Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Lịch sử lại tái diễn!

Lữ Giang

Chỉ quan sát qua, chúng ta cũng có thể thấy những bài bản mà người Mỹ đã áp dụng tại Việt Nam trước 1975, nay cũng được tái áp dụng ở Afghanistan, ở Iraq, ở các nước Trung Đông và Bắc Phi. Nhìn vào cuộc chiến Libya vừa tạm chấm dứt, chúng ta cũng có thể thấy những thủ đoạn mà CIA đã áp dụng để lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, cũng đã được áp dụng để lật đổ và giết Tổng Thống Gaddafi. Điều đáng ngạc nhiên là chính phủ Ngô Đình Diệm đã bị Mỹ “gài độ” ngay từ đầu nên khó cựa quậy, còn Gaddafi đang ở thế đối đầu với Mỹ, tại sao lại tự nguyện “nuôi khỉ nhòm nhà”, để chết một cách thê thảm?

Bỏ qua những chuyện linh tinh, chúng ta thử nhìn lại xem tại sao Hoa Kỳ và các nước NATO đã quyết định phải đánh chiếm Libya bằng mọi giá, và CIA đã dùng những thủ đoạn như thế nào để thực hiện cuộc đánh chiếm này.


TẠI SAO PHẢI GIẾT GADDAFI?

1.- Bài học kinh nghiệm

Lý do để lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất rõ ràng: Năm 1961, Phó Tổng Tống Johnson cầm đầu một phái đoàn tới thăm Việt Nam. Phó Tổng Thống Johnson đã đề nghị với Tổng Thống Diệm để quân đội Hoa Kỳ đến bảo vệ miền Nam Việt Nam, nhưng Tổng Thống Diệm tỏ ra do dự. Ngày 12.5.1960, Đại Sứ Nolting đã báo cáo như sau: “Ông Diệm đã nói với Phó Tổng Thống Johnson rằng ông ta không muốn quân chiến đấu Hoa Kỳ đến Việt Nam, trừ trường hợp miền Bắc công khai đưa quân xâm lược.”

Sau khi Phó Tổng Thống Johnson vừa trở về, ngày 15.5.1960 Tổng Thống Diệm đã gởi ngay cho Tổng Thống Kennedy một văn thư nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa hai bên và nói:

“Chúng tôi sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để cứu vãn xứ sở chúng tôi, và tôi biết rằng chúng tôi có thể trông cậy vào sự yểm trợ vật chất của quý đại quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thắng lợi cuối cùng."

Dĩ nhiên, ông Diệm phải bị lật đổ. Không phải chỉ ông Diệm mà ngay cả Tổng Tống Kennedy khi ngăn cản việc mở cuộc chiến tại Việt Nam, cũng phải chịu chung số phận. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống Kennedy đã hỏi: “Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”. Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình: “Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó.”

Sau đó ông nói: “Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập.”

Trong khi đó, các thế lực tư bản đứng đàng sau muốn mở rộng chiến tranh và đổ quân vào Việt Nam để thực hiện các kế hoạch quốc phòng. Vì thế, ông đã bị giết ngày 22.11.1963 tại Dallas.

Trường hợp lật đổ và giết Tổng Thống Gaddafi cũng do giới đại tư bản Mỹ định đoạt gióng như trường hợp lật đổ và giết Tổng Thống Diệm.

2.- “Bảo vệ ngưởi dân” chỉ là chiêu bài

Theo Nghị quyết 1973 của HĐBA được thông qua ngày 17.3.2011, mục điêu chính của việc cấm vận và tấn công Libya là để “bảo vệ người dân Libya” (to protect the Libyan population), nhưng chẳng ai tin như vậy.

Congo được các chuyên viên LHQ mô tả là “Địa ngục trần gian”: Phụ nữ và các bé gái bị cưỡng bức. Đàn ông bị tàn sát. Nạn dân bị giết bằng dao rựa và gậy gộc. Khoảng 800.000 người Tutsi và Hutu ôn hoà đã bị các phần tử Hutu cực đoan sát hại chỉ trong hơn 100 ngày. Tổng số người bị giết được ước luợng khoảng 2 triệu. Tại sao lúc đó LHQ, Hoa Kỳ và các nước thuộc khối NATO không can thiệp để “bảo vệ người dân”?

Cuộc nội chiến Nam–Bắc ở Sudan tàn phá nền nông nghiệp của nước này khiến khoảng 300.000 người chết đói, hàng chục ngàn người bị giết và trên 3 triệu người phải bỏ nước ra đi.

Khi cuộc tranh chấp bộ tộc diễn ra ở vùng Darfur, phía tây Sudan, Tổng Thống Bashir đã đàn áp thẳng tay làm khoảng 200.000 người bị thiệt mạng. Số người chết đói, chết vì bệnh tật rất cao. Số dân tỵ nạn lên đến hàng triệu người. Tổng Thống Bashir đã bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế truy tố về tội diệt chủng, tội ác đối với nhân loại và tội ác chiến tranh, và đã ra trát bắt giam, nhưng Liên Hiệp Phi Châu (gồm 15 nước) phản đối lệnh bắt giam này. Nay nước Sudan được chia làm đôi. Tại sao lúc đó LHQ, Hoa Kỳ và các nước thuộc khối NATO không can thiệp để “bảo vệ người dân”?

Các cuộc nổi loạn ở Somalia đã đặt đất nước này vào tình trạng vô chính phủ kéo dài 18 năm với hàng chục ngàn người bị giết hại, trên 3 triệu người phải bỏ nước ra đi. Tại sao LHQ, Hoa Kỳ và các nước thuộc khối NATO không can thiệp để “bảo vệ người dân”?

3.- Lý do thật sự của sự can thiệp

Mỹ và NATO đã không can thiệp vào các biến cố nói trên, tại sao lại can thiệp vào Libya? Chúng ta có rất nhiều bài phân tích có giá trị. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi xin chọn bài nói chuyện của ông Paul Craig Roberts dưới đầu đề “US To Recoup Libya Oil From China” được phổ biến trên Press TV và nhiều cơ qua truyền thông. Ông Paul Craig Roberts là cựu Thứ trưởng Tài chính của Mỹ và hiện là biên tập viên của tờ Wall Street Journal, nên chúng ta có thể tin ông là người có thẩm quyền trong vấn đề này.

Khi được hỏi tại sao Hoa Kỳ và khối NATO mở cuộc tấn công vào Libya, ông nói theo ông có ba lý do chính:

* Lý do thứ nhất là loại trừ Trung Quốc ra khỏi Địa Trung Hải. Trung Quốc đã đầu tư năng lượng mở rộng và đầu tư xây dựng tại Libya. Họ đang tìm đến châu Phi như một nguồn năng lượng trong tương lai.

* Lý do thứ hai là Mỹ muốn chống lại sự xâm nhập Châu Phi của Trung Quốc bằng tổ chức Bộ Tư Lệnh Mỹ - Phi (USAC), nhưng Qaddafi từ chối tham gia.

* Lý do thứ ba là Libya kiểm soát một phần của bờ biển Địa Trung Hải và nó không ở trong tay Hoa Kỳ.

Trong một bài phỏng vấn khác, ông nói rõ hơn:

“Chúng tôi cần phải lật đổ Gaddafi ở Libya và Assad ở Syria, bởi vì chúng tôi muốn đẩy Trung Quốc và Nga ra khỏi Địa Trung Hải. Để đảm bảo nhu cầu năng lượng của mình, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng ở miền đông Libya, giống như đã làm ở Angola và Nigeria. Đây là nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn không cho Trung Quốc có được các nguồn năng lượng theo cách mà Washington và London từng sử dụng từ những năm 30 của thế kỷ trước.”

Như vậy, “bảo vệ người dân Libya” hay thực thi dân chủ chỉ là những chiêu bài. Mục tiêu chính vẫn là dầu lửa.

TỰ CHỌN CÁI CHẾT CHO MÌNH

1.- Bài học kinh nghiệm

Để lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã phải chuẩn bị hơn 3 năm. Trước hết là chọn trong số các sĩ quan cao cấp được chính phủ VNCH gởi đi học khóa “Command and General Staff College” ở Kansas, Hoa Kỳ, để làm nội ứng và điều khiển cuộc đảo chánh. Hai người được chọn là Trần Thiện Khiêm Nguyễn Văn Thiệu.

Trần Thiện Khiêm đã được ông Huỳnh Văn Lang kết hợp vào Đảng Cần Lao từ lâu. Khi cuộc đảo chánh ngày 11.11.1060 xảy ra, Đại Tá Khiêm là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 kiêm Quyền Tư Lệnh Quân Khu 5, đã được lệnh đưa quân về dẹp cuộc đảo chánh. Tướng Trần Văn Đôn tiết lộ rằng khi đem quân về Sài Gòn, Đại Tá Khiêm có tiếp xúc với Đại Sứ Mỹ Durbrow và Tướng McGarr, người cầm đầu cơ quan MACV. Đại Tá Khiêm đã giải tỏa Sài Gòn và trở thành “con cưng” của ông Diệm, được thăng Thiếu Tướng và cho giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Cả ông Nhu lẫn ông Diệm đều không hay biết Trần Thiện Khiêm là điệp viên (agent) của CIA.

Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, sau khi đi học ngoại quốc về, có lẽ do sự sắp xếp của CIA, đã xin gia nhập Đảng Cần Lao, mặc dầu lúc đó đã xế chiều rồi, để được ông Nhu tin tưởng hơn. Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và là Quân Ủy Trưởng của Đảng Cần Lao, đã đón nhận Đại Tá Thiệu một cách hoan hỷ!

Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đã được cử đi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế. Đầu năm 1963, khi thấy tình hình lộn xộn, Tổng Thống Diệm đã đưa Đại Tá Thiệu về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 đóng ở Biên Hòa thay thế Đại Tá Nguyễn Đức Thắng, với nhiệm vụ “giải cứu thủ đô khi có đảo chánh”. Ông Nhu không hề hay biết Đại Tá Thiệu là người của CIA nên tiếp tay cho CIA!

Ngoài ra, năm 1962 Lucien Conein, một viên chức tình báo rất quen thuộc với Việt Nam, tuy đã về hưu nhưng được CIA tuyển dụng lại và gởi qua Sài Gòn làm cố vấn cho Bộ Nội Vụ của VNCH, nhưng trong thực tế, ông ta có nhiệm vụ móc nối với các tướng Việt Nam để chuẩn bị tổ chức đảo chánh và giúp Tướng Khiêm lập một kế hoạch đảo chánh hoàn chỉnh.

Trên đây là ba nhân vật chính trong cuộc đảo chánh lật đổ và giết ông Diệm. Về sau, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu cũng đã đóng vai trò chính trong kế hoạch làm mất miền Nam.

Khi Gaddafi bắt đầu hợp tác với Mỹ, CIA cũng đã dùng những thủ đoạn tương tự để hất cẳng Gaddafi và đưa tay sai của Mỹ lên, nhưng Gaddafi không có kinh nghiệm gì về các thủ đoạn này.

2.- Gaddafi bị CIA cho “vô cơ”

Một nhóm hoạt động nhân quyền đã tìm thấy rất nhiều tài liệu liên quan đến quá trình hợp tác giữa cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ và cơ quan tình báo MI6 của Anh với cơ quan tình báo Libya trong một văn phòng bị bỏ hoang của cựu Bộ trưởng Ngoại Giao Libya Moussa Koussa dưới thời ông Gaddafi.

CIA biết rất rõ Gaddafi rất ghét các nhóm Hồi giáo quá khích, nhất là al-Qaeda. Gaddafi muốn xây dựng chế độ dựa trên các bộ tộc chứ không dựa trên Hồi giáo, nên ông chủ trương thanh toán các nhóm Hồi giáo quá khích. Gaddafi đã từng là mục tiêu ám sát của nhóm khủng bố al-Muqatila (Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya) và Gaddafi cũng đã phát hành lệnh truy nã toàn cầu đối với trùm khủng bố Osama Bin Laden. Bắt được “mạch” của Gaddafi, CIA lập ngay kế hoạch hành động.

Tài liệu cho biết từ năm 2002 đến 2004, các cơ quan tình báo của Libya đã hợp tác chặt chẽ với CIA và MI6 trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Rất nhiều phần tử bị nghi ngờ có dính líu đến các tổ chức khủng bố đã bị CIA bắt giữ và dẫn độ tới Libya. CIA và MI6 cũng đã cung cấp cho cơ quan tình báo Libya các thông tin chi tiết về những người Arập bên ngoài Libya mà họ đang theo dõi, ngay cả khi CIA và MI6 không thấy những cá nhân này thật sự là mối đe dọa cho an ninh Libya.

Khi hợp tác với Mỹ và Anh như vậy, Gaddafi tưởng rằng địa vị của ông ngày càng vững chắc, ông không ngờ chính ông đang đào mồ chôn ông.

3.- Khi CIA ra tay

Trong cuộc chiến Libya vừa qua, người ta khám phá ra một số người đang chỉ huy cuộc nổi dậy tại Libya trước đó đã từng bị CIA bắt giữ và thẩm vấn, đặc biệt là Abdel Hakim Belhadj, một người đã bị CIA liệt vào danh sách đen và đã bị bắt giữ và được dẫn độ đến Libya, nhưng năm 2010 ông ta đột nhiên được trả tự do và được giao cho “sứ mạng” tổ chức nổi dậy chống Gaddafi!

Trong cuộc thẩm vấn nói trên, ông Paul Craig Roberts cho biết: Lực lượng vũ trang bạo loạn được sinh ra ở phần phía Đông của đất nước Libya. Và chúng ta biết rằng CIA đã dúng tay vào việc này, vì vậy lực lượng bạo loạn đã được trang bị vũ khí.”

Tờ New York Times số ra ngày 30.3.2011, có đăng một bài dưới đầu đề “C.I.A. Agents in Libya Aid Airstrikes and Meet Rebels (Mật vụ CIA ở Libya giúp đỡ các cuộc không kích và gặp các phe nổi dậy) nói rằng CIA đã đưa các điệp viên mật vào Libya để thu thập tin tức tình báo phục vụ cho các cuộc không khích và bắt liên lạc với các chiến binh đang chống lại quân đội trung thành với Gaddafi. Bài báo còn tiết lộ rằng vài tuần trước, Tổng Thống Obama đã ký một pháp lệnh mật (a secret finding), cho phép CIA cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác cho quân chống đối Gaddafi. Pháp lệnh mật này là thủ tục pháp lý cần thiết trước khi các hoạt động của CIA chính thức diễn ra. Năm 2009, ông Obama cũng đã ký một pháp lệnh mật tương tự để CIA mở rộng các hoạt động chống khủng bố ngầm tại Yemen.

Dĩ nhiên, Tòa Bạch Ốc không bao giờ xác nhận có các pháp lệnh mật đó.

Một bài báo đăng trên website Al Jazeera cho biết lực lượng đặc biệt của Mỹ và Ai Cập đã bí mật huấn luyện các tay súng nổi dậy ở Libya. Theo một lãnh đạo nổi dậy, ông ta đã trải qua một khóa đào tạo đặc biệt về các chiến thuật quân sự ở một cơ sở bí mật thuộc miền đông.

Gaddafi đã cho xây dựng những công trình ngầm khổng lồ dưới lòng quốc gia này, trong đó có cả những bunkers có khả năng chống bom hạt nhân. Ngoài hệ thống đường hầm quy mô dài hàng ngàn km ở thủ đô Tripoli, Libya còn có một hệ thống đường ngầm dẫn nước được mệnh danh là “Con sông nhân tạo vĩ đại”. Gaddafi tưởng rằng đây là những công trình không thể phá sập được bằng bom đạn. Hệ thống này liên kết Bab al-Azizia với nhiều địa điểm khắp Tripoli, các thị trấn xung quanh cũng như các khu vực sa mạc và bờ biển. Chính nó giúp ông Gaddafi và các cộng sự thân tín đột ngột xuất hiện ở những nơi mà người ta không ngờ tới. Thế nhưng nhờ những kỷ thuật quang tuyến kết hợp với hệ thống tình báo, CIA nắm được mọi ngỏ ngách và chỉ dẫn cho phi cơ NATO cách phá sập. Gaddafi phải bỏ chạy.

SAU MÙA SĂN GIẾT CHÓ?

Như chúng ta đã biết, vì lý do an ninh và quyền lợi về dầu hỏa, Hoa Kỳ đã dùng viện trợ cả quân sự lẫn kinh tế để biến một số lãnh tụ ở vùng Trung Đông và Bắc Phi thành công cụ của Mỹ, chẳng hạn như Tổng Thống Hosni Mubarac của Ai-Cập, vua Hamad bin Isa Al Khalifah của vương quốc Bahrain, Quốc Vương Abdullah bin Abdulaziz al-Saud của Arabia Saudia, Giáo Trưởng (Emir) Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah của Kuwait, Tổng Thống Khalifa bin Zayed Al Nahayan của Tiểu Vương Quốc A-rập Thống Nhất, Quốc Vương Abdullah II của Jordan, Quốc Vương Sheikh Hamad bin của Qata, Quốc Vương Qaboos bin Said Al Said của Oman, Tổng Thống Ali Abdullah Saleh của Yemen, v.v.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến do liên quân Mỹ-Anh-Pháp thực hiện vừa qua đã tác động xấu đến mối quan hệ được xem là nồng ấm giữa cộng đồng tình báo Mỹ và những chính quyền của thế giới A-rập.

Ông Mohamed Hosni Mubarak đã làm Tổng thống Ai-Cập từ 14.10.1981, sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mohammed Anwar El-Sadat. Mubarak đã làm Tổng Tống đến nhiệm kỳ thứ năm, tức đã 30 năm. Trong 30 năm, ông đã có sự hợp tác rất đắc lực với Mỹ: Mỹ đã hiện đại hóa trang bị vũ khí và huấn luyện các lực lượng của Ai Cập. Ai Cập đã tham gia thường xuyên vào các cuộc tập trận với Hoa Kỳ và các nước Châu Âu cũng như các đồng minh A-rập, gồm những cuộc thao diễn hai năm một lần diễn ra tại Ai Cập.

Trong 30 năm cai trị, Mubarac đã dùng bàn tay sắt để cai trị nước Ai-cập, nhưng Mỹ và các nước Tây phương chẳng bao giờ đặt ra vấn đề dân chủ và nhân quyền với ông, vì ông là công cụ tốt. Nhưng những năm cuối đời, ông tỏ ra bướng bỉnh và không làm theo ý Mỹ nữa, nên Mỹ quyết định loại ông bằng một cuộc “cách mạng hoa lài” và thay thế bằng một nhân vật khác. Ông đã chịu từ chức nhưng bị tống giam vào nhà tù Tora ở phía nam Cairo về các tội tham nhũng và chống biểu tình.

Sau khi ông bị hạ bệ, những người kế vị ông vẫn tiếp tục “thực thi dân chủ” bằng các biện pháp hung bạo như ông, nhưng Mỹ và các tổ chức nhân quyền chẳng nói gì cả. Bản tin của hãng thông tấn Zenit ngày 11.10.2011 cho biết một biến cố đẫm máu nhất kể từ khi Mubarak bị hạ bệ, đã làm 24 người chết và 212 người bị thương: Một số người Thiên Chúa Giáo Coptic đã tổ chức biểu tình khi một số người Hồi Giáo quá khích đốt nhà thờ của họ, nhưng chính quyền chẳng làm gì cả. Lực lượng an ninh và quân đội đã dùng xe bọc thép và nổ súng để dẹp cuộc biểu tình với kết quả bi thảm như đã nói trên. Linh mục Daoud cho hay ngài thấy xe tăng cán lên 5 người biểu tình.

Số phận của Tổng Thống Gaddafi, một người đã tự nguyện hợp tác với Mỹ, còn bi thảm hơn số phận của Tổng Thống Mubarac. Chưa ai biết số phận của Tổng Thống Yemen là Ali Abdullah Saleh sẽ như thế nào vì ông ta đã đã để cho CIA xâm nhập quá sâu vào các cơ cấu nội bộ của Yemen.

Pakistan và Việt Nam đã thu nhận bài học đau thương của VNCH nên luôn giữ một khoảng cách với Mỹ.

Lịch sử đang tái diễn. Phương châm “Sau mùa săn giết chó” của Mao Trạch Đông đang được áp dụng tại các nước Bắc Phi và Trung Đông.

Ngày 25.10.2011
Lữ Giang
-Lịch sử lại tái diễn!

-----Tin sốc: Đại tá Gaddafi có thể vẫn còn sống giaoduc.net.vn/
Gaddafi chết, phương Tây chưa hết “ác mộng” (VnMedia). - Saif al-Islam: Tôi vô tội (NLĐ/Reuters).  – Đằng sau quyết định hủy bỏ lệnh cấm bay ở Libya của Liên hợp quốc (DVT/THX).

-Libya từ một tấm ảnh (25/10/2011)

(Tamnhin.net) - Sau những tấm ảnh về cái chết của ông Muammar Gaddafi, thê thảm và đáng tiếc, trên truyền thông có một tấm ảnh lại gợi nhiều suy nghĩ.

Đó là tấm ảnh của Reuters, chụp một đoàn người với lời chú thích “nhiều người Libya xếp hàng ở Misrata ngày 22-10 để tận mắt thấy thi thể ông Muammar Gaddafi”.

Có nhiều người đứng khuất lấp nhau, nhưng đếm kỹ thấy có chừng 22 người, trong đó 14 người rõ mặt. Một người rõ mặt đang giơ tay, la hét điều gì đó; hai người ngoảnh nhìn người la hét; một người cười vẻ hể hả; 10 người nhìn bâng quơ phía trước hoặc sang bên. Hàng lối xộc xệch thể hiện sự không trang nghiêm, thậm chí không thấy sự thương xót.

Thi thể ông Gaddafi được để trong kho lạnh của một siêu thị cũ của thành phố Misrata, nơi vẫn ướp lạnh thịt súc vật. Có thể nghĩ gì khi nhìn người dân Libya trong thái độ như thế “để tận mắt thấy thi thể” người đã cai trị Libya suốt 42 năm qua. Hiển nhiên, họ không đại diện được cho 6 triệu người dân Libya. Nhưng nhìn họ, cũng như nhiều người Libya nhảy múa ăn mừng khi nghe tin ông Gaddafi đã chết, thì hẳn phải nghi ngờ lời tuyên bố của ông Gaddafi khi còn sống là ông được “nhân dân yêu mến”.

Cuộc sống vốn chân thực một cách vô cùng giản dị và dễ hiểu qua hình ảnh người dân. Nhìn hình ảnh người dân Libya, có thể thấy được sự thay đổi rất lớn giữa người sỹ quan 27 tuổi đào tạo trong quân đội tại Anh Quốc trở về Libya lật đổ Quốc vương Idris bằng cuộc đảo chính không đổ máu ngày 1-9-1969, với người sau 42 năm làm lãnh tụ Libya. Sự thay đổi ấy ít nhất bằng khoảng cách từ một sỹ quan trẻ có phong thái hấp dẫn và nhiệt thành phê phán phương Tây thực dân, bảo vệ quyền lợi dầu mỏ của đất nước Libya, đến chỗ tự xưng là “vua của các ông vua”. Đó là khoảng cách từ một người sinh ra trong nhân dân đến một người muốn đứng trên nhân dân.

Ông Gaddafi sinh ra trong một gia đình thuộc bộ tộc Bedouin, lớn lên ở khu định cư Sirte nằm trong sa mạc. Với cuộc cách mạng năm 1969, ông tiêu biểu cho một sự dứt khoát của nhân dân Ả Rập đối với tàn tích của chế độ thực dân cũ. Vua Idris, người đã giao tài nguyên dầu lửa mới được khám phá của Libya cho các công ty phương Tây, để những công ty này chia lại phần lời ít ỏi cho Libya. Cuộc đảo chính của Gaddafi lập ra chế độ mới đã buộc các công ty dầu lửa nước ngoài phải chia cho Libya nhiều lợi nhuận hơn. Chế độ của ông Gaddafi đã mang lại thịnh vượng cho người dân Libya bình thường.

Nhưng phải khẳng định, cuộc cách mạng 42 năm trước là của nhân dân Libya, không phải của viên sỹ quan trẻ Gaddafi, chẳng qua ông Gaddafi được sinh ra từ cuộc cách mạng ấy. Nên khi ông Gaddafi tuyên bố là “vua của các ông vua” thì ông đã không ở trong nhân dân nữa, ông đã chết trong lòng nhân dân Libya, không phải đợi đến ngày 20-10-2011, bị lôi ra từ một cái cống thoát nước để bị bắn vào đầu. Ông Gaddafi đã chết nhưng nhân dân Libya thì vẫn còn, đất nước Libya vẫn còn.

Mọi sự mất mát đều đáng tiếc, nhưng cái kết cục của ông Gaddafi cũng như hàng chục nghìn người dân Libya bị bom đạn giết chết trong tám tháng qua, là cái kết cục quá đau thương của một cuộc cách mạng sau 42 năm. Tại sao lại như thế? Sẽ có nhiều phân tích luận giải, nhưng chắc chắn lỗi lầm không ở phía nhân dân Libya. Còn ông Gaddafi thì chắc phải có phần trách nhiệm chính.

Không vô cớ, ngày 27-6-2011, Tòa án hình sự quốc tế ra bản cáo trạng số ICC-01/11, trong đó liệt kê tội trạng ông, như đọc diễn văn trên truyền hình nhà nước ngày 15-1-2011 “đã khẳng định ý định tận diệt mọi sự phản kháng chống chế độ”. Cũng theo bản cáo trạng, ông Gaddafi tuyên bố ngày 22-2-2011: “Chúng ta sẽ di dời hàng triệu người để lành mạnh hóa từng centimet của đất nước Libya, từng ngôi nhà, từng con ngõ” và để làm điều đó “lực lượng an ninh đã trải ra trên khắp nước”.

Đứng trên nhân dân và đối nghịch với nhân dân, ông Gaddafi đã nhanh chóng trở thành một thủ lĩnh độc tài. Mohamad Bazzi là Phó Hội viên thâm niên nghiên cứu tình hình Trung Đông tại Hội đồng về Quan hệ đối ngoại và là Phó giáo sư ngành Báo chí tại Đại học New York, viết “thật bất hạnh cho ông và cho cả Libya, ông đã phản bội cuộc cách mạng của chính mình”. Còn trong cuốn hồi ký No Higher Honor (Không vinh dự nào lớn hơn) của bà cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice kể lại cuộc viếng thăm chính thức Libya của bà vào tháng 9/2008 để gặp ông Gaddafi; cuốn hồi ký sẽ phát hành ngày 2/11/2011 và đã được báo Mỹ Daily Beast trích đăng một số chương; đã nhận định: “Sau chuyến thăm, tôi hiểu rằng cuộc đời Gaddafi dài hay ngắn do chính ông ta quyết định”.

Libya lại bắt đầu một cuộc cách mạng mới, nhằm đảm bảo tốt hơn những nguyện vọng của nhân dân. Dẫu còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng đất nước Libya với lá cờ xanh màu lá cây vẫn chứng tỏ sống động chân lý: Nhân dân là vĩnh viễn.

Sáu Nghệ

Tổng số lượt xem trang