Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Thanh Hóa: Chuyển đổi hay phá rừng?

-(Dân trí) - Với việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su mà thời gian qua, hàng trăm ha rừng ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đang bị các chủ rừng “xẻ thịt” không thương tiếc...
 

Để mục sở thị, phóng viên Dân trí đã có mặt tại một khu rừng thuộc địa bàn của xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Theo con đường đất nối từ đường mòn Hồ Chí Minh đi sâu vào khoảng 15km, qua Trạm bảo vệ rừng Đá Chai, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng khoảng 5km, bắt đầu xuất hiện cảnh tượng những thân cây gỗ to một người ôm không hết đã được cưa xuống nằm la liệt bên đường.
“Ở đây trước là cánh rừng xanh, rậm rạp và nhiều gỗ to lắm, nhưng bây giờ thì đấy, chẳng còn gì nữa, nhìn thấy ma xót xa cho rừng quá”, một người địa phương dẫn đường cho biết.
Càng đi sâu vào trong rừng, những khoảng trống bắt đầu hiện ra bởi những ngọn đồi cao trơ trọi chỉ còn lại cây bụi mọc lên sau khi những cánh rừng bị tàn phá từ lâu. Qua tìm hiểu, được biết, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng là một trong những đơn vị tham gia “cải tạo” đất rừng để trồng cao su trên địa bàn huyện Như Xuân.
Được biết Bộ NN&PTNT ban hành thông tư 58 hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp; tiếp đó UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch trồng cao su đến năm 2015 và Quyết định 4116, ngày 18/11/2010 về việc chuyển rừng sang trồng cao su tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng, huyện Như Xuân. Theo quyết định 4116 thì thời gian chuyển đổi là 180 ngày kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên đến nay đơn vị này vẫn khai thác và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.  
Cùng với đó, huyện Như Xuân đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ cho các đơn vị và người dân cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cao su. Đồng thời, huyện Như Xuân cũng đã ký 65 quyết định cho phép hộ gia đình cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và sản lượng lâm sản tận thu, tận dụng với tổng diện tích 1.016ha tại 10 xã.
Đến thời điểm này, theo các quyết định cho phép của UBND tỉnh Thanh Hóa và huyện Như Xuân thì hơn 350 ha, trong tổng số 1.016ha rừng trên địa bàn huyện Như Xuân được chính quyền "bật đèn xanh" để cải tạo đã bị “xẻ thịt” để trồng cao su thì đã có hơn 40ha đưa vào trồng keo, gần 50ha đã trồng sắn; một số hộ lấy đất trồng mía và có 12ha ở xã Xuân Hòa sau hơn 1 năm cải tạo đến nay đất vẫn đang bỏ hoang.
Trong định hướng Quy hoạch tại Quyết định số 750, ngày 3/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 có điểm nói rõ là vùng Bắc Trung Bộ tiếp tục trồng 20 nghìn ha cao su, chủ yếu sự dụng đất nông nghiệp, để ổn định diện tích 80.000 ha.  
Còn Thông tư 58 của Bộ NN&PTNT cũng đề cập đến đất lâm nghiệp được trồng cao su là rừng gỗ chưa có trữ lượng: rừng gỗ có đường kính bình quân nhỏ hơn 8cm, trữ lượng cây đứng bình quân dưới 10m3/ha thì mới được chuyển đổi.
Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, nói là rừng nghèo kiệt nhưng có những thân cây gỗ có đường kính trên 1m, dài hàng chục mét nằm la liệt. 
Ông Phạm Tiến Tao, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng cho biết: “Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng được giao quản lý hơn 8.000 ha thuộc địa bàn hành chính của ba xã là: Xuân Hòa, Xuân Qùy và Thanh Hóa. Trên địa bàn huyện Như Xuân thì nhiều chỗ khai thác. Chúng tôi đã được tỉnh giao cho cải tạo rừng chuyển đổi trồng cao su hơn 200 ha rừng nghèo kiệt tại các tiểu khu 624, 638, 627, 646 nhưng hiện tại chúng tôi đang cải tạo 116,4ha. Theo thiết kế thì có những cây gỗ có đường kính 74cm”. 
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết năm 2010 của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng thì nhiệm vụ của Ban là bảo vệ và phát triển vốn rừng. Và theo khặng định trong báo cáo này thì diện tích rừng và đất rừng ở đây còn giàu tài nguyên!?
Bên cạnh đó, tình trạng chuyển nhượng đất rừng cũng đang diễn ra trên địa bàn huyện Như Xuân. Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết nhiều cá nhân và đơn vị đã tham gia chuyển nhượng hàng trăm ha đất rừng trên địa bàn. Việc chuyển nhượng đất rừng được Nhà nước giao diễn ra hết sức lộn xộn, phức tạp, cùng với đó là sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và các ngành chức năng vô hình chung đã tạo sơ hở khiến những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc.
Chưa biết lợi ích gì từ việc chuyển đổi đất rừng trồng cao su, nhưng sự hủy hoại về tài nguyên thiên nhiên thì đã thấy rõ trước mắt…
Những hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại một khu rừng đã bị đốn hạ:
Gỗ rải khắp dọc đường đi
Những gốc cây vừa bị đốn hạ 
Những cây gỗ Trâm có đường kính gần 1 m bị đốn hạ
Kiểm lâm kiểm tra xe chở gỗ trên đường mòn Hồ Chí Minh
Những bãi gỗ la liệt trong rừng
Rừng bị tàn sát từ lâu nhưng chưa thấy cao su đâu
Những cánh rừng như thế này tới đây sẽ không còn màu xanh
Duy TuyênThanh Hóa: Chuyển đổi hay phá rừng? (DT).

Tổng số lượt xem trang