Theo Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, từ tháng 3 đến tháng 7/2009, bị cáo Lê Hồng Bàng cùng 2 nghi phạm đang bị truy nã là Hoàng Văn Cường (Giám đốc Công ty Cường Thịnh) và Hà Tuấn Linh (Giám đốc Công ty Hoàng Hà) đã tự “vẽ” lên 4 dự án bất động sản, nằm trên địa phận xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.
Nhóm đối tượng này tự đặt tên các dự án là 683, Lộc Hòa, Cửu Long, Phương Đông, rồi thuê thiết kế dự án. Công ty Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Hoàng Hà nhận là chủ đầu tư 4 dự án trên. Sau đó, các đối tượng này rao bán nhà tại các dự án vừa “vẽ” ra, trực tiếp giới thiệu và cam kết tính khả thi để người mua tin tưởng, giao tiền dưới hình thức “hợp đồng vay vốn” để đăng ký mua căn hộ.
Trong 4 tháng, bị cáo Bàng đã nhận trực tiếp hoặc qua trung gian hơn 340 tỉ đồng của gần 400 khách hàng có nhu cầu mua căn hộ. Căn cứ tài liệu thu chi của Phòng Kế toán Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam, trong tổng số tiền thu của 659 khách hàng đã được Tổng giám đốc Lê Hồng Bàng chi như sau: trả lại 61 tỉ đồng cho khách hàng rút đơn, thanh lý hợp đồng; chuyển Công ty CP Đầu tư Phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh 165,9 tỉ đồng; chuyển Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà 39,3 tỉ đồng; Lê Hồng Bàng giữ lại 17,4 tỉ đồng; chi cho Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam và 10 công ty thuộc Tập đoàn Bất động sản Phương Đông do Bàng là thành viên sáng lập 68 tỉ đồng…
Ngoài ra, Cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện thêm Công ty CP Đầu tư Phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh đã thu 48 tỉ đồng và Công ty CP Đầu tư và thương mại Hoàng Hà thu 40 tỉ đồng của khách hàng. Tuy nhiên, Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh là Giám đốc của 2 công ty này đang bỏ trốn.
Kết quả khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Lê Hồng Bàng, Cơ quan Công an đã thu giữ nhiều tài liệu thể hiện việc Lê Hồng Bàng sử dụng tiền thu của khách hàng cho mục đích cá nhân như chuyển cho bố đẻ 2,6 tỉ đồng, mua sắm trang thiết bị cho công ty, mua 4 ôtô 7 chỗ, mua đồ dùng cá nhân và gia đình, trả nợ… Trong quá trình điều tra, Bàng đã khắc phục, đền tiền cho 131 người, còn hơn 202 tỉ đồng thì chưa có khả năng thanh toán. Do hai đồng phạm Cường và Linh hiện vẫn đang bị truy nã nên bị cáo Bàng buộc phải bồi hoàn số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Vẫn không tin là “đất ảo”
Lê Hồng Bàng tại tòa
Cho đến tận ngày bị cáo Lê Hồng Bàng đứng trước tòa, một số bị hại vẫn còn tin rằng các dự án bất động sản trên là có thật. Nhiều người khẳng định mình đã đến công ty của Bàng xem sơ đồ dự án, thậm chí ra tận hiện trường, tận mắt nhìn thấy “khung cảnh” san lấp, có cả máy xúc, máy ủi… Tuy nhiên, HĐXX đã khẳng định: Không có cơ sở pháp lý chứng minh những khu đất nói trên là của Lê Hồng Bàng. Bị cáo đã lợi dụng lòng tin của các khách hàng để lừa đảo.
Một bị hại cho biết, qua trung gian được biết dự án sắp hoàn thành nên rất tin tưởng. Ông đến công ty của Bàng thấy sơ đồ của các dự án treo đầy tường. Thậm chí ông còn “…đến tận công trường để xem xét, thấy có san lấp mặt bằng. Ngoài ra, người trung gian luôn điện thoại thúc giục báo dự án sắp hoàn thành nên tôi càng tin”.
Tại phiên xử ngày 16/11/2011, Bàng vẫn ngoan cố cho rằng, nếu được tha sẽ tiếp tục thực hiện các dự án. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định, bị cáo không được các ngành chức năng cấp đất cho các dự án trên và bị cáo không có căn cứ pháp lý chứng minh đất của 4 dự án đó là của mình.
Cận cảnh những “chiếc bánh vẽ”
Theo tài liệu của CQĐT, mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, giao đất hoặc cho thuê đất, chưa phê duyệt về quy hoạch kiến trúc, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng và chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng Lê Hồng Bàng đã câu kết với Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh tạo dựng 8 dự án xây dựng nhà ở để thu hàng trăm tỉ đồng của khách hàng.
8 dự án nhà ở này gồm: Dự án khu nhà ở Bảo Nam, phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai với quy mô 16,4ha; Dự án khu nhà ở thấp tầng, cao tầng tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, quy mô 197.000m2 cùng 6 dự án tại huyện Từ Liêm gồm Dự án khu đô thị 683 tại xã Minh Khai (quy mô 40ha); Dự án khu nhà ở Lộc Hòa thuộc xứ Đồng, đội 10 xã Minh Khai (4ha); Dự án khu nhà ở thấp tầng Cửu Long tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai (25.000m2); Dự án khu nhà ở Phương Đông tại thôn Phúc Lý, Minh Khai (4ha); Dự án khu đô thị Cát Lãm tại đường Lê Văn Lương, xã Đại Mỗ và Dự án khu nhà ở và văn phòng tại đất xen kẹt xã Mỹ Đình (quy mô 2.000 – 3.000m2).
Sau khi tạo dựng ra 8 dự án nêu trên, lợi dụng chủ trương cải cách hành chính, các doanh nghiệp đã làm văn bản gửi UBND thành phố xin chủ trương. Khi có văn bản trả lời của UBND TP và các ngành chức năng, các doanh nghiệp đã sử dụng văn bản đó để quảng bá, coi như dự án đã được phê duyệt, sau đó lập các bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng, không gian kiến trúc cảnh quan; quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị, khu nhà ở với tỉ lệ 1:500; mô phỏng thiết kế các biệt thự, nhà liền kề và khu chung cư; phối cảnh tổng thể không gian kiến trúc và cảnh quan; lập bảng thống kê sử dụng đất và bảng thống kê một số chỉ tiêu của dự án, từ đó quảng cáo trên mạng và huy động vốn với giá rẻ so với thị trường khiến nhiều người lầm tưởng đây là những dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên đã nộp tiền đầu tư.
Lê Hồng Bàng khai nhận, Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam đăng ký lần đầu tháng 4/2008. Đến tháng 12/2008, Bàng gặp Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường, thống nhất liên doanh lập dự án xây nhà ở tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. Theo đó, Cường và Linh có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ pháp lý lập dự án, còn Bàng huy động vốn và thi công xây dựng.
Sau khi thỏa thuận, từ tháng 3/2009, Lê Hồng Bàng thuê làm một số thủ tục như hồ sơ pháp lý của công ty, vẽ bản đồ thiết kế chi tiết quy hoạch các dự án, thông qua môi giới quảng cáo về tính khả thi của dự án để bán cho khách hàng. Từ tháng 3 đến tháng 6/2009, Bàng chỉ đạo nhân viên của công ty thu tiền của khách với giá 10-14 triệu đồng/m2, đồng thời thu tiền chênh lệch giá không có phiếu thu từ 3-3,5 triệu đồng/m2. Đến tháng 7/2009, Bàng không cho nhân viên thu tiền vênh mà đưa luôn vào hợp đồng vay vốn với giá từ 18-19 triệu đồng/m2.
Trong 4 dự án tại huyện Từ Liêm, Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam đã thu tiền của khách hàng đầu tư vào các dự án như sau: Dự án 683 thu hơn 181 tỉ đồng, Dự án Lộc Hòa thu 24,5 tỉ đồng; Dự án Cửu Long thu 63,4 tỉ đồng; Dự án Phương Đông thu 63,6 tỉ đồng. Ngoài ra, số tiền chênh lệch mà Bàng đã thu ngoài hợp đồng khoảng 20 tỉ đồng. Cũng theo khai nhận của Bàng thì những người môi giới còn đưa cho Bàng 2 tỉ đồng để chi tiêu riêng.
Theo CQĐT, ngoài liên kết với Công ty Cường Thịnh và Hồng Hà, Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam còn liên kết với 3 doanh nghiệp khác để huy động vốn của khách hàng trong các dự án chưa được phê duyệt, đang được tiếp tục làm rõ.
Không phải là bài học đầu tiên
Đây là bài học cho những người có nhu cầu mua nhà và căn hộ, trước những thủ đoạn khó lường và “muôn hình vạn dạng”. Thời gian qua, đã có không ít vụ lừa bán bất động sản chứ không chỉ có vụ Lê Hồng Bàng cùng 2 đồng phạm Cường và Linh. Cơ quan CSĐT đã lật tẩy hàng loạt các vụ lừa bán bất động sản tương tự. Điển hình như vụ Nguyễn Sỹ Quyết (tức Nguyễn Sỹ Điều) – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Kinh Đô đã bỏ trốn với 63 tỉ đồng lứa bán đất, vụ Nguyễn Hữu Trọng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Quốc tế Galaxy BSG Việt Nam cùng đồng phạm chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng trong việc bán nhà chia lô tại “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”… Cần đặc biệt lưu ý, điểm chung của những vụ án lừa đảo này là các đối tượng thường tự thành lập công ty, tự phân công đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch HĐQT, giám đốc rồi lập các dự án “ma” và rao bán.
Thị trường nhà đất tại Từ Liêm liêu xiêu sau vụ án tại Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam, khách hàng nhốn nháo tìm đến các cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ đòi lại tiền. Sau khi vụ án bị khởi tố, các thành viên sáng lập của 3 công ty trên đã thuê các giám đốc công ty mới để tiếp tục thực hiện dự án.
Sáng 25/10 vừa qua, tại Nhà văn hóa huyện Từ Liêm, dàn lãnh đạo mới của 3 công ty trên đã tổ chức hội nghị khách hàng nhằm giải quyết “tàn dư” của những vi phạm pháp luật của Lê Hồng Bàng và hai đồng phạm. Đại diện 3 công ty này đã khẳng định sẽ thực hiện dự án đến cùng và tuân thủ mọi quy định của UBND TP Hà Nội. Khi dự án được duyệt cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm hoàn thành trước thời hạn; cam kết thực hiện dự án đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Điều đáng nói, tại hội nghị này, lãnh đạo các công ty trên hứa sẽ đứng ra giải quyết mọi vấn đề liên quan đến khách hàng. Nhà đầu tư nào không mua nhà nữa sẽ được trả lại tiền; nhà đầu tư nào muốn tiếp tục mua nhà, các công ty này sẽ đứng ra bảo lãnh quyền lợi. Mọi động thái đều hướng tới việc không có khách hàng nào bị thiệt thòi sau khi 3 cá nhân trên bị khởi tố và xét xử. UBND TP Hà Nội, CQĐT và các cơ quan chức năng khác sẽ tiếp tục theo dõi hành động “sửa sai” này trong việc giải quyết hậu quả.
Án chung thân cho tác giả các “bất động sản ảo”
-- Nhà tái định cư kém chất lượng, dân không chịu ở (TP).- Ngô Nhân Dụng: Ðịa ốc làm cả nền kinh tế ngưng trệ — (NV). -Để dạy học - Dynamic pricing: Broadway Hits Make Most of Premium Pricing (NYT 25-11-11) -- Một ứng dụng bất ngờ và thú vị của dynamic pricing
- -----