nhất’ – (BBC). - Vì sao TQ đàn áp Pháp Luân Công? (RFA).
-- Phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục: Hàn Quốc lại đòi Nhật bồi thường (PLTP/Korea Times, Mainichi,
-- Lao động Việt Nam bị bỏ tù tại Ả Rập Xê – Út: Sẽ thuê luật sư bảo vệ quyền lợi lao động bị bắt (TP).
- Làm dâu xứ Hàn – Kỳ 1: Lạc lối ở Seoul (TT).
Toàn cầu hoá và đại học Mỹ: The de-globalization of American higher education? (FP 13-10-11)
Cách dạy đá bóng: How Jurgen Klinsmann Coaches the U.S. Men's Soccer Team (Atlantic 11-10-11) -- Klinsmann huấn luyên đội bóng quốc gia của Mỹ như thế nào!
-------